Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Chuyện Thời Bao Cấp

Vinh Quy Du Học

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Một ngày đầu tháng 7/1983, cả cái xóm nghèo hơn hai chục gia đình ven đô chúng tôi vui hẳn lên, mọi người xúng xính quần áo mới cứ như sắp đi trẩy hội. Chả là cậu Tấn, con cả ông Vạn du học Liên Xô tốt nghiệp đại học về nước, ông bà ấy mời sang uống nước chia vui cùng gia đình. Ông bà Vạn thuê hẳn chiếc xe 15 chỗ ngồi cho hai đứa con nhỏ và cả bạn gái của Tấn mang hoa lên sân bay Nội Bài đón “cậu cử”. Chỉ còn cô em thứ hai của Tấn và mấy người cô dì, chú bác họ hàng ở nhà sắp xếp bàn ghế và chuẩn bị bữa trưa mời khách. Một sự kiện trọng đại, biết bao niềm mơ ước và hy vọng của cả gia đình gửi gắm nơi người con du học, thế thì không vui không sướng sao được! Máy bay trễ giờ, thủ tục hải quan kiểm tra hành lý cũng quá nhiêu khê, chậm chạp, nên mãi tới sau 1 giờ chiều xe mới về tới nhà, chậm hơn 3 giờ so với lịch trình.

Sáu năm học ở thủ đô Mátxcơva, Tấn cao lớn, chững chạc hẳn lên. Bước từ trên xe ô tô xuống trong bộ quần áo ly là thẳng tắp, giầy đen bóng lộn, tay xách cặp diplomat, lại thêm cặp kính trắng ra dáng một thanh niên trí thức thời hiện đại, Tấn bắt tay ông bác, ông chú, các vị cao niên chòm xóm, đến những bạn cùng trang lứa. Đúng là phong cách phương Tây. Hầu như mọi người trong xóm, từ già đến trẻ đều hân hoan chào đón người đi xa mới về. Ngay cả bà thím vừa mới sinh em bé được ba tháng cũng bồng con theo, phải đến ngay để mừng cậu cháu “vinh quy du học” chứ! Cô bé hàng xóm Thương Huyền thầm yêu trộm nhớ Tấn từ khi cậu mới học cấp III, nay gặp lại nhau trong bầu không khí cả gia đình, họ hàng, xóm giềng mừng vui hồ hởi, càng trở nên thân thiết, yêu thương như đã là dâu con trong nhà. Cô lăng xăng chạy lên chạy xuống, nhà trên nhà dưới, tươi cười, hết rót nước mời trà, mời thuốc, mời bánh kẹo, như chủ nhân thực sự. Mấy bạn gái thầm thì to nhỏ, đấm lưng Huyền: “Mày sướng nhé, từ nay khỏi nhớ nhung khóc hết nước mắt. Mau mau cưới đi cho bọn tao ăn cỗ”. Còn “cậu cử” thì suốt từ lúc về tới nhà bị “phỏng vấn” liên chi hồ điệp, thôi thì đủ loại câu hỏi. Bà con xóm giềng chẳng quan tâm mấy tới chuyện học hành của cậu. Đã tốt nghiệp một trường đại học ở Liên Xô thì chắc chắn phải là học giỏi rồi. Họ muốn biết về cuộc sống ấm no, sung túc, tràn đầy hạnh phúc của người dân nước bạn, về thủ đô Mátxcơva hoành tráng, đường bệ với những đường phố rộng lớn tới 5-6 làn xe, về mùa đông thì băng tuyết trắng xóa mênh mông, về hệ thống metro 2-3 tầng chạy dọc ngang thành phố rồi lại có đường vòng tròn nối chúng lại với nhau… Ôi sao mà sướng thế, mong sao nước mình cũng nhanh chóng được như vậy! Mấy người có con em đang lao động hợp tác ở Tiệp Khắc, CHDC Đức cùng chia sẻ nhiều chuyện rôm rả. Con em họ viết thư về nói rằng cuộc sống của người dân các nước đó cũng rất đầy đủ, chẳng kém gì Liên Xô. Sướng nhất là mùa hè tha hồ uống bia, không bị ép buộc “đã bia thì phải mực” (hay ít nhất phải lạc luộc) như ở quê mình. Ông bà Vạn sung sướng nở mày nở mặt. Trò chuyện với mấy ông bà xóm giềng, ông Vạn “nổ cứ như ngô rang”, làm như thể ông cũng vừa bay từ bên trời Âu về ấy: “Thú vị thật, các bác ạ, ngày xưa cha ông mình mơ ước có đôi cánh bay được như chim. Nay thì gấp bao nhiêu lần chim ấy chớ! Vút một cái bay lên cao 9-10km. Bồng bềnh, bồng bềnh trên chín tầng mây, ngồi bên cửa sổ nhìn ra cứ tưởng như đang bay trên cánh đồng bông. Từ Mátxcơva về Hà Nội gần 10 nghìn km, thế mà chỉ hết 10 giờ bay. Tài thật, thiên thần thật!” (chả là, suốt từ sân bay Nội Bài về nhà gần một tiếng đồng hồ, ông đã khai thác được biết bao nhiêu chuyện ở cậu cử).

