Khi tôi thấy một kết quả nào đó thực sự đáng nỗ lực, thì tôi bắt tay tiến hành ngay và thử mọi cách cho đến khi nó thành hiện thực.
– Thomas Edison
Trong cuộc sống, chúng ta có thể nhận thấy một số người thành công và hạnh phúc hơn những người khác. Một số người kiếm được nhiều tiền hơn, sống cuộc sống tốt đẹp hơn, cảm thấy mãn nguyện hơn, có những mối quan hệ hạnh phúc hơn và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Trong khi đó, những người khác không được như vậy. Đâu là nguyên nhân chính quyết định điều này?
Viện Menninger, thành phố Kansas (Hoa Kỳ) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu gần đây nhằm xác định những phẩm chất quan trọng nhất để có thể đạt
đến thành công và hạnh phúc trong thế kỷ 21. Sau những nghiên cứu mở rộng, họ đã kết luận được phẩm chất duy nhất, đặc biệt nhất mà bạn có thể phát triển cho mình trong thời đại này đó chính là tính linh hoạt.
Qua đó, họ cũng xác định thêm một yếu tố gây trở ngại và mang ý nghĩa ngược lại với tính linh hoạt là tính cứng nhắc. Đó là sự không sẵn sàng thay đổi khi đối mặt với những hoàn cảnh và tình hình mới. Phẩm chất linh hoạt do đó trở thành đặc tính thiết yếu nếu bạn muốn trở thành, muốn làm hay muốn có nhiều hơn những gì mình đang có.
TỐC ĐỘ CỦA SỰ THAY ĐỔI
Ngày nay, có lẽ yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn là tốc độ thay đổi. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thay đổi diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người.
Sự thay đổi ngày nay không chỉ nhanh hơn, mà còn không liền lạc, không diễn biến theo một đường thẳng, mà bắt đầu, dừng lại và chuyển động theo những hướng không thể dự đoán trước. Sự thay đổi đang đến với chúng ta từ tất cả mọi phía và dưới nhiều cách khác nhau, nên thường sẽ không thể dự đoán được điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
Tính chất khó dự đoán này buộc chúng ta phải vứt bỏ ngay cả những kế hoạch và ý tưởng hoàn hảo nhất chỉ sau một đêm khi xuất hiện những điều kiện và hoàn cảnh mới. Điều cốt yếu là chúng ta cần có tính linh hoạt trong tư duy và trong những hoạt động có khả năng xảy ra.
NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY CĂNG THẲNG
Sự thay đổi gây ra sự căng thẳng rất lớn cho những người cứng nhắc hoặc kém linh hoạt ngay từ trong cách tư duy về diễn biến của sự việc. Họ thích những điều đang làm, với những phương pháp và quy trình hiện tại, và không sẵn lòng thay đổi, ngay cả khi biết rõ điều này. Bạn đừng nên để mình rơi vào tình thế như vậy.
Câu hỏi duy nhất mà bạn nên đặt ra đối với những điều bạn đang làm là: Liệu cách làm này có hiệu quả không? Nó có giúp đạt được những kết quả cuối cùng như mong muốn không? Theo tình hình hiện tại, đó có phải là lộ trình hành động tốt nhất không? Thước đo duy nhất về tính đúng đắn hay sai lầm của một quyết định/ một lộ trình hành động là tính hiệu quả của nó đối với mục tiêu mà bạn đã thiết lập.
BA ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY SỰ THAY ĐỔI
Có 3 động lực thúc đẩy sự thay đổi trong giai đoạn hiện nay, mỗi động lực được nhân lên bởi sự tác động lẫn nhau làm gia tăng tốc độ thay đổi.
Thứ nhất là sự bùng nổ thông tin và kiến thức trong mọi mặt cuộc sống quanh chúng ta. Mỗi sáng kiến mới hay một thông tin mới trong thị trường đầy cạnh tranh ngày nay có thể thay đổi động lực kinh doanh của bạn chỉ sau một đêm.
