Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Size 12 Không Phải Là Mập

Chương 2

Tác giả: Meg Cabot

“Tôi thấy hai người

Hôn nhau, ôm nhau

Anh bảo tôi

Đó chỉ là em họ anh thôi

Có mà nằm mơ

Có mà nằm mơ

Có mà nằm mơ.

Nếu anh cần tôi

Đừng nên lừa dối.

Chuyện giữa tôi và anh,

Thật ra là thế nào đây?

Có mà nằm mơ

Có mà nằm mơ

Có mà nằm mơ.”

Có Mà Nằm Mơ

Trình bày – Heather Wells

Sáng tác – Valdez/Caputo

Album: Sugar Rush Cartwright Records

**********

Điều đầu tiên tôi nhìn thấy khi quành qua góc phố dẫn đến Washington Square West là một cái xe cứu hoả đang nằm chình ình trên vỉa hè thay vì dưới đường là bởi có một gian hàng bán quần lót in hình hổ báo với giá 5 đô một chiếc – quả là một món hời, trừ việc nhìn kỹ sẽ nhận ra ngay mấy cái quần này viền một thứ đăng-ten có vẻ sẽ gây ngứa – đã choán mất chỗ ấy rồi.

Thành phố hiếm khi nào chắn đường Washington Square West, nơi Fischer Hall toạ lạc. Nhưng vào ngày thứ Bảy đặc biệt này, ắt hẳn hiệp hội nào đó trong vùng đã nhờ vả ân huệ của một thành viên trong hội đồng thành phố hay gì gì đấy, mà đóng cửa cả một phần của công viên để tổ chức hội chợ đường phố. Bạn biết tôi đang nói đến loại hội chợ nào rồi chứ? Đại loại là có những gã bán hương trầm, mấy thằng cha bán tất hạ giá, những hoạ sĩ vẽ chân dung biếm hoạ và những ông hề xiếc bán tượng quấn bằng dây kẽm.

Lần đầu tiên được đến một hội chợ đường phố ở Manhattan, tôi cũng tầm tuổi mấy đứa nhóc mà tôi làm cùng bây giờ. Là hồi đó thì hẳn tôi đã rú lên, “Ối, hội chợ. Vui quá!” Hồi đó tôi đâu biết có thể mua tất cả ở Macy’s với cái giá còn rẻ hơn loại tất mà thằng cha kia đang bán cơ chứ.

Nhưng thực sự là, chỉ cần đến xem một cái hội chợ đường phố ở Manhattan thôi thì cũng coi như bạn đã đi hết mọi hội chợ rồi.

Mà thật trông không gì lạc lõng bằng một gian hàng bán đồ lót ngay trước cửa Fischer Hall. Đây đơn giản không phải là loại nhà có thể kết hợp với một hàng quần lót! Toà nhà Fischer Hall vươn lên đầy ngạo nghễ trên công viên Washington Square kia được xây bằng gạch đỏ từ tận khoảng năm 1850. Tôi biết điều đó từ một số tài liệu tìm được trong ngăn bàn ngay ngày đầu tiên tiếp quản công việc, và rằng cứ 5 năm một lần, thành phố lại bắt trường thuê một công ty đến cạo hết vữa cũ ra để thay một lớp vữa mới, sao cho gạch của toà nhà không rớt ra và đáp coong coong vào đầu người ta

Ý thì hay đấy, tôi nghĩ vậy. Thế nhưng, mặc cho những nỗ lực của thành phố, vẫn có những thứ rơi rớt khỏi Fischer Hall và đập vào đầu người ta như thường. Đấy là tôi không nói đến chuyện gạch đá. Tôi đã nhận được những báo cáo về các loại chai, lon, quần áo, sách vở, CD, rau củ, những thanh kẹo Good & Plentys, và một lần nọ là hẳn một chú gà quay nguyên con đáp xuống mặt đường.

Nói cho bạn biết: mỗi khi đi ngang qua Fischer Hall, lúc nào tôi cũng phải nhìn lên, cẩn tắc vô áy náy.

