Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 30

Tác giả: Mario Puzo

Sợ đám lính Tây Ban Nha đang lùng sục khắp vùng ngoại ô phát hiện ra, Cesare tránh các thị trấn và chỉ phi ngựa ban đêm, ban ngày ngủ trong rừng. Người hôi hám, bẩn thỉu và kiệt sức, cuối cùng chàng đến vương quốc Navarre, đầu phía bắc của bán đảo Iberia.

Cesare được anh vợ chờ đón, vì Duarte đã báo với nhà vua về chuyến viếng thăm. Chàng nhanh chóng được cho qua cổng thành và được hộ tống đến một phòng lớn rộng rãi, thoáng đãng nhìn ra dòng sông.

Khi Cesare tắm gội xong và thay y phục sạch sẽ, một ngự lâm quân đến dẫn chàng đi về dãy phòng hoàng gia. Tại đó vua Jean xứ Navarre, một người cao lớn với nước da rám nắng và một hàng ria được xén tỉa gọn gàng, nồng nhiệt ôm chàng.

“Gặp cậu ta vui mừng quá!” Jean nói. “Ta đã nghe Charlotte kể rất nhiều về cậu, tất nhiên, và ở đây cậu được chào đón. Ồ, thỉnh thoảng chúng ta cũng có những cuộc đụng độ lẻ tẻ với những tay nam tước nổi loạn nhưng sẽ không có gì đe dọa đến sự an toàn của cậu, đừng lo. Vậy nên cậu cứ nghỉ ngơi, thư giãn và thoải mái tận hưởng cuộc sống. Cứ ở đây bao lâu tùy cậu. Và, ối trời! Phải kêu ông thợ may hoàng gia cắt may cho cậu dăm ba bộ đồ chứ!”

Cesare vô cùng biết ơn con người này, người chưa một lần gặp mặt nhưng hiện giờ lại là ân nhân của chàng. Chàng quyết báo đáp món nợ ân tình này, nhất là sau một thời gian dài để Lottie tại Pháp.

“Đa tạ hoàng thượng về lòng mến khách của ngài,” Cesare nói. “Thần rất mong muốn được trợ thủ cho ngài để dẹp yên những cuộc đụng độ lẻ tẻ mà ngài vừa nói. Vì thần cũng có đôi chút kinh nghiệm chiến trường và sẽ rất vinh dự đem kinh nghiệm đó phụng sự bậc quân vương đáng kính như ngài.”

Vua Jean mỉm cười. “Dĩ nhiên. Ta biết những kì công của cậu mà.” Nhà vua rút kiếm ra và chạm sống kiếm vào vai Cesare, nửa đùa nửa thật. “Trẫm phong cho khanh làm thống soái quân đội hoàng gia. Tuy nhiên, trẫm cũng phải nói với khanh là vị thống soái trước đây đã bị bắn tan thây giữa sa trường mới tuần qua.” Rồi nhà vua cười, phô hai hàm răng trắng bóng.

Cesare nghỉ ngơi trọn hai ngày vì chàng đã hoàn toàn kiệt sức. Chàng ngủ li bì, nhưng vừa thức dậy, chàng đã mặc giáp trụ, mang vũ khí chỉnh tề, sẵn sàng đi thị sát binh sĩ dưới quyền. Đầu tiên là kị binh, chàng nhận định họ là những chiến binh chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm, được huấn luyện tốt và được chỉ huy tốt. Họ sẽ biết tự ứng phó trong chiến trận.

Tiếp theo Cesare thị sát pháo binh. Có hai mươi bốn khẩu pháo được lau chùi sạch sẽ, trong tình trạng tốt. Các pháo thủ, giống như kị binh, trông ra dáng là những tay thiện chiến, dày dạn lửa đạn chiến trường. Tuy có thể họ chưa sánh được với dàn pháo binh của Vito Vitelli. Nhưng bộ binh lại là chuyện khác. Gồm phần lớn là nông dân địa phương đăng lính theo kì, họ sẵn lòng, nhưng lại được trang bị kém và có vẻ chỉ được huấn luyện sơ sài. Khi hữu sự, chắc là chàng phải dựa vào kị binh và pháo binh là chính để giải quyết. Mấy tuần tiếp theo trôi qua bình yên. Lạ lùng thay đó cũng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Cesare, ngoài khoảng thời gian bên cạnh Charlotte và những ngày ở Ngân Hồ. Vì đây là lúc mạng sống của chàng không bị đe dọa. Không cần phải vận dụng mưu trí để chống lại bất kì ai, cũng không ai bày mưu tính kế hại chàng.

