Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 6

Tác giả: Mario Puzo

Ludovico Sforza, nổi tiếng với biệt danh Il Moro là người nắm quyền lực thực sự ở đại thành bang Milan. Ông ta nắm quyền bính trong tay dù chỉ là nhiếp chính, không phải công tước vì giành được quyền lực từ tay đứa cháu hèn yếu.

Mặc dù danh xưng Il Moro làm người ta liên tưởng đến màu da đen nhẻm, song thật ra ông là người cao ráo, bảnh bao với vẻ ngoài hơi rám nắng của dân vùng Bắc Ý, thông minh và nhạy cảm với thế giới tinh thần và trí tuệ. Có thể nói rằng ông say mê thần thoại cổ đại hơn tôn giáo. Ông tự tin và vững vàng khi mọi chuyện diễn biến tốt nhưng dễ lung lay khi gặp chuyện khó khăn. Ông giành được sự kính trọng của thần dân, và mặc dù đôi khi ông có phần khinh suất và chệch choạc trong đường lối chính trị, song ông là một nhà cai trị nhân từ. Ông đánh thuế người giàu để lấy tiền lo chỗ ở và bệnh viện cho người nghèo.

Người dân xứ Milan, một thành phố được coi là cái nôi của khám phá, vồn vã chào đón luồng văn hóa mới mang tên chủ nghĩa nhân văn, và chính Il Moro, cùng với phu nhân của ông, Beatrice d’Fste, đã làm nhiều việc để cải thiện điều kiện sống của thành bang. Họ cho tân trang các lâu đài, sơn quét lại những căn nhà buồn tẻ bằng màu sắc sáng sủa của nền nghệ thuật mới và tẩy uế đường phố để giới quý tộc không phải hít thở thứ không khí nồng đậm mùi chanh hay mùi cam cắt dở. Hơn thế nữa, ông còn chịu trả lương cao bổng hậu để mời những người thầy tài giỏi nhất đến dạy ở các đại học, vì ông đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục.

Chính bà vợ của Il Moro – Beatrice d’Este xứ Ferrara, một vị nữ lưu xinh đẹp và đầy tham vọng – từ nhiều năm trước đã thúc giục phu quân mình giành lấy vương miện từ đứa cháu Giovanni. Bởi sau khi có con trai, bà Beatrice lo ngại rằng hậu duệ của mình sẽ không được thừa kế vương quyền một cách hợp pháp.

Mười ba năm qua, Ludovico cai trị với tư cách Nhiếp chính mà không gặp sự phản đối nào từ công tước Sforza cháu mình. Xứ Milan đã phát triển thành một thành phố đầy tính nghệ thuật và văn hóa. Thế rồi, Gian thành hôn với một phụ nữ trẻ tính khí nóng nảy và quả quyết: Avia xứ Naples, cháu gái của ông vua đáng sợ Ferrante.

Khi Avia có hai con trai, nàng tin chắc rằng chính vì II Moro mà các con mình bị buộc phải sống kiếp thường dân, nàng than phiền với vị công tước chồng mình. Nhưng chàng ta hoàn toàn hài lòng ủy quyền cho ông chú cai trị Milan và không hề phản kháng. Giờ đây Avia không có chọn lựa nào khác. Nàng đem chuyện bất bình trình lên vua Ferrante. Nàng viết hết bức thư này đến bức thư khác và phái sứ giả ngày ngày mang chúng đến Naples. Cuối cùng Ferrante nổi trận lôi đình, phần vì tội coi thường uy danh của hoàng gia ông, phần vì những lá thư phiền toái liên tục gửi đến. Dù gì thì ông cũng là vua mà, và một ông vua không thể dung thứ việc cháu gái mình phải chịu sỉ nhục như vậy. Và thế là ông quyết định phải báo thù Milan và khôi phục vị trí xứng đáng của Avia trên ngai vàng.

Lúc bấy giờ, được mật báo về cơn thịnh nộ của vua Ferrente và e sợ chiến thuật tàn nhẫn của ông ta, Il Moro xét lại vị thế của mình. Sức mạnh quân sự của Naples đã trở thành huyền thoại – một đội quân dũng mãnh và thiện chiến. Milan sẽ không thể chống trả nếu không được trợ giúp. Thế rồi, bỗng đâu như một món quà quý giá từ trên trời rơi xuống, Il Moro nhận được tin là vua Charles của Pháp đang chuẩn bị binh lực để xâm lăng nhằm đòi lại vương miện xứ Naples. Il Moro thực hiện phương sách quyết liệt, phá vỡ truyền thống và tức thời gửi lời mời cho vua Charles, cho phép ông ta và đạo quân của mình được yên ổn đi ngang qua Milan trên con đường nam tiến chinh phục Naples.

* * *

Tại Vatican, Giáo hoàng Alexander đánh giá lại vị trí chính trị của mình giữa tình hình Pháp sắp đem quân đi xâm lăng và tầm nhìn thiển cận của Il Moro. Ông đã cho gọi Cesare ngay từ sáng sớm hôm ấy để bàn luận những chiến thuật mới sau khi Duarte Brandao đến phòng ông thông báo về mối đe dọa mới của giáo triều.