Tuy nhiên, hôm nay thì không. Hôm nay tia nhìn của tôi dính chặt vào cửa chính của toà nhà. Tôi đang cố nghĩ cách xem làm sao để lẻn được vào trong qua cái đám đông vị đại – và cả cảnh sát New York nữa – đang án ngay trước cửa. Có vẻ như cùng với vài tá khách du lịch lượn lờ hội chợ, khoảng một nửa số “cư dân” của Fischer Hall đang đứng ở bên ngoài, chờ người ta cho phép vào lại bên trong toà nhà. Bọn nhóc không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi biết thế vì nghe chúng la hét hỏi han nhau trên nền tiếng sáo ngang phè vang lên từ một gian hàng khác ngay trước toà nhà, hình như là gian hàng bán…ờ… cát-sét nhạc sáo Pan gì gì đấy.

“Có chuyện quái gì vậy?”

“Ai biết! Có cháy hả?”

“Lại thằng điên nào để cho nồi lá thơm sôi cạn khô đi chứ gì.”

“Không, là thằng Jeff đấy. Đảm bảo nó lại làm rớt tẩu thuốc cho mà xem.”

“Jeff, mày tệ ghê luôn á!”

“Lần này không phải tao, thề!”

Bọn nhóc chưa biết có một vụ án mạng xảy ra trong toà nhà. Chứ biết thì chắc chúng đã chẳng đứng đây mà đùa về nước với thuốc như vậy. Tôi nghĩ thế.

Okay, là tôi hy vọng thế.

Rồi tôi chợt tia thấy một gương mặt quen quen, người này chắc chắn biết chuyện gì đang xảy ra. Nhìn mặt chị là tôi biết ngay. Chị không phải chỉ bời bời vì bên cứu hoả không cho chị vào lại bên trong. Chị bời bời vì chị biết.

“Heather!” Magda cũng nhận ra tôi trong đám đông, chị vẫy vẫy bàn tay đã được làm móng rất kĩ. “Ôi, Heather! Kinh khủng quá!”

Magda đứng đó, trong cái áo thụng căng-tin và tất chân in da báo, lắc lắc mái tóc xù mì và rít những hơi dài căng thẳng điếu Virginia Slim kẹp giữa hai cái móng dài tầm 3cm. Mỗi móng là một bản sao nhỏ xíu của quốc kì Mỹ. Mặc dù có thể trở về quê hương cộng hoà Dominica bất cứ lúc nào nhưng Magda vẫn vô cùng yêu quý đất nước đã đón nhận mình, và chị bộc lộ lòng ái quốc đó qua nghệ thuật làm móng.

Cũng nhờ vậy mà tôi gặp được chị chứ đâu, khoảng 4 tháng trước, trong một tiệm làm móng. Và cũng nhờ đó mà lần đầu tiên tôi biết đến công việc trong kí túc (ý là khu cư trú). Cô trợ lý quản lý trước tôi – Justine – vừa bị sa thải vì đã hô biến 7.000 đô trong quỹ tiêu vặt của khu nhà, và vụ ấy làm cho Magda, người thu ngân của căng-tin kí túc – ý là khu cư trú – vô cùng cáu tiết. “Có tin được không chứ?” Magda đã càu nhàu với tất cả những ai chịu để tai nghe, khi tôi đang làm móng chân ở tiệm Hot Tamale Red – bởi vì, ờ thì, ngay cả khi quãng đời còn lại của bạn có đang trôi tuột xuống đáy toa-lét, như cuộc đời tôi lúc đó đi chăng nữa thì ít nhất bạn vẫn có thể làm cho bộ móng của mình trông xinh xẻo một chút chứ.

Magda cách tôi vài bàn, lúc ấy đang cho người sơn xịt hình Nữ thần Tự Do mini vào ngón cái, nhân ngày tưởng niệm các Liệt sĩ, và chị đang nổi cơn tam bành về Justine – người tiền nhiệm của tôi.

“Nó đặt hàng 27 cái lò sưởi gạch men ở phòng cung ứng để tặng cho bạn nó làm quà cưới!”

Tôi vẫn chưa hiểu lò sưởi gạch men là cái quái gì, hay tại sao lại có ai đó thích mua một cái lò sưởi để làm quà cưới. Nhưng vừa nghe nói có người bị đuổi việc ở chỗ làm của Magda, nơi mà một trong các phúc lợi công việc được hưởng – ngoài 20 ngày nghỉ một năm cùng toàn bộ bảo hiểm y tế và chế độ chăm sóc nha khoa – là miễn toàn bộ học phí, tôi đã nhảy cẫng lên sung sướng.

