Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Thời Bao Cấp

Bù Giá Vào Lương

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Trong cảnh khốn khó của “đêm trước” đổi mới, có những đột phá táo bạo mà những người mở đường chấp nhận đầy rẫy rủi ro, thậm chí bằng cả sinh mệnh và sự nghiệp của họ.

Nhưng may mắn thay, thực tế đã cho câu trả lời đầy thuyết phục. Câu “bù giá vào lương” như lời thần chú của cán bộ công nhân viên thời đó.

Khắc khoải đồng lương

Mẹ con bà Đường (Hà Đông, Hà Tây) hôm ấy dậy rất sớm. Người đi chợ mua thức ăn. Người đánh rửa ấm chén, quét nhà. Người thắp hương, cắm hoa lên bàn thờ… Chiều ấy, sau năm năm đi công nhân cầu đường, ông Bùi Văn Can, chồng bà, về thật.

Đặt balô xuống, ông chia kẹo cho đàn con, đưa vợ nửa cân đường, một lọ mỡ là những thứ ông nhịn ăn trước khi về quê. Cuối cùng là tem gạo (suất ăn) của ông trong mấy ngày nghỉ cùng tờ giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua. Có ý chờ mãi nhưng không chịu được, bà Đường hỏi: “Bố mày còn gì đưa tôi cất cho?”

Ông Can nguýt bà một cái nói: “Quà của mẹ nó đây!”. Nói rồi ông móc ra hai cái mũ vải. Một cái nam và một cái nữ may bằng vải thô, đường chỉ công nghiệp đơn giản, trong lót vải kẻ, hai bên có khoét lỗ nhôm để xỏ dây, trị giá khoảng một tô phở/chiếc. Bà Đường thất sắc ngồi phịch xuống đất thốt lên cay đắng: “Trời ơi ông đi làm năm năm đằng đẵng mà mang về được hai cái mũ à?”…

Ông Can tâm sự: “70% thu nhập của một cán bộ hay công nhân là tem phiếu. 30% còn lại là lương. Thử hỏi, mỗi tháng tem gạo: 17 kg, thịt: 1,2 kg, đường: 0,75 kg thì tôi có thể để dành được gì? Đấy là chưa kể nó bị hao hụt, mốc, rách, thối, hỏng… khi đến tay tôi cũng như với những công nhân khác.

Cay đắng hơn là người ta không cần biết tháng này tôi thiếu gạo hay dầu, cần xà phòng hay kem đánh răng, áo may ô hay mũ cát két… mà họ cứ có gì thì phát nấy. Nên cái thiếu cứ thiếu, cái thừa cũng chẳng dám bán (vì sợ lúc khác lại thiếu). Còn lương, chao ôi nó ít ỏi kinh khủng! Mỗi tháng tôi được 50 đồng, nếu quá chân ra chợ với mấy ông bạn chỉ một hai bữa nhậu là hết”. Ông Can còn chưa dứt cơn bùi ngùi xót xa của hơn 20 năm trước.

Thời đó những người ăn lương nhà nước đều sống trong cảnh như nhà ông Can, bà Đường dù ngoài Bắc hay trong Nam bởi mô hình miền Bắc được áp vào miền Nam sau giải phóng. Thay vì trả hoàn toàn bằng tiền thì Nhà nước trả bằng hiện vật (những thứ mà người lao động nếu có tiền cũng sẽ phải mua).

Tuy nhiên khi mậu dịch quốc doanh không đủ hàng hóa, bắt buộc phải dựa vào thị trường tự do thì toàn bộ những tính toán và hệ thống giá cả của Nhà nước cũng bị chi phối của quy luật cung cầu. Lúc này những yếu tố tích cực của chính sách tiền lương đã biến dạng thành những yếu tố tiêu cực. Sự tiêu cực, méo mó ấy khiến ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống, ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống…

Khơi lại để tiếp tục chuyển mình

“Đêm trước” đổi mới lại hiện về trong mỗi chúng ta, trong đó có tôi – thế hệ “thừa hưởng” 10 năm bao cấp như những cuốn phim quay chậm… với ký ức buồn vui lẫn lộn. Đó là cảm giác của những ai đã từng vật lộn với một thời bao cấp…

Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Ngân hàng, chị gái tôi được Ngân hàng Hưng Nguyên (Nghệ An) nhận vào làm. Tiêu chuẩn tết của chị tôi được 1,5 kg thịt heo.

Còn nhớ ngày 27 tết năm đó, chị tôi nhắn tôi từ quê xuống thị trấn Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (khoảng 30km) để lấy thịt heo về cúng ông bà. Đi xe đạp mất một buổi và chờ nguyên một ngày tôi mới lấy được 1,5kg thịt, 0,5kg lòng heo và được thêm hai tô nước lèo từ cơ quan chị về nhà.

Năm đó cả nhà tôi sum họp và ăn một bữa tất niên ngập tràn niềm vui vì có thịt heo, tiêu chuẩn tết của chị. Bố tôi nói với cả nhà: các con gắng ăn học nên người, mai này được như chị đã có Đảng và Nhà nước quan tâm.

Năm 1986-1987, ngành lương thực Hải Phòng thông báo hết gạo, hơn 1.000 sinh viên của Trường đại học Hàng hải – Hải Phòng có nguy cơ tạm ngưng một năm vì không có gạo.

Để giải quyết khó khăn, trường đã làm công văn và phát cho mỗi sinh viên một tờ để trình các trạm kiểm soát khi mang gạo từ quê ra trường. Lợi dụng tình hình này, thỉnh thoảng chúng tôi cúp học và trốn về nhà buôn gạo tuyến Vinh – Hà Nội – Hải Phòng. Số lượng gạo buôn được không nhiều vì bị giới hạn 18kg/công văn, song một phần nhờ nó mà chúng tôi qua được cơn bĩ cực.

Ngọc Luận (Vũng Tàu)

 

Bình luận
× sticky