Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chinh Phục Mục Tiêu – Goals!

Chương 4.xác Định Giá Trị Bản Thân

Tác giả: Brian Tracy

Vũ trụ được tạo từ tất cả những gì hiện hữu, bao gồm một Thượng đế, một nguyên tắc tồn tại, một luật lệ được chia sẻ bởi tất cả những sinh vật có tư duy và một chân lý.

– Marcus Aurelius

Một trong những phẩm chất quan trọng nhất của giới lãnh đạo và những người thành công trong mọi lĩnh vực là họ luôn xác định rõ giá trị bản thân, họ biết mình là ai, họ tin vào điều gì và họ đại diện cho điều gì. Với tầm nhìn chiến lược, với khả năng xác định rõ những mục tiêu, giá trị và lý tưởng của mình, họ luôn đạt được những thành tựu đáng kể trong bất kỳ công việc gì họ cố gắng. Trái lại, những người không hiểu rõ giá trị bản thân, họ cũng cố gắng xoay xở, bận rộn với công việc của mình nhưng lại thường không đạt được mọi điều như mong đợi.

Cuộc sống là những trải nghiệm của bản thân từ trong ra ngoài. Chính những giá trị cốt lõi bên trong bạn đã xây dựng nên hình ảnh bạn như hiện tại. Mọi hành động và hành vi của bạn thể hiện bên ngoài đều được điều khiển và xác định bởi những giá trị bên trong. Do đó, bạn càng xác định rõ những giá trị bên trong của mình bao nhiêu, thì hành động bên ngoài của bạn sẽ càng chính xác và hiệu quả bấy nhiêu.

NĂM CẤP ĐỘ CÁ TÍNH

Bạn hãy hình dung cá tính của mình được tạo lập bởi 5 vòng tròn đồng tâm, tượng trưng cho 5 cấp độ cá tính khác nhau.

Tâm vòng tròn chính là những giá trị của bạn. Từ tâm giá trị này nó quyết định niềm tin của bạn, cũng là vòng tròn kế tiếp. Nếu bạn mang trong mình những giá trị tích cực, như tình yêu thương, lòng nhân từ và độ lượng, thì hãy tin rằng bản thân mình và những người xung quanh đáng được nhận cũng như cho đi những điều như thế.

Đến lượt mình, niềm tin của bạn sẽ quyết định những kỳ vọng – vòng tròn thứ 3. Khi trong bạn hình thành những giá trị và niềm tin tích cực, bạn sẽ trở thành một người tốt. Lúc ấy, bạn sẽ kỳ vọng những điều tốt đẹp đến với mình cũng như những người xung quanh. Bạn sẽ luôn có thái độ tích cực, vui vẻ và định hướng tốt cho tương lai của mình.

Vòng tròn kế tiếp tượng trưng cho cấp độ cá tính thứ tư chính là thái độ của bạn. Thái độ là sự biểu thị hay phản ánh ra ngoài những giá trị, niềm tin và kỳ vọng của bạn. Khi hình thành những giá trị về một thế giới tốt đẹp, về niềm tin thành công trong cuộc sống và kỳ vọng vào những điều mới mẻ sẽ đến với mình, bạn sẽ trở nên vui vẻ và lạc quan hơn khi biết người khác cũng dành tình cảm tương tự hướng đến bạn. Điều này cũng giải thích một sự thật rằng bất kỳ ai có thái độ tích cực thì bao giờ cũng gặt hái được thành quả lớn trong đời.

Cuối cùng, vòng tròn thứ năm hay cấp độ cuộc sống, chính là hành động của bạn. Những hành động bạn biểu hiện ra bên ngoài là sự phản ánh những giá trị, niềm tin từ sâu thẳm bên trong con người bạn. Bởi thế cho nên những điều bạn đạt được trong cuộc sống sẽ được quyết định bởi phần lớn những điều đang diễn ra bên trong hơn là do các yếu tố bên ngoài.

