Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 28

Tác giả: Mario Puzo

Hồng y Giuliano della Rovere đi tới đi lui quanh phòng mình ở Ostia, tức giận điên người. Ông mới vừa nhận được tin rằng Cesare Borgia đã chinh phục Senigallia và giờ đây gia quy của bọn Borgia trở thành luật lệ ngay tại lãnh địa từng thuộc về gia tộc ông bao đời nay. Nhưng đấy chưa phải là điều tệ hại nhất. Khi Cesare quay về Rome, binh sĩ hắn ta để lại ở Senigallia nhào đi hôi của, hãm hiếp, cướp phá khắp cả thành phố. Không một người phụ nữ nào thoát khỏi lũ quỷ sứ dâm dục ấy – ngay cả cô cháu gái dịu hiền của ông, Anna. Mà tội nghiệp con bé chỉ mới mười hai tuổi.

Nỗi cuồng nộ của hồng y phừng phừng bốc lên đến nỗi ông không còn bình tâm cầu nguyện được nữa. Ông liền cầm cây bút lông ngỗng lên, hai chân run rẩy đứng cạnh bàn rồi viết vội vài dòng gửi Ascacino Sforza. “Nếu chúng ta cứ cố giữ lấy đức hạnh vì thiện tâm, cái ác sẽ lên ngôi. Vì uy danh của Chúa và của Hội Thánh, giờ đây chúng ta phải quyết liệt sửa chữa sai phạm đã diễn ra.” Sau đó ông hẹn gặp Ascacino.

Với đôi bàn tay run rẩy ông cầm cục sáp đóng niêm đưa lên ngọn nến, ngắm nhìn những giọt đỏ hồng rơi chầm chậm lên tấm giấy da dê đã được gấp lại. Sau đó ông lấy ấn triện đóng lên sáp nóng, in hằn hình ảnh Chúa Jesus chịu khổ nạn.

Hồng y della Rovere định gọi một sứ giả thì bất chợt một cơn đau nhói đánh mạnh vào đầu, khiến ông phải khụy gối. Ông lấy tay ôm mặt và cúi đầu. Ông cố gọi vọng ra, nhưng những hình ảnh trước mắt làm ông không thể thốt thành lời.

Một hình ảnh khải tượng chầm chậm diễn ra: một tên lính cầm cờ của Giáo hoàng, hiệu kì màu trắng thêu hình con bò tót của nhà Borgia đang tung bay trong gió. Nhưng khi ông nhìn lên thì lá cờ kia đổ xuống, cả ngàn con ngựa phóng lên giày xéo, lá cờ chỉ còn là mảnh vải rách nát, tả tơi dưới bùn. Khi ông ngẩng đầu lên và nhìn chung quanh, hình ảnh đó biến mất tức thì, không để lại dấu vết nào. Và ông hiểu ra ngay: con bò tót Borgia đã bị giết.

Thế rồi ông đứng lên, quá run rẩy vì những gì vừa nhìn thấy nên phải dựa vào cái bàn. Khi đôi chân không còn run rẩy, ông lại cầm cây bút lông ngỗng lên. Ông viết thêm nhiều bức thư khác. Vừa đóng dấu vừa cầu nguyện cho mỗi bức thư. Một bức được gửi tới vua xứ Naples, bức khác đến Fortunato Orsini, người hiện nay là tộc trưởng nhà Orsini từ khi hồng y Antonio qua đời. Một bức gửi cho hồng y Coroneto ở Rome, một bức khác đến hồng y Malavoglia ở Venice, lại thêm một bức nữa gửi đến Caterina Sforza ở Florence và bức cuối cho hoàng hậu Isabella ở Tây Ban Nha.

Giờ đây ông phải bắt đầu đặt dấu chấm hết cho những chuyện này…

* * *

Cả mấy tuần liền, Jofre đều đi xuống cầu thang xoắn ốc ở Castel Sanh Angelo để đến khu nhà giam. Chàng lướt qua bọn lính canh đang say ngủ, càng ngày chúng càng ít để ý đến chàng, và tiến đến phòng giam bẩn thỉu, nhỏ xíu trong góc.

