Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiếc Nhẫn Tình Yêu

Chương 8

Tác giả: Danielle Steel

–Ariana ơi! – Ông Walmar đứng dưới chân cầu thang gọi lên, và chờ đợi. Nếu cô bé không vội lên thì trễ mất! Ông lại gọi:

–Ariana!

Bảy năm qua, cửa phòng Kassandra ông vẫn cho đóng kỹ, để đấy. Hai con ông thì đã quen với phòng của chúng trên lầu. Ông cũng đã có lần định đưa chúng xuống ở gần ông, nhưng chúng lại thích ở trên lầu hơn, quen rồi…

Đồng hồ đổ nhạc ba mươi phút. Đèn trên lầu bật sáng. Ông nhìn lên thấy con gái đứng ở đầu cầu thang, mặc đồ trắng, tóc cài hoa trắng. Trông cô bé xinh gọn, đôi mắt sáng long lanh.

Ariana từ từ xuống thang lầu. Gerhard đứng bên trên nhìn xuống cười, và nói với cha:

–Trông chị ấy đẹp phải không ba? Như một cô gái!

Ariana và ông Walmar đều cười. Ông nói lên:

–Thì một cô gái chứ gì nữa, và có thể nói là tuyệt vời đấy!

Ông đã sáu mươi lăm vào mùa xuân này. Và tình thế hiện nay thì không dễ dàng gì cho ông lắm. Có thể nói là không dễ dàng gì cho bất cứ ai cũng được. Đất nước đã lâm vào chiến tranh ba năm nay. Nhưng cuộc sống thì không thay đổi gì nhiều ở Berlin. Vẫn có dạ tiệc, kịch nhạc, vô số những hình thức giải trí… Nhưng ở tuổi ông, thì ông đã mệt với các chuyện đó. Lại thêm phải lo việc gia đình, điều hành ngân hàng, cố tránh mọi phiền phức, tìm cách giữ các con ông, không cho nhiễm độc thời đại.. Tất cả thật là không dễ cho ông. Ông cố gắng giữ vững. Nhà ngân hàng Tilden vẫn còn hoạt động, các quan hệ của ông với Đệ Tam Đế Chế vẫn tốt, cuộc sống của ông vẫn còn an toàn, ông vẫn còn có ích cho Đảng Quốc Xã nên không ai phiền hà gì ông và các con ông.

Khi Ariana và Gerhard đến tuổi gia nhập đoàn thiếu niên, ông đã viện cớ chúng bị suyễn, lại mất mẹ nên nhút nhát, chỉ lo học, không gia nhập đoàn thể được.. Ông là một nhà quý phái góa vợ, với hai con, có nhà băng, thì chỉ cần kiên nhẫn chịu đựng, khôn ngoan giữ bình tĩnh, làm như mù và câm… là có thể sống ở Đức lúc này.

Ông có nhớ một lần, khoảng ba năm sau khi vợ ông chết, Ariana đến thăm cửa hàng trước đây thường may áo cho Kassandra, nó đã kinh hoảng khi thấy cửa tiệm ấy bị cả chục người lính đập phá, và treo bảng ở cửa đề là “Quân Do Thái”. Nó chạy đến nhà ngân hàng và khóc lóc. Ông đã phải đóng cửa phòng dặn nó ngay:

–Con không được nói với ai nghe chưa. Con không được bàn luận hay thắc mắc gì cả nghe! Đừng nói với ai những điều con thấy.

Nó nhìn ông chăm chú, ngạc nhiên nói:

–Nhưng nhiều người khác cũng thấy mà! Những người lính đều mang súng.. Và, ba ơi, có máu ở cửa sổ đấy!

–Không, Ariana, coi như con không thấy gì cả!

–Nhưng…

–Im ngay! Trưa nay con ở đây ăn cơm với ba tại nhà hàng Tiergarten. Con ngồi đây chờ. Uống một ly sôcôla nóng đi. Rõ chưa?

Ariana chẳng hiểu gì cả. Ba mà cũng sợ chăng? Ai mà dám động đến ba? Vả lại ba đâu phải Do Thái!

–Con hiểu chưa Ariana?

–Con hiểu, nhưng tại sao thế?

Walmar thở dài. Ông biết nói với con thế nào. Nó mười hai tuổi. Giải thích cho nó thế nào?

Sau đó một năm tình hình càng tệ hơn nữa. Tháng chín thì chiến tranh bùng nổ. Ông càng thận trọng giữ gìn cuộc sống của ông và các con, và đã được bình yên.

