Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Size 12 Không Phải Là Mập

Chương 11

Tác giả: Meg Cabot

Ô la la la

Ô la la la

EM hát

Ô la la la

Ô la la la la

Em hát như thế

Cứ mỗi lần

Chàng nhìn về phía em

Em hát

Cho em một chút

Ô la la la la

“Ô la la la”

Trình bày: Heather Wells

Sáng tác: Valdez/Caputo

Album: Rocket Pop

Cartwright Records

*****************

Tôi kể lại mọi chuyện cho Magda và bác Pete nghe vào giờ nghỉ trưa. Tôi kể cho họ nghe những gì đang xảy ra, kể cả về chuyện về Cooper…

Nhưng chẳng phải chuyện tôi si mê anh điên cuồng hay những gì có liên quan đến cái chuyện si mê ấy. Điều này dĩ nhiên đã làm cho câu chuyện ngắn hơn và kém thú vị đi khá nhiều.

Phản ứng duy nhất của bác Pete là múc một muỗng ớt đầy lên và ngắm nó một cách đầy nghi hoặc. “Có cà-rốt trong này không hả? Cháu biết là bác ghét cà-rốt rồi đấy.”

“Pete, bác có nghe cháu nói không thế? Cháu nói cháu nghĩ là…”

“Bác nghe rồi,” bác Pete ngắt lời.

“Vâng. Thế, bác có nghĩ…”

“Không.”

“Nhưng bác còn chưa…”

“Heather,” bác Pete nói, cẩn thận đẩy miếng cà-rốt khó ưa sang một bên. “Bác nghĩ cháu có vẻ bội thực ’Luật và Lệnh: Những nạn nhân đặc biệt’ rồi đấy.”

“Chị yêu em lắm, cưng ạ.” là phát biểu của Magda về chuyện này. “Nhưng ta nên đối diện với sự thật. Ai cũng biết em hơi…” chị xoay xoay tay vòng quanh một bên đầu, “Cúc cu. Em hiểu chị nói gì chứ?”

Tôi không thể nào tin được một người phụ nữ đã tốn những năm giờ liền để vẽ tượng Nữ thần Tự do lên móng tay mình lại đang gọi tôi là cúc cu.

“Thôi nào,” tôi nhìn hai người chăm chăm. “Làm thế nào mà 2 cô gái không hề có tiền sử ưa thích lướt thang máy lại chết vì cái trò đó được, lại chỉ trong 2 tuần cơ chứ?”

“Chuyện như thế vẫn xảy ra mà,” bác Pete nhún vai. “Cháu ăn dưa chua không?”

“Hai người, cháu đang nói nghiêm túc đấy! Cháu dám chắc là có người đã đẩy 2 cô bé đó xuống giếng thang. Này nhé, có quy luật hẳn hoi. Cả 2 đều phát triển chậm. Cả 2 đều chưa từng có bạn trai trước đó. Rồi, đột nhiên một tuần trước khi chết, cả 2 đều có bạn trai…”

“Có thể,” Magda gợi ý, “chúng làm như vậy là vì sau bao nhiêu năm trời giữ mình để chờ chàng trai lí tưởng, cuối cùng lại phát hiện sex hoá ra chẳng phải gì hay ho lắm.”

Cuộc đối thoại dừng ở đó, bởi vì bác Pete đang phát sặc vì món nước Snapple.

Khoảng thời gian còn lại trong ngày trôi qua thật tệ hại. Bởi 2 cái chết xảy ra quá gần nhau trong cùng một học kì nên chúng tôi bị báo chí dội bom tới tấp, chủ yếu là tờ The Post và The News, thêm cả một phóng viên của The Times cụng gọi điện đến. Rồi còn cái thư báo mà Rachel bắt bọn tôi gửi đến tất cả các sinh viên khu cư trú, cho chúng biết là một tư vấn viên sẽ sẳn sàng 24/24 vào cuối tuần này để giúp chúng vượt qua nỗi đau buồn. Điều này đồng nghĩa với việc tôi phải làm 700 bản photo, rồi bắt bọn sinh viên phụ việc phải nhét mớ thư báo đó vào 300 hộp thư, 2 tờ cho phòng đôi, 3 tờ cho phòng 3.

