Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cha Con Giáo Hoàng

Chương 10

Tác giả: Mario Puzo

Giáo hoàng Alexander đã bị Virginio Orsini, vị nam tước thuộc giáo triều mà ông rất tin cẩn, phản bội vào thời điểm ông cần ông ta nhất và ông khó nuốt trôi sự phản bội này. Quỷ dữ đã cám dỗ linh hồn nọ, ông lí luận, và do đó quỷ dữ phải bị hủy diệt. Việc Virginio bị bắt, tra tấn rồi bị giết tại một trong những nhà ngục nổi tiếng của Naples vẫn không giúp Alexander rửa hận.

Đối với Giáo hoàng cuộc chiến này đã trở thành trận đánh thực sự giữa Người Đại diện của Đức Jesus Christ trên mặt đất và chính quỷ Satan. Với tư cách nguyên thủ của tất cả các lãnh thổ thuộc giáo triều ông biết mình phải ra tay hành động, quyết liệt trừng trị bọn nam tước địa phương ưa đánh nhau liên miên – và còn tệ hại hơn nữa, chúng dám khinh thường, cưỡng lệnh Giáo hội Công giáo La Mã. Vì nếu lời của Đức Thánh Cha mà không được tôn vinh và phục tùng, nếu tội lỗi được phép lan tràn như nấm sau mưa mà những người đức hạnh khoanh tay đứng nhìn, thế thì uy quyền của Giáo hội cũng sẽ suy yếu. Đến lúc ấy, ai sẽ cứu rỗi linh hồn của những người thiện tâm để đem họ về với Chúa?

Alexander hiểu rằng uy quyền tâm linh phải được sức mạnh thế tục hỗ trợ. Mặc dầu quân Pháp đã rút đi chỉ còn lại mấy đạo quân ít ỏi và chúng cũng đã bị quân của Liên minh thần thánh đánh cho tan tác cả rồi, Alexander vẫn nghĩ rằng mình phải nghĩ ra một hình phạt đích đáng để đảm bảo rằng một sự phản bội như thế sẽ không còn tái diễn.

Sau nhiều hồi cân nhắc thiệt hơn, ông lập luận rằng mình cần phải đem bọn Orsini ra làm tấm gương cho những tên nam tước dưới quyền nhìn thấy đó mà dẹp bỏ ý nghĩ phản loạn. Để làm được chuyện đó ông phải sử dụng đến vũ khí tối thượng với uy lực sát thương trí mạng nhất: rút phép thông công! Than ôi, ông không còn lựa chọn nào khác. Ông phải trục xuất cả gia tộc Orsini ra khỏi Hội Thánh.

Rút phép thông công là lời tuyên bố xử phạt quyết liệt nhất và là công cụ uy mãnh nhất thể hiện quyền lực của Giáo hoàng. Bởi đó là một hình phạt không chỉ đối với kiếp này mà còn đến tận kiếp sau. Khi bị khai trừ khỏi Giáo hội, kẻ đó không còn được hưởng ơn phước của bí tích thánh thể. Linh hồn hắn sẽ không được thanh tẩy khỏi tội lỗi qua việc xưng tội; những vết hoen ố sẽ mãi mãi còn lưu dấu mà không được thứ tha, mọi cơ hội xá miễn bị từ chối. Không còn được làm phép hôn phối, con sinh ra không được làm lễ rửa tội, không được chúc phúc và không được rảy nước thánh để bảo vệ khỏi quỷ dữ. Buồn thay! Không còn những nghi lễ để đem lại bình an trong giờ lâm chung, xác thân không được chôn nơi đất thánh. Đây là hình phạt kinh khủng nhất; nói trắng ra, đó là lời phán xét đưa linh hồn kẻ đó vào thẳng Luyện ngục hay thậm chí rơi vào Địa ngục!

Sau khi trục xuất nhà Orsini khỏi nước Thiên đàng, giờ đây Alexander tập trung vào việc hủy diệt quyền lực thế tục của họ. Ông gọi con trai thứ, Juan, từ Tây Ban Nha trở về để đảm nhiệm quyền thống soái quân đội giáo triều – bất chấp sự phản đối của vợ Juan, Maria Enriquez, mới có con. Nàng viện lẽ đứa con thừa tự của Juan, Juan II, mới tròn một tuổi, và cần có cha. Nhưng Giáo hoàng Alexander nhấn mạnh rằng Juan phải rời Tây Ban Nha ngay tức thời để về chỉ huy các đạo quân giáo triều – bởi vì sau sự phản bội của Virginio, Giáo hoàng không còn tin tưởng bất kì condottiere nào nữa. Con trai ông phải lập tức quay về để chiếm giữ các thành phố và các lâu đài của nhà Orsini. Trong khi đó Giáo hoàng cũng gửi một thông điệp cho con rể Giovanni Sforza, ở Pesaro, ra lệnh mang đến càng nhiều quân sĩ càng tốt, và đề nghị sẽ trả lương trọn cả năm cho toàn thể số quân đó, nếu chàng ta khẩn trương thi hành.

