Ngân Hồ thật đẹp vào mùa xuân năm ấy. Cesare và Lucrezia tạo thành một cặp xứng đôi khi cùng dạo bước ven bờ hồ, nàng mặc áo khoác và mũ trùm đầu đính châu ngọc còn chàng vận áo khoác nhung đen, mũ bê-rê gắn lông công và đá quý. Họ đã quay về nơi chốn mà họ từng trải qua những thời khắc hạnh phúc nhất, vì giờ đây thời gian họ được ở bên nhau sẽ rất hiếm hoi khi cuộc hôn nhân của nàng với Alfonso d’Este đến gần.
Mái tóc hung đỏ của Cesare sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời và chiếc mặt nạ đen thường lệ cũng không giấu được nụ cười trên khuôn mặt chàng khi được ở bên nàng.
“Thế là tuần tới em sẽ là người nhà d’Este,” Cesare nói giễu. “Lúc đó em sẽ có trách nhiệm và may mắn được làm thành viên của một gia đình quyền quý nhỉ?”
“Em sẽ mãi mãi là một người nhà Borgia, Chez à.” Lucrezia nói. “Và chẳng có lí do gì để ganh tị trong lần liên minh hôn nhân này, vì em chẳng dại gì mà tin rằng cuộc hôn nhân này là chuyện lấy nhau vì tình. Anh chàng Alfonso này bất đắc dĩ phải lấy em làm vợ cũng như em phải miễn cưỡng lấy anh ta làm chồng. Nhưng em là con gái của cha cũng như anh ta là con trai của cha anh ta.”
Cesare cười âu yếm. “Qua khổ đau, em càng trở nên xinh đẹp hơn. Liên minh hôn nhân này sẽ cho phép em làm được nhiều điều mà em thích. Nhà d’Este yêu mến nghệ thuật, hay mời đến các nhà thơ và điêu khắc gia. Ferrara đắm mình trong văn hóa và văn học cổ điển vốn là những chủ đề mang lại sinh khí cho em. Cũng có điều may mắn cho anh là Ferrara lại nằm dọc theo những vùng lãnh thổ thuộc quyền của anh trong xứ Romagna, và vua Louis khiển công tước với một bàn tay sắt bọc nhung.”
“Anh sẽ lo sao cho Giovanni và Rodrigo được chăm sóc tốt bất kì khi nào anh ở Rome chứ? Khi không có chúng ở bên dù chỉ một thời gian ngắn ở Ferrara cũng làm em khó chịu. Vì em, anh sẽ chăm sóc cho chúng, cho chúng trông cậy vào anh, coi hai đứa quan trọng như nhau?” Nàng hỏi.
“Chả có vấn đề gì đâu. Chúng đều là con của anh và em – thế nên cả hai đều nhận được tình yêu thương vĩnh viễn của anh,” Cesare trấn an nàng. “Crezia này, nếu như cha không ghép em với nhà d’Este, liệu em có sống nốt đời góa phụ, và cai quản Nepi không?”
“Em đã cân nhắc cẩn thận trước khi em đồng ý,” Lucrezia bảo chàng. “Và em biết cha sẽ ép buộc mình thực hiện cuộc liên minh hôn nhân này, khi ông tìm ra em ẩn mình trong một tu viện, hay thậm chí trở thành nữ tu, dù em có cự tuyệt thế nào. Nhưng em đã học cách cai trị và tin rằng ở địa vị này, em có thể tìm thấy đúng chỗ của mình. Cũng cần phải xem xét vấn đề về anh và hai đứa con. Tu viện không phải là chỗ tốt nhất cho trẻ con và em không thể tưởng tượng sống cuộc đời mình mà không có chúng.”
Cesare dừng lời và nhìn mặt em gái với lòng ngưỡng mộ. “Còn có điều gì mà em không xem xét đến? Còn có điều gì mà em lại không thể thích nghi, với sự duyên dáng và thông minh?”
Thoáng buồn lướt qua khuôn mặt nàng. “Một vấn đề nho nhỏ mà em chưa biết làm thế nào. Và mặc dầu chỉ là chuyện nhỏ xíu so với tất cả những vấn đề khác, song dường như nó vẫn khiến em thấy bất ổn.”
“Anh phải tra khảo em, hay em sẽ tự nguyện khai ra đây, để xem anh có thể giúp gì được không?” Chàng nói đùa.
Lucrezia lắc đầu. “Em không thể gọi anh ta là Alfonso một cách tự nhiên, tim không quặn thắt khi so sánh Alfonso này với Alfonso trước đây. Nhưng em biết rằng không có cách nào để thay đổi tên anh ta.”
