Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Thời Bao Cấp

Thời Bi Tráng

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Đó là thời bao cấp – thời mà bất kỳ ai đã trải qua khi nhớ lại đều thốt lên: Thật khủng khiếp! Tất cả đều hằn sâu trong ký ức. Thậm chí nhiều người còn lưu giữ những kỷ vật làm minh chứng để kể cho thế hệ sau này về một thời gian khó với cơ chế quản lý kinh tế – xã hội không thích hợp, gây ra sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng may chúng ta đã sớm nhận ra và công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng đã đưa nước ta thoát khỏi thời bao cấp đầy bi tráng.

Tất cả được tái hiện tại triển lãm “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp” đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Và chẳng thể nói là bất ngờ khi người Hà Nội mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn đổ xô đến bảo tàng để sống lại một thời khốn khó như ngày xưa ào ào xếp hàng mua gạo. Có mặt tại triển lãm không chỉ những người đã qua thời bao cấp mà có rất nhiều khách quốc tế và các bạn trẻ. Minh Phương – sinh viên năm thứ nhất đại học quốc gia Hà Nội khi xem xong thốt lên: Bọn em giờ sướng thật. Thế mới thấy các cụ sống qua thời bao cấp thật cực khổ.

Gian hàng được khách tham quan ghé thăm nhiều chính là quầy bán lương thực. Bởi đơn giản là thời đó người ta ước mơ thật giản dị: được ăn một bát cơm không phải độn khoai, sắn hay bột mỳ chứ chưa nói đến một bát cơm thơm như một điều quá đỗi bình thường trong cuộc sống hiện tại. Tôi đọc trên những gương mặt của khách tham quan những xúc động khi nhìn vào những hình nộm đứng xếp hàng, phía dưới chân là nón, mũ, gạch, đá… Những vật tưởng chừng vô tri vô giác thế mà có thể thay mặt cho con người để… xí phần mua gạo. Bởi thời ấy muốn mua được gạo, người ta có khi phải dậy từ nửa đêm để xếp hàng.

Đấy là thời kỳ mà cuộc sống của cán bộ công nhân viên chức dựa trên sự phân phối của Nhà nước mà tem phiếu là bộ phận quan trọng nhất của chế độ phân phối. Mỗi loại nhu yếu phẩm đều có một loại tem phiếu riêng như gạo, thịt, vải, chất đốt… Mỗi mặt hàng này lại có những tiêu chuẩn khác nhau (về số lượng được mua). Loại đặc biệt A1 dành cho cán bộ cao cấp từ Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng trở lên, loại A dành cho Bộ trưởng và Ủy viên Trung ương, loại thấp nhất là N dành cho nhân dân. Công nhân viên lao động bình thường một tháng được 0,4 kg thịt, 0,5 kg cá, 0,35 kg đường, 0,5 lít nước mắm… Cái thời mà câu nói của miệng là “Buồn như mất sổ gạo!”. Những mậu dịch viên thời này được coi như “vua”. Quen được họ – có được thông tin hôm nay có gạo không mốc hay có cá tươi… là vui như Tết. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những “con phe” tem phiếu. Họ mua rẻ tem phiếu của những người vì bận công việc không mua được hàng hoặc cần tiền rồi móc ngoặc với mậu dịch viên mua được hàng có chất lượng tốt bán ra ngoài hưởng lợi. Bà Trần Thị Tuyết – nguyên là mậu dịch viên cửa hàng thực phẩm Đồng Xuân, Hà Nội cho biết: “Có rất nhiều mậu dịch viên tiêu cực, nhất là những cô trẻ không có bản lĩnh, hám lợi bán hàng cho “phe phẩy”. Nhưng cũng khổ nếu không bán hàng thì bị dọa, những người phe tem phiếu không có công ăn việc làm, coi đây là nghề nên ghê gớm lắm”.

Trong gian khó, thiếu thốn về mọi mặt những đức tính trời phú cho con người như năng động sáng tạo phát huy hiệu quả. Đấy là thời kỳ mà khi ra đường rất dễ bắt gặp những người mặc quần pickê, đổi ống quần trước ra sau, xích xe đạp thì lộn lại, lốp xe đạp quấn bằng dây cao su… Càng khó khăn, con người càng phải nghĩ ra cách tự cứu mình và phong trào nuôi lợn được các gia đình hưởng ứng mạnh mẽ, thậm chí các gia đình ở tập thể những nhà cao tầng cũng nuôi. Có một vị giáo sư nổi tiếng nuôi lợn trên căn hộ tập thể tầng 4, nhưng ông nói rằng: “Chính lợn nuôi tôi”, nghe thật xót xa song điều đó phản ánh cuộc sống của thời bấy giờ.

Người đàn ông ngoài 50 tuổi gương mặt đẫy đà mặc quần pickê mông, áo sờn vai, chân đi dép nhựa Tiền Phong hàn quai cùng cô con gái trong bộ váy Thượng Hải trên tay cầm máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện tại quầy bán gạo trong triển lãm. Rất thành thục, ông nhanh chân đứng sau hình nộm rồi bỏ chiếc mũ đang đội xuống dưới chân. Ông quay sang nói với con gái: Con biết tại sao phải để mũ xuống chân không? Để nếu có bị chen bật ra còn có cái mũ giữ chỗ. Rồi ông nhoài người về phía trước nói to: Hôm nay gạo độn gì chị ơi? Trời ơi, lại hạt bo bo ư? Hôm qua còn được độn bột mỳ kia mà. Con gái ông sửng sốt: Bố đang nói với ai vậy? Ông cười rạng rỡ: Bố đang nói với quá khứ! Rồi ông quay sang nói với những người xung quanh: Nếu Đảng không đổi mới thì bây giờ chẳng biết đời sống sẽ ra sao!

Hùng Sơn

Bình luận