Hiếm có điều gì là không thể khi bạn có sự kiên trì và kỹ năng; những tuyệt phẩm được hoàn thành không phải nhờ sức mạnh, mà nhờ sự bền chí.
– Samuel Johnson
Mọi thành công trong đời bạn là biểu tượng chiến thắng của tính kiên trì. Khả năng quyết định những điều bạn muốn đạt được, bắt tay hành động, và sau đó kiên trì vượt qua tất cả những khó khăn và trở ngại cho đến khi đạt được mục tiêu chính là yếu tố then chốt quyết định thành công của bạn. Và song hành với sự kiên trì chính là sự dũng cảm.
Có lẽ thử thách lớn nhất mà bạn phải đối diện trong đời là việc chinh phục nỗi sợ hãi và hình thành lòng dũng cảm cho mình. Winston Churchill(*) đã từng viết: “Sự dũng cảm được xem như là đỉnh cao của những đức tính tốt, vì tất cả những đức tính khác đều dựa vào nó”.
(*) Winston Churchill (1874-1965) là nhà chính trị và sau này là Thủ tướng
Anh trong thế chiến thứ 2.
CHINH PHỤC NỖI SỢ HÃI
Nỗi sợ hãi luôn là kẻ thù lớn nhất của nhân loại. Khi Franklin D. Roosevelt(*) nói: “Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ hãi” ông đang muốn nói rằng cảm xúc sợ hãi chính là điều tạo ra sự lo lắng, căng thẳng và bất hạnh.
Khi bạn hình thành sự dũng cảm và sự tự tin không thể lay chuyển được, cả một thế giới cơ hội mới sẽ mở ra cho bạn. Cứ nghĩ xem – bạn dám mơ ước, dám thành công, dám làm điều gì nếu bạn không mang nỗi sợ hãi nào trên đời này?
BẠN CÓ THỂ HỌC TẬP BẤT CỨ ĐIỀU GÌ CẦN THIẾT
Sự dũng cảm cũng có thể được học hỏi, rèn luyện như tất cả những kỹ năng khác. Để làm được điều này, bạn cần nỗ lực chinh phục nỗi sợ hãi của mình đồng thời xây dựng được tính cách dũng cảm và sự tự tin giúp bạn xử lý một cách bình tĩnh trước những khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Nhà báo Ann Landers(**) đã viết rằng: “Nếu tôi được yêu cầu đưa ra một lời khuyên hữu dụng nhất cho tất cả nhân loại, thì nó sẽ như thế này: Hãy xem những khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống, và khi đối mặt với chúng, hãy ngẩng cao đầu. Hãy nhìn thẳng vào
(*) Franklin D. Roosevelt (1882-1945): Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ, đắc cử 4 lần (từ
1933 đến 1945).
(**) Ann Landers (1918 – 2002): Bút hiệu của nữ nhà báo Esther Lederer, cây bút giải đáp tâm tình nổi tiếng của báo chí Mỹ.
vấn đề và nói rằng: Ta sẽ lớn hơn ngươi. Ngươi không thể đánh bại ta”. Đây chính là thái độ có thể dẫn đến mọi chiến thắng.
NGUYÊN NHÂN VÀ PHƯƠNG PHÁP KHẮC PHỤC SỰ SỢ HÃI
Điểm khởi đầu của quá trình vượt qua sự sợ hãi và hình thành lòng dũng cảm là phải nhìn vào những yếu tố làm cho chúng ta sợ hãi.
Như chúng ta biết, nguyên nhân gốc rễ của sự sợ hãi là những tác động đến từ môi trường sống ngay từ lúc còn nhỏ, thường là những lời phê bình không mang tính xây dựng từ cha mẹ. Điều này làm cho chúng ta trải qua hai loại sợ hãi. Thứ nhất, đó là nỗi sợ thất bại – làm cho chúng ta nghĩ rằng: Tôi không thể, tôi không thể, tôi không thể. Thứ hai, đó là nỗi sợ bị khước từ – làm cho chúng ta nghĩ rằng: Tôi phải làm, tôi phải làm, tôi phải làm.