Đôi mắt Cesare ánh lên vẻ thích thú. “Đối với anh thì không có vấn đề nào là quá lớn đến không thể giải quyết, anh có câu trả lời ngay cho em đây. Em bảo hắn là con trai của cha hắn ta; vậy thì sao không gọi hắn là Sonny? Hãy nói ra cái tên đó ngay lần đầu trên giường tân hôn, với âu yếm nồng nàn và chàng ta sẽ tin đó là một lời âu yếm.”
Lucrezia nhăn nhăn cái mũi xinh xắn rồi cười lớn. “Gọi vị công tử thế gia d’Este là Sonny?” Nàng càng ngẫm nghĩ, càng thấy lòng dễ chịu.
Họ tản bộ đến cuối cầu tàu cũ nơi từ đó họ vẫn thường câu cá và bơi lội tung tăng lúc còn thơ ấu, nhởn nhơ vui đùa hoàn toàn tự do. Lúc đó cha ngồi gần bên trông chừng họ, bảo vệ họ, và làm cho họ thấy an toàn. Giờ đây sau nhiều năm, họ lại ngồi trên cùng cầu tàu ấy và nhìn ra làn nước lăn tăn, lấp lánh giống vô vàn viên ngọc bé xíu phản chiếu ánh mặt trời trong chiều nắng tà. Lucrezia nghiêng người nép vào lòng anh và chàng vòng đôi tay quanh nàng.
Giọng nàng khẽ khàng nhưng nghiêm trang. “Chez, em đã nghe về kết cục bi thảm của nhà thơ xấu số Filofila.”
“À, thế à?” Cesare nói, không chút xúc động. “Cái chết của gã lại làm em phiền lòng sao? Vì hắn không chút nương tay với em nên những bài thơ độc mồm kia phải chấm dứt.”
Lucrezia quay lại và vuốt ve mặt chàng. “Em vẫn biết thế, Chez à,” nàng nói. “Em nghĩ mình nên cảm ơn anh về tất cả những gì anh làm để bảo vệ em – bất chấp cái chết của Alfonso, dù em mất một thời gian dài để hiểu thấu chuyện đó. Chính sự an nguy của anh làm em quan tâm hơn cả. Vì hình như gần đây anh có vẻ sẵn sàng chém giết quá. Anh không lo cho chính linh hồn mình sao?”
Cesare giải thích. “Nếu có một Chúa Trời, như Đức Thánh Cha mô tả, thì Người không có ý cho rằng chúng ta không bao giờ được chém giết – vì nếu không thế thì làm gì có thánh chiến? Điều răn ‘Người sẽ không chém giết’ nghĩa là chém giết mà không vì lí do chính đáng thì mới trở thành tội lỗi. Chúng ta đều biết rằng treo cổ một tên giết người đâu phải là tội lỗi mà là thực thi công lí.”
“Chez này, thật ra chúng ta có biết rạch ròi thiện ác hay không?” Nàng đặt vấn đề. Lucrezia xoay mặt chàng nhìn thẳng vào mắt mình khi nàng nói bởi đề tài này quan trọng đối với nàng. “Chẳng phải là ngạo mạn khi quyết định cái gì là lí do chính đáng hay sao? Đối với bọn dị giáo thì chém giết một tín đồ Ki-tô là việc chính đáng nhưng đối với người theo Ki-tô thì điều ngược lại mới là đúng.”
Cesare lại yên lặng và sửng sốt nhìn em gái như thường lệ. “Crezia,” chàng nói. “Anh chưa bao giờ giết người để thỏa mãn cho cá nhân, mà chỉ vì lợi ích của tất cả chúng ta.”
Lucrezia mắt ngấn lệ, nhưng nàng cố gắng giữ cho giọng nói vững vàng. “Vậy thì sẽ còn nhiều cuộc chém giết nữa, phải không?”
“Trong chiến tranh chắc chắn là phải thế rồi, Crezia à. Nhưng ngoài chiến tranh ra đôi khi chúng ta cũng phải lấy đi mạng sống vì một điều thiện lớn hơn cũng như vì để bảo vệ chúng ta,” chàng nói. Rồi chàng kể lại quyết định ra lệnh treo cổ mấy tên lính vô kỉ luật đi trộm gà, vài kí thịt của dân trong chiến dịch vừa qua ở Cesena.
Lucrezia do dự trước khi trả lời, vì nàng nghe chưa thuyết phục. “Cesare à, điều làm em lo lắng là anh nhân danh điều thiện để có quyền loại trừ những người gây rối cho mình. Mà đời sống thì đầy những kẻ gây rối như thế.”
Cesare đứng lên, nhìn mông lung ra mặt hồ. “Quả là may mắn cho tất cả chúng ta khi em không phải là đàn ông, vì em tự trói buộc mình bằng nghi ngờ, Crezia à, và điều đó có thể khiến em không còn hành động gì được cả.”