* * *

Từ khi chú em Juan được gửi đến Tây Ban Nha, hồng y Cesare Borgia đã hi vọng cha sẽ xem xét việc thay đổi vai trò cho mình. Xét cho cùng, Cesare chính là đứa con trước giờ vẫn luôn sát cánh với cha, cùng bàn quốc sự. Chàng hiểu rõ đất Ý. Juan thuộc về Tây Ban Nha. Và cho dầu cha chàng vẫn thường xuyên nhấn mạnh vị thế của chàng trong Giáo hội Đức Mẹ Thần thánh, Cesare vẫn hằng hi vọng cha sẽ xem xét lại.

Giờ đây ngồi trong dãy phòng riêng của Giáo hoàng, Alexander thổ lộ với Cesare về những kế hoạch của ông đối với Juan – rằng Juan phải chiếm giữ các lâu đài của nhà Orsini.

Cesare nổi sùng. “Juan? Juan?” Chàng nói, không tin ở tai mình. “Nhưng thưa cha, Juan có biết tí gì về chuyện điều quân đâu. Nó có biết gì về chiến thuật đâu. Nó chỉ biết nghĩ cho bản thân nó thôi. Nó chỉ giỏi dụ dỗ đàn bà con gái, giỏi phung phí tài sản của gia đình và giỏi huênh hoang khoác lác phù phiếm mà thôi! Với tư cách là anh nó, con phải ủng hộ nó, nhưng thưa cha, con có thể bịt mắt dẫn quân ra trận mà vẫn bảo đảm cơ hội chiến thắng lớn hơn là giao cho Juan cầm quân.”

Giáo hoàng Alexander nhíu đôi mắt lại và nhìn vào cậu con cả. “Ta đồng ý, Cesare à. Đúng là con thông minh hơn và có tầm nhìn chiến lược cao xa hơn em con rất nhiều. Nhưng con là một hồng y, một ông hoàng của Giáo hội, chứ không phải là một người lính trên chiến trường. Và ta còn lại ai? Đứa em Jofre của con? Bất hạnh thay, nó sẽ cưỡi ngựa đi thụt lùi cho xem. Ta còn không thể tưởng tượng nó cầm nổi món vũ khí nào. Vậy thì, ta còn chọn lựa nào nữa đây? Một người nhà Borgia phải chỉ huy đội quân này, nếu không đòn trừng phạt vì tội phản bội của Orsini đâu còn tác dụng giương oai với đám nam tước của giáo triều.”

Cesare ngồi lặng yên và suy tư trong một lúc rồi trả lời. “Cha thực sự trông chờ Juan mang về chiến thắng cho chúng ta hay sao? Sau những hành xử lố lăng của nó ở Tây Ban Nha, bất chấp những lời cảnh báo của chúng ta về việc không nên bài bạc, không đi lại với gái điếm, và phải tỏ ra kính trọng đúng mức đối với vợ hắn và nhà Enriquez, vốn là hoàng thân quốc thích hàng thứ nhất của vua Ferdinand? Vậy mà cha vẫn cứ chọn nó?”

Giọng baritone sâu lắng của Alexander dịu dàng và trấn an. “Chỉ huy thật sự sẽ là Guido Feltra. Anh ta là một condottiere dạn dày trận mạc, nổi tiếng về tài năng và bản lĩnh quân sự.”

Cesare từng nghe nhiều chuyện về Feltra. Rằng anh ta là người tốt, một kẻ trung thành, chẳng có gì phải bàn cãi; anh ta là một mạnh thường quân nổi tiếng chuyên bảo trợ cho văn học nghệ thuật, và là một vị công tước được dân chúng yêu mến ở Urbino. Nhưng thực ra, anh ta được hưởng tiếng thơm vì là con trai của một võ tướng nhà nghề, người được ban thưởng cả công quốc vì những chiến công hiển hách. Riêng bản thân chàng Guido trẻ này mới chỉ đụng độ vài ba trận nhỏ và thắng quá dễ dàng đám giặc cỏ làng nhàng thì làm sao đối đầu với kinh nghiệm trận mạc của quân tướng Orsini vốn khét tiếng thiện chiến? Nhất là khi họ cố thủ ở pháo đài chính Bracciano, Dĩ nhiên, nếu quân giáo triều cố chiếm lấy Ostia, quê hương của hồng y della Rovere thì cha chàng và thành Rome sẽ thật sự lâm nguy. Nhưng Cesare không nói lời nào về chuyện này cho Giáo hoàng, bởi chàng biết rằng hễ chuyện gì liên quan đến Juan thì cha chàng từ chối mọi lí lẽ. Khuya đêm đó, vẫn còn tức tối, chàng gửi một thông điệp cho em gái, yêu cầu nàng gặp chàng vào tuần sau ở Ngân Hồ. Don Michelotto hứa với chàng là sẽ tháp tùng Lucrezia từ Pesaro đến điểm hẹn.

