Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù

Chương 13

Tác giả: Victor Hugo

Những ngày qua tôi đã nhìn thấy một sự kiện kinh khủng.

Trời gần sáng, nhà tù ồn ào tiếng động. Người ta nghe thấy tiếng cánh cửa nặng nề của các phòng giam mở ra, đóng vào, tiếng khóa, tiếng cùm kêu cót két, những chùm chìa khóa chạm nhau ở thắt lưng viên cai ngục kêu leng keng như tiếng chuông ngân. Tiếng bước chân dồn dập, cầu thang rung lên cùng với tiếng người gọi nhau và trả lời từ hai đầu hành lang.

Những bạn tù khổ sai của tôi bị phạt giam trong các xà lim bên cạnh dường như vui vẻ hơn mọi ngày. Toàn thể Bicêtre như chợ vỡ với những tiếng cười, tiếng hò hét, chạy nhảy… Chỉ có mình tôi vẫn câm lặng giữa tiếng ồn ào đó. Chỉ có một mình tôi nằm bất động giữa không khí náo nhiệt đó. Ngạc nhiên và chăm chú, tôi lắng nghe.

Một viên cai ngục đi qua. Tôi liền gọi anh ta và hỏi trong nhà tù có hội hè gì mà vui vẻ ồn ào thế.

– Hội hè à? Nếu anh muốn gọi là ngày hội! Hôm nay là ngày người ta đóng gông cùm vào tay bọn tù khổ sai để ngày mai chuyển trại xuống Toulon. Anh có muốn xem không? Cảnh tượng sẽ làm anh vui thú đấy!

Đúng là với tôi, một kẻ tội phạm đang bị giam giữ cô đơn ở đây, đó cũng là dịp để có thể được xem một cảnh tượng, dù là ghê tởm đến đâu. Tôi trả lời đồng ý.

Viên cai ngục đã tiến hành những biện pháp phòng ngừa để được yên tâm về tôi. Tôi được đưa đến một xà lim khác còn trống và tuyên bố không có đồ đạc gì, chỉ có một lỗ thông hơi hình vuông có lưới sắt nhưng thực tế được coi như cửa sổ thật sự ở phía trên cửa ra vào và đứng lên vừa tầm khuỷu tay tì vào, qua đó người ta thật sự nhìn thấy bầu trời xanh.

Viên cai ngục nói với tôi:

– Đây nhé, đấy, một mình ngồi ở đây nhìn ra sẽ thấy tất cả đấy. Chẳng khác gì ông vua ngồi trên cao quan sát được tất cả.

Rồi anh ta khóa cùm trên tay tôi lại, bước ra, không quên khóa trái cửa buồng giam.

Qua cái ô cửa tôi nhìn ra một cái sân rộng bốn bề chung quanh là bốn tòa nhà lớn bằng đá cao sáu tầng. Trông thật không có gì thảm hại, trần trụi, khốn khổ bằng bốn mặt tường đá có vô số ô cửa sổ có chấn song sắt, ghé mắt vào từ cao xuống thấp vô số những khuôn mặt gầy gò, tái xanh tái xám chen chúc chồng lên nhau như những viên gạch xây tường và có thể nói là như bị đóng khung giữa các thanh sắt bắt chéo nhau. Đó là những người tù đứng xem biểu diễn trong khi chờ đợi đến lượt họ làm vai diễn chẳng khác nào những linh hồn đang chịu tội ngồi bên cửa hầm giam nhìn ra cảnh địa ngục.

Tất cả nhìn ra cái sân còn trống. Họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Trên những bộ mặt lờ đờ và buồn tẻ, lác đác có những cặp mắt lanh lợi sắc sảo. Cái sân vuông không bị khép kín mà ở giữa một bức tường còn có lối sang một vạt sân nữa bên cạnh nhỏ hơn được chắn bằng lưới sắt, và cũng như chiếc sân lớn bên này, chung quanh cũng có tường và đầu hồi đen đen.