“Em chắc rằng anh có lí, Chez à,” Lucrezia nói, vẻ trầm tư. “Nhưng em không chắc là phải quyết liệt đến nhẫn tâm như thế…” Nàng không chắc mình hiểu rõ thiện ác là gì, đặc biệt là khi điều ác lại ẩn giấu nơi những góc khuất mờ tối trong tâm hồn của những người nàng yêu dấu.
Khi hoàng hôn phủ xuống mặt hồ trắng bạc, Lucrezia nắm tay Cesare và dẫn chàng trở lại dọc theo lối đi đến căn chòi. Bên trong, họ nằm trần truồng bên nhau trên tấm thảm bằng lông trắng, trước ngọn lửa ấm áp đang nổ lách tách và sáng rực lên trong lò lửa bằng đá. Cesare ngạc nhiên thích thú với bộ ngực căng đầy của em gái, vùng bụng mềm mại của nàng, sững sờ trước vẻ mãn khai thành đàn bà như thế của nàng và thấy mình bị cuốn về phía nàng với một đam mê còn mãnh liệt hơn trước kia.
Lucrezia nói với giọng dịu dàng, âu yếm. “Chez, hãy dỡ chiếc mặt nạ kia ra trước khi anh hôn em nhé? Bởi vì mang mặt nạ thì trông anh cũng như bất kì người nào.”
Nụ cười đột ngột tắt khỏi môi chàng, và đôi mắt chàng khép lại vì e ngại. “Anh sẽ không thể làm tình với em nếu anh thấy đôi mắt em tỏ vẻ thương hại như thế với khuôn mặt sẹo rỗ của anh,” chàng nói. “Điều đó làm anh không thể tận hưởng cuộc hạnh ngộ có lẽ là cuối cùng của đôi ta.”
“Em thề sẽ không nhìn vào mặt anh với lòng thương hại chút nào đâu,” nàng nói, rồi cù chàng. “Em có thể cười toáng lên đấy và rồi anh sẽ thôi nói những lời ngớ ngẩn vô nghĩa đó. Vì em đã yêu anh từ thuở đôi mắt em lần đầu tiên mở ra nhìn đời và anh đứng bên em tươi cười. Em đã nô đùa và tắm cùng anh khi chúng ta lớn lên bên nhau. Em đã thấy anh đẹp trai đến độ em phải quay đi vì nếu mãi nhìn anh em sẽ như lạc hồn vía, khi thấy anh tan nát cõi lòng và ánh mắt anh đong đầy nỗi buồn, mắt em lệ nhòa. Nhưng em không hề nghĩ xấu về anh, hay yêu anh ít hơn, chỉ vì vài ba vết sẹo nhỏ trên mặt.”
Thế rồi nàng cúi người trên chàng, đôi môi nàng bao bọc môi chàng, thân xác nàng run rẩy. Khi ngẩng đầu lên, nàng nhìn vào đôi mắt chàng và nói, “Em chỉ muốn chạm vào anh, nhìn thấy đôi viền mắt anh khép lại trong mê li đắm đuối, lướt nhẹ những ngón tay trên mũi anh, cảm nhận đôi môi đầy ngọt ngào của anh. Em không muốn có rào cản nào ngăn cách đôi ta, anh yêu, người tình của em, người bạn thân nhất đời em. Vì kể từ đêm nay trở đi, tất cả những gì còn lại trong đam mê của em sẽ chỉ còn đọng lại nơi anh thôi, anh vô vàn dấu yêu của em.”
Cesare đứng lên và chậm rãi gỡ bỏ chiếc mặt nạ.
* * *
Tuần tới, Lucrezia sẽ kết hôn với Alfonso d’Este qua người đại diện ở Rome. Cùng với bản hợp đồng hôn nhân, chàng ta gửi theo một bức chân dung nhỏ vẽ một người đàn ông cao ráo, trông có vẻ nghiêm khắc, lạnh lùng, cứng rắn, không phải là không hấp dẫn, một con người cẩn trọng, nghiêm túc. Chàng ta mặc bộ quốc phục màu sẫm, trên có rất nhiều huân, huy chương; ngay bên dưới chiếc mũi dài thanh tú là một hàng ria mép mơn trớn làn môi trên, vậy mà chàng ta chẳng nở nổi nụ cười. Mái tóc đen, xoăn của chàng được chải gọn vén khéo ôm lấy đầu, không có đường tóc nào thả lỏng. Nàng không thể tưởng tượng chàng Alfonso này yêu và làm tình với sự phóng túng.
Nàng sẽ phải gặp chàng ở Ferrara. Thế nhưng ở Rome, lễ cưới vẫn được tổ chức trọng thể, còn xa hoa phung phí hơn cả đám cưới của nàng với Giovanni, và gấp nhiều lần so với cuộc hôn nhân của nàng với người chồng Alfonso yêu dấu trước đây. Thực tế là nó lớn hơn tất cả những lễ hội mà dân chúng từng thấy xưa nay.