“Tôi vừa được biết,” ông ta giải thích, “rằng vua Ferrante xứ Naples đã gửi một thông điệp cho người anh em họ của ông ta, vua Ferdinand của Tây Ban Nha, bày tỏ mối ưu tư của ông ta về chuyện Đức Thánh Cha ủng hộ Il Moro, và vị thế của Vatican đối với Milan hiện nay khi nước Pháp đang chuẩn bị xuất quân.”

Cesare gật đầu tỏ ra am hiểu tình hình. “Ông ta hẳn đã nghe hôn ước giữa em gái tôi với Giovanni Sforza. Và ông ta lấy làm phiền về chuyện đồng minh giữa chúng ta với Milan.”

Alexander gật đầu. “Hẳn là thế. Vậy còn phản ứng của vua Ferdinand thì sao?”

“Lúc này, ông ta từ chối can thiệp vào những chuyện nội bộ của chúng ta.” Duarte phân tích.

Giáo hoàng Alexander cười lớn. “Ông ấy là người biết trọng danh dự, có thủy có chung mà. Ông ấy hẳn vẫn nhớ rằng chính ta là người đã ban đặc miễn cho phép ông ta kết hôn với cô em họ trực hệ về huyết thống, Isabella xứ Castille. Nhờ công bố đó mà hai vùng lãnh thổ Tây Ban Nha và Castille hợp nhất, mở rộng đế quốc Aragon.”

“Sẽ là khôn ngoan nếu ta gửi một sứ thần đến Naples với một đề nghị thỏa hiệp…” Duarte gợi ý. “Và tái cam kết với ông ấy về lòng trung thành của chúng ta với Tây Ban Nha và với vương triều Aragon.”

Alexander đồng ý. “Chúng ta cũng đề xuất với Ferrante một liên minh qua hôn nhân. Bởi Milan được phần mà Naples lại không có thì coi sao được?”

“Thưa cha, con rất tiếc là về khoản này, con không làm được gì cho cha.” Cesare nói với vẻ tự hân thưởng. “Bởi vì, xét cho cùng, con vẫn là một hồng y của Giáo hội Công giáo La Mã!”

Khuya hôm đó, Alexander, một mình trong phòng, nhìn trừng trừng vào bầu trời đêm tối đen và trầm tư mặc tưởng về nhân tâm thế đạo. Là Đức Thánh Cha, ông đi đến một kết luận lạnh người: sự sợ hãi làm cho con người hành động chống lại ngay cả những quyền lợi thiết thân nhất của mình. Sợ hãi biến họ từ con người của lí trí thành kẻ khờ khạo ẻo lả; nếu không phải thế thì tại sao Il Moro lại bắt tay với nước Pháp trong khi chẳng có cơ may chiến thắng nào dành cho ông ta? Chẳng lẽ ông ta lại không thể dự đoán được rằng khi một đạo quân nước ngoài đi vào thành phố, mọi người dân đều gặp nguy hiểm? Phụ nữ, trẻ em, đàn ông đều rơi vào hiểm họa. Nghĩ đến đó, Giáo hoàng thở dài. Chính vào những thời điểm như thế này mà ông cảm thấy ơn bất khả ngộ là một niềm an ủi vô giá.

* * *

Trong thời khắc sóng gió nhất, một số kẻ hành xử tàn độc hơn cả. Cái ác chảy trong từng nhịp đập, qua từng mạch máu, giúp mang lại sinh khí cho chúng và đánh thức mọi giác quan. Do vậy, khi hành hạ tra tấn đồng loại, chúng cũng có niềm khoái cảm y hệt như khi làm tình. Chúng bám chặt vào một đấng Thượng Đế toàn năng, chuyên trừng phạt mà tự chúng dựng nên và sự cuồng tín mê muội đó khiến chúng sống trong ảo tưởng. Vua Ferrante xứ Naples là một trong số đó. Vô phúc cho ai là kẻ thù của hắn, vì với hắn, đày đọa tinh thần vui thú hơn hành hạ thể xác.

Hắn là một kẻ thấp bè bè nhưng to khỏe, da ngăm màu ô-liu, hai hàng lông mày chổi xể đen sì, tua tủa vô trật tự, rậm rạp đến độ che khuất cả đôi mắt khiến hắn càng đầy vẻ đe dọa. Đám lông lá rậm rì đó phủ khắp cơ thể hắn, thỉnh thoảng ló ra từ cổ áo, tay áo trên bộ trang phục vua chúa, trông như lông những loài thú hoang. Khi còn trẻ hắn đã nhổ phăng hai cái răng cửa lúc mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm chết người. Về sau hắn đã lệnh cho thợ kim hoàn cung đình làm cho hắn hai chiếc răng mới bằng vàng. Hắn ít khi cười, nhưng một khi đã cười, nét ác độc lộ rõ trên gương mặt. Khắp cả đất Ý thiên hạ râm ran đồn rằng Ferrante đi đâu cũng không thèm mang theo vũ khí, không cần vệ sĩ tháp tùng, vì với những chiếc răng vàng đó hắn dư sức cắn xé thịt xương kẻ thù.