Bốn chung quanh sân lớn có những dãy ghế dài bằng đá dựa lưng vào mặt tường. Ở giữa sân dựng lên một cột sắt cong gắn đèn lồng ở đầu.

Đúng giờ Ngọ, cánh cửa lớn ẩn kín trong một chỗ tường thụt vào bất thình lình mở rộng. Một chiếc xe hòm có đủ loại lính bẩn thỉu và ngượng nghịu trong bộ đồng phục xanh, gù vai đỏ, dây đeo súng màu vàng áp tải hai bên nặng nề tiến vào giữa sân cùng với tiếng sắt va chạm nhau kêu loảng xoảng.

Đó là những toán tù nhân bị xích. Cùng lúc, chung quanh sân, từ các ô cửa sổ hình vuông vọng ra những tiếng ồn ào của đám tù nhân – khán giả từ lúc nãy vẫn giữ im lặng và bất động.

Đó là những tiếng reo vui, những tiếng hát, cả những lời nguyền rủa đe dọa pha lẫn tiếng cười chua chát.

Người ta đã tưởng nhìn thấy những chiếc mặt nạ của quỷ sứ. Trên mỗi khuôn mặt lộ rõ nét nhăn nhó thách thức tất cả những bàn tay nắm chặt thò qua chấn song sắt, những tiếng la hét, những cặp mắt nảy lửa. Tôi khiếp sợ nhìn thấy bao nhiêu tia lửa bùng lên trên đống tro tàn ấy.

Tuy nhiên trong đám cảnh sát này, người ta phân biệt được do cách ăn mặc tươm tất, thái độ sợ sệt khiếp sợ, một vài người tò mò từ Paris đến. Bọn cảnh sát lặng lẽ bắt đầu công việc của họ. Một đứa trèo lên xe, ném cho bạn đồng ngũ những dây xích, những vòng cổ dẫn tù, những bó quần vải. Tức thì bọn chúng chia nhau người nào việc nấy. Một bọn trải ở góc sân những dây xích dài mà chúng gọi theo tiếng lóng là sợi chỉ, một bọn khác trải trên nền gạch những tấm lụa trơn, tiếng lóng chỉ quần áo tù, trong khi những tên minh mẫn hơn xem xét từng cái gông một dưới con mắt gờm gờm của viên đại uý chỉ huy, một lão già, béo lùn.

Chúng còn thử xem những gông sắt đó có chắc không bằng cách đập mạnh vào nhau đến tóe lửa trên sân. Tất cả đều diễn ra dưới những tiếng hoan hô chế giễu của đám tù nhân, nổi lên là những tiếng cười ầm ĩ của bọn tù khổ sai sắp đến lượt phải đeo những gông đó, bọn này còn ngồi đợi sau các cửa kính trông ra sân nhỏ.

Khi mọi việc chuẩn bị đã xong, một vị mặc quần áo thêu chỉ bạc mà người ta gọi là ngài thanh tra ra một lệnh gì đó cho giám đốc trại giam, một lúc sau hai hay ba cửa thấp gần như cùng một lúc nhả ra từng đám người ăn mặc rách rưới gớm ghiếc huyên náo. Đó là những tù khổ sai.

Khi họ tiến vào giữa sân, từ các cửa sổ chung quanh lại vọng ra những tiếng reo mừng. Một vài người trong số tù khổ sai này, có tên tuổi trong nhà tù được chào đón bằng những tiếng hoan hô và họ tiếp tục với sự khiêm tốn đầy kiêu hãnh. Phần lớn trong số này đội những chiếc mũ do chính tay họ đan bằng rơm lót chỗ nằm trong các xà lim với hình thù kỳ lạ để mỗi khi đi qua thành phố nào, người đi đường trông thấy đều chú ý đến sự có mặt của họ.