Bữa trưa quá muộn, các món ăn đã nguội ngắt, nhưng dù sao vẫn phải chờ gia chủ, nhất là “cậu cử” Tấn – nhân vật chính và là trung tâm của bữa cỗ này. Thấy bố mẹ và chị dâu tương lai quá vui, luôn miệng nói cười, mời khách ăn bánh kẹo Liên Xô, hút thuốc lá Tây, họ quá sung sướng hình như không thấy đói, quên cả bữa ăn, đến nỗi cô em gái của Tấn – tác giả bữa cỗ phải ghé tai ông Vạn giục giã: “Bố mời các ông, các bà sang ăn đi!” Lúc ấy ông Vạn mới sực nhớ, vội đứng dậy: “Mừng quá, vui quá, tôi quên cả thời gian. Bây giờ đã gần 2 giờ trưa rồi, xin mời các ông các bà, các anh các chị, các cháu sang nhà chú em tôi, ở ngay bên cạnh, dùng bữa cơm với gia đình để mừng cho cháu Tấn đi đến nơi về đến chốn, học hành tử tế, đỗ đạt nên người”. Bữa ăn hàng ngày rau dưa xoàng xĩnh thế nào cũng xong. Nhưng đây lại là bữa tiệc “vinh quy bái tổ” của “cậu cử du học Liên Xô”, nên ông bà Vạn đã phải chạy vạy lo sao cho thật tươm tất. Mà cũng đúng thôi, đã lâu lắm rồi bây giờ ở cái xóm nghèo ven đô này mới có thêm một “ông cử”, mà lại là “cử ngoại”, chứ đâu phải “cử nội”! Ông Vạn cả đời theo nghiệp quân ngũ, tham gia cả hai cuộc kháng chiến, đến ngày giải phóng miền Nam vẫn còn hai mảnh đạn găm trong người, có cậu con trai nên người như thế thì còn gì sung sướng, hạnh phúc cho bằng!

