Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mật mã Da Vinci

Chương 34

Tác giả: Dan Brown

Người lái xe đón giám mục Aringarosa tại sân bay quốc tế Leonardo de Vinci lái đến một chiếc Fiat nhỏ, màu đen không lấy gì làm oách lắm. Aringarosa nhớ lại cái thời mà tất cả phương tiện đi lại của Vatican đều là những chiếc ô tô lớn, sang trọng, trưng lên nào huy hiệu, nào là cờ có in con dấu của Toà Thánh Vatican. Những ngày ấy đã qua rồi. Xe của Vatican bây giờ ít phô trương hơn và hầu như không bao giờ mang dấu đặc trưng gì.

Vatican nói rằng đó là cách cắt giảm chi phí để phục vụ tốt hơn cho giáo phận của họ, nhưng Aringarosa ngờ rằng điều đó nặng về biện pháp an ninh hơn. Thế giới đã trở nên điên loạn, ở nhiều nơi của châu Âu, phô trương tình yêu Chúa Jesus Christ cũng giống như vẽ một mục tiêu ngắm bắn lên mui xe của mình.

Xốc lại chiếc áo thụng, Aringarosa leo lên ghế sau, an tọa chuẩn bị cho chuyến đi dài đến lâu dài Gandolfo. Nó hẳn cũng giống như chuyến đi cách đây năm tháng của ông.

Chuyến đi Rôma năm ngoái, ông thở dài. Cái đêm dài nhất trong đời mình.

Năm tháng trước đây, Vatican đã gọi điện yêu cầu Aringarosa có mặt ngay tại Rôma. Họ không giải thích gì cả. Vé của ông đã được đặt ở sân bay. Toà Thánh Vatican ráng hết sức duy trì một màn bí mật, ngay cả với những giáo chức cao nhất.

Những cuộc triệu tập bí mật, Aringarosa đoán, có lẽ là một dịp chụp ảnh Giáo hoàng và các quan chức Vatican khác để quảng cáo cho thành công mới đây của Opus Dei hoàn thành Trụ sở Quốc gia của bọn họ ở thành phố New York. Tờ Architecrural Digest gọi toà nhà của Opus Dei là “một ngọn hải đăng rực sáng của Chính giáo Thiên Chúa được hội nhập một cách siêu tuyệt vào cảnh quan hiện đại”; và gần đây, dường như Vatican bị hấp dẫn bởi bất cứ thứ gì có chứa từ “hiện đại”.

Aringarosa không có chọn lựa nào ngoài việc chấp nhận lời mời, mặc dù miễn cưỡng. Không phải là người ngưỡng mộ sự điều hành của Giáo hoàng hiện tại, Aringarosa, như đa phần giới tu sĩ bảo thủ, đã rất quan ngại theo dõi vị Giáo hoàng thụ nhiệm trong năm đầu tiên của ngài. Là người tự do tư tưởng chưa từng thấy, Đức Cha đã giành được chức Giáo hoàng thông qua một trong những phiên họp Hồng y bất thường nhất và gây tranh cãi nhất trong lịch sử toà thánh Vatican. Bây giờ, thay vì khiêm nhường về sự đăng quang bất ngờ của mình, Giáo hoàng đã không lãng phí thời gian vào việc phô trương uy lực gắn với cơ quan tối cao trong cộng đồng Cơ đốc giáo toàn thế giới. Lợi dụng một làn sóng náo động ủng hộ tự do chính trị trong trường đại học của các Hồng y giáo chủ, Đức Giáo hoàng giờ đây tuyên bố thiên chức Giáo hoàng của mình là “làm trẻ lại học thuyết của Toà thánh Vatican và cập nhật Ki tô giáo vào thiên niên kỉ thứ ba”.

Aringarosa sợ rằng sự chuyển đổi là ở chỗ con người này thực sự kiêu kì đến mức nghĩ rằng mình có thể viết lại những giới luật của Chúa và giành lại trái tim của những người cảm thấy yêu cầu của Ki tô giáo đã trở nên quá bất tiện trong một thế giới hiện đại.

