Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 20

Tác giả: Mario Puzo

Cesare Borgia trong giáp bào đen, cưỡi con chiến mã trắng lộng lẫy, gặp các sĩ quan chỉ huy trong đạo quân của mình ở các cổng thành bên ngoài Bologna. Tại đó đoàn Vệ binh Thụy Sĩ, lính đánh thuê Đức, pháo binh Ý và các sĩ quan Tây Ban Nha cùng hiệp lực với đoàn quân Pháp tinh nhuệ.

Vua Pháp đã giữ lời hứa.

Sau lưng chàng, một viên sĩ quan giương cao ngọn cờ màu trắng có huy hiệu bò tót đỏ đang lao tới của nhà Borgia, đoàn quân của Cesare với mười lăm ngàn binh sĩ đang rồng rắn theo con đường ngoằn ngoèo từ Bologna-Rimini tiến đánh các thành phố Imola và Forli.

Con bò tót bằng vàng cẩn trên tấm che ngực màu đen của Cesare sáng lấp lánh trong ánh mặt trời giữa trưa. Tấm áo giáp mới của chàng được thiết kế sao cho thật nhẹ để xoay trở dễ dàng hơn nhưng vẫn bảo vệ tốt những điểm sinh tử. Giờ đây chàng có thể chiến đấu hiệu quả ngay cả trên mặt đất, nếu chẳng may bị rơi khỏi lưng ngựa.

Binh sĩ dưới quyền Cesare, mang giáp trụ vững chãi và ngồi trên những con ngựa chiến khỏe mạnh, là những cỗ máy chiến đấu hiệu quả, khó ngăn chặn và đáng gờm khi đối đầu. Khinh kị binh của chàng được trang bị áo giáp móc bằng sắt và loại da thuộc rất dai, dùng kiếm và thương.

Bộ binh gồm lính Thụy Sĩ rất dũng cảm với những trường thương vô cùng lợi hại, lính Ý với nhiều loại vũ khí khác nhau, lính Đức da ngăm đen mang cung nỏ và súng dài nòng nhỏ.

Nhưng vũ khí có sức tàn phá ghê gớm nhất trong đoàn quân của Cesare chính là đội pháo binh Ý hùng hậu của thủ lĩnh Vito Vitelli.

Imela và Forli từ lâu vẫn luôn là mối rắc rối của vùng Romagna. Hai vùng lãnh thổ này từng có thời nằm dưới sự cai trị của Girolamo Riario, kẻ thừa kế thô bạo và cục súc của một gia đình quyền lực ở Bắc Ý và là con của cố Giáo hoàng Sixtus. Girolamo đã kết hôn với Caterina Sforza, một người cháu của Ludovico Sforza xứ Milan, khi cô ta hãy còn là một thiếu nữ. Mười hai năm sau, Girolamo bị hành thích, Caterina bấy giờ đã trưởng thành và thù hận cũng lớn lên theo; thay vì ẩn mình vào tu viện, ả lại cầm gươm lên ngựa và dẫn binh lính truy đuổi những kẻ đã giết chồng mình. Khi chúng bị bắt và mang đến trước mặt ả, Caterina giáng lên đầu bọn sát nhân quý tộc hình phạt dã man, đầy khủng khiếp. Ả cắt phăng của quý của chúng, tự tay bỏ vào một chiếc khăn tay và lấy các dải ruy-băng trên tóc cột đống dương vật quanh cổ chúng, vì ả ta nghĩ đó là thứ nòi giống không đáng được sản sinh. “Đất này là của ta,” ả nói, giẫm chân lên người chúng. “Ta không hề muốn làm góa phụ.” Thế rồi ả ngồi đó, nhìn máu từ cơ thể chúng rỉ xuống đất như những sợi tơ nhện đỏ cho đến khi trở thành những cái xác cứng đờ và lạnh ngắt. Ấy là ả không yêu chồng mà đã hành động như thế đấy. Chứ ả mà thực sự yêu chồng thì cuộc trả thù còn kinh khủng đến thế nào!

