Tiềm năng của con người cũng giống như một đại dương chưa được khám phá, một lục địa mới hãy còn tinh khôi, một thế giới của những khả năng chờ được cởi trói để hướng đến những điều vĩ đại.
– Brian Tracy
Thành công chính là mục tiêu cần phải hướng tới, còn tất cả những điều khác chỉ nhằm tiếp thêm nhiên liệu cho cuộc hành trình đó mà thôi. Tất cả những người thành công đều có thiên hướng chú trọng vào mục tiêu của mình. Họ nhận biết được điều mình kỳ vọng và dồn hết tâm sức trong từng phút từng giờ để đạt được điều đó.
Trong quá trình này, khả năng xác định mục tiêu có thể được xem là kỹ năng quan trọng nhất. Mục tiêu sẽ cởi trói cho thái độ tích cực, giải phóng các ý tưởng và năng lượng giúp bạn nhanh chóng chạm đích. Nếu không có mục tiêu, tương lai của bạn chỉ biết phó mặc cho sự may rủi. Ngược lại, với
một mục tiêu xác định, bạn sẽ lao đi như một mũi tên đang nhắm thẳng đến đích.
Trong bạn luôn tiềm ẩn rất nhiều khả năng chưa được khơi dậy và sự thực là bạn chỉ mới sử dụng một phần rất nhỏ những khả năng ấy. Việc bạn xuất phát từ đâu không thành vấn đề mà điều quan trọng nhất là bạn đang hướng đến đâu. Những ước muốn và suy nghĩ của bản thân sẽ thúc đẩy bạn tự tin phát triển năng lực và kích thích mức độ cảm hứng để bạn tiến nhanh về đích.
BẠN SẼ TRỞ THÀNH NHỮNG GÌ BẠN THƯỜNG NGHĨ ĐẾN NHẤT
Có lẽ phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại chính là sức mạnh tinh thần của một người có khả năng tạo ra hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc đời họ. Mọi thứ do bàn tay con người tạo nên trong thế giới này đều thoát thai từ một suy nghĩ hay một ý tưởng của một người nào đó trước khi được chuyển thành hiện thực. Bạn có nhận thấy rằng mọi hành động, việc làm của mình đều bắt nguồn từ một ý nghĩ, ước muốn, hy vọng, ước mơ của chính bạn hay một người nào khác? Tư duy của con người luôn mang tính sáng tạo. Nó định hình thế giới riêng của mỗi người và ảnh hưởng tới mọi điều xảy đến với người đó.
Thế giới bên ngoài chính là tấm gương phản chiếu thế giới trong con người bạn, nó tạo nên một triết lý vô cùng giá trị: Bạn sẽ trở thành những gì bạn thường nghĩ đến nhất.
Khi được hỏi về những điều mà mình thường nghĩ đến, những người thành đạt cho biết họ thường nghĩ đến điều mà họ muốn có, và làm sao để đạt được điều đó. Trong khi đó, những người kém thành công và không cảm thấy hạnh phúc lại thường nghĩ và nói về những điều mà họ không muốn gặp phải. Họ bận rộn với những điều phiền muộn của mình hay về những khiếm khuyết của người khác.
Sống không mục tiêu cũng giống như lái xe trong màn sương mù dày đặc. Dù cho xe của bạn có tiện ích, có hiện đại đến đâu chăng nữa, thì bạn vẫn phải lái đi chậm chạp, dè chừng ngay cả trên những con đường bằng phẳng nhất. Một mục tiêu rõ ràng cho phép bạn tăng tốc, tiến nhanh về phía trước để đạt được những điều mình thực sự mong muốn.
THIẾT LẬP MỤC TIÊU
Bạn bắt một con chim bồ câu có bản năng tìm đường về nhà và bỏ nó vào một cái lồng. Dùng một tấm vải phủ lên chiếc lồng và cho vào trong một cái thùng. Đậy kín thùng lại và cho vào ca-bin của một chiếc xe tải. Sau đó, bạn lái chiếc xe tải ấy đến một
địa điểm thật xa địa điểm ban đầu. Khi bạn mở thùng và thả con bồ câu ra khỏi lồng, nó sẽ bay lên không trung, lượn vài vòng, rồi bay ngược về đúng nơi mà ta đã bắt nó đi, dẫu nơi ấy cách xa hàng ngàn ki-lô-mét.