Ban đầu, Tina, nhân viên trực bàn, thẳng thừng từ chối. Có vẻ như trước đây Justine lúc nào cũng chỉ photo cho mỗi tầng một bản, rồi dán chúng vào cạnh cửa thang máy của từng tầng.

Nhưng Rachel muốn mỗi sinh viên đều phải có riêng một bản. Tôi phải nói với Tina rằng tôi chẳng cần biết trước đây Justine đã làm thế nào, và đây là cách tôi muốn làm. Thế là Tina liền đáp lại câu nói của tôi bằng một cách đầy tâm trạng, “Chẳng ai thèm quan tâm xem chuyện gì đã xảy ra với Justine! Chị ấy là người sếp tốt nhất quả đất, vậy mà họ sa thải chị ấy chẳng vì một lí do đích đáng nào cả! Em thấy Justine khóc vào cái hôm chị ấy nhận được tin đó! Em biết mà! New York College thật bất công!”

Tôi chỉ muốn xổ thẳng cho Tina biết là Justien chắc đang nhỏ những giọt nước mắt sung sướng vì chỉ bị sa thải chứ không bị kiện ra toà vì những gì cô ta đã làm.

Nhưng trước mặt sinh viên, tôi không được phép nhắc đến chuyện Justine đã bị sa thải vì tội ăn cắp – cùng một lý do với việc bọn tôi không được gọi khi này là kí túc xá. Bởi vì làm vậy sẽ không thể dung dưỡng một cảm giác an toàn thật sự.

Thay vào đó, tôi hứa sẽ trả cho Tina gấp rưỡi tiền công theo giờ để đi phát mấy cái thư báo này. Con nhỏ vui lên ngay lập tức.

Khi tôi về được đến nhà – mang theo sữa – thì đã gần 6g. Chẳng thấy bóng dáng Cooper đâu – chắc anh đang đi theo dõi, hay bất cứ thứ gì mà một thám tử tư thường phải làm cả ngày. Cũng chẳng sao, vì tôi đã có đủ chuyện để bận rộn rồi. Tôi đã lén cắp về nhà một tờ kê khai của toà nhà, định bụng sẽ nghiên cứu nó thật kỹ, khoanh vòng tất cả các sinh viên nội trú có tên Mark hoặc Todd. Rồi tôi sẽ gọi cho từng đứa một, bằng điện thoại trong khu cư trú, và hỏi xem chúng có biết Elizabeth hoặc Roberta không.

Tôi cũng chẳng biết sẽ phải nói gì đây nếu chúng nó trả lời là có. Tôi không thể huỵch toẹt ra là, “Này… có phải cậu đã đẩy con bé xuống giếng thang máy không hả?” Nhưng chắc tôi sẽ nghĩ ra thôi, đến lúc đấy thì biết.

Tôi vừa ngồi xuống với tờ kê trước mặt, một cốc rượu và ít bánh qui vừa tìm thấy trong tủ bếp thì chuông cửa reo váng lên.

Và tôi chợt nhớ ra, gần như bật nảy lên, là tôi đã xung phong tối nay trông con cho Patty.

Patty chỉ cần nhìn một cái sau khi tôi mở cửa là biết ngay tôi có vấn đề. Patty nói, “có chuyện gì vậy?”

“Không có gì,” tôi trấn an cô bạn, giang tay đón lấy Indy. “Ừm, ý là cũng có chuyện đấy nhưng mình thì không sao. Hôm nay lại có một cô bé nữa đã chết. Thế thôi.”

“Nữa hả?” Frank, chồng Patty trông rất hào hứng. Có cái gì đó ở những cái chết dữ dội khiến cho một số người rất háo hức. Frank rõ ràng là một trong số đó. “Làm sao mà chết? Ma tuý quá liều hả?”

“Con bé rớt từ trên nóc thang máy xuống,” tôi nói, còn Patty thì thúc cùi chỏ vào Frank, đủ mạnh khiến ông ta hự lên một tiếng. “Bọn em cũng chỉ biết thế thôi. Không sao mà. Thật đấy. Em không sao đâu.”

“Anh đàng hoàng một chút đi,” Patty nói với chồng. “Heather vừa phải trải qua một ngày tồi tệ đấy.”