Là nhà cai trị xứ Naples, vùng lãnh thổ hùng cường nhất trên đất Ý lục địa, Ferrante khiến người người kinh hãi… Khốn nạn cho kẻ thù nào rơi vào tay hắn: hắn cho xiềng họ vào trong những cái cũi, còn hắn bước nghênh ngang qua ngục tối mỗi ngày, ngoác miệng hể hả trước “vườn thú” của mình. Và khi tù nhân đã tơi tả thịt xương, cuối cùng phải từ bỏ ý chí rồi hồn lìa khỏi xác, Ferrante lại ra lệnh ướp xác rồi đặt lại vào trong cũi, để nhắc nhở cho những ai còn muốn sống rằng dù tim họ có ngừng đập, trò vui của hắn vẫn chưa chấm dứt. Ngay cả những đầy tớ trung thành nhất của hắn cũng không thoát khỏi cơn khát máu hung tàn. Hắn tước đoạt từ họ mọi thứ có thể: cả quyền lợi lẫn tiền bạc, và rồi phanh thây trong lúc họ say ngủ, vậy là họ không có giây phút nào bình an khi còn sống.

Thêm vào danh sách những điều tưởng như không thể đó, hắn ta là một chính khách tài ba, lão luyện biết cách khiến cho giáo triều chẳng dám hó hé yêu sách ngọn rau tấc đất nào trong phần lãnh thổ của hắn. Nhiều năm nay, hắn đã từ chối nộp tô tức cho nhà thờ, chỉ đồng ý mỗi năm tiến cống cho Rome một con ngựa trắng, sung vào đội quân của Giáo hoàng. Vua Ferrante xem xét việc liên minh với Giáo hoàng trong vai trò nhà chính khách chứ không phải một chiến binh bạo tàn. Nhằm đảm bảo rằng sẽ không có chuyện bất ngờ nào xảy ra, và mình sẽ có được sự trợ lực cần thiết trong cuộc xuất quân chinh phục, lão gửi một bức thư khác cho người anh em họ, vua Ferdinand xứ Tây Ban Nha. “Nếu lão Giáo hoàng ấy không đem lại cái gì cho ta vừa ý đẹp lòng,” hắn thông báo, “và từ chối giúp chúng ta, chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn binh mã và trên đường đến Milan, cứ tiện tay bỏ túi thành Rome luôn thể.”

* * *

Vua Ferdinand xứ Tây Ban Nha, ý thức được tình trạng căng thẳng giữa Rome, Milan và Naples, biết rằng mình phải can thiệp. Ông cần sự trợ giúp của Giáo hoàng để gìn giữ hòa bình mà với ông luôn tốt hơn chiến tranh. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, ông cũng sẽ thông báo cho Alexander biết về một âm mưu lớn mà ông nhận thấy từ cách hành xử của người anh em họ hung hăng Ferrante.

Ferdinand là một người cao ráo, uy nghi, luôn rất coi trọng ngôi vị quân vương Tây Ban Nha của mình. Là một nhà vua Ki-tô giáo, ông không chút nghi ngờ gì về Chúa của mình, và sẵn sàng cúi đầu trước tính bất khả ngộ của Giáo hoàng. Nhưng đức tin của ông vẫn không bằng lòng nhiệt tình truyền giảng Phúc âm của bà vợ, hoàng hậu Isabella; ông không thấy cần phải khởi tố những người nào không cùng tín ngưỡng với mình. Về bản chất, ông là một con người biết điều, và chỉ xem giáo thuyết là công cụ có lợi cho đế quốc Aragon. Ông và Alexander kính trọng nhau, xem nhau là đối tác đáng tin, nhưng mức độ cũng như người bình thường với nhau.

Vua Ferdinand mặc chiếc áo choàng giản dị bằng xa-tanh xanh sẫm với đường viền lông thú thanh nhã khi ông ngồi đối diện Giáo hoàng trong khách sảnh khổng lồ. Ông nhấm nháp li vang. “Với thiện chí, vua Ferrante đã yêu cầu tôi thông báo cho ngài về một chuyện mà ông ấy vừa mới được biết và có lẽ hữu ích cho ngài, thưa Đức Thánh Cha. Vì ông ấy tin rằng Nhà thờ là một đồng minh – không chỉ với Tây Ban Nha mà còn cả với Naples nữa.”

Alexander mỉm cười, nhưng đôi mắt ông đầy cảnh giác khi nói, “Trời cao luôn ban thưởng cho kẻ trung thành.”

Ferdinand nói nhẹ nhàng. “Không lâu sau mật nghị, tổng chỉ huy quân đội của Ferrante là Virginio Orsini đến gặp hồng y Cibo để thương lượng việc mua lại ba lâu đài mà Cibo thừa hưởng từ cha ông ta, Giáo hoàng Innocent.”

Giáo hoàng Alexander lúc bấy giờ ngồi yên lặng một hồi lâu rồi mới lên tiếng. “Việc chuyển nhượng này xảy ra mà không cho ta biết? Không cần sự cho phép của Tòa Thánh? Tội gian dối này lại do chính một Giáo hoàng chủ mưu sao?”

Sự thật là Alexander cảm thấy bối rối vì sự phản bội của Orsini hơn là của hồng y Cibo; bởi tổng chỉ huy Orsini không chỉ là anh chồng của Adriana, mà còn được Giáo hoàng xem là bạn. Và ngay cả trong những thời khắc cam go nhất, ta vẫn còn một vài người đáng để tin cậy. Virginio Orsini là một trong số đó.

