Hãy làm cho mọi ý nghĩ, mọi dữ kiện đến từ trí tuệ của bạn tạo ra lợi ích. Hãy biến chúng thành hiện thực và tạo ra kết quả cho bạn. Hãy nghĩ theo cách mà chúng có thể diễn ra chứ không phải cách chúng thể hiện. Không nên chỉ ước mơ đơn thuần, mà hãy sáng tạo.
– Robert Collier
Tony Buzan là một chuyên gia nghiên cứu về não người. Ông là cựu chủ tịch của Mensa – tập đoàn chỉ dành cho những người có điểm số các bài test IQ tiêu chuẩn nằm trong số 2% cao nhất, và cũng là tác giả của nhiều quyển sách viết về sự sáng tạo, phương pháp học, và sự thông tuệ. Theo ông, và theo nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực này, tiềm năng tinh thần của một người trung bình phần lớn chưa được khai thác và vẫn còn gần như là vô tận.
Vỏ não của bạn có khoảng 100 tỷ tế bào, mỗi tế bào này xù lên như con nhím với khoảng 20.000 hạch hoặc sợi liên kết nó với những tế bào não khác. Đến lượt chúng, những tế bào này lại được liên kết và kết nối với hàng ngàn hoặc hàng triệu tế bào khác, như một mạng lưới điện thắp sáng và cung cấp điện cho một thành phố lớn. Mỗi tế bào và mỗi kết nối chứa đựng một nguyên tố năng lượng tinh thần hoặc thông tin có sẵn cho các tế bào khác. Điều này có nghĩa là tính phức tạp trong bộ não của bạn vượt quá sự tưởng tượng của con người.
KHOẢN DỰ TRỮ KHỔNG LỒ
Như đã nêu ở phần trước, trung bình mọi người sử dụng khoảng 1 hoặc 2% năng lực của bộ não để thực hiện 100% hoạt động chức năng trong cuộc sống và công việc. Phần còn lại là “khoản dự trữ” hiếm khi được khai thác hoặc sử dụng cho bất cứ lý do gì. Hầu hết mọi người “xuống nấm mồ với những tài năng chưa được chạm đến”.
Bạn không cần phải tìm sự thần kỳ nào để tạo ra những kết quả phi thường trong cuộc sống của mình. Bạn chỉ cần sử dụng sức mạnh hiện hữu của bộ não bạn nhiều hơn một chút so với mức bạn đang sử dụng hiện nay. Sự cải thiện nhỏ bé này trong năng lực tư duy có thể thay đổi cuộc sống của bạn một cách vô cùng sâu sắc.
Theo cuộc nghiên cứu do Giáo sư Sergei Yeframov ở Nga tiến hành vài năm trước, nếu bạn có thể sử dụng chỉ khoảng 50% năng lực tinh thần hiện hữu của mình, bạn có thể hoàn thành những yêu cầu dành cho tiến sĩ ở hàng chục trường đại học, học được hàng chục ngôn ngữ một cách dễ dàng và nhớ được toàn bộ 22 quyển từ điển bách khoa.
TĂNG THU NHẬP GẤP ĐÔI?
Nếu hiện bạn chỉ sử dụng khoảng 2% tiềm năng tinh thần của mình và bạn có thể nâng con số này lên 4%, bạn có thể tăng gấp đôi thu nhập một cách dễ dàng, thăng tiến nhanh chóng trong nghề nghiệp, vươn lên đỉnh cao trong lĩnh vực chuyên môn và thay đổi cuộc sống. Nếu bạn có thể sử dụng 5 – 7% tiềm năng này, bạn sẽ bắt đầu thể hiện ở một cấp độ mà ngay cả bạn và những người xung quanh cũng phải kinh ngạc. Ước tính rằng ngay cả khi Albert Einstein chưa bao giờ sử dụng nhiều hơn 10 – 15% tiềm năng tinh thần ở đỉnh cao năng lực, nhưng ông được xem là một trong những thiên tài vĩ đại nhất loài người.