GIÁ TRỊ PHẢI TƯƠNG HỢP VỚI MỤC TIÊU

Một người dù khôn ngoan đến đâu thì cũng khó che giấu được hết tất cả những suy nghĩ của bản thân nếu chúng ta chịu khó xem xét những biểu hiện bên ngoài của họ. Hầu như lúc nào cũng vậy, nếu bên trong tâm hồn của một ai đó mang những giá trị

tích cực, lạc quan, có mục tiêu và định hướng tương lai rõ ràng thì chắc chắn ngoài đời họ sẽ được tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, thành công và thịnh vượng.

Aristotle từng nói rằng mục tiêu tối hậu của con người là mong muốn đạt được hạnh phúc cá nhân cho mình. Bạn sẽ là người hạnh phúc nếu những điều bạn thể hiện ra cuộc sống bên ngoài tương hợp với những giá trị bên trong tâm hồn mình. Thực vậy, khi sống theo đúng với những gì bạn cho là tốt đẹp, đúng đắn thì bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và sống tích cực hơn.

Trong đó, các mục tiêu và giá trị của bạn phải tương hợp nhau. Khi đã xác định rõ những giá trị bản thân, bạn phải suy nghĩ kỹ càng về những mục tiêu thực sự có ý nghĩa trong đời mình bởi đây chính là bệ phóng để bạn vươn lên những thành tích cao, những thành tựu nổi bật.

Ngược lại, khi mục tiêu và giá trị của bạn không tương hợp nhau thì dù cho có nỗ lực thế nào đi chăng nữa, bạn cũng sẽ gây nên sự căng thẳng, bất mãn, bi quan, giận dữ và thất vọng. Do đó, trách nhiệm chính của bạn đối với bản thân nhằm tạo dựng một cuộc sống hoàn hảo là phải xác định rõ ràng đến mức tối đa những giá trị của mình trong mọi việc.

BẠN THỰC SỰ MUỐN GÌ?

Stephen Covey đã nói: “Hãy chắc chắn khi bạn đặt chân lên nấc thang thành công thì nó phải dựa vào bức tường phù hợp”. Trong cuộc sống, có nhiều người đã nỗ lực để đạt được những mục tiêu đề ra nhưng sau đó họ không cảm thấy thích thú hay thỏa mãn với những thành quả của mình. Đơn giản chỉ vì những thành tựu họ đạt được bên ngoài không tương hợp với những giá trị bên trong. Đừng để điều này xảy ra với bạn!

Socrates từng nói rằng: “Cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu không được kiểm nghiệm”. Đối với những giá trị của bạn hay bất cứ lĩnh vực nào khác trong đời sống cũng vậy, bạn cần xác định rõ ràng những giá trị đích thực của mình trên cơ sở “hướng về phía trước”. Hãy thường xuyên dừng lại và tự hỏi mình: “Đâu là giá trị của mình trong lĩnh vực này?”.

Trong Kinh Thánh có viết: “Con người sẽ được hưởng lợi gì, khi giành được cả thế giới, nhưng lại đánh mất linh hồn của chính mình?”. Bạn nghĩ gì khi biết rằng những người hạnh phúc nhất trên thế gian chính là những người đang sống tương hợp với những niềm tin và giá trị sâu thẳm trong tâm hồn họ; còn những người bất hạnh nhất là những người đang cố gắng sống ngược lại với những giá trị và niềm tin của mình?

TIN VÀO TRỰC GIÁC

Niềm tin vào bản thân là nền tảng đưa đến sự vĩ đại. Nó bắt nguồn từ việc lắng nghe trực giác của chính mình, lắng nghe thanh âm tĩnh lặng trong tâm hồn mỗi người. Con người sẽ trở nên vĩ đại khi biết lắng nghe những tiếng nói sâu thẳm từ trong tâm hồn và hoàn toàn tin rằng họ đang được dẫn dắt bởi một sức mạnh phi thường từ bên trong.