Những nỗi sợ này tác động làm chúng ta bị ám ảnh với nỗi sợ mất tiền, mất thời gian hay mất đi công sức đầu tư vào một mối quan hệ. Chúng ta trở nên nhạy cảm với những ý kiến và những chỉ trích của người khác đến nỗi đôi khi khiến chúng ta mất hết tự tin khi làm bất cứ điều gì chỉ vì sợ người khác có thể không tán thành. Những nỗi sợ hãi thường sẽ làm chúng ta tê liệt và thiếu quyết đoán trong hành động. Chúng ta trì hoãn công việc. Chúng ta nghĩ ra
những lời bào chữa và lý do để trì hoãn công việc. Và cuối cùng, chúng ta cảm thấy thất vọng, cảm thấy bị kẹt giữa hai ý nghĩ: “Tôi phải làm, nhưng tôi không thể” hoặc “Tôi không thể, nhưng tôi phải làm”.
SỰ SỢ HÃI ĐI ĐÔI VỚI SỰ NGU DỐT
Nỗi sợ hãi có thể phát sinh từ sự ngu dốt. Khi có lượng thông tin hạn chế, chúng ta thể cảm thấy căng thẳng và bất an về kết quả hành động của mình. Sự ngu dốt gây ra cho chúng ta nỗi sợ thay đổi, nỗi sợ những điều không biết, và né tránh thử nghiệm bất cứ điều gì mới mẻ và khác biệt.
Ngược lại, chính hành động thu thập thêm thông tin và kinh nghiệm trong một lĩnh vực cụ thể sẽ mang lại cho chúng ta sự dũng cảm và tự tin nhiều hơn trong lĩnh vực ấy. Sự tự tin sẽ xóa tan nỗi sợ hãi một khi bạn đã làm chủ được những lĩnh vực này, giống như lái xe, trượt tuyết, hoặc bán hàng và quản lý. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, bạn cảm thấy hoàn toàn có khả năng xử lý các vấn đề có thể xảy ra. Và thế là bạn chẳng còn nỗi sợ hãi nào cả.
SỰ MỎI MỆT VÀ NHỮNG KẺ HÈN NHÁT
Một yếu tố khác tạo ra sự sợ hãi chính là sự mỏi mệt hay bệnh tật. Khi chúng ta mệt hay cảm thấy bất an, hoặc khi chúng ta không có thể chất tốt,
chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng của nỗi sợ hãi và nghi ngờ hơn là khi chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc và tràn đầy sinh lực.
Đôi khi, bạn có thể thay đổi hoàn toàn thái độ đối với chính mình và tiềm năng ẩn chứa bên trong sau một đêm ngon giấc hoặc một kỳ nghỉ dài để tái nạp đầy đủ năng lượng tinh thần và cảm xúc. Sự nghỉ ngơi và thư giãn có thể giúp bạn xây dựng lòng dũng cảm và sự tự tin.
PHÂN TÍCH NỖI SỢ HÃI
Sự thực là mọi người đều mang nỗi sợ hãi về một điều gì đó, ngay cả những người thông minh nhất, dũng cảm nhất. Như Mark Twain(*) từng nói: “Dũng cảm là sự kháng cự nỗi sợ, sự làm chủ nỗi sợ – chứ không phải là không có nỗi sợ”.
Nhưng vấn đề không phải là liệu bạn có sợ hãi điều gì hay không, mà vấn đề là: Bạn xử lý nỗi sợ của mình như thế nào?
Sau khi bạn đã nhận diện được những yếu tố có thể gây ra sự sợ hãi, bước tiếp theo là vượt qua nó bằng cách bình tĩnh ngồi xuống, dành thời gian để nhân diện, định nghĩa và phân tích những nỗi sợ hãi của bạn một cách khách quan.
Ngay trên đầu một trang giấy trắng, hãy viết
(*) Mark Twain (1835-1910): Bút hiệu của nhà văn nổi tiếng người Mỹ. Ông tên thật là Samuel Langhorne Clemens.
câu hỏi: “Mình sợ điều gì?”. Sau đó, hãy bắt đầu viết ra một danh sách tất cả mọi điều, cả lớn lẫn nhỏ. Hãy bắt đầu với những nỗi sợ phổ biến nhất: sợ thất bại, sợ thua lỗ, sợ bị từ chối, hoặc sợ chỉ trích.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, người dũng cảm chỉ đơn giản là người vẫn tiến lên phía trước mặc dù xuất hiện nỗi sợ. Và khi bạn đối mặt với nỗi sợ và tiến gần đến điều mà bạn sợ hãi, nỗi sợ của bạn sẽ biến mất, đồng thời sự tự tin và tự đánh giá cao bản thân gia tăng. Ngược lại, khi bạn né tránh nỗi sợ của mình, chúng sẽ lớn lên cho đến khi chúng kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Và khi ấy, sự tự tin và tự đánh giá cao bản thân sẽ dần biến mất. Nam tài tử của điện ảnh Hoa Kỳ Glenn Ford khuyên chúng ta rằng: “Nếu bạn không làm điều mà mình sợ, thì nỗi sợ sẽ kiểm soát cuộc đời bạn”.