Ngay sau khi quay về, Caterina liền đòi lại cả Imola và Forli nhân danh con trai ả, Otto Riario, con đỡ đầu của Giáo hoàng. Khi lời đồn lan truyền khắp phố thị, khắp các vùng đất về cuộc trừng phạt tàn khốc đó, Caterina trở nên khét tiếng về tính dữ dằn và đồng thời cũng nức tiếng về nhan sắc. Bởi vì quả thật ả nhẫn tâm như bất kì chiến binh nào nhưng cũng đầy nữ tính như bất kì công nương nào. Những lọn tóc dài màu vàng viền quanh khuôn mặt với những nét thanh tú; làn da mịn như lông chồn là niềm tự hào của ả; và mặc dầu ả cao hơn nhiều anh đàn ông nhưng vẫn là một mĩ nhân. Ả dành thời gian rất nhiều bên con cái, sở thích của ả là tạo ra những loại thuốc mỡ đặc biệt cho làn da không tì vết của mình, những loại thuốc dưỡng tóc và nước xức cho đôi gò bồng đảo to và săn chắc thường được phô ra không che đậy. Ả dùng than để chà răng cho thật trắng và thiên hạ còn đồn rằng ả giữ khư khư bên mình một cuốn sách ghi chép những câu thần chú. Khắp các phố xá cũng như thôn làng, người ta đều biết ả thèm khát thú vui nhục dục ngang ngửa đàn ông. Ả đúng là – theo ngôn ngữ thời Phục hưng – một nữ chiến binh thứ thiệt, một bậc nữ lưu đáng cho ta ngưỡng mộ vì lòng dũng cảm và trí thông minh, một ý chí thép, không bao giờ lưỡng lự, băn khoăn.

Ả tái giá, và khi ông chồng thứ hai cũng bị giết hại, ả lại tiến hành một cuộc báo thù rửa hận khốc liệt hơn. Lần này ả ra lệnh xé tứ chi đám thích khách và sau đó chặt xác thành từng mảnh nhỏ. Ba năm sau, ả lại cưới Giovanni Medici, và họ có với nhau một đứa con là Bando Neir, được mẹ cưng chiều nhất. Caterina cũng yêu chồng; kể cả vẻ xấu xí của ông ta cũng hấp dẫn ả vì đêm đêm, trong phòng ngủ, ông ta tỏ rõ chất đàn ông hơn những gã khác… Vậy mà chỉ một năm sau, ả lại trở thành góa phụ. Caterina giờ đây ba mươi sáu tuổi và hung hãn đến độ lừng danh thành Sói Cái!

Caterina Sforza khinh thường nhà Borgia vì họ đã phản bội ả sau khi anh chồng Riario mất và ả không hề có ý định cho phép họ kiểm soát các vùng lãnh thổ mà mình và con trai, Otto Riario cai trị. Nhiều tháng trước ả đã nhận được sắc chỉ của Giáo hoàng đòi tiền thuế đất, và kết tội ả không nộp thuế thập phân lẽ ra phải nộp cho Giáo hoàng và Giáo hội. Đã dự kiến mánh khóe này của giáo triều, Caterina đặc phái sứ giả đến Rome, nộp đầy đủ thuế thập phân. Thế mà Alexander vẫn quyết định thu hồi đất đai của ả về cho Romagna. Và thế là ả liền chuẩn bị nghênh chiến.

Đám mật thám của ả, tuy được trả lương hậu nhưng lại không trung thành, báo rằng Cesare đang dẫn một đạo quân đi chinh phục các thành phố của ả. Để đáp trả, ả bèn gửi đến Giáo hoàng một món quà đặc biệt – một tấm vải liệm màu đen từ một tử thi chết vì dịch hạch, xoắn chặt và đặt vào một cây gậy rỗng ruột. Khi Alexander mở món quà ấy ra, ả hi vọng căn bệnh nan y sẽ lây sang ông ta, và ông ta phải bỏ kế hoạch chinh phục. Thế nhưng dưới đòn khảo tra, mấy tên mật thám kia đã khai ra âm mưu và thế là, Giáo hoàng đã thoát hiểm, còn bọn chúng bị xử tử.