Chính ra tôi nợ Magda rất nhiều, không phải chỉ vì chị đã giúp tôi kiếm được việc (cũng chẳng phải vì chị cho tôi ăn miễn phí ở căng-tin bất cứ lúc nào tôi muốn – và chính điều này là một phần lý do vì sao bây giờ tôi không còn là size 8 nữa, trừ phi đó là size nịnh), mà vì Magda đã trỡ thành một trong những người bạn tốt nhất của tôi.

Mag,” tôi nói, khép nép đến đứng cạnh chị. “Ai thế? Ai chết thế?”

Bởi vì tôi không thể không lo rằng biết đâu đó lại là một người tôi quen, như một trong mấy bác công nhân bảo dưỡng kỹ thuật lúc nào cũng rất dễ thương trong việc lau dọn những vũng chất lỏng thải ra từ cơ thể người, mặc dù chúng không nằm trong mô tả công việc của các bác ấy. Hay một trong số các sinh viên làm thêm mà tôi được cho là có trách nhiệm quản lý – đúng thật là được cho là ấy, bởi qua 3 tháng làm việc ở Fischer Hall, chỉ có một nhúm các nhân viên nói trên chịu làm theo những gì tôi sai bảo (rất nhiều đứa vẫn một mực trung thành với cô nàng Justine “tay dính” kia).

Mà ngay cả khi có đứa nào chịu làm theo nững gì tôi bảo, thì cũng chỉ vì công việc đó liên quan đến những chuyện như kiểm tra phòng sau khi những đứa ở đó vừa chuyển ra và dọn dẹp những gì chúng để lại, thường là những chai rượu mùi Jagermeister còn dang dở.

Thế nên hôm sau, khi đến chỗ làm, tôi không sao gọi được bất kỳ một đứa nào xuống lầu để phân loại thư bởi vì chúng đều đã say bét nhè.

Nhưng cũng có một vài đứa tôi thật sự quý mến – chẳng hạn như những sinh viên được học bổng không đến trường bằng một cái thẻ Visa được bố mẹ luôn sẵn lòng trả hộ mỗi tháng; những đứa thật sự phải làm việc để kiếm tiền mua sách vở và chi trả các loại phí khác, và vì thế luôn sẵn sàng nhận ca trực từ 4g chiềucho mãi đến đêm tại bàn tiếp tân vào một tối thứ Bảy mà chẳng cần tôi phải van vỉ gì nhiều.

“Ôi, Heather,” Magda thì thầm. Chỉ có điều chị phát âm tên tôi thành Haythar. Chị thì thầm vì không muốn mấy đứa nhóc biết chuyện gì đang thật sự xảy ra. Bất kể là chuyện gì. “Một trong số những ngôi sao màn bạc của chị!”

“Một sinh viên á?” Tôi có thể thấy mọi người trong đám đông đang tò mò liếc nhìn Magda. Không phải vì trông chị hơi kì quái – ừ thì đúng là trông Magda có hơi kì quái thật, chẳng là chị trang điểm đậm đến mức nếu lúc này Christina Aguilena mà có đứng bên cạnh chị thì chắc cô ấy cũng sẽ hoá thành vô cùng tự nhiên, và chị còn có một bộ móng tay rõ dài nữa chứ.

Nhưng vì đây là Làng nên vẻ ngoài của Magda vẫn có thể được xem là khá hiền lành.

Chính cái từ “ngôi sao màn bạc” mới là thứ mọi người không hiểu. Cứ mỗi lần có một sinh viên bước vào nhà ăn của Fischer Hall là Magda liền cầm lấy phiếu ăn của đứa đó, quét qua máy scan, và hát, “trông kia những ngôi sao màn bạc xinh đẹp đến ăn ở đây. Ta thật may mắn vì có thật nhiều ngôi sao xinh đẹp ở Fischer Hall này!”

Ban đầu tôi chỉ nghĩ Magda cố tình tâng bốc các sinh viên khoa kịch của New York College – mà đám ấy thì trường này có cả tấn, nhiều hơn hẳn so với sinh viên y khoa hay kinh tế.

