Phần I: NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CHỌN LỰA Ý TƯỞNG ĐÁNG LAN TỎA
BÍ QUYẾT 1: Ai cũng có một ý tưởng đáng lan tỏa
Sau khi xem một bài diễn thuyết trên TED, hầu như ai cũng cảm thấy ít nhất hai điều. Điều đầu tiên đến từ lời thầm thì êm ái của thiên thần bên vai phải: “Cậu có thể làm bất cứ điều gì. Cậu có thể trở thành bất cứ ai. Tiến lên và thay đổi thế giới nào!”
Những lời ấy khiến bạn náo nức với cảm giác hứng khởi về những thay đổi sắp tới trong cuộc sống của mình và những người xung quanh, khi áp dụng các tri thức vừa khám phá này. Cảm xúc thứ hai đến từ con quỷ bên vai trái – kẻ chuyên gieo rắc sự ngờ vực về bản thân; nó hét lên: “Ngươi sẽ chẳng bao giờ nói hay được như thế! Ngươi không có lấy một ý tưởng hay, chứ đừng nói một ý tưởng tuyệt vời. Điều duy nhất ngươi học được suốt 10.000 giờ trong hơn 10 năm qua là ‘xem truyền hình như thế nào’. Ngươi không có lấy một công việc hấp dẫn. Chẳng có gì phi thường từng xảy đến với ngươi.”
Bước đầu tiên để truyền tải được một bài phát biểu trên TED là hãy tống cổ con quỷ kia đi. Nó hoàn toàn sai. Hãy nhìn vào các bằng chứng. Cứ một Bill Gates lại có đến hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn nhà hoạt động xã hội diễn thuyết về những nguyên nhân buộc họ đấu tranh, dù chẳng có quỹ hoạt động nào với ngân sách trên 30 tỉ đô-la chống lưng cho họ.
Trên thực tế, Bunker Roy, nhà hoạt động chống đói nghèo – tên ông vốn chẳng quen thuộc gì – đã có một bài diễn thuyết trên TED với số lượt xem cao gần ba lần số lượt xem bài phát biểu của Gates. Nếu bạn đã biến cuộc đời của ai đó trở nên tốt đẹp hơn, bao gồm cuộc đời của chính bạn, thì bạn đã nắm trong tay hạt giống của một ý tưởng đáng lan tỏa.
Trước khi bạn nói “Nhưng tôi không phải nhà hoạt động xã hội”, xin hãy nhớ rằng từ lâu, các bài phát biểu luôn đến từ hầu như mọi tầng lớp xã hội. Mặc dù ra đời vào năm 1984 với trọng tâm hướng đến những nhân vật trong giới công nghệ, giải trí và thiết kế, nhưng tổ chức TED đã dần mở rộng phạm vi hoạt động một cách có chủ ý. Trong các bài diễn thuyết mẫu trên TED của mình, tôi đã xác định được ít nhất 15 vai trò phổ biến – thuộc 3 nhóm lớn – thường xuyên tỏa sáng trên sân khấu.
15 vai trò này không loại trừ lẫn nhau, nhưng cũng không bổ sung trọn vẹn cho nhau. Bạn có thể nhận ra mình đang đóng nhiều hơn một vai, hoặc có thể không tìm thấy mình trong vai trò nào. Chúng ta thay đổi vai trò của mình mỗi ngày, trong mỗi khoảnh khắc như thể thay áo vậy. Vấn đề chỉ là mỗi khi ướm thử một vai, bạn sẽ thu hẹp được mối quan tâm của mình. Vì những ràng buộc thường mở khóa sáng tạo, nên kỹ thuật này sẽ giúp bạn dễ dàng xác định ý tưởng muốn lan tỏa. Ngoài ra, bất kể sứ mệnh chính của bạn là giáo dục, giải trí hay truyền cảm hứng, hãy đảm bảo rằng nó luôn bao gồm vừa đủ các yếu tố còn lại, cùng với thông tin, sự hài hước và cảm xúc.
