Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 22

Tác giả: Mario Puzo

Hoàng tử Alfonso xứ Aragon, con vua cháu chúa, trông lúc nào cũng vương giả – ngay cả khi chàng đã uống quá nhiều rượu, như buổi chiều tối sáng trăng hôm ấy. Lúc dùng xong bữa ăn tối ở điện Vatican với Giáo hoàng, Lucrezia và các anh em nàng, chàng xin phép cáo từ. Chàng nói muốn về nhà vì có việc phải tham dự. Chàng hôn từ biệt vợ với lời hứa rằng chàng rất mong chờ nàng quay về nhà. Sự thật là chàng cảm thấy rất bất an khi ngồi đối mặt với Giáo hoàng và mấy đứa con trai của ông, vì trước đó chàng đã bí mật gặp gỡ hồng y della Rovere. Đây là lần thứ hai della Rovere bị tham vọng sai khiến, lên tiếng yêu cầu Alfonso hậu thuẫn và bàn luận về nguy cơ đang rình rập chàng hoàng tử trẻ trong tình thế hiện nay. Della Rovere khích lệ chàng nhìn về tương lai, sau khi nhà Borgia thất thế, và ông ta, với tư cách hồng y, sẽ trở thành Giáo hoàng kế tiếp. Naples sẽ không còn gì phải sợ, vì lúc ấy, vương miện của vua Pháp sẽ được trao lại cho chủ nhân hợp pháp của nó. Và một ngày nào đó, vương miện sẽ về tay chàng.

Alfonso lo sợ rằng Alexander sẽ khám phá sự thật về những cuộc “đi đêm” bí mật này. Từ khi ở lâu đài Colonna quay về Rome, chàng thường bắt gặp hai anh em nhà họ theo dõi sát chàng, chàng biết họ nghi ngờ chàng phản bội. Khi Alfonso bước qua quảng trường vắng đối diện Đại Giáo đường Thánh Peter, tiếng bước chân của chàng dường như đột ngột vang vọng trên vỉa hè. Chợt quảng trường tối đen như hũ nút, khi một đám mây trôi qua, che khuất mặt trăng. Alfonso nghe tiếng chân lê bước, chàng nhanh chóng đảo mắt quanh một vòng xem có kẻ nào bám đuôi mình không. Nhưng chàng không thấy gì. Hít thở thật sâu, chàng cố gắng trấn an trái tim đang run rẩy. Nhưng chắc là có cái gì đó không ổn. Chàng cảm nhận được điều đó.

Bỗng nhiên, mây tan đi, mặt trăng lộ ra, chàng thấy nhiều kẻ mang mặt nạ nấp trong bóng tối của các dãy nhà chạy ùa về phía chàng. Bọn chúng đứa nào cũng lăm lăm trên tay một scrota, thứ vũ khí đường phố thô sơ làm bằng một túi da thuộc đựng đầy những viên bi sắt và gắn chặt vào một tay cầm cũng bằng da thuộc. Chàng toan quay lại và chạy ngang qua quảng trường, nhưng ba tên trong bọn đã túm lấy và vật chàng ngã xuống đất. Cả ba tên nhảy bổ vào chàng, lấy scrota đập tới tấp xuống người chàng. Chàng cố lấy tay che đầu, lật người nằm sấp để tự vệ, nhưng những món vũ khí của chàng cứ liên tục cứa vào tay chân, chàng gắng nén tiếng rên la vì đau đớn. Rồi một tên giáng scrota xuống sống mũi chàng. Chàng nghe tiếng xương gãy răng rắc, rồi bất tỉnh.

Đúng lúc kẻ tấn công sau cùng rút ngọn dao stiletto và rạch một đường dài từ cổ xuống rốn Alfonso, bỗng vang lên tiếng hét của một vệ binh Giáo hoàng. Bọn tấn công giật thót, chạy ùa về một con phố dẫn đến quảng trường.

Anh vệ binh đứng bên chàng trai trẻ, phán đoán độ nghiêm trọng của thương tích, và biết rằng mình phải chọn lựa. Một là tìm cách cấp cứu cho người thanh niên xui xẻo này, hai là đuổi theo bọn côn đồ nọ. Lúc đó, dưới ánh trăng mờ, anh ta nhận ra Alfonso, con rể của Giáo hoàng.

Anh ta điên cuồng kêu cứu. Rồi anh ta nhanh chóng cởi chiếc áo khoác của mình và cố gắng cầm máu vẫn đang rỉ ra từ bộ ngực bị thương của Alfonso.

La lên kêu cứu nhiều lần, hết cách, anh ta mang Alfonso đến sở chỉ huy vệ binh Giáo hoàng ở gần đó và đặt chàng nhẹ nhàng lên chiếc giường sắt.

Thầy thuốc của Vatican được lập tức triệu đến và chạy ngay đến bên Alfonso. May mắn là vết cắt tuy dài nhưng không sâu lắm. Từ những gì ông quan sát, không một cơ quan trọng yếu nào bị tổn thương, và nhờ sự lanh trí của người vệ binh, chàng hoàng tử trẻ không phải chảy máu đến chết. Là một người thực tế và giàu kinh nghiệm, vị thầy thuốc của Vatican nhanh chóng nhìn quanh, ra hiệu cho một anh vệ binh mang đến bình rượu brandy. Ông đổ rượu vào vết thương hở miệng và bắt đầu khâu nó lại. Nhưng ông không thể cứu khuôn mặt từng rất đẹp trai của chàng hoàng tử, chỉ đặt một miếng gạc lên chiếc mũi đã bị dập nát của chàng và cầu mong nó sẽ lành mà không bị biến dạng quá nhiều.

Duarte đến bàn ăn và bí mật thông báo về tai nạn này.

Giáo hoàng ra lệnh đưa Alfonso về chỗ dãy phòng riêng của ông. Mười sáu vệ binh tinh nhuệ nhất được gọi đến để canh phòng cẩn mật. Sau đó ông chỉ đạo Duarte gửi một thông điệp khẩn cho vua xứ Naples, giải thích những gì đã xảy đến với cháu ông ấy, và yêu cầu gửi thầy thuốc riêng cũng như Sancia đến Rome để chăm sóc cho anh trai và an ủi Lucrezia.

Alexander ngại phải nói cho con gái chuyện gì đã xảy ra, nhưng ông biết rằng mình phải nói. Quay trở lại bàn ăn, ông đứng trước mặt Lucrezia, nói. “Vừa mới có một tai nạn ở quảng trường. Chồng con, Alfonso, đã bị đám côn đồ nguy hiểm tấn công.”

Lucrezia sửng sốt. Nàng đứng phắt dậy. “Anh ấy đang ở đâu? Bị thương có nặng lắm không ạ?”

“Thương tích khá nghiêm trọng đấy,” Alexander nói. “Nhưng bằng lời cầu nguyện, hi vọng không đến nỗi trí mạng.”

Lucrezia quay sang các anh em của nàng, “Chez, Jofre, làm cái gì đi chứ! Tìm những tên côn đồ đó, nhốt chúng vào chuồng và cho chó hoang cắn chúng nát nhừ ra!” Sau đó nàng bắt đầu chạy và khóc. “Papa. Đưa con đến chỗ chàng.”

Alexander nhanh chóng dẫn đường, Lucrezia, Cesare và Jofre đi theo.

Alfonso nằm bất tỉnh, cả thân hình phủ đầy bông băng, từ gương mặt đầy thương tích, máu chảy thành vệt.

Lúc Lucrezia thấy chàng, nàng gào khóc và rồi ngất xỉu. Cậu em Jofre đỡ chị dậy và dìu đến chiếc ghế dựa. Khuôn mặt Cesare được giấu kĩ sau chiếc mặt nạ, nhưng Jofre nhận thấy anh trai cũng có chút hoảng hốt như mình. “Thưa anh cả,” Jofre rụt rè hỏi, “kẻ nào có thể gây ra chuyện này?”

Jofre chỉ thấy đôi mắt Cesare rực lên như than hồng dưới lớp mặt nạ. “Em trai bé bỏng, mỗi chúng ta có nhiều kẻ thù hơn mình tưởng đấy,” chàng nói. Rồi, một cách miễn cưỡng, chàng đề xuất, “Ta sẽ xem xét coi có thể khám phá được manh mối gì không,” và chàng rời căn phòng.

Lúc Lucrezia hồi tỉnh, nàng bảo mấy người hầu mang đến cho nàng ít bông băng sạch và nước nóng. Nàng cẩn thận dỡ tấm băng để xem còn vết thương nào nặng hơn không, nhưng khi thấy vết cắt từ cổ đến rốn, nàng xây xẩm cả mặt mày, lại ngồi sụp xuống.

Jofre đứng kế bên, và hai chị em đợi cả đêm chờ Alfonso tỉnh lại. Nhưng hai ngày đã trôi qua mà chàng chỉ nhúc nhích được một chút, đúng lúc đó, vị thầy thuốc từ Naples cùng với Sancia đến. Sancia, quẫn trí, cúi xuống hôn trán anh mình nhưng không thể tìm được chỗ nào còn lành lặn, nàng bèn nâng bàn tay anh trai, đặt một nụ hôn lên những ngón tay bầm tím đến thâm đen lại của chàng.

