Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù

Chương 11

Tác giả: Victor Hugo

Đã coi như ban ngày không có thì ban đêm chẳng để làm gì.

Tôi nảy ra một ý tưởng. Tôi đứng dậy, lấy đèn soi lên bốn bức tường thấy đầy những chữ viết, những bức vẽ, những hình thù kỳ lạ, những tên người pha trộn chữ nọ với chữ kia chồng lấn lên nhau. Hình như mỗi người bị án chém trước khi chết đều muốn để lại dấu vết cho đời sau, ít nhất là tại đây. Nét viết, vẽ bằng bút chì, bằng phấn, bằng than đủ các màu trắng đen, xám, đôi khi là những nét khắc sâu vào tường đá, chỗ này, chỗ kia có màu gỉ sắt, có thể nói là viết bằng máu. Chắc chắn nếu đầu óc thư thái hơn, có thể tôi sẽ quan tâm đến việc đọc cuốn sách kỳ lạ, mà từng trang hiện ra trên mỗi mảnh đá của cái ngục tối.

Tôi thích soạn lại thành một tổng thể những mẩu ý nghĩ rải rác trên nền đá lát, tìm lại tên mỗi người, làm cho những bản khắc bị cắt xén, những từ bị mất mấy nét đầu, những câu chữ rời rạc có ý nghĩa và sức sống như những người đã viết ra.

Ở ngay chỗ tôi nằm, có hai hình trái tim nảy lửa bị mọi mũi tên xuyên qua, bên trên có dòng chữ Yêu cho đến trọn đời. Tác giả bất hạnh của bức hình và dòng chữ đã không thực hiện được lâu dài lời cam kết này.

Bên cạnh là hình một vật giống như cái mũ có ba sừng với một hình nhỏ nữa được vẽ một cách thô kệch và dòng chữ Hoàng đế muôn năm, 1824.

Lại những hình trái tim hừng hực với lời khắc đặc trưng của nhà tù Tôi yêu và tôn thờ Mathieu Danvia. JACQUES.

Trên bức tường đối diện người ta đọc thấy dòng chữ Papavoine[4], chữ P hoa thêm thắt những đường lượn và tô điểm rất cẩn thận. Rồi một đoạn trong bài hát tục tĩu.

Một cái mũ tự do được khắc khá sâu trong đá với dòng chữ ở dưới Bories – Nước Cộng hòa. Đó là một trong bốn hạ sĩ quan La Rochelle[5], chàng thanh niên đáng thương. Những yêu cầu được coi là chính trị mới xấu xa làm sao! Và một ý tưởng, một giấc mơ, một sự trừu tượng, cái thực tế ghê tởm mà người ta gọi là máy chém. Và tôi, tôi than thân trách phận tôi, một kẻ khốn nạn đã phạm một tội ác thật sự và đã đổ máu.

Tôi không đi xa hơn trong cuộc nghiên cứu này. Tôi vừa nhìn thấy ở góc tường viết bằng phấn trắng một hình ghê sợ, hình chiếc máy chém có lẽ đang dựng lên cho tôi – suýt nữa tôi tuột tay rơi cả đèn.

Bình luận