SỬ DỤNG HOẶC ĐÁNH MẤT TIỀM NĂNG
Tính sáng tạo của bạn cũng giống như cơ bắp. Nếu bạn không sử dụng, không luyện tập và kích
thích nó thường xuyên, nó sẽ yếu dần và mất dần năng lực vốn có.
Rất may là bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bắt đầu khai thác tính sáng tạo của mình và sử dụng nó ở một mức độ cao hơn. Thực sự, bạn có thể bắt đầu kích hoạt thêm các neuron và khoáng chất trong não bộ, hình thành thêm nhiều mối liên kết và siêu liên kết. Mỗi khi bạn sử dụng nhiều năng lực hiện hữu của não bộ hơn, thì bạn sẽ có khả năng tư duy tốt hơn và rõ ràng hơn.
Ý TƯỞNG LÀ NGUỒN GỐC CỦA MỌI CỦA CẢI
Ngày nay, chúng ta đang ở trong thời đại thông tin, ý tưởng lúc này đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó chính là nguồn gốc mới mang lại của cải cho bạn. Ý tưởng chứa đựng chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Đó là những công cụ quan trọng nhất để đạt được bất cứ mục tiêu nào. Do năng lực hình thành ý tưởng của bạn gần như là không giới hạn, nên khả năng bạn hoàn thành bất cứ mục tiêu nào đặt ra cho mình cũng gần như là vô hạn.
Tất cả những của cải đều đến theo giá trị gia tăng, từ việc sản xuất nhiều hơn, tốt hơn, rẻ hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn. Một ý tưởng hay để gia tăng giá trị là tất cả những gì bạn cần để bắt đầu kiếm được gia tài cho mình.
Khi bạn có những mục tiêu rõ ràng – được viết đi viết lại nhiều lần, được hình dung và thúc đẩy bởi động lực, bạn đã kích hoạt tâm trí ý thức, vô thức và siêu thức của mình nhằm tạo ra một dòng ý tưởng vô hạn để hoàn thành mục tiêu cụ thể.
LUYỆN TẬP NÃO THƯỜNG XUYÊN
Kỹ thuật hiệu quả nhất để cải thiện trí tuệ và gia tăng tính sáng tạo của bạn là điều mà tôi gọi là “động não”. Cách hoạt động của kỹ thuật này rất đơn giản. Nhưng kết quả mà bạn thu được cũng đáng kinh ngạc đến mức có thể thay đổi cả cuộc sống của bạn.
Bạn có thể bắt đầu quá trình động não trước hết bằng cách lấy ra một tờ giấy trắng. Ở đầu trang giấy, bạn hãy viết ra mục tiêu hay vấn đề của mình dưới dạng một câu hỏi. Câu hỏi càng đơn giản và càng cụ thể thì chất lượng của những câu trả lời càng tốt.
Ví dụ, thay vì viết một câu hỏi: “Mình có thể kiếm thêm tiền bằng cách nào?”, bạn hãy viết rằng: “Mình có thể gia tăng gấp đôi thu nhập của mình trong vòng 24 tháng bằng cách nào đây?”.
Tốt hơn nữa, nếu bạn đang có thu nhập 50.000 đô-la một năm, thì câu hỏi của bạn nên cụ thể như: “Làm sao để mình có thể tạo ra thu nhập 100.000 đô-la trước ngày 31 tháng12 năm sau?”.
Mỗi câu trả lời của bạn nên được viết ra với
“Công thức 3P”. Câu hỏi phải mang tính cá nhân (personal), ở dạng khẳng định (positive) và ở thì hiện tại (present).
NẮM VỮNG PHƯƠNG PHÁP
Sau khi bạn đã viết câu hỏi lên đầu trang giấy, bạn hãy tự buộc mình viết ra ít nhất 20 câu trả lời cho câu hỏi này. Bạn có thể viết nhiều hơn 20 câu trả lời, nhưng điều quan trọng trong bài tập này là bạn thiết lập một mục tiêu tối thiểu là 20 câu.
