Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hùng Biện Kiểu Ted

Lời Giới Thiệu

Tác giả: Jeremey Donovan

Lời tự thú của một kẻ nghiện các bài diễn thuyết trên TED

Tôi vẫn nhớ năm mình tám tuổi, khi tôi quyết định điều mình muốn làm trong suốt quãng đời còn lại. Thời đó chưa có các bài diễn thuyết trên TED(1), cũng chưa có Internet, thứ đã biến chúng thành hiện tượng trên toàn cầu. Thời đó, những người sản xuất hàng điện tử chỉ làm ra những sản phẩm dùng được lâu bền, còn người mua hàng điện tử thì nâng niu chúng hết lòng. Giống như mọi gia đình tôi từng biết, gia đình tôi cũng tận dụng triệt để mọi vật dụng trong nhà cho đến khi công tắc, quạt và bóng đèn bắt đầu trở chứng, đến độ bác thợ sửa điện cũng phải phán rằng chúng đã vô phương hồi phục.

Món đồ điện tử tôi yêu quý nhất chính là chiếc đồng hồ báo thức kiểu lật số trong phòng ngủ ba mẹ tôi. Nếu bạn chưa bao giờ thấy thứ di vật nào như thế, thì cứ đơn giản hình dung ra những trang giấy lật có số trên đó. Khi một trang lật xuống, nó sẽ che đi con số trước đó và làm lộ ra con số mới. Có điều gì đó vừa đáng sợ, vừa ma mị ở chiếc đồng hồ đó. Dù tôi không được phép động vào nó do ba mẹ sợ tôi sẽ làm xáo trộn lịch sinh hoạt, song thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi trên giường ba mẹ chờ đợi động cơ bên trong làm chuyển động bánh răng và khiến những con số lật xuống, cùng với tiếng “click!” vui tai.

Thế rồi thảm họa ập đến. Động cơ vẫn kêu ro ro, nhưng rồi các chiếc bánh răng bỗng phát ra một âm thanh ken két báo điềm chẳng lành, và số phút cuối cùng bị tắc giữa số 6 và 7 khi trang đang lật. Tôi thề với ba mẹ rằng mình không hề đụng vào nó, và cuối cùng ba mẹ cũng tin tôi. Biết được niềm say mê kỳ lạ của tôi dành cho vật vô tri vô giác này, mẹ đã cho tôi chiếc đồng hồ báo thức, một cái tua-vít cùng một chỉ dẫn: “Đừng cắm điện sau khi tháo nó ra đấy, kẻo con sẽ bị điện giật mất.” Bạn cũng biết các ông bố bà mẹ hay nhồi nhét suy nghĩ vào đầu con cái thế nào rồi đấy…

Khi tháo tung chiếc đồng hồ báo thức ra, tôi liền săm soi những kỳ quan từ các bộ phận điện và cơ khí bên trong. Tự xem mình là một chuyên viên kỹ thuật lành nghề, tôi lắp cỗ máy lại sau khi vô tình điều chỉnh vài thứ. Khi chiếc đồng hồ được lắp lại hoàn chỉnh, vẫn còn đó một vài chi tiết nằm lăn lóc trên sàn và âm thanh lạch cạch bên trong. Vì mong làm vừa lòng cha mẹ nhờ khéo léo sửa được chiếc đồng hồ quý báu, tôi liền cắm đồng hồ vào ổ điện trên tường. Khói bắt đầu tóe ra, kèm theo mùi nhựa cháy độc hại; thế là tôi rút ngay phích ra trước khi tự chuốc họa vào thân.

Chính trong khoảnh khắc đó, tôi đã biết mình muốn trở thành kỹ sư. Bạn biết đấy, tôi là một đứa trẻ trầm lắng, hướng nội, thích ngồi ngẫm nghĩ và rất ít lời. Tôi nhận ra nếu trở thành kỹ sư, tôi sẽ có được một sự nghiệp thành công nhờ chơi đùa với các vật dụng. Và quan trọng nhất là tôi không phải mở lời với bất kỳ ai!

