Lễ Giáng sinh năm đó, bà Astrid về trại chăn nuôi, ở chơi với mẹ ba tuần. Jessie bận bù đầu ở cửa tiệm. Chị đã quen với việc thăm viếng Ian: hai buổi sáng ngày thường và ngày chủ nhật, chị lái xe đi thăm anh. Mỗi tuần chị bắt chiếc xe chạy bốn trăm dặm đường, và máy của chiếc Volvo không còn chịu đựng nỗi nữa. Chị bắt đầu tự hỏi không hiểu lúc nào chị và chiếc xe cùng chết với nhau, rất đơn giản là chiếc xe lật úp bên lề đường, người và xe đều tiêu tùng. Trường hợp của chiếc Volvo là tình trạng cũ kỹ, còn của chị là quá căng thẳng và hoang mang. Và vì uống nhiều thuốc viên nữa. Nhưng hiện nay, chị đã quen với thuốc, hoạt động điều hòa nhờ thuốc. Phần đông không ai có thể chê trách chị được. Ngay anh Ian cũng không dám hỏi han về chuyện thuốc men. Chị nghĩ chẳng qua anh không muốn biết tới những chuyện xảy ra. Và như vậy là tốt với chị rồi.
Năm nay, chị không thể gởi quà Giáng sinh cho anh. Anh chỉ được phép nhận tiền, vì thế chị gởi cho anh một tấm chi phiếu. Chị cũng quên cả quà Giáng sinh cho hai cô gái trong tiệm. Chị chỉ nghĩ nỗi chuyện đổ xăng vào xe, sống nhờ những buổi thăm viếng Ian qua khung kiếng, và mua thuốc theo toa bác sĩ. Dường như mọi chuyện khác không thành vấn đề. Mọi năng lực chị đổ ra là để lo thanh toán các hóa đơn. Chị đang suy tính trong đầu nhiều biện pháp về tài chánh, và sáng dậy chị nghĩ xem làm cách nào để thanh toán món tiền này, vay mượn món tiền kia., hay có thể tạm đình thanh toán đến một ngày nào được không… Chị hy vọng rằng lợi tức bán hàng nhân dịp Giáng sinh có thể giúp chị giải quyết hết mọi việc. Nhưng Lady J có vấn đề riêng, có chuyện không giải quyết được, và chị cũng không thể để hết tâm trí săn sóc đến cửa hiệu như trước kia vẫn thường làm. Bây giờ chỉ còn là một công việc, chứ không phải là trò chơi nữa. Nó là một phương tiện giúp chị thanh toán các hóa đơn, là nơi hàng ngày phải tới làm việc, chị có thể ẩn núp trong văn phòng nhỏ bé ở phía sau cửa hàng và đánh vật với những hóa đơn. Ít khi chị ra ngoài tiếp khách. Mới nói chuyện vài phút, nỗi sợ hãi quen thuộc lại dâng lên, khiến chị nghẹn ngào, phải xin từ tạ, để dùng tới… một viên thuốc màu vàng… viên xanh… hay tợp một ngụm Scoth… một thứ gì có thể trấn áp kinh sợ. Ngồi phía sau, để hai cô gái tiếp khách, thấy dễ dàng hơn. Nhưng chị cũng rất bận rộn, theo cách của chị: bận với những hóa đơn, và cố tìm cách để đừng suy nghĩ. Muốn khỏi suy nghĩ, cũng mất công rất nhiều, đặc biệt là vào những lúc đêm hôm khuya khoắt, hay lúc sáng tinh mơ. Đột nhiên, lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, chị hồi tưởng rất rõ giọng nói của bà mẹ, tiếng cười của ông bố. Chị đã quên những người đó lâu rồi, bây giờ họ lại trở về. Ông bà nói nhiều điều… về chuyện riêng của ông bà… về chị… về Ian… và họ đều nói đúng cả. Họ muốn chị phải suy nghĩ. Có một lần, cả cậu Jake cũng lên tiếng. Nhưng chị không muốn suy nghĩ. Chưa phải lúc. Chị không phải nghĩ… chị không muốn… không thể… mấy người đó không thể bắt buộc chị… họ…
oOo Ngày Giáng sinh không trùng với ngày thăm viếng, nên chị không thể ở chơi với Ian. Chị ở nhà một mình, với ba viên thuốc đỏ và hai viên vàng. Bốn giờ chiều ngày hôm sau chị mới thức dậy, nên cũng không thể tới cửa hàng. Chị muốn ghi ra vài món hàng, hạ giá bán. Trong dịp lễ Giáng sinh chị đã chi tiêu quá nhiều, phải tính chuyện thu về. Bán đại hạ giá may ra gỡ lại được. Chị phải gởi thiệp mừng cho một số khách hàng quen thuộc.
