Cái thời sinh viên, mọi người đều bảo hai chị em tôi càng lớn càng xinh, nhất là cái Thúy. Tôi thì chỉ được chiều cao, nước da trắng trẻo, nhưng mắt hơi to, còn tóc thì cứng như sợi móc – đúng là “gen trội” của bố. Tôi bất mãn nhất với cái mũi, nó tẹt dí tẹt dị. Ngay từ hồi còn học cấp hai, nghe tụi cái Thanh, cái Hằng quân sư, suốt ngày tôi nhón tay kéo mũi cho cao, nếu không được như mấy đứa con gái ở khu chuyên gia Liên Xô (Khách sạn Kim Liên), thì cũng phải cao bằng mũi của cái Thanh, cái Hằng, nhưng đâu có được! Ấy thế mà khi vừa bước chân vào Trường Đại học kinh tế quốc dân, đã có chàng sinh viên “xứ Quan họ” còn dám ca ngợi: “Em đẹp nhất trường, chỉ có cái mũi không được cao như của chị em châu Âu thôi. Mình là nòi giống da vàng, mũi tẹt cơ mà. Vả lại, sau này chúng mình chung sống với nhau, nếu nhà có chật hẹp thì em có thể nhường bớt không khí cho chồng con. Nhường cơm nhường áo chưa là cái gì, nhường ôxy mới quý chứ. Đức tính nhường nhịn cho chồng con là đức tính quan trọng nhất, quý hóa nhất của phụ nữ Việt Nam đấy.”
Quả thực, cái mũi hơi bị khiếm khuyết, nhưng cũng không vì thế mà có thể làm mẹ tôi phải lo lắng. Bà luôn mồm động viên: “Nhất dáng, nhì da, thứ ba mới đến khuôn mặt” con ạ! Mà nào tôi có lo “chống ề” đâu cơ chứ. Đến trường có cả chục “vệ tinh”. Mấy chàng nằn nì muốn được tới “thăm” gia đình, muốn được “tiếp kiến”, được “thỉnh giáo” ba mẹ tôi. Nhưng tôi ngại bị chi phối thời gian, mất thì giờ vào những chuyện “chưa đến lúc” ấy. Ông bà nội ngoại tôi ở quê, lần nào về thăm, các cụ cũng thúc giục: “Cứng tuổi rồi đấy, hăm hai hăm ba chứ còn bé bỏng gì nữa, mấy đứa bằng tuổi cháu ở làng đều con bồng con bế cả rồi”. Thời gian trôi đi vùn vụt, đã hết năm thứ tư, sắp bước vào năm cuối cùng đời sinh viên. Mấy năm cùng học giúp chúng tôi hiểu được tính cách của nhau. Có mấy người bạn cùng lớp, cùng khóa, thậm chí cả ở các khóa trên đã trở nên rất thân thiết với “nhóm con gái khu tập thể Kim Liên” chúng tôi. Một buổi tối thứ bảy, hai trong số những bạn thân đó đã trở thành “khách không mời” của gia đình tôi. Họ là các chàng trai xuất thân từ những gia đình khá giả, buôn bán trên phố Hàng Bông, Hàng Gai. Hai người, nhưng mang tới ba bó hoa, một bó hoa ly, hai bó hoa hồng thắm. Những giây phút ban đầu làm cả nhà ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Hình như cả hai anh đều lúng túng. Ở trường, trong các cuộc tiếp xúc, giao lưu xã hội, họ đâu có thế, họ rất mạnh dạn và hoạt bát cơ mà. Tôi phải vội vàng giải vây, tháo gỡ tình huống căng thẳng đó: “Thưa ba mẹ, đây là anh Đức, còn đây là anh Thảo, cả hai anh đều cùng khóa với con.”