Ở đó trên một chiếc giường thô ráp phủ rơm rạ, Sancia ngồi lặng lẽ như pho tượng, tóc tai bết lại, rối bù. Jofre giàn giụa nước mắt nhìn vợ, nhưng nàng dường như không thấy chồng mình.

Lính gác mở cửa, Jofre bước vào trong. Jofre ngồi xuống cạnh vợ, với lấy tay nàng, nàng không đẩy ra xa, nhưng bàn tay nàng cứng đờ và lạnh ngắt.

“Sancia, Sancia,” chàng van nài. “Xin em đừng làm như thế này. Đừng lìa xa anh mà không chiến đấu. Anh đã gửi một bức thư cho chú em, và anh chắc rằng ông ấy sẽ đến để đòi lại em, không bao lâu nữa đâu. Nhưng anh sợ người ta sẽ làm hại em lúc không có mặt anh.”

Sancia bắt đầu ậm ừ nhè nhẹ, nhưng vẫn không nói gì.

Jofre biết mình phải làm gì. Nhưng bằng cách nào? Kể từ ngày cha chàng ném Sancia vào ngục tối, Jofre cũng bị canh chừng liên tục, nhất cử nhất động của chàng đều bị theo dõi. Trừ những lúc đến thăm vợ, chàng không được một lúc nào riêng tư một mình.

Cesare vừa mới quay về, và đã trấn an cậu em rằng sau một thời gian ngắn chàng sẽ khẩn khoản nài xin Giáo hoàng phóng thích Sancia.

Jofre nhìn khắp lượt vợ mình, lệ tuôn tràn đôi mắt. Lẽ ra nàng đã được tự do nếu chàng không hấp tấp. Jofre không thể chịu nổi điều này.

Lúc ấy, bỗng một tên lính canh tiến đến, gọi tên chàng. Nhưng Jofre không nhận ra anh ta mặc dầu giọng nói làm chàng nhớ đến một người quen. Anh ta có đôi mắt xanh trong và mái tóc đen bóng, hình dáng nặng nề nhưng trông rất khỏe mạnh.

“Tôi có quen anh không?” Jofre hỏi.

Anh ta gật đầu, nhưng đến khi anh ta đưa tay ra, Jofre mới nhớ ra.

“Vanni,” chàng nói, ôm choàng lấy anh ta. “Vanni, làm thế nào anh đến được đây mà không bị bắt?”

Chàng lính canh mỉm cười. “Lớp hóa trang này hiệu quả đấy chứ? Nào, đến đây, chúng ta phải nói chuyện một lát, kẻo không kịp mất.”

* * *

Mấy ngày sau, khi mặt trời khuất bóng nơi vùng quê tăm tối, hai người đàn ông đứng trước một chuồng ngựa lớn. Mặc áo dài hồng y, người cao hơn đưa ra chỉ thị cho bốn kị sĩ ngồi trên yên. Họ đều mang mặt nạ và mặc áo choàng đen có mũ trùm đầu.

“Hãy làm đúng như ta chỉ định,” vị hồng y có vẻ đường bệ hơn nói. “Không để lại dấu vết nào. Dứt khoát là không. Và cuối cùng, phải kết thúc nhanh gọn.”

Bốn kị sĩ mang mặt nạ vượt qua các đụn cát tiến vào trang trại của bà lão Noni. Cụ bà chậm rãi lần từng bước ra gặp họ, chiếc giỏ mây trên tay.

Một kị sĩ nghiêng người thật thấp, nói với bà thật khẽ, như thể đang thì thầm một bí mật quan trọng. Bà cụ gật đầu, nhìn quanh quất, lê chân trở lại khu vườn. Một lát sau bà quay lại, tay cầm một nắm quả dâu đen. Bà đi vào trong túp lều, trút dâu vào một bao da nhỏ và đưa cho kị sĩ đang đứng chờ bên trong.

“Grazie,” (cảm ơn). Hắn nói rất lịch sự. Thế rồi hắn rút gươm ra, nhanh như chớp bổ cái sọ bà già làm đôi! Mấy phút sau, cả thi thể Noni và túp lều của bà chìm trong lửa đỏ.