Những người này được hoan hô nhiệt liệt hơn nữa. Nhất là có một người gây chú ý hơn cả. Đó là một chàng trai trẻ, tuổi xấp xỉ mười bảy, nét mặt thanh tú như con gái. Anh này từ trong xà lim bước ra sau tám ngày bị giam kín ở đây, chân đi giày rơm do anh ta tự bện lấy, mặc quần áo trùm từ đầu đến chân. Anh ta bước vào sân, tự mình nhấc cái gông tròn đeo vào cổ khéo léo như một con rắn.

Đó là một chàng hề ngoài phố bị kết án vì tội ăn cắp. Anh ta vỗ tay liên hồi như điên, miệng thốt ra những tiếng reo vui mừng. Những người tù khổ sai khác trả lời bằng những tiếng reo. Đó là sự trao đổi kỳ lạ đầy vui vẻ giữa những người tù khổ sai thực thụ và những tù khổ sai rắp ranh. Không khí ở đây quả thật thoải mái giữa những viên cai ngục, những người tò mò khiếp đảm. Tội ác bị coi thường trước mắt và sự trừng phạt ở đây lại biến thành cuộc hội ngộ vui vẻ trong gia đình.

Những người tù khổ sai vào đến đây đều bị bọn cai ngục đẩy sang bên sân nhỏ bên cạnh nơi các thầy thuốc trại giam chờ họ. Chính tại đây họ cố gắng một lần cuối cùng để tránh cuộc di chuyển, viện cớ sức khỏe có vấn đề như mắt đau, chân què, tay cụt. Nhưng tất cả đều được nhìn nhận là có đủ điều kiện để chuyển đến nhà tù khổ sai. Thế là mỗi người đành cam chịu một cách vô tư lự, quên đi trong chốc lát tình trạng tàn tật mong muốn được coi như đeo đẳng suốt đời.

Cửa chấn song ngăn cách sân nhỏ đã mở. Một viên cai tù đọc danh sách theo thứ tự a, b, c, từng người tù lần lượt bước qua cửa tiến vào, tự mình đứng vào hàng trong sân to, liền kề với người bạn tù có tên chữ cái gần gũi một cách ngẫu nhiên. Như vậy mỗi người tự thu xếp cho bản thân, đeo xích vào mình, đứng vào hàng bên cạnh một người không quen biết và nếu ngẫu nhiên một người tù có người nào là bạn thân thì cũng được xích riêng ra vì có hai chữ đầu tên cách xa nhau. Đằng sau nỗi thống khổ là như thế.

Khi đã có khoảng ba chục tù vào sân, người ta đóng cửa chấn song sắt lại. Một viên cảnh sát dùng gậy bắt xếp hàng vứt cho mỗi người một chiếc sơ mi, một áo vét và một quần bằng vải thô rồi ra hiệu cho mọi người bắt đầu thay quần áo. Một sự cố bất ngờ xảy ra như đến một điểm nào đó thay đổi sự khổ nhục tra tấn đó.

Cho đến lúc đó, tiết trời đẹp và gió bấc tháng Mười làm lạnh bầu không khí, thỉnh thoảng còn làm tan làn sương xám xịt trên bầu trời tạo ra một khe hở để một tia nắng lọt xuống. Nhưng khi bọn tù khổ sai vừa cởi xong bộ quần áo tù, vào lúc họ hiện ra trần truồng dưới ánh mắt nghi ngờ của những viên cai tù và con mắt tò mò của những khách lạ đi quanh họ để xem xét các bờ vai, trời bỗng tối đen. Một trận mưa rào mùa thu như thác đổ xuống sân lớn, xuống những mái đầu, những chân tay trần trụi của bọn tù khổ sai, cả đống quần áo tù trải trên sân.

