Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 8

Tác giả: Mario Puzo

Rong ruổi trên mình ngựa với kị binh Pháp, Cesare ngắm nhìn những đạo quân quy củ tràn qua các vùng lãnh thổ rộng lớn, chỉ dừng lại để đánh chiếm những lâu đài thù địch trong lúc mở một đường tiến quân về Naples với độ chính xác của một lưỡi hái khổng lồ, đúng phong cách nhà binh.

Mặc dầu trên danh nghĩa là con tin, song Cesare vẫn được quân Pháp đối xử trọng thị và chỉ bị canh giữ lỏng lẻo, ngay cả trong đêm. Suốt nhiều ngày dài, chàng thể hiện rõ lòng say mê chiến trường và theo dõi các tay chỉ huy Pháp hoạch định chiến thuật quân sự, nghiên cứu chiến lược của họ. Trên chiến trường chàng không còn là một hồng y mà là một chiến sĩ, và lần đầu tiên trong đời, Cesare thấy được là chính mình.

Nếu như chỉ quan tâm đến bản thân, Cesare có lẽ đã vui vẻ rong ruổi cùng quân Pháp cho đến khi họ chinh phục Naples. Nhưng vì vừa là con của Giáo hoàng vừa là hồng y, chàng còn có nhiều vấn đề khác phải xem xét. Chàng biết rằng mặc dầu Giáo hoàng Alexander và vua Charles đã kí hiệp ước, nhưng cha chàng không muốn nước Pháp hay bất kì thế lực ngoại bang nào kiểm soát dù chỉ là một phong ấp nhỏ nhất trên đất Ý. Chắc chắn trong lúc này, khi chàng có mặt trên sa trường và tiến về Naples thì Alexander đang hội kiến với các sứ thần của Tây Ban Nha, Venice, Milan và Florence, mưu đồ tạo dựng một Liên minh thần thánh giữa các thành bang nhằm kháng cự lại cuộc xâm chiếm của ngoại bang trên đất Ý.

Chàng cũng biết rằng ngay cả khi chàng đang cùng quân Pháp tiến đến Naples, Tây Ban Nha đang chuẩn bị chiến thuyền và xuất quân để chặn đứng họ. Nếu quân Pháp may mắn đến được Naples và vẫn trụ vững trước các cuộc tấn công của quân Naples hung tàn khát máu, cầm cự đủ lâu để có thể chinh phục được xứ sở này, lật đổ vua Masino, thì Giáo hoàng Alexander, được vua Ferdinand của Tây Ban Nha hậu thuẫn, cùng với sự trợ giúp của Venice, có thể phục hồi vương miện và buộc quân Pháp rút lui.

Nhưng còn có một vấn đề gay go. Tất cả những chuyện này có thể hoàn thành nếu – và luôn luôn có một chữ nếu rắc rối – nếu mạng sống của Cesare không lâm nguy. Hiện đang bị giữ làm con tin, chàng nghĩ cha mình có thể sẽ lưỡng lự, thậm chí không hành động chống lại người Pháp vì chàng đang trong tay họ. Giải pháp, tất nhiên là chàng phải trốn thoát thôi. Đó là cách duy nhất giúp cha chàng thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan, để có quyết sách đúng đắn, kịp thời.

Nhưng tính sao với Djem đây? Lôi anh ta theo có được không? Liệu anh ta có chịu theo chàng trốn đi? Trong những ngày vừa qua, anh chàng Djem này tỏ ra vui thích với trò làm con tin cho quân Pháp. Thực tế là chỉ mới đêm trước thôi, Cesare đã nghe anh ta bù khú với đám lính Pháp trong lúc chè chén với họ và tỏ vẻ rất hào hứng khi bàn kế hoạch lật đổ chính em trai mình, ông vua đang trị vì Thổ Nhĩ Kỳ. Sẽ không dễ gì thuyết phục chàng Djem quay về thành Rome với mình, và có thể sẽ mạo hiểm nếu tin vào chàng ta.