Khoảng 3 – 5 câu trả lời đầu tiên là khá dễ dàng. Bạn sẽ nhanh chóng nghĩ đến những câu trả lời như: làm việc chăm chỉ hơn, thức dậy sớm hơn và đi ngủ muộn hơn, làm việc tập trung vào những nhiệm vụ có giá trị cao hơn…
5 câu trả lời tiếp theo sẽ khó hơn. Bạn sẽ phải suy nghĩ tích cực hơn và đào sâu hơn để đề xuất những câu trả lời mặc dù có thể chúng ít rõ ràng hơn nhưng lại mang tính sáng tạo hơn.
10 câu trả lời cuối cùng sẽ là công việc khó khăn nhất. Nhiều người nhận thấy phần bài tập này quá khó đến nỗi tâm trí họ trở nên trống rỗng.
Tuy nhiên, dù có mất bao nhiêu thời gian đi nữa, đặc biệt là những lần đầu tiên bạn thực hành bài tập này, bạn phải buộc chính mình duy trì bài tập cho đến khi bạn có được ít nhất 20 câu trả lời.
Đôi khi chính câu trả lời thứ 20 do bạn nghĩ ra sẽ là câu trả lời mang tính đột phá, giúp bạn tiết kiệm rất nhiều cả thời gian và tiền bạc. Thông thường, câu trả lời cuối cùng của bạn là ý tưởng mang cảm hứng có khả năng thay đổi cuộc sống và sự nghiệp của bạn.
CHỌN LỰA HÀNH ĐỘNG
Sau khi bạn đã có ít nhất 20 câu trả lời, hãy quay lại xem xét toàn bộ danh sách và từng câu trả lời kỹ lưỡng hơn. Sau đó, chọn ra ít nhất một hành động mà bạn có thể thực hiện ngay để tiến nhanh hơn đến mục tiêu hay giải quyết vấn đề tồn tại.
Bạn có thể nhân tính hiệu quả của quá trình này lên nhiều lần bằng cách chọn câu trả lời tốt nhất mà bạn đã nhận diện từ danh sách 20 ý tưởng đầu tiên và viết nó lên đầu trang giấy dưới dạng một câu hỏi. Sau đó, hãy xem bạn có thể động não được 20 câu trả lời cho câu hỏi này không. Bài tập phối hợp này sẽ tăng tốc cho bạn về mặt trí tuệ. Tâm trí bạn sẽ lóe sáng và nhảy múa với năng lượng tinh thần và đưa ra nhiều ý tưởng giống như những bóng đèn lấp lánh trên cây thông Noel.
Ví dụ, câu hỏi đầu tiên của bạn là: “Làm sao mình có thể tăng thu nhập lên mức 100.000 đô-la trong vòng 24 tháng tới?”. Một trong những câu trả lời có thể là: “Mình sẽ làm việc thêm 2 giờ mỗi ngày”.
Bạn có thể chuyển câu trả lời này sang một tờ giấy trắng khác và viết nó lại dưới dạng câu hỏi: “Mình có thể làm gì để có được thêm 2 giờ làm việc hiệu quả mỗi ngày?”. Sau đó, bạn có thể viết ra ít nhất 20 điều có thể làm, để tiết kiệm thời gian, có thêm thời gian, và sử dụng 2 giờ bổ sung này cho hoạt động có hiệu quả trong mỗi ngày.
Dù bạn có chọn bất cứ câu trả lời nào đi nữa thì hãy chuyển nó thành hành động ngay lập tức. Hãy làm bất cứ một việc gì đó. Bạn hành động theo bài tập này càng nhanh thì dòng ý tưởng sẽ càng đến với bạn nhiều hơn và liên tục hơn trong ngày làm việc. Ngược lại, nếu bạn hình thành những ý tưởng mà sau đó chẳng làm gì với chúng cả, thì dòng tư duy sáng tạo sẽ chậm lại và chấm dứt.