Nàng hôn cả Lucrezia và chồng mình, Jofre, chàng ta ngay cả trong tình huống gay go cực kì này vẫn không giấu được vẻ vui sướng khi gặp lại nàng. Với Jofre, Sancia trông càng đẹp hơn bao giờ hết; mái tóc đen mượt mà xoăn thành lọn, đôi má ửng hồng vì lo sợ cho anh nàng, và đôi mắt long lanh ngấn lệ càng khiến chàng thấy yêu nàng hơn.

Nàng ngồi cạnh, nắm lấy tay Lucrezia. “Chị thân yêu,” Sancia nói. “Thật kinh khủng biết bao khi những tên côn đồ tàn bạo đó làm hại đến anh ấy. Bây giờ đã có em ở đây, vậy chị có thể yên tâm nghỉ ngơi, em sẽ thay chị chăm sóc cho anh của em.”

Lucrezia lòng đầy biết ơn khi thấy Sancia đến nên nàng quá xúc động và lại khóc. Sancia dỗ dành nàng. “Cesare ở đâu? Anh ấy có điều tra được gì giá trị không? Anh ấy đã tóm được bọn tấn công chưa?”

Lucrezia kiệt sức đến độ nàng chỉ lắc đầu. “Chị phải đi nghỉ đây,” nàng bảo Sancia, “một chốc thôi. Rồi chị sẽ quay lại chờ Alfonso tỉnh lại, vì chị muốn mình là người đầu tiên chàng thấy khi mở mắt ra.”

Sau đó nàng cùng Jofre đến dinh Santa Maria in Portico, nàng chào các con và Adriana, rồi nằm kiệt sức trên giường. Nhưng nàng chưa kịp rơi vào một giấc ngủ dài không mộng mị, bỗng có ai đó lay nàng dậy.

Đó là anh Cesare của nàng. Biểu cảm của anh ấy khi nghe tin – hay đúng hơn là, không để lộ ra biểu cảm nào. Dưới chiếc mặt nạ kia là gì?

* * *

Mấy ngày sau, Jofre và Sancia cuối cùng cũng được riêng tư với nhau trong phòng. Nàng đã trở về được mấy ngày nay, nên Jofre chờ đợi thời gian được riêng tư với nàng, tuy vậy chàng ta hiểu nàng còn đang lo lắng và chăm sóc anh trai.

Giờ đây khi nàng cởi quần áo để lên giường ngủ, Jofre đến bên nàng và vòng đôi cánh tay quanh nàng. “Anh thực sự rất nhớ em. Và anh rất buồn với bi kịch xảy đến cho anh của em.”

Đứng trần truồng, Sancia vòng đôi tay quanh cổ Jofre, và trong một thời khắc dịu dàng hiếm hoi, tựa đầu vào vai chàng. “Chính anh của anh mới là người chúng ta cần phải bàn đến,” Sancia nói nhẹ nhàng.

Jofre hơi nhích đầu ra xa một tí để có thể nhìn mặt nàng. Nàng đẹp đến ngỡ ngàng và nỗi buồn lo về Alfonso khiến nàng trông dịu dàng hơn thường lệ. “Có điều gì về Cesare làm em lo ngại phải không?” Chàng hỏi.

Sancia leo lên giường, và ra hiệu cho Jofre đến gần nàng. Nàng nằm nghiêng trong khi chàng cởi quần áo. “Có nhiều chuyện nơi Cesare làm em lo ngại,” nàng nói. “Những chiếc mặt nạ quái đản mà anh ấy mang làm cho anh ấy có vẻ nham hiểm.”

“Chúng được dùng để che giấu những vết sẹo khó coi của bệnh đậu mùa đó thôi, Sancia à,” Jofre biện bạch cho anh mình. “Anh ấy ngại để người khác nhìn thấy.”

“Không phải chỉ thế thôi đâu, Jofre à,” Sancia nói. “Hơn nữa chính là vẻ bí ẩn phủ trên người anh ấy kể từ khi anh ấy từ Pháp quay về. Anh ấy đã khác đi nhiều, em cảm nhận điều đó. Cho dầu anh ấy bị quyền lực đầu độc, hay là bệnh đậu mùa đã ăn vào não cũng như khuôn mặt, em vẫn cảm thấy lo sợ cho số phận của tất cả chúng ta.”

“Ý nguyện của anh ấy là bảo vệ gia đình chúng ta, là làm cho Rome hùng cường, là nhất thống sơn hà dưới sự trị vì sáng suốt của Đức Thánh Cha.” Jofre nói.

Giọng Sancia vang lên mạnh mẽ. “Ai cũng biết chuyện em không còn chút cảm tình nào đối với cha anh kể từ khi ông ta đuổi em đi. Nếu không phải vì chuyện an nguy của anh mình, em sẽ không đặt chân lại thành Rome này đâu. Nếu anh muốn sống cùng em, anh sẽ phải quay trở lại Naples, bởi em không tin tưởng ông Giáo hoàng này đâu.”

Jofre nói, “Em vẫn còn giận cha anh, và có lí do chính đáng. Nhưng có thể là sự hờn giận của em, theo thời gian, rồi sẽ phôi pha…”

Sancia biết rõ hơn, nhưng nàng hiểu rằng cả nàng lẫn Alfonso đều đang nằm trong tình thế hiểm nghèo, nên lần này nàng cố giữ miệng. Tuy vậy nàng vẫn thắc mắc chuyện Jofre nghĩ gì về cha chàng ta – về những gì chàng ta dám cảm nhận.

Giờ đây chàng đã trèo lên giường nằm bên cạnh nàng, và nghiêng người đối diện nàng; và lại một lần nữa, giống như trước đây, nàng ý thức về tính hồn nhiên vô tội nơi chàng. “Jofre,” nàng nói, vuốt ve má chàng, “em vẫn luôn công nhận rằng khi mới lấy nhau em thấy anh quả là còn bé và nghĩ rằng đầu óc anh chậm lụt. Nhưng kể từ khi em bắt đầu hiểu được anh, em thấy được điều tốt đẹp nơi linh hồn anh. Em biết rằng cách anh yêu thương không giống với người trong gia đình.”

“Crezia cũng biết yêu thương chứ,” Jofre chống chế. Jofre suýt buột miệng nói thêm ‘Anh Cesare cũng yêu đấy thôi’, nhưng bỗng nhớ ra anh trai đã giữ kín bí mật của mình đến thế nào, anh chàng liền ngậm miệng lại.

“Vâng, đúng là Crezia yêu thương, và bất hạnh thay cho chị ấy, vì trái tim của chị sẽ bị xâu xé làm nhiều mảnh bởi tham vọng không giới hạn của cả cha và anh cả,” Sancia nói. “Anh không thấy thế sao?”

“Cha tin vào sứ mệnh của mình đối với Giáo hội,” Jofre giải thích. “Và Cesare mong ước thành Rome sẽ lại hùng cường như trong thời đại của người trùng tên với anh ấy, Julius Caesar. Anh ấy tin mình có ơn kêu gọi để thánh chiến.”

Sancia cười dịu dàng với Jofre. “Anh có bao giờ nghĩ ơn kêu gọi của mình là gì chưa? Từng có ai hỏi han đến hay để ý đến điều đó không? Và làm thế nào anh không nổi lòng ganh ghét với người anh đã giành hết tình cảm của cha, hay người cha vốn rất hiếm khi quan tâm đến anh?”

Jofre lướt bàn tay trên đôi vai mịn màng màu ô-liu của nàng. Tiếp xúc với da thịt nàng đem lại cho chàng lạc thú tê mê. “Ngày mới lớn, anh đã mơ ước được trở thành một hồng y. Luôn luôn như thế. Mùi hương từ trang phục của Papa, khi cha ôm anh lúc anh còn bé tí và anh tựa đầu vào vai ông, làm lòng anh ngập tràn tình yêu dành cho Chúa và ao ước phụng sự Người. Nhưng trước khi anh có đủ khả năng chọn lựa, cha đã sử dụng anh trong kế hoạch ở Naples. Trong cuộc hôn nhân với em. Và thế là anh yêu em với tình yêu mà trước kia anh dành cho Chúa.”

Tình yêu hiến dâng toàn tâm toàn ý của Jofre càng làm nàng thêm mong muốn vạch ra cho chàng thấy chàng đã bị thiệt thòi biết bao nhiêu.

“Đức Thánh Cha vẫn thường nhẫn tâm để đạt được mục tiêu,” Sancia nói. “Anh có nhận ra tính nhẫn tâm đó không, mặc dầu nó được khoác cho chiếc áo lí trí? Còn tham vọng của Cesare thì gần như điên rồ – anh chẳng thấy sao?”

Jofre nhắm mắt. “Tình yêu của anh ơi, anh thấy nhiều hơn em biết đấy.”

Sancia hôn chàng đắm đuối, và họ làm tình. Chàng đã là một người tình dịu dàng và chu đáo sau những năm tháng sống bên nhau, nhờ được Sancia chỉ bảo. Trên hết, Jofre chỉ muốn đem lại lạc thú cho vợ. Sau đó, họ nằm bên nhau, và mặc dầu Jofre yên lặng, Sancia cảm thấy phải cảnh báo chàng nhằm bảo vệ chính mình. “Jofre, tình yêu của em,” nàng nói. “Nếu nhà anh tìm cách sát hại anh của em, hay chẳng mảy may tìm cách ngăn chặn chuyện ấy, đuổi em đi vì những mưu tính lợi ích chính trị, anh nghĩ chúng ta sẽ còn được yên ổn bao lâu nữa? Anh nghĩ họ sẽ cho phép chúng ta được sống bên nhau trong bao lâu nữa?”