Kế hoạch của Cesare là chiếm Imola trước, sau đó tới Forli. Khi quân đội giáo triều tiến đến gần Imola, Cesare sắp xếp lại đội hình, cho pháo binh ra phía trước, và dùng khinh kị binh và bộ binh làm rào cản. Thế rồi chàng vọt ngựa lên phía trước với một tiểu đoàn đặc biệt gồm những binh sĩ tinh nhuệ, được trang bị vũ khí đầy đủ.

Nhưng sự chuẩn bị của chàng trở thành không cần thiết, vì khi đến gần, những cổng thành bỗng mở toang, dân chúng hốt hoảng chạy ùa ra. Để giữ lấy mạng sống và tránh cho thành phố khỏi bị quân đội giáo triều cướp bóc và tàn phá, họ nhanh chóng đầu hàng.

Caterina Sforza, vì đã khét tiếng tàn ác và dữ dằn, nên không phải là một nhà cai trị được yêu mến. Thần dân thành Imola thấy chẳng lợi lộc gì khi chiến đấu vì ả. Vào ngày đầu tiên đến đây, hai người lính Pháp đã vớ được một gã thợ mộc bị Caterina đối xử rất tệ và anh ta muốn báo thù. Anh ta xin gặp người chỉ huy quân đội. Hi vọng mạng sống được bảo toàn, anh ta sốt sắng chỉ ra những điểm yếu trong cấu trúc của các bức tường lâu đài. Nhưng bên trong thành có một pháo đài nhỏ, và người chỉ huy pháo đài đó, Dion Naldi, là một chiến binh thực sự. Hắn ta hét vọng xuống từ nóc pháo đài, “Bọn ta sẽ chiến đấu!”

Và thế là quân của Cesare chuẩn bị cuộc hãm thành. Tướng Ý Vito Vitelli chuyển các khẩu đại bác lên tuyến trước, dàn quân và bắt đầu công phá các bức tường của lâu đài với những cú nã pháo đá liên tục. Nhận thức rõ nguy cơ, Dion Naldi kêu gọi đình chiến, và thông báo rằng nếu viện binh không đến trong vòng ba ngày, hắn ta sẽ giao nộp thành.

Biết rằng thương lượng sẽ giúp tiết kiệm cả tiền bạc lẫn sinh mạng, Cesare cho quân hạ trại nghỉ ngơi và chờ đợi ba ngày.

Ba ngày trôi qua, không thấy bóng dáng viện binh. Naldi, một sĩ quan thiện chiến từ một gia đình vũ huân quý tộc danh tiếng nhưng cũng mang trong lòng mối bực tức với nữ chủ nhân, và thế là hắn ném vũ khí và giải tán quân sĩ. Hắn ta có thể chiến đấu đến chết nếu cảm thấy phải trung thành với chủ nhân của mình; nhưng ngay cả lúc này đây, trong khi hắn đang lo bảo vệ lâu đài của ả, Caterina Sforza lại giữ vợ con hắn làm con tin trong thành trì Forli. Naldi giao thành Imola, với một điều kiện: rằng hắn được đi cùng Cesare và quân giáo triều khi họ chiếm thành Forli.

Thế là Cesare Borgia hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong chiến dịch của mình mà không phải mất một binh sĩ nào hay đối mặt Caterina Sforza.

* * *

Forli là nơi tọa lạc pháo đài chính của Caterina và tại đó Cesare sẽ phải đối mặt Sói Cái. Con trai của Giáo hoàng trẻ tuổi hơn và non kinh nghiệm hơn nhiều so với một ả Caterina dữ tợn, thế nên chàng tiếp cận các cổng thành có phần e dè thận trọng. Nhưng lại một lần nữa các cổng thành mở toang, dân chúng chạy ùa ra lớn tiếng xin hàng.