Dinh thự của các gia đình quyền quý có khá nhiều và rất sang trọng mà họ vẫn được ban cho trợ cấp để trang trải chi phí cho những tiệc tùng, hội hè đó. Hình như Giáo hoàng sẵn sàng vung tiền của Vatican để làm lễ mừng cho cuộc hôn nhân của cô con gái. Giáo hoàng ra sắc chỉ ban một ngày nghỉ lễ cho mọi người dân thành Rome và suốt tuần lễ tiếp theo là những cảnh tượng rực rỡ, ngoạn mục, những hoạt cảnh lịch sử biểu diễn ngoài trời, những đám rước và những lễ hội được tổ chức liên miên. Trước điện Vatican và các lâu đài nguy nga, người ta cho đốt lửa ăn mừng, lớn nhất là đám lửa trước nhà thờ Santa Maria in Portico. Vào ngày hôn ước được kí kết và Giáo hoàng ban phước lành, Lucrezia mặc chiếc áo dài dát vàng đính đầy bảo ngọc, mà sau đó nàng ném xuống từ ban-công cho đám đông bên dưới ngay sau khi cuộc lễ kết thúc. Cái áo rơi xuống đúng tay một anh hề của triều đình, chàng ta chạy qua các đường phố vừa kêu lớn: “Nữ công tước xứ Ferrara vạn tuế! Giáo hoàng Alexander vạn tuế!”
Cesare giữ một vai trò lớn trong đám cưới này của em gái chàng, và chứng tỏ kĩ năng của một kị sĩ bằng cách dẫn đầu cuộc diễu hành qua các đường phố để vinh danh em gái.
Đêm hôm đó, khi người thân, bạn bè cùng tụ họp lại mừng tiệc cưới, Lucrezia biểu diễn nhiều bài khiêu vũ kiểu Tây Ban Nha để làm vui lòng cha.
Alexander, nét mặt rạng rỡ, ngồi trên ngai vàng vỗ tay thích chí. Cesare, đôi mắt sáng quắc xuyên qua chiếc mặt nạ bằng vàng và ngọc trai, đứng bên phải, phía sau Giáo hoàng. Jofre đứng bên trái.
Giờ đây Alexander, trong trang phục giáo hoàng tuyệt mĩ, đứng lên và chậm rãi bước xuống các bậc cấp đến sàn khiêu vũ, lại gần con gái. Đám đông chợt ngưng bặt, tiếng cười nói liền lắng xuống.
“Con nhảy với cha điệu này nhé?” Alexander lên tiếng. “Bởi chẳng bao lâu nữa con sẽ đi xa, rất xa ta.”
Lucrezia nhún gối thấp người và cầm tay cha. Quay về phía các nhạc công, Alexander bảo họ chơi nhạc rồi ông ôm con gái trong vòng tay. Cô ngạc nhiên khi thấy cha vẫn còn phong độ, nụ cười rạng rỡ, và những bước nhảy điêu luyện mà vẫn thật nhẹ nhàng, bay bướm. Nàng cảm thấy như thể mình lại là đứa bé, nhớ lại những lần nàng từng đặt đôi chân bé tí xíu trong đôi hài xa-tanh hồng trên chân cha, và cha lướt chân đi, và nàng lướt theo. Lúc ấy, nàng yêu cha hơn cả chính cuộc sống. Thật là một quãng thời gian thần tiên đối với nàng vì lúc ấy nàng chẳng lo lắng điều chi, rất lâu sau đó nàng nhận ra cuộc sống còn đòi hỏi phải hi sinh.
Bất thình lình nàng ngước đầu lên và nhìn qua vai cha, thấy anh Cesare đứng ngay sau ông. “Con được phép chứ, cha?” chàng hỏi.
Alexander quay lại và nhìn Cesare có hơi ngạc nhiên, nhưng rồi ông nhanh chóng trấn tĩnh, và nói, “Tất nhiên rồi, con trai ạ.” Tuy nhiên, thay vì buông tay Lucrezia ra và trao nàng cho Cesare, Alexander lại bảo đám nhạc công chơi một điệu nhạc nhẹ và vui nhộn.
Giáo hoàng đứng giữa hai đứa con, một tay nắm tay con gái, tay kia nắm tay con trai, và cười to sảng khoái ông bắt đầu khiêu vũ với cả hai con. Với năng lượng dồi dào đến mức khó tin, ông bắt đầu xoay vòng, quay tít, cuốn cả hai đứa theo. Và khuôn mặt ông thật rạng rỡ mê say.
Đám đông bắt đầu cười nói cho đến khi hụt hơi. Họ reo hò vỗ tay và cuối cùng đều nhập cuộc cho đến khi cả phòng đầy kín người chen chân nhau nhảy nhót đầy phấn khích.