Jofre nói vẻ hăm dọa, “Anh sẽ không để đôi ta phải chia lìa nữa đâu.” Đấy không chỉ là một tuyên ngôn tình yêu mà còn là một lời hứa báo thù.

* * *

Cesare đã dành cả buổi sáng dong ngựa khắp các đường phố thành Rome để dò hỏi dân chúng về vụ tấn công Alfonso. Có ai nghe gì về những người lạ trong thành phố hay không? Có ai thấy được chuyện gì giúp ích cho cuộc truy lùng hay không? Khi chẳng thu lượm được gì từ cuộc điều tra, chàng quay về Vatican, ở đó Alexander nhắc nhở chàng đi gặp hồng y Riario để bàn luận các kế hoạch cho dịp lễ đại xá.

Họ cùng dùng bữa ăn tối trên sân thượng của dinh thự hồng y, và Cesare đề xuất việc chi tiêu cho những lễ hội đã được lên kế hoạch, cũng như việc làm sạch thành phố.

Sau đó, họ đi xuống lối đi hẹp dẫn đến một cửa hàng của người buôn tranh tượng chuyên bán đồ cổ. Hồng y Riario có một bộ sưu tập riêng khá tinh tế, chọn lọc, và nhà buôn này vẫn luôn được đánh giá cao, sở hữu một tác phẩm điêu khắc mới mẻ và tuyệt mĩ mà hồng y muốn xem xét.

Sau vài phút, họ dừng chân trước một cánh cửa gỗ nặng nề được chạm khắc, hồng y gõ cửa. Một ông lão với đôi mắt hiếng, tóc dài xám bạc, và một nụ cười ranh mãnh mở cửa mời họ vào.

Hồng y giới thiệu hai người với nhau. “Giovanni Costa, tôi dẫn đại nhân Cesare Borgia, thống soái quân đội giáo triều, đến xem các bức tượng của ông đây.”

Gio Costa vồn vã chào đón hai người, và nhiệt tình dẫn họ tham quan một vòng cửa hàng rồi ra khoảng sân phía sau nơi chứa đầy các bức tượng, đã hoàn tất hoặc còn đang dang dở. Cesare nhìn chung quanh xưởng làm việc bừa bãi lung tung. Trên mấy cái bàn, và trên khắp mặt đất đầy bụi bặm, bừa bộn lộn xộn nào là tay, chân, những tượng bán thân còn chờ hoàn tất, và những khối đá hoa cương còn chạm khắc dở dang. Nơi góc xa của khoảng sân, có một vật gì đó được phủ vải. Tò mò, Cesare chỉ tay vào đó. “Cái gì đằng kia thế?” Costa dẫn họ đến pho tượng. Với cung cách khoa trương rất kịch, lão kéo tấm vải xuống. “Đây có lẽ là tác phẩm lộng lẫy nhất mà tôi từng được sở hữu.”

Cesare bất giác hít một hơi sâu khi vừa trông thấy khối đá hoa cương trắng được chạm trổ cực kì tinh mĩ: Thần Tình Yêu Cupid. Đôi mắt bức tượng khép hờ, đôi môi dày được khắc chạm ngọt ngào, vẻ mặt mơ màng và đầy nỗi khát khao. Pho tượng trong suốt đến độ tưởng chừng như được tạc từ ánh sáng, đôi cánh tinh tế đến độ tưởng như tiểu thiên thần kia có thể tự ý bay đi. vẻ đẹp của bức tượng, nét hoàn hảo tuyệt đối khiến chàng như nín thở.

“Giá bao nhiêu vậy?” Cesare ướm hỏi.

Costa làm bộ như không muốn bán. “Khi bàn dân thiên hạ biết tôi sở hữu bức tượng này,” lão ta nhẩn nha, “giá của nó sẽ đội lên ngất ngưởng đấy.”

Cesare cười xòa và lặp lại, “Vậy bây giờ ông ra giá bao nhiêu?”

“Hôm nay, với đức ông, thì chỉ hai ngàn ducat thôi,” lão nói.

Cesare chưa kịp mở miệng nói, hồng y Riario đã bắt đầu đi quanh pho tượng, nghiên cứu từng li từng tí, chạm vào nó. Sau đó ngài quay sang Costa và nói, “Anh bạn thân mến à, cái này chẳng phải là cổ vật. Tôi nhận ra rằng bức tượng này được tạc mới đây thôi.”

Costa không hề bối rối, “Thưa hồng y, ngài quả thật có con mắt tinh đời. Tôi nào dám khoe khoang đó là cổ vật đâu. Nhưng nó cũng không phải được làm ra mới ngày hôm qua, mà đúng hơn là năm rồi. Tác giả là một nghệ sĩ trẻ đầy tài năng đến từ Florence.”

Hồng y lắc đầu. “Tôi không hứng thú mấy với các tác phẩm đương đại; đó không phải là những thứ tôi sưu tầm, nhất là với cái giá cắt cổ như thế. Nào, Cesare, chúng ta đi thôi.”

Nhưng Cesare vẫn chôn chân tại chỗ. Như bị mê hoặc. Thế rồi, không cần tham khảo ý kiến, đôi co gì nữa, chàng nói: “Ta không cần quan tâm chuyện giá cả hay nó được tạo ra từ khi nào. Ta phải có nó.”

Costa rối rít xin lỗi. “Số tiền này không phải hoàn toàn thuộc về tôi, bởi tôi còn phải gửi cho nhà nghệ sĩ và người đại diện của anh ta một số tiền. Và chuyện chuyên chở cũng khá tốn kém…”

Cesare mỉm cười. “Chuyện mặc cả đã ngã ngũ rồi, vì ta đã nói ta phải có nó. Ta sẽ trả số tiền ông yêu cầu. Hai ngàn ducat, không hơn không kém…” chàng nói. Sau đó, ngẫm nghĩ lại, chàng hỏi, “Anh chàng điêu khắc trẻ tuổi này tên gì thế?”

“Buonarroti, Michelangelo Buonarroti. Anh ta có tài đấy chứ, phải không thưa quý vị?”

* * *

Thành Rome xôn xao đồn thổi. Trước tiên thiên hạ xầm xì rằng Cesare lại hạ thêm một người anh em khác, nhưng khi chàng công khai bác bỏ tin đồn đó, một tin đồn khác lại nổi lên thay thế. Giờ đây dân chúng lại bàn tán rằng nhà Orsini, căm giận việc Lucrezia cai trị Nepi, nên đã trút hận lên đầu chồng nàng, đồng minh của nhà Colonna, kẻ thù của họ.

Nhưng ở điện Vatican lại có những mối lo khác. Giáo hoàng thường bị ngất, và ngày càng yếu dần, thế nên ông phải nằm liệt giường. Lucrezia luôn bên cạnh chồng ngay những ngày đầu chàng vừa mới bình phục, nhưng giờ đây, nàng thường giao lại chàng cho Sancia chăm sóc, còn mình túc trực bên cha. Ông yếu lắm, và được an ủi khi con gái ở gần.

“Hãy cho con biết sự thật, Papa à,” một ngày nọ nàng hỏi. “Cha không dính dáng gì đến chuyện tấn công Alfonso, đúng không?”

“Này con gái yêu,” Alexander nói, ngồi dậy trên giường. “Ta sẽ không động đến người mang lại hạnh phúc cho con. Và đó là lí do tại sao ta cho canh phòng nơi ở của chồng con cẩn mật đến thế.”

Lucrezia cảm thấy khuây khỏa khi biết cha không ra lệnh làm hại chồng mình. Đúng lúc Giáo hoàng đang trấn an con gái, hai anh chàng Naples ngăm ngăm đen, người quen của Sancia, được dẫn đến Vatican, ngang qua các vệ binh đứng trước phòng Alfonso. Alfonso đã bình phục; lúc bấy giờ, chàng cảm thấy tương đối khỏe rồi, mặc dầu chỉ mới khoảng nửa tháng kể từ khi chàng bị tấn công. Giờ đây chàng có thể đứng được, mặc dầu chưa đi được.

Alfonso nồng nhiệt chào đón hai người nọ, rồi bảo em gái ra ngoài một chốc để bọn họ có thể nói chuyện đàn ông với nhau, chàng giải thích là mấy tháng nay ở Naples, chàng chưa gặp hai người bạn thân này. Vui mừng thấy anh mình hạnh phúc, Sancia rời Vatican để đi thăm các con của Lucrezia. Nàng sẽ đi một lát thôi. Có hai anh chàng nọ, Alfonso sẽ được an toàn.