Sống tương hợp với những giá trị thực sự của bản thân chính là con đường huy hoàng dẫn đến sự tự tin, tự trọng và tự hào. Thực ra, hầu như tất cả mọi vấn đề của con người đều có thể giải quyết bằng cách quay trở về với những giá trị. Bất cứ khi nào bạn gặp phải vấn đề gì, hãy nhìn lại mình và tự hỏi: “Trong trường hợp này, tôi nên thỏa hiệp với những giá trị bên trong tâm hồn mình như thế nào?”.

DÕI THEO HÀNH VI CỦA BẠN

Làm sao để bạn có thể biết được đâu thực sự là những giá trị của mình? Câu trả lời rất đơn giản. Vì bạn luôn thể hiện những giá trị đích thực thông qua các hành động, đặc biệt là những hành động khi phải chịu áp lực. Bất cứ lúc nào rơi vào trường hợp buộc phải lựa chọn hành vi này hay hành vi khác, bạn sẽ luôn chọn cách hành xử mà mình cho là quan trọng và có giá trị nhất đối với bản thân vào lúc đó.

Thực ra, giá trị được tổ chức theo mức độ từ mạnh mẽ và quan trọng đến yếu ớt và kém quan trọng. Để xác định rõ những giá trị thực và kỳ vọng của bản thân, bạn cần phải sắp xếp những giá trị của mình theo mức độ ưu tiên. Một khi đã hiểu rõ về tầm quan trọng của các giá trị, thì bạn có thể điều chỉnh cuộc sống của mình sao cho tương hợp với các giá trị ấy.

TÌM HIỂU HÀNH VI QUÁ KHỨ

Tìm hiểu về quá khứ của mình cũng là một phương pháp hết sức khoa học để bạn xác định những giá trị thực của mình. Chẳng hạn như bạn đã hành xử ra sao khi gặp áp lực? Bạn đã lựa chọn thế nào với thời gian hay tiền bạc của mình khi bị bắt buộc?… Thông qua những câu hỏi như thế này, bạn sẽ hiểu hơn về những giá trị nổi bật của bản thân khi rơi vào hoàn cảnh đó.

Dale Carnegie(*) từng nói: “Hãy cho tôi biết điều gì tạo nên cảm xúc mạnh mẽ nhất về tầm quan trọng của một người, tôi sẽ cho bạn biết toàn bộ triết lý sống của người đó”. Điều gì làm cho bạn cảm thấy mình quan trọng? Điều gì gia tăng lòng tự trọng và tự hào của bạn? Thành quả nào trong cuộc sống mang lại cho bạn cảm giác tự hào và mãn nguyện? Sau khi trả lời

(*) Dale Carnegie tên đầy đủ là Dale Breckenridge Carnegie (1888 – 1955): Nhà văn, nhà thuyết trình Mỹ. Ông là tác giả quyển “Đắc nhân tâm” và “Quẳng gánh lo đi và vui sống” nổi tiếng thế giới.

những câu hỏi này, bạn sẽ nhận thức được một phần nào đó những dấu hiệu về giá trị đích thực của mình.

KHÁT VỌNG TRONG TIM

Emmet Fox, một chuyên gia trong lĩnh vực tự hoàn thiện bản thân, khi đề cập đến tầm quan trọng của “khát vọng trong tim”, có đưa ra một số vấn đề: Đâu là khát vọng trong tim của bạn? Đâu là điều sâu xa trong trái tim khiến bạn luôn mong muốn đạt được hơn bất cứ điều gì khác? Hay như một người bạn của tôi có lần hỏi: “Bạn muốn mình nổi tiếng về điều gì?”.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy thử trả lời những câu hỏi sau đây: Bạn muốn người khác nói về mình thế nào khi bạn không có mặt ở đó? Bạn muốn được mọi người nói gì về mình trong tang lễ của bạn? Bạn muốn gia đình, bạn bè và con cái nhớ đến bạn thế nào? Uy tín của bạn hiện nay ra sao? Bạn muốn uy tín của mình ở mức nào trong tương lai? Ngay từ hôm nay, bạn cần phải làm gì để tạo dựng được uy tín như mình hằng mong muốn?