Các kị sĩ lên ngựa, phi nhanh qua các ngọn đồi trập trùng…

* * *

Buổi sáng ngày mở dạ tiệc mừng chiến thắng giòn giã của Cesare và kỉ niệm năm thứ mười một Alexander ngự trên ngai Giáo hoàng, Đức Thánh Cha lại thức dậy với cảm giác bất an. Suốt đêm qua, ông nằm trăn trở, không tài nào chợp mắt. Ông ngồi bên giường cho tỉnh táo lại, rồi như thường lệ, ông đưa tay xoa tấm bùa linh và đọc kinh cầu nguyện. Lúc đầu, ông không hiểu sao trên cổ mình lại trống trơn thế kia. Rồi ông tự cười mình. Chắc là nó phải ở đâu đó quanh đây thôi. Cái bùa ấy không thể mất đi đâu được vì nó đã được gắn vào sợi dây chuyền từ nhiều năm trước đây, và kể từ đó không một lần nào nó rời khỏi cổ ông. Thế mà sáng nay nó bỗng dưng biến đâu mất, Alexander bắt đầu thấy lo. Ông la lớn gọi tất cả đám đầy tớ, sau đó là Duarte, Cesare, và Jofre nữa. Nhưng dù đã lục lọi khắp các phòng, cái bùa ấy vẫn không thấy đâu.

“Ta sẽ không rời khỏi phòng đâu,” ông bảo họ, tay khoanh lại trước ngực.

Mọi người đều hứa sẽ tìm kiếm mọi ngóc ngách, từ giáo đường cho đến trong rừng, khi nào kiếm ra được cái bùa mới thôi. Mãi đến chiều tối, cái bùa kia vẫn chưa thấy tăm hơi. Hồng y Coroneto nhắn rằng mọi người đang chờ để hành lễ, Giáo hoàng đồng ý đi, kèm theo lời cảnh báo. “Nhưng nếu không mang về cho ta cái bùa ấy vào sáng mai, mọi công việc của Giáo hội đều phải tạm ngưng”.

* * *

Tại lâu đài xa hoa nơi miền quê của hồng y Coroneto, các bàn tiệc đã được chuyển ra bên bờ hồ cạnh những đài phun nước trong như pha lê tưới tắm cho những cánh hồng rực sắc. Mưa đã tạnh còn thức ăn thật ngon miệng. Có những đĩa bàn lớn đựng loại tôm Genoa nhỏ rưới xốt chanh, thịt hươu với nước xốt quả bánh xù và một chiếc bánh trái cây trộn mật thật lộng lẫy. Một nghệ sĩ hát dân ca người Naples cùng một nhóm vũ công từ Sicily trình diễn ca vũ nhạc giúp vui cho thực khách.

Rượu thì lai láng, được người hầu rót vào những chiếc cốc bạc lớn, sáng bóng. Coroneto, vị hồng y to béo, nâng cốc lên chúc mừng nhà Borgia cũng như ba mươi khách mời giàu sang, quyền thế thành Rome đang dự tiệc.

Lúc này, Alexander gác qua một bên những lo toan, vui vẻ cười đùa với các con. Cesare ngồi một bên cha, Jofre ngồi bên kia, suốt bữa ăn, Giáo hoàng luôn quàng tay ôm lấy hai con đầy nồng ấm. Jofre chồm người qua để nói điều gì đó với Cesare, không biết vì ngẫu nhiên hay cố ý, làm cốc rượu của Cesare tuột khỏi tay chàng, dòng rượu đỏ tươi màu máu đổ lên khắp chiếc áo lụa vàng của Cesare. Một người hầu vội chạy đến lau vết rượu, nhưng Cesare cáu kỉnh xua anh ta đi.

Khi đêm xuống, Alexander bắt đầu cảm thấy mệt mỏi rã rời và nóng sốt. Ông liền cáo lui. Cesare cũng cảm thấy trong người là lạ, nhưng chàng quan tâm đến cha nhiều hơn vì trông ông tái xanh nhợt nhạt như bóng ma và bắt đầu tháo mồ hôi.

Alexander được đưa về Vatican, đến dãy phòng riêng của ông. Đến lúc này người ông nóng hầm hập vì lên sốt cao và hầu như không nói gì được nữa.