Khi Lucrezia đến căn lều, Cesare đang đợi nàng. Nàng mặc một áo dài bằng xa-tanh màu thiên thanh làm tôn lên những bím tóc vàng và nổi bật màu xanh trong đôi mắt. Chuyến đi dài một ngày rưỡi làm đôi má nàng đỏ hồng lên vì nắng nóng và vì phấn khích. Nàng chạy ùa vào lều và quàng hai tay quanh cổ anh trai. “Em nhớ anh quá,” nàng nói. Nhưng khi nàng ngửa người ra sau để nhìn chàng, nàng thấy nỗi lo âu hiện lên trong đôi mắt chàng. “Có gì không ổn, Chez? Chuyện gì làm anh bận lòng?”

Cesare ngồi lên chiếc ghế da rộng và đập tay vào chiếc ghế đẩu trước mặt. Lucrezia ngồi xuống, nắm lấy tay chàng cố gắng an ủi.

“Crezia, thật là chuyện điên rồ. Cha đã ra lệnh Juan trở về để cầm đầu quân đội với tư cách thống soái quân đội giáo triều, lòng anh đầy đố kị đến độ tưởng có thể giết nó được…”

Lucrezia đứng lên, đi vòng ra phía sau Cesare, bắt đầu xoa trán chàng để cơn giận nguôi ngoai. “Chez,” nàng nói, “anh phải chấp nhận số phận mình thôi. Không chỉ Juan gây ra phiền não cho anh đến thế. Mà chính anh cũng đáng trách. Cứ làm như cả hai đều còn bé dại, tranh nhau phần bánh Giáng sinh của mẹ Vanozza. Em rất hiểu anh cảm nhận thế nào, nhưng nó chỉ làm anh tổn thương thôi, vì cha sẽ làm những điều như từ trước đến nay vẫn vậy, chỉ theo ý ông thôi.”

“Nhưng anh là người lính thiện chiến hơn Juan, thích hợp hơn nó nhiều để nắm quyền điều binh khiển tướng, và anh sẽ bảo đảm chiến thắng cho Giáo hội và cho Rome. Tại sao cha lại muốn một viên chỉ huy ưa khoe khoang, ngạo mạn – một tên hề chỉ làm ra vẻ như đang cầm quân?”

Lúc đó Lucrezia đang quỳ gối trước mặt Cesare và ngước lên nhìn vào đôi mắt chàng. “Chez, tại sao Papa cũng phải có một đứa con gái làm ra vẻ như hạnh phúc khi kết hôn với tên công tước ngu ngốc xứ Pesaro?”

Cesare mỉm cười. “Lại đây nào,” chàng nói, kéo cô em lại gần hơn. “Bây giờ anh cần em. Vì em là điều có thật nhất trong đời anh. Anh làm ra vẻ như một người của Chúa, nhưng xin thề trên chiếc mũ hồng y và trên tình yêu cho cha, Crezia, anh e rằng mình đã bán linh hồn cho quỷ dữ. Anh không phải là con người mà anh đang cố ra vẻ, anh hết chịu nổi rồi.”

Khi hôn cô em, chàng cố gắng dịu dàng nhưng vì đã chờ đợi quá lâu nên nỗi khát khao khiến chàng không kiềm chế nổi. Chàng hôn nàng vồ vập, tới tấp khiến nàng bắt đầu run rẩy và bật khóc.

Cesare dừng lại và ngước đầu lên nhìn nàng. Những giọt lệ long lanh trong đôi mắt nàng. “Tha lỗi cho anh,” chàng nói. “Anh thật thô lỗ quá.”

“Không phải vì anh hôn làm em đau đến phát khóc đâu. Đó là những giọt lệ thương nhớ và mừng tủi đấy thôi. Thời gian này ở Pesaro cứ làm em mộng tưởng đến vinh quang ở Rome, và anh là một phần của những giấc mơ ấy.”

Sau khi làm tình, họ còn nằm lại trên giường một lúc lâu. Cesare có vẻ thư giãn và Lucrezia lại có thể mỉm cười. Nàng ngả đầu vào vai chàng và hỏi, “Giống như Papa, anh có tin rằng Chúa muốn con cái của Người không nên sống vì tình?”

“Papa nghĩ vậy thật sao?” Cesare nói, vừa lấy tay nghịch tóc em gái. “Nhìn vào cách sống của cha, chẳng ai nghĩ thế cả.”

“Em đã thành hôn với một người mà chắc chắn em chẳng hề yêu,” nàng nói. “Và anh Juan cũng không kết hôn vì tình. Jofre yêu dễ dàng, vậy nên có lẽ nó là đứa may mắn, cho dầu chuyện đó có vẻ lạ lùng. Còn anh, chỉ có chiếc mũ hồng y mới cứu anh khỏi một số phận như em.”

“Một chiếc mũ nặng nề,” Cesare nói.

