Người nào quan tâm đến sự thành công đều phải học cách xem thất bại là một phần tất yếu không thể tránh khỏi và có tính tích cực trong quá trình vươn đến đỉnh cao.
– Joyce Brothers
Theo bạn thì mỗi người cần cố gắng bao nhiêu lần để đạt được những mục tiêu của mình trước khi đầu hàng? Trung bình không đến 1 lần. Hầu hết mọi người đều buông xuôi trước khi thử cố gắng lần đầu tiên. Và lý do mà họ từ bỏ là vì tất cả những trở ngại, khó khăn, vấn đề và những điều cản trở đã bất ngờ xuất hiện ngay khi họ quyết định thực hiện một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ.
Sự thực là những người thành công thường gặp nhiều thất bại hơn những người bình thường khác, ngay cả so với những người thường xuyên thất bại. Những người thành công luôn tìm cách thử nhiều
việc với nhiều lần khác nhau, thất bại, tự đứng lên, và thử lại lần nữa – cứ hết lần này đến lần khác, trước khi họ giành được thắng lợi cuối cùng. Trong khi đó, những người không thành công chỉ thử một vài điều hoặc không dám thử bất cứ điều gì và nhanh chóng muốn quay trở lại những điều quen thuộc mà họ từng làm trước đó.
THẤT BẠI TẠM THỜI
Bạn nên có sự chuẩn bị trước khả năng có thể sẽ thất bại và liên tiếp gặp trở ngại trước khi đạt được những mục tiêu của mình. Bạn nên xem thất bại và những trở ngại trước mắt là một phần trong cái giá phải trả trên con đường tiến đến thành công mà chắc chắn không sớm thì muộn bạn sẽ đạt được. Henry Ford đã từng nói rằng: “Thất bại chỉ đơn thuần là một cơ hội để bắt đầu lại một cách thông minh hơn”.
Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng, bạn hãy quyết định về mục tiêu của mình và tự trả lời câu hỏi: Tại sao mình lại chưa đạt được mục tiêu đó? Điều gì đang trì kéo mình? Khoảng cách hiện tại giữa mình và mục tiêu còn bao xa?
Hãy nhận diện tất cả những trở ngại xuất hiện giữa vị trí hiện tại với các mục tiêu của bạn. Hãy viết ra mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, mà bạn có thể nghĩ ra nếu chúng đang cản trở hoặc kìm hãm bạn tiến về phía trước.
TƯ DUY TRÊN PHƯƠNG DIỆN GIẢI PHÁP
Hãy nhớ rằng: “Bạn sẽ trở thành điều mà bạn thường xuyên nghĩ đến nhất”. Trong quá trình xử lý khó khăn và trở ngại, những người thành công có một cách tư duy đặc biệt mà chúng ta gọi là “định hướng giải pháp”.
Những người thành công thường xuyên nghĩ về giải pháp, trong khi những người khác kém thành công lại thường nghĩ đến khó khăn và trở ngại. Những người định hướng giải pháp luôn tìm cách vượt qua, đi vòng hay loại bỏ những cản trở đang ngáng đường họ. Còn người thất bại lúc nào cũng nghĩ đến các vấn đề của mình, ai hoặc điều gì đã gây ra chúng, họ cảm thấy buồn bực hay giận dữ ra sao, sự thiếu may mắn mà họ phải gánh chịu…
Dựa trên “định hướng giải pháp” chúng ta chỉ đơn giản trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này như thế nào? Và sau đó hành động để xử lý vấn đề.
Sẽ luôn có một số khó khăn giữa bạn và bất cứ mục tiêu nào mà bạn muốn hoàn thành. Đây chính là lý do tại sao thành công đôi khi còn được định nghĩa là khả năng giải quyết vấn đề. Sự lãnh đạo cá nhân là khả năng giải quyết vấn đề. Tính hiệu quả cũng vậy. Tất cả những người đã đạt được thành
công to lớn là những người đã phát triển được khả năng giải quyết vấn đề xuất hiện giữa họ và mục tiêu của mình.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ LÀ MỘT KỸ NĂNG
May mắn là khả năng giải quyết vấn đề lại là một kỹ năng, cũng giống như chạy xe đạp hoặc đánh máy chữ – nghĩa là bạn có thể rèn luyện. Bạn càng tập trung vào các giải pháp, thì giải pháp sẽ đến với bạn càng nhiều và càng tốt. Bạn càng giỏi nắm bắt tình hình, thì bạn sẽ càng có khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh nhanh chóng. Khi bạn giải quyết vấn đề nhanh hơn và hiệu quả hơn, bạn sẽ dần quen và có đủ khả năng giải quyết các vấn đề lớn hơn.