Được tôi chủ động giới thiệu, họ như chết đuối vớ được cọc. Thảo vội cướp lời luôn: “Dạ thưa hai bác, sắp tới ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chúng cháu muốn được chúc mừng bác và hai em. Nếu được hai bác cho phép, thỉnh thoảng chúng cháu tới thăm gia đình, mong hai bác coi chúng cháu là những người bạn của Hiền và Thúy, như con cháu trong nhà. Ba tôi kéo ghế mời hai chàng trai ngồi. Mẹ tôi cảm kích nhận bó hoa ly: “Các cháu làm cô cảm động quá, cảm ơn hai cháu. Thế gia đình hai cháu ở đâu, ba mẹ làm gì?”… Cứ thế hai cụ phỏng vấn lý lịch trích ngang của hai chàng trai, trong khi hai chị em tôi pha trà, lấy hoa quả mời khách, thực ra, cũng chỉ có ít táo Thiện Phiến và ổi đào mà chủ nhật trước chị em tôi vừa về quê hái ở vườn ông bà ngoại. Tôi gắng gượng tươi cười, nhưng trong lòng vẫn giận họ, vì đã bảo đừng đến, thành thử tôi có chuẩn bị trước gì đâu, ngay cả đến nhà cửa chưa kịp dọn dẹp, cũng chẳng kịp tắm giặt thay quần áo. Thế mà họ có chịu nghe cho đâu, vẫn cứ đến. Lì lợm quá, chắc chắn sẽ mất điểm.
Tin hai chàng sinh viên Hàng Bông, Hàng Gai đã đột nhập được vào “lô cốt” của một trong những hoa khôi Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhanh chóng lan truyền khắp trường, thậm chí cả trong giới sinh viên Hà thành. Nhưng ngay tuần sau đó, thì Đức và Thảo đã không còn được “độc quyền” ra vào căn hộ có “hai bông hồng tươi thắm” ở khu B tập thể Kim Liên. Cánh nam sinh viên quen biết với hai chị em chúng tôi cứ thi nhau kéo đến thăm gia đình, chẳng cần có lời mời của tôi, hay của Thúy. Ba tôi tỏ vẻ không hài lòng và trách cứ các con, nhất là tôi, vì tôi là chị, lớn hơn em đến 3 tuổi, lại đang học năm cuối, sắp thi tốt nghiệp đến nơi. Cái Thúy phớt lờ, chẳng thèm bắt chuyện với chàng trai nào, đi học thì chớ, về đến nhà là hai lỗ tai cắm máy nghe nhạc, trong khi đó mắt vẫn chăm chú đọc sách. Có lẽ vì thế, chưa thấy một cậu bạn trai nào của nó ở Trường Đại học Sư phạm đến thăm nhà.
Mẹ tôi vốn là cán bộ tổ chức ở một viện nghiên cứu, nên bà rất thành thạo và tinh ranh trong việc khai thác lý lịch trích ngang của những chàng trai có ý định theo đuổi con gái bà. Một hôm, sau bữa cơm tối, bà bảo: “Mẹ thấy anh Thảo, hay anh Dũng là hợp với con và gia đình nhà mình. Chỉ có điều Thảo bằng tuổi con, mà phụ nữ có gia đình, sinh đẻ rồi là mau già lắm, sợ đến lúc ấy bạn bè lại trêu đùa là hai chị em, như mẹ với ba các con ấy, thế thì chán lắm!”
“Ô hay, mẹ nó nói gì thế?” Ba tôi lên tiếng, “Lại nhồi nhét vào đầu con trẻ những điều linh tinh. Ai bảo là bà già hơn tôi nào? Ra đường, đi cùng các con, người ta lại cứ tưởng bà là chị cả của chúng nó ấy chứ!”