Những ngày hồ hởi, tràn đầy niềm vui rồi cũng dần dần lui vào quá khứ. Khó khăn đầu tiên “cậu cử” vấp phải sau 6 năm du học chính là thực tế còn nhiều gian truân, bộn bề của quê hương. Với tấm bằng cử nhân Trường Đại học tổng hợp quốc gia Liên Xô, mang tên nhà bác học Nga vĩ đại Mikhail Lômônôxôp kể cũng oai, nhưng không phải vì thế mà Tấn có ngay được một chỗ việc làm hợp khả năng, theo ý muốn. Nhờ người bạn đi lao động hợp tác ở Tiệp Khắc mua hộ chiếc xe gắn máy Babeta (ngày đó thế là “ghê” lắm rồi), Tấn vè vè phóng xe vào thành phố hết ngày này qua ngày khác, cả tháng trời, mà chưa nơi nào thu nhận. Mọi người khuyên Tấn: Cử nhân sử học thì tốt nhất anh nên theo nghề nghiên cứu lịch sử, xin làm việc ở Viện sử học hay một Bảo tàng lịch sử chẳng hạn. Thế nhưng anh lại thích nghề làm báo, hoặc một công việc gì đó trong lĩnh vực xã hội. Có điều là những lĩnh vực ấy anh không có người quen giúp đỡ, cũng chẳng được ai tiến cử. Chẳng riêng gì “cậu cử” Tấn đâu, hầu như mọi người tốt nghiệp đại học, đều phải “tự thân vận động”, may ra thì được chỗ làm việc hợp ngành học, hợp khả năng, còn không thì miễn là có chỗ làm việc, hàng tháng được lĩnh lương, thế là vui lắm rồi… Cuối cùng thì Tấn đành phải đầu quân theo chế độ hợp đồng chuyên dịch những bài báo từ tiếng Nga sang tiếng Việt ở một cơ quan nghiên cứu khoa học. Đến lúc ấy mới biết rõ giá trị thật sự tấm bằng cử nhân của Tấn. Kiến thức sử học chưa rõ ra sao, nhưng trình độ tiếng Nga của “cậu cử du học Liên Xô” thì cũng khiêm tốn thôi. Cả ngày không dịch xong một bài báo trên tờ Pravda khoảng 500 từ (tính theo tiếng Việt), bởi vốn từ vựng tiếng Nga của anh rất bình thường, phải tra từ điển liên tục, mà ngữ pháp nắm cũng không chắc. Dịch mười câu, thì phải sửa lại, biên tập tới sáu bảy câu. Làm việc chưa đầy một tháng, bản thân “cậu cử” Tấn cũng thấy đuối, nên đành xin thôi việc. Và ngay cuối năm đó, may nhờ công lao, uy tín của người cha, ông vừa là thương binh và cựu sĩ quan QĐND, nên Tấn được cử đi làm phiên dịch trong một đội lao động hợp tác ở Liên Xô. Cưới vợ chưa kịp hưởng hết tuần trăng mật đã phải lên đường.

