Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 13

Tác giả: Mario Puzo

Alexander vẫn còn để tang Juan, thế nên, Duarte đến đề nghị Cesare Borgia rằng sau khi đội vương miện cho vua xứ Naples, chàng phải đi khảo sát thành phố Florence vốn đã bị đảo lộn trong thời gian quân Pháp xâm lăng. Bởi vì giờ đây, để củng cố mối quan hệ giữa Hội đồng cai trị và Giáo hoàng, nhằm phục hồi nhà Medici, và đánh giá mối họa từ ngôn sứ Savonarola, cần phải phái một người đáng tin cậy đến để xét xem những lời đồn đang lan tràn ở thành Rome có bao nhiêu phần là thật.

Duarte bảo Cesare, “Người ta nói rằng, tên tu sĩ dòng Đa-minh, Savonarola, trong mấy tháng vừa qua càng khích động hơn, sức ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ, và rằng ông ta đang hô hào dân chúng Florence chống lại Giáo hoàng – trừ phi có những canh tân dứt khoát.”

Alexander đã ban hành lệnh cấm đến Florence, cấm tu sĩ này giảng đạo nếu như ông ta nuôi ý định tiếp tục phá hoại niềm tin của dân chúng vào giáo triều. Ông ra lệnh cho Savonarola không được giảng đạo trở lại đến khi nào hắn đến Rome và nói chuyện với chính Giáo hoàng; Alexander còn ấn định những chế tài đối với các thương nhân thành Florence để ngăn họ nghe những lời thuyết giáo của vị tu sĩ phản loạn. Thế nhưng không có gì làm cho vị ngôn sứ đầy nhiệt huyết kia chùn bước.

Sự ngạo mạn của Piero Medici đã khiến cho dân chúng xứ Florence cũng như các thành viên trong triều đình ông ta xa lánh. Và giờ đây từ trên các giảng tòa và nơi các quảng trường, những diễn ngôn nảy lửa của Girolamo Savonarola chống lại nhà Medici đang chinh phục đám đông dân chúng nhiệt thành với cải cách. Quyền lực ngày càng lớn của tầng lớp thường dân giàu có, vốn căm ghét nhà Medici và nghĩ rằng tiền bạc cho họ quyền có tiếng nói trong những chuyện quốc sự của Florence, càng làm phong trào phản đối thêm ầm ĩ và đe dọa phá hoại quyền lực của Giáo hoàng.

Cesare mỉm cười. “Này ông bạn, ông có bảo đảm rằng bản thân tôi sẽ không bị xẻ thịt nếu đến thăm Florence? Họ có thể giết tôi để làm gương. Tôi nghe đồn rằng theo lời vị ngôn sứ nọ và đám dân chúng Florence, thì tôi cũng xấu xa ngang với Đức Thánh Cha.”

“Ở đó anh có nhiều bạn bè, cũng nhiều kẻ thù,” Duarte nói. “Và còn có vài đồng minh nữa. Nhà hùng biện xuất sắc Machiavelli là một trong số đó. Trong thời kì suy yếu của giáo triều như hiện nay, cần có một con mắt sắc sảo tinh tường để phân biệt những nguy cơ thực hư cho nhà Borgia.”

“Tôi trân trọng sự quan tâm của ông, Duarte à,” Cesare nói. “Và xin hứa với ông, nếu có thể tôi sẽ đến Florence sau khi xong việc ở Naples.”

“Chiếc mũ hồng y sẽ bảo vệ anh,” Duarte nói. “Ngay cả tên ngôn sứ hăng tiết kia cũng không làm gì được anh. Vả chăng chúng ta cũng cần trực tiếp nghe hắn đang buộc tội Giáo hoàng những chuyện gì để có thể phản bác một cách thích đáng.”

Lúc bấy giờ, vì lo ngại rằng khi nhà Medici mất vị thế cầm quyền, một Hội đồng cai trị mới được bầu lên, Giáo hoàng sẽ lâm nguy, nên Cesare bằng lòng đến Florence để xem xét bằng cách nào chàng có thể xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho Rome.

“Càng sớm càng tốt,” Cesare nói, “Tôi sẽ làm như ông yêu cầu.”

* * *

Tại Florence, Niccolo Machiavelli vừa quay về từ Rome, nơi chàng đến để điều tra vụ hành thích Juan Borgia với tư cách một phái viên của Hội đồng cai trị.

Machiavelli đứng trong đại sảnh rộng thênh thang của Palazzo della Signoria, xung quanh là những thảm thêu tuyệt mĩ và tranh vẽ vô giá. Những bức họa của các bậc thầy Giotto, Botticelli và nhiều bảo vật khác được Lorenzo Vĩ Đại hiến tặng, trang trí cho đại sảnh xa hoa tráng lệ này.

Ngồi trong chiếc ghế rộng bọc nhung đỏ, giữa tám thành viên của Hội đồng cai trị và luôn cựa quậy bồn chồn, vị chủ tịch lớn tuổi chăm chú lắng nghe trong lúc Machiavelli chuẩn bị tường trình những gì mình khám phá được.

Tất cả các thành viên đều lo sợ những gì họ sắp được biết về Florence và chính bản thân mình. Vì mặc dầu họ thường bị ấn tượng mỗi khi chàng trai trẻ này trình bày luận chứng, nhưng họ cũng phải tập trung cao độ để có thể hiểu đầy đủ những điều chàng trình bày. Họ không thể để cho đôi mắt nghỉ ngơi chút nào.

Machiavelli có dáng người mảnh mai và trông còn trẻ hơn cả cái tuổi hai mươi lăm của chàng. Khoác chiếc áo choàng dài tuyền một màu đen, chàng vừa đi qua lại trước mặt họ vừa thuyết trình. “Cả thành Rome đều tin rằng chính Cesare Borgia mưu sát em ruột mình. Nhưng tôi không nghĩ như thế. Ngay cả bản thân Giáo hoàng có thể cũng tin như thế, nhưng tôi vẫn không đồng ý. Hẳn là Cesare Borgia có động cơ và tất cả chúng ta đều biết quan hệ giữa hai anh em nhà này luôn căng thẳng. Người ta nói rằng họ từng suýt quyết đấu tay đôi vào cái đêm xảy ra vụ án mạng đó. Thế nhưng tôi vẫn nói không.”

