Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bây Giờ Và Mãi Mãi

Chương 8

Tác giả: Danielle Steel

Jessie và ông Martin Schwartz ngồi ở hang ghế cuối trong phòng xử án đợi cho tới hơn mười giờ. Hôm nay tòa phải xử nhiều vụ, làm việc rất trễ, sổ ghi đầy rẫy. Nhìn cung cách làm việc của tòa án, Jessie thấy nản quá. Phần đông càc vụ án, người ta chỉ tóm tắt nội vụ, tiền đóng thuế chân cũng được quyết định tùy tiện, và nhiều khuôn mặt mới được dẫn tới. Cuối cùng Ian được dẫn từ trại giam tới, qua một cánh cửa, có lính dẫn giải kèm 1 bên.

Ông Martin bước tới đầu phòng. Rất may là biên bản tố tụng chỉ tóm tắt nội vụ, không đi vào chi tiết. Người ta hỏi anh Ian có biết anh bị kết tội gì chăng, và anh trịnh trọng trả lời rằng có.

Tiền thế chân được quyết định là hai mươi lăm ngàn đô. Ông Martin xin rút xuống. Ông chánh án còn đang cân nhắc vấn đề thì biện lý là một bà nhảy cẫng lên, nhất định phản đối. Bà cho rằng tội trạng rất nặng, cần phải đóng một số tiền thuế chân rất cao, nhưng ông tòa không đồng ý. Ông tòa hạ xuống mười lăm ngàn, gõ búa quyết định dứt khoát, chuyện sang vụ án kế tiếp, và người ta lại dẫn vào một người đàn ông khác. Phiên tòa nghe đối chất sơ bộ được quyết định vào hai tuần nữa.

Lúc ông Martin trở lại chỗ Jessie đang ngồi, chị thầm thì hỏi ông:

– Bây giờ chúng ta phải làm gì?

Ian đã rời phòng xử án, trở lại trại giam.

– Bây giờ bà dàn sẵn ngàn rưởi đô-la tiền mặt để trả cho một chưởng khế, và coi có thứ gì đáng giá mười lăm ngàn để cầm cho ông ta không?

– Tôi có biết thủ tục ra sao đâu?

– Cứ tiến hành đi. Tôi chỉ dẫn cho.

Chúa ơi…mười lăm ngàn? Chị chới với! Mười lăm ngàn? Số tiền lớn quá. Vì ai mà chị phải chạy món tiền lớn như thế? Chỉ vì anh Ian đấy thôi.

Hai người trở ra tiền sảnh, băng qua đường tới dãy văn phòng chưởng khế thắp đèn nê-ông. Dãy nhà này coi chẳng đẹp đẽ và văn phòng cuối cùng mà hai người bước vào cũng chẳng hơn gì các văn phòng khác. Khói thuốc lá ngột ngạt, và mấy cái gạt tàn đầy ắp. hai người đàn ông ngồi trên ghế nệm có vẻ đang ngủ, trong lúc chờ đợi. Một người đàn bà tóc vàng bù xù hỏi hai người đến có chuyện gì, và ông Martin lên tiếng giải thích. Bà ta gọi dây nói cho trại giam, ghi vài chữ về vụ án, nhìn Jessie chăm chú. Jessie cố giữ để đừng tỏ vẻ nao núng.

– Bà phải có sản nghiệp gì để cầm cố. Bà đứng chủ căn nhà mình chứ?

Jessie gật dầu, và giải thích về chuyện cầm cố bất động sản.

– Tôi cũng có cơ sở làm ăn nữa.

Chị cho bà kia địa chỉ cửa tiệm của chị, cùng với số nhà riêng của vợ chồng chị, và tên của ngân hang đứng bảo lãnh việc cầm cố nhà.

– Bà đánh giá cơ sở làm ăn của bà áng chừng bao nhiêu? Loại cơ sở gì vậy? Một tiệm bán quần áo hả?

Jessie gật đầu, cảm thấy xuống tinh thần, tuy rằng chị không rõ tại sao. Có lẽ vì người đàn bà kia biết tội của chồng chị là tội gì.

– Vâng, đó là một cửa tiệm bán quần áo. Chúng tôi đã làm bản kê khai hang hóa, cũng dài lắm.

Tại sao chị lại muốn khoe khoang với người đàn bà đần độn này? Chị biết rằng chỉ vì mụ nắm vững số tiền thế chân cho anh Ian được tại ngoại. Ông Martin đứng một bên, theo dõi thủ tục.

– Chúng tôi phải gọi dây nói hỏi lại ngân hàng của bà. Mời bà trở lại vào lúc bốn giờ.

– Và bà có thể đứng bảo lãnh tiền thế chân cho ảnh?

Ôi, trời ơi!

– Bà bảo lãnh được cho anh chứ?

Chị khiếp hãi, nghẹn ngào.

– Chúng tôi sẽ đứng bảo lãnh tiền thế chân cho ông nhà, nhưng còn tùy thuộc vào chuyện ngân hàng đánh giá thế nào về căn nhà và cửa tiệm của bà. Cả căn nhà và cửa tiệm của bà đều cầm cố cho một ngân hang duy nhất chứ?

Giọng của mụ lạnh tanh. Jessie gật đầu, mặt mày xanh xám.

– Tốt. Như vậy đỡ mất thì giờ. Lúc chiều bà trở lại đây nhớ mang theo ngàn rưỡi. Tiền mặt.