Tôi sẽ bỏ qua những chuyện linh tinh xảy ra trong khoảng thời gian 14 năm sau đó, khi giấc mơ của tôi trở thành sự thật. Tôi đã được chơi đùa với những chiếc máy tính và thiết bị sản xuất trong vai trò một kỹ sư bán dẫn mới toanh ở thung lũng Silicon. Vấn đề duy nhất là tôi căm ghét công việc của mình. Dù tôi vẫn hạnh phúc vì không phải nói nhiều, song những bảng mạch tích hợp mà tôi sản xuất lại rất trái ngược với các vật dụng mọi người yêu thích. Tôi chỉ tạo ra được những linh kiện kêu lạch cạch trong đồng hồ báo thức của ai đó mà thôi.

Với sở thích mới kết hợp giữa kinh doanh với công nghệ, từ một kỹ sư bán dẫn, tôi đã chuyển sang nghề phân tích bán dẫn. Có lẽ với bạn, thay đổi này nghe chẳng khác nào “chẻ sợi tóc làm tư”. Nhưng đối với tôi, đó thực là một thiên anh hùng ca. Thay vì tự tay chế tạo, tôi sẽ đi tư vấn cho người khác chế tạo. Chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ mình có thể tiếp tục trốn trong suy nghĩ và chỉ việc ngồi viết về công nghệ. Đến tận khi tôi bắt tay vào làm việc, vẫn chẳng ai nói với tôi rằng tôi sẽ phải liên tục nói chuyện với mọi người; và không chỉ mặt đối mặt, mà còn phải đứng trên sân khấu trước hàng trăm người.

Tôi không biết mình sợ điều gì hơn – đứng nói trước công chúng hay xin rút khỏi vị trí mới tuyển được vài ngày. Khi đang chạy khắp hành lang công ty với hy vọng tìm ra cách thoát khỏi mớ bòng bong, tôi bỗng thấy một tấm biển treo tường với dòng chữ: “Câu lạc bộ Diễn thuyết trước công chúng Toastmasters – Hôm nay, 12 giờ trưa, phòng 1002.” Vừa tuyệt vọng, vừa lo lắng, tôi ăn qua loa bữa trưa trong căng-tin rồi tiến thẳng đến phòng hội thảo. Ý định của tôi là học qua quan sát. Để bảo vệ mình trước nguy cơ bị gọi lên nói, tôi chọn ngồi tít sau góc phòng, mắt hướng xuống và nhai nhồm nhoàm chiếc bánh kẹp gà. Tôi cảm thấy mình như trở lại ngày còn tám tuổi.

Mọi chuyện cứ diễn ra như thế suốt nhiều tuần, suốt mỗi ngày thứ tư cho đến khi hai thành viên của câu lạc bộ, Joshua Reynolds và Grant DuBois, hối thúc tôi thực hiện bài nói Chủ đề Bàn tròn đầu tiên của mình. Chủ đề Bàn tròn là các bài phát biểu ngẫu hứng dài khoảng 1-2 phút nhằm trả lời cho các câu hỏi nhẹ nhàng như: “Nếu có thể du lịch đến bất kỳ đâu trên thế giới, bạn sẽ đi đâu, tại sao?” Joshua và Grant, hai biên tập viên toàn thời gian chuyên về các báo cáo nghiên cứu, là những kẻ hoạt ngôn. Họ không chỉ là những cây bút tài năng, mà còn là chuyên gia diễn thuyết. Joshua có vóc người vạm vỡ, cao đến mét chín và có thể sắm đủ loại vai đặc sắc, phong phú, từ một mục sư rửa tội cho đến một diễn viên kịch Shakespeare. Grant, với vóc người bình thường và hơi hói, lại có đầy nhiệt huyết đam mê và kiến thức sâu rộng. Tôi chỉ mong được bằng nửa họ vào một ngày nào đó.

Tôi không nhớ hôm đó mình đã nói gì, nhưng vẫn nhớ mình vã đầy mồ hôi, tay chân run rẩy, phải kìm lắm mới không són ra quần, hai tay thừa thãi không biết để vào đâu, đã thế còn ậm ừ không ngớt. Nhưng mặc kệ những điều đó, mọi người vẫn vỗ tay tán thưởng tôi. Các cuộc họp mặt của Toastmasters không quan tâm bạn “qua” hay “trượt”. Chỉ cần bước lên sân khấu, bạn sẽ trở thành người chiến thắng.