Patty có xu hướng trở nên rất nhặng xị mỗi khi ra ngoài chơi. Chị không thoải mái khi mặc đồ dạ hội – có lẽ vì chưa giảm hết số cân đã tăng lên khi mang thai. Có một thời gian, Patty và tôi đã cố đi bộ nhanh qua SoHo vào buổi tối, như một phần trong những nổ lực tập đủ 60 phút thể dục mỗi ngày mà chính phủ đã khuyến nghị.

Nhưng Patty có vẻ như chẳng thể đi ngang qua một cửa hàng mà không dừng lại hỏi, “Cậu nghĩ đôi giày kia mình mang có đẹp không?” rồi lập tức bước vào trong và tha chúng về.

Còn tôi thì không làm sao đi qua một hàng bánh mà không ghé vào mua lấy một cái bánh mì.

Thế nên chúng tôi đành phải thôi đi bộ, vì tủ áo của Patty đã đầy ứ rồi, và ai cần ăn lắm bánh mì đến thế kia chứ?

Hơn nữa, Patty cũng chẳng có chỗ nào mà diện mớ quần áo mới ấy. Chị ấy bẩm sinh là người phụ nữ của gia đình, điều này đối với vợ của một ngôi sao nhạc Rock thì không hẳn là một điều hay.

Và Frank Robillard lại là một ngôi sao với chữ S viết hoa hẳn hoi. Đứng cạnh anh, Jordan trông cứ như Yanni vậy.

Patty gặp Frank hồi họ còn làm show Letterman – Frank hát, còn Patty là một trong mất cô gái xinh đẹp người ta thuê để cầm đĩa đồ ăn nguội đứng loanh quanh đâu đó – tình yêu sét đánh. Đấy, cái loại tình yêu mà bạn vẫn thấy trong tiểu thuyết nhưng chả bao giờ xảy đến với bạn ấy mà. Chính loại ấy đấy.

“Thôi đi Frank,” Patty nói với tình yêu duy nhất của đời mình. “Mình muộn mất bây giờ.”

Nhưng Frank còn mãi lượn lờ quanh văn phòng, dòm ngó đồ đạc của Cooper.

“Anh ta đã bắn ai chưa?” Frank hỏi, ý nói đến Cooper.

“Nếu có thì anh ấy cũng chẳng nói với em.” tôi đáp.

Từ hồi chuyển vào sống trong nhà Cooper, giá trị của tôi trong mắt Frank đã tăng hẳn. Frank chưa bao giờ thích Jordan, nhưng Cooper lại là người hùng của anh ta. Anh ta thậm chí còn ra ngoài mua một cái áo khoác da giống hệt Cooper – hàng thùng, rõ có vết rạn của áo đã dùng qua. Frank không hiểu rằng một thám tử tư trong đời thực khác xa một thám tử tư trên TV. Ý tôi là, thậm chí Cooper chẳng có khẩu súng nào. Để làm công việc của Cooper, bạn chỉ cần một cái máy quay và khả năng hoà lẫn vào môi trường xung quanh thôi.

Cooper giỏi đến đáng kinh ngạc, thật thế, trong khoản hoà vào đám đông.

“Thế, 2 người đã hẹn hò chưa?” bỗng nhiên Frank hỏi. “Em với Cooper ấy?”

“Frank!” Patty ré lên.

“Không, Frank,” tôi nói, chắc đây phải là lần thứ 300, chỉ tính riêng tháng này thôi.

“Frank,” Patty nói. “Cooper và Heather chỉ ở cùng nhà thôi. Làm sao mà hẹn hò với bạn cùng nhà được chứ. Anh biết chuyện đó như thế nào rồi đấy. Ý em là, làm gì còn tí lãng mạn nào nữa một khi anh thấy ai đó mặc quần áo ở nhà chứ. Đúng không, Heather?”

Tôi chớp mắt nhìn Patty. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Nếu Patty đúng thì sao? Cooper sẽ chẳng bao giờ xếp tôi vào loại “đáng hẹn hò” – ngay cả nếu tôi có đoạt giải Nobel về Y học đi chăng nữa. Bởi vì không biết bao nhiêu lần anh đã nhìn thấy tôi trong mấy cái quần mặc nhà rộng thùng thình! Không son phấn!