Bữa tối hôm đó, vua Ferdinand bổ sung chi tiết còn thiếu. “Thỏa thuận mua bán ba lâu đài đó được kí kết ở Ostia, nơi dinh thự của Giuliano della Rovere.”

À, ra thế. Giờ đây Alexander hiểu rồi. Chính della Rovere chống lưng cho hành vi phạm thánh này! Bất kì ai sở hữu những lâu đài này – tất cả đều là những pháo đài bất khả xâm phạm ở phía bắc thành Rome – đều nắm giữ sự an toàn của Rome trong tay.

“Đây là chuyện nan giải cần phải vượt qua,” Alexander nói.

Vua Ferdinand nhất trí. “Bản vương sẽ đến Naples thương thảo với Ferrante nhân danh ngài, để xem có thể làm được gì.”

Nhà vua hôn nhẫn của Giáo hoàng trước khi từ biệt, trấn an Alexander rằng ông sẽ vận dụng mọi ảnh hưởng của mình để giải quyết vấn đề. Sau đó, Ferdinand nói, “Còn một vấn đề nữa, thưa Đức Thánh Cha. Hiện đang có chuyện tranh chấp về Tân Thế Giới. Cả Bồ Đào Nha lẫn Tây Ban Nha đều tranh giành những lãnh thổ mới này. Việc Đức Thánh Cha đứng ra hòa giải sẽ được hoàng hậu và bản vương đánh giá cao, bởi rõ ràng trường hợp này rất cần sự hướng dẫn của Thánh Linh.”

* * *

Vua Ferdinand xứ Tây Ban Nha công du đến Naples và thương nghị với người anh em họ, vua Ferrante. Vừa đến nơi, thư từ bắt đầu tới tấp qua lại giữa Rome và Naples. Các sứ thần ngày đêm rong ruổi trên lưng ngựa. Cuối cùng vua Ferrante long trọng bảo đảm với Giáo hoàng rằng sẽ không có mưu đồ nào làm tổn hại đến bản thân Alexander từ phía Virginio Orsini; mà trái lại, những lâu đài nọ sẽ được giữ để giúp cho Rome được an toàn. Chúng tọa lạc ngay bên ngoài thành phố và do vậy có thể thành những tấm lá chắn kiên cố cho Rome trong trường hợp quân Pháp xâm lăng.

Và như thế các bên thỏa thuận rằng Virginio Orsini được phép giữ những lâu đài đó, nhưng buộc phải cống nạp khoản thuế bốn mươi ngàn ducat hằng năm cho Vatican như bằng chứng cho tấm lòng thành và sự tận trung đối với Giáo hoàng Alexander.

Bấy giờ, câu hỏi được đặt ra là: để đáp lại sự hậu thuẫn của vua Ferdinand và vua Ferrante, Giáo hoàng sẽ thưởng cho họ gì đây?

Vua Ferrante muốn Cesare Borgia lấy cô cháu mười sáu tuổi của ông, công chúa Sancia.

Giáo hoàng Alexander từ chối, nhắc nhở vua Ferrante rằng cậu con cả của mình đã được ơn thiên triệu để trở thành một chức sắc của Giáo hội. Cho nên, thay vì thế, ông xin đề nghị cậu út, Jofre.

Ferrante từ chối. Ai mà chịu chọn cậu em thay vì cậu anh trai chứ? Mặc dù những đời Giáo hoàng trước đều rất ngần ngại khi phải từ chối bất kì điều gì mà Ferrante yêu cầu, song Giáo hoàng Alexander không nao núng. Ông đã có những kế hoạch cho Cesare và nhất quyết không đổi vàng lấy sắt vụn. Ferrante từng nghe nhiều về trò ma mãnh của Alexander trong thương lượng, và giờ đây hắn ta thấy bực mình hết sức. Hắn biết rằng nếu để vụt mất cơ hội liên minh này, Alexander sẽ nhanh chóng tạo dựng liên minh khác, đưa Naples vào thế hiểm. Sau khi cân nhắc và thấy ít có hi vọng thắng thế, Ferrante đành miễn cưỡng chấp nhận. Hắn ta chỉ còn hi vọng cậu nhóc Jofre mười hai tuổi đủ sức lên giường với cô cháu Sancia mười sáu tuổi của mình, và hợp thức hóa hôn ước trước khi Alexander tìm được mối tốt hơn.

Nhưng chỉ năm tháng, sau khi cuộc hôn nhân này được sắp đặt, vua Ferrante, kẻ đáng sợ nhất xứ Naples, đã băng hà. Còn Masino, con trai hắn, vì không khôn ngoan và cũng không bạo tàn bằng cha nên bị rơi vào vòng kiểm soát của Giáo hoàng Alexander. Do Naples vốn là lãnh thổ thuộc giáo triều và Giáo hoàng là lãnh chúa của họ, nên vương miện chỉ có thể được chính Giáo hoàng trao, kẻ nào làm ngài phật ý, ngài sẽ chọn người khác để phong vương. Nhưng lúc đó, xảy ra biến cố làm tổn thương danh dự Giáo hoàng. Vua Charles VIII của Pháp tuyên bố Naples là đất của mình nên cũng muốn đòi vương miện. Nhà vua phái một sứ bộ đến cảnh báo Alexander, đe dọa truất quyền ông ta và chỉ định Giáo hoàng khác, nếu ông đội vương miện cho Masino, người thừa kế Ferrante. Nhưng Giáo hoàng biết rằng nếu để Pháp kiểm soát Naples đó sẽ là một đòn trí mạng cho nền độc lập của các lãnh thổ thuộc giáo triều.