GẠT BỎ QUÁ KHỨ, HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Có nhiều người vì những quan niệm và nhận thức sai lầm mà họ phải trả giá đắt trong cuộc đời

mình. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ đã kết thân với các đối tượng không phù hợp và đã có hành vi phạm pháp hoặc không được xã hội chấp nhận. Tệ hại hơn, có người còn bị kết án và phải ngồi tù. Nhưng đến một lúc nào đó, họ muốn thay đổi chính cuộc đời mình, bằng cách thay đổi những giá trị niềm tin trong bản thân. Quyết định này giúp họ tự thay đổi cuộc đời, bỏ lại quá khứ để hướng về tương lai.

Còn bạn thì sao? Hãy nhớ rằng: Bạn đến từ đâu không quan trọng; điều quan trọng nhất là bạn sẽ đi đến đâu?

ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN

Theo các chuyên gia tâm lý học, mức độ đánh giá bản thân của mỗi người sẽ xác định mức độ hạnh phúc của người đó. Mức độ bạn đánh giá bản thân được quyết định bởi hình ảnh chủ quan của bạn. Đây chính là cách bạn nhìn nhận và suy nghĩ về bản thân trong các quan hệ hàng ngày với mọi người. Hình ảnh chủ quan của bạn được định hình từ lý tưởng chủ quan. Mà lý tưởng chủ quan vốn được đúc kết từ đức hạnh, giá trị, mục tiêu, hy vọng, ước mơ và khát vọng của bạn.

Đây là điều mà những nhà tâm lý học khám phá được: hành vi thực tại càng nhất quán với hành vi lý tưởng, thì bạn sẽ càng yêu quý, tôn trọng bản

thân và cũng vì thế mà bạn càng cảm thấy hạnh phúc hơn.

Ngược lại, khi hành vi thực tại không nhất quán với hành vi lý tưởng, thì bạn sẽ không nhận thấy hết được giá trị thực của bản thân, đồng thời sẽ cảm thấy năng lực của mình không được phát huy ở mức tối đa, và mức độ hạnh phúc của bạn cũng do đó mà bị suy giảm.

THỂ HIỆN NĂNG LỰC Ở MỨC CAO NHẤT

Thời điểm bạn thể hiện năng lực ở mức cao nhất chính là lúc hình ảnh chủ quan của bạn được cải thiện, giá trị bản thân được nâng cao, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn về bản thân và thế giới xung quanh.

Chẳng hạn như mỗi khi bạn được khen ngợi hoặc được tôn vinh vì một thành tích nào đó thì sự tự đánh giá bản thân sẽ tăng lên, đôi khi là rất cao. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng về bản thân cũng như những lý tưởng và thành công của mình trong cuộc sống.

Vì vậy, bạn nên xây dựng mục tiêu một cách có hệ thống để nâng cao giá trị bản thân trong mọi việc bạn thực hiện. Bạn nên thể hiện phong thái của một người xuất sắc như bạn hằng mong đợi.

BIẾT RÕ NHỮNG ĐIỀU BẠN TIN TƯỞNG

Ở khía cạnh công việc và sự nghiệp, bạn xác định những giá trị của mình là gì? Bạn có nghĩ mình cũng có những giá trị như sự chính trực, chăm chỉ, đáng tin cậy, sáng tạo, hợp tác, năng động, cầu tiến và hòa hợp với mọi người? Khi thể hiện những giá trị này trong công việc thì bạn sẽ gặt hái nhiều thành công hơn và được tôn trọng nhiều hơn so với việc bạn không thể hiện được gì.

Ở phương diện gia đình, những giá trị của bạn là gì? Bạn có tin vào tầm quan trọng của tình yêu chân chính, sự động viên khuyến khích và củng cố không ngừng, sự kiên nhẫn, tha thứ, rộng lượng, sự thân thiện và ân cần dành cho những người có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống của mình? Những giá trị này sẽ giúp bạn sống hạnh phúc hơn rất nhiều.