“Nhưng không thiếu gì lợi lộc,” Lucrezia nhắc nhở chàng.

Mặc xong quần áo, họ ngồi vào chiếc bàn gỗ nhỏ để dùng bữa. Cesare rót cho em gái loại vang thật ngon mà chàng mang theo và nâng cốc mời. “Chúc em hạnh phúc, em gái cưng của ta,” chàng tươi cười nói. Chàng luôn cảm thấy thật an toàn bên Lucrezia, thấy được yêu thương và chấp nhận. Chàng không thể tưởng tượng một cuộc sống thiếu nàng.

Chàng mang đến một ổ bánh mì dài vừa mới ra lò, vỏ màu vàng ươm, giòn tan – đúng thứ mà chàng biết em gái mình thích ăn – cùng mấy khoanh phô-mai tươi nguyên. Trong lúc bẻ bánh mì và cắt phô-mai cho nàng, Cesare nói, “Khi gặp lại Juan ở Rome, anh mong có thể kiềm chế bản thân. Anh phải hết sức kìm nén mới có thể đối xử với nó như em mình.”

Với một nụ cười ranh mãnh, Lucrezia nói, “Anh ấy có thể có những gì anh muốn, Chez à, nhưng anh ấy không có được những gì anh có…”

“Anh biết chứ, cưng à,” chàng nói, hôn lên mũi nàng. “Anh biết rõ chuyện đó, và đấy chính là sự cứu rỗi của anh.”

* * *

Juan Borgia đến thành Rome với nghi thức đại lễ. Chàng ta cưỡi ngựa qua các đường phố, chễm chệ trên lưng một chiến mã màu hạt dẻ phủ tấm vải choàng óng ánh kim tuyến, tay nắm dây cương ngựa được khảm châu ngọc. Chàng ta mặc bộ nhung phục nâu đắt tiền và khoác áo choàng không tay gắn những viên bích ngọc đắt giá. Đôi mắt đen của chàng ta ngời lên vẻ tự hào về quyền lực và đôi môi trề ra nụ cười xấc xược của một người hùng đã lên đỉnh vinh quang!

Khi chàng đến trước điện Vatican, Giáo hoàng ôm hôn chàng, nồng nhiệt chào đón. “Con trai yêu, con trai yêu của ta,” Alexander rối rít lặp lại trên đường vào Đại Sảnh Các Giáo Hoàng, nơi ông đã triệu tập cuộc họp để vạch ra chiến lược cho quân đội giáo triều.

Nhiều giờ trôi qua dành cho việc bàn luận quân cơ với sự tham dự của Guido Feltra, Alexander, Juan, Cesare và Duarte Brandao.

Các cuộc họp bàn tiếp tục trong ba ngày. Cesare để ý thấy trong các cuộc hội nghị này Duarte ít khi nói trực tiếp với Juan nếu như có đề nghị nào, ông ta trình với Giáo hoàng, và gọi Juan bằng tước vị “thống soái quân đội giáo triều,” thay vì gọi tên. Đấy là lần đầu tiên mà Cesare nghi ngờ sự bất mãn của Duarte Brandao, và điều đó được biểu lộ tế nhị đến độ chàng chắc rằng chỉ mình chàng nhận thấy.

Nhưng chiều hôm đó, sau phiên họp cuối, khi Alexander ngồi riêng với Duarte Brandao, ông hỏi, “Anh cho rằng để con thứ của tôi, Juan, cầm quân chinh phạt nhà Orsini là một sai lầm?”

Duarte trả lời với cả sự khôn ngoan và thái độ tôn kính. “Tôi cho rằng thật là đáng tiếc khi chỉ vì thứ tự trên dưới mà một ông hoàng bẩm sinh phải trở thành một chiến binh và một chiến binh đích thực lại phải trở thành hồng y.”

“Nhưng, này anh bạn,” Alexander hỏi, “anh không tin vào số mệnh sao? Vào những hoạch định của Cha Trên Trời? Vào tính bất khả ngộ của Giáo hoàng?”

Duarte nhanh trí ứng đối với chút hài hước ý nhị, “Ai biết được ý cao xa của Cha Trên Trời? Và chúng ta, đám người trần mắt thịt chẳng phạm phải sai lầm trong cách kiến giải hay sao? Ngay cả con người đức hạnh nhất, đáng tôn kính nhất?”

“Này Duarte,” Alexander nói, “Pedro Luis, xin Chúa ban ơn phước cho linh hồn cháu, là con đầu lòng của ta. Cesare là con thứ hai. Theo thông lệ thì đứa thứ nhì được kêu gọi đi phụng sự cho Giáo hội Thần thánh. Sự sắp đặt đó không có gì nhầm lẫn bởi nó kiểm soát quyền lực của các hoàng gia, nhưng vẫn đem lại cho họ ân huệ từ Đức Thánh Cha. Chẳng phải số mệnh của một người vừa là quà tặng vô giá vừa là gánh nặng cả đời? Bởi ai trong chúng ta dám làm theo ý mình khi cầu nguyện, ‘Xin cho ý Cha được thực hiện, lạy Chúa tôi, chứ không phải ý con?’”