Sự thực là bạn có khả năng giải quyết bất cứ vấn đề nào hoặc vượt qua bất cứ trở ngại nào trên con đường dẫn đến mục tiêu, nếu sự khao khát của bạn đủ mạnh. Bạn có đủ sự thông minh nội tại và khả năng cần thiết để vượt qua bất cứ khó khăn nào.
LÝ THUYẾT RÀNG BUỘC
Một trong những bước đột phá quan trọng nhất trong hoạt động tư duy của con người một vài thập kỷ qua được Eliyahu Goldratt mô tả trong quyển sách của mình có tựa đề Mục tiêu (The Goal) là “lý
thuyết ràng buộc”. Lý thuyết này cho rằng giữa bạn và bất cứ điều gì mà bạn muốn hoàn thành luôn có một mối ràng buộc, hay còn gọi là yếu tố giới hạn, có thể quyết định kết quả mà bạn mong muốn.
Ví dụ, nếu bạn đang lái xe trên xa lộ và việc thi công đường sá đã thu hẹp mặt đường lại, tất cả các loại xe phải đi theo một làn xe duy nhất, thì điểm tắc nghẽn cổ chai này trở thành mối ràng buộc về tốc độ điều khiển xe của bạn, và quyết định phần lớn đến tốc độ của cả hành trình.
Khi hoàn thành bất cứ mục tiêu lớn lao nào, sẽ luôn xảy ra tình trạng ràng buộc hoặc tắc nghẽn mà bạn phải vượt qua. Nhiệm vụ của bạn là phải nhận diện nó một cách chính xác, sau đó tập trung tất cả nỗ lực của mình nhằm làm giảm nhẹ sự ràng buộc then chốt đó. Khả năng xử lý yếu tố giới hạn này có thể giúp bạn tiến lên phía trước nhanh hơn bất cứ điều gì khác.
QUY TẮC 80/20
Quy tắc 80/20 cũng áp dụng cho những ràng buộc giữa bạn và các mục tiêu của mình. Trong quy tắc này, 80% các ràng buộc của bạn có nguồn gốc từ chính bên trong bản thân bạn. Chỉ có 20% các ràng buộc là từ bên ngoài, do những con người và tình huống khác quyết định. Nói một cách khác, chính bản thân bạn là một vật cản trở lớn, quyết định tốc
độ mà bạn có thể đạt được trong bất kỳ mục tiêu nào bạn đã định ra cho mình.
Đối với hầu hết mọi người, điều này thật khó chấp nhận. Nhưng những người thành công thường quan tâm nhiều hơn đến điều gì đúng, hơn là người nào đúng. Những người thành công quan tâm nhiều hơn đến sự thực của tình huống và những điều mà họ có thể làm để giải quyết vấn đề, hơn là quan tâm đến việc bảo vệ bản ngã (cái tôi) của mình.
NHÌN VÀO CHÍNH MÌNH
Hãy tự hỏi rằng: Điều gì đang tồn tại bên trong mình và đang kìm hãm bản thân mình? Hãy nhìn sâu vào bên trong con người bạn và nhận diện những ràng buộc quan trọng trong cá tính, tính khí, kỹ năng, khả năng, thói quen, sự giáo dục, hoặc kinh nghiệm
– có thể chúng đang cản trở bạn đạt đến những mục tiêu. Hãy hỏi và thành thực với chính mình.
Những trở ngại chính giữa bạn và mục tiêu thường do tinh thần gây ra. Chúng thiên về tâm lý và cảm xúc. Và bạn phải bắt đầu xử lý chính những cản trở tinh thần này nếu muốn đạt được mọi thứ trong khả năng.
HAI TRỞ NGẠI LỚN
Hai trở ngại lớn đối với thành công là sự sợ hãi
và sự nghi ngờ. Trước hết là tất cả những nỗi sợ hãi: sợ thất bại, sợ nghèo khó, sợ thua lỗ, sợ xấu hổ, sợ bị từ chối… có thể làm bạn chùn bước, không dám thử bất cứ cơ hội nào ngay từ ý nghĩ ban đầu. Đó là lý do tại sao mọi người thường khó có thể hoàn thành một mục tiêu mới nào. Ngay khi nghĩ đến mục tiêu, những nỗi sợ này tràn ngập tâm trí họ, và dập tắt hoàn toàn sự khát khao của họ giống như một xô nước tạt lên đám lửa nhỏ.
