Công chúa Sophie.
Sophie cảm thấy trống rỗng khi lắng nghe tiếng nạng lách cách của Teabing nhỏ dần trong hành lang. Tê dại, cô quay lại và đối mặt với Langdon trong phòng khiêu vũ vắng tanh. Ông lắc đầu như thể đọc thấy ý nghĩ của cô.
“Không, Sophie”, ông thầm thì, đôi mắt vỗ về trấn an, “cũng ý nghĩ đó đến trong đầu tôi khi tôi hiểu ra rằng ông cô cũng ở trong Tu viện Sion, và cô nói rằng ông muốn nói cho cô nghe một bí mật về gia tộc cô. Nhưng điều đó là bất khả”. Langdon ngừng lại một lát. “Saunière không phải là một họ thuộc hệ Merovingien”.
Sophie không biết chắc mình nên cảm thấy nhẹ nhõm hay thất vọng. Trước đó, Langdon có hỏi qua một câu không bình thường về cái tên thời con gái của mẹ cô. Chauvel. Bây giờ, cô mới hiểu tại sao ông hỏi vậy. “Còn cái tên Chauvel?” Cô hỏi một cách lo lắng.
Ông lại lắc đầu: “Tôi rất tiếc. Tôi biết điều đó sẽ giải đáp một vài câu hỏi cho cô. Chỉ có hai nhánh trực hệ của dòng họ Merovingien là còn duy trì. Hai họ đó là Plantard và Saint-Clair.
Cả hai tộc này vẫn sống lẩn trốn, có lẽ dưới sự che chở của Tu viện Sion”.
Sophie thầm nhắc lại những họ này trong óc rồi lắc đầu.
Không một ai trong gia đình cô mang họ Plantard hay Saint-Clair. Một con sóng ngầm mệt mỏi như đang co kéo cô. Cô chợt nhận ra, so với lúc ở Louvre, cô vẫn chưa tiến gần thêm tới cái đích là hiểu xem sự thật mà ông cô muốn tiết lộ cho cô biết là cái gì. Sophie ước gì ông cô chưa bao giờ nhắc tới gia đình cô chiều hôm đó. Ông đã khơi mở lại những vết thương cũ tới nay vẫn còn đau đớn như bao giờ. Họ đã chết Sophie. Họ không thể quay trở lại. Cô chợt nghĩ đến người mẹ hằng đêm hát ru cô ngủ, người bố kiệu cô trên vai, người bà và đứa em trai đang cười với cô với đôi mắt xanh nồng nhiệt. Tất cả đã bị cướp mất. Chỉ còn lại độc trọi người ông.
Và bây giờ ông cũng đã ra đi. Còn trơ lại một mình mình.
Sophie lặng lẽ quay trở lại bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng, chăm chú nhìn mái tóc đỏ dài và đôi mắt tĩnh lặng của Magdalene. Có một cái gì đó trong vẻ mặt của người phụ nữ gợi đến nỗi mất mát một người thân yêu. Sophie cũng cảm thấy điều đó.
“Robert?” Cô khẽ gọi.
Ông bước lại gần.
“Tôi biết Leigh nói rằng câu chuyện về Chén Thánh ở khắp quanh ta, nhưng tối nay là lần đầu tiên tôi nghe thấy những điều này”.
Langdon có vẻ như muốn đặt một bàn tay an ủi lên vai cô nhưng tự kiềm chế lại: “Cô đã nghe câu chuyện về bà ấy trước đây, Sophie. Tất cả mọi người đều đã nghe. Có điều, khi nghe, chúng ta không nhận chân ra đấy thôi”.
“Tôi không hiểu”.
“Chuyện Chén Thánh có ở tất cả mọi nơi nhưng bị che giấu. Khi Nhà Thờ cấm nói về việc Mary Magdalene bị xa lánh thì câu chuyện và tầm quan trọng của bà ấy lại được lưu truyền qua những kênh kín đáo hơn… những kênh nuôi dưỡng phép ẩn dụ và chủ nghĩa tượng trưng”.
“Tất nhiên. Các môn nghệ thuật”.
Langdon chỉ bức Bữa ăn tối cuối cùng: “Một ví dụ hoàn hảo. Một số tác phẩm mỹ thuật, văn học, âm nhạc lâu bền nhất còn lại cho đến ngày nay đã kín đáo kể lại câu chuyện giữa Mary Magdalene và Jesus”.
Langdon kể nhanh cho cô nghe về những tác phẩm của Da Vinci Botticelli, Poussin, Bernini, Mozart và Victor Hugo, tất cả đều thầm thì điều gì đó về cuộc tìm kiếm để phục hồi lại địa vị cho người phụ nữ thần thánh bị xua đuổi. Những truyền thuyết trường tồn như Ngài Gawain và Hiệp sĩ Green, Vua Arthur và nàng công chúa ngủ trong rừng. đều là những ngụ ngôn về Chén Thánh. Tác phẩm Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo và Cây sáo kỳ diệu, của Mozart đầy những biểu tượng của hội Tam Điểm và bí mật Chén Thánh.