Vị chủ tịch sốt ruột vẫy bàn tay gầy guộc. “Tôi cóc cần để ý chuyện dân chúng thành Rome nghĩ gì, chàng trai trẻ ạ. Ở Florence chúng tôi tự mình quyết định phải nghĩ gì. Anh được phái đến đó để nhận định và đánh giá tình hình chứ không phải để mang về những chuyện ngồi lê đôi mách được bàn tán khắp nẻo thành Rome.”

Machiavelli vẫn tỏ ra không nao núng trước lời lẽ công kích của vị chủ tịch. Với một nụ cười ranh mãnh, chàng tiếp tục. “Tôi không tin Cesare Borgia giết em anh ta, thưa ngài. Nhiều người khác còn có những động cơ mạnh hơn. Nhà Orsini chẳng hạn, vẫn còn cay đắng về cái chết của Virginio Orsini và cuộc tấn công vào các pháo đài của họ. Rồi Giovanni Sforza với cuộc li hôn cùng con gái Giáo hoàng, Lucrezia.”

“Nhanh nhanh lên nào, chàng trai,” vị chủ tịch nói. “Nếu không ta sẽ chết mất vì tuổi già vùn vụt kéo đến trước khi anh kết thúc cuộc thuyết trình dài lê thê của anh đấy!”

Machiavelli vẫn không nao núng… Chàng tiếp tục nói một cách say mê, mặc dầu bị ngắt lời. “Còn có công tước xứ Urbino, Guido Feltra, người bị cầm tù trong ngục tối của nhà Orsini chỉ vì sự kém cỏi của tổng chỉ huy Juan. Còn cay cú hơn nữa, anh ta bị bỏ rơi nhiều tháng trong tù chỉ vì Juan Borgia tham lam không chịu trả tiền chuộc cho nhà Orsini. Và chúng ta cũng đừng quên viên tướng Tây Ban Nha de Cordoba, kẻ bị tước đoạt cả tiền bạc lẫn vinh quang trong cuộc chinh phạt nhà Orsini. Nhưng có lẽ đau hơn cả là bá tước Mirandella. Ái nữ mới mười bốn tuổi của ông ta bị Juan dụ dỗ và lợi dụng, rồi ngay sau đó liền oang oang khoe thành tích trước dân chúng ở quảng trường thành phố. Quý vị hẳn là hiểu được nỗi xấu hổ của người làm cha trong trường hợp đó. Và dinh thự của ông ta nằm ở vị trí đối diện chỗ bãi sông Tiber nơi Juan Borgia bị ném xuống nước.”

Ngài chủ tịch bắt đầu lim dim ngủ và Machiavelli bèn lên cao giọng để thu hút sự chú ý của ông. “Nhưng vẫn còn nhiều kẻ thù khác nữa… Hồng y Ascanio Sforza cũng có thể làm chuyện này bởi vì chỉ huy trưởng vệ binh của ông ta bị Juan sát hại ngay trước đó một tuần. Và chúng ta cũng đừng bỏ qua anh đàn ông có vợ bị Juan dụ dỗ…” Chàng ta dừng lời, ngắt nghỉ rất khéo, sau đó tiếp tục bằng một giọng mà người ta phải căng tai để nghe, “Em trai cậu ta, Jofre…”

“Đủ rồi, đủ rồi,” vị chủ tịch bực bội nói. Rồi ngài biện luận, lời lẽ phân minh, rất đáng nể so với tuổi tác ngài, “Chúng ta chỉ quan tâm về mối đe dọa từ Rome đối với Florence. Juan Borgia, thống soái của quân đội giáo triều, đã bị ám sát. Vấn đề đặt ra là: Ai đã ám sát hắn? Có người nói anh hắn, Cesare, có thể là kẻ phạm tội. Cũng hợp lí thôi, nếu Cesare phạm tội thì Florence gặp họa. Bởi vì nếu đấy là sự thật, hắn là một người ái quốc đầy tham vọng, và hệ quả là sẽ có ngày hắn chiếm Florence làm của riêng. Nói một cách đơn giản, này chàng trẻ tuổi, điều chúng ta cần biết là đáp án cho câu hỏi: Có phải chính Cesare Borgia ám sát em trai của hắn không?”

Machiavelli lắc đầu. Rồi bằng một giọng vừa sôi nổi vừa thành thực, chàng tranh luận, “Tôi không tin là anh ta phạm tội, thưa đức ông. Và tôi xin nêu lên những lí do. Bằng chứng cho thấy là Juan Borgia bị đâm đến chín nhát… vào lưng. Đó không phải là phong cách của Cesare Borgia. Anh ta là một chiến binh dũng mãnh, nên với mỗi kẻ thù chỉ cần một nhát đâm là đủ giải quyết. Và với một người như Cesare Borgia, muốn coi là chiến thắng thì trận đấu phải là mặt-đối-mặt. Ám sát lúc nửa đêm nơi những con đường tối rồi vất xác nạn nhân xuống sông là những hành động không nhất quán với bản chất của anh ta. Trên hết, chính điểm này đã thuyết phục tôi rằng anh ta vô tội.”

* * *

Hàng tháng trời sau cái chết của Juan, Alexander nhiều lần bị sa sút tinh thần. Khi nỗi đau buồn xâm chiếm tâm can, ông thường rút lui vào dãy phòng riêng của mình và từ chối không tiếp bất kì ai, điều hành triều chính cũng không. Rồi ngay khi có tinh thần trở lại, ông sẽ xuất hiện với tràn trề năng lượng, quyết tiến hành sứ mệnh canh tân Giáo hội.