Trở ngại tinh thần thứ hai, cũng liên quan với nỗi sợ, chính là sự nghi ngờ về khả năng của chính mình. Chúng ta thường so sánh bản thân một cách bất lợi so với những người khác và nghĩ rằng những người khác giỏi hơn, thông minh hơn và có năng lực hơn mình. Chúng ta thường nghĩ rằng: “Mình không giỏi đến mức ấy”. Chúng ta nghĩ mình không đủ khả năng và trình độ thấp kém trong khi những thách thức thì quá lớn.
LÒNG DŨNG CẢM VÀ SỰ TỰ TIN
May mắn là bạn có thể gạt bỏ cả nỗi nghi ngờ và sự sợ hãi. Mức độ dũng cảm và tự tin của bạn càng cao, thì mức độ sợ hãi và nghi ngờ trong bạn càng thấp, và những cảm xúc tiêu cực này càng có ít tác động đến hiệu quả làm việc và hành vi của bạn.
Cách thức mà bạn có thể sử dụng để tăng lòng dũng cảm và sự tự tin là thông qua kiến thức và kỹ
năng. Hầu hết sự sợ hãi và nghi ngờ đều phát sinh từ sự ngu dốt và cảm giác thiếu một năng lực nào đó. Khi học được nhiều điều cần thiết để đạt được mục tiêu, bạn sẽ cảm thấy ít sợ hãi mà sẽ dũng cảm và tự tin hơn.
Cũng giống như việc lần đầu học lái xe. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy cực kỳ căng thẳng, lo lắng và sẽ phạm rất nhiều lỗi. Bạn có thể bắt đầu một cách loạng choạng và trở thành mối nguy hiểm đối với chính bản thân mình và người khác. Nhưng theo thời gian, khi bạn đã làm chủ được kiến thức và kỹ năng của việc lái xe, bạn sẽ thuần thục hơn và sự tự tin của bạn tăng lên.
TÌNH TRẠNG KHÔNG TỰ LỰC
Tiến sĩ Martin Seligman của Đại học Pennsylvania đã trải qua 25 năm nghiên cứu về hiện tượng mà ông gọi là “tình trạng không tự lực”. Điều mà Seligman kết luận sau khi phỏng vấn và theo dõi thái độ của hàng ngàn người là hơn 80% dân số mắc phải tình trạng này ở một mức độ nào đó, và đôi khi chúng nằm ở mức rất cao.
Những người mắc phải tình trạng không tự lực thường cảm thấy bản thân không đủ khả năng đạt được những mục tiêu đề ra hoặc không thể tự cải thiện cuộc sống của chính mình. Biểu hiện phổ biến nhất của tình trạng không tự lực được thể hiện qua cụm từ “Tôi không thể”. Bất cứ khi nào nạn nhân của
tình trạng trên nhận một cơ hội, một khả năng hay một mục tiêu mới nào đó, ngay lập tức họ đáp lại rằng “Tôi không thể”. Sau đó, họ tiếp tục tìm đủ mọi lý do để né tránh không tham gia vào những kế hoạch ấy.
“Tôi không thể tiến lên trong sự nghiệp của mình. Tôi không thể kiếm được việc làm nào tốt hơn. Tôi không thể dành thời gian để học tập. Tôi không thể tiết kiệm tiền được. Tôi không thể giảm cân được. Tôi không thể khởi nghiệp. Tôi không kiếm được công việc nào khác để có thêm thu nhập. Tôi không thể thay đổi hay cải thiện các mối quan hệ của mình. Tôi không thể kiểm soát được thời gian của mình”.