Trong nháy mắt, trên sân gần như trống trơn. Những người tò mò từ Paris cũng chạy đi kiếm chỗ trú mưa dưới các mái che các cửa. Tuy nhiên mưa vẫn xối xả. Người ta chỉ nhìn thấy trên sân gạch ngập nước những người tù khổ sai trần trụi đẫm nước mưa. Một sự im lặng lạnh ngắt tiếp theo tiếng nói khoác lác ồn ào ban nãy. Họ run rẩy, lập cập, cẳng chân gầy guộc, những đầu gối trơ xương va chạm lẫn nhau và thật đáng thương khi nhìn thấy những người tù khổ sai gầy guộc xanh lướt phải mặc những cái sơ mi ướt đẫm nước mưa, những cái quần kinh tởm kia, có lẽ để họ trần truồng thì hơn.

Duy chỉ có một người, một ông già còn giữ được thái độ vui vẻ. Ông ta lấy sơ mi lau người rồi kêu lên, giọng hài hước:

– Việc này ngoài chương trình đây, rồi bắt đầu cười phá lên, giơ cao nắm tay lên trời.

Sau khi họ mặc vào người bộ quần áo đi đường, người ta dẫn họ thành từng đoàn, hai mươi hoặc ba mươi người đến góc bên kia sân trại giam, nơi đây những dây xích được đặt sẵn trên mặt đất đang chờ họ. Những dây xích dài và chắc chắn được cắt ngang từng đoạn 2 piê nối với những đoạn xích ngắn hơn ở đầu có gắn một hình vuông có thể mở và đóng lại ở bản lề ở góc đối diện bằng một bu lông sắt tán rivê. Chiếc gông này sẽ quàng lên cổ người tù khổ sai trong suốt cuộc hành trình. Khi những dây xích còn nằm chềnh ềnh trên mặt đất, chúng có vẻ như một bộ xương cá lớn.

Người ta cho các tù nhân ngồi trên vũng bùn giữa mặt sân ngập nước và thử các cái cùm xem có vừa không, rồi hai người thợ rèn của đoàn tù nhân, mỗi người đem theo đe xách tay, tán nguội rivê bằng những nhát búa mạnh. Đó là một thời điểm kinh khủng khiến ngay cả những người táo tợn nhất cũng phải tái mặt. Mỗi nhát búa giáng trên đe tựa vào lưng người tù làm nảy cả cằm họ lên, chỉ một động tác nhỏ từ đằng trước ra đằng sau cũng đủ đập bể sọ như đập vỡ một quả óc chó.

Sau thao tác này trông mặt mũi họ tối sầm lại. Người ta chỉ còn nghe thấy tiếng xích, tiếng cùm chạm vào nhau kêu loảng xoảng và thỉnh thoảng có tiếng kêu thét hay tiếng gậy khô khan của người cai tù đánh vào chân tay những kẻ ương bướng. Cũng có những người không chịu được bật tiếng khóc thảm thương, những người già rùng mình, cắn răng chịu đựng. Tôi khiếp đảm nhìn tất cả những vẻ mặt thê thảm đó trong các gióng khung sắt của họ.

Cứ như vậy, lần lượt, sau các thầy thuốc của trại giam là đến bọn cai tù, cuối cùng là các thợ rèn đến “hỏi thăm” từng người tù một. Ba hồi của một vở diễn.

Một tia nắng đã trở lại, như lửa đổ lên các bộ óc. Theo hiệu lệnh, đoàn tù khổ sai nhất loạt đứng dậy như bị co giật. Năm dây xích được các bàn tay nhấc lên và ngay lập tức tạo thành một điệu nhảy vòng tròn chung quanh chiếc đèn lồng. Nhìn họ quay cuồng mà hoa cả mắt. Họ hát bài hát về nhà tù khổ sai, một bản tình ca bằng tiếng lóng theo một điệu lúc rên rỉ than vãn, lúc giận dữ phóng túng.