Các thế hệ du học Liên Xô, hay các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước những năm 1980 của thế kỷ trước thường có ý thức trách nhiệm, chăm chỉ, nghiêm túc học tập, nên đa phần bảo đảm chất lượng. Họ về nước nhiều người phát huy tốt năng lực, vận dụng được những điều đã học ở nước bạn. Sau này việc tuyển chọn đưa đi đào tạo ở nước ngoài có thể không kỹ lưỡng, và cũng có thể do nhiều chính sách ưu tiên con em các gia đình có công trong hai cuộc kháng chiến, phần nữa cũng có thể “nhầm lẫn” (lý do tiêu cực), nên chất lượng lưu học sinh không đồng đều. Mặt khác, từ đầu những năm 80 do cơ chế thị trường bắt đầu xâm nhập các nước xã hội chủ nghĩa, tình hình xã hội ở các nước Đông Âu ngày càng diễn biến phức tạp, một bộ phận du sinh chạy theo lối sống đua đòi, cần có nhiều tiền. Họ tham gia “buôn bán cò con”, làm dịch vụ tại chỗ, “đánh” các mặt hàng từ trong nước sang và từ các nước Tây Âu vào các nước mà họ đang theo học. Cậu cử Tấn là một đại biểu du học sinh kiểu đó. Giờ học trên lớp, cậu đâu có chú ý lắng nghe thầy giảng bài, ngồi đấy nhưng đầu óc toàn nghĩ về những mánh lới buôn bán. Tối về ký túc xá có mấy khi Tấn chịu vào phòng đọc, thư viện để nghiên cứu những vấn đề thầy đã giảng. Hầu như tối nào cậu cũng lang thang ở Nhà khách Đại sứ quán trên phố Ôbôlenski, hay các khách sạn, nơi thường có cán bộ nước mình đi công tác lưu trú. Thời ấy, nước mình cái gì cũng khan hiếm, bởi thế mỗi khi được đi công tác nước ngoài, ai cũng tính toán mang một vài món hàng gì đó với số lượng mà cả hải quan nước ta và nước bạn cho phép, cốt để đổi lại những thứ mà gia đình mình đang cần, hoặc ở trong nước đang được giá. Các thế hệ đã công tác trong những thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước chắc hẳn vẫn còn nhớ, trong hành lý của hầu hết những ai đi Liên Xô (kể cả cán bộ đi công tác hay du sinh), đều có vài ba cái quần bò, một hai lố (mỗi lố 5 chiếc) áo phông, áo cành mai Thái Lan. Thậm chí ngay cả các đấng mày râu cũng mang theo một vài lố son môi, bút chì kẻ mắt… và nhiều thứ khác, mà bản thân họ chẳng biết dùng vào việc gì. Lúc ấy có những “bản tin truyền miệng” rất được ưa chuộng và hữu hiệu, với nội dung mách bảo đi nước nào thì mang theo những gì và mua về những gì. Thường thì các “bà xã” lo toan việc này. Đến nước nào cũng có cánh du sinh “đón tiếp, tư vấn và làm dịch vụ” rất chu đáo.

Tấn là một trong những du sinh khá “được việc” trong lĩnh vực này: “Chú có hai chiếc quần bò ư? Năm áo cành mai? Hai lố son, hai lố chì kẻ mắt? Hai bộ trang sức bằng bạc? Cháu sẽ giải quyết hộ chú, tổng cộng may ra thì được khoảng 550-600 rúp. Theo những yêu cầu của cô đã ghi trong giấy, cháu sẽ cố mua giúp chú một phích lưỡng dụng, hai nồi áp suất, bốn chiếc bàn là, một quạt máy Orbita hoặc Pingving, dăm mét lụa đen và mấy thứ lặt vặt mà cô ghi thêm ở dưới. Ngần ấy đã vừa đủ trọng lượng hành lý hàng không Aeroflot cho phép. Còn thừa rúp nào có lẽ chú mua ít kẹo sôcôla, táo, anh đào để xách tay. Họ chỉ cho phép xách tay túi nhỏ 5-7kg thôi. Thêm nữa, phải tính cước thì chú không chịu nổi đâu!” Cán bộ cấp vụ đi công tác mà khổ thế đấy! Sinh viên Phùng Thế Tấn 6 năm du học, đã phải dành ra bao nhiêu thời gian để “đầu tư” vào lĩnh vực “tư vấn, dịch vụ” này? Thế thì chất lượng của tấm bằng cử nhân không cao cũng là điều dễ hiểu.

