TS Nguyễn Văn Huy tiết lộ: tiền lương của cả nhà ông từng không đủ để mua hết tiêu chuẩn thực phẩm Bộ trưởng của người cha quá cố.
Ông Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói:
“Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình tôi cũng như những gia đình khác sống ở Hà Nội phải vô cùng chật vật với cuộc sống. Bố tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông mất ngay sau khi đất nước được thống nhất. Nhưng mẹ tôi vẫn được hưởng chế độ cung cấp như khi bố tôi còn sống. Đại gia đình chúng tôi – mẹ tôi và bốn gia đình anh chị em chúng tôi, cùng chung sống dưới một mái nhà, góp tiền lương, ăn chung một nồi.”
Tất cả chúng tôi đều là những cán bộ trung cấp (tiến sỹ, giáo sư, phó viện trưởng hoặc tương đương…) nhưng tiền lương của chúng tôi không đủ để mua hết tiêu chuẩn thực phẩm vốn đã ít ỏi cấp cho một Bộ trưởng.
Lương còn phải dành chi dùng cho nhiều công việc học hành, ăn mặc khác của con cái. Tháng nào cũng thừa phiếu, nhưng tuyệt đối chúng tôi không tiếp tay cho “con phe”, tức không bán lại phiếu hay mua thực phẩm từ cửa hàng cung cấpTôn Đản hay Hữu Nghị ra để bán lại, kiếm vài đồng chênh lệch.
Nuôi lợn, nuôi gà, nuôi chim cút, trồng nấm rơm, nuôi ốc bươu vàng, gia công mũ cối… Có lần bán được con lợn 98 kg, từ già đến trẻ đều mừng. Nhưng chỉ dám để lại ít lòng còn bán tất cả. Tối tối chúng tôi ngồi rang lạc, đếm từng hạt cho vào túi nylon và ép dán lại để sáng hôm sau đưa đi bỏ mối cùng với vài khay nước đá từ tủ lạnh Saratov của gia đình cho các cửa hàng bán nước quen biết. Nhiều lần tôi khóc khi nhìn mẹ tôi vừa cặm cụi đếm từng hạt lạc vừa chuyện trò một cách vui vẻ với các chị và các cháu tôi. Chị tôi bị tai nạn ô tô khá nặng nhưng vẫn phải chung sống với đàn chim cút hôi hám mà không dám bỏ đi, vì đó là một nguồn sống quan trọng.
Cũng vào thời gian này, hai con tôi còn nhỏ. Vợ tôi có công ăn việc làm ổn định nhưng vẫn phải đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô để “gửi sữa về cho con”. Các bạn người Nga của tôi ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thời đó không thể hiểu được vì sao vợ của một Phó Viện trưởng lại phải đi xuất khẩu lao động.
Ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống sau khi đổi mới, ông chiêm nghiệm: “Đó là sự khác biệt một trời một vực”.
Thời đó, họ ước mơ gì? Một chiếc xe đạp Thống nhất. Một cái quạt tai voi. Một đôi dép nhựa Tiền phong. Một quả trứng trong bữa ăn. Một bao gạo không có mùi mốc. Một bánh xà phòng thơm Camay…
TS Nguyễn Văn Huy nhớ lại câu chuyện giữa ông và người cựu chiến binh già: Chiều hôm đó, ông nhận được điện thoại thông báo có người dân tự nguyện đến bảo tàng tặng hiện vật. Một lão cựu chiến binh run run cầm trên tay cuốn sổ bìa màu vàng chứa những dòng ghi chép về thời tem phiếu cách đây hai mươi năm.
Để có bìa cuốn sổ màu vàng kia, người cựu chiến binh phải dành dụm từ vỏ bọc quấn mìn trong thời chiến tranh.
Có những cụ hơn 90 tuổi vẫn giữ cẩn thận chiếc xe đạp mình được phân phối từ những năm 60 của thế kỷ trước với đầy đủ giấy đăng ký xe, giấy mua phụ tùng xe, biển số xe và sẵn sàng hiến tặng cho Bảo tàng chỉ với điều kiện Bảo tàng cần trân trọng và giữ gìn chu đáo, lâu dài những kỷ vật này cho hậu thế.
Thu Hà