“Một khi cô mở mắt mở lòng với Chén Thánh”, Langdon nói, “cô sẽ thấy Magdalene hiện diện ở khắp nơi. Hội hoạ, âm nhạc, sách. Thậm chí cả trong phim hoạt hình, công viên giải trí theo chủ đề và những bộ phim nổi tiếng”.
Langdon đưa chiếc đồng hồ chuột Mickey ra làm ví dụ và nói với cô rằng Walt Disney đã xác định sự nghiệp của cuộc đời lặng lẽ của mình là lưu truyền câu chuyện Chén Thánh cho các thế hệ tương lai. Trong suốt toàn bộ cuộc đời mình, Disney đã được hoan nghênh như một “Leonardo Da Vinci hiện đại”. Cả hai đã đi trước thời đại của họ tới mấy thế hệ, là những nghệ sĩ có tài năng vô song, hội viên của những hội kín, và đáng chú ý nhất, những người ham thích đùa nghịch. Giống như Leonardo, Walt Disney rất thích lồng những thông điệp và biểu tượng ẩn tàng vào trong nghệ thuật của mình. Đối với những nhà kí tượng học được đào tạo, xem một bộ phim của Disney cũng giống như đứng trước một con thác ào ào những ám chỉ và ẩn dụ.
Hầu hết những thông điệp ẩn giấu của Disney đều liên quan tới tôn giáo, huyền thoại thế tục và những câu chuyện về nữ thần bị khuất phục. Đâu phải vì lầm lẫn mà Disney đã kể lại theo cách mới những câu chuyện như Lọ Lem, Nàng công chúa ngủ trong rừng và Bạch Tuyết – tất cả đều đề cập đến việc hạ ngục tính nữ thiêng liêng. Cũng không cần thiết phải có kiến thức về chủ nghĩa tượng trưng để hiểu được rằng Bạch Tuyết – nàng công chúa bị thất sủng sau khi ăn quả táo tẩm độc – là một ám chỉ rành rành đến sự sa ngã của Eve trong vườn Địa đàng. Hoặc trong Người đẹp ngủ trong rừng, Công chúa Aurora – mật danh là “Hoa Hồng” – được che giấu trong rừng để bảo vệ nàng khỏi nanh vuốt của mụ phù thuỷ độc ác, chính là câu chuyện Chén Thánh cho trẻ con.
Mặc dù hình ảnh mang tính tập thể, hãng Disney vẫn có được một yếu tố khôn ngoan và tinh nghịch trong các nhân viên và các hoạ sĩ của họ vẫn tiêu khiển bằng cách lồng những biểu tượng ẩn giấu vào trong các sản phẩm Disney. Langdon sẽ không bao quên chuyện một sinh viên của ông mang đến lớp một đĩa DVD phim hoạt hình Vua sư tử và cho dừng hình để chỉ ra một khuôn hình tĩnh trong đó từ SEX (giới tính, tình dục) hiện rõ mồn một, được tô đậm bởi đám bụi bồng bềnh trên đầu của Simba. Mặc dầu Langdon ngờ rằng đấy chỉ là trò tinh nghịch kiểu học sinh của một nhà làm phim hoạt hình chứ không phải bất kì cách bóng gió thông minh nào nhằm vào dục tính thế tục của con người, ông cũng đã học được cách không đánh giá thấp khả năng nắm vững biểu tượng của Disney. Nàng tiên cá là một tấm thảm hút hồn với những biểu tượng tâm linh liên quan với giới nữ thần một cách cụ thể đến nỗi không thể là trùng hợp ngẫu nhiên được.
Lần đầu tiên xem Nàng tiên cá, Langdon đã thực sự hức lên thành tiếng khi nhận thấy bức tranh trong ngôi nhà dưới nước của Ariel không phải là gì khác ngoài tác phẩm Magdalene sám hối của hoạ sĩ Georges de la Tour thế kỷ XVII – một sự tôn vinh trứ danh dành cho Mary Magdalene – một nét trang trí phù hợp vì bộ phim dài chín mươi phút này hoá ra là một tác phẩm collage với những biểu tượng rành rành quy chiếu về tính thần thánh bị tước đoạt của những Isie, Eva, Pisces, và lặp đi lặp lại nhiều lần, Mary Magdalene. Tên của nàng tiên cá, Ariel, có những ràng buộc chặt chẽ với tính nữ thiêng liêng và, trong Sách của Isaiah, nó đồng nghĩa với “Thánh địa bị bao vây”. Tất nhiên, mái tóc đỏ mềm mại của nàng tiên cá chắc chắn cũng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Tiếng nạng lách cách của Teabing trong hành lang tiến lại gần, bước chân ông nhanh nhẹn một cách không bình thường. Khi chủ nhân bước vào phòng làm việc, vẻ mặt ông nghiêm nghị.
“Anh nên có lời giải thích, Robert”, Teabing lạnh lùng nói, “Anh đã không trung thực với tôi”.