Từ năm 1950, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã quan tâm đưa thanh niên đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em để sau này về xây dựng đất nước. Thế nhưng, trước năm 1960 số lượng gửi đi đào tạo tại các trường đại học ở Trung Quốc, Liên Xô chỉ ở mức nhỏ giọt, mỗi năm một hai chục người, mà chủ yếu là học ngôn ngữ để về nước làm công tác phiên dịch. Từ năm 1960 mới bắt đầu gửi nhiều du sinh ra nước ngoài. Vào đúng ngày 1/8/1960, lần đầu tiên Chính phủ ta dành hẳn cả một đoàn tàu liên vận chở hơn 600 sinh viên đi Liên Xô. Cũng trong dịp đó một đoàn tàu khác chở hơn 300 sinh viên đi Trung Quốc và hơn 100 sinh viên đi học ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Ngày đó du sinh thực sự nghiêm túc học tập, ai cũng khắc cốt ghi xương lời Bác căn dặn: “Nhiệm vụ của các cô, các chú sang đây là học tập, học tập và học tập. Không có cái gì khác lôi thôi. Tất cả những gì ảnh hưởng đến học tập, cản trở học tập, đều phải gạt bỏ hết. Nhiệm vụ sang đây là học tập, chứ không phải sang đây để đi theo các cô mắt xanh, tóc vàng nào cả”. (Bác nói tại cuộc gặp với du sinh nước ta ở Matxcơva ngày 2/12/1960, khi Bác đi thăm Liên Xô). Từ năm 1959 trở về trước, hàng tháng mỗi du sinh ở Liên Xô được lĩnh học bổng ngay tại trường mình học 1.000 rúp (tiền cũ), dùng để ăn uống, sinh hoạt và mua sách vở, Đại sứ quán cấm không được mua đồ dùng gửi về nhà. Mà quả thực ngày ấy toàn thể quần chúng nhân dân, cũng như cán bộ, bộ đội đều có cuộc sống giản dị, không ai có nhu cầu tiêu dùng gì cao sang. Có lẽ vì vậy, mọi du học sinh ở nước ngoài đều tập trung cho học tập, ngoài ăn uống, sinh hoạt phí, chỉ dành tiền mua sách để sau này về nước lo làm việc. Năm 1959, trong một dịp đi thăm Liên Xô, Bác nhận xét “Các cô, các chú, các cháu đi học ở bên này sung sướng hơn cán bộ đang làm việc ở trong nước rất nhiều”. Và thế là ngay sau đó, Đại sứ nước ta tại Liên Xô đề nghị giảm học bổng 50%, từ 1.000 xuống còn 500 rúp. Năm 1961, Liên Xô đổi tiền, tăng giá trị đồng rúp lên 10 lần, như vậy học bổng của sinh viên ta là 50 rúp (trong khi học bổng của du sinh các nước châu Á khác và châu Phi là 90 rúp). Cuối những năm 1970 do giá sinh hoạt ở Liên Xô bị trượt giá, nên Đại sứ quán nước ta đề nghị nâng học bổng cho sinh viên lên 60 rúp, rồi 70 rúp. Đương nhiên, học bổng của nghiên cứu sinh bao giờ cũng nhiều hơn, thường chênh với sinh viên 20 rúp. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tháng 8/1998 của Nga, học bổng của du sinh nước ta được tính bằng USD và thường xuyên điều chỉnh để bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt và mua sách vở cần thiết cho học tập và công tác sau này.