Một sự kiện quan trọng, như sự kiện khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ, một cú sốc của thị trường, như cú sốc sau những điều tra về thị trường chứng khoán Phố Wall, một vụ bê bối trong một đảng phái chính trị hay một ngành kinh tế có thể thay đổi tư duy, hành động, khả năng thương mại và tình thế của toàn bộ một tổ chức hay một ngành chỉ sau một đêm.
Ví dụ, năm 1989 khi Liên bang Xô Viết tan rã, Bức tường Sắt bị kéo sập và Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngành công nghiệp quốc phòng trên khắp châu Mỹ bị rung động nghiêm trọng. Hàng trăm ngàn người có kỹ năng và tay nghề tốt bị cho thôi việc. Các ngành nghề bị đóng cửa, kinh tế một số vùng bị rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Những tác động của sự thay đổi là quá to lớn và không thể tránh khỏi.
LÀN SÓNG CÔNG NGHỆ MỚI
Yếu tố thứ hai thúc đẩy sự thay đổi là sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của công nghệ mới. Mọi kiến thức khoa học kỹ thuật mới đều có thể dẫn đến sự tiến bộ trong công nghệ, hướng đến mục tiêu giúp con người tiến hành công việc nhanh hơn, tốt hơn, rẻ hơn và dễ dàng hơn. Và tốc độ thay đổi của công nghệ ngày càng tăng lên nhanh chóng.
Điều này dẫn đến một điều tất yếu: Bất cứ điều gì có hiệu quả cũng sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời. Nếu bạn không ngừng tìm cách thay thế sản phẩm hay dịch vụ của mình bằng những điều tốt hơn, bạn có thể sẽ bị đẩy khỏi lĩnh vực của mình.
CẠNH TRANH
Yếu tố thứ ba thúc đẩy sự thay đổi và đòi hỏi tính linh hoạt lớn hơn chính là sự cạnh tranh. Những đối thủ cạnh tranh của bạn – ở địa phương, trong nước và quốc tế – ngày nay tỏ ra năng động và sáng tạo hơn so với trước đây. Họ không ngừng tìm kiếm cách thức để thu hút khách hàng, giành giật thị phần, cạnh tranh về quy mô và tài chính, nếu có cơ hội họ sẵn sàng đẩy bạn ra khỏi cuộc chơi. Họ triển khai đẩy mạnh kinh doanh bằng cách sử dụng mọi lợi thế cả về thông tin, công nghệ mà họ có thể phát triển nhằm làm xói mòn vị thế của bạn trên thị trường.
Ngày nay, số lượng các công ty, sản phẩm, dịch vụ và nhân viên kinh doanh còn nhiều hơn cả khách hàng. Sự cạnh tranh ngày càng trở nên khó khăn và căng thẳng hơn. Nếu bạn muốn tồn tại và phát triển trên thị trường, bạn phải tập trung và quyết tâm hơn nữa. Trên hết, bạn phải linh hoạt.
Trước đây, tôi đã thuê một công ty quảng cáo và trả cho họ 10.000 đô-la để phát triển quảng cáo cho tôi. Nó được đăng trên một tờ báo quốc gia, đó là một mẩu quảng cáo khá tinh tế và thu hút được nhiều lượng người xem. Nhưng niềm vui của chúng tôi chỉ kéo dài sang tuần sau đó, khi một đối thủ cạnh tranh đã bắt chước mẩu quảng cáo này để lôi kéo khách hàng về phía họ. Lượng khách hàng của chúng tôi giảm mất 50% và vẫn tiếp tục suy giảm. Trong tình hình này chúng tôi hầu như không thể làm được gì nhiều.
Bài học rút ra là bạn phải liên tục phát triển thêm các kế hoạch dự phòng cho mọi lĩnh vực trong công việc, biết chắc chắn rằng bất cứ điều gì bạn thực hiện cũng sẽ nhanh chóng mất tính hiệu quả và sẽ phải bị thay thế bởi một điều gì khác hiệu quả hơn.