Anngarosa đã sử dụng mọi ảnh hưởng chính trị của mình – khá lớn do quy mô của Opus Dei và ngân sách của họ để thuyết phục Giáo hoàng và các cố vấn của Ngài rằng: nới lỏng giáo luật của Giáo hội không chỉ là thiếu lòng tin, hèn nhát mà còn là tự sát chính trị. Ông còn nhắc nhở họ rằng biện pháp giảm nhẹ giới luật Giáo hội trước đây – thảm bại của Vatican II đã để lại một di hại nặng nề: số người đi lễ nhà thờ giảm xuống mức thấp hơn bất kỳ thời điểm nào, nhưng nguồn quyên tặng cạn kiệt và thậm chí không có đủ linh mục để quản lý các nhà thờ.

Giáo dân cần sự sắp xếp và hướng dẫn phía nhà thờ, Aringarosa nhấn mạnh, chứ không phải sự nâng niu hay chiều chuộng!

Tối hôm đó, cách đây mấy tháng, khi chiếc Fiat rời sân bay Aringarosa đã ngạc nhiên khi thấy xe không đi về phía Toà Thánh Vatican mà về phía đông, lên một dốc núi ngoằn ngoèo.

“Chúng ta đang đi đâu đây?” ông hỏi người tài xế.

“Khu đồi Alban”, gã đáp. “Nơi gặp là ở lâu đài Gandolfo”.

Dinh mùa hè của Giáo hoàng? Aringarosa chưa bao giờ đến, hay thậm chí muốn thấy nó. Ngoài chức năng là nhà nghỉ mùa hè của Giáo hoàng, cái tòa thành xây hồi thế kỷ 16 này đã từng là Specula Vatican – đài thiên văn của Toà Thánh Vatican một trong những đài quan sát thiên văn hiện đại nhất châu Âu.

Aringarosa xưa nay vẫn khó chịu với cái nhu cầu từ trong lịch sử của Vatican là học đòi làm khoa học. Căn cớ gì mà phải hoà quyện khoa học với đức tin? Khoa học khách quan không thể thực hành bởi một người có đức tin ở Chúa. Mà đức tin cũng chẳng cần đến khoa học để xác nhận một cách vật thể những tín ngưỡng của nó.

Mặc dù vậy, nó vẫn đó, ông nghĩ khi lâu đài Gandolfo hiện ra, sừng sững trên nền trời tháng mười một đầy sao. Từ con đường vào, Glandolfo trông giống một con quái vật bằng đá khổng lồ đang tính làm một cú nhảy tự sát. Chon von ngay trên gờ một vách đá, toà lâu đài ngả mình ra bên trên cái nôi của nền văn minh Ý cái thung lũng từng chứng kiến cuộc chiến giữa những thị tộc Orazi và Curiazi, từ rất lâu trước khi lập ra đế quốc La Mã.

Ngay cả ở dạng bóng in trên nền trời, lâu đài Gandolfo cũng là một cảnh tượng đáng ngắm nhìn một điển hình đầy ấn tượng của kiến trúc phòng thủ nhiều tầng, phản ánh sự đắc dụng của khung cảnh bên vách đá cheo leo này. Đáng buồn thay – giờ đây Aringarosa thấy rõ – Vatican đã làm hỏng toà lâu đài bằng cách xây dựng hai cái vòm nhôm to tướng chứa kính viễn vọng trên mái, khiến cho tòa kiến trúc từng một thời uy nghi tựa một chiến binh lẫm liệt này trông như đội hai chiếc mũ chóp.

Khi Aringarosa bước ra khỏi xe, một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi chạy ra chào ông: “Chào mừng giám mục. Tôi là Cha Mangano.

Một nhà thiên văn ở đây”.