Các thế hệ du học Liên Xô những thập kỷ 1950-1970 khi tốt nghiệp, vinh quy bái tổ, trong hành lý của họ thường chỉ có sách và một vài thứ lặt vặt như bàn là, quạt máy, máy thu thanh, chiếc xe đạp Sport hay Sputnik… Thời đó như vậy đã là cả một “gia tài đồ sộ” rồi! Nhiều người công tác ở Bộ Ngoại giao vẫn thường kể lại câu chuyện Đại sứ Nguyễn Lương Bằng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Liên Xô, đã có lần gọi đồng chí cần vụ lên phê bình chỉ vì người đó “dám” tự tiện mua một chiếc đồng hồ báo thức. Đại sứ quán đã có quy định tất cả cán bộ, nhân viên, không ai được mua bán bất cứ thứ gì. Cũng thật oan uổng cho đồng chí cần vụ, anh ta chỉ còn biết thanh minh: “Em hay ngủ rất say, sợ ngủ quên, không kịp dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho Đại sứ, nên mới mua chiếc đồng hồ báo thức, chứ có dám mua gì gửi về nhà đâu ạ!” Các “chú sứ” mà còn bị phê bình như thế, cánh lưu học sinh đâu dám trái lệnh, về sau mọi quy định đã được nới lỏng, cởi mở hơn. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, hầu như mọi lưu học sinh nước ta ở Liên Xô đều mê sách, cả sách tiếng Nga và sách tiếng Việt. Sách chuyên môn, sách văn học nghệ thuật đóng bìa cứng, in rất đẹp, mà giá bán cũng chỉ bảy tám mươi côpêch đến một hai rúp. Còn sách truyện, tiểu thuyết do nước ta xuất bản, bán sang Liên Xô có thể nói giá “rẻ như bèo”. Cả bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Đại văn hào Lev Tolstoi bốn tập, dày gần 2.000 trang mà giá chưa đến hai rúp; cuốn “Hội chợ phù hoa” hai tập chưa đến một rúp; ba tập tiểu thuyết trinh thám “Nam tước Phongonring” hay cuốn tiểu thuyết “Ruồi trâu” cũng chỉ vài chục côpêch… Ngày ấy do chính sách trao đổi văn hóa giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Liên Xô nhập khá nhiều đầu sách và cả số lượng lớn các sách văn học của Việt Nam. Người Liên Xô biết tiếng Việt, có thể đọc được sách văn học, đang còn rất ít, vì vậy quân ta lại phải “chở củi về rừng”. Học bổng mặc dù đã giảm xuống chỉ còn một nửa, song với mức 50 rúp, du sinh nước ta hàng tháng vẫn cố dành ra được dăm bảy rúp để mua sách. Bởi thế khi vinh quy bái tổ, nhiều người đã có thể đem về vài ba tạ sách. Sách là kiến thức phục vụ cho công tác, là vốn liếng của cuộc sống. Ý thức được như vậy, nhiều người trong số du sinh thời ấy đã thành đạt trong sự nghiệp và trở thành những cán bộ KHKT chủ chốt, những nhà quản lý tốt của nước nhà.