Thầy thuốc riêng của ông, Michele Maruzza, tức thời được triệu tập. Ông ta lắc đầu sau khi khám và chẩn bệnh cho Giáo hoàng. Sau đó, quay sang Cesare, ông nói, “Tôi e đó là chứng sốt rét.” Ông đưa mắt nhìn kĩ Cesare, nói “Cesare, anh trông cũng không khỏe đâu. Anh hãy đi nằm nghỉ đi, và tôi sẽ quay lại vào sáng mai để xem bệnh cho cả hai.”

Sáng hôm sau, rõ là cả cha lẫn con đều ngã bệnh nặng. Cả hai đều nóng sốt hầm hập.

Thầy thuốc Maruzza không dám chắc sốt rét hay trúng độc liền đề nghị ngay lập tức cho trích máu bằng đỉa mà ông mang theo sẵn. Trong chiếc bình mà Maruzza đang cầm, Cesare có thể thấy những con đỉa thân mảnh màu đen bò lổn ngổn đầy bình giống như những sợi chỉ nâu dài sống động.

Đôi hàng lông mày rậm màu đen nhíu lại vì tập trung, Maruzza nhẹ nhàng đưa những cái kẹp kim loại nhỏ vào bên trong bình và thận trọng kéo một con đỉa ra. Ông ta đặt nó lên một chiếc đĩa thiếc nhỏ, đưa cho Cesare xem, giải thích đầy tự hào: “Đây là những con đỉa tốt nhất thành Rome. Chúng được mua với giá rất cao từ Tu viện Thánh Mark, nơi chúng được nuôi dưỡng với chế độ chăm sóc đặc biệt.”

Cesare nhăn mặt theo dõi ông thầy thuốc lần lượt đặt từng con lên cổ cha mình. Con thứ nhất nhanh chóng chuyển sang màu nâu sẫm vì máu mới hút vào, cái thân nhỏ căng tròn, co ngắn lại khi đã hút no máu. Khi con đỉa thứ tư được đặt lên cổ ông, con thứ nhất đã căng đầy đến muốn nổ tung; tròn và đỏ sẫm như một quả mận chín, nó rớt ra và rơi vào những miếng lụa sạch.

Cesare càng thấy phát ốm khi Maruzza say sưa giải thích về lũ đỉa và tài năng của mình. “Chúng ta phải cho chúng nó thời gian để ăn. Chúng sẽ hút máu xấu từ thân thể cha anh, và giúp cho ông mau bình phục.”

Khi cảm thấy đã rút đủ máu, ông ta lấy mấy con đỉa ra, và tuyên bố, “Tôi tin rằng Đức Thánh Cha đã khá hơn.”

Thực tế thì cơn sốt của Alexander dường như có giảm bớt, nhưng giờ đây ông lạnh, nhớp nháp mồ hôi và nhợt nhạt như xác chết.

Sau đó Maruzza quay sang Cesare. “Và bây giờ đến lượt con, con trai ạ,” ông nói, lấy ra nhiều đỉa hơn. Nhưng Cesare thấy kiểu trị liệu này kinh tởm quá, nên liền một mực từ chối. Nhưng chàng biết gì về y học tân tiến đâu? Vả chăng chàng mệt đến mức chẳng thiết gì nữa cả.

Đến tối, dù thầy thuốc rất lạc quan, nhưng rõ là Alexander đang trở bệnh nặng hơn, có người còn sợ rằng ông đang hấp hối.

Tại khu phòng riêng trên lầu, Cesare được Duarte thông báo rằng mẹ chàng, Vanozza, đã đến thăm Giáo hoàng và người ta thấy bà rời phòng ông, khóc lóc. Bà có tạt vào thăm Cesare nhưng không muốn đánh thức chàng.

Cesare khăng khăng phải mang chàng đến giường cha. Không còn tự đi được, chàng được cáng trên một chiếc kiệu xuống căn phòng bệnh bốc mùi ẩm mốc. Ngồi sụp xuống chiếc ghế bên cạnh giường cha, Cesare vươn người tới, nắm lấy bàn tay cha và hôn.