Tiếng cười hào sảng của Duarte vang vang khắp đại sảnh. “Thưa Đức Thánh Cha, xin tha lỗi cho tôi. Và cả với lòng kinh sợ lẫn ngưỡng mộ, tôi xin được phép trình bày quan điểm của mình. Làm sao người ta có thể chắc rằng chỉ có chàng chiến binh trẻ Cesare là con thứ nhì của ngài? Cái đào hoa của ngài đã trở thành truyền thuyết và sinh lực của ngài thì ngang tầm với những anh hùng thần thoại. Vậy nên với tôi, thật khó tin rằng không còn những đứa khác bị mẹ chúng giấu đi, không để thiên hạ biết và cũng không cho ngài biết…”

Nghe đến đó, Alexander cũng khoái chí cười lớn. “Anh quả là một nhà tư vấn xuất sắc đồng thời cũng là nhà ngoại giao quá khéo!” Ông nói. “Và nếu như số mệnh của vị hồng y trẻ là trở thành một chiến binh, thì rồi cũng sẽ đến lúc luận chứng của anh có chỗ khả dụng cho chúng ta đấy. Nhưng hiện tại, Juan là thống soái quân đội giáo triều và phải cầm quân ra trận. Vì thế, ngay lúc này, chúng ta đành phải quỳ gối và cầu nguyện cho chiến thắng thôi!”

Chàng trai hai mươi mốt tuổi Cesare, đứng bên ngoài Đại Sảnh Các Giáo Hoàng, trong trang phục của một hồng y, nghe lỏm được cuộc đối thoại này và lần đầu tiên, chàng cảm nhận một tia hi vọng. Có chăng, trên tất cả mọi phản trắc lọc lừa, mọi điên đảo thị phi trong trần gian này, thực sự vẫn có một cõi trời và một Đức Cha lắng nghe tất cả, thấu hiểu tất cả? Chàng tản bộ trở về dãy phòng của mình, đầu óc đầy ắp tưởng tượng, lần đầu tiên chàng đánh bạo mơ tưởng ngày chàng được triệu đến lĩnh ấn tư lệnh quân đội thành Rome.

* * *

Thống soái quân đội giáo triều Juan Borgia và tay condottiere Guido Feltra cầm đầu đạo quân giáo triều từ Rome bắc tiến đến lâu đài thứ nhất trong số các lâu đài của nhà Orsini. Mặc dầu quân tướng nhà Orsini là những chiến binh dũng mãnh, ở đồn lũy đầu tiên này họ bị choáng váng trước số lượng áp đảo của quân giáo triều, và thế là hai lâu đài đầu tiên thất thủ mà không tốn một mũi tên, viên đạn.

Khi tin thắng trận đến tai Duarte, ông ta vào gặp Alexander. “Tôi ngờ đây là một mưu kế để đánh lừa những người chỉ huy mới của chúng ta rằng đây sẽ là một chiến thắng dễ dàng. Sau đó bọn Orsini mới phô ra thực lực của chúng.”

Alexander gật đầu. “Vậy là anh không mấy tin tưởng vào tài cầm quân của Feltra?”

“Tôi từng thấy quân Orsini xung trận…” Duarte nói.

Cesare đã được Alexander gọi đến bởi cha chàng biết tầm nhìn chiến lược của chàng. Và bây giờ Giáo hoàng hỏi chàng, “Con cứ việc nói thật. Trong tình huống này con cho là nguy cơ lớn nhất nằm ở đâu?”

Thận trọng kiềm chế cảm xúc, Cesare trả lời có dè dặt. “Con e rằng Feltra, về chuyện quân sự, cũng không tài ba hơn tổng chỉ huy nhà ta. Và con dự đoán rằng chiến thắng dễ dàng này sẽ đặt cả hai vào tâm trạng tự mãn, lơ là phòng bị – có thể là tiền để cho thảm họa ở Bracciano, nơi quân Orsini sẽ tập hợp tinh binh. Và tại đó della Rovere sẽ cố làm cho chúng nghĩ rằng đây là cuộc thánh chiến, khiến sĩ khí tăng cao.”

Giáo hoàng kinh ngạc với cách đánh giá tình thế thật sáng suốt của cậu con cả, nhưng ông vẫn chưa biết Cesare chính xác đến mức nào đâu. Bởi không quá vài ngày trước, cuộc kháng cự của quân Orsini trở nên cường ngạnh và della Rovere, địch thủ nguy hiểm nhất của Giáo hoàng, cầu viện tay chỉ huy pháo binh lừng danh Vito Vitelli xuất quân ứng cứu quân Orsini.