Chỉ có một người vẫn đứng riêng một nơi, một kẻ chẳng chịu nhảy nhót gì. Phía sau ngai vàng của Giáo hoàng, cậu út của Alexander, Jofre, dáng người cao nhưng ủ rũ đang lặng yên nhìn thiên hạ vui đùa.
* * *
Chỉ ít lâu trước khi Lucrezia rời Rome đi Ferrara, Giáo hoàng chủ trì một bữa tiệc chỉ dành cho giới đàn ông ở Rome. Ông còn cho gọi thật nhiều gái nhảy để mua vui, và cho phủ đầy đại sảnh với các bàn đánh bài, bày đủ loại cờ bạc, để ăn mừng liên minh mới của ông.
Alexander, Cesare và Jofre ngồi ở bàn đầu với vị công tước già xứ Ferrara, Ercole d’Este, cùng hai đứa cháu trẻ tuổi của ông ta. Chú rể Alfonso d’Este vẫn ở lại Ferrara để thay cha trị đất nước.
Bữa dạ tiệc là một đại yến thịnh soạn với mọi món sơn hào hải vị và hàng dài những bình lớn đựng rượu vang tạo thêm hứng thú cho khách khứa. Khi chén đĩa được dọn sạch, cậu con Jofre của Alexander bỗng nhiên lảo đảo đứng lên và nâng cốc mời mọi người. “Thưa tất cả các quý vị đang hiện diện – như một món quà từ gia đình chúng tôi ở Naples, và để vinh danh gia đình mới của chúng tôi, nhà d’Este, một trò vui rất đặc biệt đã được sắp xếp… một sự kiện độc đáo đã vắng bóng tại thành Rome từ rất nhiều năm rồi.”
Alexander và Cesare đều ngạc nhiên trước lời tuyên bố này và bối rối vì vẻ tự phụ sống sượng của Jofre khi bóng gió nhắc đến “gia đình mới”, lo lắng tự hỏi cậu ta sẽ dành sự ngạc nhiên nào cho đám thực khách đang nhìn quanh, chờ đợi.
Bỗng bốn cánh cửa gỗ lớn chạm khắc tinh vi mở toang ra, và bốn người hầu đi vào phòng. Không một lời nào, họ rải những hạt dẻ bằng vàng khắp trung tâm đại sảnh. “Lạy Chúa tôi!” Cesare nghĩ, nhìn về phía cha. Cesare giật bắn người, nhận ra ngay lập tức điều gì sắp diễn ra. Chàng lớn tiếng gọi cậu em, “Jofre, đừng làm thế!” nhưng đã quá muộn.
Nghe tràng âm thanh rộn rã thúc giục của dàn kèn trumpet, Jofre liền mở một cánh cửa khác để hân hoan chào đón hai mươi ả gái điếm trần như nhộng, tóc buông xõa lả lơi và làn da được thoa dầu láng bóng, thơm phức! Mỗi ả mang một ví nhỏ bằng lụa đong đưa trên sợi dây buộc vòng eo.
Jofre lớn tiếng, lảo đảo vì say, tiếp tục nói. “Trước mắt quý vị đều là những hạt dẻ bằng vàng ròng cả đấy. Và những cô nàng xinh đẹp đây sẽ vui vẻ khom xuống để quý vị có thể nhìn họ từ góc độ khác. Đây sẽ là một trò mới… ít nhất là đối với một số quý ông.”
Khách khứa cười rộ lên! Nhưng cả Cesare lẫn Alexander đều cố ngăn lại cuộc trình diễn dâm tục sỗ sàng kia trước khi xảy ra quá nhiều chuyện không hay.
Jofre phớt lờ những dấu hiệu của cha và anh, vẫn nhẩn nha tiếp tục, “Này, các quý ông, hãy nhảy cỡn lên trên các em ngựa cái này bất cứ lúc nào tùy thích. Nhớ nhé, phải cưỡi ngựa trong tư thế đứng từ sau mông các em đẩy tới. Và để thưởng cho mỗi lần thành công, các cô ấy được phép nhặt lên một hạt dẻ bằng vàng nằm ở trên sàn để bỏ túi. Tất nhiên, các kiều nữ xinh tươi này được phép giữ những hạt dẻ vàng mà họ nhặt được như những món quà nho nhỏ cho trò vui mà họ đã cho chúng ta.”
Các ả gái điếm bắt đầu cúi người xuống và lắc lư những cặp mông trắng hồng cực kì khiêu khích trước đám đàn ông. Ercole d Este, choáng người trước màn trình diễn thô tục, tái xanh mặt vì kinh ngạc.