“Ông mới học được cái bài ca ngợi vợ ở đâu ra thế? Ấy là tôi cũng nói vậy để nó liệu chừng, đã biết ý tứ của cậu Thảo thế nào đâu cơ chứ,” Mẹ tôi cãi lại: “Tôi thấy anh Dũng mến cái Hiền lắm. Cậu ấy hơn cái Hiền ba tuổi, đã tốt nghiệp đại hoc, có công ăn việc làm tử tế, còn trẻ thế mà đã được dự kiến cất nhắc lên phó phòng của Viện thiết kế. Như vậy chắc chắn có triển vọng đưa vào diện cán bộ nguồn. Gia thế nhà anh ta cũng được. Cả ông bà nội là lão thành cách mạng. Ông xung vào đội vệ quốc quân, tham gia hai cuộc kháng chiến, đến khi nghỉ hưu với quân hàm đại tá, nhưng lại được hưởng lương tướng. Bà nội tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội trong đoàn quân tiến vào chiếm Bắc Bộ phủ, nhưng đã mất cách đây 3-4 năm rồi. Bố mẹ Dũng đều là cán bộ cấp vụ. Họ khá hơn nhà mình đấy, cả hai đều có bìa mua hàng ở cửa hàng phố Nhà Thờ (thời đó quy định cán bộ cao cấp mua thực phẩm ở phố Tôn Đản, cán bộ trung cấp mua ở phố Nhà Thờ). Nhà chỉ có hai chị em, cô chị đã xây dựng gia đình, ở riêng và đã có một cậu con trai 3 tuổi, chị ấy làm Cửa hàng trưởng một cửa hàng bách hóa, nên cả nhà cả họ, ngay cả bà con láng giềng cũng được nhờ…”
“Trời ơi! Mẹ đọc diễn văn, hay duyệt lý lịch kết nạp đảng cho ai vậy?” Tất cả những người đó chỉ là bạn con, không hơn không kém. Con chưa nghĩ gì tới chuyện yêu đương, chưa có ý định tìm hiểu ai. Thế mà mẹ cứ xồn xồn làm như họ sắp làm rể của mẹ không bằng!”
Nếu tôi không cắt ngang lời bà, thì chắc rằng cả tối hôm đó sẽ biến thành buổi xét duyệt các ứng viên làm rể gia đình tôi. Quả thật tôi không biết mấy về gia đình các chàng trai đó. Mỗi lần họ đến chơi, bà lại rủ rỉ hỏi chuyện. Đương nhiên chỉ những người nào bà thấy có vẻ xứng đôi với con bà thì bà mới hỏi kỹ. Nhiều chàng lại còn sử dụng chiến thuật lấy lòng mẹ và em gái để nhờ vào đó bao vây cô chị. Bởi vậy họ đã cố tình đến chơi, khi tôi vắng nhà. Tôi hiểu lòng mẹ. Có người mẹ nào chẳng muốn con gái mình như “hạt mưa sa giếng ngọc”. Rõ ràng bà ưng anh Dũng nhất. Điều đó thấy rõ qua những biểu hiện bà đón tiếp mỗi khi anh đến chơi, cũng như mỗi khi bà nói chuyện về anh với con cái. Anh Dũng từng trải hơn các bạn cùng lớp với tôi. Anh bình thản và rất tế nhị mỗi khi giao lưu với các bạn trai cùng lớp tôi. Chưa một lần tỏ tình, chỉ thể hiện tình cảm qua sự chăm sóc rất chu đáo như người anh đối với em gái. Anh ít quan tâm tới quà cáp vật chất, mà chủ yếu săn sóc tới việc học tập của hai chị em chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi hỏi gì, anh đều cố gắng giảng giải, cho tới khi phải hiểu thật kỹ. Có lẽ chính vì cái điều khác biệt ấy, tôi cũng thấy xốn xang hơn mỗi khi nhớ về anh. Và có lẽ cũng vì vậy trong suốt cuộc đời sinh viên, tôi chỉ một lần khóc thầm khi Dũng bị ốm, phải nằm bệnh viện.
