Trong lúc Cái Chết Đen quét qua châu Âu, tiêu diệt một nửa cư dân nơi lục địa này, nhiều người, trong cơn tuyệt vọng, đã hướng đôi mắt họ từ Trời xuống Đất. Từ đó, nhằm làm chủ cõi phàm trần, những người có thiên hướng triết lí hơn cố khải lộ những huyền cơ của tồn sinh và soi sáng những bí nhiệm lớn của Đời Sống, trong khi đám hạ dân cùng khốn chỉ mong sao vượt qua bao thống khổ triền miên.
Và như thế Thượng Đế đã giáng trần làm người, học thuyết tôn giáo khắt khe thời Trung cổ mất đi sức mạnh, được thay thế bằng việc nghiên cứu những nền văn minh La Mã, Hy Lạp và Ai Cập cổ đại. Khi tham vọng Thập tự chinh bắt đầu tàn lụi, những anh hùng trên đỉnh Olympus tái sinh và những trận chiến giữa các vị thần tái diễn. Con người đua tranh tài trí với từ tâm của Thượng Đế, và Lí Trí thắng thế.
Đây là thời đại của những thành tựu kì tuyệt trong triết học, nghệ thuật, y học và âm nhạc. Văn hóa nở hoa kết trái lộng lẫy, huy hoàng. Nhưng tất nhiên là phải trả giá. Luật lệ truyền thống bị phá vỡ trước khi luật lệ mới được tạo ra. Giai đoạn thay đổi từ sự phục tùng nghiêm ngặt lời Chúa cùng niềm tin vào ơn cứu rỗi đời đời sang tư tưởng trọng Con Người và phần thưởng mà cõi trần tục gọi là chủ nghĩa nhân văn quả thực là một giai đoạn quá độ đầy khó khăn.
Thời đó, Rome không còn là thánh địa nữa mà là một chốn vô pháp vô thiên. Trên đường phố dân chúng bị trấn lột, nhà cửa bị cướp phá, tệ mại dâm lan tràn và hàng trăm người bị giết mỗi tuần.
Hơn nữa, quốc gia mà ngày nay ta gọi là nước Ý thì lúc đó vẫn chưa hiện hữu. Thay vì thế, có năm thế lực lớn là Venice, Milan, Florence, Naples và Rome. Bên trong biên cương của đất nước hình chiếc ủng có nhiều thành bang độc lập được cai trị bởi những thế gia vọng tộc lâu đời, dưới quyền các ông vua một cõi, các lãnh chúa phong kiến, các quận công hay giám mục. Trong xứ sở ấy, các lân bang đánh nhau triền miên để giành dân lấn đất. Và kẻ thắng luôn luôn phải thủ thế phòng bị vì không có gì bảo đảm rằng người chiến thắng ngày hôm nay sẽ không phải là kẻ chiến bại ngày mai.
Đã thế, mối đe dọa xâm lăng từ các cường quốc ngoại bang vốn luôn mong mỏi bành trướng đế quốc của chúng vẫn là mối nguy thường xuyên ở ngay cửa ngõ. Các ông vua Pháp và Tây Ban Nha thèm thuồng mở mang bờ cõi, và bọn man di Thổ Nhĩ Kỳ, lũ dân dị giáo, vẫn luôn lăm le giành phần cắn xé các lãnh thổ thuộc giáo triều.
Giáo hội và Nhà nước còn đấu đá nhau kịch liệt để tranh giành quyền tối thượng. Sau trò hề nhại theo cuộc Đại Ly Giáo – có hai Giáo hoàng, một ở Rome, Ý và một ở Avignon, Pháp khiến quyền lực bị phân tán, nguồn lợi bị giảm sút – thì việc trùng hưng một giáo triều duy nhất ở Rome với chỉ một Giáo hoàng, đã mang lại niềm hi vọng mới cho các hồng y. Vươn lên còn mạnh mẽ hơn trước đây, những vị lãnh đạo tinh thần của Giáo hội chỉ còn phải dồn sức chiến đấu với quyền thế của các ông vua, các bà hoàng, và các công vương của các thành bang và các thái ấp nhỏ.
Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo La Mã vẫn luôn sôi sục bất an, vì lối sống vô pháp vô thiên không chỉ giới hạn nơi dân chúng. Các hồng y sai bọn gia nhân mang gạch đá, cung nỏ xuống đường đánh nhau với đám thanh niên Rome; những vị chức sắc cao của Giáo hội – vì bị cấm lấy vợ – lại đi kiếm các nàng kĩ nữ và nuôi nhiều cô nhân tình; hối lộ, tham nhũng là chuyện bình thường; ngay cả giới tăng lữ cấp cao cũng vơ đầy túi bằng những lần ban ơn toàn xá, kể cả việc ban hành những chỉ dụ thiêng liêng để xá miễn cho những tội ác khủng khiếp nhất.
Nhiều người bi quan đã cho rằng ở Rome mọi thứ đều có thể mua bán. Số tiền tương xứng có thể mua được nhà thờ, tăng lữ, sự xá miễn và ngay cả sự thứ tha của Chúa!
Hầu hết những người vào nhà thờ làm linh mục vì họ là con thứ – không được quyền thừa hưởng tước vị và tài sản của cha ông – nên được huấn luyện từ thuở sơ sinh để làm công việc nhà thờ. Họ không được ơn kêu gọi thật sự mà chỉ vì nhà thờ vẫn còn giữ cái quyền tuyên bố ai đó là vua, và ban phúc trên trần gian, nên các gia đình Ý quyền quý đều cung tiến nhiều tặng phẩm và của đút đáng giá để cho các thứ nam của họ được có tên trong Hồng y đoàn.
Đây là thời Phục hưng, thời đại của hồng y Rodrigo Borgia và gia đình ông ta.