Đứng trên tường thành lâu đài, Caterina Sforza mặc nguyên giáp trụ, tay cầm gươm, tay giương cao con chim ưng. Dọc trên tường thành, cung thủ trong tư thế sẵn sàng, tên đã lắp, cung đã giương.

Lúc Caterina thấy thần dân của mình chạy về với Cesare, ả điên tiết, hét lên với thuộc hạ, “Bắn bọn tiện dân kia đi! Bắn những đứa nhát gan chưa đánh đã bỏ thành chạy theo địch!”

Tên túa ra như mưa và thần dân của ả ngã la liệt dưới chân Cesare.

“Lạy Chúa tôi!” Cesare thốt lên, quay về phía Vitelli. “Mụ đàn bà này hóa rồ rồi nên mới tàn sát cả dân chúng của mình.”

Một sĩ quan chỉ huy của ả la lớn từ cửa sổ tháp canh rằng nữ bá tước muốn gặp Cesare Borgia để thương lượng một cuộc đầu hàng hòa bình.

“Hãy bước qua cầu kéo,” viên chỉ huy la lớn. “Nữ bá tước sẽ gặp ông chỗ lối đi có mái che.”

Cesare theo dõi chiếc cầu kéo từ từ hạ xuống và các cánh cổng lâu đài mở ra. Chàng và viên chỉ huy người Tây Ban Nha, Porto Diaz, bắt đầu bước qua cổng, nhưng khi Cesare nhìn lên xuyên qua lỗ hổng rộng nơi mái gỗ bên trên lối đi vào, chàng nghe tiếng chạy nhốn nháo bên trên đầu mình. Bỗng nhiên, chàng xoay người, vừa kịp nhìn thấy binh lính của Caterina rút cầu kéo lên. Chàng quay ra phía sau và thấy thanh rầm thép rớt xuống trước mặt.

Cesare kéo Porto Diaz, la lớn, “Nhanh lên! Mắc bẫy!”

Chàng nhảy lên đầu răng cưa thép của chiếc ròng rọc kéo cầu. Chiếc cầu đóng lại, suýt chút nữa Cesare bị nghiền nát, Cesare liều lĩnh nghiêng người nhảy xuống hào nước bên dưới. Hàng tá cung nỏ bắn tên bịt sắt xuống nước, chỉ hụt trong gang tấc khi chàng cuống cuồng lặn hụp lao về phía bờ quân mình. Ba người lính Thụy Sĩ da sậm màu vừa lớn tiếng chửi rủa Caterina vừa kéo Cesare lên khỏi hào nước.

Nhưng Porto Diaz không được may mắn như thế. Anh ta kẹt giữa thanh rầm bằng sắt và chiếc cầu kéo khép lại. Ngay khi Cesare đặt chân lên mặt đất, Caterina ra lệnh đổ dầu sôi xuống nguời Diaz từ lỗ hổng trên mái. Đứng ở bờ bên này, Cesare nghe những tiếng la rú sởn gai ốc của Porto Diaz và chàng thề rằng Caterina sẽ không thoát khỏi trừng phạt đích đáng vì dám tra tấn tàn bạo vị chỉ huy giỏi của chàng. Cesare biết rằng mụ đàn bà này sẽ không đầu hàng nếu chàng chưa giáng cho mụ ta một trận nhừ tử. Và thế là chàng lui về trại quân để vạch kế hoạch tác chiến. Cuối cùng, sau nhiều giờ đắn đo suy nghĩ, chàng tin rằng mình sẽ gây cho ả ngạc nhiên, và có thể khiến ả đổi ý. Hai đứa con của ả đã bị bắt ở Imola, và chàng dẫn chúng đến mép bờ hào nước nhìn về phía lâu đài.