Cứ thế, tuần nào tôi cũng ghé qua nơi khiến mình vững tâm này. Thỉnh thoảng tôi lại đứng lên nói, và cuối cùng đã thực hiện được những bài nói dài cần chuẩn bị trước (lên tới 7 phút). Nhưng trong phần lớn thời gian, tôi vẫn ngồi xem và phân tích cách mọi người hệ thống và truyền tải nội dung của mình.

Sau 10 năm và 10.000 giờ nỗ lực dưới sự hướng dẫn của các cố vấn tuyệt vời, tôi đã chạm đến giai đoạn đầu của sự “xuất chúng” – theo lời Malcolm Gladwell(2). Dù nỗi sợ hãi trong tôi chưa hề biến mất (và sẽ không bao giờ biến mất), nhưng tôi đã học được cách biến năng lượng của mình thành một bài diễn thuyết đầy đam mê. Tôi đã trở thành người nói chuyện có duyên và say mê đúng như hình mẫu mà Joshua Reynolds và Grant DuBois từng làm gương cho tôi suốt thời gian dài.

Khi nhìn lại, tôi vẫn phần nào xấu hổ khi phải thừa nhận rằng hành trình 10 năm đầu của mình là những ngày tháng ích kỷ. Tôi chủ yếu chỉ nhắm đến mục tiêu trở thành người giỏi nói chuyện hơn để tạo lợi thế trong đời sống cá nhân và công việc. Cũng như nhiều diễn giả khác, tôi tích trữ kiến thức thu được trong một căn hầm với ba lớp niêm phong nằm sâu trong não. Rồi đến một ngày kia, nó bỗng bật mở đánh tách.

Tôi nhận ra việc hướng dẫn các diễn giả khác có lợi hơn nhiều so với chỉ tập trung rèn giũa năng lực thuyết trình của riêng mình. Tôi ước mình có thể nói rằng việc này xảy ra ngay lập tức, nhưng sự thật là tôi đã phải giác ngộ dần dần. Tôi bắt đầu ghi chú lại từng bài phát biểu mình theo dõi, bao gồm những nhận xét bổ khuyết cùng với các phản hồi mang tính xây dựng. Thay vì giữ chúng cho riêng mình, tôi thận trọng chia sẻ với diễn giả. Hiển nhiên tôi đã xúc phạm vô số người khi gửi họ những phản hồi tự giác mà chẳng kèm theo thông tin liên lạc nào để nhận diện, song, nhiều bạn bè và đồng nghiệp đã bắt đầu chủ động xin tôi lời khuyên. Tôi đã xây dựng được thương hiệu cá nhân như một kẻ mê diễn thuyết trước công chúng.

Khi hô lớn đam mê của mình, bạn sẽ thu hút được nhiều cơ hội. Sáu năm sau khi bắt đầu gửi ghi chú cho các diễn giả, một hôm, tôi ăn tối với Neerav Shah, một trong những bạn bè thân nhất của mình. Neerav và tôi chẳng khác gì ruột thịt. Cả hai đều kết hôn với những mối tình thời đại học và con cái chúng tôi cũng trạc tuổi nhau. Chúng tôi đều rời bỏ công việc kỹ sư bán dẫn để theo đuổi ngành quản lý chung và đều là những tên mọt sách kinh doanh. Khi Neerav hỏi tôi: “Cậu đã bao giờ nghe về TED chưa?” tôi đoán cậu ấy đang nói về một tác giả sách bán chạy mới nổi nào đó, và đáp: “Ted nào thế?”

Tối hôm đó khi về nhà, tôi tìm thấy một e-mail của Neerav với đường dẫn đến bài diễn thuyết trên TED của Ngài Ken Robinson(3). Tôi xem bài diễn thuyết đó, xem lại lần nữa, và thêm một lần nữa. Tôi như bị bỏ bùa. Các bài diễn thuyết trên TED là chất caffein với người bình thường và là ma túy đá với những kẻ nghiện diễn thuyết. Chúng không chỉ thú vị mà còn đầy cảm hứng. Không những thế, chúng còn đầy ắp những ý tưởng không chỉ đáng lan tỏa mà còn áp dụng được ngay tức thì.

