Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Thời Bao Cấp

Những Nghề Sáng Giá Thời Bao Cấp

Tác giả: Nhiều Tác Giả
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút

Có lẽ không một thời nào mà cô mậu dịch viên lại được tôn vinh như thời bao cấp. Dường như ai cũng phải nhún nhịn vài ba câu, ai cũng phải lụy nhờ để được mua nhu yếu phẩm.

Tạo ra được mối quan hệ thân thiết hay lấy được lòng cô mậu dịch viên thì không những không phải xếp hàng dài cổ cả buổi mà còn được ưu tiên mua những thứ ngon nhất. Chưa kể, nếu gặp buổi vui miệng, cô mậu dịch viên còn “thuận tay” viết cho vài “mẩu giấy” thì tha hồ mà đi lĩnh thực phẩm.

Nghề buôn… tem phiếu!

Vào những năm còn bao cấp, tất cả hàng hóa từ dầu mỡ, vải vóc, lương thực đến mắm tôm, cá mè… chỉ được mua theo tem phiếu. Mỗi người tùy theo nghề nghiệp, chức tước mà được phân phối một lượng tem phiếu khác nhau. Vì vậy mà có nhà dùng hết nhưng cũng có nhà dùng không hết, và nghề buôn bán tem phiếu xuất hiện.

Dân buôn tem phiếu thường lấy khoảng trống trước cửa hàng bách hóa, thực phẩm hay trước cửa hàng cơ khí tổng hợp làm “trụ sở” giao dịch. Ai mua thì bán, ai bán thì mua. Hễ thấy bóng dáng công an là thi nhau chạy thục mạng.

Sự thiếu thốn tất yếu của thời kỳ quá độ khiến góc nhìn về nghề nghiệp cũng trở nên khác biệt. Mậu dịch viên, công nhân trong các công ty sản xuất nhu yếu phẩm được coi là nhất. Ngày đó, lấy được cô mậu dịch viên, dù là bán cá khô hay mắm tôm ở cửa hàng thực phẩm, về làm vợ là mơ ước của không ít người.

Có người nhà làm thợ điện cũng được coi là niềm tự hào. Vì thời ấy, muốn có đường điện tốt thì phải nhờ vả, cậy cục các bác thợ điện. Lỡ mà cháy đường dây, lại cũng phải đồng quà tấm bánh đến nhờ vả. Các ông thợ điện vì thế mà rất được trọng vọng, ngay cả các cô mậu dịch viên cũng phải nhún nhịn đôi ba câu.

Hễ có ông thợ điện cầm tem phiếu đi mua thực phẩm là y như rằng không phải xếp hang chờ đợi và bao giờ cũng được ưu tiên mua thực phẩm ngon nhất…

“Nháy” mắt là… xong!

Lương của một mậu dịch viên những năm 1980 cũng chỉ dao động trong khoảng vài chục đồng, cửa hàng trưởng cũng chỉ cao hơn vài đồng. Nhưng được cái có thực quyền! Bà Bùi Thị Nguyệt từng làm mậu dịch viên ở cửa hàng lương thực Thái Bình suốt những năm của thời bao cấp kể: “Lương thì cũng chẳng nhiều nhặn gì lắm nhưng được cái thời ấy ai cũng nể trọng mậu dịch viên. Có lẽ cũng chỉ có thời ấy mà các cô bán hàng mới được người ta biếu xén, nhờ vả. Người nhà thì luôn được miếng ngon và những thứ tốt nhất”.

Thời ấy có sự “móc ngoặc” hay nói nhẹ hơn là có sự ưu ái nhau giữa các cô mậu dịch viên. Khi có người quen hay người nhà cô mậu dịch viên nào đó đến mua hàng ở quầy bên cạnh, muốn nhanh, muốn tốt, muốn được đồ ngon thì có khi chỉ cần cái nháy mắt là… người nhà cô mậu dịch viên đó dễ dàng được nhận miếng thịt ngon nhất hay cân lòng lợn tươi nhất.

Làm mậu dịch viên thì chồng, con được ăn cơm gạo chứ không phải độn sắn, độn khoai. Mua bao thuốc lá mà muốn nửa tút thuốc Điện Biên, nửa tút thuốc Tam Đảo để thay đổi khẩu vị cũng… ok! Muốn có mét vải sa tanh đẹp mềm mại để may chiếc quần mặc ngày tết cũng đơn giản chứ không phải mặc loại vải diềm bâu vừa cứng, vừa xấu mà mậu dịch viên bán theo tem phiếu cho những người đang xếp hàng chờ ngoài cửa. Muốn có cân gạo tám thì phải là người nhà hoặc chí ít cũng là người quen một cô mậu dịch viên nào đó thì mới mua được.