– Tiền mặt?

– Tiền mặt hay chi phiếu của ngân hàng cũng được. Chúng tôi không nhận chi phiếu cá nhân.

– Cảm ơn.

Hai người trở ra ngoài đường. Jessie hít thở thật dài, đón lấy luồng không khí mát mẻ. Hình như từ lâu lắm rồi, chị chưa được hít thở thoải mái như thế.

Chị hít thêm một hơi nữa, rồi mới đưa mắt ngó ông Martin.

– Những người không có tiền, chẳng hiểu rồi sẽ ra sao?

– Họ không đứng bảo lãnh tiền thế chân.

– Và rồi sao?

– Nằm yên trong nhà đá cho tới lúc nào tuyên án.

– Dù vô tội cũng chịu vậy sao? Phải nằm nhà pha suốt thời gian đằng đẵng đó sao?

– Chưa xử, làm sao biết là vô tội?

– Nguyên tắc “chưa chứng tỏ được tội trạng vẫn kể là vô tội” để cho chó gặm ư?

Ông luật sư nhún vai, quay qua chỗ khác, giữ im lặng. Mỗi lần phải vào văn phòng bảo lãnh thế chân ông lại cảm thấy suy sụp tinh thần. Ít khi ông theo than chủ tới văn phòng chưởng khế. Nhưng Ian đã yêu cầu ông, và ông lỡ hứa. Xem chừng khó đối xử với chị đàn bà cao dong dỏng này. Chị có vẻ là người độc đoán, tuy bề ngoài bạc nhược và bất lực. Nhưng ông lại nghi ngờ, có lẽ anh Ian nói đúng đấy. Dưới vẻ bề ngoài bướng bỉnh chị khoác lên mình bộ áo giáp, bên trong ẩn chứa tính bạc nhược, khiếp sợ. Ông tự hỏi không biết bộ giáp này có rạn nứt trước khi cuộc chiến đấu chấm dứt chăng? Chỉ mong nó còn đứng vững đến phút chót.

– Người nghèo tìm đâu ra tiền mà chạy luật sư?

Lạy Chúa tôi, đừng đem những chuyện xã hội với công nhân mà hỏi nhau, nhức đầu lắm.

– Đã có luật sư cãi thí, bà Jessie ạ. Và chúng ta có nhiều chuyện liên quan đến bản thân cần suy nghĩ, hơi đâu mà nghĩ đến người nghèo? Bà cũng nghĩ vậy chứ? Tại sao bà không để thì giờ ra ngay ngân hàng, lo cho xong mọi chuyện đi?

– Đồng ý. Rất tiếc. Xin lỗi ông.

– Chẳng cần. Chế độ của chúng ta có nhiều điều dở, tôi biết chứ. Nhưng nó không đặt ra cho những tiện nghi của người nghèo. Chỉ nên cảm tạ trời đất rằng bà không phải một người trong đám đó, thây kệ chuyện khác.

– Khó làm được vậy đấy, ông Martin ạ.

Ông luật sư lắc đầu, cười nụ:

– Bây giờ bà ra ngân hàng chứ?

– Thưa ông, vâng.

– Tốt. Bà muốn tôi đi theo không?

– Tất nhiên là không. Tôi có phải con nít đâu mà canh giữ tò tò, hay anh Ian năn nỉ yêu cầu ông lo?

– Tôi… không… Ồ, lạy Chúa. Bà cứ việc ra ngân hàng đi, và khi nào bà lãnh ông ra thì cho tôi biết. Hoặc giả trước khi đó, tôi có thể giúp bà điều gì chăng?

– Cho chúng tôi mượn đỡ mười lăm ngàn đô, được không?

Chị vẫn chưa có ý niệm rõ ràng, phải lo vụ tiền bạc này bằng cách nào. Chị mỉm cười, chào từ biệt và chậm rãi tiến lại chỗ đậu xe. Chị sẽ nói năng với ngân hàng ra sao? Nói hết sự thật ư? Nếu phải van lạy họ, chị cũng sẵn sàng. Mười lăm ngàn… cao như đỉnh Everest!

Hút hết sáu điếu thuốc lá, nửa giờ năn nỉ gãy lưỡi với điều hành viên của ngân hang, Jessie đã nhận được ngàn rưỡi đô-la cầm thế chiếc xe. Và họ bảo đảm rằng mọi việc sẽ đâu vào đấy khi văn phòng chưởng khế gọi tới. Qua câu chuyện trao đổi, điều hành viên của ngân hàng tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng. Jessie cố dấu kín câu chuyện, nhưng không được. Chị không kể rõ cho ông ta nghe vụ án ra sao, chỉ nói rằng Ian ở tù thôi. Chị van vái cho văn phòng chưởng khế đừng tiết lộ cho ông này biết tội trạng, và nếu như họ tiết lộ, thì ông này cũng làm ơn giữ kín miệng. Ông đã thề với chị rằng sẽ coi mọi chuyện là bí mật phòng the. Và cuối cùng chị đã nắm được ngàn rưỡi đô-la.. Chị đã có rồi… Có rồi! Ngôi nhà và cơ sở làm ăn của chị đáng giá gấp mười lần số tiền bảo chứng mà chị cần tới. Nhưng chị cảm thấy dường như vẫn chưa đủ. Lỡ chúng cứ nhất định không chịu thả anh Ian ra thì sao? Chị tiếp tục suy nghĩ. Chị nghĩ tới két an toàn trong ngân hàng.