Giáo hoàng Alexander, nằm ngửa, bụng sôi sùng sục vì độc tố, phổi óc ách đầy nước, và thấy khó thở. Ông lơ mơ chập chờn thức ngủ, tâm trí không còn biết gì nữa, nhưng đôi khi lại rất tỉnh táo. Ông ngước lên nhìn cậu cả Cesare ngồi kế bên giường mình, khuôn mặt nhợt nhạt, hốc hác, mái tóc đỏ hung giờ đây xỉn màu và không sinh khí. Ông xúc động khi nhìn thấy vẻ ưu tư lo lắng trên mặt Cesare.

Ông nghĩ đến những đứa con của mình. Ông đã dạy dỗ chúng đủ tốt hay chưa? Hay vì vừa là cha vừa là Giáo hoàng, ông đã làm con mình hư hỏng, tước hết khả năng của chúng bằng cách sử dụng quá nhiều quyền uy? Vừa thầm tự hỏi như vậy xong, ông liền thấy hiển hiện trước mắt mình là những tội lỗi ông đã gieo rắc lên đầu các con, từng hình ảnh một hiện ra rõ nét, với nỗi xúc động ông chưa từng trải qua. Trong chớp mắt, ông bỗng hiểu ra mọi chuyện. Mọi câu hỏi của ông đều có câu trả lời.

Alexander ngẩng lên nhìn Cesare. “Con trai à, ta đã không phải với con và ta xin con tha thứ.”

Cesare nhìn cha, nửa bồi hồi thương cảm, nửa e dè cảnh giác. “Cái gì thế, Papa?” Chàng nói dịu dàng đến độ khiến Giáo hoàng rơi lệ.

“Ta đã nói về mặt xấu xa của quyền lực,” Alexander vừa nói vừa hớp hơi để thở. “Nhưng ta e rằng ta chưa bao giờ giải thích điều đó cho thấu đáo. Ta đã cảnh báo con về mặt trái của quyền uy mà không khuyến khích con tìm hiểu nó cho thấu đáo. Ta chưa bao giờ giải thích rằng lí do chính đáng duy nhất để thực thi uy quyền là phụng sự tình yêu.” Hơi thở của ông nghe khò khè.

“Vậy thì sao, Papa?” Cesare hỏi.

Bỗng dưng Alexander thấy đầu óc mình minh mẫn hẳn ra. Ông thấy mình trẻ lại – một hồng y ngồi trong phòng riêng, nói về đủ thứ chuyện trên đời với hai cậu con trai và cô con gái, còn cậu con út nô đùa. Ông cảm thấy dễ thở hơn một chút. “Nếu con không biết yêu thương, lúc đó quyền lực là sai lầm, và quan trọng hơn nữa, đó là một mối đe dọa. Vì quyền lực rất nguy hiểm, có thể phản bội con bất cứ lúc nào.”

Dường như ông lại chìm vào mộng mị, mơ thấy con trai làm thống soái quân đội giáo triều, những trận đánh và chiến thắng, thấy những vết thương đầm đìa máu, những con người bị tàn sát trên con đường chinh phục của ông.

Ông nghe Cesare gọi mình, như thể từ một chốn xa xăm nào đó. “Quyền lực không phải là một phẩm hạnh hay sao? Nó không giúp cứu vớt linh hồn của biết bao con người hay sao?”

“Con trai à,” Alexander mấp máy. “Tự thân quyền lực chẳng chứng tỏ được điều gì. Nó chỉ là sự áp đặt của người này lên người khác. Chẳng có gì là phẩm hạnh cả.”

Cesare vươn người tới nắm chặt bàn tay cha. “Cha à, để sau rồi hãy nói, nói nhiều bây giờ cha sẽ mệt đấy.”

Giáo hoàng mỉm cười và ông nghĩ đó là một nụ cười rạng rỡ, nhưng Cesare chỉ thấy ông nhăn nhó. Cố hớp lấy hơi để thở, vừa đủ để hai lá phổi có thể chịu đựng, ông nói tiếp. “Không có tình yêu, quyền lực đưa con người gần với súc vật hơn là gần thiên thần.” Làn da của Giáo hoàng đã chuyển sang màu xám, ông càng trở nên nhợt nhạt hơn, nhưng khi vị thầy thuốc Maruzza được gọi đến, Alexander xua tay bảo ông ta đi. “Công việc của ông ở đây xong rồi. Hãy biết vị trí của mình.” Sau đó ông lại quay sang cậu con trai, cố nhướng mắt lên, vì dường như chúng nặng nề quá. “Này Cesare, con có bao giờ yêu ai hơn cả bản thân mình chưa?” Ông hỏi.