XÁC LẬP MỨC ĐỘ ƯU TIÊN CHO CÁC NỖI SỢ HÃI
Một khi bạn đã lập được một danh sách mọi nỗi sợ hãi mà bạn tin rằng chúng có ảnh hưởng đến tư duy và hành vi của bạn, bạn hãy sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Bạn cảm thấy nỗi sợ hãi nào sẽ có tác động lớn nhất và kìm hãm bạn hơn bất cứ nỗi sợ nào khác? Nỗi sợ hãi nào sẽ là số 2? Đâu là số 3? Và cứ thế đến hết.
Sau đó, hãy viết những câu trả lời cho ba câu hỏi sau về những nỗi sợ hãi nổi trội của bạn:
1. Nỗi sợ hãi này kìm hãm mình ra sao trong cuộc sống?
2. Nỗi sợ hãi này đã và đang có thể giúp mình được điều gì?
3. Mình sẽ trả giá nào để loại bỏ nỗi sợ hãi này?
Vài năm trước, tôi đã trải qua bài tập này với nỗi sợ hãi lớn nhất lúc ấy chính là sợ nghèo đói. Tôi đã sợ không kiếm đủ tiền, khánh kiệt, và có lẽ sẽ rơi vào cảnh cơ cực. Tôi biết rằng nỗi sợ này bắt nguồn từ thời niên thiếu của mình vì cha mẹ tôi, những người lớn lên trong giai đoạn Đại Suy thoái, đã không ngớt lo lắng về vấn đề tiền bạc. Nỗi sợ hãi của tôi được tăng cường khi tôi túng quẫn trong độ tuổi
20. Tôi có thể đánh giá một cách khách quan những nguồn gốc của nỗi sợ hãi này, nhưng nó vẫn có tác động mạnh mẽ đến tôi. Ngay cả khi tôi có đủ tiền cho tất cả các nhu cầu của mình, nỗi sợ hãi này vẫn luôn tồn tại.
Câu trả lời của tôi cho câu hỏi đầu tiên là nó làm tôi lo lắng về việc mạo hiểm với tiền bạc. Nó làm tôi lúc nào cũng chọn phương án an toàn cho công việc của mình. Và nó làm tôi chọn sự an toàn thay cho cơ hội.
Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai là để thoát khỏi
nỗi sợ nghèo đói, tôi đã hình thành thói quen làm việc chăm chỉ hơn người khác. Tôi có nhiều tham vọng và quyết tâm hơn mọi người. Tôi dành nhiều thời gian để học tập và nghiên cứu cách kiếm tiền và đầu tư chúng. Nỗi sợ hãi nghèo đói trong thực tế đã thúc đẩy tôi hướng đến sự độc lập về tài chính.
Khi trả lời câu hỏi thứ ba, tôi ngay lập tức thấy rằng mình sẵn sàng tiếp nhận rủi ro nhiều hơn. Tôi sẽ năng động hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu tài chính của mình, tôi có thể và sẽ mở công ty riêng, và tôi sẽ không quá căng thẳng hay quá quan tâm đến việc chi tiêu quá nhiều hay quá ít. Đặc biệt, tôi sẽ không còn quá quan tâm đến giá cả của mọi thứ.
Bằng cách phân tích nỗi sợ hãi lớn nhất của mình theo cách này, tôi đã có thể bắt đầu quá trình loại bỏ nó. Và bạn cũng có thể làm điều tương tự.
LUYỆN TẬP TẠO NÊN SỰ LÂU BỀN
Bất cứ điều gì bạn luyện tập nhiều lần cuối cùng cũng sẽ trở thành thói quen. Bạn hãy phát triển lòng dũng cảm bằng cách cư xử một cách can đảm bất cứ khi nào cần thiết.