Bạn cũng có khả năng hướng đến mục tiêu tương tự như loài bồ câu, nhưng ở bạn thậm chí còn có thêm một điểm kỳ diệu hơn. Khi biết rõ mục tiêu của mình, bạn không cần quan tâm đến việc mục tiêu đó đang ở cách bạn bao xa hay làm thế nào để đạt được nó, bạn chỉ cần quyết định xem mình thực sự mong muốn điều gì và từ đó hướng thẳng đến điều mình mong muốn. Một điều kỳ diệu là mục tiêu cũng sẽ dịch chuyển về phía bạn một cách chính xác, và tại một thời điểm cụ thể trong tương lai, ở một nơi chốn cụ thể, bạn và mục tiêu của mình sẽ gặp nhau.
Đây là những hành động thuộc về bản năng, thế nên bạn hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu của mình, bất kể đó là một việc đơn giản như xem chương trình truyền hình tối nay hay tạo dựng một cuộc sống viên mãn. Giống như một cỗ máy đã được lập trình sẵn, cơ chế tìm kiếm mục tiêu của bạn hoạt động một cách tự động và liên tục nhằm đáp ứng tất cả những điều bạn mong muốn vốn đã được “cài đặt”.
Quy mô mục tiêu phụ thuộc vào cảm nhận của bạn về khả năng vốn có của bản thân. Nếu bạn đặt
ra cho mình những mục tiêu nhỏ bé, cơ chế tìm kiếm mục tiêu tự động sẽ giúp bạn thỏa ước nguyện. Nếu bạn thiết lập những mục tiêu lớn lao, năng lực tự nhiên sẽ thúc đẩy bạn đạt được những mục tiêu đó. Tóm lại, bạn hoàn toàn có quyền quyết định quy mô, phạm vi và chi tiết của mục tiêu mà mình muốn hướng đến.
TẠI SAO MỌI NGƯỜI KHÔNG THIẾT LẬP MỤC TIÊU CHO MÌNH?
Đây là một câu hỏi thú vị: Nếu việc tìm kiếm mục tiêu là tự động thì tại sao số người biết hoạch định mục tiêu rõ ràng, cụ thể và bài bản lại quá ít? Đây thực sự là một trong những bí ẩn lớn nhất của con người. Theo tôi, có bốn lý do chính giải thích cho điều này:
Đa phần con người nghĩ rằng mục tiêu không thật sự quan trọng
Hầu hết mọi người không nhận ra tầm quan trọng của việc xác lập mục tiêu. Nếu bạn sống trong một môi trường mà những người thân hay bạn bè xung quanh không bao giờ bàn luận hay có những đánh giá về ý nghĩa của mục tiêu thì rất có thể bạn sẽ lớn lên nhưng không hề biết rằng năng lực thiết lập và hoàn thành mục tiêu có tác động rất lớn đến cuộc đời bạn sau này. Hãy thử nhìn quanh bạn mà
xem! Có bao nhiêu người bạn hay người thân của bạn hiểu rõ và gắn bó với mục tiêu của riêng họ?
Đa phần con người không biết cách xác lập mục tiêu
Con người hoàn toàn không có khái niệm về việc thiết lập mục tiêu cho bản thân. Thậm chí, một số người còn nhầm lẫn mục tiêu với ước muốn, giấc mơ như “kiếm được nhiều tiền”, “luôn hạnh phúc”, “gia đình êm ấm”. Mục tiêu phải là một điều gì đó hoàn toàn khác biệt với ước muốn, nó phải rõ ràng, cụ thể và được liệt kê hẳn hoi. Với tư cách là người thiết lập mục tiêu, bạn có thể dễ dàng và nhanh chóng trình bày những hoạch định của mình với người khác. Đồng thời, bạn có thể xác định, điều chỉnh và lên kế hoạch để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đa phần con người mang nỗi sợ thất bại
Thất bại thường gây cho con người cảm giác chán chường, mệt mỏi, những tổn thương và thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần. Và trong đời, không ai là không trải qua một vài lần thất bại. Sau mỗi lần như thế, mỗi người lại tự nhủ rằng sẽ cẩn trọng hơn và không sa vào vết đổ thêm lần nữa. Nhưng cái bóng của những sai lầm vẫn quá lớn và họ không thể vượt qua, đơn giản vì họ không biết đứng lại để thiết lập mục tiêu cho mình trong những hoàn cảnh như thế. Kết cục là cuộc đời họ trôi qua dưới mức khả năng của chính mình.