“Thưa cha, có ạ,” Cesare nói.

Alexander hỏi, “Và đó là ai vậy?”

“Em gái con,” Cesare thú nhận, đầu cúi thấp, đôi mắt long lanh lệ nhòa. Với chàng dường như đó là một lời xưng tội.

“Lucrezia,” Alexander nói dịu dàng, và ông lại mỉm cười, vì trong đôi tai ông cái tên ấy vang lên như một tiếng hát ngân nga. “Đúng rồi,” ông nói, “đó là tội lỗi của ta. Là lời nguyền đối với con. Và là đức hạnh của con bé.”

Cesare nói, “Con sẽ nói với em Crezia là cha yêu nó rất nhiều, vì giờ phút này không được ở cạnh cha, nó sẽ đau khổ khôn nguôi.”

Không chút vờ vĩnh, Alexander tiếp tục. “Nói với nó rằng nó vẫn luôn luôn là đóa hoa quý giá nhất trong đời ta. Và một cuộc sống thiếu cỏ hoa thì đâu còn là cuộc sống. Vì Cái Đẹp cần thiết hơn ta tưởng đấy.”

Cesare nhìn vào cha mình và lần đầu tiên chàng nhận ra con người thật của ông. Trước giờ hai cha con chưa từng nói chuyện thoải mái với nhau, và có quá nhiều điều chàng muốn biết về con người thật của cha mình. “Papa, có bao giờ cha yêu người nào hơn chính bản thân mình chưa?”

Giáo hoàng cố hết sức nói. “Có chứ, có chứ, con trai ạ…” và ông nói điều ấy với nhiều khát khao hoài vọng.

“Và đó là ai?” Cesare hỏi cũng câu hỏi ấy.

Alexander nói, “Con ta. Tất cả những đứa con của ta. Tuy nhiên ta e rằng điều đó cũng là một lầm lỗi. Với người đã được hưởng phước làm Đức Thánh Cha, thì yêu con cái mình như thế là hơi quá. Lẽ ra ta phải yêu Chúa nhiều hơn nữa.”

“Papa,” Cesare nói giọng trấn an, “khi cha nâng chiếc cốc thánh bằng vàng trên trang thờ, khi cha ngước mắt nhìn lên nước Trời, cha đong đầy trái tim của những người tín mộ, vì chính đôi mắt cha đã được đong đầy với tình yêu thiêng liêng.”

Toàn thân Alexander bắt đầu run rẩy, ông bắt đầu ho, hơi thở nghẹn lại. Giọng ông nhuốm vẻ mỉa mai, “Khi ta nâng bình thánh thể đựng vang đỏ lên, khi ta ban phước trên bánh thánh và uống rượu thánh – biểu tượng cho mình máu Chúa Jesus – thì trong tâm trí, ta tưởng tượng đó là mình máu các con ta. Ta, giống Thượng Đế, đã sáng tạo ra chúng. Và, giống như Người, ta hiến tế chúng. Kiêu căng, ngạo mạn, xấc xược, hẳn là thế rồi. Giờ phút này, điều ấy lại rõ ràng đối với ta hơn bao giờ hết.” Ông cười lời mỉa mai đó, rồi lại bắt đầu ho.

Cesare cố gắng an ủi cha, nhưng chính chàng cũng đang cảm thấy lả đi. “Cha à, nếu như cha cần tha thứ thì ngay bây giờ đây con tha thứ cho cha. Và nếu cha cần tình yêu của con, hẳn cha cũng đã biết rằng cha vẫn luôn có tình yêu đó…”

Trong một thoáng dường như lấy lại sức, Giáo hoàng chợt nhớ ra. “Em Jofre của con đâu?” Ông hỏi, hơi nhíu mày.

Duarte đi tìm cậu ta.

Khi Jofre đến, cậu đứng đằng sau anh mình, cách xa cha. Đôi mắt lạnh lùng, nặng nề, không chút đau thương.

“Lại gần đây, con trai,” Alexander nói. “Nắm lấy tay cha một lúc nào.”