Vitelli chuyển quân thần tốc, đánh úp quân giáo triều ở Soriano. Ở đó cả Juan và Guido Feltra tỏ ra vô năng bất lực một cách tuyệt vọng và đạo quân giáo triều bị giáng cho một đòn choáng váng đến tan tác. Guido Feltra bị bắt làm tù binh và bị ném vào ngục tối nơi một trong những lâu đài của Orsini. Juan may mắn thoát được, chỉ bị một nhát chém vào mặt không nguy hiểm lắm.

Nghe được tin này, và an tâm vì cậu con cưng không bị thương tích trầm trọng, Alexander lại gọi Cesare và Duarte vào Đại Sảnh Các Giáo Hoàng.

“Cuộc chiến này chưa ngã ngũ đâu,” Duarte trấn an Giáo hoàng, “vì chúng ta còn có những nguồn lực khác nữa mà.”

Cesare tiếp lời, “Và nếu Đức Thánh Cha nhận định rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng, người vẫn có thể kêu gọi những đạo quân Tây Ban Nha dày dạn trận mạc của Gonsalvo de Cordoba ở Naples mà…”

Nhưng sau khi họp với sứ thần của Tây Ban Nha, Pháp và Venice – tất cả họ đều khẩn cầu hòa bình – Giáo hoàng Alexander, vẫn luôn là nhà ngoại giao, miễn cưỡng đồng ý trả lại những lâu đài đã thất thủ cho nhà Orsini. Tất nhiên họ phải trả một cái giá cho cuộc dàn xếp này. Sau nhiều cuộc cò kè, cuối cùng Giáo hoàng chấp nhận giá chuộc năm mươi ngàn ducat. Bởi xét cho cùng, số tiền bồi thường ở mức đó là cần thiết để làm đầy những két sắt của Giáo hội Công giáo La Mã.

Kết quả có vẻ là một thắng lợi cho Giáo hoàng. Nhưng khi Juan trở về, chàng ta lại than phiền một cách cay đắng rằng mình bị ngáng chân không được tiếp tục những cuộc chinh phục tương lai và bị tước đoạt mất những chiến lợi phẩm đáng giá vì hiệp ước cầu hòa của Alexander. Thế cho nên, chàng lập luận chính chàng mới là người xứng đáng được hưởng năm mươi ngàn ducat vì vụ việc mất mặt này. Cesare hốt hoảng khi biết Giáo hoàng chiều theo ý Juan. Nhưng theo nhận định của Cesare, vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế nhiều. Nhằm cứu vãn danh tiếng của mình, Juan khăng khăng rằng chàng ta phải được ủy thác nhiệm vụ tái chiếm Ostia từ tay đám quân Pháp do vua Charles để lại.

Cesare tức tốc chạy vào phòng của cha để biện giải với ông. “Thưa cha, chỉ còn một ít quân Pháp trấn thủ nơi đó, con biết thế. Nhưng nếu không hoàn toàn chắc thắng, Juan vẫn sẽ thua như thường, và với sự thất bại đó, thảm họa sẽ ập đến cho giáo triều và cho nhà Borgia. Bởi della Rovere đang ở đó và giăng bẫy chờ đợi thằng ngốc đó.”

Alexander thở ra. “Cesare, chúng ta đã đề cập chuyện này nhiều lần rồi. Bộ con nghĩ cha con khờ đến độ không thấy được điều con thấy hay sao? Lần này, ta đảm bảo sẽ có chiến thắng. Ta sẽ triệu tướng quân Gonsalvo de Cordoba – bởi trên đời này không có nhà cầm quân nào tài giỏi hơn ông ta.”

Giọng của Cesare vẫn còn đầy bực bội. “Điều đó không cản được em con đâu. Nó sẽ can thiệp vào việc quân. Nó sẽ tranh quyền với Cordoba – cha biết tính nó mà. Thưa Đức Thánh Cha, con thiết tha xin người nghĩ lại.”

Nhưng Alexander vẫn nhất quyết. “Juan sẽ không làm gì đâu, ta đã dặn dò nó rất rõ rồi. Nó chỉ cần lên ngựa dẫn đầu lực lượng giáo triều, xuất quân khỏi thành Rome, và khi cuộc chiến đã xong, chúng ta thắng trận, nó sẽ cưỡi ngựa quay về trong khải hoàn, với lệnh kì của nhà Borgia phất phới rợp trời. Còn giữa hai cuộc trình diễn hoành tráng kia, nó sẽ không được ra lệnh hay nêu ý kiến gì cả.”

* * *

Juan vâng lời cha. Chàng ta chễm chệ oai phong ra khỏi thành trên lưng con chiến mã đen hừng hực khí thế, vẫy mũ chào đám đông dân chúng thành Rome dọc hai bên đường chàng đi qua và theo lệnh cha, chàng hoàn toàn không nhúng tay vào trận đánh ở Ostia.