Bà Trần Thị Lan hiện đang ở khu TT Hồng Hà, làm nhân viên mậu dịch ngay từ khi cơ chế tem phiếu bắt đầu, kể rằng có đủ thứ ưu tiên khi làm mậu dịch viên. Mậu dịch viên mà đi mua hàng ở các quầy khác quầy mình đứng thì chỉ cần đưa phiếu, nháy mắt một cái là được mua ngay. Lại đều là những thực phẩm tươi nhất, ngon nhất và những hàng hóa tốt nhất. Thi thoảng có những đợt bán ồ ạt không cần tem phiếu một số mặt hàng như diêm và xà phòng phế phẩm… thì bao giờ các cô mậu dịch viên cũng nhắn người nhà ra mua.

Vui tay, viết tặng nhau… tem phiếu!

Có khi cô mậu dịch viên sang nhà hàng xóm chơi, gặp bữa được chủ nhà tươi cười mời mọc, vui vẻ là chặc lưỡi tiện tay xé tờ lịch, lật mặt trắng lên viết vài câu đại loại như: Kính gửi chị N (cửa hàng thịt lợn) bán cho chị Hà vài lạng thịt lợn ngon. Thế là bà chủ nhà tên Hà tất tưởi đi lĩnh thịt về làm bữa cải thiện cho cả nhà.

Chị Bùi Thị Nguyệt (mậu dịch viên Thái Bình) kể: “Lúc ấy không gì bằng quen biết. Có khi gặp nhau ở cổng tre đầu làng hay gặp nhau giữa chợ, quý nhau là vớ lấy bất kỳ mẩu giấy nào, viết vài câu là lĩnh được ngay vài lạng thịt, vài bao thuốc lá hay mấy cục xà phòng.”

Nếu quen thân thì cũng chẳng cần phải đến tận nơi mà chỉ cần gửi ai đó cầm đến là cũng nhận được cỗ lòng ngon. Đang chuyện trò rôm rả về lũ trẻ con với bà hàng xóm đông con, thấy thương thương, cô mậu dịch viên lại tiện tay xé mảnh giấy nham nhở từ trong sổ ra, viết kính gửi chị mậu dịch viên nào đó để bà hàng xóm được ưu tiên mua thêm lạng thịt hay đôi tất.

Tóm lại là ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng có thể viết “tem phiếu” để cho người nhà hay để ban ơn cho ai đó. Những dòng chữ nguệch ngoạc có thể được viết trên bất kỳ loại giấy nào, có khi chỉ là một mẩu giấy nham nhở bé bằng nửa lòng bàn tay nhưng giá trị của nó lại được đảm bảo bằng những cân thịt, cỗ lòng hay bất cứ thứ hàng hóa nào đó – mà không phải cứ có tiền là mua được.

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”

Ở vào thời bao cấp, thu nhập không đủ sống nên hàng loạt thầy cô giáo đã bỏ nghề, nhất là các thầy cô giáo thành phố phải bỏ nghề đi buôn để kiếm sống. Riêng giáo viên ở miên núi, vùng sâu hay nông thôn lại ít chịu ảnh hưởng của cơn lốc bỏ việc hơn do ngoài giờ lên lớp thì nửa ngày còn lại họ cày cấy, trồng trọt hay chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Thực trạng này đã tạo nên câu cửa miệng: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt (giáo viên trường Tiểu học Sông Cầu, Thái Nguyên) nay đã về hưu kể lại: “Những năm giao thời đổi mới, hàng loạt giáo viên phải bỏ nghề vì thu nhập lúc ấy không đủ sống, lương của tôi năm 1982 là 62 đồng, cũng phải trồng chè, trồng cây ăn quả và cả nuôi cá thì gia đình tôi mới sống qua những năm tháng đó mà tôi không phải bỏ nghề”.

Vào những năm đổi mới, một số nghề cũng được trả lại đúng với vị trí của nó như nghề thầy thuốc trở lại là một trong những nghề “sang trọng” nhất. Bây giờ người ta vẫn truyền kể cho nhau nghe câu chuyện “cười ra nước mắt” ngày trước rằng, có bà mẹ vợ than với hàng xóm: “Cứ tưởng nó lấy anh lái xe, ai ngờ nó lấy ông tiến sĩ. Thế có khổ không cơ chứ!”

Theo Gđ&Xh

Bình luận