Đa phần con người mang nỗi sợ bị chối bỏ
Lý do thứ tư, nhiều người không thiết lập mục tiêu vì nỗi ám ảnh bị từ chối. Họ sợ rằng khi thiết lập mục tiêu mà sau đó không đạt được thì những người khác sẽ chỉ trích và nhạo báng họ. Để tránh điều này xảy ra gây cản trở và dễ làm nản lòng, chúng ta nên giữ bí mật khi thiết lập những mục tiêu của mình. Hãy chỉ để cho mọi người thấy kết quả khi bạn đã hoàn thành nó. Như vậy sẽ không ai có thể làm bạn tổn thương được.
VIẾT MỤC TIÊU RA GIẤY
Trong quyển What They Don’t Teach You at Harvard Business School (Những điều không được dạy tại Trường Kinh doanh Harvard – HBS), Mark McCormack có đề cập đến một nghiên cứu của Harvard được tiến hành trong 10 năm, từ 1979 đến
1989. Năm 1979, câu hỏi đặt ra cho những sinh viên tốt nghiệp chương trình MBA(*) của HBS là: “Bạn đã thiết lập mục tiêu cho tương lai của mình rõ ràng ra trên giấy và lập kế hoạch hoàn thành chúng chưa?”. Kết quả thật bất ngờ: chỉ có khoảng 3% số người tốt nghiệp từng làm điều đó. 13% thì có mục tiêu nhưng chưa viết ra trên giấy. 84% còn lại không hề có mục tiêu nào cụ thể cả, ngoài việc muốn nhanh chóng thoát khỏi trường học.
(*) MBA (Master of Business Administration): Thạc sĩ chuyên ngành
Quản trị Kinh doanh.
Mười năm sau, năm 1989, những nhà nghiên cứu tìm gặp lại và tiến hành phỏng vấn những thành viên trong khóa học đó. Họ nhận thấy rằng ở nhóm
13% đang có thu nhập trung bình gấp đôi so những người thuộc nhóm 84%. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là ở nhóm 3%, hiện có thu nhập bình quân gấp 10 lần so với 97% nhóm còn lại. Sự khác biệt duy nhất giữa những nhóm này chính là mức độ rõ ràng của mục tiêu mà họ đã xác lập sau khi tốt nghiệp.
KHÔNG CÓ BẢNG CHỈ ĐƯỜNG
Tính rõ ràng và cụ thể trong việc xác lập mục tiêu là vô cùng quan trọng. Thử hình dung bạn cần tìm đến một ngôi nhà ở khu ngoại ô của một thành phố lớn mà ở đó chẳng có một tấm biển chỉ đường nào và trong tay bạn cũng không có tấm bản đồ của thành phố ấy. Tất cả những gì bạn nhận được chỉ là một sự mô tả chung chung về địa điểm căn nhà. Trong trường hợp này, bạn nghĩ mình sẽ mất bao lâu để tìm ra ngôi nhà đó? Có thể bạn phải mất cả đời! Hoặc giả bạn có tìm ra được ngôi nhà đó thì phần lớn có lẽ là nhờ may mắn. Nhưng thật đáng buồn, đây cũng là cách mà hầu hết mọi người đang đối xử với chính cuộc đời mình.
Rất nhiều người khởi đầu cuộc sống như bắt đầu một hành trình lang thang vô định trong một thế giới không phương hướng, không sơ đồ rõ ràng.