Nỗi lo của Giáo hoàng càng chồng chất, sự bất mãn ở những người chống Tây Ban Nha đang ngày càng lớn dần và kẻ thù truyền kiếp của giáo triều có thể khiến nền hòa bình mong manh trên khắp đất Ý bị phá vỡ kể từ khi ông đảm đương trọng trách. Thế rồi ông nhận được nguồn tin giúp ông quyết định.

Duarte Brandao quay về phòng của Giáo hoàng để cho ông hay, “Thiên hạ đang xì xào về cuộc xâm lăng mới của Pháp. Vua Charles rất mộ đạo và nhiệt tình và nhất quyết trở thành vị quân vương Ki-tô giáo vĩ đại nhất của thời đại mình. Ông ta dự định dẫn đầu một cuộc Thập tự chinh khác để chinh phục Jerusalem.”

Alexander thấy ngay vấn đề. “Vậy là ông vua trẻ này trước tiên phải chinh phục Naples vì biên cương của xứ này tiếp giáp với lãnh thổ của bọn dị giáo. Và ông ta phải đi ngang qua các lãnh thổ thuộc giáo triều trên đường đến Naples.”

Duarte gật đầu. “Charles cũng nói rõ ước muốn cải cách giáo triều và chỉ có một con đường để hoàn thành điều đó, thưa Đức Thánh Cha.”

Giáo hoàng cân nhắc những lời Duarte vừa nói. “Hắn phải truất phế ta để có thể làm những gì hắn muốn…”

Giờ đây Giáo hoàng Alexander quyết định tranh thủ sự ủng hộ của Masino, con của Ferrante, vì ông cần lực lượng quân sự của Naples điều lên phía bắc Rome để ngăn chặn bất kì cuộc tấn công nào của vua Charles.

Chẳng bao lâu sau, Alexander bắt đầu lên kế hoạch khác: để bảo vệ vị trí của mình ở Vatican và thành Rome khỏi cuộc xâm lăng của ngoại bang, Giáo hoàng càng tin chắc rằng mình phải thống nhất các thành bang trên đất Ý. Chính vào lúc đó ông nảy ra ý tưởng Liên minh thần thánh. Kế hoạch của ông là thống nhất và lãnh đạo một số thành bang lớn – vì khi chung tay hợp sức, ta sẽ mạnh hơn nhiều so với khi đứng riêng rẽ.

Ý tưởng thì hay nhưng khi ông đem trình bày kế hoạch của mình cho các nhà cai trị của những thành bang này, nhiều vấn đề nan giải lại phát sinh. Venice, như mọi khi, vẫn muốn đứng trung lập; Milan đã đứng về phía Pháp; còn Florence lại rất yếu về quân sự, lại còn có lão Savonarola, được dân chúng coi như là ngôn sứ, đủ ảnh hưởng ngăn cản thế gia Medici tham gia liên minh.

Với những trở ngại to lớn đó, Alexander kết luận rằng mình phải nhanh chóng phong vương cho Masino – nếu không thì một người khác sẽ nhanh chóng giành lấy cái mũ triều thiên mất thôi.

Bốn ngày sau khi Masino lên ngôi vua xứ Naples, Jofre Borgia thành hôn với ái nữ của Masino, công chúa Sancia.

Trước trang thờ của nhà nguyện ở Castel Nuovo, chú nhóc mười hai tuổi Jofre cố gắng tỏ ra chững chạc, lớn hơn tuổi thật của mình khi đứng bên cô dâu mười sáu tuổi. Mặc dầu chú rể cao hơn cô dâu và trông cũng được trai với mái tóc vàng sậm dày và đôi mắt sáng, dù không có vẻ thông minh và duyên dáng.

Sancia, một cô gái xinh đẹp, hoạt bát lấy làm phiền lòng về lựa chọn của cha mình. Cô từ chối không chịu để người hầu mặc cho trang phục mới trong ngày cưới và trong cuộc lễ cô nhìn trừng trừng vẻ như sốt ruột vào những người khách trong nhà nguyện đông người. Khi vị giám mục hỏi Jofre, “Con có bằng lòng lấy người nữ này…” ông chưa kịp nói hết câu thì chú nhóc Jofre đã nhanh nhẩu vọt miệng nói không kịp thở, “Con chịu, con chịu…”

Khách khứa ai nấy cười ầm cả lên. Nàng Sancia cảm thấy bẽ mặt quá chừng, thế nên khi đáp lại, nàng chỉ lí nhí trong cổ họng. Nàng sẽ làm gì với chú ngố này? Tuy nhiên trong lễ rước dâu, khi thấy rất nhiều đồng tiền vàng và bao nhiêu ngọc ngà châu báu mà cậu ta mang đến làm sính lễ, thì vẻ mặt Sancia dịu đi. Và khi cậu tặng thêm mấy cô phù dâu nhiều đồng tiền vàng trong túi, cô dâu Sancia tóc mun cười với cậu!

