Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 24

Tác giả: Mario Puzo

Trong lúc Cesare chuyển quân bắc tiến từ Rimini để đến Bologna, Astorre Manfredi dong ngựa bên cạnh chàng. Astorre tính tình dễ chịu và hăng say làm việc. Hằng đêm chàng ta dùng bữa với Cesare và các sĩ quan chỉ huy, góp vui bằng những bài ca tục tĩu của nông dân Faenza. Sau bữa tối, chàng lắng nghe Cesare phân tích tình hình thời sự và chiến sự, và lên những kế hoạch cho các ngày tiếp theo.

Đến thời điểm này, Cesare đối mặt những vấn đề chiến lược nghiêm trọng. Chàng đã gần như hoàn tất chiến dịch bành trướng quyền lực của giáo triều trên khắp lãnh thổ Romagna, nhưng chàng không mong chiếm lấy Bologna, bởi xứ này nằm dưới sự bảo hộ của Pháp. Ngay cả nếu có thể, chàng cũng không muốn đối kháng với vua Louis, và chàng chắc là Giáo hoàng cũng sẽ không chấp thuận một cuộc tấn công như thế.

Sự thật là, mục tiêu đích thực của Cesare không phải là chính thành Bologna, mà là Castel Bolognese, một pháo đài kiên cố bên ngoài thành phố. Và Cesare còn có một con bài giấu kín: nhà Bentivoglio, cai trị Bologna trước nay, chỉ biết rằng Cesare Borgia đáng kính và đoàn quân của chàng ta đang trên đường tới chỗ họ. Ngay cả các sĩ quan chỉ huy thân cận của Cesare cũng không biết rõ những mục tiêu thực sự mà chàng nhắm đến, và tỏ ý phân vân về kế hoạch tấn công Bologna.

Sau nhiều suy tính, và với mưu trí sắc bén, Cesare đưa người của mình vào sâu vài dặm trong các cổng thành. Người cai trị xứ Bologna, Giovanni Bentivoglio, một người to cao, cưỡi một con ngựa khổng lồ ra hội kiến chàng. Sau lưng ông ta là một kị sĩ mang hiệu kì của ông, lưỡi cưa đỏ trên nền trắng.

Bentivoglio, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhưng là một con người biết điều, đến gặp Cesare. “Cesare, chúng ta có phải đánh nhau hay không đây? Nếu đánh nhau, không chắc là anh sẽ thắng đâu – ngay cả có thắng, đám bạn bè Pháp sẽ giết anh thôi. Chẳng lẽ không có cách nào để tôi thuyết phục anh từ bỏ cuộc theo đuổi điên rồ này sao?”

Sau hai mươi phút thương thuyết căng thẳng, Cesare đồng ý không tấn công Bologna, và đổi lại Castel Bolognese sẽ được trao cho Cesare. Theo yêu cầu của Cesare, để chứng tỏ thiện chí, Bologna cũng sẽ góp quân cho những chiến dịch tương lai của giáo triều.

Ngày hôm sau, người của Cesare chiếm giữ pháo đài Castel Bolognese. Tường thành kiên cố sẽ giúp họ xua đi kẻ thù, hầm dự trữ chứa nhiều quân nhu quân cụ, và khu chỉ huy sở cho sĩ quan thật là tiện nghi so với một pháo đài quân sự. Cesare và bộ tham mưu của chàng rất hài lòng.

Đêm hôm đó, Cesare cùng vui với ba quân trong một bữa tiệc thịnh soạn gồm dê tơ xối nước xốt quả vả rắc tiêu, cùng bắp cải đỏ xào dầu ô-liu và các loại hương thảo địa phương. Họ đùa vui, ca hát, rượu vang Fracasti sóng sánh tươi hồng đổ tràn li.

Quân lính đều được chung vui. Chủ tướng Cesare tay li vang, tay sườn dê nướng đi lại giữa đoàn, cảm ơn và chúc mừng cuộc khải hoàn của họ. Quân tướng của chàng đều cảm thấy yêu mến chủ soái và tỏ ra trung thành với chàng như thần dân của các thành phố mà chàng chinh phục.

Sau cuộc chè chén say sưa, Cesare và các sĩ quan cởi quần áo và nhảy ào vào những bồn bơi nghi ngút hơi lưu huỳnh của lâu đài; những bồn tắm này vốn được tiếp nước từ một dòng suối ngầm. Cuối cùng, đã thư giãn, họ túm tụm quanh hồ nước nóng với bùn sền sệt, bốc mùi trứng ung nghe hơi thum thủm.