Nó cũng giống như việc khởi nghiệp mà không có mục tiêu và kế hoạch thực hiện. Họ chỉ đơn giản là khám phá mọi việc trong trình tự diễn biến thông thường. Dù 10 hay 20 năm sau, họ vẫn cảm thấy không hài lòng với công việc, không hạnh phúc với cuộc hôn nhân và không phát triển được bản thân. Cuộc sống của họ vẫn là hàng đêm về nhà, bật ti-vi lên xem, rồi hy vọng và ước mơ ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng ước vọng đó hiếm khi trở thành sự thật. Đơn giản vì chính bản thân họ không chịu tham gia vào quá trình hoạch định cho tương lai của mình.
HẠNH PHÚC ĐỒNG HÀNH CÙNG MỤC TIÊU
Aristotle, nhà hiền triết Hy Lạp, từng đưa ra lời giáo huấn vô cùng quan trọng rằng con người là một sinh vật sống có mục tiêu. Ông cho rằng tất cả những hành động của con người đều có một mục đích nào đó. Họ chỉ hạnh phúc khi thỏa được ước nguyện của mình. Và Earl Nightingale, một diễn giả nổi tiếng người Mỹ, thì nói rằng: “Hạnh phúc là việc hiện thực hóa dần một ý tưởng hay mục tiêu thỏa đáng”.
Thực vậy, hạnh phúc chỉ đến khi nào chúng ta biết nỗ lực không ngừng nhằm hướng đến một điều gì đó quan trọng đối với chính mình. Victor Frankl, nhà sáng lập trường phái tâm lý phân tích hiện thực về ý nghĩa cuộc sống (logotherapy) cho rằng, nhu
cầu lớn nhất của con người là tìm kiếm ý nghĩa và mục đích của cuộc sống.
Khi thiết lập mục tiêu, trong bạn sẽ hình thành ý niệm về ý nghĩa, mục đích và phương hướng sống cho mình. Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy mạnh mẽ, nhiệt tình và làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời bạn cũng cảm thấy tự tin hơn đối với bản thân và khả năng của mình. Mỗi bước hướng đến các mục tiêu sẽ là thang bậc để bạn gia tăng niềm tin vào chính mình trong việc hoàn thành những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Dường như ngày càng có nhiều người e ngại trước sự thay đổi và hoang mang về tương lai hơn so với bất kỳ thời đại nào trong lịch sử. Và một trong những lợi ích to lớn nhất khi thiết lập mục tiêu chính là bạn có thể kiểm soát được hướng thay đổi trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn tự quyết định và tự định hướng phần lớn những thay đổi của đời mình.
Quan trọng nhất là phải có mục tiêu rõ ràng
Tiềm năng của con người có sức mạnh phi thường. Trong con người bạn ngay lúc này đây đã hàm chứa khả năng đạt được hầu hết các mục tiêu mà bạn thiết lập cho bản thân. Trách nhiệm lớn nhất của bạn là phải dành thời gian cần thiết để xác định rõ ràng và chính xác điều bạn muốn, và nhận ra đâu là cách tốt nhất để đạt được chúng. Bạn càng hình
dung rõ ràng về các mục tiêu thì bạn càng có thể phát huy tiềm năng để đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không nhận ra và sử dụng hết tiềm năng của bản thân. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Stanford, một người bình thường chỉ sử dụng khoảng 2% năng lực trí tuệ của mình. Phần năng lực còn lại chỉ nằm yên dự trữ để dành cho thời gian về sau. Nó cũng giống như việc cha mẹ dành cho bạn một ngân quỹ 100.000 đô- la, nhưng bạn chỉ rút ra chi tiêu 2.000 đô-la. Số tiền còn lại vẫn nằm trong tài khoản và bạn không bao giờ sử dụng đến hết cuộc đời.
NIỀM KHÁT KHAO
Niềm khát khao là chất men giúp chúng ta vươn đến mọi thành công trong đời. Chỉ khi nào sự khát khao trở nên mãnh liệt thì bạn mới có đủ năng lượng và động lực để vượt qua mọi trở ngại trên con đường của mình. Và có một sự thật là hầu hết những gì bạn muốn, nếu có đủ kiên trì và sự mãnh liệt thì nhất định bạn sẽ đạt được chúng.