Rồi vào một ngày Tự làm kem ăn, Magda thả một quả bom tin rằng Fischer Hall thực chất rất nổi tiếng. Không phải vì những lý do như bạn nghĩ đâu – như kiểu tại vì nó toạ lạc tại quảng trường Washington lịch sử, nơi Henry James từng sinh sống; hay vì nó ở ngay đối diện cái Cây Treo Cổ nổi tiếng, nơi người ta thường hành hình các phạm nhân hồi thế kỉ 18; cũng chẳng phải vì khu công viên này từng là nghĩa địa của những người nghèo, thế nên tóm lại là tất cả những thứ nào là băng ghế gỗ và quày bán xúc xích nóng kia đều đang “toạ” ngay trên những xác người.

Không, theo nguồn tin của Magda, Fischer Hall nổi tiếng vì người ta đã quay một cảnh trong bộ phim Ninja Rùa Đột Biến Tuổi Thiếu Niên ở đây. Donatello hay Raphael hay một trong những chú rùa nào đấy khác – tôi thật sự chẳng nhớ nổi là chú nào – đã phi thân từ mái ngói của Fischer Hall sang toà nhà bên cạnh, và toàn bộ bọn sinh viên của Fischer Hall đóng vai quần chúng, đã nhìn lên và chỉ trỏ trầm trồ màn trình diễn của chú rùa thông minh.

Thật chứ! Fischer Hall có một lịch sử rất li kì.

Chỉ là bọn sinh viên đóng vai quần chúng ấy đã tốt nghiệp từ lâu rồi và đều đã rời khỏi Fischer Hall.

Thế nên tôi đoán chắc hẳn mọi người đều lấy làm kỳ quái vì sao bao nhiêu năm rồi mà Magda vẫn nhắc tới cái chuyện ấy.

Nhưng thật sự, bạn có thể nhận thấy rằng, đối với người như Magda thì việc có một cảnh trong một bộ phim điện ảnh chính thống được quay tại chính chổ làm của chị là một trong rất nhiều thứ đã khiến nớc Mỹ trở nên vĩ đại.

Nhưng bạn cũng thấy rằng, với một người không biết lịch sử đằng sau ấy thì cái chuyện “ngôi sao màn bạc bé nhỏ của chị” nghe có vẻ thật…ừm, quái dị. Điều này có thể giải thích tại sao rất nhiều người đang hiếu kì nhìn về phía chúng tôi khi nghe lỏm được cơn bộc phát của Magda.

Không muốn đám trẻ đánh hơi được có điều tồi tệ nghiêm trọng đang xảy ra, tôi nắm lấy cánh tay Magda và kéo chị về phí cây thông trồng trong chậu ở bên ngoài toà nhà – nơi mà, tiếc thay, vài sinh viên vẫn thường dùng làm cái gạt tàn riêng – cho có chút riêng tư.

“Có chuyện gì vậy chị?” tôi hỏi nhỏ. “Rachel để lại tin nhắn nói vừa có một người chết trong toà nhà, nhưng chị ấy chỉ nói vậy thôi. Chị có biết ai không? Làm sao mà chết?”

“Chị không biết,” Magda thầm thì, lắc đầu. “Chị đang ngồi ở quầy thì nghe có tiếng hét, rồi ai đó nói có một cô gái đang nằm dưới đáy giếng thang máy, đã chết rồi.”

“Ôi chúa ơi!” tôi sốc thật sự. Tôi cứ tưởng mình sẽ được nghe tin về một ca tử vong vì dùng ma tuý quá liều hoặc bị hành hung – toà nhà này luôn có bảo vệ canh gác hăm bốn trên hăm bốn nhưng đâu có nghĩa là thỉnh thoảng không có một kẻ gớm ghiếc nào đó lọt được vào bên trong. Dù sao đây cũng là New York mà.

Nhưng chết vì thang máy á?

Magda, mắt hoen ướt, dũng cảm cố gắng không khóc – vì như thế sẽ làm cho đám sinh viên cực nhạy với những tình tiết kịch tính đánh hơi thấy ngay rằng đang có chuyện rất tệ xảy ra (với cả khóc lóc cũng chẳng hay ho gì cho tầng tầng mascara của Magda) – nói thêm, “Họ nói con bé… con bé làm gì ấy nhỉ? Hình như là cưỡi trên đỉnh thang máy hay gì gì đấy?”

“Lướt?” giờ thì tôi còn sốc hơn nữa. “Lướt thang máy ấy hả?”