Cesare cân nhắc những chọn lựa: một cuộc đào thoát hai người sẽ tăng gấp đôi nguy cơ, còn chàng quyết không thể thất bại. Djem không gặp nguy hiểm nào từ phía quân Pháp, bởi nếu sống, chàng ta là phương tiện giá trị để mặc cả với Giáo hoàng, với Sultan, và trong trường hợp kế hoạch của Alexander và Tây Ban Nha thất bại, chàng Djem chắc chắn sẽ là một trợ thủ rất hữu ích cho Charles trong cuộc Thập tự chinh. Chứ để chàng ta chết thì chẳng còn giá trị gì. Từ đó, Cesare quyết định.

Đêm đó, lúc gần nửa đêm, Cesare bước ra khỏi lều. Hai anh lính canh – những chàng trai trẻ mà chàng khá quen thân vì từng bù khú với nhau nhiều đêm – đang ngồi dưới đất, quanh một đống lửa trại nhỏ. Cesare chào họ. “Một đêm đẹp với trời trong và khô lạnh, đúng không nào?” Họ nhất trí, còn chàng làm bộ ngắm trời trăng mây gió. Chàng cất giọng “Trăng tròn vành vạnh, vậy mà lạ nhỉ, sao ta chẳng nghe tiếng tru nào…” Thế rồi chàng phá ra cười để họ hiểu rằng chàng đang đùa đấy thôi.

Anh lính canh lôi ra một ve rượu và thân mật mời Cesare, nhưng chàng lắc đầu và nói, “Ta có thứ ngon hơn. Chúng ta cùng thưởng thức nhé?” Và chàng quay bước vào trong lều của mình, rồi trở lại với một chai vang đỏ hảo hạng và ba chiếc cốc bạc.

Hai anh chàng mắt sáng rõ, nhận lấy cốc bạc với rượu hồng sóng sánh ánh trăng khuya, Cesare cũng tự rót một cốc cho chính chàng. Cả ba cùng gật gù chén chú chén anh dưới đêm trăng lạnh giữa sa trường, cùng ngồi bên nhau ngắm sao trời lấp lánh. Nhưng chỉ một chốc sau, hai chàng lính trẻ kia đã ngáp vắn ngáp dài. Cesare chúc họ ngủ ngon, rồi đi vào lều mình, ở đó chàng giấu cái túi nâu nhỏ mà Noni đã cho chàng và ngồi chờ đợi.

Trong vòng hai mươi phút, Cesare rón rén bước ra khỏi lều và thấy hai anh lính canh đang ngủ mê man. Thế là, phục trang đầy đủ, chàng lặng lẽ bước qua hàng dãy dài những chiếc lều để đến chỗ buộc ngựa. Ở đó một lính canh khác ngồi quay lưng về phía Cesare, trông chừng đám lính đang say ngủ. Cesare lặng lẽ chuồn đến sau lưng anh ta, đưa một bàn tay lên bụm miệng hắn để chắc ăn rằng không một âm thanh nào thoát ra. Rồi chàng nhanh chóng áp dụng một thế khóa đầu, tay siết chặt cổ họng anh ta. Không lâu sau chàng lính trẻ bất tỉnh.

Cesare tìm thấy con ngựa của mình, một con chiến mã mạnh mẽ, nhanh nhẹn, và chàng thận trọng dắt ngựa đến rìa mép của trại quân, cố gắng không gây ra tiếng động nào. Tới đó chàng nhẹ nhàng vọt người lên lưng chiến mã, cưỡi ngựa không yên như chàng từng làm thế biết bao lần trước đây khi ở Ngân Hồ. Một khi đến đường lớn, Cesare cho ngựa phi nước đại vù đi trong đêm, bay thẳng về Rome.

* * *

Ngày tiếp theo, sau khi tắm gội và thay quần áo, Cesare được dẫn vào phòng làm việc của cha chàng. Alexander đứng lên chào đón cậu con cả mà lệ giàn giụa trên đôi mắt. Giáo hoàng ôm chàng mạnh đến nỗi khiến Cesare cảm thấy ngạc nhiên.