Chúc cha tốt lành! Aringarosa lầm bầm chào rồi đi theo người đón tiếp mình đến phòng đợi của toà lâu đài một không gian rộng mở với cách bài trí pha trộn vô duyên giữa nghệ thuật Phục hưng và những hình ảnh thiên văn học. Theo sau người hộ tống lên một chiếc cầu thang đá hoa cương rộng lớn, Aringarosa nhìn thấy những kí hiệu của những trung tâm hội nghị, giảng đường khoa học, và các dịch vụ thông tin du lịch. Ông lấy làm ngạc nhiên khi nghĩ rằng Vatican chẳng bao giờ đem lại được những hướng dẫn mạch lạc và nghiêm ngặt cho sự phát triển tâm linh, nhưng bằng cách nào đó vẫn kiếm ra thời gian để tổ chức những buổi thuyết trình về thiên văn học cho du khách.

“Hãy nói cho tôi biết”, Aringarosa nói với vị thầy tu trẻ tuổi, “khi nào thì cái đuôi bắt đầu vẫy con chó?”.

Vị thầy tu nhìn ông lạ lùng: “Thưa ngài?”.

Aringarosa phẩy tay, quyết định không tung ra lời công kích cụ thể nào nữa trong buổi tối hôm nay. Vatican điên mất rồi! Giống như một bậc phụ huynh lười biếng cảm thấy thà chấp nhận những trái thói của đứa con được nuông chiều còn hơn là cương quyết dạy bảo nó về những giá trị, Nhà Thờ chỉ một mực nới lỏng, mọi lúc mọi nơi, cố gắng thay đổi chính mình để thích nghi với một nền văn hoá lầm đường, lạc lối.

Hành lang của tầng trên cùng rộng rãi, sang trọng, và dẫn về một hướng duy nhất một loạt cưa gỗ sồi lớn với tấm biển đồng:

BIBLIOTECA ASTRONOMICA

(Thư viện Thiên văn học)

Aringarosa đã được nghe nói nơi này thư viện thiên văn của Toà thánh Vatican người ta đồn rằng nó chứa tới hơn 25.000 tài liệu gồm cả những công trình quý hiếm của Copernicus, Galileo, Kepler, Newton, và Sechi. Người ta cho rằng đây cũng là nơi các quan chức cấp cao nhất của Giáo hoàng sắp xếp những cuộc gặp riêng tư… những cuộc gặp mà họ không muốn diễn ra trong khuôn viên Toà Thánh Vatican.

Hẳn lúc đến gần cửa, giám mục Aringarosa không sao tưởng tượng nổi cái tin choáng người ông sắp nhận được bên trong căn phòng ấy, hoặc chuỗi sự kiện chết chóc nó sẽ khởi động.

Phải một giờ sau, khi loạng choạng bước ra sau cuộc gặp gỡ, ông mới thấm những ngụ ý ghê gớm. Sáu tháng tính từ bây giờ! Ông đã nghĩ. Chúa giúp đỡ chúng con!

Giờ đây, ngồi trong chiếc Fiat, giám mục Aringarosa nhận ra là mình đã nắm chặt tay lại tử lúc nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên đó ông thả lỏng bàn tay, cố gắng hít sâu, thư giãn cơ bắp.

Mọi thứ rồi sẽ êm đẹp, ông tự nhủ khi chiếc Fiat đi sâu hơn vào trong núi. Tuy nhiên ông vẫn mong điện thoại di động đổ chuông. Tại sao Thầy Giáo chưa gọi cho mình nhỉ? Lúc này chắc hẳn ở Paris, Silas đã có được viên đá đỉnh vòm.

Cố gắng thư giãn thần kinh, giám mục suy ngẫm về viên thạch anh tím trên chiếc nhẫn của mình. Sờ thớ dệt của miếng vải trang trí bọc đầu gậy giám mục và các mặt của những viên kim cương, ông tự nhắc mình rằng, chiếc nhẫn này là biểu tượng của quyền lực nhưng còn kém xa thứ quyền lực mà chẳng bao lâu ông sẽ đạt tới.

Bình luận