Chàng gọi ả, “Caterina, hãy nhìn xem cái gì của mụ đây!”

Ả nhìn xuống thấy chàng, và chàng chỉ vào mấy đứa con của ả. “Nếu lâu đài này không đầu hàng, và không ngưng ngay việc hành hạ viên chỉ huy của ta, ta sẽ xẻ thịt mấy đứa nhỏ này ngay trước mắt mụ đấy!”

Dưới ánh hoàng hôn, Caterina hiện lên như một chiếc bóng đen sẫm, tương phản với sắc cam của vầng dương đang dần lặn phía sau. Ả cười khàn khàn, và tiếng cười man rợ vang ra đầy đe dọa lẫn miệt thị. Rồi ả vén váy lên đến tận tấm giáp che ngực, phô bày phần kín đáo nhất trong cơ thể mình.

“Nhìn đây này, thằng con của gái đĩ!” Ả hét vào mặt Cesare, rồi trỏ vào phía bụng dưới. “Mi thấy cái này không! Cứ làm tới đi, cứ giết chúng đi: Bà còn cái khuôn đúc đây mà, lo gì! Bà còn đẻ ra nhiều đứa nữa, hàng đống ấy chứ. Mi muốn làm gì thì làm.”

Ngay lúc đó Caterina vẫy tay và Cesare nghe một tiếng bõm lớn. Cái thi thể cụt đầu, bị lột da của Porto Diaz bị ném xuống hào nước.

Cesare Borgia, thống soái của quân đội giáo triều, liền ra lệnh nả đại bác công phá pháo đài. Những khẩu pháo của Vito Vitelli khạc lửa rền lên bắn tới tấp vào những bức tường của lâu đài.

Trong đêm tối, Dino Naldi tiến lại gần chủ soái. “Tướng quân có định ra lệnh giết mấy đứa bé này không?” Anh ta hỏi Cesare.

Cesare có vẻ ngạc nhiên; chàng đã quên khuấy chuyện ấy. Chàng nhanh chóng trấn an Naldi. “Chỉ thử hù dọa thôi mà. Biện pháp này sẽ hiệu quả với những bà mẹ bình thường. Khi đó, chúng ta có thể cứu được nhiều mạng sống. Còn bây giờ, vì mụ điên này, nhiều mạng sống sẽ mất đi. Nhưng giết hai đứa bé thì có được gì. Đem chúng đi đi.”

“Tôi sẽ phải làm gì chúng?” Naldi hỏi.

“Giữ chúng lại,” chàng nói. “Nuôi dạy chúng như là con anh vậy.”

Naldi cười biết ơn, và làm dấu thánh giá để cầu nguyện. Anh ta không thể tưởng tượng tại sao thiên hạ lại cho rằng con người này là quỷ, người đàn bà hiện đang giữ mấy đứa con của anh ta thật ra còn tệ hại hơn rất nhiều.

Ngay sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc, Cesare cho tiếp tục công phá pháo đài. Tuy nhiên, Caterina vẫn đứng trên các tường thành vung gươm đốc chiến. Cesare quay người đi và ra lệnh quân sĩ đốn hạ cây cối xung quanh, kết thành chiếc bè vuông để chở quân.

“Mỗi chiếc bè phải chở được ba mươi người,” chàng lớn tiếng ra lệnh. “Bởi khi các bức tường bị chọc thủng, bè sẽ chở quân sĩ chúng ta băng qua hào nước để công thành.”

Kết cục không đến nhanh. Nhưng cuối cùng, những viên đá do các khẩu đại bác của Vitelli bắn đi cũng làm thủng một góc tường của pháo đài và Cesare nghe tiếng reo hò: “Một lỗ thủng! Tường vỡ rồi!”

Bức tường phía bắc đã đổ ập xuống. Viên tướng Pháp dẫn quân của mình xuống các bè vốn đã nổi sẵn trên hào nước. Chèo bè đi nhanh chóng, vũ khí ở tư thế sẵn sàng, họ đổ bộ rồi đẩy bè lui trở về để chuyển quân tiếp. Hơn ba trăm quân của Cesare tràn ngập lâu đài.