Cuối cùng Alexander cho gọi Plandini, Chánh văn phòng của ông, và ra chỉ thị triệu tập Hồng y đoàn để cho ông những lời tư vấn.

Alexander gọi Duarte và tâm sự rằng việc cải tổ không chỉ dừng lại ở Giáo hội thôi. Rằng ông đã sẵn sàng để đổi mới cuộc đời mình và cả thành Rome nữa. Ông không cần sự cho phép nào, vì trong vấn đề này ông chỉ cần thánh thần chỉ lối.

Chắc chắn là Rome cần được canh tân. Trong mọi hoạt động thương mại, gian lận và ăn cắp là chuyện thường ngày. Trấn lột, dâm đãng, tình dục đồng giới và ấu dâm lan tràn trên các đường phố, trong mọi cửa hàng và mỗi ngóc ngách. Ngay cả các hồng y và giám mục cũng nghênh ngang trên đường với đám trai trẻ đồng tính mặc y phục Đông phương cầu kì.

Sáu ngàn tám trăm cô gái điếm lượn lờ khắp các đường phố kinh thành là nguyên nhân gây ra căn bệnh mới và đe dọa nền tảng đạo đức trong dân chúng. Bệnh giang mai trở nên phổ biến, bắt đầu ở Naples rồi được gieo rắc bởi những đoàn quân Pháp bắc tiến đến Bologna, và sau đó theo chân đoàn hùng binh vượt qua rặng Alps. Tại Rome, đám nhà giàu nhiễm giang mai sẵn lòng trả hàng núi tiền cho bọn buôn dầu ô-liu để được ngâm mình hàng giờ đồng hồ trong những thùng dầu nhằm giảm bớt đau nhức. Rồi thứ dầu đó được bày bán như dầu ô-liu “tinh khiết” trong các cửa hàng sang trọng. Quả là chuyện dở khóc dở cười!

Nhưng Alexander biết rằng ông phải thay đổi thông lệ của Giáo hội, và để làm điều đó ông cần đến sự trợ giúp của Hồng y đoàn. Giáo hội Công giáo La Mã là một tổ chức lớn và giàu mạnh, bận rộn giải quyết cả núi công việc. Chỉ văn phòng giáo triều thôi đã gửi đi hơn mười ngàn bức thư mỗi năm. Vị hồng y phụ trách mảng tài chính, Apostolic Camera, chịu trách nhiệm chi trả cho hàng ngàn hóa đơn, cũng như thu tiền bằng ducat, florin và các loại tiền tệ khác. Dàn nhân sự đông đảo của giáo triều, dù mỗi năm càng tăng thêm, nhưng đều được ăn lương đầy đủ, chưa kể còn mua bán nhiều chức tước béo bở bằng cả hai cách, hợp pháp và không hợp pháp.

Thế mà vẫn còn nhiều chuyện phải xem xét. Qua nhiều năm trời, cả Giáo hoàng lẫn các hồng y đều ganh đua quyết liệt nhằm nắm quyền kiểm soát. Cải tổ có nghĩa là quyền lực của Giáo hoàng sẽ bị suy yếu trong khi quyền lực của Hồng y đoàn sẽ mạnh lên. Điều này chính là nguyên nhân gây nên căng thẳng giữa đôi bên trong hơn một thế kỉ.

Và như thế cũng không có gì khó hiểu khi số lượng các hồng y được thụ phong là một trong những vấn đề gây tranh cãi. Bằng cách đưa thật nhiều người nhà vào Hồng y đoàn, một Giáo hoàng có thể gia tăng quyền lực của mình. Thực tế là, qua những hồng y “phe ta”, ông ta có thể, kiểm soát các cuộc bầu bán Giáo hoàng tương lai, bảo đảm duy trì quyền lợi gia đình và tích lũy của cải.

Tất nhiên, việc hạn chế số lượng hồng y mà một Giáo hoàng có thể tuyên phong sẽ đem lại cho mỗi hồng y tại chức quyền lực cá nhân nhiều hơn, cũng như lợi tức lớn hơn – vì trên nguyên tắc, những quyền lợi của Hồng y đoàn được chia sẻ đồng đều.

Và thế là sau năm tuần làm việc, ủy ban mà Alexander đã triệu tập để nghiên cứu cải tổ, họp mặt nơi Đại Sảnh của Điện Vatican để báo cáo kết quả và đệ trình kiến nghị lên Giáo hoàng.

Hồng y Grimani, một người gốc Venice, thấp người, tóc vàng, đứng lên nói thay cho nhóm. Ông nói năng thận trọng, giọng ngân nga, “Chúng tôi đã nghiên cứu những đề nghị cải tổ từ các ủy ban thuộc các đời Giáo hoàng trước đây, và xem xét những điều mà chúng tôi cảm thấy cần thiết cho thời buổi này. Trước hết, phải cải tổ hàng hồng y. Quyết định cuối cùng là phải giảm thiểu những lạc thú thế gian, hạn chế các bữa ăn nhiều thịt. Ngồi vào bàn ăn là phải đọc kinh Thánh…”

Alexander vẫn chờ, vì những điều vừa mới được nêu không có gì đáng ngạc nhiên.

Hồng y Grimani tiếp tục bằng đề xuất kiểm soát hoạt động mua bán chức thánh và những tặng vật thuộc sở hữu nhà thờ, cũng như hạn chế thu nhập của các hồng y – không phải nguồn thu nhập cá nhân hay gia đình, mà chỉ những bổng lộc do Giáo hội ban. Bởi vì phần lớn các hồng y đều giàu có nên chuyện này không gây ra khó khăn gì.