Sau đó, từng viên sĩ quan rời bồn tắm và rửa sạch bằng những xô nước lạnh từ một cái giếng kế bên. Cuối cùng chỉ còn Cesare và Astorre Manfredi, khoan khoái thả mình trong vũng nước ấm với bùn đặc sánh.

Một chốc sau, Cesare bỗng cảm thấy có bàn tay đặt trên đùi mình. Vì đã say khướt, chàng phản ứng chậm chạp, còn mấy ngón tay kia nhè nhẹ lướt lên cao hơn, vuốt ve, khiến chàng cũng hứng lên. Chợt tỉnh, Cesare liền nhẹ nhàng đẩy bàn tay Astorre qua một bên. “Tôi không thích kiểu đó, Astorre à. Cậu không được. Đây không phải sở thích của tôi.”

“Cesare, anh không hiểu đâu. Em không ham muốn chuyện nhục dục với anh,” Astorre thành thật nói. “Em thực sự yêu anh từ lâu rồi.”

Cesare ngồi thẳng lại trong nước bùn, cố gắng lấy lại suy nghĩ. “Astorre,” Cesare nói. “Tôi xem cậu là bạn tốt. Tôi thích và ngưỡng mộ cậu. Nhưng cậu không chỉ muốn có bấy nhiêu, đúng không?”

“Không,” Astorre nói, vẻ mặt buồn rầu. “Không phải thế. Em yêu anh giống như Alexander Đại Đế yêu chàng trai Ba Tư. Giống như tình yêu của vua Anh Edward Đệ Nhị dành cho Piers Gaveston. Dù nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng em tin chắc đó là tình yêu đích thực.”

“Astorre này,” Cesare nói, nhẹ nhàng nhưng quyết đoán, “Tôi không thể là người đó của cậu. Tôi biết có nhiều người là quân nhân, vận động viên và ngay cả hồng y nữa, có những quan hệ thế này và cảm thấy thích thú. Họ đều là người tốt cả. Nhưng tôi không thế, Astorre à. Đó là điều tôi không thể cho cậu. Tôi có thể là người bạn trung thành của cậu, nhưng chỉ thế thôi, không hơn.”

“Em hiểu, Cesare à,” Astorre nói đứng dậy, ngượng ngùng, bối rối nói. “Ngày mai em về Rome.”

“Cậu không cần phải làm thế,” Cesare nói. “Tôi không hề xem thường cậu vì đã bày tỏ tình cảm với tôi.”

“Không, Cesare,” Astorre nói. “Em không thể ở lại lâu hơn. Một là, em chấp nhận những gì anh nói, nhưng như thế mỗi ngày bên cạnh anh như cứa thêm vào nỗi đau của em, hai là em phải tự lừa bản thân mình tin rằng còn có tia hi vọng nào đó. Trong trường hợp đó em sẽ tiếp tục cố lôi kéo sự chú ý của anh cho đến khi, cuối cùng, anh tức giận với em hay tệ hơn nữa, ghê tởm em. Không, em phải đi.”

Rạng sáng ngày hôm sau, Astorre bắt tay từng viên sĩ quan chỉ huy. Chàng ta quay sang Cesare và ôm chàng, thì thầm vào tai chàng, “Tạm biệt bạn yêu. Những giấc mộng của em sẽ luôn được đong đầy với những ngày chúng mình còn bên nhau.” Thế rồi, với một nụ cười trìu mến, Astorre Manfredi lên yên và dong ngựa về phương nam, hướng đến thành Rome.

* * *

Tối hôm đó, Cesare ngồi trong lều chỉ huy của trại quân, xem xét mục tiêu quân sự tiếp theo. Khi chàng nhận ra rằng chàng đã hoàn thành mọi mục tiêu mà cha đã đặt ra cho mình, chàng biết rằng đã đến lúc mình nên quay về Rome.

Tuy nhiên Cesare vẫn còn thèm thuồng chinh phục, cũng như các tùy tướng của chàng, Vito Vitelli và Paolo Orsini. Giờ đây họ thúc giục chàng tấn công Florence. Vitelli coi thường dân Florence còn Orsini muốn trùng hưng nhà Medici vốn là đồng minh lâu đời của nhà Orsini. Cesare yêu mến cả Florence lẫn nhà Medici cũng như mối quan hệ trung thành vốn có từ lâu. Tuy nhiên chàng cũng phân vân.