Khi suy nghĩ và nói ra như thế, họ đã tự đóng cánh cửa tiềm năng của mình lại. Nó làm “đoản mạch” bất cứ nỗ lực hay khát khao nào trong việc xác lập một mục tiêu mới hoặc thay đổi mọi việc theo bất cứ chiều hướng nào. Một sự đúc kết nổi tiếng của Henry Ford là: “Dù tin rằng bạn có thể làm được hay không thể làm được một điều gì đó, bạn đều đúng”.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG KHÔNG TỰ LỰC
Tình trạng không tự lực phát sinh từ sự chỉ trích mang tính phá hoại ở thời niên thiếu, những trải nghiệm tiêu cực trong quá trình trưởng thành, và những thất bại khi bước vào đời. Cách thức để bạn
vượt qua khuynh hướng tự nhiên của việc xem thường bản thân mình là xác lập những mục tiêu nhỏ, lập ra kế hoạch và luôn cố gắng hoàn thành chúng hàng ngày. Bằng cách này, bạn sẽ dần phát triển được lòng dũng cảm và sự tự tin. Khi bạn tự tin vào bản thân và khả năng của mình, bạn có thể xác lập những mục tiêu khác lớn hơn. Theo thời gian, những nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ của bạn sẽ giảm đi, lòng dũng cảm và sự tự tin của bạn tăng lên và trở thành những yếu tố tác động thúc đẩy tư duy của bạn.
“TRUNG KHU THOẢI MÁI”
Trở ngại về tinh thần tiếp theo mà bạn cần phải vượt qua chính là “trung khu thoải mái”. Nhiều người đã rơi vào trạng thái tự mãn với hoàn cảnh hiện tại của họ. Họ cảm thấy quá mãn nguyện với công việc, các mối quan hệ và tình hình tài chính của mình đến nỗi không muốn thực hiện bất cứ thay đổi nào, ngay cả những thay đổi giúp họ phát triển tốt hơn.
“Trung khu thoải mái” là một trở ngại rất lớn đối với những tham vọng, khát khao, quyết tâm và sự thành đạt. Khi điều này xảy ra cùng lúc với tình trạng không tự lực, thì gần như là hết cách để thúc đẩy sự tiến bộ của bản thân. Đừng để điều này xảy ra với bạn.
XÁC LẬP NHỮNG MỤC TIÊU THÁCH THỨC
Cách duy nhất giúp bạn tránh được “trung khu thoải mái” và tình trạng không tự lực là xác lập những mục tiêu lớn lao, thách thức. Bạn hãy phân tích những mục tiêu này thành những nhiệm vụ cụ thể, thiết lập kỳ hạn và không ngừng nỗ lực hoàn thành. Giống những tảng băng trôi bị vỡ ra khi mùa xuân đến, sự trì trệ và uể oải do tình trạng không tự lực và “trung khu thoải mái” gây ra sẽ sớm bị phá bỏ. Bạn bắt đầu tiến bộ nhanh hơn, tăng tốc trong hành động để hoàn thành những mục tiêu trong khả năng của mình.
SẮP XẾP THEO THỨ TỰ ƯU TIÊN
Sau khi đã lập ra một danh sách những trở ngại đang ngáng đường bạn hoàn thành những mục tiêu lớn lao của mình, hãy sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Đâu là trở ngại lớn nhất? Nếu được chọn lựa để loại bỏ một trở ngại lớn khỏi hành trình của mình, thì bạn sẽ chọn điều gì?
Nhà tư vấn quản lý Ian Mitroff đã có những quan sát rất thú vị liên quan đến việc giải quyết vấn đề và loại bỏ trở ngại. Ông nói: “Dù đó là vấn đề gì đi nữa, thì bạn hãy xác định nó theo một vài cách khác nhau trước khi quyết định cố gắng giải quyết nó. Hãy
lưu ý đến bất cứ vấn đề nào chỉ có một cách định nghĩa, hoặc chỉ có một giải pháp”.
Khi bạn đặt câu hỏi liên quan đến mục tiêu của mình: “Tại sao mình chưa đạt được cái đích đó?”, câu trả lời nào xuất hiện trong tâm trí bạn? Điều gì đang ngăn trở bạn? Chính tại thời điểm này bạn phải xem xét kỹ lưỡng để xác định chính xác trở ngại trước khi tiến hành các bước loại bỏ chúng.
TIẾN HÀNH PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH
Đây là quá trình tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà chúng ta đang vướng mắc bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi có liên quan. Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi thường bắt đầu bằng mục tiêu tăng gấp đôi lợi nhuận với câu hỏi: “Tại sao lợi nhuận, hay thu nhập của tôi không cao gấp hai lần mức hiện tại?”. Bằng việc lặp đi lặp lại câu hỏi này, chúng ta sẽ dần tìm được câu trả lời rõ ràng và đúng với thực tại của bản thân.
Sau đây là ví dụ cho một quá trình đặt và trả lời câu hỏi:
– “Chúng ta không đạt được mục tiêu doanh số”.
Chúng ta cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?