Tối hôm đó trong phòng tân hôn, với vua Masino và hai người chứng khác, Jofre Borgia leo lên trên mình cô dâu mới và cưỡi nàng như thể cậu vẫn cưỡi em ngựa cái tơ. Nàng nằm ì ương bướng, cứng người như xác chết. Cậu ta cưỡi lên người nàng những bốn lần, cho đến khi đích thân nhà vua ra lệnh dừng và đồng ý rằng hôn ước đã có hiệu lực.

* * *

Bấy giờ, theo thỏa thuận giữa ông với vua Ferdinand liên quan đến Naples, Alexander gọi Cesare và Juan đến gặp ông ở Đại Sảnh Đức Tin, nơi ông hứa tiếp kiến các sứ thần Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để hòa giải vụ tranh chấp vùng đất mới.

Khi Cesare và Juan đi vào căn phòng được trang hoàng lộng lẫy, cha họ trông thật uy nghi vương giả, mang chiếc mũ miện Giáo hoàng và mặc chiếc áo choàng đỏ vàng thêu thùa tinh xảo. Ông bảo hai cậu con, “Đây sẽ là một dịp thực tập về thuật ngoại giao mà từ đó các con có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích, bởi mỗi đứa con đều đảm nhiệm vị trí trong Giáo hội và sẽ tham gia vào những cuộc thương lượng.”

Ông không nói đến việc vua Ferdinand nhờ Giáo hoàng làm người phân xử là có ý nghĩa riêng, nó phản ánh ảnh hưởng của giáo triều trên phương diện tôn giáo và cả chính trị trong thời đại Khám phá. Giáo hoàng sẽ có được sự hậu thuẫn của Tây Ban Nha, điều mà ông rất cần trong trường hợp vua Charles của Pháp quyết định xâm chiếm các lãnh thổ Ý.

Alexander ngước nhìn lên khi các sứ thần bước vào phòng. Ông nồng nhiệt tiếp đón họ và mở lời, “Ta nghĩ là quý vị đã biết các con ta, hồng y Borgia và công tước xứ Gandia?”

“Thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi đã biết,” sứ thần Tây Ban Nha trả lời. Ông ta là một vị đại thần người xứ Castille, khoác chiếc áo thụng đen thêu thùa lộng lẫy. Ông gật đầu chào Cesare, Juan, và vị sứ thần Bồ Đào Nha cao tuổi.

Alexander trải một tấm bản đồ ra trên một cái bàn rộng khảm đá quý. Ông và hai sứ thần chỉ tay vào nhiều địa điểm khác nhau. “Này các con, chúng ta đã giải quyết một vấn đề từng gây nhiều lo ngại giữa quốc gia của hai vị này.”

Hai vị này lại gật đầu và Alexander tiếp tục, “Cả hai quốc gia hùng mạnh này đều đã gửi những nhà thám hiểm dũng cảm đến miền xa xôi nhất, tận những vùng biển chúng ta chưa từng biết đến. Cả hai đều đưa ra yêu sách đối với những tài nguyên phong phú của Tân Thế Giới. Giáo hội thần thánh của chúng ta, thông qua Giáo hoàng Calixtus III, đã tuyên chỉ rằng vương quốc Bồ Dào Nha được quyền chiếm hữu mọi miền đất phi Ki-tô giáo trên bờ của Đại Tây Dương. Do vậy Bồ Đào Nha tuyên bố điều này cho họ quản lí toàn bộ Tân Thế Giới. Mặt khác, Tây Ban Nha lại nhấn mạnh rằng Calixtus chỉ nói đến những phần đất trên bờ đông của đại dương chứ không nói đến những miền đất mới được khám phá nơi bờ tây. Nhằm tránh xung đột giữa hai dân tộc vĩ đại này, vua Ferdinand đã yêu cầu ta đứng ra phân xử những lập trường khác biệt của họ. Và cả hai quốc gia, đặt hi vọng vào linh hướng đã nhất trí chấp nhận quyết định của ta. Đúng thế không nào?”

Hai sứ thần gật đầu.

“Vậy nên,” Alexander tiếp tục, “ta đã thận trọng xem xét vấn đề và đã dành nhiều thời gian quỳ gối nguyện cầu. Và ta đã đi đến một kết luận. Chúng ta phải chia Tân Thế Giới theo kinh tuyến này.”

Ông chỉ tay vào một đường trên bản đồ nằm cách một trăm lí về phía tây đảo Azores và quần đảo Cape Verde. “Mọi miền đất phi Ki-tô giáo nằm ở phía đông kinh tuyến này, vốn bao gồm nhiều hòn đảo giá trị, sẽ thuộc về vương quốc Bồ Đào Nha. Và do đó, dân chúng ở đó sẽ nói tiếng Bồ Đào Nha. Còn mọi phần đất nằm về phía tây của kinh tuyến này sẽ thuộc về đức vua và hoàng hậu Công giáo Ferdinand và Isabella.”

Alexander nhìn vào các sứ thần. “Ta đã ra sắc chỉ Inter Caetera nói rõ cách xử lí vấn đề của ta. Plandini, thư kí Tòa Thánh sẽ giao cho quý vị mỗi người một bản khi sắp ra về. Ta hi vọng cách giải quyết này là thỏa đáng và nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi hơn là bị hi sinh vì hiệp ước của chúng ta.” Ông nở nụ cười mê hoặc thu hút của mình, và cả hai vị sứ thần cúi xuống hôn nhẫn của ông khi ông cho phép họ cáo từ.