Binh sĩ của mình vừa hạ cầu kéo xuống, Cesare và thuộc hạ cho ngựa phi nước đại rầm rập phóng qua cầu, xông thẳng vào lâu đài, hô vang, “Tấn công!”

Chính lúc đó, Caterina đứng trên đỉnh thành lũy, nhìn thấy vũ khí và thuốc súng xếp thành những đống lớn ở trung tâm pháo đài. Lấy hết sức mình, ả giật tung một cây đuốc đang cháy hừng hực ở bờ thành và ném nó vào chỗ thuốc súng chất cao như đồi. Ả thà cho nổ tung cả mình lẫn thành trì thành tro bụi chứ không chịu để rơi vào tay kẻ thù.

Một tiếng nổ vang trời làm rung chuyển cả lâu đài, phá hủy hầu hết nhà cửa và giết chết hơn bốn trăm nhân mạng ở Forli. Thế nhưng Cesare và phần lớn binh sĩ của chàng vẫn không hề hấn gì nhờ còn ở xa trung tâm pháo đài. Quân lính của Caterina hiện ra từ các mái nhà, các ngọn tháp canh, các ban-công và những bờ đê. Bị thương và lê lết trong bụi đất, họ xin hàng và cảm thấy nhẹ nhõm nhờ chiến thắng của Cesare.

Xui xẻo cho Caterina Sforza là ả không bị thương, mà lại bị một viên tướng Pháp bắt làm con tin và khuya đêm đó, trong cuộc đánh bài sau bữa ăn tối, viên tướng đòi khoản tiền chuộc ba mươi ngàn ducat để giao ả cho Cesare.

* * *

Giờ đây Caterina Sforza thuộc quyền sở hữu của Cesare Borgia và chàng muốn làm gì ả ta thì làm, tùy thích.

Sau bữa tối, Cesare tắm nước nóng một hồi lâu rồi mặc áo lụa đen, lấy ra từ đống hành lí của chàng. Phòng ngủ chính của lâu đài ở Forli vẫn còn nguyên vẹn, chàng nằm trên giường, cân nhắc xem nên làm gì với mụ Sói Cái Caterina này.

Ngay lúc này, ả đang bị giam trong một căn phòng chật hẹp, tối tăm dưới tầng hầm lâu đài, do hai trong số những người lính thân tín nhất của Cesare canh giữ. Chàng đã ra nghiêm lệnh cho họ không được rời mắt khỏi ả một giây nào.

Nửa đêm, vẫn còn mặc áo choàng, Cesare bước xuống tầng hầm. Chưa thấy mặt ả mà chàng đã nghe tiếng chửi rủa, la hét. Chàng bước vào căn phòng nhỏ ẩm thấp, chỉ một ngọn nến chiếu sáng lờ mờ. Caterina nằm ngửa trên một chiếc giường sắt, cổ tay và mắt cá chân bị buộc chặt vào hai bên thành giường. Bị trói và xiềng xích, Sói Cái điên cuồng liên tục hất đầu từ bên này qua bên kia.

Cesare cứ yên lặng đứng trước ả, vừa trông thấy Cesare, ả liền ngưng la hét. Ả dùng hết sức rướn cổ, nhổ vào mặt chàng nhưng chàng tránh được.

“Nữ bá tước thân mến của ta ơi!” Cesare nói đầy quyến rũ. “Lẽ ra bà đã có thể tự cứu mình và người dân của mình khỏi thảm họa binh đao nếu phải chi bà có một tí ti lí trí.”

Ả quay mặt lại, chiếu đôi mắt xanh sáng quắc nhìn trừng trừng vào Cesare. Rồi khuôn mặt đẹp hút hồn của ả lại méo mó dễ sợ vì giận dữ, bằng giọng nói đầy độc địa, ả thách thức chàng. “Mi định dành cho một nữ tù nhân loại cực hình nào đây, thằng La Mã thối tha?”