Nay thì Gerhard được mười hai tuổi rưỡi. Ariana đã mười sáu. Nhưng không có gì thay đổi lắm. Hai con ông vẫn ngờ rằng cha mình rất ghét Hitler, tuy nhiên không bao giờ thảo luận chuyện đó với nhau. Nguy hiểm lắm. Ai cũng biết rằng nói mình ghét Hitler là điều cực kỳ nguy hiểm.

Ba cha con vẫn sống ở Grunewald, vẫn đi nhà thờ ở đấy, và hai con Walmar vẫn học ở trường cũ. Nhưng không đi thăm nhà ai như xưa nữa. Walmar kềm hai con rất kỹ, giải thích rõ ràng, nên chúng nhận hiểu. Chúng hiểu là đất nước chiến tranh nên đâu đâu cũng có lính, có gái xấu, và nhiều nhà tổ chức dạ tiệc chiêu đãi sĩ quan và bạn bè…

Berlin vui nhộn ngoài mức tưởng tượng. Song con của Walmar hiểu rằng chuyện đó là buồn. Vì lẽ có nhiều gia đình bạn của chúng mất cha, mất anh đi đánh trận ở xa.. Riêng chúng thì đã mất mẹ, không thể mất thêm cha… Chúng thấy cha đã già cũng là điều đỡ lo phải đi ra trận…

Nhưng có lần Ariana mỉm cười nói với ông Walmar:

–Ba đâu có già đến độ không dự dạ hội được?

Cô bé đã ở vào mùa xuân tuổi mười sáu nên rất thích đi dự khiêu vũ. Cô nhớ lúc mẹ còn sống thì cả mẹ lẫn cha đều rất hay đi dự dạ tiệc, khiêu vũ. Thế mà bảy năm qua từ khi mẹ cô chết, cha cô chẳng hề đi đâu. Cô vẫn không hiểu sao mẹ chết, và cha cô không hề giải thích. Hình như tiệc tùng và khiêu vũ chấm dứt theo Kassandra.

Ariana đã nói với ông Walmar:

–Ba, chúng ta có thể đi dự khiêu vũ không ba?

–Khiêu vũ? Trong lúc chiến tranh thế này à?

–Ô, ba à, mọi người đều đi. Ngay ở Grunewald đây người ta cũng thức cả đêm khiêu vũ đấy!

–Nhưng ba nghĩ là con vẫn còn hơi nhỏ, chưa hợp lắm.

–Con mười sáu tuổi rồi mà ba!

Cuối cùng thì Gerhard phụ họa với Ariana để đòi cho cô nàng được đi khiêu vũ. Bà vú Hedwig sửa soạn, trang điểm cho Ariana.

Ông Walmar nhìn con, bảo:

–Con trông xinh lắm.

Cô nàng mỉm cười đáp:

–Trông ba cũng bảnh bao quá!

Gerhard đứng trên đầu cầu thang cười khúc khích, và nói:

–Trông cả ba, cả chị Ariana, ngộ quá! – Nhưng cậu ta rất tự hào có ba và chị bảnh bao.

Ariana gắt em:

–Thằng quỷ, đi ngủ đi!

Chiếc xe Rolls đưa hai cha con đến nhà hát Opera. Ngồi trên xe, ông Walmar hỏi con:

–Con thấy thích lắm không?

–Thích lắm, ba!

Nhà Opera rất sang trọng, cầu thang đều lót thảm đỏ, phòng khiêu vũ rực ánh đèn. Phụ nữ mặc áo quần sang trọng, đeo kim cương lấp lánh. Đàn ông thì mặc quân phục đeo huy chương. Walmar chán nản thấy lá cờ đỏ có quốc huy Đế Chế đen trắng treo ở hội trường.

Tiếng nhạc êm dịu đưa đẩy người ta thích thú khiêu vũ. Ariana mở thao láo mắt ra nhìn, đôi mắt như hai hồ thủy…

Ariana khiêu vũ với ông Walmar bản nhạc đầu. Rồi ông khéo léo dẫn nàng đến những người bạn quen của ông. Các nhà làm ngân hàng ngồi thành nhóm thân nhau. Ariana vui vẻ chuyện trò được khoảng vài mươi phút thì ông Walmar nhận thấy có một thanh niên cao lớn đến đứng gần. Anh ta vừa nói chuyện với một người bạn vừa nhìn có vẻ chú ý Ariana. Ông Walmar phải vờ dìu Ariana ra sàn nhảy. Ông muốn con gái ông khiêu vũ với người khác, tuy nhiên ông không thích bọn quân nhânkhiêu vũ với Ariana.