SỨC MẠNH CỦA HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG
Hãy tưởng tượng rằng bạn phải thực hiện bài tập trên mỗi buổi sáng, liên tục 5 ngày trong tuần. Bạn có thể sử dụng những ngày nghỉ cuối tuần để bộ não thư giãn. Nếu thực hiện bài tập này 5 lần một tuần, bạn có thể nghĩ ra khoảng 100 ý tưởng trong tuần. Nếu bạn thực hiện bài tập này 50 tuần một năm, thì bạn có thể nghĩ ra được 5.000 ý tưởng trong vòng 12 tháng.
Nếu sau đó bạn phải thực hiện một ý tưởng mới
trong ngày để giúp bạn tiến gần đến mục tiêu hơn, nhân lên với 5 ngày một tuần, 50 tuần một năm, bạn sẽ thực hiện khoảng 250 ý tưởng mới trong một năm
– con số này đa số mọi người cần đến cả đời mới thực hiện được.
Vậy thì đây là câu hỏi khác: Bạn có nghĩ rằng bài tập này, nếu được tiến hành thường xuyên, sẽ có tác động tốt đến cuộc sống và tương lai của bạn không? Trong một thế giới mà hầu hết mọi người thường có rất ít ý tưởng, bạn có nghĩ rằng bài tập này sẽ mang lại cho bạn lợi thế trong lĩnh vực của mình không? Bạn có nghĩ rằng nếu bạn thực hiện hàng ngày, bạn sẽ sớm trở nên giàu có và thành công trong bất cứ lĩnh vực nào mà bạn tham gia hay không? Tôi nghĩ rằng câu trả lời quá rõ ràng.
Một ý tưởng hay có thể tiết kiệm cho bạn nhiều năm làm việc chăm chỉ và hàng ngàn đô-la chi phí. Nhiều ý tưởng hay, hết ý tưởng này đến ý tưởng khác, được xây dựng dựa vào nhau, sẽ giúp bạn giàu có, hạnh phúc, thành công, và gần như không thể thất bại.
XỬ LÝ TỪNG VẤN ĐỀ MỘT CÁCH HIỆU QUẢ
Cũng như giải toán, bạn cũng cần một quy trình để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và công việc. Yêu cầu cơ bản là bạn phải tiếp cận kỹ
thuật giải quyết vấn đề một cách có hệ thống và tổ chức tốt.
• Bước 1: Xác định vấn đề một cách rõ ràng
Một vấn đề được xác định rõ ràng thì coi như đã được giải quyết một nửa. Thật lãng phí khi bỏ ra nhiều thời gian để đi tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề còn mơ hồ.
• Bước 2: Đặt câu hỏi: Đâu là những nguyên nhân gây ra vấn đề này?
Hãy tìm kiếm cả những lý do rõ ràng lẫn những lý do mơ hồ. Vấn đề bắt đầu ra sao? Nguồn gốc của nó là gì? Điều gì đã kích thích vấn đề phát sinh? Những biến số quan trọng nào đã thay đổi và gây ra vấn đề? Giả định nào đã được đặt ra dẫn đến vấn đề này? Giống một bác sĩ đang tiến hành kiểm tra một bệnh nhân, bạn nên phân tích hoàn toàn vấn đề trước khi cố gắng giải quyết nó.
• Bước 3: Đặt câu hỏi: Đâu là những giải pháp khả dĩ cho vấn đề này?
Cần tránh khuynh hướng tự nhiên của hầu hết mọi người là nhảy từ một định nghĩa vấn đề sang kết luận liên quan đến một giải pháp nào đó. Hãy luôn đặt ra câu hỏi: “Giải pháp khác cho vấn đề này là gì?”.