Vua Jean là một người bạn tốt và có vẻ thích thú khi có Cesare làm bạn. Nhà vua rất tử tế và Cesare không phải sợ sự phản bội. Gần như ngày nào họ cũng ở cạnh nhau, cùng cưỡi ngựa đi săn, Cesare quý Jean như anh em. Những buổi chiều tối, sau bữa ăn nhẹ, họ cùng ngồi bên ngọn lửa bàn luận về những quyển sách đã đọc, những phương pháp cai trị sáng suốt, và trách nhiệm của giai cấp lãnh đạo. Họ còn thi đấu vật với nhau. Mặc dầu Cesare thắng, song đó không phải là chiến thắng thực sự vì chàng biết chắc rằng ông vua lực lưỡng, hào hiệp kia đã chịu thua chỉ cốt làm chàng vui lòng. Lần đầu tiên trong nhiều năm trời Cesare cảm thấy an toàn. Và vì thế chàng thưa với nhà vua, “Tôi tin rằng cuối cùng đã đến lúc phải báo tin cho vợ con mình. Kể từ ngày chia cách nhau, dù đã viết thư, gửi quà cho vợ con, nhưng tôi không dám đón họ về vì cứ mỗi lần dự định là y như rằng sẽ có những khủng hoảng, hiểm họa ngăn trở.”

Jean, anh cả của Charlotte và cũng là người anh em thân thiết của Cesare, nhiệt tình hưởng ứng. Họ chạm cốc nhau mong ngày Lottie sẽ đến.

Vào nửa đêm, tại phòng riêng, Cesare cầm cây bút lông ngỗng lên và viết cho vợ chàng ở Château de la Motte Feuilly, xứ Dauphine.

Lottie yêu quý!

Cuối cùng anh cũng có thể báo cho em biết tin tức mà anh ước ao bấy lâu nay. Anh tin rằng lúc này chính là thời điểm em và Louise bé bỏng đến với anh tại Navarre. Tất nhiên Jean là một người bạn đáng tin cậy và tình hình ở đây cho phép tất cả chúng ta cuối cùng cũng được sum vầy bên nhau. Anh biết rằng cuộc hành trình sẽ dài và vất vả đấy, nhưng một khi em và con đến đây, chúng ta sẽ chẳng bao giờ chia lìa nhau nữa.

Yêu em,

C.

Hôm sau, Cesare trao bức thư cho người đưa thư của hoàng gia. Chàng biết rằng phải mấy tháng nữa, Charlotte và con gái mới có thể gặp chàng, nhưng trái tim chàng bây giờ đã rộn ràng niềm vui.

* * *

Mấy ngày sau, vào bữa tối, Jean lộ vẻ cáu kỉnh, lầm lì không nói gì. “Điều gì khiến anh phiền lòng đến thế?” Cesare ân cần muốn chia sẻ.

Nhà vua tức tối đến độ khó nói nên lời, nhưng khi đã mở miệng, ông nói liền một mạch. “Bá tước Louis de Beaumont gây rối ta từ mấy tháng nay rồi. Hắn cho quân cướp phá gia súc và lương thực từ những làng mạc của chúng ta, một tai họa cho dân lành. Lão giám mục của hắn giả vờ đi thực hiện sứ mệnh cho Giáo hội nhưng thật ra lại đến gặp các tùy tướng của ta, đem đất đai và tiền bạc câu nhử họ để phản lại ta. Đến giờ, hắn đã đi quá xa rồi. Ngày hôm nay lính của hắn đốt trụi một ngôi làng, giết sạch đàn ông và hãm hiếp tất cả phụ nữ. Đấy không phải là trò độc ác của một thằng say vô danh nào đó, Cesare à. Beaumont có kế hoạch đàng hoàng, nhắm vào lãnh thổ của ta. Và chiến thuật hắn áp dụng là khủng bố. Hắn sẽ khủng bố dân làng cho đến khi họ bỏ ta mà theo hắn để cứu lấy mạng sống và nhà cửa của họ.”

Một lần nữa sự phản bội, giống như con rồng từ dưới đầm sâu, lại ngẩng đầu vùng vẫy. Cesare nhận ra điều đó và lo sợ cho Jean.

Nhà vua dộng mạnh nắm đấm xuống bàn, rượu văng tung tóe. “Ta sẽ ngăn chặn hắn. Ngay lập tức! Là quân vương của xứ Navarre này, ta có bổn phận phải che chở cho thần dân của ta. Không thể để cho con dân của ta phải sống trong sợ hãi. Ngày mai ta sẽ thân chinh dẫn một đạo quân đột kích vào lâu đài hắn ở Viana. Tại đó ta sẽ trục xuất hắn ra khỏi hang ổ hoặc giết hắn!”