“Đúng rồi!” Magda cẩn trọng chạm nhẹ phần đầu của một cái móng được tỉa tót vô cùng khéo léo vào khoé mắt, khẩy đi một giọt nước mắt. “Chính vì thế nên người ta không cho ai vào cả. Các ngôi sao màn bạc bé nhỏ của ta cần thang máy để đến phòng thay đồ, nhưng họ còn phải dọn cái…”

Magda bắt đầu thút thít. Tôi vòng một tay qua và xoay chị về phía mình thật nhanh, vừa để an ủi vừa để hãm bớt tiếng khóc của chị lại. Lũ sinh viên đang tò mò liếc về phía chúng tôi. Tôi không muốn chúng biết chuyện. Nhưng mà thể nào rồi chúng chẳng phát hiện ra, chẳng mấy chốc nữa.

Chỉ là chúng sẽ không cảm thấy mọi chuyện khó tin bằng tôi thôi.

Nhưng đáng lẽ tôi không nên ngạc nhiên đến vậy. Lướt thang máy là vấn nạn, không chỉ ở New York College, mà ở tất cả các trường đại học và cao đẳng của Mỹ. Lũ thanh niên rỗi hơi chẳng nghĩ ra được cái gì hay ho hơn để làm, thế nên cứ lao vào dùng ma tuý và thách nhau nhảy lên nóc những cabin thang máy đang trượt lên trượt xuống trong những chiếc lồng tối tăm, nguy hiểm. Đã có không biết bao nhiêu vụ bọn nhóc bị kẹp chết trong những lần thách thức say xỉn như thế.

Tôi đã đoán rằng chuyện này sớm muộn gì rồi cũng sẽ xảy ra ở Fischer Hall mà.

Chỉ là…

Chỉ là Magda cứ nhắc đi nhắc lại là “con bé”. Rằng một con bé đã bị chết.

Điều này rất kì, bởi tôi chưa từng nghe nói đến một đứa con gái nào lại chơi lướt thang máy cả. Ít nhất là không phải ở Fischer Hall này.

Rồi Magda nhấc đầu khỏi vai tôi và nói, “Ối giời ơi!”

Tôi quay lại để xem chị đang nói về cái gì và hít một hơi thật nhanh. Thì ra là bà Allington, vợ của Phillip Allington – người mà mùa xuân rồi đã nhậm chức chủ tịch thứ 16 của trường – đang đi dọc vỉa hè, hướng đến chỗ chúng tôi.

Tôi biết rất nhiều về gia đình Allington, bởi vì có một thứ khác tôi cũng tìm thấy trong đám hồ sơ của Justine – ngay trước khi tôi vứt chúng đi – là một bài báo cắt từ tờ The New York Times, bơm thổi hoành tráng về việc ngài chủ tịch mới được bổ nhiệm đã quyết định sống trong khu cư trú thay vì một trong những toà nhà sang trọng thuộc sở hữu của trường.

“Phillip Allington,” bài báo viết, “là một hàn lâm học sĩ không muốn sống xa cách sinh viên. Khi từ pòng làm việc quay về, ông đi cùng thang máy với các sinh viên cao đẳng sống ngay cạnh phòng mình…”

Điều mà tờ Times hoàn toàn quên không nhắc đến là ngài chủ tịch và gia quyến sống tít trên tầng mái của Fischer Hall. Nguyên tầng 20. Và họ liên tục phàn nàn về việc thang máy cứ dừng lại ở từng tầng một trên đường đi lên để đón sinh viên, đến nỗi cuối cùng Justine phải phát cho họ chìa khoá riêng để cho phép thang máy đi thẳng lên tầng trên cùng.

Ngoại trừ việc than phiền về mấy cái thang máy, vợ củ ngài chủ tịch Allington hình như có rất ít việc để làm. Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy thì bà Allington nếu không phải đang trở về từ Saks Avenue, thì cũng đang bắt đầu đi đến đó. Bà nghiện mua sắm đến mức điên cuồng – hệt như một vận động viên điền kinh Olympic chăm chỉ luyện tập.

Chỉ có điều, môn thể thao yêu thích của quý bà Allington – ngoài mua sắm – còn bao gồm luôn cả việc tiêu thụ một khối lượng khổng lồ rượu vodka. Mỗi khi cùng tiến sĩ Allington trở về từ những buổi tiệc khuya với các thành viên trong hội đồng cố vấn, bà Allingyon thể nào cũng làm om sòm trong khu tiền sảnh, thường câu chuyện có liên quan đến mấy con vẹt mào cảnh của bà – vụ này tôi được nghe kể lại từ chính miệng bác Pete, một nhân viên bảo vệ mà tôi rất yêu mến.