CẢNH GIÁC VỚI LĨNH VỰC QUEN THUỘC
Trong phần trước, tôi đã bàn về “lĩnh vực quen thuộc” – điều mà các cá nhân lẫn tổ chức thường rơi
vào những điều đã cũ lặp đi lặp lại nhiều lần, mà không cần biết chúng còn hiệu quả hay không.
Đôi khi, mối nguy cơ lớn nhất đối với sự thành công lâu dài của bạn chính là sự thành công ngắn hạn trước mắt. Thành công trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể nhanh chóng sinh ra sự tự mãn và sự ngần ngại thay đổi theo những thực tế mới trên thị trường. Đừng để bạn rơi vào tình thế này.
TƯ DUY MỐC ZERO THƯỜNG XUYÊN
Trong các phần trước, tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của cách tư duy mốc zero trong việc kiểm tra tất cả các khía cạnh trong cuộc sống và hoạt động hàng ngày của bạn. Tư duy mốc zero cũng là một công cụ thiết yếu để có thể duy trì tính linh hoạt.
Hãy thường xuyên đặt câu hỏi: Điều gì mình đang thực hiện mà nếu phải bắt đầu lại quá trình từ điểm xuất phát, mình sẽ không cần phải làm lại?
Hãy xem lại mọi khía cạnh cuộc sống và công việc của bạn. Mỗi khi bạn trải qua sự căng thẳng, sự khiên cưỡng hay thiếu thành công, hãy đặt ra câu hỏi tư duy mốc zero. Và nếu có điều gì đó mà bạn cảm thấy không còn kết quả khả quan, hãy lên kế hoạch ngừng việc ấy ngay lập tức để chuyển nguồn lực và tâm trí bạn vào những lĩnh vực mà bạn có thể nhận được những kết quả tốt hơn.
Đừng để cho cái tôi của bạn che mờ năng lực phán đoán hay tư duy thông thường của bạn. Hãy quan tâm nhiều hơn đến điều gì đúng thay vì người nào đúng. Bạn phải sẵn sàng chấp nhận rằng bất cứ quyết định nào của bạn cũng có thể là sai lầm. Bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng để có thể linh hoạt đón nhận thông tin, công nghệ hay sự cạnh tranh mới xuất hiện.
BA CÂU NÓI THẦN KỲ
Có ba câu mà bạn cần học cách nói lặp đi lặp lại, để có thể duy trì được tính linh hoạt trong cuộc sống đầy biến động này.
Câu đầu tiên là: “Tôi đã sai”. Hầu hết mọi người thích lảng tránh, khoác lác và chối bỏ trách nhiệm hơn là thừa nhận sai lầm. Sự chối bỏ này còn trở nên tệ hại hơn nữa khi mọi người xung quanh đều biết về những sai lầm của bạn. Bạn là người duy nhất đang muốn lừa phỉnh mọi người, trong đó người đầu tiên lại chính là bạn. Khi bạn nhận ra rằng mình đã sai lầm, điều thông minh nhất bạn có thể làm là thừa nhận sai lầm ngay, từ đó bạn mới có điều kiện tìm giải pháp để giải quyết vấn đề, và tiếp tục lộ trình hoàn thành mục tiêu hay kết quả đã đặt ra.
Người ta ước lượng rằng khoảng 80% thời gian và công sức của những người có vị trí chủ chốt trong những công ty hay tổ chức lớn thường dùng để che đậy sự thật rằng họ phạm sai lầm và không muốn
thừa nhận sai lầm. Nhiều công ty, cả lớn lẫn nhỏ, đã tiến đến bờ vực phá sản chỉ vì từ chối hay không thừa nhận những sai lầm của mình.