Trong lĩnh vực tài chính, giá trị của bạn thể hiện ở những điểm nào? Bạn có tin vào tầm quan trọng của sự trung thực, cần cù, tiết kiệm, kiên trì, sự giáo dục, phong độ tuyệt vời? Những giá trị này sẽ tạo điều kiện để bạn phát huy khả năng đưa bạn đến nhanh hơn với những thành công trong vấn đề tài chính.

Còn sức khỏe thì sao? Những giá trị như sự kỷ luật, tự hoàn thiện và tự chủ liên quan đến chế độ

ăn uống, luyện tập và nghỉ ngơi được áp dụng một cách triệt để thì chắc rằng bạn sẽ sở hữu một thân hình lý tưởng và sức khỏe tuyệt vời như bạn hằng mong muốn.

THÀNH THỰC VỚI CHÍNH MÌNH

Giá trị quan trọng nhất của con người có lẽ là sự chính trực. Qua thực tế cuộc sống, nhiều người đã đúc kết: “Sự chính trực không chỉ là một giá trị mà nó còn bảo đảm cho tất cả các giá trị khác”.

Đây quả là một bài học vô cùng hữu ích đối với chúng ta. Vì khi sống nhất quán với một giá trị nào đó, thì sự chính trực sẽ quyết định ta có theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng hay không. Mức độ chính trực càng cao thì chúng ta càng cảm thấy mạnh mẽ hơn trong mọi việc.

Những người thực sự vĩ đại luôn được đánh giá là có mức độ chính trực rất cao. Tự bản thân họ luôn thể hiện sự nhất quán giữa hành động với những giá trị cao nhất của mình ngay cả khi không có ai theo dõi. Trái lại, những người tầm thường luôn làm việc qua loa và luôn thỏa hiệp với sự chính trực của mình, đặc biệt là khi không có ai quan sát.

SỐNG THỰC VỚI BẢN THÂN VÀ NGƯỜI KHÁC

Hãy xác định cho mình ngay hôm nay để trở thành một người được kính trọng, một người sống chân thực với bản thân và mọi người xung quanh. Đồng thời, bạn cũng nên thể hiện rõ những giá trị của mình trong từng khía cạnh cuộc sống. Sau đó, hãy viết ra giấy những cách hành xử sao cho nhất quán với những giá trị ấy, và sẵn sàng từ chối thỏa hiệp vì bất cứ lý do gì.

Khi bạn đã hoàn toàn nhận trách nhiệm đối với cuộc sống, xác định những giá trị và định hướng cho mình một tương lai hoàn hảo, thì bạn hãy bắt đầu thiết lập những mục tiêu rõ ràng, cụ thể cho mình. Bạn hãy sẵn sàng để vươn đến những điều tốt đẹp trong đời.

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ BẢN THÂN

1. Hãy viết ra một danh sách từ 3 đến 5 giá trị mà bạn cho là quan trọng nhất trong cuộc sống. Bạn sẽ thực sự tin tưởng và hướng đến điều gì?

2. Mọi người sẽ thấy ở bạn những phẩm chất và giá trị nào?

3. Những giá trị nào được bạn cho là quan trọng nhất để thắt chặt mối quan hệ với những người xung quanh?

4. Những giá trị của bạn trong lĩnh vực tài chính là gì? Hàng ngày bạn có bộc lộ những giá trị ấy không?

5. Hãy mô tả bức chân dung về một người mà bạn cho là lý tưởng, và bạn muốn trở thành người đó nếu không gặp phải bất cứ giới hạn nào.

6. Hãy thử viết một danh sách những điều mà bạn muốn bạn bè, gia đình và những người xung quanh sẽ nói về mình khi bạn vắng mặt.

7. Bạn muốn thay đổi điều gì trong hành vi của mình để sống nhất quán hơn với những giá trị bản thân?

Bình luận