Tôi tốt nghiệp, ra trường, đã công tác được gần một năm, lần đầu tiên anh Dũng mới mang hoa tới nhà dự sinh nhật tôi – bó hoa hồng 25 bông, đúng bằng tuổi tôi. Anh đến sớm hơn mọi người để chính thức thổ lộ “những điều quan trọng nhất”. Dù rất có cảm tình, song tôi vẫn ngỡ ngàng. Mẹ tôi thì đã chờ đợi giây phút đó từ lâu. Bà lo lắng, sợ con gái bà không vững vàng, dễ rơi vào tình trạng “lửa gần rơm”. Mà quả thật mấy người bạn cùng lớp đã đến yết kiến bà, đều là những chàng trai tuấn tú, nhất là Thảo. Anh ấy rất đẹp trai, thông minh, hầu như kỳ thi nào cũng giành được số điểm cao nhất. Từ sau cái lần dám liều mình gõ cửa, Thảo tìm mọi cơ hội tặng hoa, mang quà biếu ba mẹ. Anh ấy cũng có khiếu nói, khéo nịnh, đã mang quà gì đến thì mẹ tôi không thể nào không nhận. Lại được cái Thúy nữa, nó cứ như bị anh ta bỏ bùa mê, lúc nào cũng anh Thảo, anh Thảo, làm như thể trên đời này không còn ai hơn. Có lần nó còn dám tuyên bố với mẹ rằng: “Chẳng hiểu chị Hiền thế nào. Anh ấy mà ngỏ lời cầu hôn con thì xong ngay, mà chắc là ba mẹ cũng không từ chối”. Chẳng phải chỉ riêng tôi, có đến hơn nửa số con gái trong lớp đều có cảm tình với anh ấy. Mãi sau khi tôi và anh Dũng ra UBND phường đăng ký kết hôn, chuẩn bị cưới, bà mới tiết lộ “điều cơ mật nhất”. Hóa ra mẹ Dũng và mẹ tôi là bạn cùng lớp từ thời học sinh Trường phổ thông cấp ba Việt Đức (47 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Qua khai thác lý lịch các ứng viên làm rể tương lai, mẹ tôi nghe tên mẹ Dũng thấy ngờ ngợ người quen, bà lẳng lặng đến tận nhà để tìm hiểu. Hơn 30 năm rời khỏi mái trường phổ thông, mỗi người theo một ngả đường, mẹ Dũng được chọn đưa đi đào tạo tại Liên Xô, còn mẹ tôi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm xung phong đi B. Ngần ấy năm gặp lại nhau, họ mừng vui vô hạn. Nhưng, hai người bạn gái sau khi đã biết chuyện tình cảm của các con, họ quyết định giữ bí mật cho đến khi tác thành cho đôi lứa. Đương nhiên, sau khi gặp lại, nhận ra nhau, các vị phụ huynh của hai nhà đã nhiều lần tổ chức gặp riêng, sau lưng các con, để “hoạch định và lên chương trình” tác thành cho hai chúng tôi.
Đến nay, chuyện ấy đã lùi vào dĩ vãng hơn 20 năm, tôi và Dũng đã chung sống vui buồn bên nhau, đã tạo dựng được một “tế bào khỏe khoắn” của xã hội, sinh đẻ theo đúng hình mẫu lý tưởng, con gái đầu lòng, con trai thứ hai và là út, cách nhau 5 tuổi. Cháu Thục giống mẹ nhiều hơn, nhưng lại giống bố ở cái mũi khá cao, nên xinh hơn mẹ thời con gái. Từ bé đến lớn cháu đều học giỏi, kế thừa gen trội của bố, hiện cháu sắp lên năm thứ tư Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Dân ta thường bảo “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Cả hai đứa, chẳng đứa nào giống tính bố mẹ. Cháu Thục rất kín đáo, dịu dàng, ít nói, không thích la cà hay đi chơi đâu, ngoài việc đến nhà mấy cô bạn thân cùng lớp suốt từ thời học sinh. Thỉnh thoảng có mấy cậu bạn trai cùng lớp đến chơi nhà. Sau thủ tục chào hỏi, vợ chồng tôi thường rút lên gác để