Đương nhiên, không thể vơ đũa cả nắm, cho rằng các thế hệ du sinh trước kia giỏi giang hơn, có ý thức trách nhiệm hơn những thế hệ du sinh sau này. Bao giờ cũng có những người thành đạt hơn và những người kém thành công hơn. Thế nhưng, trên phương diện chính sách đào tạo và quản lý của nhà nước, thiết nghĩ rằng cần phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động, trong một tương lai lâu dài vài ba thập kỷ và trong thời gian dăm mười năm trước mắt, chúng ta cần những lao động trình độ nào và số lượng là bao nhiêu, để hướng thanh niên học sinh lựa chọn ngành nghề thích hợp và đúng đắn nhất. Mỗi người không khỏi băn khoăn trước tình trạng hiện nay, khi đông đảo thanh niên vượt bao gian khó gắng sức học tập, “tốt nghiệp để rồi thất nghiệp!” Du học do nhà nước bao cấp chắc chắn sẽ còn tồn tại rất lâu. Nếu chỉ có một kênh cha mẹ tự bỏ tiền cho con em đi du học, thì con em nông dân và dân nghèo thành thị chắc chẳng bao giờ dám mơ ước, nếu không phải là đạt những thành tích xuất sắc, lọt được vào “mắt xanh” của các quỹ từ thiện trong và ngoài nước. Đã hơn nửa thế kỷ nay, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trước đây) và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hiện nay) dành ra những khoản tiền không nhỏ để hàng năm gửi hàng trăm, hàng nghìn thanh niên ưu tú ra nước ngoài đào tạo, về tham gia xây dựng đất nước. Cho dù du sinh Việt Nam (kênh Nhà nước gửi đi) còn rất thiếu thốn gian khổ, so với du sinh nhiều nước khác, nhưng họ còn sung sướng, hạnh phúc hơn rất nhiều so với sinh viên học trong nước. Những năm 60 của thế kỷ trước, mức học bổng của lưu học sinh ở Liên Xô có lẽ là thấp nhất. Mỗi tháng 50 rúp, thì đã phải trừ khoảng 2,4 – 3,6 rúp tiền thuê ký túc xá (tùy theo mức độ tiện nghi ở những nơi khác nhau); 3-5 rúp tiền giao thông công cộng tùy theo phương tiện xe buýt, tramvai (xe điện chạy trên mặt đất) hay metro (xe điện ngầm), rất ít trường đại học có ký túc xá ở ngay gần để sinh viên có thể đi bộ; 2-3 rúp dành cho cắt tóc, kem đánh răng, xà phòng tắm; 2-3 rúp xem phim hoặc xem kịch, ôpera. Bữa ăn hàng ngày phải khống chế 1-1,2 rúp, thường thì buổi sáng ăn một đĩa cháo có bơ, một quả trứng gà luộc, một cốc sữa và vài ba lát bánh mì, hết khoảng 30 côpêch; bữa trưa 40-45 côpêch gồm bát súp (Shi – canh dưa chua, hay Bulyon – nước luộc thịt), một miếng thịt (lợn, bò, gà hay thịt thỏ) với vài thìa cơm, hạt bobo, hoặc khoai tây rán hoặc khoai tây nghiền nát và một cốc nước chè đường; buổi tối có thể ăn như bữa sang, hoặc tiết kiệm thì chỉ sữa, bơ và bánh mì. Mỗi khi có bạn bè tới thăm, chiêu đãi nhau, thì những ngày sau đó buộc phải rút bớt tiêu chuẩn. Nếu không, sẽ phải cắt bớt khoản xem phim, hoặc sách báo, mà điều này thì hầu như không ai muốn. Cánh nữ sinh thường ăn uống khiêm tốn hơn, nhưng họ lại tốn tiền phấn son, rồi giầy dép quần áo thời trang… nên đâu cũng vào đấy. Được cái họ chăm chỉ, lại có ưu thế nữ công gia chánh, mua thức ăn về ký túc xá tự nấu, nên dù có chiêu đãi bạn bè thì quỹ vui chơi giải trí, sách báo cũng không vì thế mà lo bị thâm hụt.

Từ sau năm 1965, Nhà nước ta cho phép du sinh được đi lao động kiếm tiền trong thời gian nghỉ hè, vì vậy nguồn tài chính của họ được cải thiện đáng kể. Tại Liên Xô và các nước Đông Âu, sinh viên thường được nghỉ hè kéo dài hai tháng rưỡi, từ giữa tháng 6 đến hết tháng 8. Những du sinh có sức khỏe tốt, tham gia xây dựng các công trình chăn nuôi lợn gà, bò sữa, hay những công việc đồng áng khác… tại các nông trang tập thể, nông trường quốc doanh, mỗi kỳ nghỉ hè cũng có thể thu nhập bằng nửa năm học bổng. Nhiều du sinh tại Liên Xô có bạn bè ở CHDC Đức hay Tiệp Khắc còn đi tàu hỏa sang đó để cùng nhau đi lao động, như vậy không những có thể kiếm được nhiều tiền hơn, mà suốt mấy tháng hè bạn bè lại còn được sum họp, giao lưu. Về việc đi lao động ở nước bạn, trong suốt mấy thập niên vừa qua nhận thức của chúng ta đã có những chuyển biến cơ bản. Trước kia, ngay cả các nhà lãnh đạo cũng như phụ huynh của lưu học sinh đều cho rằng xuất dương sang nước bạn là để đi học, chứ không phải đi lao động kiếm tiến. Nghỉ hè là thời gian thư giãn, vui chơi giải trí lấy sức học tiếp năm sau. Nếu chăm chỉ thì đọc sách để thu nhận được thêm kiến thức, kể cả sách chuyên môn hay văn hóa – xã hội cũng đều bổ ích. Dần dà đều thấy rằng cho du sinh tham gia lao động là hợp lý, như vậy không chỉ giúp họ có thêm thu nhập, mà trong quá trình lao động còn được rèn luyện thêm kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, được giao lưu cùng người lao động nước sở tại và bè bạn du sinh nhiều nước khác. Nhờ thay đổi nhận thức, nhiều du sinh đã kiếm được những khoản tiền không nhỏ mua thêm sách báo, các tiện nghi giúp gia đình và chuẩn bị cho cuộc sống tương lai.