Nhưng rồi sau đó những đề xuất của Grimani trở nên quyết liệt hơn, đúng như Alexander dự đoán. “Phải hạn chế quyền lực được trao cho Giáo hoàng,” Grimani nhẹ nhàng mở lời. “Các hồng y sẽ có quyền phê chuẩn việc bổ nhiệm giám mục. Giáo hoàng bị cấm bán hay đổi chác bất kì chức vị hành chính nào mà chưa được Hồng y đoàn thông qua. Khi một hồng y đang tại chức qua đời, không được bổ nhiệm hồng y mới thay thế.”

Nghe đến đây, Alexander nhíu mày.

Grimani, giờ đây càng hạ thấp giọng khiến Giáo hoàng buộc phải rướn về phía trước và căng tai để nghe, nói tiếp, “Không một hồng y nào được quyền có hơn tám mươi người hầu, không hơn ba mươi con ngựa, không nuôi đám xiếc tung hứng, bọn diễn hề, và nhạc công. Không được dùng thiếu niên làm đầy tớ. Và cho dầu ở phẩm trật nào, mọi tu sĩ phải từ bỏ chuyện mua vui với các tì thiếp, các nàng hầu, nếu vi phạm, mọi quyền lợi sẽ bị tước bỏ.”

Giờ đây Giáo hoàng tay lần tràng hạt, bình thản ngồi nghe. Đây là những đề xuất chẳng có mấy tí giá trị, chẳng thêm gì vào cho lợi ích của linh hồn hay lợi ích của Giáo hội! Tuy nhiên ngài vẫn lặng yên.

Cuối cùng Grimani cũng trình bày xong, và lịch sự hỏi, “Thưa Đức Thánh Cha, người có câu hỏi nào không?”

Nhiệt tình cải cách của Alexander đã dần nguội lạnh qua ngày tháng; giờ đây, sau khi nghe đề xuất của ủy ban, nhiệt tình kia tàn lụi hẳn.

Giáo hoàng đứng dậy khỏi ngai và đối mặt ủy ban. “Hiện nay hãy còn quá sớm để tuyên bố bất cứ điều gì, Grimani à. Nhưng tất nhiên ta vẫn muốn cảm ơn tất cả vì sự mẫn cán với nhiệm vụ. Tiếp đến, ta sẽ nghiên cứu kĩ các báo cáo của quý vị, và Chánh văn phòng của ta, Plandini, sẽ thông báo cho ủy ban khi ta đã chuẩn bị đầy đủ để bàn luận cho thấu đáo các vấn đề được nêu ra.”

Alexander làm dấu thánh giá, ban phước lành cho toàn thể cử tọa, rồi nhanh chóng xoay gót, rời khỏi đại sảnh. Vị hồng y thành Venice, Sangiorgio, tiến lại gần Grimani lúc này vẫn còn đứng ở bục giảng. “Này, Grimani,” ông thì thầm, “Tôi e rằng chúng ta sẽ phải nhanh chóng thu xếp một cuộc hành trình quay lại Rome. Tôi e rằng công cuộc cải tổ mà Giáo hoàng đề xướng giờ đây đã đến hồi kết rồi.”

* * *

Quay về với cõi riêng của mình, Alexander cho gọi Duarte Brandao đến. Đang nhâm nhi li rượu mạnh thì Duarte bước vào, ông bèn bảo Duarte ngồi xuống để hai người có thể bàn luận về những sự kiện vừa diễn ra hồi chiều. Duarte đón li rượu mời và ngồi chăm chú.

“Thật khó tin là, bản chất con người cứ muốn đi ngược lại chính mình vì những nguyên tắc cao cả.” Alexander nói.

Duarte hỏi, “Và như vậy ngài thấy chả có gì đáng xem xét trong báo cáo của ủy ban?”

Alexander đứng lên và bắt đầu đi lại, nét mặt lộ vẻ hài hước. “Thật là quá đáng, Duarte à. Những đề xuất của họ đi ngược lại mọi thú vui trần thế. Tiết độ là một chuyện, nhưng đâu có nghĩa phải làm một tu sĩ khổ hạnh? Chúa sẽ cảm nhận được niềm vui nào nếu như chúng ta chẳng có tí gì vui?”

“Thưa Đức Thánh Cha, trong số các kiến nghị đó, ngài thấy điều gì chướng tai nhất?”

Alexander dừng lại và đối mặt Duarte. “Này anh bạn, họ đề nghị không được có nhân tình. Với tư cách Giáo hoàng, ta không thể kết hôn, và do vậy Julia yêu quý của ta sẽ không được ở trên giường ngủ của ta hay bên cạnh ta. Ta không bao giờ cho phép điều đó. Nguy hiểm hơn nữa, không được phép có tài sản cho con cái ta ư? Không có những lễ hội cho thần dân ư? Thật nhảm nhí, Duarte à, vô cùng nhảm nhí, và ta thấy thật đáng phiền lòng vì các vị hồng y lại trở nên quá hững hờ với nhu cầu của dân chúng đến thế.”

Duarte mỉm cười. “Vậy là tôi có nên giả định rằng ngài sẽ không chấp nhận những đề nghị của Hồng y đoàn?”

Alexander lại ngồi xuống, có vẻ thư thái hơn. “Chắc là ta đã khùng điên vì quá đau buồn, anh bạn ạ. Một cuộc cải tổ Giáo hội theo đường hướng này sẽ làm cho Giáo hoàng xa rời con cái mình, người tình của mình và cả thần dân mình. Và như vậy, số linh hồn được cứu rỗi sẽ ít đi. Cứ chờ đợi thêm một tháng nữa, lúc đó những lời bàn tán về cuộc cải tổ chắc chắn sẽ chấm dứt.”

Duarte xoa xoa cằm, vẻ ưu tư. “Vậy là ngài ngạc nhiên với báo cáo?”

Alexander lắc đầu. “Kinh hoàng, anh bạn ạ, kinh hoàng.”

* * *

Tại vùng ngoại ô thành Rome, lời đồn đãi lan nhanh như cỏ dại. Người ta truyền tai nhau rằng Đấng Quan phòng đã bắt nhà Borgia phải trả bằng mạng sống của Juan vì đám anh em kinh tởm đó, kể cả bản thân Giáo hoàng, đều đã ăn nằm với Lucrezia.