Từng quãng một nổi lên những tiếng kêu lanh lảnh, mấy tiếng cười xé tai và hổn hển pha lẫn những lời lẽ bí ẩn rồi đến những lời hoan hô hung dữ và những xiềng xích va chạm nhau theo nhịp hòa vào tiếng hát khàn khàn hơn cả tiếng kim loại trong dàn nhạc kỳ lạ này. Nếu tôi đi tìm một hình ảnh của dạ hội phù thủy thời trung đại để so sánh với cảnh tượng này thì không có điều gì có thể nói là hơn hay kém.

Người ta đem vào sân trại giam một chiếc chậu gỗ lớn. Bọn canh tù lấy gậy đập vào những người tù khổ sai ra hiệu dừng cuộc nhảy và dắt họ đến cái chậu gỗ, trong đó người ta thấy không biết có loại rau cỏ gì lõng bõng trong một chất lỏng bẩn đang bốc khói. Họ cần phải nhét cái gì đó vào bụng trước khi lên đường.

Ăn xong, họ đổ hết phần xúp và những mẩu bánh xám xịt ra sân gạch rồi lại bắt đầu nhảy và hát. Hình như người ta ban cho họ đặc ân được hưởng một ngày tự do vào hôm đóng cùm và cả đêm sau nữa.

Tôi quan sát cảnh tượng kỳ lạ đó với tâm trạng tò mò và khao khát, hồi hộp và chăm chú đến mức quên hẳn chính mình. Một tình cảm thương hại sâu sắc thấu tâm can và những tiếng cười của họ làm tôi bật khóc!

Bỗng nhiên trong lúc mơ màng này tôi thấy điệu nhảy huyên náo dừng lại, im bặt. Rồi tất cả các cặp mắt hướng tới ô cửa sổ nơi tôi đang đứng bên trong nhìn ra.

– A! Tên tử tù, tên tử tù kìa! – Tất cả đều chỉ tay về phía tôi và kêu lên, rồi những tiếng la hét vui mừng lại nổ ra.

Tôi sững sờ nhìn họ.

Tôi không biết từ đâu họ biết tôi và làm sao họ nhận ra tôi.

– Xin chào!

Họ gọi tôi với tiếng cười khẩy độc ác. Một trong số tên trẻ nhất bị kết án khổ sai chung thân, khuôn mặt sạm đen bóng nhẫy nhìn tôi với vẻ mặt thèm muốn và nói:

– Thằng cha này sướng thật! Hắn sẽ được “xén cụt” (tiếng lóng nghĩa là chặt đầu). Vĩnh biệt, bạn thân mến!

Tôi không thể nói điều gì đã xảy ra trong tôi. Quả thật tôi là người bạn của họ, quảng trường La Grève là anh em với nhà tù Toulon. Tôi còn được đặt thấp hơn họ. Họ đã tôn vinh tôi. Tôi thấy rùng mình.

Đúng, tôi là bạn của họ. Và vài hôm nữa biết đâu tôi cũng có thể làm trò cho họ xem.

Tôi vẫn đứng bên ô cửa sổ không động đậy, người đờ ra như bị liệt. Nhưng khi tôi nhìn thấy năm dây xích lớn xông thẳng đến chỗ tôi với những lời lẽ thân thiện dữ dội, khi tôi nghe thấy tiếng náo động ầm ĩ của các dây xích, tiếng kêu, tiếng bước chân đi tới chân tường, tôi tưởng đó như một trái núi đang lao vào cái xà lim khốn khổ của tôi. Tôi kêu lên, đu cả người vào cánh cửa để nó khỏi bật ra nhưng tôi không có cách nào chạy khỏi đây.

Cửa khóa ở bên ngoài rồi. Tôi húc đầu vào đó, tôi gọi người cai ngục một cách điên dại. Tôi tưởng như nghe thấy giọng nói ghê sợ của đám tù khổ sai. Tôi tưởng như nhìn thấy những cái đầu gớm ghiếc hiện ra bên khung cửa sổ.

Tôi kêu lên một tiếng hãi hùng, rồi ngã vật ra bất tỉnh.

Bình luận