Đôi khi giải pháp tốt nhất là chẳng làm gì cả. Đôi khi giải pháp tốt nhất là thu thập thêm thông tin. Đôi khi bạn nhận thấy rằng đó không phải là
vấn đề của bạn và chuyển nó cho người chịu trách nhiệm trực tiếp.
• Bước 4: Đặt câu hỏi: Giải pháp này giải quyết được điều gì?
Sau khi bạn đã nhận diện một số giải pháp khả dĩ, cách duy nhất mà bạn có thể đánh giá tính ưu việt của giải pháp là phải xác định trước bạn muốn giải pháp ấy mang lại những gì.
Có thể bạn đã từng nghe câu: “Cuộc giải phẫu thành công, nhưng bệnh nhân đã chết”. Chúng ta rất thường khởi phát một giải pháp và triển khai thực thi, nhưng vấn đề không những không được giải quyết, mà còn tồi tệ hơn so với trước lúc chúng ta hành động.
Hãy đảm bảo rằng giải pháp bạn đã chọn có khả năng hoàn thành mục đích mà bạn hướng đến khi bắt đầu tiến hành.
• Bước 5: Phân công trách nhiệm cụ thể hoặc bạn tự đảm nhận quá trình triển khai giải pháp.
Sau khi bạn đã quyết định được giải pháp lý tưởng, hãy xác lập kỳ hạn hoàn thành để bắt đầu triển khai. Hãy đặt ra tiêu chí đo lường để bạn có thể xác định được liệu giải pháp đó có hiệu quả hay không.
Hãy rèn luyện phương pháp xử lý vấn đề mang tính hệ thống như vậy cho đến khi nó trở thành thói quen của bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên với hiệu quả và
chất lượng công việc mà mình tạo ra khi sử dụng phương pháp này.
CHÌA KHÓA CỦA THẮNG LỢI VÀ THÀNH CÔNG
Khi nghiên cứu các cuộc chiến tranh và các trận đánh qua nhiều thế kỷ, tôi luôn cảm thấy cuốn hút bởi những tình thế trong đó lực lượng nhỏ hơn có khả năng đánh bại một lực lượng lớn hơn rất nhiều. Trong mọi trường hợp, điều mà tôi khám phá ra là lực lượng nhỏ hơn thường có phương pháp khoa học hơn, và có tính kỷ luật hơn trong các phương án tác chiến so với lực lượng mạnh hơn nhưng không được tổ chức tốt.
Cũng với lý do tương tự, một người bình thường, với một hệ thống hay công thức giải quyết vấn đề hợp lý, có thể vượt trội những người thông minh hơn, học hành nhiều hơn khi những người này lao vào giải quyết vấn đề mà không có phương pháp hay quy trình xử lý vấn đề.
Qua đó, ta có thể thấy rằng quá trình động não và phương pháp tiếp cận có hệ thống sẽ mang lại cho bạn một lợi thế to lớn trong việc làm chủ những vấn đề và khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc sống và công việc.
HÃY VIẾT RA GIẤY
Hãy đảm bảo rằng bạn luôn viết suy nghĩ của mình ra giấy. Thường sẽ có một liên hệ ngầm diễn ra giữa bộ não và đôi tay khi bạn viết. Bạn sẽ có một cảm giác về sự rõ ràng và thấu hiểu lớn hơn trong các vấn đề liên quan. Bạn tư duy tốt hơn. Cảm nhận của bạn sắc bén hơn. Bạn thực sự trở nên thông minh và sáng tạo hơn chính bởi hành động viết mọi thứ ra giấy khi bạn tiến hành công việc và trước khi bạn ra quyết định.
TRẢ LỜI HAI CÂU HỎI
Trong quá trình hoạch định giải pháp, bạn cần đặt ra hai câu hỏi. Trước hết: “Trong những năm tháng sắp tới, có khả năng xảy ra ba điều tệ hại nhất nào có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và cuộc sống cá nhân mình?”.