“Mấy con chim của tôi,” bà từng bảo với bác Pete. “Mấy con chim của tôi ghét cay ghét đắng lão, lão béo ạ!”

Câu này nghe thật dễ ghét – bạn cứ thử nghĩ mà xem. Lại còn sai lệch nữa chứ, bởi vì bác Pete không hề béo. Bác ấy chỉ – bạn biết rồi đấy – trung bình thôi.

Những lời lẽ lăng mạ nhè nhè của bà Allington là nguồn mua vui bất tận tại quầy tiếp tân của khu tiền sảnh, một chỗ toàn bọn sinh viên làm thêm ngoài giờ – mấy đứa tôi có nhiệm vụ trông nom ấy mà. Đêm khuya, nếu tiến sĩ Allington không có nhà, bà Allington thỉng thoảng lại gọi đến bàn tiếp tân để thông báo đủ mọi tin giật gân: nào là ai đó đã chén sạch đám a-ti-sô nhồi thịt của bà, nào là có chó sói ngoài ban công, rồi những chú lùn bé xíu vô hình đang gõ ầm ầm ở đầu giường ngủ của bà.

Theo lời bác Pete, bọn sinh viên ban đầu rất bối rối trước những thông tin ấy, thế là chúng lập tức gọi cho các RA (resident assistant – trợ lý sv trong các khu kí túc) – những đứa sinh viên năm cuối muốn đổi lấy phòng ở và cơm tháng miễn phí nên phải hành động hệt như một người mẹ trong gia đình, mỗi tầng một đứa. Các RA này đến lượt mình dẽ thông báo với quản lý toà nhà, và viên quản lý này sẽ phóng ngay thang máy lên tầng 20 để kiểm tra.

Nhưng khi cửa mở, với đôi mắt lờ đờ, người bọc trong nhung – vâng! Nhung đấy ạ! Xịn gần bằng nhung giãn ấy – bà Allington chỉ nói, “Tôi chả hiểu ông đang nói cái chi, ông béo ợ.”

Trong lúc đó thì sau lưng bà (theo lời đám RA vẫn thường kể lại câu chuyện này), bọn vẹt mào đang huýt sáo điên cuồng.

Toàn chuyện quái dị!

Nhưng hoàn toàn chả quái dị chút nào với bà Allington, bởi vì ngay ngày hôm sau bà tỏ ra chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra đêm qua, và lại thẳng tiến đến Saks như một bà hoàng – Bà hoàng của Fischer Hall.

Như lúc này đây chẳng hạn. Trên tay lỉnh kỉnh những đồ đạc vừa sắm, bà Allington đang gay gắt nhìn viên cảnh sát đứng chắn trước cửa chính của Fischer Hall và kêu lên, “Xin lỗi đi. Tôi sống ở đây.”

“Xin lỗi quý bà,” viên cảnh sát nói. “Cửa này chỉ dành cho nhân viên công vụ khẩn cấp. Không dân thường nào được phép vào lại toà nhà.”

“Tôi không phải dân thường.” Bà allington có vẻ như sắp căng phồng lên giữa đám túi xách. “Tôi là… tôi là….” có vẻ như bà chưa hoàn toàn ngộ ra được mình là ai. Mà viên cảnh sát có vẻ như chả quan tâm.

“Xin lỗi bà,” anh ta nói. “Sao bà không ra chơi hội chợ một lát đi nhỉ? Hay ở đằng kia có mấy cái ghế dài có vẻ thoải mái kia kìa, mời bà đến đó nghỉ ngơi một lúc, chờ chúng tôi dọn dẹp mọi thứ trước khi cho mọi người vào được không.”

Bà Allington trông có vẻ hơi heo héo một tí khi tôi quày quả tiến đến chỗ bà. Tôi đã bỏ rơi Magda vì dường như bà Allington đang cần tôi hơn. Bà cứ đứng lớ ngớ ở đó trong cái quần jeans chật cứng, một chiếc áo tơ tằm, hàng tấn nữ trang vàng, và những chiếc túi xách nặng trĩu cả tay, miệng hết há ra rồi ngậm lại vì ngơ ngác. Rõ ràng trông bà rất xanh xao.