Giovanni Sforza đã đồng ý li dị, nhưng không vui vẻ chút nào và do đó chàng ta ra sức dập tắt lời đồn về lí do hủy hôn thú bằng cách kết tội loạn luân cho nhà Borgia. Ả không chỉ ngủ với thằng anh trai Cesare, chàng ta nhấn mạnh, mà còn cả với cha mình. Những lời đồn quả là độc miệng, khiến cho mọi nẻo đường thành Rome sôi nổi hẳn lên và cuối cùng lan đến Florence nữa. Savonarola bắt đầu hăng hái thuyết giáo về “sự dữ sẽ ập xuống đầu những kẻ đi theo Giáo hoàng giả hiệu.”

Dường như không hề bối rối với những lời đồn thổi ấy, Giáo hoàng Alexander vẫn tỉnh bơ xem xét, cân nhắc chọn lựa đấng phu quân mới cho ái nữ của mình. Trong số những chàng rể tiềm năng thì Alfonso xứ Aragon, con vua xứ Naples, có vẻ là đám ngon lành nhất.

Alfonso là một chàng trẻ tuổi đẹp trai, cao ráo, tóc vàng, tính tình cởi mở, thoải mái. Giống như cô chị Sancia, chàng ta cũng là con ngoài giá thú, nhưng cha chàng đã đồng ý phong chàng làm công tước xứ Bisceglie, ban cho chàng thêm thu nhập và địa vị. Càng quan trọng hơn nữa là mối quan hệ của gia đình Alfonso với vua Ferdinand sẽ kết nối Giáo hoàng với vua Tây Ban Nha, đem lại cho Alexander lợi thế chiến thuật trong những cuộc tranh chấp với các nam tước và các sứ quân ở miền nam Ý.

Trong lúc Alexander đề ra những kế hoạch cho Lucrezia, chàng Perotto vẫn hằng ngày mang thư từ liên quan đến thủ tục li hôn và những cuộc thương lượng đang diễn ra giữa Tu viện San Sisto và Tòa thánh Vatican đến cho nàng.

Trong thời gian này, Lucrezia và chàng trai khả ái Perotto trở thành bạn tốt của nhau. Hằng ngày họ cùng nhau tâm tình, đàn hát, cùng sánh bước dạo qua những khu vườn của tu viện. Chàng khuyến khích nàng khám phá chân trời tự do, vì đây là lần đầu trong đời nàng không nằm trong vòng kiềm tỏa của cha, và có thể được là chính mình.

Lucrezia, vẫn còn rất trẻ trung, và chàng trai đẹp mã Perotto nắm tay nhau, thổ lộ những điều bí mật riêng tư, và thường sau khi cùng ăn trưa với nhau trên bãi cỏ, Perotto dành cả buổi chiều cài những đóa hoa có màu sắc rực rỡ lên mái tóc dài vàng óng của Lucrezia. Nàng bắt đầu cười vui, trở nên linh hoạt và thấy mình trẻ lại.

Ngày Perotto đến thông báo rằng Lucrezia phải trở về Vatican để tham dự lễ hủy hôn chính thức trước sự hiện diện của Tòa Thượng thẩm Rota – tòa án tối cao của Giáo hội, nàng quá hoảng sợ đến không kiểm soát nổi mình. Đôi tay run rẩy cầm tấm giấy da, nàng bắt đầu khóc. Lúc này, Perotto đã say Lucrezia như điếu đổ, dù chưa thổ lộ, kéo nàng lại gần để an ủi.

“Gì thế, em yêu quý?” Chàng ta hỏi, phá bỏ nghi thức thường lệ. “Điều gì khiến em đau khổ đến thế?”

Nàng bám chặt vào chàng, dụi đầu vào vai chàng. Nàng chưa từng cho ai biết, ngoại trừ Cesare, về tình trạng của mình, nhưng giờ phải đứng ra tuyên bố mình là trinh nữ thì dường như thật bất khả thi. Nếu cha nàng hay bất kì ai khác biết được việc nàng mang thai, thì cuộc hôn nhân mới với hoàng tử Alfonso của nhà Aragon ở Naples sẽ lâm nguy; tệ hơn nữa, nàng và anh nàng có thể bị những kẻ thù của nhà Borgia dồn vào chỗ chết, bởi vì họ đã đưa chính giáo triều vào chỗ nguy hiểm.

Trong tình cảnh không có ai khác để trút bầu tâm sự, Lucrezia đã thú nhận với chàng trẻ Perotto tình thế nan giải của mình. Và chàng trai, với tâm hồn hiệp sĩ đáng kính, gợi ý rằng thay vì thú nhận mối quan hệ với anh mình thì nàng nên bảo là chính chàng, Perotto, là cha của đứa bé sắp sinh. Tất nhiên, nàng vẫn phải gánh chịu hậu quả nhưng chắc chắn là không nghiêm trọng bằng tội loạn luân.

Lucrezia vừa cảm động lại vừa kinh sợ vì đề nghị đó của chàng. “Nhưng cha sẽ tra tấn anh vì làm nguy hại đến cuộc hôn nhân mà ông đã lên kế hoạch, và vì thế sẽ làm yếu đi vị thế của ông trong vùng Romagna. Tất nhiên là những lời đồn, dầu không có bằng chứng, cũng đã đủ tồi tệ rồi, nhưng giờ đây…” nàng vỗ nhẹ vào bụng mình, và thở dài.

“Tôi vui lòng tự nguyện dâng hiến đời mình cho em và cho Giáo hội,” Perotto nói đơn giản. “Tôi không nghi ngờ gì rằng với thiện ý của mình Cha Trên Trời sẽ tưởng thưởng cho tôi, cho dầu Đức Thánh Cha có hạ lệnh thế nào tôi cũng chấp nhận.”