Bạn hãy viết chúng ra giấy. Hãy thành thực với chính mình. Không nên ước mơ hay hy vọng những điều tốt nhất. Ví dụ, bạn hãy tưởng tượng rằng khách hàng thân thiết nhất của bạn phá sản hoặc không có khả năng thanh toán những sản phẩm hay dịch vụ mà bạn đã bán cho họ. Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ phản ứng ra sao? Bạn có thể tiến hành những bước đi nào để ngăn ngừa khi tình huống xảy ra theo hướng đó?
Sau đó, hãy hỏi tiếp câu hỏi thứ hai: “Đâu là ba
điều tốt nhất có khả năng xảy ra với mình trong những năm tháng tiếp theo?”.
Qua những câu trả lời của bạn dành cho 2 câu hỏi này, bạn có thể bắt đầu động não để chuẩn bị các kịch bản có khả năng xảy ra. Nếu đó là một khả năng thụt lùi, hãy đặt câu hỏi “Chúng ta có thể tránh được bước thụt lùi này bằng cách nào?”. Sau đó, hãy nghĩ ra ít nhất 20 đáp án cho nó.
Nếu đây là một cơ hội tiềm năng, hãy đưa ra câu hỏi “Chúng ta có thể gia tăng xác suất xảy ra cơ hội này hoặc tận dụng lợi thế từ cơ hội này bằng cách nào?”. Hãy viết ra ít nhất 20 câu trả lời.
Mỗi lần tự hỏi một trong những câu hỏi này, nó sẽ kích thích những ý tưởng và kiến thức chuyên sâu trong trí não bạn. Càng nghĩ nhiều về những câu hỏi then chốt này, bạn càng có khả năng kích hoạt được tâm trí siêu thức của mình để tạo ra những cái nhìn sâu sắc và những nguồn cảm hứng có thể giúp bạn nắm bắt cơ hội và né tránh những mối đe dọa.
PHÁT TRIỂN KẾ HOẠCH B
Otto von Bismarck(*), được xem là một trong những chính khách nổi tiếng nhất thế kỷ 19. Ông có khả năng thúc đẩy các quốc gia tranh đua, các chủ đất và các thế lực đối nghịch nhau vào quá trình
(*) Otto von Bismarck (1815-1898): Nhà lãnh đạo của nước Đức và vương quốc Phổ thế kỷ 19.
thành lập một nước Đức thống nhất. Đời sống chính trị của ông là một quá trình không ngừng nghỉ của hoạt động thương lượng tiến rồi lùi, thắng rồi thua pha trộn.
Bismarck nổi tiếng vì luôn luôn có một kế hoạch dự phòng được phát triển rất kỹ lưỡng trước khi ông bắt đầu thương lượng về kế hoạch chính. Kế hoạch dự phòng này sau đó được biết đến với tên gọi là “Kế hoạch Bismarck”, hay “Kế hoạch B”. Tương tự vậy, bạn cũng nên luôn tính sẵn kế hoạch B cho những hoạt động quan trọng trong công việc cũng như trong cuộc sống riêng.
Kế hoạch B của bạn là gì? Kế hoạch dự phòng của bạn là gì nếu công việc, nghề nghiệp, hay kế hoạch hành động hiện tại của bạn không có kết quả thành công như mong đợi? Kế hoạch dự phòng của bạn là gì nếu những khoản đầu tư hiện tại của bạn không có hiệu quả hoặc nếu kế hoạch tốt nhất của bạn thất bại? Đâu là những phương án thay thế của bạn? Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn phải ra đường sống hoặc rơi vào hoàn cảnh phải bắt đầu tất cả lại từ đầu?