Sẽ khó có chuyện bạn chưa từng xem một video diễn thuyết nào của TED, nhưng nếu đúng như thế, thì xin giải thích rằng TED là một tổ chức phi lợi nhuận cống hiến vì mục tiêu lan tỏa những ý tưởng hấp dẫn từ các lĩnh vực công nghệ, giải trí và thiết kế(4) (TED). TED có nhiều dự án khác nhau, nhưng hai dự án danh tiếng nhất chính là các hội nghị mang tính độc quyền cao và hoạt động mở nhằm đăng tải miễn phí các bài diễn thuyết lên mạng.

Nếu là khán giả nghiện xem các video của TED, có lẽ bạn vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên xem một video của TED ra sao. Đó là 18 phút đầy ắp những cảm hứng thuần túy. Sứ mệnh của TED là chia sẻ những ý tưởng đáng lan tỏa và những phái viên của tổ chức này đã không làm mọi người thất vọng. Mặc dù tên tuổi của họ không quen thuộc với mọi nhà, nhưng Ngài Ken Robinson, Jill Bolte Taylor và hàng nghìn người khác vẫn mê hoặc được khán giả của họ bằng nội dung, cách truyền tải và trình bày mạnh mẽ.

Các bài diễn thuyết trên TED khá giống chất gây nghiện, vì chúng có thể “nuốt chửng bạn” và tác động đến những người mà bạn yêu quý. Tôi nhận ra điều này khi cô con gái 12 tuổi của tôi bắt đầu trích dẫn nguyên văn các đoạn trong bài diễn thuyết của Ngài Ken Robinson, và khi trông thấy ảnh Jill Bolte Taylor trên nền màn hình máy tính xách tay của tôi, con bé liền hỏi: “Ba ơi, đó có phải bác gái kể về cơn đột quỵ của mình không?” Đó là một cơn nghiện mà tôi rất mừng vì mình đã truyền nó sang con bé, bởi sự thịnh hành của các trò nhắn tin và mạng xã hội đang tạo ra một thế hệ phải vật lộn tìm cách thể hiện ý tưởng của chúng bằng lời. Những ai được học cách giao tiếp ngoài đời (thay vì trên mạng) sẽ có cơ hội được biết đến nhiều hơn và có thể tạo ra sự khác biệt trong một thế giới đang ngày một chật chội.

Do xuất thân là dân phân tích, quả nhiên tôi đã phát triển nên phương pháp trích xuất tối đa giá trị từ các bài diễn thuyết của TED trên cả hai phương diện – vừa như một khán giả thông thường, vừa như một kẻ mê diễn thuyết. Dù các bài nói chỉ kéo dài tối đa 18 phút, nhưng tiến trình phân tích mỗi bài thường kéo dài hơn một giờ; vì với mỗi video, tôi sẽ xem ba lần.

Trong lần đầu, mục tiêu của tôi là nắm được ý tưởng cốt lõi của diễn giả và cấu trúc tường thuật mà diễn giả sử dụng để truyền tải ý tưởng đó. Hầu hết các diễn giả đều khiến việc này dễ dàng hơn bằng cách khẳng định rõ ý tưởng của họ ngay phần đầu hoặc cuối bài phát biểu. Song, nhiều diễn giả khác lại giấu ý tưởng của mình sâu đến mức đủ khiến người nghe cảm giác vui sướng khi được trải nghiệm sự “giác ngộ”. Ngoài ra, tôi cũng cố thử xác định cách các diễn giả mở đầu bài nói chuyện của họ, cách họ xây dựng phần thân bài và cách họ kết thúc. Dù cấu trúc quen thuộc được sử dụng phổ biến nhất vẫn là “một đoạn mở đầu, ba đoạn thân bài và một đoạn kết luận,” nhưng vẫn có một số diễn giả không tuân theo khuôn mẫu đó. Khi được thực hiện đúng ý đồ, cấu trúc này sẽ mở ra nhiều kiến giải sâu sắc, giúp ta hiểu được tại sao tác giả trình bày theo lối ấy. Trong lần xem đầu tiên này, tôi cũng nắm bắt cách các diễn giả sử dụng các tiền đề (các mệnh đề khẳng định hay gợi ý) và bằng chứng để củng cố luận điểm. Vì phần lớn bằng chứng được trình bày dưới dạng câu chuyện, nên tôi thường tách riêng từng cách thức sáng tạo của diễn giả đối với cốt truyện, nhân vật và bối cảnh.