“Tôi phải nói với hồng y anh tôi,” nàng trầm ngâm suy tưởng rồi nói thành tiếng.

Perotto với tính khí điềm đạm và tốt bụng, nói, “Cứ nói với anh ấy những gì em cảm thấy mình phải nói, và tôi sẽ gánh chịu hậu quả mà mọi tình yêu chân thực đều phải chịu đựng. Được bên em mấy tháng qua là một tặng phẩm kì diệu, dù trả bằng giá nào cũng đáng mà.”

Chàng nghiêng người chào từ biệt nàng. Nàng chỉ kịp trao cho chàng bức thư gửi đến anh trai. “Phải bảo đảm trao tận tay cho anh ấy, anh biết rõ sẽ nguy hiểm đến thế nào nếu nó rơi vào tay bất kì ai khác mà.”

* * *

Perotto về đến Rome và lập tức gặp Giáo hoàng để báo ông biết Lucrezia đã mang thai sáu tháng và rằng chính chàng là tác giả. Chàng cầu xin sự tha thứ của Giáo hoàng về sự phản bội đối với lòng tin của ông và hứa sẽ chuộc lỗi tùy ý Giáo hoàng.

Alexander chăm chú lắng nghe những gì Perotto nói. Ông có vẻ bối rối một lát rồi trở nên yên lặng; nhưng điều làm Perotto ngạc nhiên là ông không tỏ ra tức giận. Ông chỉ đưa ra một số mệnh lệnh cho chàng trai Tây Ban Nha. Ông chỉ thị cho Perotto không được tiết lộ với ai về chuyện này; không thể có ngoại lệ nào. Ông giải thích rằng Lucrezia sẽ ở lại trong tu viện, nơi nàng sẽ sinh con với sự trợ giúp của các xơ, vốn đã thề trung thành với Giáo hội và do vậy có thể tin cậy về việc bảo vệ những bí mật của Giáo hội.

Nhưng rồi phải làm gì với đứa bé đây? Tất nhiên là không thể để cho Alfonso và gia đình chàng ta biết sự thật khó nuốt trôi này. Và cũng không nên để người nào khác biết ngoại trừ Alexander, Lucrezia, và dĩ nhiên, Cesare. Ngay cả Jofre và Sancia cũng có thể gặp rắc rối to nếu chuyện này bị phát hiện.

Trong lúc Perotto chuẩn bị sẵn sàng để từ biệt Giáo hoàng, Alexander hỏi, “Ta tin là ngươi chưa nói chuyện này với ai?”

“Không một người nào,” Perotto xác nhận. “Vì tình yêu đối với con gái ngài đã ấn định sự im lặng lên đôi môi con.”

Cảm động, Alexander ôm lấy chàng trẻ và từ biệt chàng. “Bảo trọng,” ông gọi với theo Perotto. “Ta đánh giá cao tính thật thà và lòng dũng cảm của ngươi.”

* * *

Sau khi thăm viếng Giáo hoàng, Perotto đến gặp hồng y Cesare để trao bức thư của Lucrezia cho chàng. Cesare tái mặt khi đọc tấm giấy da dê, rồi ngạc nhiên nhìn vào Perotto. “Tại sao cậu lại nhận vào mình?” Chàng hỏi anh chàng Tây Ban Nha.

Perotto, với cây đàn guitar quàng ngang vai, mỉm cười và nói, “Tình yêu chính là sự tưởng thưởng.”

Trái tim Cesare đập rộn. “Cậu đã nói với ai chưa?”

Perotto gật đầu. “Chỉ với Đức Thánh Cha…”

Cesare khó lắm mới giữ được vẻ bình tĩnh. “Và phản ứng của ngài?

“Ngài tỏ ra rất độ lượng,” Perotto nói.

Giờ đây Cesare cảm thấy hốt hoảng. Chàng biết rằng khi cha mình lặng lẽ không nói là khi ông giận dữ nhất. “Vậy thì hãy nhanh chóng đến nơi nào đó trong khu ghetto ở Trastevere mà ẩn thân,” chàng bảo Perotto. “Nếu cậu còn lo cho cái mạng mình, thì đừng bao giờ tiết lộ chuyện này cho ai. Ta sẽ xem xét phải làm gì, và khi nào ta quay về từ Naples ta sẽ cho gọi cậu.”

Perotto cúi đầu rời khỏi phòng, nhưng Cesare gọi với theo, “Cậu là một linh hồn cao quý, Perotto à. Hãy ra đi với lời chúc phúc của ta!”

* * *

Ở Rome, Lucrezia, bụng mang dạ chửa đã bảy tháng, đứng lên trước mười hai vị phán quan. Và cho dầu được ngụy trang bởi quần áo rộng thùng thình, song sự thay đổi bề ngoài của nàng vẫn khá rõ ràng. Mái tóc vàng được thắt bím gọn gàng ra phía sau và làn da hồng hào của nàng được tắm rửa sạch sẽ. Vì trải qua hàng tháng trời ăn uống đạm bạc, thường xuyên cầu nguyện, và ngủ nhiều giờ mỗi đêm, nàng trông rất trẻ trung và ngây thơ.

Khi thấy nàng, ba vị phán quan thì thầm và châu đầu vào nhau trao đổi ý kiến. Nhưng vị phó tổng chưởng lí, tức hồng y béo múp míp Ascanio Sforza, vẫy tay ra hiệu cho ba vị kia yên lặng. Khi ông yêu cầu Lucrezia lên tiếng, ngập ngừng và khiêm tốn rất mực, nàng nói bằng tiếng La-tinh, đúng theo từng lời từng chữ mà Cesare đã dặn, tạo ra hiệu ứng tốt đến nỗi vị hồng y nào cũng đều cảm thấy bị lôi cuốn bởi cô con gái trẻ dịu hiền của Giáo hoàng.