– Chi nữa, bà Clarke?

Chị không đáp, cứ ngồi yên tại chỗ.

– Chi nữa, bà Clarke? Có điều gì khác nữa chăng?

– Xin lỗi… Ồ… Tôi… Tôi vừa nghĩ tới một chuyện. Vâng, tôi… tôi nghĩ rằng tôi muốn coi lại két giữ đồ châu báu của tôi.

– Bà có mang theo chìa khóa không?

Chị gật đầu. Chìa khóa có gắn trong chùm chìa khóa của chị. Chị lục lọi trong túi xách, lấy đưa cho ông kia.

– Tôi sẽ nhờ cô Lopez mở dùm bà.

Jessie trầm ngâm đi theo ông, sau đó chị đi theo một cô gái tên Lopez mà chị chưa quen biết. Cô đưa chị tới két an toàn của chị, mở két lấy hộp châu báu đưa cho chị, và nhìn chị chăm chú. Hộp nữ trang này khá lớn.

– Bà có muốn đem hộp này vào một căn phòng không?

– Tôi… tôi… có. Cám ơn cô.

Nhưng chị không nên sử dụng số nữ trang này. Chị chưa cần đến. Làm vậy có thể là lầm lỗi… Nhưng nếu như căn nhà và tiệm Lady J chưa đủ thì sao? Chị biết rằng lúc này chị không còn lý trí. Chị đang khiếp sợ. Nhưng, cứ cho chắc ăn thì tốt hơn… phải cho chắc ăn… vì anh Ian. Nhưng chuyện này đau đớn quá. Và bây giờ chị phải ở một căn phòng nhỏ, ít đồ đạc, chỉ có một cái bàn Phoóc-mi-ca màu nâu và một mình đương đầu với nó.

Cô Lopez đưa chị vào một chiếc ghế bọc nệm màu đen. Trên tường treo một bức tranh chụp cảnh thành phố Venice rất xấu xí hình như được cắt ra từ nắp hộp bánh kẹo. Jessie ở một mình với hộp nữ trang. Chị thận trọng mờ hộp, lấy ra ba gói lớn bằng da màu nâu, và hai hộp nữ trong bọc bằng da hoẵng màu đỏ lợt. Dưới đáy hộp lớn, còn một hộp khác nhỏ hơn màu xanh lợt. Chiếc hộp xanh này đựng có vài báu vật của Jake mà cũng đầy hộp: mấy cây kẹp cà vạt mà bà tặng cho cậu nhân ngày sinh nhật thứ hai mươi mốt, chiếc nhẫn huy hiệu trường trung học, chiếc nhẫn huy hiệu Hải quân. Phần lớn chẳng có giá trị, nhưng là kỷ niệm của Jake.

Những hộp bọc da nâu mới thật sự chứa đựng đồ gia bảo: những lá thư ba má chị viết cho nhau trong nhiều năm, thư từ đó ông bà trao đổi cho nhau hồi ba chị ở trong quân ngũ, hồi còn chiến tranh. Những bài thơ má chị viết cho ba. Những hình chụp. Những lọn tóc của chị và Jake. Quả thật là đồ gia bảo. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Bây giờ, tất cả những đồ đạc gần hư hỏng cả rồi.

Chị mở cái hộp xanh trước tiên, và chị mỉm cười, mắt đẫm lệ nhìn những di vật ít giá trị khác của Jake bày lăn lóc trên tấm da linh dương màu nâu. Chị tưởng như còn ngửi thấy hơi hướng của Jake. Chị nhớ đã trêu ghẹo em về chiếc nhẫn huy hiệu của trường trung học. Chị nói với cậu rằng trông xấu tệ, có gì đáng hãnh diện đâu. Bây giờ chị thấy nên hãnh diện là phải. Chị xỏ nó vào ngón tay, nhưng chiếc nhẫn lớn quá, chỉ đeo không vừa. Có lẽ anh Ian đeo cũng không vừa nữa đó. Jake cao thước tám, thước chín kia mà.

Chị trở lại với những hộp màu nâu. Sờ vào cũng thấy mát tay. Trên mặt hộp có khắc những chữ đầu trong tên họ ba má chị, những chữ bằng vàng, nhỏ nhắn ở góc bên phải phía dưới. Hai hộp giống hệt nhau, mang dấu hiệu đặc biệt của gia đình chị. Trong hộp thứ nhất chị thấy một bức hình cả bốn người trong gia đình, chụp vào một ngày lễ Phục Sinh. Hồi đó chị mới mười một, mười hai tuổi và Jake lên bảy. Quả thật chị không muốn đụng tới những kỷ niệm cũ. Chị lặng lẽ đóng hộp lại và xét tới đồ vật mà chị cần xét tới: những hộp nữ trang bọc da hoẵng màu đỏ. Ðó là nữ trang của má chị. Ðối với chị, nó thật quý báu, thật thiêng liêng, chị vẫn coi đó là của mẹ, không phải của chị, nên những năm gần đây, chị không dám đeo tới. Thế mà bây giờ chị lại có ý định bỏ chúng vào tay kẻ xa lạ. Chị vì anh Ian.