Ariana còn trẻ trung và xinh đẹp nên chắc chắn là nhiều người chú ý. Nhất là đôi mắt xanh của cô nàng như thôi miên các chàng trai trẻ.

Lúc dứt bản nhạc, họ trở về bàn, thì người sĩ quan trẻ đến ngay. Y hỏi:

–Thưa ngài là Von Gotthart ạ? – Walmar gật đầu. Viên sĩ quan đưa tay chào theo kiểu “Hoan hô Hitler”. Ông Walmar lại gật đầu. Viên sĩ quan nói:

–Chắc đây là con gái ngài ạ?

–Vâng. Cháu còn trẻ quá, đáng lẽ không tham dự đây được, song tôi đi với cháu nên cũng yên tâm.

Ariana nghe ba nói rất bực, nhưng không dám phản đối. Viên sĩ quan mỉm cười rất tươi nhìn nàng. Y có hàm răng trắng đều rất đẹp, vóc dáng cao lớn, vai rộng. Y cúi chào ông Walmar rồi xưng tên:

–Thưa ngài Von Gotthart, tôi là Werner von Klaub.

Rồi y nhìn qua Ariana, xong mới nói tiếp:

–Vâng, cô Gotthart còn quá trẻ, song tôi rất lấy làm vinh dự nếu ngài cho phép tôi được khiêu vũ với cô chỉ một bản nhạc thôi.

Walmar do dự. Ông có biết gia đình người thanh niên này. Cũng khó từ chối. Ariana thì lại nhìn ông đầy hy vọng. Ông nói:

–Chắc tôi không từ chối được, phải vậy không?

Ông nhìn Ariana. Cô ta hỏi ngay:

–Con được phép không ba?

–Được.

Von Klaub lại cúi chào, rồi dẫn nàng ra sàn nhảy. Trông hai người rất xứng cặp. Nhưng ông Walmar thì thấy rằng đã bắt đầu có chuyện phải lo lắng. Có lẽ ông không còn có thể giam giữ con gái ông như trước nay nữa rồi. Cuối cùng rồi ông cũng mất đứa con, mà lại về tay một đứa trong “bọn chúng”!

Khi bản nhạc dứt, Ariana liếc nhìn cha. Ông Walmar định lắc đầu. Nhưng rồi ông thấy không thể được. Ông lại gật đầu. Và sau đó lại thêm một bản nữa. Nhưng viên sĩ quan khôn khéo, dứt bản thứ ba thì y đưa Ariana trả lại ông Walmar, cúi chào, và tỏ lời tạm biệt nàng.

Ông hỏi ngay Ariana:

–Cậu ta có nói cậu ta bao nhiêu tuổi không?

–Hăm bốn, ba ạ! – Cô nàng mỉm cười tiếp – Anh ấy rất tử tế. Ba có ưa anh ấy không?

–Ba hỏi lại: thế con có ưa không?

Cô nàng nhún vai. Ông Walmar cười bảo:

–Bắt đầu rồi đó! Con làm cho nghìn trái tim các cậu trai tan vỡ.

Nhưng trong thâm tâm Walmar chỉ muốn con gái ông đừng làm ông sầu khổ thất vọng. Ông đã giữ cho con bấy lâu không nhiễm độc.

Werner von Klaub sau đó có đến thăm gia đình Walmar, nhưng chỉ một vài lần. Ariana đã không làm cho cha cô thất vọng. Qua hơn hai năm nàng không tỏ ra ưa thích Von Klaub.

Ông Walmar nhẹ người khi Von Klaub không đến nữa. Và Ariana cũng chẳng buồn gì. Cô có rất nhiều bạn ở trường. Có vẻ Ariana khôn ngoan hơn từ sau khi mất mẹ. Cô vui lòng với cuộc sống gia đình bên cha và em trai, đôi mắt vẫn luôn phản phất một nỗi buồn kín đáo, trong vẻ trẻ trung. Cho mãi đến mùa xuân năm 1944, ở tuổi mười tám Ariana vẫn ở với cha và em trai, cô không tiếp xúc gì nhiều với thực tế.