Dưới tài điều binh khiển tướng lỗi lạc của Gonsalvo de Cordoba, không bị ai xía vào làm rối, quân Tây Ban Nha nhanh chóng đánh bật quân thủ thành Pháp và chiếm lấy Ostia. Juan cưỡi ngựa trở về Rome hát khúc khải hoàn, như khi chàng ra đi, lần này với tiếng hò reo chiến thắng từ những hàng dài dân chúng kinh thành chen đầy các đường phố, rải thảm hoa mừng người hùng chiến thắng.

Ba đêm sau tại cung điện Borgia, hồng y Ascanio Sforza mở một cuộc dạ vũ vô cùng hoành tráng, mời nhiều khách tai to mặt lớn, kể cả những người con của Alexander. Cũng có mặt ở thành Rome vào thời điểm đó là hai anh em nhà Medici, Piero và Gio, bạn của Cesare thời đại học. Nhà Medici đã bị đẩy đi khỏi gia cư của họ ở Florence bởi quân Pháp và bởi những bài giảng của Savonarola.

Cung điện bề thế của hồng y Sforza ngày xưa là chỗ ở của nhà Borgia khi Rodrigo hãy còn là hồng y, nhưng nơi đó đã được tặng lại cho Ascanio khi Rodrigo trở thành Giáo hoàng. Mọi người nhất trí rằng đấy là cung điện đẹp nhất trong cả thành Rome.

Đêm đó Cesare quay về nhà cũ của cha mình cùng đám bạn mà chàng đã bù khú ăn nhậu, bài bạc suốt đêm trước trong thành phố.

Các bức tường của tiền sảnh rộng lớn treo đầy những bức thảm thêu tinh tế, từng đường kim mũi chỉ như tái hiện sinh động những khoảnh khắc lịch sử trọng đại. Qua khỏi tiền sảnh này, khách lại bước chân vào nhiều căn phòng khác cũng treo đầy các bức thảm thêu hoa mĩ, nền nhà được phủ những tấm thảm Đông phương vô giá, hòa hợp với những nệm bọc ghế ngồi bằng nhung và xa-tanh, tôn lên vẻ đẹp của những chiếc tủ, bàn gỗ khắc chạm lộng lẫy.

Nhưng vào chiều tối hôm đó đại sảnh đã được trang hoàng lại thành một phòng khiêu vũ với một dàn nhạc chơi nơi gác lửng cho các cặp trai thanh gái lịch nhảy múa với nhau.

Cesare hôm đó cặp kè với một em gái bao hấp dẫn và nổi tiếng, vừa mới khiêu vũ xong thì Gonsalvo de Cordoba tiến gần lại chàng. De Cordoba vốn dũng mãnh và luôn luôn nghiêm trang đứng đắn, đêm hôm đó lại tỏ ra bối rối, bực bội một cách khác thường. Ông ta cúi đầu thi lễ và hỏi Cesare có thể nói chuyện riêng với chàng được không.

Cesare cáo lỗi với cô bạn nhảy và dẫn viên tướng Tây Ban Nha đến chỗ ban-công lộ thiên nơi chàng từng chơi đùa khi còn bé. Ban-công nhìn ra một góc vườn riêng nơi đó nhiều khách khứa đang đi lại lòng vòng, trò chuyện vui đùa trong lúc nhấm nháp mấy món khai vị và nhâm nhi những li vang đỏ được người hầu bưng mời trên những khay bạc sáng bóng.

Nhưng bầu không khí vui vẻ của đêm hội bỗng bị khựng lại vì biểu cảm bất thường của Cordoba mà khuôn mặt thường ngày vẫn luôn hòa nhã, dễ mến, lúc đó lại nhăn nhó méo mó vì giận dữ. “Này Cesare, cậu em của anh làm tôi sôi máu hơn anh và tất cả mọi người nghĩ đấy.”

Cesare đặt bàn tay lên vai viên tướng để tỏ lòng hữu hảo và trấn an. “Cậu em tôi đã làm chuyện gì vậy?” Chàng hỏi.

Giọng viên tướng khàn đi vì căng thẳng. “Anh có biết rằng em anh chẳng phải động tay trong cuộc chiến ở Ostia?”

Cesare cười toác miệng. “Tôi biết chứ, thưa tướng quân, và tôi vẫn nghĩ như thế. Bởi vì phe ta thắng mà.”

“Và anh có biết rằng Juan đang tranh công, cho rằng chiến thắng này hoàn toàn là nhờ hắn?”

Cesare lắng nghe với vẻ đồng cảm trong lúc viên tướng nổi đóa, “Juan rêu rao khắp nơi rằng chính hắn – chứ không phải chúng tôi – là người đánh cho quân Pháp chạy tóe khói.”

“Hắn là đứa khoác lác, thùng rỗng kêu to ấy mà,” Cesare nói, “và những lời huênh hoang của hắn quả là lố bịch. Không có ai ở thành Rome này tin hắn đâu. Nhưng để xem ta có thể làm gì để sửa chữa cái bất công quá quắt này.”