Nếu lần xem đầu tiên cho tôi cái nhìn toàn cảnh về nội dung mà diễn giả trình bày, thì lần xem thứ hai lại cho phép tôi thu hẹp trọng tâm này vào hai yếu tố cụ thể. Yếu tố đầu tiên là ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ bao gồm cả sự hài hước, vốn là một phần cốt yếu giải thích tại sao các bài diễn thuyết trên TED lại lan truyền mạnh mẽ đến vậy, nên tôi đã tạo một ứng dụng máy tính nhỏ nhằm xác định vị trí của mỗi tiếng cười khi tôi nhấn nút. Nếu được xem biên bản bài phát biểu, tôi sẽ đếm số lần diễn giả sử dụng các từ như bạn, tôichúng ta cũng như số lượng câu hỏi diễn giả đặt ra để cảm nhận phong cách nói của diễn giả. Cuối cùng, tôi tìm kiếm những cụm từ chuyển đổi thú vị có tác dụng lan tỏa thông điệp.

Yếu tố thứ hai là cách trình bày, theo cả hai hình thức ngôn từ và phi ngôn từ. Khi nhắm mắt lại và lắng nghe thật kỹ, tôi có thể nghe thấy diễn giả thay đổi âm lượng, tốc độ và cường độ như thế nào. Tôi cũng nghe được diễn giả ngắt nghỉ để tạo những hiệu ứng khác nhau ra sao. Khi mở mắt ra, tôi lại trông thấy cách họ truyền đạt cảm xúc thông qua các biểu hiện trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể.

Lần xem thứ ba và cũng là lần cuối, là để hiểu rõ cách thiết kế phần trình bày, bao gồm việc sử dụng các slide, video và công cụ hỗ trợ. Tôi sử dụng chính ứng dụng đếm các đợt cười để đếm số trang. Tôi cố gắng hiểu phản ứng cảm xúc và trí tuệ của mình trước cách sử dụng hình ảnh, văn bản và ảnh động của mỗi diễn giả. Dù các đoạn phim video hiếm khi được sử dụng trong các bài diễn thuyết của TED, song một khi đã xuất hiện, các diễn giả đều tiến hành lựa chọn, biên tập và trình bày chúng sao cho tốt nhất. Các công cụ hỗ trợ cũng tương đối hiếm và việc sử dụng chúng có lúc là lựa chọn thích hợp, có lúc lại không.

Phần tiếp theo đây sẽ cung cấp cho bạn một cẩm nang hướng dẫn cách truyền tải một bài diễn thuyết đầy cảm hứng dựa trên một nghiên cứu sâu về các bài diễn thuyết được xem nhiều nhất trên TED. Khi bình luận về phiên bản đầu tiên của cuốn sách này, một nhà phê bình đã viết như sau: “Bạn không cần mua cuốn sách này nếu đã xem 10 bài diễn thuyết hàng đầu trên TED, rồi xem tiếp những bài không phổ biến bằng để thấy sự khác biệt.” Lời phê đó quả thực rất đúng! Nói cách khác, mục tiêu của tôi là tiết lộ bí quyết và tiết kiệm cho bạn 20 năm nghiên cứu về nghệ thật nói trước công chúng, cùng hàng núi giờ ngồi xem rồi phân tích hàng trăm bài diễn thuyết xuất sắc hoặc tầm thường trên TED.