Sau đây là một số hoạt động mà bạn có thể rèn luyện để hình thành thói quen dũng cảm. Biểu hiện dũng cảm đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất là sự can đảm triển khai, bắt tay vào hoạch định với niềm tin chiến thắng. Đây là thái độ dũng cảm thử nghiệm
những điều mới hoặc khác biệt, bước ra khỏi lĩnh vực quen thuộc của mình. Tương lai thuộc về những người chấp nhận rủi ro, chứ không phải là những người tìm kiếm sự an toàn. Cuộc sống éo le ở chỗ bạn càng tìm kiếm sự an toàn thì bạn càng có ít sự an toàn. Nhưng bạn càng tìm kiếm cơ hội, thì bạn càng có nhiều khả năng đạt được sự an toàn mà bạn mong muốn. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy sợ hãi hay lo lắng, bạn cần củng cố sự can đảm của mình để kiên trì trước những trở ngại và sự thụt lùi, hãy chuyển sự tập trung của mình sang các mục tiêu. Hãy tạo ra một hình ảnh tinh thần rõ ràng về loại người bạn muốn trở thành, hành động theo cách mà bạn muốn hành động. Chẳng có gì là sai với những ý nghĩ về sự sợ hãi, miễn là bạn kiềm chế chúng bằng những ý nghĩ về sự can đảm và tự tin.
TỰ KỶ LUẬT VÀ SỰ KIÊN TRÌ
Một trong những phẩm chất quan trọng để thành công chính là sự tự kỷ luật. Tự kỷ luật nghĩa là bạn có khả năng bên trong, dựa trên điểm mạnh về cá tính và ý chí, để làm những điều bạn nên làm, trong thời điểm thích hợp, dù bạn có thích hay không.
Bạn cần đến sự tự kỷ luật để xác lập mục tiêu cho mình và lên kế hoạch hoàn thành chúng. Bạn cần đến sự tự kỷ luật để không ngừng điều chỉnh và nâng cấp kế hoạch của bản thân với những thông tin
mới. Bạn cần sự tự kỷ luật để sử dụng thời gian của mình hiệu quả và luôn tập trung vào một nhiệm vụ quan trọng nhất mà bạn cần làm ngay lúc này. Bạn cần sự tự kỷ luật để tự đầu tư vào bản thân mình hàng ngày, để tự xây dựng mình về mặt cá nhân và nghề nghiệp, để học những điều bạn cần học, để thưởng thức sự thành công mà bạn có thể đạt được.
Bạn cần đến sự tự kỷ luật để trì hoãn sự hưởng thụ, để tiết kiệm tiền, và để sắp xếp các khoản đầu tư, nhờ đó bạn có thể đạt được sự độc lập về tài chính trong quá trình làm việc. Bạn cần đến sự tự kỷ luật để giữ cho ý nghĩ của mình về mục tiêu và những ước mơ, duy trì chúng tách biệt với sự nghi ngờ và sợ hãi. Bạn cần đến sự tự kỷ luật để đáp ứng một cách tích cực và mang tính xây dựng khi đối mặt với mọi khó khăn.
Và sự thể hiện quan trọng nhất của tính tự kỷ luật chính là mức độ kiên trì của bạn khi sự việc diễn biến không thuận lợi. Sự kiên trì chính là tính tự kỷ luật trong hành động. Sự kiên trì chính là thước đo thực sự đối với cá tính cá nhân con người. Thực ra, sự kiên trì của bạn cũng là thước đo thực tế về niềm tin của bạn dành cho bản thân và khả năng thành công của mình.
Lịch sử nhân loại là những câu chuyện chiến thắng của sự kiên trì. Tất cả những con người vĩ đại đều đã phải trải qua những sự gian nan và khổ cực trước khi có thể đạt đến những đỉnh cao của thành công.
Winston Churchill được nhiều người xem là một chính khách giỏi nhất ở thế kỷ 20. Trong suốt cuộc đời mình, ông được biết đến và được tôn kính vì lòng dũng cảm và sự kiên trì. Trong những giờ phút đen tối nhất của Thế chiến thứ 2, khi lực lượng không quân Luftwaffe của Đức đánh bom nước Anh và nước Anh chiến đấu đơn độc, tính kiên cường gan lì và quyết tâm của Churchill đã truyền cảm hứng cho cả quốc gia đứng dậy chiến đấu trong tình thế được mọi người cho là sự thất bại không thể tránh khỏi.