Thế nhưng, từng anh một, các quý ông của thành Rome thanh lịch đã bắt đầu đứng lên, ra khỏi bàn tiến về phía đám gái giang hồ đang khom lưng chào mời. Có nhiều anh, mặc dù không leo lên cưỡi, nhưng vẫn thô bạo chộp lấy mông, ngực các cô. Thời trai trẻ, Alexander cũng thích thú những sự kiện như thế, nhưng trong tình huống hiện tại, ông thấy thật xấu hổ vì đây không phải là lúc chơi những trò này. Và ông biết chắc chuyện này là cố ý vì với hình ảnh tệ hại, những xét đoán không hay về gia đình mình, việc này càng chứng minh chuyện người ta đồn đãi là thật.
Giáo hoàng lại gần Ercole d’Este và hoài công cố xin lỗi. Nhưng Ercole, lắc đầu, tự nhủ rằng nếu đám cưới này mà không lỡ tiến hành rồi, thì có lẽ ông sẽ hủy bỏ hôn ước và chấp nhận nguy cơ từ phía người Pháp và đoàn quân của Cesare – dẫu có ducat hay không ducat cũng mặc. Bởi vì ông đã gửi vàng ở ngân hàng xong xuôi cả rồi, giờ đây ông chỉ rời khỏi phòng, lẩm bẩm, “Borgia, đúng là bọn nhà quê!”
* * *
Khuya hôm đó, Cesare nhận được một tin càng khiến chàng rối trí hơn. Xác của Astorre Manfredi được tìm thấy trôi dập dềnh trên dòng sông Tiber. Cesare đã hứa cho chàng ta được an toàn tính mạng sau khi Faenza thất thủ, và cái tin này làm nhiều người nghĩ chàng đã thất hứa. Cesare biết rằng lại một lần nữa chàng sẽ bị nghi ngờ. Có những người sẵn sàng tin rằng chàng lại mượn tay Michelloto để giết người. Nhưng thật ra ai đã làm chuyện này? Và vì sao?
Hai ngày sau, trên căn phòng gọi là Pappagallo, Giáo hoàng tiễn biệt con gái. Nàng buồn khi phải rời xa cha, cho dẫu bao biến cố ông đã gây ra. Dù trong lòng ủ rũ, Giáo hoàng cũng cố ra vẻ vui tươi, bởi ông sẽ nhớ cô con gái chết mất… “Nếu có khi nào con gặp chuyện rắc rối hãy lập tức gửi thư cho cha, cha sẽ dùng ảnh hưởng lớn nhất của mình để xử lí mọi chuyện vì con. Và đừng lo lắng gì về mấy đứa bé, vì Adriana rất phù hợp để chăm sóc chúng, như con đã biết rõ rồi.”
“Nhưng Papa à,” Lucrezia nói, “con đã học được rất nhiều về chuyện tiếp đãi và cai trị, nhưng con vẫn sợ hãi khi đi đến chỗ ở mới này, nơi con biết là không ai ưa thích con.”
“Không bao lâu nữa đâu rồi họ cũng sẽ yêu mến con như chúng ta yêu mến con vậy,” Alexander nói. “Con chỉ cần nghĩ về ta, và ta sẽ biết,” ông nói. “Và mỗi lần ta nghĩ đến con, con cũng sẽ biết.” Sau đó ông hôn lên trán cô. “Thôi con đi đi. Một Giáo hoàng giàn giụa nước mắt tiễn con đi xa thật không phù hợp chút nào.”
Alexander theo dõi từ cửa sổ. Trong lúc Lucrezia chuẩn bị đi xa, ông vẫy tay và la lớn từ khung cửa sổ. “Vui lên con gái nhé! Vì bất kì điều gì con mong ước cũng đều được chấp thuận cả rồi.”
* * *
Lucrezia xuất hành đến Ferrara, được tháp tùng bởi cả ngàn nhà quý tộc, người hầu, nhạc công, và những người diễn trò. Các nhà quý tộc cưỡi những con ngựa đẹp hay ngồi trong những xe ngựa lộng lẫy. Bản thân Lucrezia cưỡi một con ngựa Tây Ban Nha nhỏ, lưng phủ tấm vải lộng lẫy, vừa vặn với yên cương. Số còn lại cưỡi lừa hay la hoặc trong những toa xe thô sơ. Số còn lại đi bộ.
Họ dừng chân nơi mỗi vùng lãnh thổ mà Cesare đã chinh phục, để Lucrezia và mọi người có thể tắm gội, sửa sang. Ở các thành phố, trẻ con phấn khích chạy ra đón đoàn của nàng trong trang phục đỏ và vàng, vốn là hai màu biểu tượng của Cesare. Suốt cuộc hành trình, toàn bộ đoàn tùy tùng tạm nghỉ chân để dự những vũ hội và những lễ lạt vô cùng xa hoa.