Khi họ đã đi khuất, Alexander quay sang Cesare. “Con nghĩ gì về quyết định của cha?”

“Thưa cha, con nghĩ là người Bồ Đào Nha phải chịu thiệt rồi, vì họ nhận được phần lãnh thổ ít hơn nhiều.”

Nét mặt Alexander sáng lên với một nụ cười lang sói. “Con trai à, chính vua Ferdinand của Tây Ban Nha đã yêu cầu chúng ta can thiệp, và trong tận thâm tâm, chúng ta vẫn là con dân Tây Ban Nha. Chúng ta cũng phải xét rằng Tây Ban Nha hiện nay có lẽ là quốc gia hùng cường nhất thế giới. Với việc vua nước Pháp đang lăm le xâm lăng và đang lên kế hoạch điều động các toán quân vượt rặng núi Alps theo lời xúi giục của tên hồng y della Rovere, kẻ thù của chúng ta, ắt là chúng ta phải cần đến sự cứu viện của Tây Ban Nha. Mặt khác, người Bồ Đào Nha thường sản sinh ra những nhà hàng hải mạo hiểm, nhưng họ lại thiếu một quân đội thực sự hùng hậu và tinh nhuệ.”

Trước khi Cesare và Juan cáo lui, Giáo hoàng đặt tay lên vai Juan và nói, “Này con, vì chúng ta đã dàn xếp ổn thỏa nên việc hứa hôn giữa con với Maria Enriquez đã tiến triển tích cực. Ta lặp lại, con hãy chuẩn bị sẵn sàng. Đừng bao giờ xúc phạm vua Ferdinand, bạn quý của chúng ta, vì ta đã tốn bao công sức vận động ngoại giao để củng cố các liên minh này. Chúng ta tạ ơn Chúa hằng ngày vì đã ban hạnh vận cho gia đình, tạo cơ hội rao truyền lời của Người trên khắp địa cầu nhằm gia tăng sức mạnh của giáo triều, vì ơn ích cho thể xác và linh hồn của mọi kẻ tín mộ.”

* * *

Trong vòng một tuần lễ, Juan lên đường sang Tây Ban Nha với đoàn tùy tùng đông đảo mang theo nhiều của cải đáng giá, và hẹn gặp gia đình Enriquez ở Barcelona.

Ở Rome Giáo hoàng cảm thấy gần như kiệt sức vì gánh nặng của cả thế giới; cả đất và trời dường như cùng đè lên vai ông. Tuy nhiên, một lạc thú nho nhỏ có thể giúp ông vui sống trở lại…

Đêm hôm ấy Alexander chỉnh trang cho sạch sẽ thơm tho và ra vẻ bảnh bao trong bộ đồ ngủ bằng lụa đẹp nhất, vì cô nhân tình trẻ Julia Farnese đã được mời đến làm khách trên giường ông đêm nay. Khi người hầu tắm rửa kì cọ cho ông bằng xà phòng thơm, ông vừa mỉm cười vừa tưởng tượng ra khuôn mặt dịu dàng của nàng đang nhìn ngắm ông với lòng ngưỡng mộ và say mê chân thành – ông tin như thế.

Mặc dầu đôi khi ông bối rối với câu hỏi khó là làm thế nào một phụ nữ trẻ, xinh đẹp và duyên dáng như thế lại có thể say mê một người đàn ông đã qua thời thanh xuân từ lâu, song rồi ông chấp nhận chuyện đó như ông từng chấp nhận nhiều nan đề khác trong đời mình. Hẳn rồi, ông đủ khôn ngoan để biết rằng quyền lực và những ân huệ của ông có thể khơi nguồn một sự sùng mộ nào đấy. Và quan hệ của nàng với ông trong tư cách Đức Thánh Cha có thể cải thiện điều kiện sống, mang lại giàu sang cho cả gia tộc nàng và như vậy càng nâng cao vị thế của nàng trong mắt mọi người. Nhưng còn hơn thế nữa, và tự thâm tâm ông biết rõ điều đó. Bởi khi Julia và ông làm tình, đó thực sự là một món quà vô giá. Vẻ ngây thơ hồn nhiên của nàng thật quyến rũ; nhu cầu học hỏi và muốn chiều ý nơi nàng cũng như tính hiếu kì của nàng đối với mọi khám phá nhục dục đem lại cho nàng sự thu hút đặc biệt.

Alexander từng lăn lóc với rất nhiều cô kĩ nữ xinh đẹp dày dạn kinh nghiệm hơn Julia nhiều, những cô nàng biết cách làm thế nào để chiều lòng đàn ông mà chỉ bằng sự ngây thơ. Julia dâng hiến hết mình cho lạc thú xác thịt tựa như một đứa trẻ hồn nhiên vui vẻ, và một cách nào đấy, dầu ông không thể gọi đó là mối quan hệ say mê nhất mà mình từng trải nghiệm, nhưng nó mang lại cho ông sự thỏa mãn vô bờ.