Trong những năm cuối đời mình, Churchill được mời đến nói chuyện ở một trường đại học và chia sẻ với những thanh niên đến tham dự những điều mà ông tin rằng đó là bí mật của sự thành công vĩ đại của đời ông. Ông đứng trước mọi người, dựa vào gậy, hơi run run và nói bằng giọng mạnh mẽ: “Tôi có thể tóm lược những bài học quý giá của đời mình trong 10 từ: Không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ bỏ cuộc”.
KIÊN TRÌ LÀ DẤU HIỆU XÁC NHẬN THÀNH CÔNG
Những doanh nhân thành công đều có đặc điểm chung là sức mạnh ý chí bất khuất và sự kiên trì không thể lay chuyển được.
Năm 1895, nước Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái trầm trọng. Một ông chủ khách sạn sống ở phía Tây nước Mỹ đã thua lỗ trắng tay trong đợt suy thoái
này và quyết định viết một quyển sách nhằm kích thích và truyền cảm hứng cho mọi người kiên trì vượt qua tình hình khó khăn này.
Tên ông là Orison Swett Marden. Ông thuê một căn phòng trên một chuồng ngựa và làm việc suốt ngày đêm trong một năm trời để viết sách. Vào một buổi tối, ông viết xong trang cuối của quyển sách, mệt mỏi và đói, ông ra phố đến một quán ăn nhỏ để ăn tối. Khi ông đi khỏi khoảng 1 tiếng, chuồng ngựa bắt lửa cháy. Đến lúc trở về, toàn bộ bản thảo hơn
800 trang của ông đã bị ngọn lửa thiêu sạch.
Tuy nhiên, ông tiếp tục dành thêm một năm nữa để viết lại quyển sách từ đầu. Khi viết xong, ông đưa sách đến rất nhiều nhà xuất bản, nhưng dường như chẳng có ai tỏ ra quan tâm đến một quyển sách khích lệ tinh thần trong một quốc gia đang suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp quá cao. Sau đó, ông chuyển đến Chicago và làm một việc khác. Một ngày nọ, ông đề cập đến bản thảo quyển sách này với một người bạn đang làm việc trong nhà xuất bản. Quyển sách của ông với tựa đề Pushing to the Front, sau đó đã được xuất bản và trở thành quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ.
Quyển sách này được những doanh nhân và chính trị gia hàng đầu nước Mỹ thừa nhận là quyển sách đã đưa nước Mỹ vào thế kỷ 20. Nó tạo ra một tác động lớn lao lên tâm trí của những người lãnh đạo đất nước và trở thành một quyển sách kinh điển
vĩ đại nhất cho tất cả mọi hình thức phát triển cá nhân. Những người như Henry Ford, Thomas Edison, Harvey Firestone và J. P. Morgan đều đọc quyển sách này và tìm thấy cảm hứng từ đó.
NGHỊCH LÝ HỢP LÝ
Có một nghịch lý thú vị nhưng quan trọng trong cuộc sống mà bạn cần phải lưu ý là nếu bạn là một người thông minh, bạn sẽ làm mọi việc để sắp xếp cuộc sống của mình theo một cách đơn giản nhất để giảm thiểu những tai họa và sự thất vọng. Đây là một điều khôn ngoan và hợp lý. Tất cả những người thông minh thường theo đuổi lộ trình dễ dàng nhất để hoàn thành mục tiêu của mình, làm mọi thứ có thể để giảm thiểu số lượng hoạt động và các trở ngại mà họ phải đối mặt trong các hoạt động hàng ngày.
SỰ THẤT VỌNG LÀ KHÓ TRÁNH KHỎI
Tuy vậy, dù chúng ta có nỗ lực hết mình nhưng sự thất vọng và tai ương là những thành phần tự nhiên, bình thường và không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Dù bạn có khả năng sắp xếp bản thân và tổ chức của mình tốt đến đâu đi nữa thì bạn vẫn sẽ trải qua vô số tình huống thất vọng, những bước thụt lùi, những trở ngại và tai ương trong dòng đời. Bạn càng xác lập các mục tiêu cao và thách thức lớn thì bạn càng trải qua nhiều thất vọng và tai ương.
Đây là nghịch lý. Chúng ta không thể nào phát triển được tiềm năng tối đa của mình trừ phi chúng ta đối mặt với trở ngại và học hỏi từ nó. Tất cả những bài học lớn trong cuộc sống đều được rút ra từ những bước thụt lùi và những thất bại tạm thời, mà chúng ta đã cố gắng làm hết sức để tránh. Do đó, tai ương sẽ không mời mà đến dù chúng ta có nỗ lực đến đâu đi nữa. Nhưng nếu không có nó, chúng ta không thể phát triển khả năng chinh phục đỉnh cao và hoàn thành những mục tiêu vĩ đại.