Cesare được đưa tránh qua một bên, còn Jofre miễn cưỡng nắm lấy tay cha. “Hãy cúi sát gần hơn, con trai ạ,” ông nói. “Có vài điều ta phải nói với con…”

Jofre chần chừ nhưng rồi cũng cúi sát. “Ta đã xử sự không phải với con, con trai à, và ta không hề nghi ngờ con là con trai ta. Nhưng cho đến đêm nay, đôi mắt ta vẫn còn bị sự ngu ngốc che phủ.”

Jofre nhìn thẳng vào đôi mắt mờ đục của ông và nói, “Con không thể tha thứ cho cha, cha ạ. Vì do cha mà con không thể tự tha thứ cho mình.”

Alexander nhìn cậu con út. “Ta biết rằng lúc này đã quá muộn nhưng trước khi ta mất, con phải nghe ta nói. Lẽ ra con nên là hồng y, bởi con mới là người lương thiện nhất trong nhà chúng ta.”

Cái đầu của Jofre thoáng lắc đầu. “Cha à, cha vẫn chưa hiểu con đâu.”

Nghe thế Alexander cười ranh mãnh, vì khi mọi chuyện đã sáng tỏ, không thể còn nhầm lẫn được nữa. “Nếu không có Judas, thì Jesus hẳn cũng chỉ là một người thợ mộc, sống một đời đi giảng đạo mà chẳng có mấy người nghe rồi chết như một ông già lẩm cẩm thôi,” ông vừa nói vừa khúc khích cười. Vì bỗng dưng, cuộc sống dường như phi lí quá chừng.

Nhưng Jofre đã ào chạy ra ngoài.

Cesare lại ngồi xuống cạnh cha, nắm lấy tay ông cho đến khi bàn tay đó lạnh giá như băng.

Alexander rơi vào hôn mê, không còn nghe tiếng gõ cửa nhẹ. Ông không còn thấy người tình Julia Farnese trong chiếc áo choàng đen có mũ trùm đầu và mạng che mặt, đi vào phòng. Cởi áo và mạng xong, nàng quay sang Cesare.

“Tôi không thể nào không gặp Đức Thánh Cha trước khi ông ra đi,” nàng giải thích, cúi người hôn lên trán Alexander.

“Lâu nay chị khỏe chứ?” Cesare mở lời hỏi thăm, nhưng nàng không trả lời.

Thay vì thế, nàng bảo, “Cậu biết đấy, con người này là cuộc sống của tôi, là điều giúp tôi tồn tại. Nhiều năm qua, tôi từng có nhiều tình nhân. Phần lớn là những cậu con trai – non nớt, thiếu kinh nghiệm hoặc cục cằn thô bạo, hoặc tìm kiếm vinh quang hão. Nhưng bất chấp những lỗi lầm,” nàng nói, quay sang lại phía Alexander, “ông ấy mới xứng đáng là đàn ông.”

Mắt ứa lệ, nàng thì thầm, “Vĩnh biệt, tình yêu của em.” Nàng với tay lấy áo khoác, mạng che mặt và nhanh chóng rời khỏi phòng.

Một giờ sau linh mục giải tội của Alexander được triệu tập và những nghi thức lâm chung được cử hành.

Cesare lại đến gần cha.

Alexander cảm thấy bình an vô hạn khi gương mặt Cesare dần nhòa đi trước mắt ông…

Ông đăm đăm nhìn vào khuôn mặt chói lọi của Thần Chết. Ông thấy mình như được tắm trong ánh sáng, dạo chơi qua những hàng cam chanh ở Ngân Hồ, tràng hạt bằng vàng len qua tay ông. Một cuộc đời vinh quang biết bao. Chưa bao giờ ông cảm thấy an lạc, hài lòng đến thế.

Bên ngoài, thân xác ông nhanh chóng chuyển sang màu đen, và trương phồng lên đến độ phải nhét hết sức mới lọt vào quan tài. Nắp quan tài phải được đóng đinh thật chắc vì dù nhiều người đã cố đè lên nhưng quan tài vẫn không khít kín.

Và thế là cuối cùng, tầm vóc của Giáo hoàng Alexander VI dường như không chỉ vượt lên trên sự sống tầm thường, mà còn rộng lớn hơn cả cái chết.

Bình luận