“Bà có nghe tôi nói không thế?” viên cảnh sát nói. “Không ai được phép vào trong. Bà thấy bọn nhóc đây không? Chúng cũng đang chờ. Vì thế hoặc là bà phải chờ cùng chúng, hoặc là mời bà đi chỗ khác cho.”

Có điều, bà Allington dường như chả còn hơi sức đâu mà đi chỗ khác, đứng còn chẳng vững nữa cơ mà – theo như tôi thấy. Tôi bước đến và đỡ lấy cánh tay bà. Bà thậm chí còn không hề biết là tôi có mặt ở đó, mà tôi nghi có khi bà còn chẳng biết tôi là ai nữa kia. Tuy rằng mỗi ngày bà vẫn gật đầu chào tôi khi bước ra cửa thang máy đối diện cửa văn phòng tôi trên đường đến một cuộc tiêu pha phung phí mới – ý tôi là đi dạo chơi mua sắm – và nói, “Chào buổi sáng, Justine,” (dù tôi đã chỉnh đi chỉnh lại) nhưng tôi đoán việc nhìn thấy tôi ở bên ngoài toà nhà vào một ngày cuối tuần như thế này đã làm bà quên hết mọi thứ.

“Chồng của bà đây là chủ tịch của trường, anh sĩ quan ạ,”, tôi nói, gật gật đầu về phía bà Allington, lúc này hình như đang nhìn chằm chằm vào một sinh viên tóc tía đeo khuyên trên lông mày cạnh đó.

“Ông Phillip Allington ấy! Ông ấy sống ở tầng thượng. Tôi nghĩ bà đây đang không được khoẻ. Có thể… có thể cho phép tôi dìu bà ấy vào trong được không?”

Viên cảnh sát nhìn tôi chằm chằm.”Hình như tôi đã gặp cô ở đâu rồi thì phải?” anh ta hỏi. Câu này hoàn toàn không có ý tán tỉnh. Với tôi, câu nói này chưa bao giờ chứa đựng tình ý gì cả.

“Chắc là gặp quanh đây thôi, tôi làm việc trong toà nhà này mà.” Tôi chìa thẻ nhân viên ra, bên trên có một cái hình trông như người đang say rượu, mặc dù lúc chụp tôi không hề say. Phải mãi đến khi nhìn thấy tấm hình đó thì tôi mới say. “Thấy chưa, tôi là trợ lý quản lý khu cư trú.”

Trông viên cảnh sát có vẻ chẳng mấy ấn tượng với chức danh của tôi, nhưng anh ta vẫn nhún vai, “sao cũng được. Nếu cô muốn thì cứ đưa bà ấy vào đi. Nhưng tôi không biết cách nào để mấy người đưa được bà Allington lên nhà đâu nhé, thang máy bị ngắt rồi.”

Tôi cũng chẳng biết làm sao đưa được bà Allington lên tầng đây, đến đi bình thường mà bà còn chẳng vững nữa là, chắc phải vác lên quá. Tôi bắn một cái nhìn qua vai về phía Magda, thấy tín hiệu của tôi, chị đảo mắt. Nhưng rồi chị cũng dụi điếu thuốc và liều tiến về phía chúng tôi, sẵn sàng giúp đỡ hết mức có thể.

Magda chưa kịp đến chỗ chúng tôi thì có hai cô nàng trẻ trung – ăn mặc theo kiểu New York College tiêu biểu: quần tụt, khuyên rốn – từ trong toà nhà phóng thẳng ra ngoài và thở hồng hộc.

“Ôi chúa ơi, Jeff,” một đứa gọi tên thằng nhóc chuyên làm rớt tẩu. “Thang máy làm sao ấy? Bọn này vừa phải cuốc bộ xuống 7 tầng cầu thang đấy.”

“Tao sắp chết rồi đây.” Con bé còn lại tuyên bố.

“Thực tức chết đi được,” con bé đầu tiên hổn hển thở, “bọn mình trả chừng đó học phí cùng với tiền nhà cơ mà, chí ít ông chủ tịch cũng phải sắm lấy mấy cái thang máy cho ra hồn chứ.”

Rồi những cái nhìn hằn học cùng bắn về phía bà Allington, người đã sai lầm để cho người ta trưng ảnh mình lên báo tường, và tự biến mình thành mục tiêu lộ liễu cho toàn kí túc – à quên, khu cư trú.