Cuộc hành trình ngoạn mục đó từ Rome đến Ferrara mất hơn một tháng, và trên đường đi nó đã vét sạch túi tiền của nhiều gia chủ địa phương,
Ercole d’Este, công tước xứ Ferrara là một người lừng danh về tính keo kiệt bủn xỉn, cho nên chỉ trong vòng mấy ngày, ngài liền ra lệnh cho phần lớn đám tùy tùng tốn kém của Lucrezia quay về Rome. Lucrezia buộc phải ra sức giữ lại những người hầu cận mà nàng muốn có tại Ferrara.
Khi đám tùy tùng La Mã và Tây Ban Nha thất vọng trở về theo lệnh của ngài công tước, Ercole bèn dạy cho Lucrezia một bài học bi thảm để hiểu ở Ferrara, mọi chuyện được xử lí ra sao. Ông ta dẫn Lucrezia lên một cầu thang xoắn hẹp đến một căn phòng áp mái của lâu đài. Ở đó ông ta chỉ vào một vết ố màu nâu sẫm trên nền đá và bảo nàng, “Vị công tước trước đây đã chặt phăng đầu công tước phu nhân và đứa con ghẻ của ông, vì ông khám phá ra rằng hai người đó là tình nhân của nhau. Nhìn kìa, con dâu yêu quý,” lão cười khàn khàn, “con có thể còn thấy dấu máu của họ.”
Lucrezia rùng mình ớn lạnh khi nhìn những vết máu ố nâu sẫm trên sàn.
Chỉ mấy tháng chung sống với Alfonso d’Este, Lucrezia đã mang thai. Dân chúng Ferrara tràn ngập hạnh phúc, vì họ từng nguyện cầu mong có một ông hoàng con thừa kế tước vị. Nhưng thật không may, mùa hè năm ấy ở Ferrara rất ẩm ướt và nơi đây trở thành cái tổ ấp khổng lồ cho bầy muỗi mang theo bệnh sốt rét. Lucrezia ngã bệnh.
Alfonso d’Este gửi thư cho Giáo hoàng, giải thích rằng nữ công tước xứ Ferrara, ái nữ của Alexander, đang bị sốt cao, run lập cập, nóng lạnh đột ngột, mồ hôi đầm đìa. Ông nói rõ thêm rằng mới đây Lucrezia còn rơi vào tình trạng mê sảng nghiêm trọng, và Alexander có lẽ muốn gửi thầy thuốc riêng từ Rome đến.
Alexander và Cesare đều kinh hoảng vì sợ mất đi Lucrezia. Cả hai sợ rằng nàng có thể bị đánh thuốc độc. Và thế là Giáo hoàng gửi chỉ dụ, do chính tay ngài viết, rằng chỉ có thầy thuốc riêng mà ông gửi đến sẽ lo việc điều trị cho nàng.
Vào đêm hôm ấy, Cesare hóa trang thành một nông dân người Moors, với nước da sẫm màu và mặc áo dài có mũ trùm đầu, đi theo vị thầy thuốc đến bên giường của Lucrezia.
Khi đến Ferrara, không ai biết họ là ai, chỉ biết rằng họ được gửi đến từ Rome. Trong lúc Alfonso lẫn Ercole d’Este đều ở trong phòng riêng, Cesare và vị thầy thuốc được một tên hầu dẫn lên cầu thang đến phòng của Lucrezia.
Mặc dầu đang mê sảng nhưng Lucrezia nhận ra Cesare ngay. Nước da nàng nhợt nhạt, đôi môi xanh xao mấp máy liên hồi vì cơn sốt và dạ dày nàng quá nhạy cảm, luôn cồn cào khiến nàng ói mửa liên tục từ hơn hai tuần nay. Nàng cố gắng chào hỏi Cesare nhưng giọng nàng khản đặc và yếu đến độ không thốt được tiếng nào.
Khi gã hầu đi khỏi, Cesare cúi xuống hôn nàng. “Tối nay công chúa của ta nhìn hơi xanh xao đấy,” chàng thì thầm với nàng. “Vẻ long lanh của đôi má hồng không còn làm duyên cho khuôn mặt em. Phải chăng nơi đây tình yêu thương lẩn tránh em?”
Biết anh mình nói đùa, Lucrezia cố gắng cười đáp lại, nhưng nàng không nhấc nổi cánh tay để chạm vào mặt chàng.
Rõ ràng là tình trạng của nàng khá nguy kịch; và Cesare lại càng rối trí hơn khi vị thầy thuốc xác nhận điều đó.
Cesare sải bước đến chỗ bồn rửa mặt, cởi áo dài trùm đầu ra và tẩy lớp hóa trang trên mặt. Rồi chàng lệnh một người hầu đi báo tin cho công tước.