các cháu tự nhiên. Cánh thanh niên sinh viên bây giờ rất thực tế, không tếu táo, lãng mạn viển vông. Họ thường bàn luận những vấn đề thời cuộc, những công việc sắp tới, đặc biệt về tương lai khi ra trường. Có lần Thục dè dặt hỏi tôi: “Nếu ra trường mà không xin được công việc tử tế, mấy đứa chúng con lập công ty tư nhân, có được không ạ?” Tôi không phản đối, nhưng cũng tỏ ra không khuyến khích, vì sợ các cháu chưa đủ kinh nghiệm thương trường, làm ăn thua lỗ, mà vốn liếng gia đình tôi nào có được là mấy. Vả lại, thằng em nó đang học lớp 10, còn phải chu cấp dăm bảy năm nữa mới có thể tự lập. Chuyện tình cảm riêng tư cháu Thục lại càng kín đáo. Thỉnh thoảng thấy các bạn gái của cháu gán ghép với người này người nọ, nhưng cháu chỉ cười và yên lặng. Vợ chồng chúng tôi thực hiện phương châm để cháu độc lập suy nghĩ, tự tìm hiểu và lựa chọn, chỉ góp ý mang tính chất hướng dẫn. Riêng bà ngoại thì nghiệp vụ cán bộ tổ chức đã thấm vào máu, mỗi lần Thục dẫn các bạn đến thăm bà, hễ thấy có cậu bạn trai nào của nó là bà “phỏng vấn”, khai thác hết mọi gốc gác, ngọn ngành nhà anh ta. Đương nhiên, tôi là mẹ, cũng phải quan sát theo dõi chặt chẽ, cho dù chỉ là âm thầm lặng lẽ, mọi diễn biến tình cảm và các quan hệ của con gái. Tôi nghĩ rằng, thời buổi hiện nay, khi xã hội phát triển theo cơ chế thị trường, nước ta tích cực giao lưu hội nhập quốc tế, thì những suy nghĩ và nhận thức của thanh niên cũng khác với thời chúng tôi. Không nên có tư tưởng bao cấp, nghĩ mọi thứ hộ con cái.
Lại nói cô Thúy em tôi. Thời con gái ngoài học chỉ biết đến âm nhạc, hết nhạc tiền chiến, nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc pop, nhạc jazz… Bao nhiêu chàng trai săn đón, nỉ non, cô đều bỏ ngoài tai, phớt lờ. Xinh đẹp đến mấy chăng nữa, thì cũng chỉ có một thời con gái. Tốt nghiệp với tấm bằng ưu, mẹ là cán bộ tổ chức có nhiều mối quan hệ, có thể xin cho cô dạy học ở một trường tại Hà Nội, nhưng cô lại muốn vào dạy ở thành phố Hồ Chí Minh. Chuyện tình cảm riêng tư của Thúy, thì đúng là “hồng nhan bạc mệnh”, bảy năm dạy học trong đó, lấy hai đời chồng, mà không vẫn hoàn không. Thương nó quá, ba mẹ tôi phải chạy đi chạy lại, nhờ hết người này đến người khác, xin bằng được cho nó ra dạy ở Hà Nội. Giờ thì cô ấy đã có một gia đình êm ấm, chồng là PGS. TS. Trưởng bộ môn ở một trường đại học. Cậu ấy mải học, gặp Thúy tuy muộn mằn, nhưng đến gần tứ tuần đã có một con trai, hiện nay cháu đang học lớp 2. Gặp cháu Thục, lúc nào dì Thúy cũng nhắc đi nhắc lại cái câu muôn thuở: “Độc lập suy nghĩ là đúng, hạnh phúc của mình phải do mình quyết định. Nhưng phải nghe lời chỉ bảo của người lớn, của cha mẹ, ông bà. Bà ngoại tuy có những cái cũ, cổ hủ, nhưng kinh nghiệm tổ chức, nhìn người, đánh giá người của bà là không thể xem thường. Đành rằng cha mẹ không thể suy nghĩ hộ, làm hộ mọi việc cho con cái, nhưng nếu có được sự giúp đỡ, có được sự kế thừa, thì cũng không nên từ chối, đặc biệt không thể coi thường, đừng như dì mà vất vả cháu ạ!”
Linh Vũ