Khi ánh nắng ban mai tràn vào lều, Cesare xem xét lại quyết định của mình. Có thể Vitelli và Orsini nói đúng; có thể không mấy khó để chiếm lấy thành bang này, phục hưng nhà Medici, bạn bè chàng. Nhưng dẫu trẻ và hiếu chiến, Cesare vẫn đủ tỉnh táo để biết rằng một cuộc tấn công vào Florence đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào nước Pháp. Mạo hiểm như thế là ngu ngốc; vì chắc chắn rất nhiều sinh mạng sẽ bị ném vào cuộc chơi quyền lực; và ngay cả nếu chàng có thể chiếm được thành phố thì người Pháp cũng sẽ không bao giờ để cho chàng giữ nó. Cuối cùng chàng quyết định: thay vì tấn công thành phố, chàng sẽ vận dụng chiến thuật đã áp dụng ở Bologna.

Chàng dẫn đoàn quân nam tiến vào thung lũng Arno, và giống như ở Bologna, chỉ cách thành vài dặm.

Tại đó vị chỉ huy của Florence cưỡi ngựa ra thương lượng, đi theo là một toán quân nhỏ mang hiệu kì bay phất phới, giáp trụ hắt ánh mặt trời. Cesare thấy họ lo lắng nhìn vào những khẩu đại pháo của Vitelli. Chàng tin chắc là họ muốn tránh một trận đánh. Cesare không tìm cách chiếm lâu đài hay pháo đài nào ở đây, vì thế lần này chàng thương lượng để họ hứa trả một khoản thường niên đáng kể, cùng với lời hứa đồng minh chống lại mọi kẻ thù của Giáo hoàng.

Đấy không phải là một chiến thắng to lớn gì cho lắm. Và cũng không giúp trùng hưng dòng họ Medici. Nhưng dẫu sao đó là quyết định đúng. Đối với Florence, giành được bấy nhiêu là đủ. Dấn thêm nữa, e rằng lợi bất cập hại. Vẫn còn nhiều miền đất cho chàng chinh phục.

Bấy giờ, Cesare cho quân nam tiến về thành phố ven biển Piombino. Không đủ sức phòng vệ chống lại lực lượng hùng hậu của quân đội giáo triều, thành phố kia cũng nhanh chóng đầu hàng.

Sau đó, vẫn còn thấy bất an, Cesare đi dọc theo các cầu tàu của Piombino. Ở đó, bên ngoài bờ biển, chàng có thể thấy hòn đảo Elba, với những mỏ sắt nổi tiếng giàu tiềm năng. Đây là một mục tiêu chàng có thể chiếm giữ! Hòn đảo này sẽ là đối tượng cho một cuộc chinh phục huy hoàng đây! Một phần thưởng đáng giá cho cha chàng! Nhưng dường như đó là một nhiệm vụ bất khả thi, vì Cesare không hề có kinh nghiệm hải chiến.

Chàng sắp sửa từ bỏ ý định đó thì bỗng nhìn thấy ba người cưỡi ngựa về phía chàng từ hướng thành Rome. Ngạc nhiên, cuối cùng chàng cũng phân biệt được đó là những ai: em trai Jofre, cùng với Michelotto và Duarte Brandao.

Jofre sải bước tới trước để chào chàng. Cesare thấy cậu chàng có vẻ to lớn ra, già dặn hơn lên. Jofre mặc áo chẽn nhung xanh với quần ống túm mảng xanh mảng vàng. Mái tóc vàng rơm phất pho dưới chiếc mũ vuông nhung xanh. Jofre báo tin thật ngắn gọn, rõ ràng nhưng vẫn để lộ tình cảm. “Cha chúc mừng anh về chiến dịch thành công xuất sắc. Cha cũng rất mong anh trở về. Cha muốn em nói với anh rằng cha nhớ anh vô cùng. Và ông chỉ thị cho anh lập tức quay về Rome vì các chiến thuật quân sự của anh ở Bologna và Florence khiến vua Pháp nổi giận. Cesare, cha cảnh báo không được dùng kiểu đó nữa. Không bao giờ.”

Cesare hơi bực chuyện dùng cậu em để gửi thông điệp cho chàng và chàng nhận thấy rằng Brandao và Michelotto ở đó là để phòng trường hợp chàng tỏ ra ương ngạnh hay phản kháng.

Cesare yêu cầu nói chuyện riêng với Duarte Brandao. Khi đi dọc theo các cầu tàu, Cesare chỉ vào đảo Elba nằm ngoài khơi trong làn sương mù xa xa. “Ông có biết những mỏ sắt kia có trữ lượng dồi dào đến thế nào không, Duarte?” Chàng hỏi. “Đủ để tài trợ cho một cuộc chiến chống lại cả thế giới! Tôi muốn chinh phục nó cho cha. Đó sẽ là một món quà tặng đáng giá cho sinh nhật sắp đến của ông, và tôi hiếm khi có được cơ hội để làm ông ngạc nhiên. Còn gì quý hơn để dâng lên Đức Thánh Cha một món quà như vậy? Gần đây ông nghiêm túc quá, sẽ thích lắm khi thấy ông cười sảng khoái. Năm sau, hòn đảo này có thể rơi vào sự bảo hộ của Pháp nếu ta không ra tay trước. Thế nhưng dẫu tôi có muốn chiếm lấy nó để dâng lên Giáo hoàng, nhưng hiện tại, thách thức này vượt quá khả năng của tôi.”