Chị phải tính toán sổ sách cho tới Năm mới, và cuối cùng chị nhớ ra, đã gởi Zina và Kat hai tấm chi phiếu thay cho quà Giáng sinh mà chị đã quên của hai cô. Chị nhận được ba món quà tặng và một bài thơ của anh Ian. Zina và Kat cũng gửi cho chị mấy món quà nho nhỏ, có ý nghĩa: Zina tặng một chiếc bình đựng xác hoa ướp, Kat tặng một tranh vẽ nho nhỏ, có khung bằng bạc . Vào đêm Giáng sinh, chị đã đọc đi đọc lại bài thơ của anh Ian. Chị bỏ vào túi xách đem theo tới văn phòng lấy ra đọc suốt ngày. Sau khi nhận được một ngày, chị đã thuộc lòng bài thơ.
Katsuko và Zina thắc mắc không hiểu sao chị làm gì mà ở lì trong văn phòng. Chị chỉ ló mặt ra để uống cà phê, hay tìm một thứ gì đó trong nhà kho, nhưng ít khi nói chuyện với hai cô, và không bao giờ nói câu đùa rỡn nữa. Hết rồi những ngày ngồi tay ba nói chuyện thoải mái và thân mật như chỗ bạn bè. Hình như Ian đi rồi, Jessie cũng biến đi luôn. Hết buổi mới thấy chị ló ra ở cửa văn phòng, cây bút chì gài trên mái tóc, mặt mày bơ phờ, tay cầm một xấp mỏng những tờ hóa đơn, đôi khi mắt chị sưng húp và bên trong có tia máu. Chị dễ dàng gây gổ với mọi người, và mất bình tĩnh vì những chuyện không đâu. Và trong mắt chị luôn luôn có nét buồn chết chóc, ánh mắt đó nói lên rằng đêm qua chị đã nằm thức trắng, nói lên rằng chị khiếp sợ và không muốn cho hai cô biết là chị khiếp sợ; đó là ánh mắt hờ hững của người say thuốc.
Chỉ những ngày chị đi thăm Ian về, mới có thay đổi đôi chút: nhìn chị có vẻ sinh động hơn. Một chút gì lấp lánh phía sau bức tường chị đã tự tạo ra để ngăn cách chị với thế giới bên ngoài. Một điều gì khác lạ vừa xảy ra trong ánh mắt chị, nhưng chị chẳng muốn chia xẻ với một người nào. Ngay cả với bà Astrid nữa. Hồi này bà thường bỏ ra nhiều thì giờ để ở lại cửa hàng, làm quen với Zina và Katsuko. Có thể nói bà đã thay thế cho Jessie. Bà có tính dễ dãi mà Jessie vẫn có trước kia. Bà vui với cửa tiệm, khách hàng, quần áo và hai cô gái. Bà ưa thích chỗ này, thấy rõ. Bà bỏ nhiều thời giờ để nói chuyện và cười với hai cô. Bà lại có nhiều ý kiến mới lạ. Hai cô bắt đầu mến bà. Cả những ngày Jessie đi thăm Ian, bà cũng ghé chơi cửa tiệm.
– Hai cô biết không, đôi khi tôi nghĩ rằng tôi ngồi đây, chứ chẳng biết được lúc nào chị ấy về. Tôi cứ lo không hiểu chị ấy lái xe có ngon lành không.
Katsuko lắc đầu:
– Chúng cháu cũng vậy.
– Chị ấy nói với cháu rằng có hôm chị buông tay lái cho xe chạy “tự động” – Giọng Zina không được thoải mái – Chỉ nói rằng đôi khi chị không nhớ được mình đang ở đâu và làm gì, cho đến lúc chợt nhận ra bảng hiệu lưu thông.