Chị thận trọng mở hộp nhìn một hàng mấy chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn cẩn hồng ngọc và kim cương là của bà ngoại chị. Hai chiếc nhẫn cẩn ngọc bích rất đẹp là của ba chị mua ở miền Viễn Tây đem về. Chiếc nhẫn mặt đá xanh lục này má chị thích lắm đây, bà đã tặng cho chị nhân gày sinh nhật thứ mười lăm của chị. Này đây là chiếc nhẫn hột xoàn đính hôn… và đây là nhẫn cưới của chị. Nó là nhẫn của chị đích thực, chiếc nhẫn vàng xinh xắn chị thường deo, và ưa thích hơn chiếc nhẫn ngọc bích hột xoàn mà ba chị đã mua cho chị. Có hai chiếc vòng vàng mặt trơn, một chiếc đồng hồ bằng vàng, cẩn hột xoàn nhỏ nhỏ xinh xinh ở trên mặt. Có một món trang sức đeo ngực rất lớn, ở giữa cẩn xa-phia, chung quanh cẩn những hột xoàn nho nhỏ, trông rất đẹp, và món nữ trang này cũng của bà ngoại chị.

Hộp nữ trang đựng ba mặt hàng: chuỗi hạt trai, bong tai cẩn hạt trai, và bông tai cẩn hột xoàn. Ðôi bông tai hột xoàn xinh xắn là của chị và Jake chung nhau mua tặng má chị, bà đeo được một năm thì mất. Những kỷ vật cũ bây giờ nằm đây, Jessie nhìn tới mà se thắt trong ruột. Chị biết rằng không nên bỏ chúng, giao cho chưởng khế, nhưng nếu cần, chị cũng đành vậy thôi. Hai ngày trước, chị không hề nghĩ tới một chuyện như thế này, nhưng bây giờ thì…

Jessie đặt trả mấy cái hộp về két an toàn bằng sắt, và rời phòng sau gần hai giờ đồng hồ ngồi xem xét những kỷ vật. Cũng sắp tới giờ ngân hàng đóng cửa rồi.

Khi chị trở lại đường Bryant, thì thấy người đàn bà ở văn phòng chưởng khế đang ăn bánh mì thịt băm, chúi đầu đọc tờ báo buổi chiều. Mụ nhìn lên, miệng còn phúng phính, lên tiếng hỏi chị:

– Lấy được tiền rồi hả?

Jessie gật đầu:

– Bà đã nói chuyện với ngân hàng về vấn đề cầm cố nhà rồi chứ?

Chị đã mệt lắm rồi, chịu đựng mọi nỗi khắc khoải mà việc ngồi lại xem xét đồ vật cất trong két an toàn là mức chịu đựng cao nhất, không tài nào vượt quá được nữa. Chị muốn cơn ác mộng này chấm dứt cho rồi.

– Ngân hàng nào?

Vẻ mặt mụ đàn bà tỉnh như không, và Jessie nắm chặt tay để khỏi kêu thét lên.

– Liên hiệp ngân hàng Ký thác California. Tôi muốn đóng xong tiền thế chân để nhà tôi được về nhà trước tối nay.

– Tội gì?

Trời ơi, con mẹ này cố tình “chơi” chị đây? Mụ nhớ rõ chị phải đem tiền, trở lại đây… mà chuyện khác mụ lại quên là nghĩa làm sao? Muốn giở trò gì chứ? Được rồi, nếu quả mày muốn vậy, bà cho biết tay!

– Tội hiếp dâm và bạo hành!

Chị nói như thét vào tai mụ.

– Có sản nghiệp riêng không?

Ồ! Cục cứt!

– Nhờ ơn Chúa, chúng tôi đã lo suốt sáng nay, xong xuôi hết rồi, bà chỉ việc gọi điện cho ngân hảng của tôi, hỏi về cơ sở làm ăn và việc cầm thế nhà cửa của tôi. Chúng tôi đã cùng luật sư của chúng tôi tới đây, lo xong giấy tờ đầy đủ rồi.

– Ô-kê. Tên gì?

– Clarke, có chữ “e”

– Được, đây rồi. Mụ đưa hai ngón tay dính mỡ. Lôi tờ ngân phiếu ra – Không thể đóng thế chân đem ông ấy ra liền bây giờ được đâu.

– Tại sao không?

Jessie cảm thấy ruột gan lộn tùng phèo.

– Trễ quá rồi, không kịp gọi giây nói cho ngân hàng.

– Cục cứt! Sao bây giờ?

– Sáng mai trở lại.

Đành vậy. Kể như Ian nằm nhà đá thêm một đêm nữa. Quái đản! Chị nghẹn ngào, ứa nước mắt. Nhưng không thể làm gì được, đành về nhà, sáng mai trở lại thôi.

– Bà có muốn nói chuyện với ông chủ không?

Jessie sáng mắt lên:

– Liền bây giờ?

– Đúng. Ông đang có ở đây. Ở nhà sau.

– Tuyệt. Nói với ông rằng tôi đang ở đây.

Ôi, lạy Chúa! Cầu xin ông này có nhân đạo… con xin van vái.

Người đàn ông từ phòng sau ló ra, đưa tay xỉa răng, một ngón tay dơ bẩn đeo chiếc nhẫn vàng nho nhỏ, gắn viên hồng ngọc rất lớn. Tay kia cầm một lon bia. Hắn mặc quần jeans và áo sơ mi hở cổ. Một đám lông đen xoăn tít lòi ra ở cánh tay và cổ áo sơ-mi; nhìn mớ lông đen đó, người ta tưởng hắn là người da đen. Hắn không lớn tuổi hơn Jessie bao nhiêu. Thấy chị, hắn cười nhăn nhó, thôi xỉa răng, rút tay ra khỏi miệng, chìa ra cho chị bắt. Chị nắm tay hắn, nhưng khó chịu lắm.