THẤT BẠI LÀ MẸ THÀNH CÔNG
Những thành công lớn lao nhất gần như luôn đến sau thời điểm mọi yếu tố quanh bạn đều quy về hướng rút lui. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết rằng những bước đột phá vĩ đại trong lịch sử là kết quả của việc kiên trì trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng. Hành động kiên trì, thường được xem là bài kiểm tra cuối cùng luôn đi trước những thành tựu vĩ đại của loài người.
H. Ross Perot, người sáng lập công ty EDS Industries với vốn ban đầu chỉ 1.000 đô-la và đã phát triển nó thành một tài sản trị giá 3 tỷ đô-la, là một trong những doanh nhân tự làm nên thành công nổi tiếng nhất nước Mỹ. Ông nói rằng: “Hầu hết mọi người đầu hàng ngay khi họ sắp đạt được thành công. Họ rút lui khi cách đích đến chỉ một bước chân”.
Herodotus(*) cũng viết rằng: “Một số người từ bỏ kế hoạch khi họ hầu như đã đến gần mục tiêu; trong khi những người khác lại giành chiến thắng bằng cách nỗ lực ở phút cuối với những nỗ lực mạnh mẽ hơn trước”.
Napoleon Hill, trong quyển sách kinh điển Think and grow rich(**) của mình, đã viết: “Trước khi thành công đến với bất kỳ người nào, chắc chắn họ sẽ gặp những trở ngại tạm thời, và có lẽ cả thất bại. Khi thất bại xảy ra, điều dễ dàng và hợp lý nhất là rút lui. Đó chính là cách mà phần lớn mọi người hay làm”.
Harrier Beecher Stowe, tác giả tiểu thuyết Túp lều bác Tom, cũng viết những ý tương tự: “Vậy thì đừng bao giờ đầu hàng, vì đó chính là thời gian và vị trí thủy triều sẽ xoay chuyển”.
Claude M. Bristol viết: “Chính nỗ lực không ngừng và quyết tâm có thể bẻ gãy mọi khó khăn, quét sạch tất cả mọi trở ngại”.
James Whitcomb Riley thì khẳng định: “Yếu tố then chốt nhất chính là sự kiên trì – sự quyết tâm không bao giờ để năng lượng hay nhiệt huyết của bạn tàn lụi vì những thất vọng không thể tránh khỏi”.
(*) Herodotus (484-425 TCN): Nhà sử học Hy Lạp, được xem là cha đẻ của môn sử học trong văn hóa phương Tây.
(**) First News đã xuất bản với tựa “Cách nghĩ để thành công”.
KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
1. Hãy nhận diện thách thức hay vấn đề lớn nhất mà bạn đang đối mặt trên lộ trình đi đến mục tiêu lớn nhất của mình. Tưởng tượng rằng nó được đưa đến chỉ để kiểm tra sự quyết tâm và khao khát của bạn. Hãy quyết định rằng bạn không bao giờ từ bỏ mục tiêu.
2. Hãy nghĩ về quãng đời đã trôi qua và nhận diện những trường hợp mà sự kiên trì đã mang lại thành công cho bạn. Cần tự nhắc mình về những trải nghiệm ấy bất cứ khi nào bạn gặp khó khăn hoặc trở ngại làm bạn nản lòng.
3. Quyết tâm ngay từ đầu, miễn là bạn còn khao khát đạt được mục tiêu một cách mãnh liệt, bạn sẽ không bao giờ từ bỏ trước khi đạt được nó.
4. Hãy xem xét mọi vấn đề, khó khăn, trở ngại hoặc những bước thụt lùi để tìm kiếm hạt giống cơ hội lớn hơn. Bạn sẽ luôn tìm thấy điều gì đó có khả năng giúp mình.
5. Trong mọi tình huống, cần luôn kiên trì định hướng giải pháp và hành động. Luôn suy nghĩ đến khía cạnh bạn có thể làm gì vào lúc này để giải quyết vấn đề hoặc đạt được mục tiêu, và sau đó bắt tay vào hành động. Đừng bao giờ từ bỏ.