– Khủng khiếp! – Bà Astrid uống ngụm cà phê và lắc đầu.
– Và buồn thảm nữa chứ, phải không? Cháu không hiểu chị còn chịu đựng được bao lâu. Chị không thể kéo lê cuộc sống như thế này. Phải đi chơi vài nơi, thăm vài người, có nhiều dịp mỉm cười, và ngủ cho nhiều – Và có điều Katsuko không nói, nhưng ai cũng hiểu cả – Chị không còn là con người cũ. Cháu không hiểu lúc này anh ấy ra sao.
– Khá hơn chị ấy một chút. Nhưng mấy lúc gần đây, tôi không được thấy anh ấy. Tôi nghĩ là anh bình tĩnh hơn, ít sợ hãi.
– Chị ấy bị như vậy ư? – Zina tỏ vẻ kinh ngạc – Cháu tưởng chị ấy chỉ hoang mang đôi chút thôi chứ.
– Cũng đúng. Nhưng quả là chị ấy sợ hãi – Bà Astrid nói giọng ngần ngừ, không muốn tranh cãi.
– Và gặp áp lực nữa. Gần đây, Lady J đã khiến chị gặp khó khăn.
– Ồ, bận rộn lắm hả?
Katsuko lắc đầu, không muốn nói thêm. Gần đây, cô thường phải nghe điện thoại của những chủ nợ gọi cho Jessie. Lần đầu tiên, công việc gặp rắc rối, và không còn đủ tiền để trả nợ. Jessie đã tiêu cho Ian đồng xu cuối cùng trong số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng. Đã đến lúc tiền trong két tiệm Lady J cũng phải bỏ ra để chi tiêu cho anh.
Jessie vừa bước vào cửa tiệm câu chuyện đành ngưng lại. Trông chị gầy gò, hốc hác, nhưng ánh mắt sáng long lanh, dường như có điều gì không xác định nỗi mà anh Ian vừa trút vào tâm hồn chị: sức sống.
– Tốt, hai em. Hôm nay hai em bận rộn lắm chứ? Và chị Astrid, chị tính đem tiền lại đây tiêu hết hay sao?
Jessie ngồi xuống, cầm tách cà phê nguội của một người nào đó, uống một ngụm. Đồng thời, chị cho vào miệng một viên thuốc màu vàng, thật nhanh, khó nhận biết. Nhưng bà Astrid nhận ra:
– Không. Hôm nay, chị chẳng tiêu một cắc. Chỉ ghé lại nói chuyện chơi và uống cà phê thôi, Ian thế nào?
– Tốt, em đoán vậy. Ảnh bận bịu với cuốn sách. Hàng họ hôm nay thế nào? – Hình như chị không muốn nói chuyện về Ian. Hồi này, ít khi chị muốn nói về những chuyện quan trọng liên quan với chị. Ngay cả với bà Astrid.
– Hôm nay cửa hàng khá ế ẩm – Katsuko vội đáp về việc làm ăn cho chị biết, trong lúc Zina nhìn vào đôi bàn tay hơi run run của chị.
– Khủng khiếp. Việc làm ăn chết dở, chiếc xe cũng tiêu tùng luôn. Chiếc Volvo đã hết thở rồi.
Chị nói giọng tỉnh queo, như thể quả thật không thành vấn đề với chị, cứ như chị có sẵn mười hai chiếc xe trong nhà.
– Trên đường về hả?
– Tất nhiên. Em xin quá giang với hai thanh niên ở Berkeley. Trên chiếc xe tải, hiệu Studebaker, 1952. Xe sơn màu hồng xanh lá cây, và hai anh chàng đó gọi đùa là Trái Dưa Bở. Chiếc xe chạy cũng ngon lành lắm.
Jessie cố mô tả tai nạn xảy ra, trong lúc ba người kia nhìn chị chăm chú.
– Vậy chiếc xe của em đâu rồi.
– Ở một ga ra sửa xe tại Berkeley. Người chủ đòi em bảy mươi lăm đô la tiền công sửa, đồng ý bỏ không tính tiền công kéo về.
– Chị tính bán luôn? – Katsuko tỏ vẻ ngạc nhiên.