Patty và Frank nói lời tạm biệt, còn Indy và tôi đứng vẫy theo khi họ bước xuống những bậc thềm và chui vào chiếc limousine đang chờ sẵn. Đám buôn ma tuý trên phố nhà tôi đứng nhìn từ xa đầy vẻ ngưỡng mộ. Tất cả đều thần tượng ban nhạc của Frank. Tôi tin rằng lý do khiến nhà Cooper chưa bao giờ bị xịt sơn tường hay bị cướp là vì tất cả mọi người trong khu này đều biết chúng tôi là bạn bè với giọng ca của công chúng, Frank Robillard, tế cho nên nơi này là bất khả xâm phạm.

Hoặc cũng có thể là do hệ thống báo động cùng các song sắc vây kín các cửa sổ tầng dưới cũng nên. Ai mà biết được?

Indy và tôi trải qua một buỗi tối khá dễ chịu, xem Hồ sơ Pháp y và thưởng thức chương trình Những thám tử mới trên TV trong phòng ngủ của tôi, nơi tôi có thể vừa trông nom đứa con của người bạn thân nhất, vừa dòm ngó phần lưng của Fischer Hall.

Nhìn lên toà nhà gạch cao vợi, với bao nhiêu là ánh điện sáng loá, tôi không thể không nhớ đến những gì Magda đã nói – câu đùa của chị, rằng Elizabeth và Roberta đã kết thúc đời mình vì phát hiện ra sex chẳng có gì hay ho như họ tưởng. Bobby là một trinh nữ… chí ít là theo lời cô bạn cùng phòng. Và có vẻ như Elizabeth Kellogg cũng vậy.

Có đúng thế không? Phải chăng đây chính là mối liên hệ giữa hai cô gái? Phải chăng kẻ nào đó đang lùng giết các cô gái trinh của Fischer Hall? hay tôi đã xem CSI quá nhều?

Mãi đến quá nửa đêm Patty và Frank mới trở lại đón con, và tôi giao Indy cho hai người ở ngay cửa trước. Thằng bé đã ngủ thiếp đi ở khoảng giữa chương trình Crossing Jordan.

“Nó thế nào?” Patty hỏi.

“Rất ngoan, như mọi khi.” tôi nói.

“Với cậu thôi, chắc thế,” Patty nói với một tiếng khịt mũi khi trở thằng bé đang say ngủ trong tay. Frank đang chờ trong xe phía dưới. “Cậu chăm nó khéo thật đấy. Cậu cũng nên có một đứa đi là vừa.”

“Sao cậu không nói rõ ra xem nào,” tôi nói.

“Mình xin lỗi,” Patty nói. “Mình rất thích có cậu trông thằng nhóc giùm tụi mình, nhưng cậu có thấy là cậu chưa bao giờ nói dù chỉ một lần là cậu bận không? Heather, cậu phải thò mặc ra lại với đời đi chứ! Không chỉ bằng âm nhạc của cậu đâu. Cậu phải cố mà gặp gỡ ai đó chứ?”

“Mình gặp cả đống người,” tôi chống chế.

“Ý mình là gặp ai đó ngoài mấy đứa năm nhất ở New York College cơ.”

“Ờ,” tôi nói. “Ờ, cậu phê bình thì dễ lắm mà. cậu có một người chồng hoàn hảo. Cậu không biết đời thực là thế nào đâu. Cậu nghĩ Jordan là kẻ bất thường cá biệt à? Patty ơi, chính hắn ta mới là quy luật đấy.”

“Sai bét,” Patty nói. “Nhất định cậu sẽ tìm được ai đó. Chỉ cần cậu không sợ chấp nhận rủi ro thôi.”

Patty nói cái quái gì thế nhỉ? Thì hồi giờ tôi có làm gì khác ngoài việc chấp nhận rủi ro đâu. Tôi chẳng đang cố ngăn một thằng điên không tiếp tục giết người nữa là gì. Thế còn chưa đủ hay sao? Tôi còn phải đeo một cái nhẫn vào tay nữa à?

Có những người thật chẳng bao giờ chịu hài lòng.

Bình luận
× sticky