Năm đó các đồng minh tăng cường nỗ lực chống lại Hitler, nên Hitler dấn thân vào chiến tranh toàn diện.

Một hôm Ariana đi học về thì nghe ông Berthold nói là cha nàng đang nói chuyện với khách trong phòng. Nàng hỏi:

–Ba tôi có nói là ai không?

–Vâng, thưa cô. – Ông ta điếc nhưng làm như nghe cô chủ nói. Ariana biết ngay là ông ta không nghe nàng hỏi gì.

Nàng bèn hỏi lớn hơn:

–Cha tôi có bảo người đến thăm đó là ai không?

–A… Thưa cô không!

–Thôi được…

Nàng lên phòng riêng của nàng. Bữa đó nàng bí mật bàn luận với bà Frau Klemmer, một gia nhân thân tín trong số đông đảo gia nhân nhà nàng, là thử mở lại cửa phòng của mẹ nàng xem sao. Đã chín năm phòng im ỉm không hề mở cửa. Bà Frau Klemmer hỏi:

–Cô đã hỏi ông nhà chưa?

Nàng lắc đầu:

–Chưa. Để tối nay sau khi Gerhard đi khỏi, thì tôi hỏi ba tôi.

Lúc này Gerhard đã mười lăm tuổi, ồn ào và nghịch nên Ariana muốn ở riêng, qua phòng của mẹ nàng cho được yên, không muốn ở chung với cậu em nữa.

Bà Frau Klemmer bảo:

–Có lẽ ông sẽ đồng ý, vì như vậy ông khỏi phải lên cầu thang mỗi lần muốn thăm cô, mệt cho ông.

Bà Frau Klemmer rất có lý. Ông Walmar năm đó đã sáu mươi tám tuổi.

Ariana nói:

–Tôi muốn nói với ba tôi ngay, nhưng bây giờ ông đang có khách. Bà có biết ông khách đó là ai không?

–Dạ biết. Ông Herr Thomas. Hình như ông ta không đựơc khỏe.

Lúc này thì không ai khỏe cả. Ngay ông Walmar lúc này mỗi ngày ở nhà ngân hàng về đều có vẻ mệt nhọc vô cùng. Đế chế của Hitler càng ngày càng làm áp lực với mấy chủ ngân hàng, đòi hỏi những số tiền không sẵn có.

Lúc bà Frau Klemmer ra ngoài thì Ariana ngồi thừ suy nghĩ một hồi lâu, không biết có nên xuống gặp cha nàng ngay không. Nàng muốn gặp ông bạn của cha xem sao.

Ông Herr Thomas trẻ hơn cha nàng gần ba mươi tuổi. Nhưng cha nàng rất thích ông ấy. Ông ta từng làm việc cho ông Walmar hơn bốn năm, rồi mới qua ngành luật. Lúc ông học luật thì ông cưới một cô bạn cùng lớp, họ có ba con.

Người con trai út của họ hiện nay được ba tuổi. Nhưng bà là người Do Thái nên bị bắt cùng ba con. Sự kiện đó làm cho Herr Thomas đau đớn, già đi cả chục tuổi. Ông đã tìm kiếm cùng khắp mà không biết họ đưa vợ con ông ta đi đâu…

Ariana gõ cửa. Nàng nghe bên trong tiếng nói chuyện thì thầm. Nàng định bỏ đi thì có tiếng ông Walmar trả lời.

Nàng mở cửa hỏi:

–Ba con vào được không?

Nàng giật mình thấy ông Thomas đang ngồi ôm mặt khóc. Ariana nhìn cha nàng, ông Walmar ngoắt nàng lại hình như muốn nàng giúp đỡ gì đó cho ông Thomas.

Lúc Ariana bước lại gần thì ông Thomas bỏ tay xuống. Vẻ mặt ông ta đầy tuyệt vọng. Ariana hỏi:

–Ông Max.. có chuyện gì thế? – Max là tên gọi thân của ông Herr Thomas. Ariana quỳ xuống cạnh ông ta. Ông ôm nàng và khóc nức nở. Một hồi lâu ông mới nói:

–Cám ơn. Tôi thật khổ…

–Vâng, chúng tôi hiểu…

Ông Walmar lặng lẽ rót cho Max một ly rượu.

Ông Max đưa tay quẹt nước mắt, rồi cầm ly rượu nhắp một chút. Ariana hỏi:

–Phải chuyện bà Sarah không?