– Không. Chị không thể làm vậy. Xe của anh Ian mà. Nhưng có lẽ chị cũng phải bán. Chiếc xe này cũng đến thời của nó rồi! – Và chị đây cũng vậy. Jessie không nói ra nhưng nghe giọng chị ai cũng hiểu cả – được đấy, mất đấy, cũng chẳng sao. Chị sẽ kiếm chiếc xe nào rẻ tiền một chút để đi thăm anh Ian.
– Nhưng đào đâu ra tiền?
– Chị sẽ lái xe đưa em đi – Giọng bà Astrid nhỏ nhẹ và bình thản lạ thường.
Jessie ngước nhìn lên gật đầu. Không lý gì để từ chối. Chị biết rõ là chị rất cần giúp đỡ, nào phải chỉ ở một cuốc xe?
Từ đó mỗi tuần ba lần, bà Astrid lái xe đưa Jessie đi thăm Ian. Nhờ vậy đỡ cho Jessie khỏi nỗi khổ tâm lúc chờ đợi thăm chồng, chị bớt được hai viên thuốc vàng phải uống lên đây. Như thế, chị chỉ còn uống hai viên vào lúc sáng, và hai viên sau khi đã thấy mặt anh. Đôi khi chị nuốt một viên nửa đen nửa xanh lá cây. Nhưng thuốc men chẳng giúp được chị bao nhiêu.
Và bà Astrid không còn nói phải trái được với chị nữa rồi. Dù cố gắng cũng không ích gì. Bà chỉ còn biết có mặt, và đứng bên chị, khi mà cuối cùng tai họa đổ ập xuống Jessie. Việc phải đến, đành cho nó đến. Không cách gì ngăn cản lại được. Ngay anh Ian cũng không làm gì được. Bà Astrid thấy rất rõ. Anh không thể đương đầu với những chuyện xảy ra cho Jessie, bởi vì anh không giúp được gì. Mà không giúp gì được thì không muốn nhìn. Mỗi lần thấy Jessie xuất hiện, khổ sở hơn, hoang mang hơn, tiều tụy hơn, thì Ian lại đau lòng xót dạ hơn. Anh cảm thấy tội lỗi lớn hơn, mang công mắc nợ nhiều hơn, và chính anh đau khổ nhiều hơn. Ít khi hai người dám nhìn vào mắt nhau, mà chỉ nói chuyện thôi. Anh nói về cuốn sách, chị nói về cửa tiệm. Không bao giờ nói về quá khứ, tương lai, hay những điều hiện thực của hiện tại. Họ không bao giờ nói về cảm nghĩ của họ, mà chỉ tuôn ra mấy câu – Anh yêu em, em yêu anh – thật đều đặn, như tụng kinh vậy.
Nhìn họ thấy chán nản quá, và bà Astrid ghét những cuộc thăm viếng. Bà chỉ muốn bắt tay, nói câu từ biệt, khỏi phải nhìn đến nữa. Hai người đang chết dần chết mòn, ở hai bên bức tường kiếng, trong nhà tù riêng của họ – Ian với tội lỗi của anh, Jessie với sai lầm của chị – và cả hai đều mù quáng về chính họ, và về những người khác. Trong lúc đó bà Astrid đứng nhìn, câm lặng và kinh hãi. Chỉ cần họ có thể nâng đỡ lẫn nhau, là họ sẽ sống trong thực tế. Nhưng họ không thể, họ không làm nỗi. Bà Astrid hiểu rõ điều đó trong lúc bà đứng quan sát họ. Bà có thể thấy điều đó trong mắt Jessie. Luôn luôn thấy sự đau khổ triền miên, nhưng cũng có ánh mắt của một đứa trẻ không hiểu biết. Chồng chị đi khỏi thì đúng rồi, nhưng một người chồng thì là cái gì mới được chứ? Và anh ấy đi đâu? Thuốc viên đã giúp cho Jessie tự dìm mình xuống một miền biển là sự mơ hồ – và ít khi chị trồi lên khỏi mặt nước. Chị sắp sửa chết chìm rồi, và bà Astrid cũng chẳng biết chắc Ian có sắp chết chìm hay không. Chẳng cần những cuộc thăm viếng, bà cũng có thể giúp đỡ được vợ chồng này. Nhưng cả ba người đang bị giới hạn trong vai trò của họ: vợ, chồng và bạn.