“Đi nào, bà Allington” tôi nói nhanh, hơi kéo tay bà, “mình vào trong thôi.”

“Ờ phải,” bà nói, hơi lảo đảo một tí khi Magda di chuyển để đỡ nốt cánh tay còn lại của bà. Cả 2 chúng tôi dẫn bà qua cửa chính trong tiếng kêu réo – từ lũ sinh viên – “Này này! Tại sao bọn họ vào được mà bọn tôi thì không? Bọn tôi cũng sống ở đây mà!” rồi thì “bất công” với cả “phát xít.”

Cứ nhìn cái cách bà Allington cẩn thận nhấc từng bước một cách õng ẹo, tôi dám cá bà đã ngà ngà say dù bây giờ vẫn còn là buổi sáng. Phỏng đoán của tôi được xác nhận ngay khi cả 3 vừa bước vào bên trong toà nhà, và bà Allington đột nhiên nhoài người về phía trước, nhanh chóng bón toàn bộ bữa sáng của mình cho một chậu cây trong tiền sảnh.

Rõ ràng quý bà A. đây đã uống kèm ít Mary Máu với trứng trong bữa sáng nay.

“Lạy đức mẹ đồng trinh!” Magda kinh hãi thốt lên. Cũng đúng thôi.

Không biết người khác thế nào, chứ mỗi lần bị nôn (và xin lỗi quý vị, tôi làm việc này khá thường xuyên vào mỗi đêm giao thừa), tôi thường mong nhận được một chút cảm thông, ngay cả nếu mọi chuyện đều là lỗi tại tôi.

Thế là tôi vỗ vỗ vào một bên vai áo độn bông của bà Allington và nói “Nào, bà thấy khá hơn chưa?”

Bà Allington chớp chớp mắt nhìn tôi như thể mới thấy tôi lần đầu.

“Cô là ai?”, bà hỏi.

“Ừm,” tôi nói. “Tôi là trợ lý phụ trách toà nhà. Heather Wells. Bà nhớ không? Chúng ta đã gặp nhau cách đây vài tháng ấy?”

Bà Allington trông hơi hoang mang, “thế Justine sao rồi?”

“Justine đã tìm được một việc khác rồi,” tôi giài thích, chính ra là nói dối, vì Justine bị sa thải. Nhưng tôi đâu đã được nghe câu chuyện từ phía cô ta. Ý của tôi là có khi cô ta thật sự cần tiền thì sao. Biết đâu cô ta có họ hàng sống ở Bosnia hoặc một nơi nào đó lạnh cóng, mà lại không có lò sưởi, và mấy cái lò gốm kia đã giúp họ sống sót qua mùa đông. Làm sao mà biết được!

Bà Allington lại liếc tôi thêm mấy cái.

“Heather Wells?” bà chớp mắt thêm mấy cái. “Nhưng cô chẳng phải… chẳng phải là cái con bé đó sao? Cái con bé hồi xưa suốt ngày hát trong mấy khu mua sắm ấy?”

Đây chính là lúc tôi nhận ra rằng bà Allington rốt cuộc đã nhận ra tôi, được rồi… nhưng không phải với tư cách trợ lý quản lý trong toà nhà mà bà đang ở.

Chà! Không ngờ bà này lại là fan của nhạc teen pop cơ đấy. Trông bà giống những người thuộc týp Barry Manilow hơn – cũng teen pop nhưng là loại cứng hơn nhiều.

“Hồi đó là vậy,” tôi nói dịu dàng, vì vẫn thấy tội nghiệp cho bà sau cái vụ nôn mửa kia, “Nhưng giờ tôi không còn biểu diễn nữa.”

“Sao vậy?” bà Allington tò mò.

Magda và tôi liếc nhau. Magda có vẻ đã lấy lại vẻ hài hước, bởi nơi khoé môi kẻ viền của chị xuất hiện một cú nhếch khá rõ.

“Ừm,” tôi nói. “Chuyện này cũng khá dài dòng. Căn bản là tôi đã mất hợp đồng thu âm…”

“Bởi vì cô béo lên chứ gì?” bà Allington hỏi.

Đến đoạn này thì phải thú thật là tôi chả còn thấy tội nghiệp bà ta một chút xíu nào nữa.

Bình luận
× sticky