Alexander bộc lộ tình cảm chân thành trong giọng nói. “Cesare, con ta ơi, con không thể nào tưởng tượng cực hình mà ta phải chịu đựng những ngày qua. Con đã cứu ta thoát khỏi một chọn lựa khủng khiếp nhất trong đời. Khi tập họp các thành viên của Liên minh thần thánh, ta biết rằng Charles sẽ xem chuyện đó là phá vỡ hiệp ước giữa ông ấy với ta, và do vậy ta rất lo sợ cho sự an nguy của con. Rất hiếm khi ta bị dằn vặt vì thiếu quyết đoán. Ta có nên dừng lại mọi kế hoạch liên minh, hi sinh những phần lãnh thổ và cả giáo triều? Hay là ta vẫn cứ tiến hành và chấp nhận mạo hiểm sinh mệnh con trai yêu quý của ta?”

Cesare hiếm khi thấy cha lộ vẻ khổ tâm đến thế và chàng thấy vui vui. “Rồi cha đã quyết định thế nào?” Chàng hỏi, làm ra vẻ như đùa.

“Bây giờ thì chẳng còn là vấn đề nữa rồi, con trai ạ,” Alexander cười dịu dàng, nói. “Con đã an toàn và như thế đã giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan cho ta rồi.”

* * *

Phản ứng của vua Charles đối với chuyện Cesare trốn thoát nhẹ nhàng hơn Giáo hoàng nghĩ. Khi Alexander biết được kết quả chiến dịch chinh phục Naples, ông liền hiểu tại sao.

Quân Pháp đã chiếm được Naples; vua Masino chưa đụng trận nào, đã thoái vị và chuồn êm. Vua Charles thắng dễ như lấy đồ trong túi. Cuộc trường chinh xuyên suốt nước Ý của vua Pháp cho đến lúc đó gần như là một cuộc ngoạn cảnh du xuân thật thú vị mà không mấy nhọc công sức. Ông đã vượt qua trở lực đầu tiên trên đường chinh phục Jerusalem và lật đổ ông vua ngoại đạo. Với tâm trạng hân hoan phơi phới như thế nên nhà vua chẳng muốn bận tâm làm chi chuyện Cesare trốn thoát. Giờ đây tất cả những gì nhà vua muốn chỉ là thưởng ngoạn vẻ đẹp của xứ Naples vừa chinh phục được, thưởng thức các món đặc sản Ý, rượu ngon cùng gái đẹp. Vì Cesare đã trốn thoát, Alexander nhanh chóng khởi động các kế hoạch liên minh của mình. Giờ đây, bạo chúa Ferrante đã toi đời và Milan không còn sợ Naples xâm lược nữa, Il Moro vội sốt sắng bắt tay với Rome. Những đạo quân từ Milan và Venice bắt đầu hội quân ở phía bắc: họ đã có kế hoạch liên kết với quân Tây Ban Nha. Các chiến thuyền Tây Ban Nha sẽ đổ bộ phía dưới Naples rồi chuyển quân ngược lên bán đảo Ý.

Alexander, ngồi trên ngai vàng, cho người gọi Cesare và Duarte Brandao vào phòng ông để tu chỉnh chiến lược quân sự và những kế hoạch cho Liên minh thần thánh.

“Thưa cha, cha không sợ vua Charles sẽ coi đây là một sự xúc phạm ghê gớm khi cha bội ước về chuyện Naples hay sao?” Cesare hỏi.

Trong một thoáng Alexander trông có vẻ bối rối, rồi ông chau mày. “Bội ước gì chứ, Cesare?” Ông nói. “Con đang nói gì thế, hở con trai? Ta chỉ hứa không can thiệp chuyện hắn chinh phục Naples. Chứ có lần nào ta nói là ta cho phép hắn giữ lại xứ đó không.”

Duarte mỉm cười. “Tôi không nghĩ nhà vua trẻ có thể lãnh hội chỗ khác biệt nho nhỏ đó.”

Cesare tiếp tục, “Như vậy, kế hoạch của cha là đưa lực lượng Liên minh cắt đường thoát, khiến quân Pháp bị nghiền nát giữa quân Tây Ban Nha ở phía nam và những đạo quân từ Venice và Milan ở phía bắc?”

Duarte hỏi, “Lỡ như quân Pháp vượt qua được quân Tây Ban Nha và quân Naples để tiến về Rome thì sao?”