H. L. Hunt, một tỷ phú trong ngành dầu hỏa, khi được hỏi về bí quyết của sự thành công, đã đáp rằng muốn thành công đòi hỏi phải có hai điều kiện và chỉ hai điều kiện mà thôi. Thứ nhất, bạn phải biết
chính xác bản thân mình muốn điều gì. Hầu như mọi người đều không có câu trả lời dứt khoát cho vấn đề này. Thứ hai, bạn phải biết được cái giá bạn sẽ phải trả khi đạt được chúng, và sau đó tập trung giải quyết nó.
HẠNH PHÚC LÀ MỤC TIÊU TỐI HẬU
Ở nhà hàng, chúng ta dùng bữa và sau đó thanh toán hóa đơn. Nhưng trong bữa tiệc buffet, chúng ta tự phục vụ cho mình và phải trả tiền trước khi thưởng thức các món ăn. Và cuộc đời giống như một bữa tiệc buffet hơn là việc được phục vụ ở nhà hàng. Nhiều người sai lầm khi nghĩ rằng họ chỉ chấp nhận trả giá sau khi đã chắc chắn về sự thành công. Việc này cũng giống như khi ta ngồi trước “lò lửa cuộc đời” và nói rằng “hãy cho tôi ít nhiệt trước rồi tôi sẽ cho củi vào sau”.
Zig Ziglar – diễn giả, tác giả và cũng là doanh nhân người Mỹ, từng nói rằng: “Thang máy dẫn đến thành công đã bị hỏng. Nhưng thang bộ lúc nào cũng sẵn sàng”. Và Aristotle từng cho rằng mục đích cuối cùng trong tất cả các hoạt động của con người là đạt được hạnh phúc cá nhân. Theo ông, dù bạn làm bất cứ điều gì thì cũng hướng đến việc nâng cao hạnh phúc cho bản thân theo một cách nào đó. Và dù bạn có thể hoặc không thể đạt được hạnh phúc, thì hạnh phúc vẫn luôn là mục tiêu cao nhất của bạn.
CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC
Thiết lập mục tiêu, không ngừng nỗ lực và cuối cùng đạt được mục tiêu chính là chìa khóa hạnh phúc trong cuộc đời mỗi người. Việc thiết lập mục tiêu có một ý nghĩa hết sức lớn lao, đến nỗi chỉ việc nghĩ đến mục tiêu thôi cũng có thể làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Để giải phóng và phát huy tối đa tiềm năng của mình, bạn nên tạo thói quen thiết lập và hoàn thành mục tiêu hàng ngày trong suốt cuộc đời. Bạn nên dồn tâm trí để luôn nghĩ và nói về những điều mình muốn thay vì suy nghĩ về những điều không mong muốn. Ngay từ lúc này, bạn phải quyết tâm hướng đến các mục tiêu cụ thể, giống như một tên lửa hay một con chim bồ câu định hướng thẳng tiến đến những mục tiêu quan trọng.
Cuộc sống của bạn, tương lai của bạn sẽ hạnh phúc hơn khi bạn không ngừng nỗ lực xác định và kiên trì đạt được ngày càng nhiều điều mà bạn thực sự mong muốn. Mục tiêu càng rõ ràng thì bạn càng phát huy tối đa tiềm năng để đạt được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của mình.
PHÁT HUY TIỀM NĂNG CÁ NHÂN
Hãy nghĩ rằng bạn luôn có khả năng để đạt được bất kỳ mục tiêu nào của bản thân. Hãy xác định: Bạn thực sự muốn trở thành người như thế nào, muốn gặt hái được gì và muốn làm điều gì?
Điều gì mang lại cho bạn cảm giác về ý nghĩa và mục đích lớn nhất trong cuộc đời?
Hãy suy ngẫm về cuộc sống cá nhân và công việc của mình. Hãy thử hình dung xem khả năng bạn thay đổi thế giới quanh mình như thế nào? Bạn nên, hoặc có thể thay đổi điều gì?
Bạn thường nghĩ và nói về điều bạn muốn hay không muốn?
Cái giá mà bạn sẽ phải trả khi đạt được mục tiêu quan trọng nhất là gì?
Sau khi trả lời những câu hỏi trên, bạn cần thực hiện điều gì ngay lúc này?