–Tất cả chết rồi… Sarah và ba cháu…

–Lạy chúa tôi!… – Ariana buồn bã nhìn ông ta, chỉ hỏi:

–Ông có chắc thế không?

Max gật đầu:

–Họ còn bảo là tôi phải biết ơn họ. Rằng tôi bây giờ có thể lấy một người khác cùng nòi giống!!! Lạy Chúa… các con tôi… Lạy Chúa…

Nước mắt Ariana trào ra. Ông Walmar nghĩ là Max nên rời khỏi Berlin, ông bảo:

–Max. Bây giờ anh phải suy nghĩ. Định làm sao đây?

–Ý ông nói sao?

–Ông có ở lại đây được chăng? Bây giờ biết rõ mọi sự rồi đấy!

–Tôi đã định bỏ đi từ lâu rồi kìa. Hồi năm ba tám. Tôi đã bảo Sarah rồi.. Nhưng bà ấy không chịu… vì còn chị em, rồi mẹ bà ấy… Rồi lúc sau này thì tôi phải ở lại để tìm cho ra bà ấy và các con tôi… Lạy Chúa… nào ngờ…

Ông Walmar nhìn người bạn, muốn chia sớt đớn đau cùng Max. Ông bảo:

–Bây giờ thì ông rõ sự thật rồi. Ông ở lại đây chúng sẽ theo dõi xem ông làm gì, đi những đâu, liên lạc với ai. Ông sẽ bị chúng nghi ngờ. Thôi, ông phải ra đi cho xong.

Max Thomas lắc đầu:

–Nhưng tôi đi đâu bây giờ?

–Bất cứ đâu. Thụy Sĩ chẳng hạn. Hoặc Mỹ. Miễn sao ra khỏi nước Đức, Max ạ. Ông ở lại đây là bị hại. – Walmar nghĩ đến Kassandra, rồi Dolff. Nhưng Max vẫn lắc đầu.

–Tôi không thể đi được!

–Sao không? – Walmar có vẻ tức giận, và tiếp – Lạy Chúa, ở lại làm gì nữa nào? Đi mẹ nó đi!

Ariana kinh ngạc nhìn cha. Nàng chưa bao giờ thấy cha nàng quyết liệt đến thế. Nàng tiếp lời:

–Ông Max… Ba cháu nói đúng đấy. Sau này ông trở về cũng được.

Ông Walmar vẫn đứng, và nói tiếp với Max:

–Ông phải làm lại cuộc đời đâu đó, bất cứ ở đâu. Nhưng phải ra khỏi nước Đức trước khi quá muộn.

Max nhìn xa vắng:

–Đã muộn rồi ông ạ…

Walmar thở dài, ngồi xuống ghế, vẫn nhìn bạn ông và bảo:

–Vâng, tôi hiểu. Nhưng Max ạ, ông vẫn còn cuộc đời ông. Ông đã mất Sarah và các con, đừng để mất thêm cả cuộc đời ông nữa!

Max lại khóc, nói:

–Làm sao đi được? – Max nghĩ đến nhà cửa, gia tài, đất nước, nơi đã ấp ủ những mộng ước của ông.

Walmar bảo:

–Chúng ta sẽ nghĩ cách xem sao. Lúc này đang lộn xộn, chỉ cần ông biến đi thôi. Thật vậy, ông đi ngay bây giờ, họ sẽ nghĩ rằng ông bị điên nên đã tự tử hay gì đó. Họ không nghi ngờ gì. Để sau này là họ nghi đấy!

–Nghĩa là ngay bây giờ, rời nhà ông, thì tôi đến biên giới ngay phải chăng? Đi với gì? Với chiếc áo choàng, chiếc cặp, và chiếc đồng hồ vàng do ông nội tôi để lại đây à?

Walmar gật đầu:

–Có lẽ nên vậy!

–Ông khuyên nghiêm túc chứ?

Ariana nhìn cha, rồi nhìn ông Max. Nàng xúc động quá sức. Thật như thế chăng? Họ giết phụ nữ, giết trẻ em, buộc người ta phải trốn đi trong đêm như vậy chăng? Nàng thấy một nỗi sợ dâng lên. Và mặt nàng tái nhợt.

Ông Walmar bảo ông Max:

–Vâng, tôi thấy là ông nên đi ngay.

–Tối nay?

–Có lẽ nên đi ngay tối nay! Ông nghĩ thế nào?