Bạn càng có nhiều phương án, bạn càng cảm thấy tự do, thoải mái về mặt tinh thần. Bạn càng nghĩ ra và phát triển nhiều giải pháp thay thế hoàn chỉnh, bạn càng có nhiều lựa chọn trong bất cứ tình huống nào. Đây là lý do tại sao một trong những
điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm trong suốt cuộc đời của mình là gia tăng mức độ “tự do hành động”. Hãy sử dụng tính sáng tạo của bạn để phát triển những lựa chọn và phương án thay thế liên tục, bất kể hiện tại công việc đang tiến triển tốt đẹp đến mức nào chăng nữa.
TƯ DUY DÀI HẠN
Tất cả lợi nhuận, những thành công về tài chính trong xã hội đều đến từ “giá trị gia tăng” dưới một hình thức nào đó. Khi bạn gia tăng giá trị, bạn đã tự tạo cho mình một vị thế có thể thu nhận một phần giá trị đó dưới hình thức thu nhập, lợi nhuận hay tăng lãi suất. Đây là quy tắc cơ bản của tất cả các quy luật kinh tế thị trường, nhưng nó có thể không được phổ biến hoặc đôi khi còn bị mọi người hiểu sai.
Giai đoạn này, một trong những câu hỏi mà bạn có thể đặt ra cho bản thân là: “Mình có thể làm gì để gia tăng giá trị cho khách hàng ngay trong hôm nay?”.
Sau đó, bạn có thể tiếp tục hỏi: “Ai là những khách hàng lý tưởng của mình? Mình có thể làm gì để thu hút thêm khách hàng lý tưởng?”.
Tốt hơn nữa, bạn có thể đặt ra những câu hỏi: “Mình cần phải làm gì để xứng đáng có thêm nhiều khách hàng như mình muốn?”.
THƯỜNG XUYÊN GIA TĂNG GIÁ TRỊ
Hãy luôn tìm cách sử dụng tính sáng tạo của bạn để gia tăng giá trị bằng cách làm việc nhanh hơn, tốt hơn, giá thành rẻ hơn và thuận lợi hơn theo một cách nào đó. Từ “xứng đáng” (deserve) trong tiếng Anh bắt nguồn từ hai chữ Latin (de và servus) có nghĩa là “từ dịch vụ”. Do đó, bạn hãy luôn tìm cách đạt thêm nhiều phần thưởng lớn hơn bằng cách phục vụ khách hàng tốt hơn.
Với tư cách là một thành viên trong xã hội, một tác nhân trong hệ thống kinh tế, những của cải và phần thưởng bạn nhận được sẽ đến từ khả năng phục vụ người khác tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. Hãy sử dụng trí tuệ và tính sáng tạo của bạn mỗi ngày để tìm ra cách nâng cao giá trị của bạn với công ty, với ngành và với thế giới xung quanh. Đây mới chính là dấu hiệu chứng thực cho trí tuệ của cá nhân bạn.
PHÁT HUY TÍNH SÁNG TẠO CỦA BẢN THÂN
1. Hãy chọn ra mục tiêu quan trọng nhất hay vấn đề lớn nhất của bạn, và viết nó lên đầu một trang giấy trắng dưới dạng câu hỏi. Sau đó, hãy buộc mình nghĩ ra ít nhất 20 câu trả lời cho câu hỏi này, và thực thi một trong những câu trả lời ấy ngay lập tức.
2. Hãy tiếp cận mọi vấn đề một cách có hệ thống bằng cách định nghĩa nó thật rõ ràng, phát triển các giải pháp khả dĩ, ra quyết định và sau đó thực thi giải pháp càng sớm càng tốt.
3. Suy nghĩ trên giấy. Viết ra mọi chi tiết của một vấn đề hay một mục tiêu và tìm kiếm những cách thực hiện đơn giản, thực tế để giải quyết vấn đề hay hoàn thành mục tiêu.
4. Nhận diện những sự kiện tốt nhất và tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với bạn trong khoảng thời gian sắp tới. Hãy xác định xem bạn có thể làm gì để giảm tác động của những hậu quả tồi tệ và tối đa hóa lợi ích của những kết quả tốt nhất có thể.