Giờ đây Julia, trong chiếc áo ngủ bằng nhung đỏ thẫm, được đưa vào phòng ngủ của ông. Mái tóc vàng của nàng buông lơi xuống ngang lưng, trên cổ nàng chỉ đeo một vòng ngọc trai đơn giản mà ông đã tặng nàng khi lần đầu họ làm tình với nhau.

Ông ngồi bên mép chiếc giường rộng, còn Julia bắt đầu tháo dây buộc chiếc áo ngủ. Nàng lặng lẽ quay lưng lại và yêu cầu, “Đức Ông thân thương, ông vén tóc em lên nhé?”

Alexander đứng đó, thân hình đồ sộ của ông áp sát phía sau nàng, bao trùm mọi giác quan ông là mùi thơm hoa oải hương tỏa ra từ tóc nàng. Ông mân mê những lọn tóc vàng bằng cả hai tay, đôi bàn tay vốn nắm giữ số phận của biết bao linh hồn, rồi nàng bước ra khỏi chiếc áo ngủ lúc nó rơi xuống sàn.

Khi nàng quay lại và rướn người lên để đón nhận nụ hôn, ông phải cúi xuống để chạm vào đôi môi nàng. Nàng còn chẳng cao bằng Lucrezia và thân hình có phần thanh thoát hơn. Nàng vòng hai cánh tay quanh cổ ông, và khi ông đứng thẳng người lên, ông cũng nhấc nàng lên khỏi sàn nhà.

“Julia, cưng ơi, ta đã chờ hàng giờ dài đằng đẵng, ngóng trông em đến. Ôm em trong vòng tay sẽ mang lại cho ta niềm vui vô ngần chẳng kém khi ta làm lễ mi-xa – mặc dù thật báng bổ khi lớn tiếng thừa nhận chuyện đó với bất kì ai, ngoại trừ em, cưng ạ.”

Julia cười với ông và nằm xuống kề bên ông giữa những tấm khăn trải giường bằng xa-tanh. “Ngày hôm nay em mới nhận được thư của Orso,” nàng nói, “và anh ấy mong muốn trở về Rome thăm gia đình một thời gian.”

Alexander cố không tỏ ra phật ý vì không muốn phá hỏng một đêm xuân tình tuyệt đẹp thế này, “Thật là không may, nhưng ta tin rằng chồng em cần phải ở Bassanello trong một thời gian ngắn nữa. Ta còn cần nó chỉ huy một đạo quân.”

Julia biết tỏng là ông đang ghen, vì mọi biểu cảm đều ánh lên qua đôi mắt ông. Để trấn an ông, nàng nghiêng người qua và đặt đôi môi nàng lên đôi môi ông, hôn ông đắm đuối. Nàng có đôi môi ngọt ngào, mát dịu của một cô gái trẻ còn thiếu kinh nghiệm tình trường, và ông thận trọng tiếp cận nàng sao cho nhẹ nhàng êm ái vì trên hết, ông không muốn làm nàng hoảng sợ. Trước đây họ đã làm tình nhiều lần, nhưng lần nào ông cũng đặt khoái cảm của mình sang một bên để nhường nàng đạt cực khoái trước. Ông không muốn bản thân hoàn toàn mất kiểm soát và để cho ham muốn kéo ông về phía nàng quá mạnh, vì lúc ấy nàng sẽ bối rối và mọi lạc thú có thể sẽ xa lánh cả hai.

“Ông có thích em nằm sấp không?” Nàng hỏi ông. “Và rồi ông nằm bên trên em?”

“Ta sợ làm em đau,” ông bảo nàng. “Ta thích nằm ngửa và em cưỡi lên ta. Như thế em có thể nồng nàn đến đâu tùy ý và tùy nghi nhận lấy khoái cảm.”

Ông thường quan tâm đến điều này, vẻ ngây thơ hồn nhiên giống trẻ con của Julia khi nàng xõa tóc buông lơi giống như các nữ thần trong huyền thoại và truyền kì xa xưa, những nữ thần cám dỗ, mê hoặc vị hoàng tử và giam giữ chàng mãi mãi.

Mỗi khi ông nằm ngửa người và nhìn lên khuôn mặt nàng, đôi mắt nàng lim dim chìm trong cơn hoan lạc, đầu nàng ngả ra sau buông thả, ông tin rằng lạc thú xác thịt mà ông cảm nhận là món quà tặng cho sự quy hàng Đấng Cha Trên Trời. Bởi còn ai khác ngoại trừ Cha Nhân Từ có thể ban cho con người một ơn phước như từ trời cao vậy?

Sáng hôm đó, trước khi Julia rời khỏi phòng, ông tặng nàng một thánh giá bằng vàng chạm khắc tinh mĩ mà ông đặt một trong những thợ kim hoàn tinh xảo nhất ở Florence làm ra. Nàng ngồi trên giường, phô ra cả tấm thân kiều diễm để cho ông đeo tặng vật vào cổ nàng. Nàng ngồi đó, trông nàng như hiện thân của Nhan Sắc, và trong vẻ đẹp nơi khuôn mặt nàng và nơi cơ thể nàng, Giáo hoàng Alexander lại càng thêm kiên định niềm tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế, bởi không một ai nơi trần thế có thể quan niệm một sự hoàn hảo tuyệt mĩ đến thế.

Bình luận
720
× sticky