Chàng đáp lạnh tanh, “Ta sẽ cho mi biết ngay thôi.”

Cesare cởi bỏ áo quần, leo lên người ả, đi vào cơ thể ả, lúc đầu chầm chậm, sau đó đâm thọc tới trước, thọc lên trên, nhấn sâu vào ả. Chàng chờ nghe những tiếng tru tréo, những tiếng nguyền rủa từ ả, thế nhưng ả vẫn im lặng như không. Và âm thanh duy nhất trong phòng là tiếng lầm bầm của hai tên lính gác.

Cesare giờ đây tiếp tục như một trận cuồng phong chìm ngập vào cơ thể ả với những cú đâm thọc tới tấp, dữ dội, cho đến khi bất thình lình ả bắt đầu chuyển động uốn éo hòa nhịp với chàng. Đôi mông đầy đặn của ả ưỡn lên, hẩy về phía chàng, và chàng bắt đầu tin rằng mình đang mang lại khoái lạc thực sự cho ả. Cesare tiếp tục hãm hiếp ả, chàng chắc chắn mình đã giành phần thắng. Khi đã xong, đôi má ả đỏ bừng, tóc đẫm mồ hôi.

“Mi nên tạ ơn ta đấy,” chàng nói, bước ra khỏi người ả.

Caterina nhìn chàng với đôi mắt xanh biếc sáng chói. “Ngươi cho ta chỉ đến thế thôi à?” Ả hỏi.

Cesare giận dữ bước vội khỏi phòng. Nhưng trong hai đêm kế tiếp Cesare vẫn đến chỗ Caterina lúc nửa đêm và lặp lại cùng hành vi chinh phục không cần nói nhiều đó. Kết vẫn như cũ. Cứ khi cuộc chiến tàn, đôi má ả lại đỏ bừng lên, thân thể bóng nhẫy mồ hôi, và ả lại hỏi, “Đó là tất cả những gì ngươi có để cho ta?”

Chàng quyết định cứ làm thế cho đến khi ả chịu đầu hàng. Nhưng vào đêm thứ ba, vài phút sau khi Cesare tiến vào ả, bắt đầu đâm thọc, ả ra lệnh, “Cởi trói cho ta, nếu không, chẳng có gì gọi là một cuộc tranh tài cả.”

Caterina nằm trần truồng; ả không thể giấu vũ khí. Lại còn hai tay vệ binh to đùng, lực lưỡng đứng ngay trong phòng. Có gì là nguy hiểm chứ? Tự tay Cesare tháo xiềng xích và nhẹ nhàng cởi trói cho ả. Ả gật đầu biết ơn và lần đầu tiên ánh mắt ả dịu lại. Chàng lại leo lên người ả. Ả quấn chân, vòng tay quanh người chàng, kéo chàng vào sâu hơn. Ả túm lấy tóc, giật đầu chàng ra sau, và rê lưỡi quanh môi chàng, hôn chàng, lưỡi ả thọc vào sâu trong miệng chàng đến nỗi toàn thân chàng run lên. Một chốc sau, Caterina bắt đầu rên lên vì sướng, khiến chàng ngây dại, hồn vía lâng lâng. Trong những giây phút mê li đó, họ đã đưa nhau lên đỉnh chất ngất của cực khoái.

* * *

Ngày hôm sau, Caterina không chịu ăn uống trừ phi được tắm bằng nước thơm. Ả được dẫn đến bồn tắm nhưng hai tay vẫn bị xiềng và được một trong các cô người hầu may mắn sống sót sau vụ nổ tắm gội cho, nhưng đó là lần duy nhất Caterina rời chiếc giường.