Max chăm chú nghe lời Walmar. Và ông ta hiểu rằng lời nói của Walmar là rất ý nghĩa. Còn lý do gì để cho ông bám víu lại một đất nước đã hủy hoại tất cả những người thân thiết của ông?

Ông yên lặng gật đầu. Một lúc lâu ông nói:

–Ariana, con muốn về phòng của con chưa?

Nàng nhìn cha có vẻ dò hỏi:

–Ba muốn để ba nói chuyện với chú Max?

–Không, nếu con muốn nghe cũng được. Nhưng con phải hiểu là chuyện này rất quan trọng, con sẽ không nói với ai, kể cả với em Gerhard, với các gia nhân, và cũng đừng bàn luận gì với ba. Chuyện gì xảy ra, cần giữ yên lặng. Và khi chuyện đã xong rồi, coi như không có gì cả, con rõ chứ?

Nàng gật đầu. Ông Walmar đã coi nàng như người lớn. Ông nhắc lại:

–Con hiểu chứ, Ariana?

–Con hiểu rất rõ ba ạ!

–Tốt lắm.

Ông Walmar nhắm mắt lại một lát, rồi ông nói với Max:

—Tối nay ông sẽ rời đây ở cửa trước, làm bộ như rất lo lắng rồi biến đi luôn. Ông ra chỗ phía hồ. Một lát sau ông trở lại. Tôi sẽ mở cửa cho ông trong bóng tối. Rồi ông ở đây một hai hôm. Sau đó lặng lẽ ra đi. Tới biên giới, qua Thụy Sĩ, rồi đi luôn. Sống cuộc đời mới.

–Rồi tiền bạc đâu? Ông có thể lấy giúp tiền ra khỏi ngân hàng cho tôi không?

Walmar lắc đầu bảo:

–Đừng lo chuyện đó. Chỉ lo khuya nay ông trở lại đây. Rồi sau đó lo đi biên giới. Để tôi lo tiền bạc và giấy tờ.

Max rất xúc động đối với người bạn già đáng kính. Ông hỏi:

–Ông biết có ai làm như vậy chưa?

–Có. Tôi đã nghiên cứu năm sáu tháng nay, phòng khi cần…

Ariana rất ngạc nhiên, nhưng nàng yên lặng. Nàng không ngờ cha nàng đã nghĩ đến chuyện đó. Ông Walmar lại hỏi Max:

–Như vậy chúng ta rõ ràng chưa?

Max gật đầu, hỏi:

–Rõ. Nhưng ông sẽ giấu tôi ở đâu?

Walmar yên lặng một lát. Ông cũng đang phân vân thì Ariana nói:

–Phòng của má! – Ông Walmar nhìn con gái, có vẻ không bằng lòng. Nhưng Ariana tiếp:

–Ba ạ, chỉ có chỗ đó không ai tới gần. – Thật vậy, mọi người trong nhà Walmar coi như không có phòng của bà

Kassandra nữa. Ariana lại nói:

–Ba ạ, chú Max sẽ an toàn ở đấy. Khi chú đi rồi con sẽ dọn dẹp lại. Không ai biết đâu.

Walmar yên lặng một lúc thật lâu. Từ sau khi vợ ông chết, ông đã không hề vào phòng ấy nữa. Ông vẫn không thể nào quên hình ảnh đẫm máu của Kassandra, vết thương trên mặt và trên ngực nàng.

Lúc lâu ông mới nói:

–Không thể nào khác được.

–Tôi rất buồn là đã gây phiền toái cho ông, ông Walmar ạ!

–Đừng có nhảm. Chúng tôi phải giúp ông chứ. Một ngày kia có lẽ ông lại sẽ giúp chúng tôi.

Yên lặng một lúc lâu nữa, Max mới hỏi:

–Ông Walmar, ông cũng định ra đi à?

–Tôi không chắc là đi được. Họ chú ý tôi quá. Họ biết tôi quá. Họ cần tôi. Tôi là nguồn tài chánh của họ. Ngân hàng Tilden rất quan trọng cho Đế chính của Hitler. Nhưng một ngày kia có lẽ tôi cũng phải đi như ông.

Ariana nghe cha nói thì rất kinh ngạc, nàng không hề nghĩ là cha nàng định trốn đi. Vừa lúc đó ông đầu bếp Berhold gõ cửa báo tin bữa tối đã dọn. Cả ba người lặng lẽ rời phòng để dùng bữa…

Bình luận
× sticky