Ngày tháng tám vàng tươi hôm đó nóng hơn mọi ngày, các khu vườn ở Vatican đang nở rộ. Cesare dạo bước một mình, thưởng thức phong cảnh thanh bình dưới những tán tuyết tùng, tiếng rì rầm êm ả của những dòng suối và tiếng hót líu lo vui vẻ của chim muông. Ít khi chàng có được cảm giác bình yên như thế. Chàng không thấy khó chịu vì trời nóng; mà thực ra chàng thích thời tiết thế này, một sở thích di truyền từ dòng máu Tây Ban Nha, hẳn thế. Chàng chìm sâu vào trầm tư và đang cân nhắc về những thông tin mới vừa nhận được từ Don Michelotto, chợt chàng trông thấy một đóa hoa lạ màu đỏ thẫm rất đẹp nằm bên vệ đường. Chàng cúi người xuống nhìn ngắm nó cho kĩ hơn, bỗng lúc đó chàng thoạt nghe tiếng vun vút của một mũi tên lướt sát đầu chàng, chỉ cách đường tơ kẽ tóc. Mũi tên cắm ngập sâu vào thân cây tuyết tùng gần bên.

Theo bản năng, chàng nằm xuống khi mũi tên thứ hai vụt qua. Vừa la lên cầu cứu, chàng vừa lăn người qua để xem những mũi tên đến từ đâu.

Kia kìa, trên ban-công của điện Vatican, em rể Alfonso đang đứng cùng hai vệ binh người Naples. Một gã đang kéo cung ra sau để bắn tiếp, Alfonso cũng đang giương cung nhắm thẳng vào Cesare. Mũi tên này rơi xuống đất chỉ cách chân chàng vài tấc. Cesare hét lên gọi lính đến: “Có kẻ làm phản! Nhìn lên ban-công đi!” Chàng lập tức rút kiếm ra, tự hỏi làm sao có thể phanh thây thằng em rể trước khi bị trúng tên của hắn. Lúc đó quân lính Vatican chạy về phía chàng, la lớn, chàng thấy Alfonso chuồn khỏi ban-công và biến mất. Cesare đào mũi tên ra khỏi lớp bụi đất bên dưới chân, nhưng không thể rút mũi tên cắm vào cây tuyết tùng. Chàng lập tức mang mũi tên đến giám định viên của Vatican, một người rất giỏi khảo sát kim loại và các chất khác. Người đó khẳng định những gì Cesare nghi ngờ. Mũi tên được tẩm chất độc chết người, và chỉ một vết xước nhẹ cũng đủ tiêu đời.

Sau đó Cesare đi đến căn hộ ở Vatican, ở đó chàng thấy em gái Lucrezia đang nhẹ nhàng rửa các vết thương cho chồng. Alfonso nằm bất động, bộ ngực trần trắng phếu của chàng ta phô bày vết sẹo đỏ dữ dằn từ mũi stiletto của thích khách. Hai kẻ đồng phạm trên ban-công đã lẻn xuống một hành lang nào đó trong điện Vatican, nhưng các vệ binh của Cesare đang gấp rút đuổi theo.

Cesare không nói gì với em gái. Alfonso ngước nhìn lên chàng vẻ bất an, không biết Cesare có nhận ra chàng ta trong cuộc tấn công ngoài vườn hay không. Cesare chỉ cười bí hiểm, rồi cúi người xuống sát vào Alfonso như để an ủi, và thì thầm vào tai chàng ta. “Mọi chuyện sẽ kết thúc nhanh thôi.”

Rồi chàng đứng thẳng lên, nhìn trừng trừng vào chàng hoàng tử đang lặng người, và hôn em gái trước khi rời đi.

Nhiều giờ sau cũng chính tại căn phòng đó của điện Vatican nơi Alfonso đang dưỡng thương, Lucrezia và Sancia đang lên kế hoạch đến dinh thự của nàng ở Nepi. Ở đó họ sẽ cùng nhau chăm sóc, chơi đùa với đám trẻ trong khi chờ Alfonso bình phục, và bù đắp cho khoảng thời gian Sancia bị đuổi về Naples. Lucrezia ngày càng ngưỡng mộ sâu sắc tinh thần đấu tranh của Sancia, cả hai càng quý nhau hơn. Alfonso đã thiếp ngủ trong lúc hai người phụ nữ ngồi bên giường chàng thì thầm nói chuyện với nhau. Nhưng bất thình lình, tiếng gõ cửa mạnh làm chàng giật mình tỉnh giấc. Lucrezia mở cửa, nàng ngạc nhiên khi thấy đó là Don Michelotto.

“Anh Miguel. Anh làm gì ở đây?” Nàng nói, tươi cười.

“Tôi đến để gặp chồng tiểu thư và bàn về một vài chuyện của Vatican,” anh ta nói, lòng bỗng nhớ về quãng thời gian anh ta đã cõng Lucrezia trên vai khi nàng còn bé tí. Anh ta cúi người và hỏi, “Xin phép tiểu thư một lúc nhé? Giáo hoàng cho gọi tiểu thư đấy, xin tiểu thư cho tôi và hoàng tử được nói chuyện riêng với nhau.”

Lucrezia chỉ do dự một thoáng trước khi đồng ý. “Dĩ nhiên, em sẽ đến chỗ Papa, và Sancia sẽ ở lại đây, vì tối nay Alfonso còn yếu lắm.”

Khuôn mặt Michelotto vẫn tươi cười. Anh ta nghiêng người về phía Sancia, và nói như xin lỗi, “Cuộc nói chuyện này rất riêng tư, mong cô thông cảm…”

Alfonso không nói lời nào; chàng làm bộ ngủ, hi vọng Michelotto sẽ đi xa, vì chàng không muốn phải cố giải thích những gì mình đã làm trên ban-công vào buổi chiều hôm ấy.

Lucrezia và Sancia rời phòng, đến dãy phòng riêng của Giáo hoàng, chưa kịp đến cuối hành lang, họ đã nghe thấy tiếng kêu khẩn cấp của Don Michelotto.

Họ chạy nhanh về phòng, thấy Alfonso nằm trên giường như đang ngủ, nhưng giờ đây da chàng chuyển sang tái xanh, thân xác cứng đờ và đã chết. “Có lẽ hoàng tử bị xuất huyết nội,” Michelotto giải thích nhẹ nhàng. “Vì bỗng dưng hoàng tử ngừng thở.” Anh ta chẳng nói gì về đôi bàn tay như gọng kềm đã siết cổ Alfonso.

Lucrezia ôm xác chồng, òa khóc điên loạn. Còn Sancia bắt đầu la hét inh ỏi, sấn đến Michelotto, liên tục đấm thình thịch vào ngực anh ta. Khi Cesare đi vào phòng, Sancia lập tức nhào đến, cào cấu và la hét càng dữ dội hơn. “Đồ con hoang! Đồ con của quỷ dữ!”

Nàng bắt đầu giật tóc, giật phăng từng túm khỏi đầu mình, những lọn tóc đen dài nằm thành đống trên sàn.

Jofre đến bên nàng, chịu trận những cú đấm của nàng cho đến khi nàng không còn la hét nổi nữa. Lúc đó chàng ôm nàng, tìm cách vỗ về nàng cho đến khi nàng thôi run rẩy. Cuối cùng chàng đưa nàng về phòng riêng của họ.

Chỉ sau khi Cesare ra hiệu cho Michelotto lui thì Lucrezia mới ngước đầu lên khỏi ngực của người chồng đã mất và quay sang Cesare. Lệ chảy dài trên má, nàng nói, “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh chuyện này đâu, anh trai ạ. Vì anh đã làm trái tim tôi tổn thương đến nỗi giờ đây nó không còn yêu ai được nữa. Con tim tôi không bao giờ là của anh, nó cũng không còn là của tôi. Và ngay cả con cái của chúng ta cũng sẽ đau đớn vì chuyện này.”

Chàng cố vươn ra để chạm vào nàng, để giải thích rằng Alfonso âm mưu hại chàng trước. Nhưng chàng không thể thốt nên lời trước khuôn mặt đau khổ cực độ của nàng.

Sau đó Lucrezia chạy từ phòng nàng đến dãy phòng của cha. “Tình cảm của con dành cho cha sẽ không bao giờ như trước đây nữa,” nàng đe dọa. “Cha đã gây cho con đau khổ nhiều hơn cha nghĩ đấy. Nếu cha đã ra lệnh cho kẻ nào đó thực hiện tội ác này, vậy thì, lẽ ra cha phải vị tình con chứ? Nếu đó là do bàn tay của anh con, lẽ ra cha phải ngăn chặn lại chứ? Con sẽ không bao yêu thương các người được nữa, vì các người đã phá vỡ niềm tin của con rồi.”

Giáo hoàng Alexander ngẩng lên nhìn nàng, vẻ mặt ông ngạc nhiên cực độ. “Crezia, con đang nói gì thế? Chuyện gì đã xảy đến với con?”

Đôi mắt xanh sáng của nàng mờ đi vì thống khổ. “Hai người đã xé tim con khỏi lồng ngực, cắt đứt sợi dây thiêng liêng kết nối với Thiên đàng rồi.”

Alexander đứng lên và chậm rãi bước về phía con gái, nhưng ông tự kiềm chế không vòng đôi cánh tay ôm quanh cô, vì ông chắc rằng cô sẽ tránh né. “Con yêu, ta không bao giờ có ý hại chồng con, thế nhưng hắn lại tìm cách giết anh Cesare của con. Chính ta đã ra lệnh bảo vệ cho chồng con mà,” ông nói, rồi cúi đầu tiếp lời, “nhưng ta không thể ngăn anh con tự bảo vệ mình.”