Cesare nói, “Anh đúng là một minh quân. Anh phải trừng trị tên bá tước bạo ngược kia là đúng lắm. Nhưng anh không nên đích thân dẫn quân đi thảo phạt. Bởi chốn chiến trường thì hiểm nguy khôn lường, mà sinh mệnh của anh quá quan trọng đối với dân chúng nên không thể khinh suất được. Tôi thật lòng biết ơn về tất cả những gì mà anh đã làm cho tôi, lúc ấy tôi không còn cơ may sống sót nếu không nhờ anh. Xin anh hãy cho phép tôi chỉ huy cuộc chinh phạt này, bởi tôi đã từng xông pha trận mạc biết bao lần rồi, và chúng ta chắc chắn sẽ thành công.”

Cuối cùng nhà vua đồng ý vì lập luận thuyết phục của Cesare. Đêm hôm đó hai người họ dành nhiều giờ nghiên cứu bản đồ thành trì, pháo đài, các công sự phòng thủ của Viana và vạch ra những chiến lược cho ngày hôm sau.

Trời vừa hửng sáng, Cesare đã thức dậy. Quân của nhà vua đã tập hợp và sẵn sàng. Ngoài cổng thành, ngựa của chàng, một chiến mã màu đỏ nâu rất sung sức và hăng hái, đang sốt ruột gõ móng. Cesare dẫn đầu đoàn quân tiến ra khỏi lâu đài, sau khi hết băng đồng rồi trèo đèo, lội suối, cuối cùng họ cũng đến được lâu đài của bá tước Louis de Beaumont.

Cesare xem xét lâu đài. Các bức tường khá cao và được thiết kế đúng cách. Nhưng Cesare từng thấy những bức tường cao hơn và kiên cố hơn nhiều. So với Forli và Faenza, đây chẳng phải là nhiệm vụ khó khăn gì lắm.

Cesare thong thả triển khai đội hình vì chàng còn nhiều thời gian phía trước, mặc vào bộ giáp nhẹ rồi chuẩn bị sẵn sàng tác chiến. Đích thân chàng sẽ dẫn đầu cuộc tấn công của kị binh; xét khả năng của bộ binh, Cesare biết rằng cuộc tấn công của kị binh là có tính quyết định – thắng hay bại là ở đạo quân chủ lực này.

Nhớ lại những bài học đã rút tỉa được từ tướng pháo binh Vito Vitelli, đầu tiên Cesare rải các khẩu pháo chung quanh vành đai các bức tường và bảo vệ chúng bằng các đơn vị kị binh và bộ binh. Khi đã xong, chàng ra lệnh cho quân bắn vào các tường thành. Hành động này sẽ giết hoặc làm bị thương nhiều quân hộ thành và giảm thiểu nguy hiểm cho lực lượng của Cesare. Các sĩ quan pháo binh truyền lệnh cho pháo thủ, và cuộc dội pháo bắt đầu.

Cuộc phát pháo công thành diễn biến tốt. Cứ sau một hồi, khi những khẩu pháo khạc lửa, từng mảng thành phía trên rệu rạo và rơi vương vãi khắp lâu đài. Giữa tiếng đạn pháo đùng đoàng, Cesare nghe tiếng kêu la của đám lính hộ thành bị cắt lìa một phần thân thể hay bị ném bay ra khỏi tường thành bởi cuộc pháo kích không ngừng.

Nhưng lúc này, sau hơn một giờ, đã đến lúc phải thay đổi chiến thuật. Cesare lệnh cho quân mang pháo sang một bên lâu đài. Sau đó chàng ra lệnh tập trung hỏa lực hướng thẳng vào một phần của bức tường rộng không quá năm mươi bộ. Nơi đó, Cesare nghĩ, là chỗ kị binh sẽ tràn qua tấn công.

Lâu đài này không được xây dựng kiên cố như những lâu đài ở Ý mà Cesare đã tấn công. Sau mỗi loạt bắn, các bức tường bắt đầu lung lay, và Cesare biết rằng kết cục đã gần kề.

Chính lúc đó chàng hạ lệnh cho kị binh chuẩn bị tấn công. Các sĩ quan kị binh truyền đạt lệnh của chàng, và mỗi kị sĩ đều kẹp sẵn một ngọn giáo đáng sợ dưới cánh tay trong tư thế tấn công. Mỗi người đều mang theo một thanh gươm nữa, và dù cho bị ngã ngựa, họ vẫn còn là một đấu sĩ đáng gờm.