– “Doanh số mỗi nhân viên bán ra không đủ lớn khi tính bình quân mỗi khách hàng”. Có giải pháp nào nữa mà chúng ta chưa nghĩ đến không?
– “Quảng cáo của chúng không thu hút đủ lượng khách hàng”. Còn điều gì khác có thể giải quyết vấn đề này?
Và bạn có thể thấy, bất cứ trở ngại nào khi được đưa ra một cách rõ ràng đều có một lộ trình hành động hoàn toàn khác biệt để giải quyết. Nếu chúng ta không đạt mục tiêu doanh số, giải pháp của chúng ta là gia tăng số lượng đơn hàng. Nếu doanh số tính trên mỗi khách hàng không đủ lớn, thì giải pháp của chúng ta là gia tăng quy mô đơn hàng theo từng khách hàng. Nếu quảng cáo của chúng ta không thu hút đủ lượng khách hàng, giải pháp của chúng ta là cải thiện chất lượng quảng cáo bằng một cách nào đó.
KHÔNG NGỪNG NGHIÊN CỨU SÂU HƠN
Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn vào vấn đề mình đang gặp phải bằng cách phân tích tỉ mỉ từng khía cạnh của vấn đề. Chẳng hạn như:
– Khách hàng của chúng ta không mua nhiều như mong đợi. Vậy, còn điều gì có thể là vấn đề cần giải quyết?
– Khách hàng của chúng ta không mua hàng thường xuyên như mong đợi. Vấn đề nào đang chi phối mà chúng ta có thể giải quyết?
– Nhân viên kinh doanh của chúng ta không đạt được doanh số như mục tiêu đề ra. Như vậy, ngoài việc cải
thiện sâu rộng chất lượng của lực lượng bán hàng thông qua quá trình tuyển dụng, đào tạo và quản lý hiệu quả hơn thì chúng ta còn cần chú ý vào vấn đề gì?
– Khách hàng của chúng ta đang hướng sang sử dụng sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Tình huống này buộc bạn phải đặt ra câu hỏi: “Khách hàng nhìn thấy giá trị hay lợi ích nào khi mua hàng từ đối thủ cạnh tranh của chúng ta? Chúng ta cần cải thiện điều gì để thu hút lại khách hàng?
– Chúng ta không đạt được lợi nhuận như mục tiêu đề ra. Còn điều gì chúng ta chưa thực hiện để có thể gia tăng lợi nhuận?
– Chi phí bán hàng trung bình của chúng ta quá cao. Vậy thì vấn đề đằng sau đó là gì? Có điều gì cần chúng ta giải quyết?
Và cứ thế tiếp tục. Mỗi định nghĩa mới về một vấn đề sẽ làm phát sinh những cách thức khác nhau để hoàn thành mục tiêu dài hạn mà bạn đã đề ra.
LÀM SAO ĐỂ TĂNG THU NHẬP
Để làm được việc này, bạn hãy nghĩ tới các vấn đề liên quan và đặt câu hỏi tương ứng:
– Mình chưa kiếm được tiền đúng khả năng của mình. Còn điều gì mình cần phải làm?
– Mình chưa đóng góp giá trị đúng mức để được
trả lương cao hơn. Mình cần đóng góp thêm điều gì khác nữa?
– Mình chưa làm tốt những công việc được giao để có thể nhận được mức lương tương xứng hơn. Mình cần cải thiện điều gì?
– Mình chưa sử dụng thời gian hiệu quả trong lúc làm việc. Mình cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
– Mình chẳng làm việc gì có ích hơn ngoài việc xem truyền hình vào buổi tối, vui chơi với bạn bè vào cuối tuần, và mình cũng ít khi đọc sách hay học tập gì có thể giúp mình nâng cao kỹ năng trong công việc.
Bây giờ thì bạn đã tìm ra được vấn đề thực sự của mình rồi đấy! Hãy xác định rõ ràng những điều cần làm để thay đổi hoàn cảnh hiện tại.
XEM TRỞ NGẠI NHƯ MỘT MỤC TIÊU
Sau khi đã xác định được trở ngại chủ yếu đang kìm hãm mình, bạn hãy biến trở ngại đó thành một mục tiêu tích cực. Ví dụ, bạn có thể nói rằng: “Mục tiêu của tôi là không ngừng nâng cao kỹ năng và khả năng để có thể lọt vào Top 10 nhân viên xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình”.