Khi viết cuốn sách này, tôi nhận ra rằng có thể bạn sẽ chẳng bao giờ thực sự diễn thuyết trên sân khấu TED. Thế nhưng, bạn vẫn cần thể hiện ý tưởng của mình sao cho truyền được cảm hứng cho người khác. Điều này luôn đúng, bất kể bạn đang nói với một người, 10 người, 100 người hay thậm chí 1.000 người. Bạn có thể áp dụng cùng những kỹ thuật khi diễn thuyết trên TED với các bài thuyết trình và các cuộc họp trong công ty; chưa ai dám nói rằng khiến đồng nghiệp phát ngán là cách thăng tiến trong doanh nghiệp. Các kỹ thuật này cũng có thể áp dụng với mọi hình thức phát biểu trước công chúng, bất kể ở trường học, hội nghị, đám cưới hay những dịp đặc biệt khác.

Cuốn sách được chia thành bốn phần phản ánh hành trình của bạn trong vai trò một diễn giả, từ ý tưởng tới truyền tải và xa hơn thế. Ở mỗi phần, tôi sẽ cung cấp ví dụ về những phương thức áp dụng tốt nhất và cách tránh những cạm bẫy thường gặp.

Phần I tập trung vào nội dung bằng cách bao quát cách thức chọn những ý tưởng đáng lan tỏa, cách xây dựng và tổ chức bài nói chuyện cùng với cách kể chuyện. Tuy vẫn kể các câu chuyện hằng ngày, nhưng có lẽ bạn chưa bao giờ được biết đến những kỹ thuật giúp câu chuyện của mình lôi cuốn được một nhóm khán giả lớn. Phần này cũng bao quát những khía cạnh tinh vi hơn trong nghệ thuật kể chuyện, bao gồm xây dựng cấu trúc cốt truyện, xây dựng bối cảnh và thêm màu sắc sống động cho các nhân vật.

Phần II sẽ khám khá những phương diện chính yếu trong cách truyền tải bằng ngôn từ và phi ngôn từ. Bạn sẽ học cách sử dụng giọng nói, khuôn mặt, cơ thể và sân khấu để thu hút khán giả.

Phần III trình bày cách thiết kế các slide thuyết trình truyền cảm hứng và cách truyền tải những đoạn phim video cuốn hút. Như bạn sẽ thấy, tôi không phải người ham thích sử dụng slide hay video khi nói trước đông người. Tuy nhiên, có những lúc chỉ dùng ngôn từ là không đủ xứng với ý tưởng. Trong phần này, tôi cũng sẽ đề cập đến việc sử dụng các công cụ hỗ trợ và bục phát biểu sao cho đúng.

Phần IV trình bày về quá trình đứng trên sân khấu và hơn thế nữa. Tôi sẽ nhắc đến những khía cạnh thực tiễn hơn của các vấn đề như một diễn giả được chọn diễn thuyết trên TED như thế nào, họ phải làm gì để kiểm soát nỗi sợ hãi và tạo sự thu hút cho video của mình ra sao.

Thế giới này đã có quá nhiều vận động viên, khách du lịch và nhà phê bình chỉ biết ngồi một chỗ, nên chúng ta cũng chẳng cần thêm những diễn giả chỉ biết ngồi một chỗ. Việc đọc về cách diễn thuyết sẽ thôi thúc bạn phát triển hơn nữa và cũng có thể giúp bạn tự tin hơn. Nhưng cách duy nhất để trở thành người diễn thuyết giỏi, chứ chưa nói đến người diễn thuyết xuất sắc, là phải tìm ra và học theo nút thắt trong câu chuyện cười xưa: “Làm thế nào để được biểu diễn trong nhà hát Carnegie Hall(5)?” Câu trả lời chính là: “Luyện tập, luyện tập và luyện tập!” Khi bạn nghiền ngẫm từng phần của cuốn sách này, hãy tìm cơ hội luyện tập qua các cuộc nói chuyện mặt đối mặt và các cuộc gặp gỡ tại những câu lạc bộ như Toastmasters ở địa phương. Và nếu không có gì bất trắc, một ngày nào đó bạn sẽ thấy mình đứng trên sân khấu TED. Khi đó, tôi sẽ là người cổ vũ nhiệt tình nhất cho bạn từ hàng ghế khán giả, và chờ đợi được mổ xẻ đoạn phim video về bạn để học hỏi và chia sẻ “ma thuật” của bạn.

Bình luận
2880
× sticky