Ngày nay, trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng ta lại càng khuyến khích du sinh tham gia lao động tự kiếm sống. Thực tế này không chỉ phù hợp với du sinh các nước nghèo như Việt Nam, mà ngay cả thanh niên nhiều nước có nền kinh tế phát triển khác cũng sẵn sàng lên đường du học bằng những đồng tiền do chính họ lao động kiếm được. Đây cũng chính là một lối thoát cho những thanh niên nghèo đi du học. Với nước ta thì bây giờ mới bắt đầu xuất hiện những công ty sẵn sàng đầu tư cho sinh viên có triển vọng đi du học rồi trở về làm việc cho họ (đương nhiên phải có những điều kiện cam kết chặt chẽ), còn ở nhiều nước khác thì thực tế này đã trở thành xa xưa. Hiện nay, hàng năm có hàng nghìn thanh niên Việt Nam tự túc du học ở các nước có nền giáo dục và đào tạo tiên tiến như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… Phần lớn trong số họ gia đình chỉ phải chu cấp 1-2 năm đầu, còn sau đó thì họ tự lao động kiếm tiền để tiếp tục học lên. Một khi các bậc cha mẹ và tự thân từng người thanh niên quyết tâm đầu tư cho công cuộc “trồng người” như lời Bác Hồ đã từng dạy bảo, thì chắc chắn rằng hiệu quả đào tạo lao động trình độ cao của nước nhà sẽ được nâng lên nhanh chóng.

Mới đây tôi cũng đã có dịp trở lại thăm gia đình ông Vạn và “cậu cử Tấn” của 25 năm trước. Họ đón tiếp tôi hồ hởi, thân tình như người thân lâu ngày gặp lại. Ông Vạn tự hào chỉ tay: “Anh nhìn xem, giờ đây cái xóm nghèo năm nào đã mọc lên san sát những ngôi nhà 3-4 tầng. Nhà tôi là do cậu cả Tấn đi lao động, có ít tiền đem về xây nên đấy. Đầu năm nay gia đình chúng tôi được đón thêm một “ông cử” nữa. Thằng cháu đích tôn Phùng Thế Anh của tôi vừa tốt nghiệp cử nhân kinh tế ở Australia trở về. Thằng bé đến là gan lỳ, nó chẳng báo gì ngày về. Mãi đến khi thấy có chiếc xe ô tô dừng lại trước cửa nhà mình, thằng Thế Anh và mấy người bạn của nó từ trong xe chui ra, cả nhà mới ngỡ ngàng. Mừng vô hạn, sung sướng vô cùng anh ạ!”.

Có điều lần này gia tộc Phùng Thế không “khua chiêng, gõ trống” rầm rộ như đón “cậu cử Tấn” 25 năm trước. Ông Vạn hạ giọng như thầm thì: Công ty Bảo Thành đã “chấm” thằng cháu Thế Anh nhà tôi ngay từ khi nó mới học xong năm thứ ba. Ông Phó Giám đốc công ty đưa ô tô lên sân bay Nội Bài đón, rồi đưa cháu về tận nhà. Họ muốn dành cho bố mẹ, ông bà nội, ngoại và cả gia tộc điều bất ngờ vô cùng thú vị. Cháu Thế Anh cũng chỉ nghỉ ở nhà một ngày rồi đi làm luôn. Ông Vạn lại cười khà khà: “Cánh thanh niên bây giờ giỏi giang và thực tế hơn cha ông!”

Ngô Sơn

Bình luận