Hai tuần tiếp theo, đêm nào Cesare cũng đến và cưỡi Caterina. Nửa cuộc mây mưa, chàng sẽ cởi trói cho ả, và ả sẽ lại ôm hôn chàng. Các vệ binh vẫn túc trực – bởi Cesare không thể biết chắc, trong một khoảnh khắc đam mê hay giận dữ bất chợt nào đó, ả lại không tìm cách móc mắt chàng ra – nhưng cả Cesare lẫn Caterina đều lơ đi. Thế rồi một đêm, đôi tình nhân dữ dội này bắt đầu trò chuyện.

“Bà phải thừa nhận rằng ngay cả hiếp dâm cũng có thể đem lại khoái lạc, đúng không nào?” Cesare nói.

Caterina cười và phản pháo một cách ma mãnh, “Mi nghĩ là mi đã hiếp dâm ta đấy ư? Nhầm rồi đấy, này gã chiến binh La Mã, con hoang của Giáo hoàng. Khi đứng trên tường thành lâu đài, lần đầu ta thấy mi, ta đã quyết định hoặc là giết mi hoặc là hiếp dâm mi. Giả sử như ta bắt được mi, ta cũng sẽ trói chặt mi lại, giống như mi đã làm với ta. Và sau đó, ta sẽ cưỡi lên mình mi. Nhưng không sao cả, kết quả như nhau thôi.”

Caterina quả có tài chiến lược. Bằng cách khẳng định ý muốn của Cesare cũng giống mình, ả đã xoay chuyển cán cân quyền lực. Và thế là, không một tấc vũ khí, Caterina đã đánh bại Cesare. Giờ đây, Cesare cảm thấy bản thân vừa là kẻ chiến bại, vừa là người chiến thắng.

Ngày họ lên đường về Rome, Caterina hỏi Cesare, “Mi sẽ dắt ta trong xiềng xích nặng nề, bêu khắp đường phố Rome như một hoàng hậu bị bắt làm tù binh, để dân chúng của mi tha hồ cười nhạo và lăng mạ ta, giống La Mã cổ đại phải không?”

Cesare cả cười. Caterina trông thật đẹp trong ngày hôm ấy, nhất là đối với một phụ nữ từng bị nhốt trong ngục tối khá lâu. “Ta không hề có ý làm chuyện ấy,” chàng nói, “nhưng…”

“Ta biết rồi, chắc ngươi sẽ trói ta vào cột và thiêu sống, vì tội mưu sát Giáo hoàng,” Caterina nói. “Ta đã lầm khi chọn những đứa không ra gì như thế làm sứ giả.”

“Sinh mạng của Giáo hoàng vẫn thường xuyên bị đe dọa,” Cesare nói. “Ông ít khi mếch lòng về chuyện đó, nhất là khi âm mưu lại thất bại. Nhưng giả sử ông có ý định treo cổ hay thiêu sống bà về tội tà giáo, ta sẽ kể với ông rằng ngày nào bà cũng bị ta trừng phạt kể từ khi bị bắt.”

“Và ông ta sẽ tin ngươi sao?” Ả hỏi.

“Ông ấy sẽ coi đấy là hãm hiếp, một hình phạt nghiêm khắc hơn cả tử hình, bởi ông tin rằng hãm hiếp gây tổn thương trầm trọng cho linh hồn, và ông ấy yêu quý đàn bà, không như ta,” Cesare thừa nhận.

Caterina mỉm cười tinh quái. “Thế nhưng người ta phải tin có linh hồn thì mới tin vào chuyện linh hồn bị tổn thương chứ.”

“À, chuyện đó thì Giáo hoàng tin,” Cesare nói, tươi cười. “Trong khi đó, vì bà là người trong dòng họ Sforza, nên ta đã sắp xếp để bà được giam giữ ở Belvedere. Không bị xiềng xích. Lâu đài đó thuộc về ta. Ở đó có những khu vườn xinh xắn và, nhìn ra phong cảnh thành phố rất đẹp. Bà sẽ được đối xử như một khách mời danh dự – bị canh chừng cẩn thận, tất nhiên rồi.”

Bình luận