Brandao vẫn giữ yên lặng, nhìn mông lung vào khoảng không gian mù sương. Cesare có vẻ đầy ắp phấn khích với viễn tượng về một món quà trên cả tuyệt vời như thế dâng cho Giáo hoàng khiến Duarte thấy xúc động, muốn tìm cách giúp chàng. Ông ta quay người và nhìn vào tám chiếc thuyền buồm lớn của Genoa bỏ neo ở cầu cảng. “Tôi nghĩ là tôi có thể hoàn thành điều anh muốn, Cesare à, nếu người của anh hăng hái tình nguyện. Xưa kia đã có thời tôi chỉ huy nhiều thuyền bè và dự những cuộc hải chiến cũng tưng bừng náo nhiệt lắm.”

Lần đầu tiên Cesare thấy Duarte nói đến quá khứ với biết bao mong nhớ. Cesare ngần ngại một lúc. Rồi, nhẹ nhàng chàng hỏi, “Nước Anh?”

Duarte cứng người, và Cesare biết rằng mình đã đi quá giới hạn. Biết mình có lỗi chàng vòng tay quanh ôm ông. “Thứ lỗi cho tôi,” chàng nói. “Không phải chuyện của tôi. Xin ông hãy giúp tôi chiếm lấy hòn đảo ấy.”

Chàng thấy Duarte bớt căng thẳng. Họ lại đứng yên lặng bên nhau nhìn qua vịnh biển đến đảo Elba. Rồi Duarte chỉ vào mấy chiếc thuyền Genoa. “Những con thuyền cũ kĩ vụng về kia, nhưng nếu được điều khiển bởi những sói biển lão luyện, vẫn rất đáng tin và được việc đấy, Cesare à. Và tôi tin rằng những người phòng vệ cho hòn đảo lo lắng về các đám hải tặc nhiều hơn là nghĩ đến các đạo quân xâm lăng. Những phương tiện phòng vệ của họ – pháo, lưới sắt và thuyền phun lửa – được tập trung nơi bến cảng, nơi họ cho là hải tặc sẽ tấn công. Chúng ta sẽ tìm thấy một bãi biển yên tĩnh nơi phía kia của hòn đảo. Ở đó chúng ta sẽ đổ bộ đủ số quân để chiếm vị trí này.”

“Sẽ phải di chuyển bao nhiêu ngựa và pháo trong cuộc điều quân đó?”

“Tôi e rằng như thế lại không hay đâu,” Duarte nói. “Kị binh có thể tạo ra tai họa và cả tàn sát khi họ ào ào tràn qua; còn pháo có thể làm chòng chành và làm hỏng các mạn thuyền của chính chúng ta, thậm chí có thể làm chìm thuyền. Cho nên chúng ta sẽ không điều kị binh và pháo binh. Chỉ bộ binh thôi là đủ.”

* * *

Sau khi nghiên cứu các bản đồ Genoa và bàn thảo kế hoạch tỉ mỉ trong hai ngày, lực lượng xâm lăng sẵn sàng. Tám chiếc thuyền buồm lớn dong buồm ra khơi với đầy bộ binh và các chỉ huy. Họ vui vẻ vẫy tay chào các chiến hữu kị binh và pháo binh trên cầu cảng.

Nhưng niềm vui của họ ngắn chẳng tày gang. Trong cuộc hải hành chậm chạp, chòng chành đi qua vùng biển và vòng quanh hòn đảo, nhiều chàng lính bộ binh bị say sóng, ói mửa tung tóe Chính Cesare cũng buồn nôn, nhưng mím chặt môi, cố vuốt xuống. Michelotto và, ngạc nhiên chưa, chính cậu công tử bột Jofre lại không hề hấn gì.

Duarte, hoàn toàn thung dung thoải mái, ra lệnh cho các con thuyền tiến vào một vùng biển yên tĩnh, với bờ cát trắng phau, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Đằng sau bãi biển lác đác những bụi cây xanh xám và những cây ô-liu xù xì xương xẩu, với một lối đi cắt ngang qua các ngọn đồi. Không thấy bóng dáng một linh hồn nào.