– Chào ông. Tôi là Jessie Clarke.

– Barry York. Tôi có thể giúp bà điều gì?

– Tôi đang lo việc đóng tiền thuế chân cho nhà tôi được thả ra.

– Ra khỏi chỗ nào? Tội trạng ra sao? Này… đợi một phút. Vào văn phòng tôi đã. Bà dung bia nhé?

Hiện giờ, chị rất muốn uống bia. Nhưng không uống với hắn. Chị nóng, mệt, khát khô cổ, và chán nản, lo lắng, nhưng chị không muốn uống thứ gì với Barry York, dù là nước lã.

– Không, cám ơn.

– Cà phê chăng?

– Quả thật tôi không muốn uống. Nhất ông rồi, nhưng thôi, cám ơn.

Hắn cố tỏ ra lịch sự, phải công nhận điểm đó. Hắn dẫn chị vào một phòng nhỏ, không sáng sủa, tranh đàn bà khỏa thân treo nhan nhản trên tường. Hắn ngồi xuống chiếc ghế xích đu, bật ngọn đèn mờ mờ trên đầu, mở máy hát, và cười nham nhở với chị.

– Chúng tôi ít gặp những người như bà, bà Clarke ạ.

– Tôi… không… Cảm ơn ông quá khen.

– Chuyện gì với đức ông chồng vậy? Thưa gởi ra sao? Lái xe trong lúc xỉn?

– Không. Hiếp dâm!

Barry huýt gió. Jessie nhìn vào bụng hắn. Xét cho cùng thằng cha này cũng thành thật, nghĩ sao nói vậy.

– Chuyện chó chết. Tiền thế chân bao nhiêu?

– Mười lăm ngàn.

– Buồn năm phút.

– Vâng, vì thế tôi mới phải có mặt ở đây. (Tin vui cho ông đấy, ông Barry ạ. Có thể rằng sau vụ làm ăn này, ông có thể mua một cây tăm xỉa răng bằng vàng mà xử dụng, và mua them một chiếc cà rá hột xoàn nữa đó.) Tôi vừa nói chuyện với cô tre trẻ ở ngoài kia, cổ phải gọi dây nói hỏi ngân hàng của tôi, và…

– Và sao? Mặt hắn hơi đanh lại.

– Cổ quên.

Barry lắc đầu:

– Cổ không quên đâu. Chúng tôi không đứng bảo lãnh với một số tiền cao như thế.

– Ông không?

Hắn lại lắc đầu:

– Không mấy khi. (Jessie tưởng muốn khóc) Tôi đoán rằng cổ không muốn nói thật cho bà biết.

– Vậy là tôi mất đứt một ngày, và chồng tôi vẫn ngồi tù và ngân hàng của tôi cứ trông ngón ông gọi tới, và… bây giờ làm sao đây, ông York? Tôi biết làm chuyện gì bây giờ?

– Mời bà xơi bữa tối. Bà nghĩ thế nào?

Hắn tắt máy hát và vỗ vỗ vào tay chị. Hắn thở ra mùi thức ăn và dịch vị, hôi thối quá chừng.

Jessie nhìn vào mặt hắn, và đứng dậy:

– Ông cũng biết đấy, luật sư của chúng tôi lầm tưởng chỗ làm ăn đàng hoàng, ông York ạ. Tôi muốn nói cho ông ta biết tức thời đây.

– Luật sư của bà là ai?

– Martin Schwartz. Sáng nay, ông ấy cùng đi với tôi đến đây.

– Kìa bà… cho hỏi lại bà tên gì?

– Clarke.

– Bà Clarke ạ, sao bà không ngồi xuống đây, ta bàn lại với nhau đôi chút coi.

– Bây giờ, hay sau bữa ăn tối? Hay sau khi chúng ta nghe vài bản nhạc thâu băng nữa?

Hắn mỉm cười:

– Bà thích nhạc thâu băng? Tôi nghĩ rằng cuộc tiếp xúc này đẹp đấy chứ?

Hắn mở máy hát trở lại, và Jessie không biết nên cười, nên khóc, hay nên la hét. Rõ ràng chị không thể nào đem anh Ian ra khỏi trại giam được. Cơ sự này thì không trông mong gì chuyện đó.

– Bà chịu bữa ăn tối chứ?

– Vâng, ông York. Nhưng là với chồng tôi kia. Có hy vọng gì xin thả chồng tôi, để tôi có thể ăn tối với ảnh không?

– Tối nay ư? Vô phương. Tôi phải nói chuyện với ngân hàng của bà trước đã.

– Thì đúng là sự kiện cũ, lúc tôi rời ngân hàng vào lúc mười một giờ rưỡi trưa.

– Vâng, đúng. Rất ân hận. Và tôi sẽ đích thân lo vụ này vào sáng mai, chứ tôi không thể làm được chuyện gì nếu chưa thỏa thuận nhiều tiếng đồng hồ, nhất là với vụ bảo lãnh một số tiền có tầm cỡ như bà vừa nói thì càng không thể được. Bà đem cầm thế thứ gì vậy?