Alexander tỏ vẻ ưu tư. “Nếu chúng thoát khỏi các đạo quân của chúng ta ở phía nam và mở được đường tiến quân về Rome – cho dầu chỉ trong ít ngày – chúng cũng sẽ có thể gây những tổn hại nghiêm trọng. Chắc chắn chúng sẽ cướp phá thành phố…”

Duarte nói, “Và, thưa Đức Thánh Cha, lần này tôi nghi rằng khó có chuyện vua Charles sẽ ngăn cản chúng…”

Cesare suy nghĩ một hồi, rồi gợi ý. “Charles ắt phải nhận ra rằng nếu ông ta muốn giành lấy vương miện xứ Naples, ông ta phải thuyết phục cha bỏ Liên minh thần thánh. Vả chăng, muốn gì thì muốn, ông ta cũng phải được chính cha đội vương miện và ban lời chúc phúc thì mới danh chính ngôn thuận để được người dân xứ Naples thừa nhận là vua của họ, bởi cha là lãnh chúa tối cao mà.”

Alexander ấn tượng với phân tích của con trai, tuy vậy ông vẫn cảm nhận là còn điều gì đó Cesare chưa nói. “Và này, con trai, chiến lược của con là sao?”

Cesare mỉm cười một cách ranh mãnh. “Nếu vua Pháp gặp Đức Thánh Cha tại thành Rome khi rút quân, ông ta có thể nắm lấy cơ hội để buộc cha phải nhượng bộ. Nhưng nếu cha không có ở đây mà lại ở nơi khác…”

* * *

Khi toán quân tiền tiêu của Pháp vào thành đô, chúng báo cáo lại với Charles là Giáo hoàng đã đi lên phía bắc, đến Orvieto. Vua Charles quyết định thuyết phục Giáo hoàng làm theo yêu cầu của mình, nên lệnh cho quân của ông đi qua Rome và tiến đến Orvieto. Nhưng khi quân thám báo của Alexander phát hiện đội quân tiền tiêu của Pháp đang đến gần Orvieto, Alexander đã sẵn sàng. Chẳng bao lâu ông và đoàn tùy giá liền lên đường, nhanh chân đến Perugia, nơi ông sẽ gặp ái nữ Lucrezia.

Từ Orvieto, Alexander sai Don Michelotto vượt núi non đi đón con gái, bởi ông đã không thấy mặt nàng từ nhiều tháng rồi và muốn bảo đảm rằng nàng vẫn vui khỏe cũng như cùng bàn về chuyện đức ông chồng của nàng. Giáo hoàng cảm thấy nếu có Lucrezia bên cạnh chắc là mình sẽ vui hơn, sẽ giúp ông khuây khỏa trong lúc chờ kết quả cuộc xâm lăng của quân Pháp.

Vua Charles tiến vào Orvieto, nôn nao muốn thuyết phục Alexander kí một hiệp ước khác. Nhưng thất vọng với tin Giáo hoàng đã đi đến Perugia, Charles giận dữ lệnh cho quân đội ra khỏi Orvieto để tiến về Perugia.

Bỗng đâu trên đoạn đường phía trước ông nhận ra một vệ binh tiền tiêu. Người lính không kịp thở, lắp bắp thông báo rằng những toán quân của Liên minh thần thánh, đông vô kể, đang tập trung ở phía bắc. Charles phải thay đổi kế hoạch dụng binh. Sau đó, ông còn nhận tiếp một tin xấu khác. Đồng minh mới của ông, Virginio Orsini, đã bị quân Tây Ban Nha bắt. Bây giờ chúng đang tiến quân về phía nam, ngay phía sau ông.

Charles không còn có thời gian nào để đuổi theo vị Giáo hoàng lẩn như chạch này nữa. Cái bẫy mà nhà vua từng lo ngại sắp sập xuống và cả đạo quân của ông là con mồi. Không thể phí phạm thêm giây nào, ông thúc quân bất kể hiểm nguy hướng về núi Alps, qua bao gian lao và tổn thất. Họ đến vừa đúng lúc. Các đạo quân của ông phải quyết chiến một trận sống mái với bộ binh của Liên minh thần thánh để mở đường máu vượt qua biên giới trở về căn cứ địa an toàn.

Vua Charles thảm bại, kéo tàn quân về Pháp.

Bình luận