Lucrezia thấy nỗi khổ tâm trên khuôn mặt cha, và nàng khụy gối xuống chân ông. Nàng ôm mặt khóc, “Papa, người phải giúp cho con hiểu. Tại sao cái ác lại được quyền có mặt trên đời này? Chúa nào mà lại để một tình yêu như thế biến mất chứ? Đây quả là chuyện điên rồ! Chồng con tìm cách giết anh con, rồi anh con giết chồng con? Linh hồn của họ sẽ rơi vào hỏa ngục; họ sẽ bị đọa đày mãi mãi. Con sẽ không thể gặp lại hai người ấy nữa; với tấn kịch bi đát này con đã mất họ đời đời.”

Alexander đặt một bàn tay lên đầu con gái và cố gắng ngăn đôi dòng lệ nóng. “Này, này,” ông nói. “Chúa đầy từ tâm. Người sẽ tha thứ cho cả hai. Nếu không thế thì đâu còn lí do cho Người tồn tại? Và có một ngày, khi tấn kịch nhân gian đến hồi chung cuộc, chúng ta sẽ lại cùng sum vầy bên nhau, con à.”

“Con không thể đợi một hạnh phúc vĩnh hằng,” Lucrezia kêu khóc, và sau đó nàng đứng lên, chạy ra khỏi phòng.

* * *

Lần này thì không còn nghi ngờ gì nữa. Mọi người đều biết Cesare chịu trách nhiệm trong vụ mưu sát này. Tuy nhiên lời đồn về việc Cesare bị tấn công tại khu vườn cũng đã lan truyền, thế nên hầu hết dân chúng thành Rome đều nghĩ hành động của Cesare là tự vệ bình thường. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hai tên Naples bị bắt, thú tội, và bị treo cổ nơi quảng trường.

Nhưng khi cú sốc ban đầu qua đi, Lucrezia lại nổi giận. Nàng xông vào phòng Cesare, hét lên rằng hết giết em trai, bây giờ chàng giết luôn em rể. Alexander cố gắng trấn tĩnh Cesare, vì ông nào muốn hai đứa con ưu ái của mình bất hòa với nhau. Cesare sửng sốt và thất vọng vì bị em gái ghép tội giết em trai Juan. Chàng chưa bao nghĩ đến việc biện hộ cho mình với nàng, vì chàng không bao giờ nghĩ nàng lại nghi ngờ chàng làm chuyện đó.

Vài tuần sau, Alexander và Cesare không chịu nổi cảnh Lucrezia suốt ngày sướt mướt, hay đứng nhìn nàng đau khổ. Và thế là họ bắt đầu tránh mặt nàng, và cuối cùng lờ nàng đi. Giáo hoàng cố thuyết phục Lucrezia và các con trở về dinh Santa Maria in Portico, nhưng Lucrezia nhấn mạnh nàng chỉ về Nepi khi được đem theo các con cùng với Sancia. Nàng nói với cha rằng mình sẵn lòng cho Jofre đi theo, nhưng người anh kia thì không. Trước khi đi, nàng nhắn với Giáo hoàng rằng nàng không bao giờ muốn nói chuyện với Cesare nữa.

* * *

Cesare cố dằn lòng, ngăn mình đi theo Lucrezia để giải thích mọi chuyện. Tuy nhiên, chàng biết làm thế cũng chẳng giải quyết được gì, và thế là chàng giải khuây với những chiến lược cho cuộc chiến. Chàng biết mình phải làm gì trước tiên. Đó là đi đến Venice nhằm giảm bớt sự can thiệp của thành bang này lên Rimini, Faenza và Pesaro, là những vùng lãnh thổ vốn nằm dưới sự bảo hộ của Venice.

Sau nhiều ngày vượt biển, cuối cùng Cesare đến Venice. Thành phố lung linh sắc màu này được xây dựng trên những chiếc cọc nổi lên từ làn nước sẫm màu mênh mông, như một con rồng nào đấy trong thần thoại. Chàng thấy Quảng trường Thánh Mark trước mặt mình, rồi kế bên là Dinh Thống Lãnh.

Từ bến cảng chàng được đưa tới một dinh thự hoành tráng theo kiểu Hồi giáo, ngay trên Kênh Lớn, nơi nhiều nhà quý tộc Venice tiếp đãi chàng. Cesare ổn định chỗ nghỉ và nhanh chóng yêu cầu một cuộc hội kiến với các thành viên của Đại Hội Đồng. Trong cuộc hội kiến ấy, Cesare giải trình vị thế của Giáo hoàng và đề xuất một thỏa ước: quân của giáo triều sẽ bảo vệ Venice khỏi bọn Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xảy ra xâm lăng, và đáp lại Venice sẽ xóa bỏ sự bảo hộ đối với Rimini, Faenza và Pesaro.

Trong một buổi lễ đầy sắc màu rực rỡ, Đại Hội Đồng thông qua nghị quyết và choàng lên Cesare tấm áo khoác đỏ thắm của một công dân danh dự. Bây giờ chàng là “nhà quý tộc xứ Venice.”

* * *

Hai năm sống cùng Alfonso là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời Lucrezia, những hứa hẹn của cha khi nàng còn thơ bé dường như đã đến lúc trở thành hiện thực. Nhưng giờ đây, cái chết của Alfonso khiến nàng đau khổ, kí ức về nụ cười ngọt ngào, đôi mắt sáng hay tính cách đáng yêu của chồng cũng không thể khỏa lấp nỗi thống khổ trong lòng nàng. Nỗi thống khổ ấy làm mờ đi những khoảnh khắc vui vẻ của đôi vợ chồng, choán cả cảm giác mất đi trinh tiết khi lần đầu ân ái với Cesare. Bởi lúc đó nàng đặt niềm tin vào cha, tin vào tình yêu của anh trai cho nàng và vào quyền lực của Đức Thánh Cha có thể kết và giải mọi tội lỗi. Nhưng kể từ cái chết của Alfonso, với nàng, tất cả những điều đó đều tan biến. Giờ đây nàng cảm thấy mình bị cha, cũng như đức Chúa Trời bỏ rơi.

Nàng đến Nepi với Sancia, Jofre, hai đứa con Giovanni và Rodrigo, cùng năm mươi trong số những vị quan đáng tin cậy nhất của mình.

Nơi đó, đúng một năm trước, nàng và Alfonso cùng nhau ái ân, chọn lựa đồ nội thất và những màn treo tường xinh xắn để trang trí lâu đài của họ, thung dung tản bộ dưới bóng những cây sồi cao và những lùm cây nhỏ rung rinh trong gió đồng nội.

Nepi thật ra là một thị trấn nhỏ, chỉ có một quảng trường trung tâm khiêm tốn, những tòa nhà kiểu Gothic nối dài trên phố và một vài lâu đài nơi các nhà quý tộc sống. Có một nhà thờ xinh xắn, được xây lại từ một đền thờ thần Jupiter. Nàng và Alfonso đã cùng nhau tản bộ qua các đường phố này tay trong tay và cười thỏa thích với vẻ đẹp có phần kì lạ của thị trấn bình yên này. Nhưng giờ đây, với Lucrezia, Nepi dường như nhuộm mối sầu man mác.

Dù từ cửa sổ lâu đài ngóng ra ngọn núi lửa Bracciano đen thẫm hay trông sang dãy Sabine xanh biếc, nàng đều bật khóc. Vì nhìn đâu nàng cũng đều thoáng thấy hình bóng Alfonso, người chồng thân yêu của mình.

Vào một ngày nắng vàng tươi, Lucrezia và Sancia cùng dẫn mấy đứa bé đi dạo vùng đồng nội. Lucrezia có vẻ thư thái hơn trước đây, nhưng bỗng dưng tiếng be be của bầy cừu và âm điệu than vãn từ tiếng sáo mục đồng đưa hồn nàng trở lại cơn sầu man mác.

Nhiều đêm nàng mơ thấy ác mộng, trong cơn mơ nàng quay người và thấy người chồng khả ái nằm ngay cạnh mình, nhưng khi vươn tay ra, nàng chỉ thấy tấm chăn trống trơn lạnh lẽo, chỉ mình nàng trên giường. Thể xác và linh hồn nàng đau đớn vì chàng. Nàng chẳng thiết gì ăn uống, và không còn ham mê thú vui nào. Mỗi buổi sáng nàng thức dậy còn mệt mỏi hơn là đêm hôm trước, nàng gượng cười vài lần chỉ vì mấy đứa con. Việc duy nhất nàng làm trong tháng đầu tiên trở về Nepi là ra lệnh may một ít quần áo cho hai cậu con trai, nhưng ngay cả chơi đùa với chúng dường như cũng làm nàng kiệt sức.

Cuối cùng, Sancia quyết định giúp chị dâu mình bình phục. Nàng tạm gác qua một bên nỗi đau riêng để săn sóc Lucrezia và mấy đứa bé. Jofre cũng giúp đỡ rất nhiều, chàng an ủi Lucrezia bất cứ khi nào nàng khóc, dành nhiều thời gian chơi đùa với bọn trẻ ở lâu đài và trên các cánh đồng, hằng đêm kể chuyện và hát ru để dỗ chúng ngủ.

Trong thời gian này, Lucrezia bắt đầu khám phá những cảm nhận của mình về cha, về anh mình và về Thượng Đế.