Vẫn đứng trước mặt hội đồng trong lúc hội ý, Lucrezia nâng chiếc khăn tay lên mắt và bắt đầu nhỏ những giọt nước mắt sầu khổ. “Thưa quý ngài, mong quý ngài tha thứ cho tiểu nữ, nếu tiểu nữ mạn phép nài xin thêm một sự rộng lượng từ quý ngài.” Nàng cúi đầu, và khi ngước lên lại, nhìn vào các vị hồng y, đôi mắt nàng vẫn còn long lanh ngấn lệ. “Mong quý ngài làm ơn xem xét đời tiểu nữ sẽ ra thế nào nếu không có con cái để bồng bế và chăm nom? Và quý ngài có nỡ phán quyết khiến tiểu nữ sống cả đời mà không biết đến mùi vị của ái ân trong tình nghĩa phu thê? Quý ngài có nỡ bắt tiểu nữ chịu lời nguyền mà tiểu nữ không đáng phải chịu? Tiểu nữ van xin quý ngài, với tất cả thiện ý và từ tâm, xin cứu lấy đời tiểu nữ bằng cách hủy bỏ cuộc hôn nhân bất hạnh này – vốn từ chính bản chất là một cuộc hôn nhân không tình yêu.”

Không một lời phản bác nào được nêu lên khi Ascanio, quay về phía Lucrezia, long trọng tuyên bố, lớn tiếng và quả quyết, rằng nàng là Femina intacta! (Trinh nữ).

Ngay trong chiều hôm đó, nàng lên đường quay về tu viện để chờ ngày khai hoa nở nhụy.

* * *

Khi Perotto đi đến San Sisto để mang đến cho Lucrezia tin vụ li hôn của nàng đã được chung thẩm và những thỏa thuận hôn nhân của nàng với Alfonso, công tước xứ Bisceglie, đã được kí kết, mắt nàng chợt ngấn lệ.

“Sau khi sinh, con của em sẽ bị đưa đi khỏi đây,” Lucrezia buồn bã nói với Perotto trong lúc họ ngồi nơi khu vườn của tu viện. “Và em sẽ không được phép gặp lại anh, vì chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa thôi, em sẽ lại lấy chồng. Thế nên đây vừa là ngày hạnh phúc lại vừa là một ngày buồn cho em. Một đằng em không còn bị ràng buộc vào một kẻ mà em chẳng ưa, nhưng đằng khác em sẽ mất vừa cả con mình, vừa cả người bạn thân thương nhất.”

Perotto vòng tay quanh người nàng để vỗ về và trấn an nàng. “Cho đến ngày lên nước Thiên đàng, anh vẫn giữ em trong tim anh.”

“Và anh trong tim em, người bạn tốt nhất của em,” nàng nói.

* * *

Khi chuẩn bị rời Naples, Cesare và Alexander gặp nhau nơi khu dành riêng cho Giáo hoàng để bàn về tình trạng của Lucrezia và đứa con sắp sinh của nàng.

Cesare mở lời trước. “Thưa cha, con tin rằng con đã giải quyết được chuyện này rồi. Ngay sau khi sinh, đứa bé sẽ được mang về sống trong dãy nhà của con, vì nhà của cha hay Lucrezia dĩ nhiên không thể được. Con sẽ ra tuyên bố rằng đứa bé là con của con, mẹ nó là một kĩ nữ con không muốn nêu tên. Người ta sẽ tin chuyện đó, bởi nó hợp với những lời đồn về tính trăng hoa của con.”

Alexander nhìn cậu cả với vẻ thán phục và cười toe miệng!

Cesare hỏi, “Sao cha lại cười? Bộ như thế là khôi hài quá đến không thể tin hay sao?”

Đôi mắt Giáo hoàng sáng lên vì thích thú. “Chuyện này đúng là buồn cười thật đấy,” ông nói, “và tin được chứ. Ta cười bởi vì chính ta cũng nức tiếng đào hoa, một tiếng thơm rất được việc cho tình huống này. Và ngày hôm nay ta đã kí một sắc dụ – chưa công bố cho mọi người biết – gọi đứa bé là ‘Infans Romanus’ (Đứa con thành Rome) và tuyên bố rằng ta là cha nó. Mẹ nó cũng không được nêu tên.”

Alexander và Cesare ôm nhau, vỗ vào lưng nhau, rồi phá ra cười. Alexander nhất trí rằng sẽ hay hơn nếu tuyên bố Cesare là cha đứa bé. Sau đó ông hứa rằng vào ngày đứa bé ra đời ông sẽ ban hành một sắc dụ khác, tuyên bố Cesare là cha của ‘Infans Romanus.’ Còn sắc dụ gốc tuyên bố đứa trẻ là con của Alexander được giấu kĩ trong một hộc tủ ở Vatican.

* * *

Vào đúng ngày Lucrezia sinh con, một bé trai khỏe mạnh, Alexander cho mang đứa bé tức khắc từ San Sisto về nhà Cesare, còn Lucrezia ở lại tu viện để tĩnh dưỡng. Theo thỏa thuận giữa họ, sau này Lucrezia sẽ coi đứa bé là cháu mình và nuôi dưỡng nó. Nhưng vẫn còn một nút thắt nguy hiểm cho Alexander – một chi tiết đòi hỏi phải xử lí thận trọng và khéo léo.

Mặc dầu cảm thấy có hơi day dứt lương tâm, nhưng ông biết mình phải làm gì. Ông cho gọi Don Michelotto. Một giờ trước nửa đêm, một gã thấp bé nhưng chắc khỏe với bộ ngực vồng lên như thùng tô-nô đứng ở cửa ra vào phòng ông.

Giáo hoàng thân mật ôm lấy Michelotto và nói với anh ta về cơn khủng hoảng xảy đến cho họ.