Một lúc sau Ercole đến, rõ ràng là hoảng hốt khi được gọi vào phòng Lucrezia. Ông ta nhận ra Cesare ngay.
“Cesare Borgia!” Ercole thốt lên. “Tại sao anh ở đây?”
Giọng của Cesare không hề tỏ ra nồng hậu. “Tôi đến đây để thăm em gái tôi. Phải chăng tôi không được chào đón ở đây? Có chuyện gì khuất tất mà tôi không được biết sao?”
“Ồ không, không đâu,” Ercole nói, lắp bắp vì bối rối. “Tôi… tôi chỉ ngạc nhiên vì bất ngờ thấy anh ở đây.”
“Tôi sẽ không lưu lại đây lâu đâu, thưa ngài công tước kính mến,” Cesare nói. “Chỉ vừa đủ lâu để truyền đạt một thông điệp từ cha tôi – và cũng là từ tôi.”
“Thế à?” Ercole nói, đôi mắt nhíu lại vì nghi ngờ và hoảng sợ.
Cesare để tay vào đốc kiếm như thể sẵn sàng quần thảo với toàn bộ anh hùng dũng sĩ xứ Ferrara. Tuy nhiên giọng chàng lại lạnh và phải chăng khi chàng tiến lại gần Ercole và nói, “Đức Thánh Cha và tôi đều rất mong em gái tôi phục hồi sức khỏe. Nếu như cô ấy chết, chúng tôi chắc chắn quy trách nhiệm cho gia chủ và cả thành phố của họ nữa. Tôi nói thế đã rõ chưa?”
“Tôi phải xem đó là một lời hăm dọa chăng?” Ercole hỏi.
“Tôi tin là ông hiểu tôi,” Cesare đáp, giọng chàng cứng rắn. “Em gái tôi không được chết. Vì nếu cô ấy chết, cô ấy sẽ không chết một mình đâu!”
* * *
Cesare và vị thầy thuốc ở lại trong nhiều ngày. Cuối cùng, thầy thuốc quyết định Lucrezia phải được trích máu. Nhưng nàng từ chối. “Tôi không muốn bị rút máu đến trắng bệch ra như thây ma!” Nàng khóc lóc, lắc đầu và đạp chân lung tung với chút sức lực còn sót lại của mình.
Cesare ngồi kế bên nàng, ôm ấp dỗ dành, năn nỉ nàng hãy dũng cảm. “Em phải sống vì anh,” chàng thì thầm. “Không thì còn lí do gì để anh sống tiếp chứ?”
Cuối cùng Lucrezia thôi không giãy giụa nữa và nép mình vào ngực Cesare để không phải thấy những gì đang diễn ra. Trong lúc Cesare giữ chặt chân nàng, viên thầy thuốc rạch vài vết nhỏ ở mắt cá và mu bàn chân, cho đến khi lượng máu trích ra, theo nhận định của y sĩ, là đủ để cho nàng có thể phục hồi.
Trước khi ra đi, Cesare hôn Lucrezia và hứa sẽ sớm trở lại thăm nàng, bởi hiện nay chàng đang sống ở Cesena, chỉ cách Ferrara vài giờ đi ngựa.
* * *
Lucrezia không chết. Qua những tuần lễ tiếp theo, nàng bắt đầu phục hồi. Nàng bắt đầu cảm thấy cơ thể ấm áp lại, mồ hôi không còn chảy dầm dề nữa, nàng tỉnh táo và không còn rơi vào giấc ngủ sâu không mộng mị của những đêm đen tối nhất đời nữa. Mặc dầu đứa con của nàng chết yểu, nhưng nàng dần dần lấy lại sức khỏe và sinh khí.
Chỉ trong những lúc yên ắng của đêm đen nàng mới buồn thương cho đứa con bé bỏng kia, bởi nàng hiểu rằng thời gian dành cho buồn thương tiếc nuối là thời gian lãng phí, đời nàng đã có quá nhiều đau buồn rồi. Và nếu như nàng phải tận dụng hết mức những gì nàng đã được ban cho, và hành thiện đến hết khả năng mình, thì nàng phải tập trung làm những việc trong khả năng, chứ không phải vào những gì nàng không đủ sức thay đổi. Và như thế nàng bắt đầu sống một đời đức hạnh.
Tròn một năm ở Ferrara nàng đã dần chinh phục được tình yêu thương và sự quý trọng của thần dân, cũng như tình yêu mến của nhà d’Este, một thế gia lâu đời và xa lạ.
Vị công tước già Ercole là người đầu tiên nhìn ra và đánh giá đúng trí thông minh sáng chói của nàng. Dần dần, ông bắt đầu coi trọng lời khuyên của nàng hơn các con trai ông, và ông ủy nhiệm nhiều quyết sách quan trọng cho nàng dâu đảm đương.