* * *

Cesare đã ở Venice hơn một tuần, và chàng đã sẵn sàng quay về Rome để tiếp tục cpuộc chiến của mình. Thế là buổi tối trước khi lên đường, Cesare dùng bữa tối với nhiều bạn cũ ở Đại học Pisa, thưởng thức rượu ngon, cùng say sưa gợi lại những kỉ niệm ngày xa xưa và chuyện trò vui vẻ.

Ban ngày Venice hiện ra tươi vui và lung linh bao nhiêu, với bao người qua lại đông vui, với những lâu đài đầy màu sắc và những mái nhà dát vàng, những đại giáo đường và những cầu vòm xinh xắn, thì ban đêm trông thành phố này càng hung hiểm bấy nhiêu trong bóng tối. Hơi nước từ các con kênh phủ lên thành phố một màn sương mù dày làm người ta không còn thấy rõ đường đi. Giữa các tòa nhà và kênh rạch, những lối đi mọc ra như chân nhện, chỗ trú ẩn lí tưởng cho bọn trộm cắp trên các đường phố và những thành phần bất hảo khác vốn không muốn cho thiên hạ thấy mặt ban ngày.

Trong lúc Cesare đi dọc theo con ngõ nhỏ dẫn về dinh thự của chàng, bỗng dưng chàng buộc phải chú ý tới một tia sáng rọi ngang con kênh.

Chàng nhìn quanh vì có ai đó mở cửa.

Nhưng Cesare còn chưa kịp xác định phương hướng, bỗng ba người mặc quần áo màu xám kiểu nông dân, chạy đổ xô vào chàng. Qua màn sương mù, chàng thấy ánh dao trong tay chúng.

Chàng nhanh chóng xoay người và thấy một tên khác lao đến từ hướng đối diện, một con dao khác lóe lên trong bóng đêm.

Cesare đã bị dính bẫy: không còn nơi nào khác để đi. Cả lối vào lẫn lối ra của ngõ hẹp đều bị phong tỏa bởi những kẻ đã chờ sẵn để tấn công chàng.

Theo bản năng, chàng phóng ngay xuống nước bùn thối hoắc của dòng kênh dọc theo lối đi, ngập ngụa rác rến và nước thải của cả thành phố. Chàng ngụp lặn dưới nước, cố nín thở bơi liền một mạch cho đến khi không chịu nổi nữa, lồng ngực như muốn nổ tung! Cuối cùng, chàng ngoi lên ở bờ bên kia.

Từ chỗ đó chàng có thể thấy hai tên nữa đang chạy qua một chiếc cầu vòm hẹp, băng từ đầu kia của con kênh đến chỗ chàng. Chúng tay cầm đuốc, tay lăm lăm dao găm.

Cesare hít một hơi thật sâu rồi lại lặn xuống, chàng bơi dưới cầu, nơi hai chiếc thuyền gondola dài đang neo. Ngụp đầu xuống thấp giữa hai chiếc thuyền, chàng chỉ còn biết cầu nguyện để mình đừng bị phát hiện!

Bọn người kia lùng toàn bộ các con kênh, ngõ hẻm, hòng kiếm cho ra chàng. Chúng lùng sục mọi ngóc ngách với những ngọn đuốc bập bùng, nhưng mỗi lần chúng đến gần, Cesare lại lặn xuống nước và cố nín thở cho đến khi hết chịu nổi thì trồi lên.

Hồi lâu không phát hiện được gì, chúng bèn tụ tập trên cầu ngay trên đầu chàng. Chàng nghe một đứa trong bọn càu nhàu, “Cái thằng La Mã ấy sao mà nó chui đâu mất tiêu nhỉ? Có lẽ thằng con hoang ấy chết chìm mẹ rồi!”

“Hắn chết chìm mẹ cho rồi còn hơn là bơi trong thứ nước cứt đái thối hoăng đó!” Một thằng nói.

“Thế cũng mất toi một đêm,” một giọng nói vọng đến đầy uy quyền. “Nero trả công cho chúng ta để cắt cổ hắn, chứ đâu phải để chạy lòng vòng đuổi theo con vịt giời cho mãi đến sáng!”

Chàng nghe tiếng bước chân của bọn kia khi chúng đi qua cầu bên trên đầu chàng, từng đứa một, cho đến khi chàng không nghe gì nữa.

Lo rằng chúng có thể để lại một tên theo dõi từ một cửa sổ hay một ban-công nào đấy, Cesare bơi thật khẽ dọc theo bờ kênh tối đen dẫn vào Kênh Lớn, và cuối cùng đến bến thuyền của dinh thự chàng. Người lính gác đêm, do thống lãnh sai phái, ngạc nhiên thấy người khách danh dự cất mình lên khỏi mặt nước, rùng mình và bốc mùi hôi thối.

Trong phòng riêng, sau khi tắm nước nóng, Cesare khoác lên bộ cánh mới và uống một vại nước sơ-ri nóng. Chàng ngồi một lúc lâu, chìm sâu vào suy tưởng. Sau đó chàng ra lệnh cho thuộc hạ rằng chàng sẽ rời đi vào lúc rạng đông. Khi họ đến vùng đất khô ở Veneto, chàng sẽ lên xe ngựa.

Cesare không ngủ được tối hôm đó. Khi mặt trời lên cao khỏi đầm nước, chàng trèo vào một chiếc thuyền gondola lớn, có ba người của thống lãnh vũ trang bằng gươm và cung nỏ theo hộ vệ. Khi họ sắp sửa khởi hành thì một anh chàng lực lưỡng mặc đồng phục màu sẫm chạy ra, bước vào bến tàu.

“Thưa ngài,” anh ta nói gần như đứt hơi. “Tôi cần tự giới thiệu trước khi ngài ra đi. Tôi là chỉ huy cảnh sát coi sóc trật tự trị an ở quận này của thành phố. Trước khi ngài khởi hành, tôi muốn tạ lỗi về sự cố tối qua. Venice đầy những quân trộm cướp, chúng trấn lột bất kì người lạ nào xui xẻo bị chúng chộp phải vào ban đêm.”

“Anh phải đặt lính gác ở những chỗ chúng hay lui tới chứ.” Cesare mỉa mai sâu cay.

Viên chỉ huy nói, “Thật là một ơn huệ to lớn cho chúng tôi nếu ngài hoãn cuộc hành trình và đi cùng tôi đến hiện trường vụ tấn công. Đoàn tùy tùng của ngài có thể đợi nơi đây. Chúng ta có thể vào khám xét vài căn nhà gần đó, biết đâu ngài có thể nhận dạng những đứa đã cả gan tấn công ngài.”

Cesare phân vân. Chàng muốn lên đường, nhưng cũng muốn biết kẻ nào đã lên kế hoạch tấn công mình. Tuy nhiên điều tra cuộc tấn công có thể sẽ mất nhiều giờ mà chàng lại còn quá nhiều việc phải làm. Họ báo tin sau cho chàng cũng được. Lúc này chàng phải quay về Rome.

“Thưa ngài chỉ huy,” Cesare nói, “trong những tình huống bình thường, tôi sẽ vui lòng giúp anh, nhưng hiện giờ xe tôi đang chờ. Tôi hi vọng sẽ đến Ferrare lúc trời vừa sập tối, vì đường ngoại ô cũng nguy hiểm ngang ngửa những con ngõ ở đây. Vậy nên xin anh bạn thứ lỗi nhé.”

Anh chàng cảnh sát lực lưỡng tươi cười và gõ vào mũ mình. “Tôn ông sẽ sớm quay lại Venice chứ?”

“Tôi hi vọng thế,” Cesare nói, tươi cười.

“A, thế thì có lẽ lúc đó ngài sẽ giúp được chúng tôi. Ngài có thể liên hệ với tôi ở sở chỉ huy cảnh sát gần Rialto. Tên tôi là Bernadino Nerozzi, nhưng mọi người gọi tôi là Nero.”

Cesare thoáng giật mình nhưng vẫn thản nhiên, mặt không hề đổi sắc. Nero, trên hành trình dài từ Venice quay về Rome, Cesare nhận định xem ai có thể thuê tay chỉ huy cảnh sát này để hành thích mình ở Venice. Nhưng chẳng đi tới đâu bởi có quá nhiều khả năng. Nếu như chàng đã bị ám sát, chàng khúc khích cười thầm sẽ có rất nhiều nghi phạm, và sẽ không bao giờ phá án được.

Thế nhưng, chàng vẫn tự hỏi, phải chăng là một trong những thân bằng quyến thuộc nhà Aragon của Alfonso, tìm cách trả thù cho cái chết của anh ta? Hay Giovanni Sforza, vẫn còn tức giận và cảm thấy bị sỉ nhục vì buộc phải li dị Lucrezia và bị gán cái tội liệt dương, bất lực? Hay kẻ nào đó thuộc nhà Riario, nổi điên lên vì Caterina Sforza bị bắt? Hay Giuliano della Rovere, kẻ vẫn căm ghét cả nhà Borgia, cho dầu ông ta cố làm ra vẻ con người văn minh, đức hạnh? Cũng rất có thể là một trong những giám mục đại diện ở Faenza, Urbino hay vài thành phố khác muốn chặn đứng cuộc chiến và ngăn ngừa mọi cuộc tấn công mà chàng lên kế hoạch? Hay bất kì kẻ nào trong số hàng trăm người vẫn nuôi lòng căm hận cha chàng.