– Cơ sở làm ăn của tôi, hoặc ngôi nhà của tôi, hoặc cả hai. Chuyện đó tùy thuộc ở ông. Tôi muốn cầm thế một trong hai thứ đó, hoặc cả hai cũng được. Hay bản thân tôi nữa. Nhưng tôi lại có một ý kiến khác đây.

Chuyện điên rồ, ngu đần, sai lầm và trái đạo đức nữa, nhưng Jessie chán nản lắm rồi, chị phải làm thôi. Chị lục trong túi xách, lôi ra hai chiếc hộp có nữ trang của bà mẹ ở bên trong:

– Ông nghĩ sao về những món này?

Barry lặng lẽ ngồi xuống, và mười phút sau mới nói được một câu:

– Đẹp!

– Hơn thế nữa chứ. Ngọc bích và hột xoàn này là thứ thiệt, tuyệt đẹp. Và món trang sức gắn xa-phia này đáng giá nhiều tiền lắm chứ. Hạt trai cũng vậy.

– Đúng, có thể lắm. Nhưng vấn đề là tôi chẳng biết tí gì, phải đem hỏi thợ kim hoàn mới xong. Tôi vẫn không thể đem đức ông chồng của bà ra khỏi trại giam trước đêm nay. Nữ trang của bà đẹp thật đấy. Bà lấy đâu ra vậy?

– Của má tôi. Chị muốn nói “chúng tôi ăn trộm được đây!”

– Bà cụ có biết chồng bà ở tù không?

– Không thể, ông York ạ. Má tôi đã mất rồi.

– Ồ! Rất ân hận. Nghe này, sáng mai, việc trước nhất của tôi là đem thứ này tới nhà người biết định giá. Tôi sẽ gọi dây nói cho ngân hàng. Chúng tôi sẽ đưa ông nhà ra khỏi trại giam vào lúc trưa. Thề với bà là như vậy, nếu món hàng này tốt. Tôi không thể làm điều gì sớm hơn. Nhưng cũng xin nói rõ là vào lúc trưa mai, nếu mọi chuyện đều hợp thức. Bà có mang tiền công cho tối đấy không?

– Có. Chị muốn nói “có đây cưng ạ. Toàn tiền lẻ thôi.”

– Ô-kê. Vậy thì chúng ta sẽ giải quyết gọn gàng.

– Này ông York ạ, tại sao ông không dẹp những món nữ trang này đi hồi ngay từ tối nay, và đưa ông xã tôi về nhà? Ông chẳng chạy trốn đâu, còn chuyện vớ vẩn về tiền bạc này ta sẽ giải quyết vào ngày mai. Nếu cô phụ tá của ông gọi ngay cho ngân hàng như cô đã nói sẽ làm thì…

Hắn lắc đầu, lại xỉa răng lần nữa, và đưa cao tay kia:

– Tôi cũng muốn lắm, nhưng không thể được. Tôi đã nói hết lời. Không thể đuợc. Công việc làm ăn của tôi có nguyên tắc. Việc đầu tiên sáng mai tôi sẽ làm là lo vụ của bà. Tôi thề. Mời bà có mặt ở đây lúc mười rưỡi, và chúng ta sẽ lo mọi việc xong xuôi.

– Được.

Chị đứng dậy, cảm thấy như thể sức nặng của cả địa cầu đè nặng trên vai. Chị đóng nắp hai chiếc hộp da hoẵng, bỏ vào túi xách.

– Bà không để lại những món nữ trang này lại cho tôi?

– Chẳng cần. Tôi đề nghị chuyện này vì tưởng có thể đem chồng tôi ra trước đêm nay. Tôi nghĩ rằng ông cũng công nhận giá trị của những món hàng này. Nếu không, tôi chỉ cần thế căn nhà và cơ sở làm ăn cũng đủ.

– Ô-kê. Nhưng hắn tỏ vẻ không hài lòng – Bà biết cho, món tiền bảo lãnh này quá lớn.

Chị gật đầu, vẻ mệt nhọc:

– Ông đừng lo. Ngôi nhà của tôi rất đẹp, cơ sở làm ăn cũng phát đạt. Ông xã tôi lại là người tử tế, chẳng lường gạt ông đâu. Ông cũng không thiệt một cắc.

– Chưa biết ai lường gạt ai.

– Sẽ gặp ông vào lúc mười một rưỡi ngày mai, ông York.

Chị đưa tay ra, hắn bắt tay chị và mỉm cười:

– Bữa tối nay chắc bà ăn ngon chứ? Bà có vẻ mệt đấy. Ăn uống một chút đỡ cho bà lắm. Chút rượu vang, khiêu vũ một lúc… hưởng thụ một chút, trước khi ông chồng trở về. Bà cứ xét lại mà coi, bị bắt vì tội hiếp dâm, thì đủ hiểu ông ấy chẳng đi chơi với bạn trai.

– Chúc ông ngủ ngon, ông York.

Chị lặng lẽ bước ra cửa, tới chỗ đậu xe, và lái xe về nhà.

Nửa giờ sau chị lăn ra ngủ, và đến chín giờ sáng hôm sau mới thức dậy. Lúc trở dậy, chị cảm thấy như mình đã chết vào đêm trước. Và chị kinh hãi, xúc động tâm trí.