THỪA NHẬN RẰNG BẠN KHÔNG HOÀN HẢO
Câu thứ hai mà bạn phải học cách nói để có thể duy trì tính linh hoạt là: “Tôi đã phạm sai lầm”. Thật lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền bạc khi mọi người không chịu thừa nhận rằng mình đã phạm sai lầm, ngay cả khi những sai lầm ấy đã quá rõ ràng.
Một khi bạn nói rằng: “Tôi đã sai” hay “Tôi đã phạm sai lầm” vấn đề hầu như đã trôi qua. Kể từ lúc đó trở đi, mọi người lại có thể bắt tay vào việc giải quyết vấn đề và hướng đến việc hoàn thành mục tiêu. Nhưng một khi người đóng vai trò quan trọng không sẵn sàng thừa nhận rằng mình đã chọn hướng đi sai, thì mọi việc coi như chấm dứt.
Chúng ta đã nhìn thấy điều này lặp đi lặp lại trên chính trường của nhiều nước khi những nhân vật đứng đầu không dám thừa nhận sai lầm đã dẫn đến việc lãng phí vô khối thời gian và công sức của bao người và ảnh hưởng đến cả quốc gia.
THÍCH ỨNG NHANH CHÓNG VỚI ĐIỀU KIỆN MỚI
Câu thứ ba bạn nên học nói là “Tôi đã đổi ý”. Nếu bạn có thông tin mới trái ngược với thông tin mà bạn dựa vào đó để ra quyết định trước đây, thì hãy thẳng thắn thừa nhận rằng bạn sẽ thay đổi quyết định.
Phạm sai lầm, quyết định sai hay thay đổi quyết định không phải là một điểm yếu, một khiếm khuyết trong phẩm chất của bạn. Thực ra, trong thời đại sự thay đổi diễn ra nhanh chóng trong các lĩnh vực kiến thức, công nghệ và cạnh tranh như hiện nay, dám thay đổi là dấu hiệu của sự dũng cảm, của cá tính và của tính linh hoạt khi sẵn sàng thừa nhận sai lầm để giảm thiểu rủi ro một cách nhanh chóng và áp dụng “nguyên tắc thực tiễn” trong mọi việc bạn thực hiện.
Hãy sẵn sàng đối phó với thực tế đúng theo bản chất của nó ở thời điểm hiện tại, thay vì bạn muốn thực tế giống như quá khứ. Hãy đối mặt với sự thực, dù đó là gì đi nữa. Hãy thành thật với bản thân và với mọi người xung quanh.
HÃY LINH HOẠT TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ
Một điều không kém phần quan trọng là hãy linh hoạt với những người quan trọng trong cuộc đời bạn
– gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và cả khách hàng. Hãy cởi mở với những quan điểm và ý tưởng khác biệt. Sẵn sàng thừa nhận sai lầm nếu đó là sự thực.
Một trong những đặc tính của người lãnh đạo giỏi là khả năng lắng nghe. Họ có khả năng đặt ra rất nhiều câu hỏi và tiếp nhận tất cả những thông tin có thể trước khi quyết định một điều gì đó hoặc đi đến một kết luận nào đó. Họ cũng thừa nhận thất bại và “cắt lỗ” nhanh chóng khi phạm phải sai lầm, nhờ đó họ có thể tiến lên với những điều tốt hơn và lớn lao hơn.
LÝ THUYẾT ĐỔI HƯỚNG TRỤC XOAY
Có một khía cạnh khác của tính linh hoạt mà bạn nên ghi nhớ trong suốt quãng thời gian sống và làm việc của mình. Buckminster Fuller, một nhà khoa học và triết học, đã gọi nó là “Lý thuyết Đổi hướng Trục xoay”, những từ không có trong từ điển hay bách khoa thư nào cả. Tiến sĩ Robert Ronstadt của trường Babson College gọi khái niệm này là “Nguyên lý Hành lang”. Napoleon Hill đề cập đến khám phá này của những người thành công nhất ở Mỹ bằng cách nói rằng: “Trong mọi bước thụt lùi hay trở ngại luôn chứa đựng hạt giống của cơ hội hay lợi ích tương đương thậm chí lớn hơn”.