“Chính chàng trai trẻ tuyên bố cậu ta là cha của đứa bé,” Giáo hoàng nói. “Một chàng Tây Ban Nha trẻ tuổi, đẹp trai, tài hoa, một tâm hồn cao cả… và tuy thế…”

Don Michelotto nhìn Alexander và đặt mấy ngón tay lên đôi môi mình. “Không cần phải nói nữa,” anh ta nói. “Con luôn sẵn sàng phục vụ Đức Thánh Cha. Và nếu anh chàng đó thiện lương như vẻ bề ngoài, vậy chẳng có gì băn khoăn vì Cha Trên Trời sẽ rất vui khi đón nhận linh hồn chàng ta.”

“Ta từng xem xét giải pháp đưa cậu ta đi đày,” Alexander nói. “Vì cậu ấy là một đầy tớ trung thành. Nhưng biết đâu chừng cám dỗ sẽ khiến lưỡi cậu ta chùng ra và gây nên sự sụp đổ của gia đình ta.”

Don Michelotto biểu lộ sự đồng tình. “Bổn phận của ngài là giữ cho hắn khỏi sa chước cám dỗ, và bổn phận của con là trợ thủ cho ngài theo bất kì cách nào mà con có thể.”

“Cảm ơn anh bạn,” Alexander nói. Và rồi, dường như ngại ngùng, ông nói thêm, “Hãy nhẹ nhàng tử tế hết mức có thể, vì cậu ta thực sự là một chàng trai tốt, và việc bị quyến rũ bởi những trò yêu mị của phụ nữ là chuyện dễ hiểu thôi.”

Don Michelotto cúi người hôn nhẫn Giáo hoàng, hứa chắc với ông sẽ làm tốt công việc rồi xin phép cáo từ.

* * *

Michelotto lẩn vào trong bóng đêm và cấp tốc phi ngựa băng qua các cánh đồng đi về miền quê, vượt qua những lối mòn gồ ghề và đồi núi lởm chởm, cho đến lúc vó ngựa giẫm lên những đụn cát ở Ostia. Từ đó anh có thể thấy trang trại nhỏ với những khoảnh vườn bé tí trồng đủ loại cây cỏ dị kì, hàng hàng lớp lớp các loại rau có rễ phình to, cùng cơ số những luống kì hoa dị thảo, cây bụi thân cao trĩu đầy quả mọng tím rịm, đen bóng và những loài hoa trông như ngoại lai. Michelotto cưỡi ngựa vòng ra phía sau căn chòi nhỏ. Ở đó anh gặp một bà lão còng lưng đến gập người làm đôi, nặng nhọc tựa người trên cây gậy táo gai. Thấy bóng Michelotto, bà lão giơ gậy lên và nheo mắt.

“Noni,” anh dịu dàng gọi, “con đến đây xin ít thuốc.”

“Cút ngay,” bà lão gắt gỏng nói. “Ta đâu biết mi là ai.”

“Noni,” anh vừa nói vừa đi lại gần hơn. “Đêm nay mây dày giăng khắp nơi. Con được Đức Thánh Cha sai đến đây…”

Lúc đó khuôn mặt nhăn nheo của bà lão chợt thoáng nụ cười. “A, con đấy hả, Miguel. Con đã lớn hơn nhiều…”

“Đúng vậy, Noni,” anh nói, vừa cười khúc khích. “Đúng vậy. Và con đến xin bà giúp đỡ để cứu vớt thêm một linh hồn.”

Giờ đây đứng kế bên bà lão, cao vượt hơn hẳn bà, anh định mang giúp bà lão cái giỏ mây, nhưng bà lão giành lại. “Phải chăng đó là một người xấu mà con muốn gửi xuống địa ngục, hay một người tốt cản trở Giáo hội?”

Don Michelotto đáp, ánh mắt dịu dàng, “Cậu ta là một người mà trong trường hợp nào cũng sẽ thấy tôn nhan Chúa.”

Bà lão gật đầu và ra hiệu cho anh ta đi theo vào lều. Bà xem xét các loại dược thảo treo trên tường và cuối cùng cẩn thận chọn một thứ được bọc trong lụa mỏng dính. “Thứ này sẽ đưa cậu ta vào một giấc ngủ êm đềm không mộng mị,” bà nói. “Cậu ta sẽ không giãy giụa, quằn quại gì đâu.” Trước khi trao nó cho Michelotto, bà rảy nước thánh lên túi dược thảo. “Đó là lời chúc phúc,” bà nói.

Dõi theo bóng anh ta cưỡi ngựa xa dần, bà lão cúi đầu và làm dấu thánh giá trên ngực mình.

* * *

Trong khu ghetto Trastevere, ông chủ của một quán rượu bình dân lay mãi mà vị khách say xỉn nọ vẫn không tỉnh dù quán đã đến giờ đóng cửa. Đầu gục lên cánh tay, mái tóc vàng rủ xuống, chàng ta cứ yên vị như thế kể từ khi người bạn đối ẩm bỏ đi cách đây cả giờ rồi. Ông chủ cố lay anh chàng dậy, lần này mạnh hơn, đầu chàng trai trượt khỏi hai cánh tay. Ông chủ quán nhảy lùi lại vì kinh hoảng. Khuôn mặt chàng trai trẻ húp híp sưng phù và xanh lè, môi tím ngắt, mắt lồi ra, đỏ như máu, nhưng kinh dị nhất là cái lưỡi, phồng to lên đến nỗi nó lè ra khỏi mồm, biến khuôn mặt vốn đẹp trai của chàng giờ đây trở thành mặt con quỷ đá gớm ghiếc. Trong vòng ít phút cảnh sát có mặt tại hiện trường. Ông chủ quán chỉ nhớ loáng thoáng về người bạn của chàng trai, khai lơ mơ là anh ta thấp người và ngực vồng lên. Nói kiểu đó thì anh ta có thể là bất kì người nào trong hàng ngàn người ở thành Rome này.

Nhưng chàng trai trẻ thì không phải thế. Nhiều người dân trong thành phố nhận ra chàng. Tên đầy đủ của chàng ta là Pedro Calderon, thường được gọi thân mật là Perotto.

Bình luận
× sticky