Bây giờ chị bắt đầu lãnh đủ mọi hậu quả tai hại. Quầng mắt của chị thâm hơn, đôi mắt chị trũng xuống và chị bắt đầu cảm thấy xuống ký. Chị hút sáu điếu thuốc lá, uống hai ly cà phê, và ăn một miếng bánh mì nướng. Rồi chị gọi về cửa tiệm, bảo hai cô gái đừng nhắc tới chị thêm một ngày nữa. Chị tới văn phòng bảo lãnh Yorktown vào lúc mười một giờ rưỡi, rất đúng hẹn.

Tại bàn giấy có hai người mới. Một cô gái nhuộm tóc đen nháy đang nhai kẹo cao su, và một người đàn ông còn trẻ nhưng đã để râu, và gịong nhấn như người Mê-hi-cô. Lần này, Jessie lên tiếng hỏi thẳng ông York. Chị nói:

– Ông ta đang trông mong tôi.

Hai người thư ký nhìn lên, tỏ vẻ ngạc nhiên chưa thấy khác hỏi giọng đó lần nào. Hai phút sau, York xuất hiện mặc chiếc quần ngắn dơ bẩn và chiếc áo sơ mi màu xanh dương, mang theo một tờ báo Playboy và chiếc vợt ten-nít.

– Bà cũng chơi ten-nít chứ?

– Đôi khi. Ông đã nói chuyện với ngân hàng rồi chứ?

Hắn mỉm cười, tỏ vẻ vui thích:

– Mời vô văn phòng tôi. Cà phê nhé?

– Không, cảm ơn.

Chị bắt đầu cảm thấy dường như cơn ác mộng này không bao giờ chấm dứt. Từ nay suốt đời chị sẽ phải đương đầu với những thằng như thanh tra Houghton và Barry York, sẽ phải lui tới phòng xử án và trại giam, ngân hàng và… cứ thế kéo dài, không dứt. Ngay vào lúc mà tưởng như sự việc chấm dứt thì lại hiện lên một cánh cửa khác, không tài nào ra khỏi. Bây giờ hầu như chị tin chắc chuyện đó. Chuyện anh Ian cũng chỉ còn là huyền thoại. Anh là một nhân vật mà chị đã dựng lên và không hiểu nỗi.

– Bà biết đấy, bà có vẻ mệt mỏi lắm. Bà ăn ngon chứ?

– Tuyệt diệu. Nhưng chồng tôi vẫn còn nằm trong tù, ông York ạ. Và tôi ao ước đem anh ra. Ngay tức thời đây. Có nhiều cơ may chứ?

Hắn hớn hở đáp:

– Tuyệt diệu. Tôi đã nói chuyện với ngân hàng và mọi việc trôi chảy cả. Bà cầm thế căn nhà, và đồng ý chịu siết đồ đạc trong cửa tiệm của bà, nếu ông không chịu ra hầu tòa, và chúng tôi sẽ giữ dùm bà chiếc nhẫn ngọc thạch và món đồ trang sức đeo ngực.

– Chi? Thằng cha này ăn nói ngon nhỉ? Nhưng chị quan tâm đến nhất là chuyện hắn đả động đến nữ trang của má chị – Tôi cho rằng ông không hiểu biết đấy, ông York ạ. Tôi nói với ông rằng tôi chỉ đưa ra món nữ trang của má tôi với điều kiện có thể đem chồng tôi ra ngay lúc đó, không cần phải hỏi lại ngân hàng. Kể như đó là một cách đảm bảo vậy.

– Đúng, bây giờ tôi thấy vững bụng hơn, nếu có bảo đảm như thế.

– Được rồi. Tôi không chịu.

– Chồng bà cảm thấy thế nào khi phải nằm luôn trong tù?

– Ông York, có điều luật nào phạt chưởng khế đòi hỏi quá nhiều đồ vật cầm thế hay không?

Ông Martin có nói chị về điều này.

– Bà kết tội tôi không thành thật chăng?

Ôi Chúa ơi! Chị muốn làm ầm lên…Ồ! Không được…

– Không đâu. Kìa, tôi van ông…

– Này cô, tôi không làm ăn với kẻ nào bảo tôi là thiếu thành thật. Tôi làm ơn cho cô, gãy lưng lo cho ông xã nhà cô số tiền thế chân lên tới 15 ngàn đô-la, mà cô gọi tôi là thằng ăn cướp hả? Tôi nói thật, với người khác, tôi chẳng thèm dính vào cái vụ thúi tha này đâu.

– Rất tiếc.

Nước mắt dâng lên, khiến mắt chị cay xè. Chị bắt đầu tự hỏi mắt nhìn bao quát quanh chị và nhún vai.

– Được rồi. Tôi đề nghị lại với bà. Chúng tôi chỉ giữ chiếc nhẫn, bà có thể mang món trang sức kia về. Nghe được hơn trước chưa?

– Tuyệt.

Thối hơn cứt. Nhưng chị không quan tâm đến nữa. Chẳng quan trọng gì nữa.

Cũng chẳng quan trọng nếu như anh Ian bỏ trốn, chúng lấy mất nhà, mất cơ sở làm ăn, chiếc xe và nhẫn ngọc bích. Chẳng chuyện gì quan trọng nữa.

York cho làm thủ tục lần thứ hai, thật lâu lắc, và hắn đụng tay vào ngực Jessie, lúc với lấy cây bút khác. Chị ngẩng mặt nhìn hắn, hắn mỉm cười nói rằng nếu chị chịu khó ăn uống cho đều đặn, thì chị sẽ xinh đẹp hơn và hắn kể chuyện hồi học trung học có quen một cô bạn cao dong dỏng. Cô ta tên là Mona. Jessie chỉ gật đầu, và ký tên. Cuối cùng giấy tờ đã làm xong. Hắn cắn đầu xì gà dài và nhấc điện thoại báo cho nhà giam biết.