Ý nghĩa của lý thuyết này là khi bạn thiết lập một mục tiêu mới cho mình, bạn sẽ có một ý tưởng khái quát về các bước hành động. Nhưng gần như là không
thể tránh khỏi, bạn sẽ lao vào những trở ngại ngoài dự kiến. Tuy nhiên, điều thần kỳ có thể xảy ra, như khi bạn bị dồn vào chân tường, một cánh cửa cơ hội khác sẽ mở ra dọc theo hành lang dẫn đến thành công.
Khi bạn linh hoạt, bạn sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội mới, và bắt đầu di chuyển theo hướng đó, phát triển những sản phẩm hay dịch vụ mới, tăng cường bán hàng vào phân khúc thị trường hay đối tượng người mua mới. Nhưng khi bạn chuyển hướng sang “hành lang” mới, bạn sẽ tiếp tục gặp phải một khó khăn hoặc trở ngại khác có thể chặn đứng tiến trình của bạn. Tuy nhiên, khi bạn chạm phải trở ngại mới này, một cơ hội khác sẽ mở ra cho bạn và chuyển bạn sang một lộ trình mới hướng đến mục tiêu của mình.
Điều này có thể xảy ra một vài lần trong những lần khởi đầu sai. Trong hầu hết mọi trường hợp, bạn sẽ đạt được thành công lớn nhất trong một lĩnh vực vô cùng khác biệt với ý muốn mà bạn đã hoạch định từ đầu. Chìa khóa là bạn phải luôn linh hoạt trong mọi hoàn cảnh.
RÕ RÀNG VÀ LINH HOẠT
Đây là quy tắc quan trọng nhất: “Hãy thấy rõ mục tiêu của mình nhưng hãy linh hoạt với quá trình vươn đến mục tiêu”.
Hãy luôn cởi mở với tác động của tâm trí siêu thức của bạn. Cần nhạy bén với khả năng xảy ra sự kiện may rủi hoặc tình cờ. Hãy cởi mở với những ý tưởng, cảm hứng và thông tin từ những người khác. Đức Jesus đã nói rằng: “Bạn phải trở nên giống như một đứa bé nếu bạn muốn đi vào Thiên đàng”.
Một cách diễn giải những lời này là bạn phải luôn có đầu óc cởi mở, linh hoạt, bình tĩnh, tự tin và tò mò nếu bạn muốn có khả năng nhận diện những cơ hội và khả năng mới khi chúng mở ra xung quanh bạn trên lộ trình bạn hướng đến mục tiêu.
LUÔN LUÔN LINH HOẠT
1. Hãy thường xuyên tự trả lời câu hỏi: Mình thực sự muốn làm điều gì với cuộc đời mình? Và sau đó đảm bảo rằng những mục tiêu và hoạt động hiện tại của bạn tương hợp với câu trả lời này.
2. Hãy tuyệt đối trung thực và thực tế đối với cuộc đời cùng các mục tiêu của bạn. Hãy quyết tâm xem xét thời gian theo bản chất thực hiện tại của nó, chứ không phải theo cách bạn mong ước hay theo cách thể hiện của nó trong quá khứ. Việc làm này sẽ kéo theo những thay đổi gì?
3. Luôn sẵn sàng thừa nhận những căng thẳng, sai lầm hoặc thất bại trong mỗi lĩnh vực cuộc sống. Hãy quyết tâm ngay trong hôm nay để “cắt lỗ” bất cứ trường hợp nào có thể.
4. Nếu tình thế thay đổi, hoặc bạn có những thông tin mới, hãy sẵn sàng thay đổi quyết định dựa trên những dữ kiện đang tồn tại hôm nay. Không nên khăng khăng giữ một lộ trình hành động không có ý nghĩa thực sự.