Bản thân Cesare cưỡi con ngựa chiến màu nâu đỏ, đặt ngọn giáo ở tư thế sẵn sàng. Chàng kiểm tra thanh kiếm và cây thiết côn gắn mũi nhọn ở đầu treo nơi yên ngựa, sẵn sàng để dùng nếu như chàng bị ngã ngựa và rơi mất kiếm.

Tinh thần chiến đấu của Cesare dâng cao. Nhưng còn hơn thế. Đây không chỉ là một trận chiến chinh phục. Vị vua này đã rất hào hiệp với chàng, đã cứu mạng chàng, đã trở thành bạn tri kỉ của chàng.

Hơn thế nữa, Cesare biết rất rõ một bá tước độc ác như Beaumont có thể làm những điều xấu xa bạo ngược đến thế nào nếu để mặc cho hắn tự tung tự tác. Vì mang món nợ danh dự và ân tình sâu nặng đối với vua Jean, nên chàng quyết phải kết liễu tên bá tước bạo ngược Louis de Beaumont này.

Cesare nghe thấy tiếng kêu quen thuộc: “Một lỗ thủng, một lỗ thủng!” Một lỗ thủng thật to, nham nhở mà kị binh có thể dễ dàng tiến công vào và đánh chiếm lâu đài. Tim đập rộn ràng, Cesare quay lại và hét lớn, xua quân tràn vào thành. Kéo tấm che mặt của chiếc mũ xuống, chàng thúc ngựa chiến thẳng tiến về chỗ lỗ thủng.

Nhưng khi cho ngựa phi vùn vụt về phía bức tường bỗng dưng chàng nhận ra có điều gì đó cực kì không ổn. Tuyệt không một âm thanh nào của vó ngựa chạy bên cạnh hay theo sau chàng.

Vẫn thúc ngựa, chàng ngoái nhìn lại. Đằng sau chàng, toàn đội kị binh vẫn đứng yên, không nhúc nhích. Kinh hoàng, chàng nhận ra rằng không một người nào theo mình.

Bất kì lúc nào đám quân dự bị của lâu đài cũng có thể ùa ra từ lỗ thủng, và nếu bọn kị binh không chiến đấu, sẽ khó mà đánh bật chúng đi.

Cesare ghìm cương. Chàng lại quay về phía đội kị binh, dỡ tấm che mặt lên và hét, “Tấn công đi nào, lũ hèn nhát!”

Nhưng toàn thể kị binh vẫn đứng trơ như phỗng.

Giờ đây Cesare đã hiểu. Bọn khốn nạn này đã bị mua chuộc. Chúng đã phản bội quân vương của chúng… bạn của chàng, cứu tinh của chàng, vua Jean xứ Navarre.

Nhưng chàng thì không! Cesare không do dự chi nữa. Chàng hạ tấm che mặt, nắm chắc mũi giáo, một mình một ngựa phi ào qua lỗ thủng của tường thành.

Bụi bay tung trời, hỗn loạn khắp nơi. Ngay lập tức đám quân dự bị với thương, giáo và gươm xông vào chàng. Chàng phóng ngựa xông thẳng đến, đám quân lính dạt ra. Nhưng chỉ có hai tên chết dưới mũi giáo của chàng. Giờ đây quân địch quần tụ lại và vây kín quanh chàng.

Bằng bản năng của một đấu sĩ bẩm sinh, Cesare chiến đấu, một tay cầm gươm, tay kia cầm thiết côn nhọn đầu. Hết kẻ địch này đến kẻ địch kia đổ rạp, bị chàng đập bằng thiết côn, đâm bằng kiếm, ngã xuống đất. Thế rồi bỗng dưng con ngựa của Cesare khụy ngã, chàng rơi xuống đất, lăn mình tránh ngọn thương hay mũi giáo của quân thù. Chàng đứng bật dậy, thanh thiết côn đã mất, nhưng vẫn còn thanh kiếm trong tay, chàng vung kiếm chém tứ phía. Tuy nhiên chúng quá đông. Chúng vây lấy chàng mà đâm, mà chém… Chàng thấy nhói đau vì ngọn giáo đâm vào nách. Máu chàng tuôn ra, chàng mất sức dần. Thế rồi chàng nghe một giọng nói an ủi: “Trong tay cầm vũ khí, và do vũ khí…” Chàng nghĩ đến Lucrezia. Rồi chàng ngã chúi xuống đất, mọi suy nghĩ đều ngừng lại.

Cesare Borgia đã chết.

Bình luận