– Tôi sẽ sai cô Bernice đưa bà qua đường, bà Jessie ạ. Hắn quyết định gọi chị bằng tên tục. “Và bà nghe này, nếu cần giúp đỡ, cứ gọi đến tôi. Tôi sẽ giữ mãi cuộc giao thiệp với bà.”

Chị van vái hắn đừng làm vậy, và bắt tay hắn trước khi rời phòng. Lúc ra đến ngoài, chị cảm thấy hụt chân muốn ngã xuống. Chị đã chịu đựng hết mức rồi. Từ nhiều ngày nay.

Nhưng lúc này, Barry York đã cử cô thư ký nhai kẹo cao su dẫn Jessie qua đường, tới trại giam để lãnh Ian. Bấy giờ là gần giữa trưa mà Jessie cảm thấy như đang lúc nửa đêm. Chị bối rối và kiệt sức, mọi vật bắt đầu thấy nhạt nhòa. Chị đang sống trong một thế giới thực đầy rẫy những kẻ ác và hiếp dâm.

Cô gái tên Bernice lo việc giấy tờ, xốc lại những tờ giấy, rồi dẫn Jessie qua đường, vào tòa nhà pháp đình. Cô ta nhét xấp giấy mà Barry York và Jessie đã ký vào một khe hở chỗ cửa sổ lầu hai và quay nhìn Jessie.

– Bà bám riết ông xã quá nhỉ?

– Việc gì đến cô?

– Bà sẽ ở lại với ông?

– Vâng… tất nhiên… có chuyện gì?

Chị lại cảm thấy bối rối. Tại sao cô này lại hỏi chị như vậy?

– Đáng tiếc lắm, bà chị ạ. Người xinh đẹp như chị sao lại đi mê kẻ hư hỏng như anh ấy? Ảnh gây cho chị lắm buồn phiền.

Cô ta lắc đầu và tiếp tục nhai kẹo cao su.

– Ảnh xứng đáng cho tôi lo lắng, cô ạ.

Cô gái nhún vai, và vẫy tay chỉ về phía cầu thang máy.

– Bây giờ chị có thể lên phòng giam. Chúng tôi xong việc rồi.

Cô thư ký bỏ đi.

Mấy phút sau, Jessie tới phòng giam, rung chuông gọi người lính gác.

– Hả? Chưa phải tới giờ thăm tù.

– Tôi tới đây để xin bảo lãnh cho chồng tôi ra.

– Tên gì?

– Clarke. Văn phòng chưởng khế Yorktowne vừa gọi điện thoại đến đây.

– Để tôi dò lại đã.

– Dò, dò cái gì. Tôi đã đem cầm thế ngôi nhà, cơ sở làm ăn, và nữ trang của má, mà ông còn phải dò lại nữa, hả ông? Tiên sư nhà ông! Và cả văn phòng Yorktowne… cả thanh tra Houghton… và… cả anh Ian nữa!

Chị không còn tin nỗi điều gì là thật. Chị không biết mình cảm nghĩ ra sao. Chị tức giận với anh, nhưng không giận những việc anh đã làm, chỉ giận anh không có mặt ở đây, lúc chị cần đến anh tha thiết.

Chị phải đợi ở cửa tới gần nửa giờ, khiếp sợ, ngây dại, đứng nép vào bên tường, hiểu mình làm gì. Nếu không bao giờ được gặp lại anh nữa thì sẽ ra sao? Nhưng đột nhiên cửa mở, anh đứng ngay trước mặt chị, râu ria không cạo, quần áo rách rưới, dơ bẩn, mặt mũi ngơ ngẩn. Nhưng anh được tự do. Mọi thứ chị đem đổ cả cho anh. Nhưng anh được tự do. Chị chậm rãi tiến vào, nhào vào lòng anh, miệng thì thầm một câu, và anh nhẹ nhàng dẫn chị vào thang máy.

– Mọi chuyện tốt đẹp cả rồi em ạ… tốt đẹp cả. Mọi việc sẽ tốt đẹp, Jessie em… anh Ian đây rồi.

Đúng là anh Ian, ngay lúc này đang đứng bên chị, nhẹ nhàng dẫn chị ra xe, hầu như bế bổng chị lên. Chị không thể cử động, nói năng gì, nhưng anh hiểu. Anh không biết chi tiết những chuyện xảy ra, nhưng đọc tới hồ sơ bảo lãnh, để ý đến điều khoản về chiếc nhẫn cẩm thạch của bà mẹ chị, anh hiểu rất rõ, chẳng cần chị phải nói cho anh biết.

– Xong xuôi rồi, cưng ạ… mọi việc sẽ tốt đẹp.

Chị ôm lấy anh, lúc hai người đứng bên chiếc xe. Nước mắt ròng ròng chảy xuống má, nét mặt nhăn lại vì xúc động và thất vọng, và giữa tiếng khóc nức nở, chị nói mấy câu gì nho nhỏ nghe không rõ.

Anh ôm chị thật chặt:

– Jessie, em cưng… anh yêu em.

Và lái xe đưa chị về nhà.

Bình luận