Tám chiếc thuyền Genoa được kéo sát bờ, nhưng không lên cạn. Với mực nước còn sâu năm bộ, đám bộ binh miễn cưỡng lội lên bờ. Biết họ sợ, Duarte ra lệnh cho quân sĩ mỗi thuyền cột chặt sợi dây thừng dài và nặng vào mũi thuyền rồi ném sợi dây xuống nước, hướng vào bờ. Sau đó chọn từ mỗi thuyền một thủy thủ bơi giỏi nhận lệnh nắm lấy sợi dây, bơi vào bờ rồi cột chặt sợi dây ấy vào một trong những cây ô-liu xù xì nhiều mấu nơi bờ biển.

Tiếp theo, Duarte yêu cầu Cesare ra lệnh cho một nửa số quân giắt vũ khí vào sau lưng. Nửa số quân kia ở lại trên các con tàu cho đến khi thấy dấu hiệu đã chiếm được thành.

Họ thi hành lệnh, nhưng không phải là không cằn nhằn. Duarte xung phong trượt xuống mép thuyền trước tiên; sau đó nắm lấy sợi dây thừng và đưa lên cao để mọi người đều thấy, ông sải tay này đến tay kia dọc theo sợi dây cho đến bờ.

Cesare tiếp bước Duarte, lần theo sợi dây tiến lên bờ. Đã thấy an tâm, lần lượt hết anh này đến anh kia đi theo mép nước, tay bám vào sợi dây căng để lên bờ, vì như thế vẫn tốt hơn ở trên một chiếc thuyền chòng chành, xoay vòng vòng.

Sau khi đổ quân xong, chờ tất cả khô ráo, Cesare dẫn lính rời bãi biển và đi lên một con đường dốc đứng, ngoằn ngoèo xuyên qua các ngọn đồi. Trong vòng độ một giờ, họ đã leo đến đỉnh. Từ đó họ có thể nhìn xuống thành phố và bến cảng.

Như Duarte dự đoán, những khẩu đại pháo to đùng bằng hợp kim gang và sắt đều nhắm đến những vị trí cố định nơi lối vào bến cảng. Một giờ sau đó, từ trên đỉnh đồi họ vẫn không thấy pháo binh có động tĩnh gì cả, chỉ có một toán dân quân nhỏ diễu hành nơi quảng trường chính.

Lặng lẽ, Cesare dẫn binh lực đi xuống theo hẻm núi cho đến khi họ tới ven thành phố.

“Tấn công! Tấn công!” Cesare hét lên, quân lính vừa la hét xông lên vừa vung vũ khí tràn xuống đường phố chính, đổ vào quảng trường trung tâm. Đám dân quân tự vệ, bị quân địch áp đảo, ngạc nhiên thất thần và nhanh chóng đầu hàng. Dân chúng thành phố hoảng sợ vội chạy về nhà đóng kín cửa. Cesare gửi một toán quân đến bảo vệ các khẩu đại pháo và những toán khác đến chiếm các mỏ sắt, trong khi Duarte dẫn một toán quân chiếm các cầu tàu. Cuối cùng, Cesare lệnh cho sĩ quan cầm cờ giương cao lệnh kì bò tót của nhà Borgia và hiệu kì ngọn lửa riêng của chàng trên kì đài để trống của thành phố. Khi phái đoàn đại diện thị dân đi đến quảng trường, Cesare xưng tên và bảo họ rằng bây giờ hòn đảo nằm dưới quyền kiểm soát của giáo triều, nhưng chàng cũng trấn an họ rằng họ không việc gì phải sợ cả.

Vào thời điểm đó tám chiếc thuyền Genoa của chàng đã vòng lại mũi đất phía trước.

Quân sĩ sau đó đốt lên đống lửa lớn trên bãi biển để làm hiệu rằng thành phố đã bị chinh phục, và rằng thuyền bè có thể cập cảng an toàn. Các chiếc thuyền còn lại cập bến, neo ở cầu cảng, hiệu kì nhà Borgia bay phấp phới, trong lúc binh sĩ xuống thuyền.

Sau khi kiểm tra các mỏ sắt và chọn một số quân ở lại giữ đảo, quân lính sẵn sàng quay về đất liền. Cesare cho quân trở lại các chiến thuyền.

Và thế là chỉ trong vòng bốn giờ sau khi họ lần đầu đặt chân lên bãi biển, Cesare Borgia và Duarte Brandao đã chiếm lấy đảo Elba. Giờ đây Michelotto, Jofre, Cesare và Duarte dong ngựa bên nhau trên đường thiên lí trở về thành Rome.

Bình luận