Gonsalvo, vẫn còn giận lắm, nên không dễ nguôi ngoai. “Nếu ở Tây Ban Nha, chắc chắn tôi đã thách hắn một trận quyết đấu chết bỏ rồi. Nhưng kẹt là ở đây…” và ông ta dừng lời để lấy hơi. “Anh có biết rằng cái tên ngu ngốc ngạo mạn đó đã thực sự sai người đúc mề-đay bằng đồng để đem phân phát nhằm vinh danh hắn?”

Cesare chau mày. “Mề-đay?” Chàng lặp lại, ngạc nhiên. Chàng chưa từng nghe chút gì về chuyện đó.

“Mề-đay sẽ khắc chân dung hắn. Bên dưới, là dòng chữ được chạm khắc tinh xảo, Juan Borgia – Người Chiến Thắng ở Ostia.”

Cesare rất muốn phá lên cười vì sự ngông cuồng phi lí của thằng em, nhưng cố kiềm chế để không đốt bùng thêm lửa giận nơi Gonsalvo. Chàng ôn tồn nói, “Không có người lính nào trong quân đội giáo triều, và chắc chắn cũng không một người lính Pháp nào, mà không biết sự thật. Rằng chính ông, Gonsalvo de Cordoba ạ, chính ông mới là Người Chiến Thắng ở Ostia.”

Nhưng viên tướng Tây Ban Nha không thể nguôi giận. Thay vì thế ông ta hầm hầm nhìn về phía Cesare. “Juan Borgia? Người Chiến Thắng ở Ostia? Rồi sẽ thấy! Ta sẽ giết hắn. Ta vẫn có thể mà…” Thế rồi ông ta quay gót, rời khỏi ban-công vào lại trong cung.

Cesare còn đứng đó một lúc lâu sau khi de Cordoba đi khỏi, nhìn đăm đăm vào bầu trời đêm và ngạc nhiên tự hỏi không hiểu vì duyên cớ gì mà chàng và cái thằng nhóc mà thiên hạ gọi là em trai của chàng đó, lại có thể từ một mẹ sinh ra. Đúng là một vố chơi khăm của số mệnh, chàng tin như thế. Nhưng chưa kịp quay gót trở lại phòng khiêu vũ, chàng bỗng chú ý nhìn xuống sân.

Bên dưới chàng, quanh đài phun nước trung tâm, Cesare thấy đứa em Jofre của mình bàn bạc gì đó với viên tướng Tây Ban Nha và một chàng trai trẻ hơn, cao mảnh khảnh nhưng trông rắn chắc, khỏe mạnh. Họ nói quá nhỏ nên chàng không thể nghe được. De Cordoba đang chăm chú lắng nghe, đặt cả tâm trí vào cuộc trò chuyện, trong khi anh chàng trẻ hơn hình như đang nhìn dáo dác quanh khoảng sân như thể đang tìm ai vậy. Nhưng chính Jofre, thường ngày vẫn có vẻ dễ thương và không hề quan tâm đến chuyện thiên hạ, mặc ai muốn làm gì thì làm, mới khiến cho Cesare sửng sốt nhất. Bởi trên mặt cậu ta đang biểu lộ vẻ hung tàn đáng sợ mà trước nay Cesare chưa hề thấy.

Cesare định lên tiếng gọi họ, thì chàng chợt cảm nhận một bàn tay trên cánh tay mình. Đứng ngay phía sau chàng, một ngón tay đặt trên môi, Don Michelotto kéo Cesare từ gờ của ban-công lùi vào một góc khuất. Ẩn mình trong bóng tối, họ theo dõi một lúc lâu cho đến khi viên tướng nọ mỉm cười và bắt tay chàng thiếu niên Jofre. Khi Jofre đưa tay tới để bắt tay anh chàng trẻ hơn, Michelotto nhìn thấy một chiếc nhẫn hoàng ngọc lớn pha màu lục, được cắt góc không đều, ánh lên lấp lánh qua những mảnh sắc cạnh bắt lấy ánh trăng. Anh ta chỉ vào đó, “Lưu ý nhé, Cesare. Vì anh chàng đó chính là Vanni, cháu họ của Orsini.” Sau đó, cũng nhanh như khi xuất hiện, Michelotto biến đi.

Trở lại bên trong cung, Cesare rảo bước qua các phòng cố gắng tìm Jofre, nhưng dường như cậu ta cũng biến đi đâu rồi. Chàng gật đầu với cô em Lucrezia đang nhảy nhót với thằng chồng ngốc nghếch của nàng, Giovanni; gần đó, hoàn toàn không biết gì về cái đống lộn xộn mình đang tạo ra, Juan vẫn nhảy nhót vi vút với cô em dâu Sancia. Cả hai đứa cười hả hê vì đang có một khoảng thời gian thật tuyệt vời. Nhưng điều làm Cesare quan tâm nhất là de Cordoba, khi ông ta rời vũ hội, bỗng dưng nét mặt thư thái hẳn ra.

Bình luận
720
× sticky