Khi chiếc xe ngựa đến cổng thành Rome, chàng chỉ chắc được một điều. Chàng phải luôn trông chừng phía sau lưng, vì chắc chắn là giờ đây có người muốn chàng toi đời.

* * *

Nếu những lần ân ái với Cesare đưa Lucrezia lên Thiên đàng, thì cái chết của Alfonso khiến nàng mất đi thiên ân. Vì giờ đây nàng buộc phải nhìn vào bản chất cuộc đời mình và cả gia đình mình. Nàng cảm thấy như bị cha, Đức Thánh Cha và Cha Trên Trời bỏ rơi vậy.

Khi nàng mất đi sự hồn nhiên, chính là lúc đau khổ nhất. Bởi nàng đã sống và đã yêu trong những cảnh giới hoang đường, huyền hoặc nhưng giờ đã đến hồi kết thúc. Và than ôi, nàng buồn khổ biết bao. Nàng từng cố nhớ xem mọi chuyện đã bắt đầu ra sao. Không có điểm bắt đầu. Khi còn bé, tại phòng khách riêng của gia đình, nàng được ngồi trong lòng cha, thỏa thích nghe ông kể chuyện thần thoại, nào là các vị thần, titan trên đỉnh Olympus. Ông chẳng phải là Zeus, vị thần Olympus vĩ đại nhất trong các thần đấy sao? Bởi giọng nói ông là sấm, lệ ông là những giọt mưa, nụ cười ông là ánh mặt trời rạng rỡ trên khuôn mặt nàng. Và nàng chẳng phải là nữ thần Athena, nữ thần sinh ra từ chính đầu ông đấy sao? Hay nàng chính là Venus, nữ thần Tình ái?

Cha nàng kể chuyện về Sáng Thế, đôi tay vung vẩy, lời lẽ hùng hồn. Và thế là nàng vừa là Eva xinh đẹp, bị cám dỗ bởi con rắn, lại vừa là Thánh Mẫu Trinh Khiết, người sinh ra mọi sự tốt lành.

Trong vòng tay của cha, nàng thấy được che chở khỏi mọi tai họa; trong vòng tay của Đức Thánh Cha nàng cảm thấy được bảo vệ khỏi mọi sự dữ; và như thế nàng chẳng bao giờ sợ cái chết, bởi nàng chắc chắn nàng sẽ an toàn trong vòng tay của Cha Trên Trời. Bởi tất cả những người cha ấy chẳng phải là một hay sao?

Chỉ bây giờ khi khoác lên tấm mạng màu đen của góa phụ, bức màn tối của ảo tưởng mới được vén lên khỏi đôi mắt nàng.

Khi cúi xuống hôn vào đôi môi lạnh ngắt, cứng đờ của người chồng đã chết, nàng cảm thấy tất cả sự trống rỗng của kiếp người, và nhận ra rằng đời là vực nước mắt, và một ngày kia cái chết sẽ đến. Với cha nàng, với Cesare, với nàng. Trước đây, trong trái tim nàng, họ là bất tử. Thế nên, lúc này nàng khóc than cho tất cả.

Đêm nàng không chợp mắt nổi, còn ban ngày nàng loanh quanh trong phòng suốt hàng giờ liền, không thể nghỉ ngơi hay tìm được giây phút an bình nào. Bóng đen của sợ hãi và nghi hoặc ám ảnh nàng. Cuối cùng, nàng cũng đánh mất cả chút niềm tin còn sót lại. Nàng hoài nghi tất cả những gì nàng đã tin. Nàng chơi vơi, không biết dựa vào đâu.

“Chuyện gì đang xảy ra cho chị thế này?” Nàng hỏi Sancia, vì suốt mấy ngày nay, nàng rơi vào kinh hoàng và tuyệt vọng. Lúc đó nàng ngồi lì trên giường và đau khổ vì nhớ Alfonso, và càng trở nên lo sợ hơn cho thân phận mình.

Sancia ngồi cạnh và xoa trán cho chị dâu. Nàng hôn đôi má Lucrezia. “Chị đang nhận ra rằng chị chỉ là con tốt trong ván cờ quyền lực của Giáo hoàng,” cô em dâu giải thích. “Với Cesare, chị không quan trọng bằng các cuộc chinh phục lãnh thổ, củng cố gia tộc Borgia. Và đó là một sự thật rất khó chịu đựng.”

“Nhưng Papa không giống như thế,” Lucrezia cố phản đối. “Cha vẫn luôn quan tâm đến hạnh phúc của chị.”

“Luôn luôn ư?” Sancia nói với vẻ châm biếm. “Em không thể thấy mặt tốt đẹp đó nơi ông ta. Nhưng chị phải hồi phục, phải luôn mạnh mẽ. Vì con chị đang cần chị mà.”

“Cha em có tử tế không?” Lucrezia hỏi Sancia. “Ông ta có xem trọng em không?”

Sancia lắc đầu. “Hiện giờ thì ông không tử tế cũng không độc ác với em, vì sau khi quân Pháp xâm lăng, ông ngã bệnh – phát điên, vài người nói thế – nhưng em thấy ông còn hiền hơn trước đây. Ở Naples, ông bị giữ trong một ngọn tháp canh tại biệt điện của gia đình, mỗi người trong nhà thay phiên nhau chăm sóc cho ông. Bất kì khi nào hoảng sợ, ông lại la lên, “Ta nghe thấy bọn Pháp. Cây và đá đều gọi tên bọn Pháp.” Tuy nhiên, dẫu ông có điên đến cỡ nào, em e rằng ông vẫn còn tử tế hơn cha chị. Vả lại, ngay cả khi ông khỏe mạnh, em cũng không thuộc về thế giới của ông, và ông cũng không thuộc về thế giới của em. Ông chỉ là cha em, và do đó tình yêu của em cho ông không hề lớn đến mức khiến em một ngày kia phải suy sụp.”

Lucrezia càng khóc mùi, vì đúng là trong lập luận của Sancia hàm chứa sự thật mà nàng không thể nào phủ nhận được nữa. Lucrezia lại cuộn mình trong chăn, cố gắng hiểu làm thế nào cha đã đổi thay.

Cha nàng nói về một Chúa Trời đầy từ tâm và vui tính, nhưng Đức Thánh Cha lại là là thuộc hạ của một vị Chúa Tể trừng phạt và thường tỏ ra tàn bạo. Tim nàng đập dồn khi nàng liều lĩnh nghĩ, “Làm thế nào mà những tội lỗi kinh khủng kia lại là vì điều thiện, vì Chúa Trời kia chứ?”

Đó cũng là lúc nàng bắt đầu nghi ngờ sự khôn ngoan của cha mình. Phải chăng tất cả những điều nàng đã được dạy bảo đều tốt và đúng? Cha nàng có đúng là Người Đại Diện của Chúa Jesus trên trần gian này? Và sự phán xét của Đức Thánh Cha có phải cũng là sự phán xét của Chúa? Nàng tin chắc là Chúa từ ai mà nàng ôm ấp trong tim mình khác xa với vị Chúa tể trừng phạt vốn đang thì thầm vào đôi tai cha nàng.

* * *

Chưa đầy một tháng sau cái chết của Alfonso, Giáo hoàng Alexander bắt đầu tìm kiếm một tấm chồng khác cho Lucrezia. Mặc dầu có vẻ nhẫn tâm, nhưng ông đã quyết định lên kế hoạch cho tương lai nàng, bởi trong trường hợp ông băng hà, ông không muốn nàng trở thành một góa phụ bơ vơ, buộc phải ăn uống bằng chén sành thay vì chén bạc.

Alexander cho gọi Duarte vào phòng riêng để bàn bạc các khả năng. “Anh nghĩ sao về Louis de Ligny?” Alexander ướm hỏi. “Anh ta dẫu sao cũng là người anh em họ của vua nước Pháp.”

Duarte nói đơn giản, “Tôi không nghĩ Lucrezia thấy anh chàng này chấp nhận được.”

Giáo hoàng gửi thư cho Lucrezia ở Nepi.

Và nhận một hồi âm, ngắn gọn, “Con sẽ không sống ở Pháp.”

Tiếp đến Alexander gợi ý Francisco Orsini, công tước xứ Gravina.

Lucrezia hồi âm rằng, “Con không muốn lấy chồng nữa.”

Khi Giáo hoàng gửi một bức thư khác, yêu cầu nàng cho biết lí do, nàng trả lời đơn giản. “Tất cả những người chồng của con đều bất hạnh, và con không muốn thêm một người khác đè nặng lên lương tâm mình.”

Giáo hoàng lại cho gọi Duarte. “Con bé thật quá quắt,” ông nói. “Nó thật ương ngạnh, khó chịu. Ta đâu sống mãi trên đời, và nếu ta chết đi, chỉ còn Cesare để chăm lo cho nó.”

Duarte nói, “Tiểu thư có vẻ đang sống yên lành với Jofre và Sancia nữa. Có lẽ tiểu thư cần nhiều thời gian hơn để vượt qua nỗi đau buồn. Sau này, hãy gọi tiểu thư về Rome, lựa dịp bảo tiểu thư xem xét những gì ngài gợi ý. Còn hiện nay, chồng cũ mất chưa lâu mà nói đến chồng mới e là quá sớm, Nepi lại cách xa Rome nữa.”