Sau đó, bạn hãy lập ra một danh sách tất cả các bước mà bạn cần tiến hành để nâng cao kỹ năng và khả năng của mình, cải thiện cách quản lý thời gian,
gia tăng hiệu quả, năng suất làm việc, và thúc đẩy doanh số cho công ty của bạn.
Bạn thiết lập kỳ hạn hoàn thành và những biện pháp cho mỗi bước tiến hành. Rồi bạn lựa chọn một nhiệm vụ chính yếu và hành động ngay lập tức. Kể từ lúc này trở đi, bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với cam kết của mình. Bạn trở thành người làm chủ công việc của chính mình. Hãy áp dụng kỷ luật và thúc đẩy bản thân thực hiện những việc cần thiết để đạt được những mục tiêu đã xác lập cho bản thân.
Được thể hiện rõ ràng trên giấy như thế, các bài tập nhận diện trở ngại và xác lập mục tiêu nhằm loại bỏ trở ngại sẽ giúp bạn kiểm soát được cuộc đời mình.
Với việc duy trì cam kết đối với sự quyết tâm đã đặt ra, bạn gần như có thể bảo đảm đi đến thành công sau cùng và đạt được hầu như bất cứ mục tiêu nào mà bạn định.
QUAN TÂM ĐẾN SỰ CHÍNH XÁC
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay mối bận tâm nào về tính chính xác của thông tin trong các vấn đề đang quan tâm, hãy thảo luận nó với một người nào đó mà bạn biết rõ và tin tưởng. Hãy dẹp bỏ cái tôi của mình sang một bên và luôn mời gọi những thông tin phản hồi hay lời phê bình trung thực.
Sau khi bạn đã nắm rõ vấn đề hay trở ngại của
mình, những ý tưởng, cơ hội và câu trả lời sẽ tự đến với bạn từ nhiều nguồn khác nhau. Bạn sẽ bắt đầu thu hút các loại nguồn lực – có thể xuất phát ngay từ nội tại hoặc đến từ môi trường xung quanh – có khả năng giúp bạn vượt qua khó khăn, trở ngại, và tiến nhanh về phía mục tiêu mà bạn đã đề ra.
MỌI VẤN ĐỀ ĐỀU CÓ THỂ GIẢI QUYẾT
Có một bài thơ đại ý như sau: “Đối với mọi vấn đề dưới vầng thái dương, đều sẽ có một giải pháp hoặc cũng có thể chẳng có giải pháp nào. Nếu có, hãy tìm kiếm nó. Ngược lại, bạn đừng bao giờ bận tâm”.
Đối với mọi vấn đề hay trở ngại thường sẽ có một giải pháp nào đó tồn tại ở đâu đó quanh bạn. Nhiệm vụ của bạn là phải nắm thật rõ điều gì quyết định tốc độ đạt được mục tiêu của mình và sau đó tập trung dành thời gian và nỗ lực để giảm thiểu sự ràng buộc đó. Nhờ việc nhận diện và loại bỏ những trở ngại của mình, bạn thường tiến bộ rất nhanh và chỉ trong vài tháng là có thể thực hiện được lượng công việc mà hầu hết những người khác phải mất một vài năm.
LOẠI BỎ TRỞ NGẠI
1. Nhận diện một mục tiêu lớn mà chưa hoàn thành của bản thân và tự hỏi: “Tại sao mình vẫn chưa đạt được mục tiêu này? Điều gì đang kìm hãm mình?”. Hãy liệt kê tất cả các nguyên nhân bạn có thể nghĩ ra.
2. Kiểm tra chính bản thân mình và xét xem có phải sự sợ hãi và nghi ngờ của bạn chính là những trở ngại lớn nhất hay không.
3. Nhận diện những ràng buộc và những yếu tố giới hạn ngay trong chính bản thân cũng như trong môi trường bạn đang sống, bởi vì chúng quyết định tốc độ hoàn thành mục tiêu của bạn.
4. Tìm hiểu kỹ hơn những vấn đề liên quan đến các trở ngại đang gặp phải và tự hỏi: “Mình còn điều gì cần giải quyết?”.
5. Xác định giải pháp tốt nhất của bạn như một mục tiêu, thiết lập kỳ hạn hoàn thành, lên kế hoạch hành động, và sau đó nỗ lực thực hiện kế hoạch này. Hãy tập trung thực hiện hàng ngày cho đến khi vấn đề được giải quyết hoặc trở ngại được loại bỏ.