* * *

Tuần nối tuần trôi qua chậm chạp, Lucrezia cố gắng vượt qua nỗi đau buồn và tìm một lí do để tiếp tục sống. Cuối cùng, một đêm kia, trong khi nàng nằm trên giường đọc sách dưới ánh đèn cầy, cậu em Jofre bước vào ngồi kế bên giường nàng.

Mái tóc vàng rơm của Jofre được giấu dưới chiếc mũ nhung xanh, đôi mắt nó đỏ ngầu vì thiếu ngủ. Lucrezia biết cậu em đã xin về nghỉ sớm nên nàng thấy hơi khác thường khi thấy cậu ăn vận tinh tươm như sắp đi ra ngoài. Nhưng nàng chưa kịp hỏi han, cậu đã bắt đầu nói, lời lẽ cứ thế tuôn ra, không dừng được.

“Em đã làm những chuyện thật xấu hổ,” cậu nói với chị. “Em đã tự phán xét mình vì những chuyện đó. Không vị Chúa nào phán xét em như thế. Và em đã làm những chuyện mà cha sẽ phán xét em, nhưng em chưa từng dám phán xét ông như thế cả.”

Lucrezia ngồi thẳng trên giường, đôi mắt nàng sưng lên vì khóc nhiều. “Em trai của chị, em đã làm những chuyện gì khiến cha có thể phê phán? Bởi vì, trong số bốn anh chị em mình, em là đứa ít bị chú ý nhất và là đứa dễ thương nhất.”

Jofre nhìn nàng, và nàng là chứng nhân cho cuộc tranh đấu nội tâm nơi cậu. Cậu ta đã chờ đợi quá lâu để thú tội, và Lucrezia là người cậu tin tưởng nhất. “Lương tâm em không thể chịu nổi việc mang trên mình tội lỗi này,” chàng nói. “Vì em đã giữ nó quá lâu rồi.”

Lucrezia vươn người nắm lấy bàn tay em, vì trong đôi mắt cậu, nàng nhìn thấy bao nhiêu là bối rối và tội lỗi khiến nàng thấy nỗi đau của mình dường như còn kém xa. “Chuyện gì khiến em rối trí đến thế?” Nàng hỏi.

“Chị sẽ khinh bỉ em vì sự thật này,” cậu nói. “Nếu em nói ra điều này với bất kì ai ngoài chị, em sẽ tiêu đời. Tuy nhiên nếu không trút bầu tâm sự, em e rằng mình sẽ phát điên, hay mất đi linh hồn. Và đối với em, điều đó còn kinh khủng hơn nhiều.”

Lucrezia bối rối. “Tội lỗi nào ghê gớm đến nỗi khiến cho em phải run rẩy?” Nàng hỏi. “Em có thể đặt niềm tin vào chị. Chị thề sẽ không để em gặp nguy hiểm, chị sẽ không bao giờ hé ra nửa lời về bí mật của em.”

Jofre nhìn vào chị mình, lắp bắp nói. “Không phải Cesare giết anh Juan đâu.”

Lucrezia vội đưa tay lên môi cậu. “Đừng nói nữa, em trai. Đừng nói những lời chị có thể nghe lòng, vì chị biết em từ khi em còn là đứa bé mà chị bồng bế. Nhưng chị rất muốn hỏi, động cơ gì mãnh liệt đến độ thôi thúc một hành vi như thế?”

Jofre ngả đầu lên ngực chị, để cho chị ôm mình dịu dàng trong khi cậu thầm thì. “Sancia,” cậu nói. “Vì không hiểu sao, linh hồn em ràng buộc với linh hồn nàng. Không có nàng, em không sống nổi.”

Lucrezia nghĩ đến Alfonso và nàng hiểu. Rồi nàng lại nghĩ đến Cesare. Chàng hẳn đã bị giằng xé biết bao. Giờ đây nàng cảm thấy đồng cảm với những ai là nạn nhân của tình yêu, và trong thời khắc ấy, tình yêu dường như còn phản trắc hơn chiến tranh rất nhiều.

* * *

Cesare không thể tiếp tục chiến dịch Romagna mà không đến thăm em gái trước. Chàng phải gặp mặt nàng để giải thích, để cầu xin tha thứ, để lấy lại tình yêu của nàng.

Khi chàng đến Nepi, Sancia tìm cách ngăn chàng tránh xa Lucrezia, nhưng chàng gạt nàng ta qua một bên, đến dãy phòng riêng của em gái và xông vào.

Lucrezia ngồi đó, đang chơi một điệu than vãn trên chiếc đàn lute. Khi thấy Cesare, những ngón tay nàng cóng lại trên các sợi dây, lời ca bỗng dừng lại, chơi vơi…

Chàng chạy đến và quỳ xuống trước nàng, tựa đầu mình lên gối nàng. “Anh nguyền rủa cái ngày anh sinh ra để gây cho em nhiều khổ đau đến thế. Anh nguyền rủa cái ngày anh cảm thấy yêu em hơn cả cuộc sống này, và anh ao ước chỉ một lần được gặp lại em trước khi anh lại dấn mình vào chốn can qua, vì không có tình yêu của em thì chẳng có trận đánh nào đáng cho anh tham chiến.”

Lucrezia đặt bàn tay nàng lên mái tóc màu nâu đỏ của anh trai, vuốt ve, vỗ về cho đến khi chàng nhấc đầu lên nhìn nàng. Thế nhưng nàng vẫn không nói gì.

“Biết đến bao giờ em có thể tha thứ cho anh?” Chàng hỏi.

“Sao có thể không được?” Nàng trả lời.

Đôi mắt chàng nhòa lệ, nhưng mắt nàng thì không. “Em còn yêu anh không, hơn tất cả mọi sự trên trần gian này?” Chàng hỏi.

Nàng thở thật sâu, và do dự một chốc. “Em yêu anh, anh trai ạ. Vì anh cùng chẳng hơn gì một con cờ trong ván cờ này. Thế nên, em cảm thương cho cả hai chúng ta.”

Cesare đứng trước nàng, bối rối, nhưng vẫn tạ ơn nàng. “Bây giờ, mang gươm đi mở cõi cho Rome sẽ dễ dàng hơn đối với anh, vì anh đã lại thấy mặt em.”

“Bảo trọng nhé,” Lucrezia nói. “Vì em không thể chịu đựng nổi một mất mát lớn nào nữa đâu.”

Trước khi chàng ra đi, nàng cho phép chàng ôm nàng, và bất chấp tất cả những gì đã xảy ra nàng vẫn cảm thấy trái tim mình được chàng an ủi. “Anh ra đi để nhất thống sơn hà cho giáo triều,” chàng bảo nàng. “Khi gặp lại nhau, ta hi vọng sẽ hoàn tất mọi điều ta đã hứa.”

Lucrezia tươi cười. “Với hồng ân Chúa Cả, sẽ sớm có một ngày hai ta lại quay về Rome sống yên vui.”

* * *

Trong những tháng cuối cùng ở Nepi, Lucrezia bắt đầu đọc sách thường xuyên. Nàng đọc chuyện đời các vị thánh, tìm hiểu cuộc đời các bậc anh hùng, các vị anh thư, và nghiên cứu các đại triết gia. Nàng bổ sung thật nhiều kiến thức. Và cuối cùng nàng hiểu rằng chính mình phải quyết định.

Nàng sẽ sống cuộc đời mình hay là tự hủy hoại nó? Nếu quyết định sống cuộc đời mình, nàng tự hỏi, làm thế nào nàng tìm được bình yên? Nàng đã quyết định rằng cho dẫu cha có đem nàng ra làm vật mặc cả trong hôn nhân bao nhiêu lần đi nữa, nàng cũng sẽ không bao giờ yêu như nàng đã yêu Alfonso.

Thế nhưng muốn tìm thấy bình yên nàng biết rằng mình phải tha thứ cho tất cả những ai xử tệ với mình, bởi nếu nàng không thể, niềm oán hận trong tim và tâm trí sẽ trói buộc nàng vào căm ghét và lấy đi tự do của nàng.

Ba tháng sau khi đến, nàng bắt đầu mở cửa các dinh thự ở Nepi, gặp gỡ dân chúng, lắng nghe những than vãn của họ, và xây dựng một chính quyền phục vụ cho cả người nghèo lẫn người giàu. Nàng quyết định cống hiến đời mình cho những phận người cùng khổ, cho những ai phải chịu đau khổ như nàng. Những người mà số phận còn nằm trong tay những kẻ cai trị đầy quyền uy.

Nếu nàng nhận lấy quyền lực mà cha ban cho, sử dụng cái tên nhà Borgia cho điều tốt lành, như Cesare dùng cái tên đó cho chiến tranh, nàng có thể tìm thấy một cuộc đời đáng sống. Giống như các vị thánh hiến dâng đời họ cho Chúa, từ đây trở đi, nàng sẽ hi sinh đời mình để giúp đỡ người khác bằng lòng độ lượng, bao dung, để khi lìa đời, chính tôn nhan Chúa sẽ rạng rỡ tươi cười đón nàng.

Chính lúc đó, Giáo hoàng lại cương quyết buộc Lucrezia quay về thành Rome.

Bình luận
× sticky