Nhóm 1: Các nhà giáo dục
Mặc dù tất cả các bài diễn thuyết xuất sắc trên TED đều là sự hòa trộn giữa tính giáo dục, giải trí, và cảm hứng, nhưng các diễn giả ở nhóm này lại có xu hướng tập trung nhiều hơn vào phần giáo dục. Khi nói đến nhà giáo dục, tôi đang sử dụng một định nghĩa tương đối rộng bao gồm tất cả những cá nhân cố gắng tìm hiểu bản chất của giới tự nhiên, bản chất con người và bản chất của những thứ do con người tạo ra. Dù không bắt buộc, nhưng các diễn giả ở nhóm này thường có trình độ học vấn cao trong các ngành khoa học hay kỹ thuật. Nhóm này cũng phân nhỏ thành bốn loại vai trò như sau:
Nhà phát minh: Các nhà phát minh là người mang đến những thứ rất “chất”. Họ chia sẻ các công nghệ mới hứa hẹn giúp chúng ta tiết kiệm công sức, tiêu khiển hoặc thậm chí thành toàn cho ước mơ của chúng ta. Từ các thiết bị điện tử thông minh đeo tay như Sixthsense của Pranav Mistry cho đến chiếc xe hơi không người lái của Sebastian Thrun, rất nhiều phát minh được trình bày trên TED đều tập trung vào trải nghiệm người dùng thông qua các tiện ích của chúng tôi. Bảng xếp hạng các bài diễn thuyết được xem nhiều nhất trên TED của các nhà phát minh sẽ mở ra những kiến giải sâu sắc về hệ tư tưởng chung của thời đại chúng ta. Có một khuôn mẫu đáng chú ý – nếu không nói là có chút hài hước – cho thấy có các bài diễn thuyết nhiều đến bất thường trên TED tập trung vào những vật thể bay, bao gồm rô-bốt, động vật và thậm chí cả con người với túi phản lực. Quả thực, khát khao bay lượn không phải là trào lưu nhất thời, mà là khát vọng tâm lý bẩm sinh.
Nhà khoa học về sự sống: Các nhà khoa học về sự sống mở ra cho chúng ta những kỳ quan từ các thể sống, các tiến trình sinh học và mối quan hệ qua lại giữa muôn loài. Ta có thể dự đoán rằng phần lớn các bài diễn thuyết được theo dõi nhiều nhất trên TED thuộc nhóm các nhà khoa học về sự sống thường tập trung giúp mọi người thấu hiểu bộ não của họ, giúp họ sống khỏe mạnh và thọ hơn. Có vẻ như bản năng sinh tồn trong tâm lý giúp các nhà phát minh được mến mộ cũng thể hiện ở đây. Ba bài diễn thuyết xuất chúng trong nhóm này gồm có Stroke of Insight (tạm dịch: Cơn đột quỵ khai sáng) của Jill Bolte Taylor, Stats That Reshape Your Worldview (tạm dịch: Những con số định hình lại thế giới quan của bạn) của Hans Rosling, và A Roadmap to End Aging (tạm dịch: Hành trình chấm dứt lão hóa) của Aubrey de Grey.
Nhà khoa học tự nhiên: Nhờ các nhà khoa học tự nhiên mà công chúng có thể hiểu được những quy luật trong giới tự nhiên và thế giới vật chất – bao gồm thiên văn học, sinh học, hóa học và vật lý học. Thông qua ngôn từ và hình ảnh của các diễn giả này, bạn có thể du hành từ hạt hạ nguyên tử (Brian Greene) sang những điều kinh ngạc dưới mặt nước (David Gallo) cho đến vũ trụ bao la rộng lớn (Stephen Hawking).
Nhà khoa học xã hội: Các nhà khoa học xã hội mang đến những kiến giải sâu sắc về trải nghiệm của con người dưới góc độ cá nhân cũng như tập thể. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy hai trong số những bài diễn thuyết được xem nhiều nhất trên TED, đó là Do school Kill Creativity? (tạm dịch: Trường học có giết chết sự sáng tạo?) của Ngài Ken Robinson và The Power of Vulnerability (tạm dịch: Sức mạnh của sự tổn thương) của Brené Brown. Phần lớn các bài diễn thuyết thuộc nhóm này giúp chúng ta hiểu được những xúc cảm như tình yêu, sự cảm thông và nỗi hổ thẹn. Những diễn giả xuất sắc nhất như Tiến sĩ Brown sẽ biến những điều mà chúng ta thường nghĩ là tiêu cực trở nên tích cực. Các nhà khoa học xã hội cũng khởi xướng những nghiên cứu thường được một vai trò khác mà bạn sẽ tìm hiểu ngay sau đây – tức “quân sư về con người” – dẫn làm bằng chứng.
Nhóm 2: Các nghệ sĩ giải trí
Hãy tạm gác qua các nhà giáo dục, chúng ta sẽ chuyển sự chú ý sang nhóm tiếp theo – các nghệ sĩ giải trí. Dù phong thái chủ yếu của họ rõ ràng là tạo sự vui vẻ, nhưng các diễn giả thành công nhất ở nhóm này vẫn dạy cho chúng ta điều gì đó khi chia sẻ những bí quyết làm nên kỹ xảo của họ.
Diễn viên hài: Mặc dù một trong những cam kết ban đầu của tổ chức là giải trí, song lại có khá ít bài diễn thuyết trên TED do các diễn viên hài thực hiện. Những danh hài như Jerry Seinfeld và Chris Rock hiếm khi tỏa sáng trên sân khấu TED. Sarah Silverman, một diễn viên hài ăn khách nhưng cũng gây không ít tranh cãi, đã có một bài diễn thuyết khá thẳng thắn trên TED vào năm 2010, nhưng nó lại không được đưa lên YouTube hoặc TED.com. Cô Silverman chia sẻ lý do: “Nó không bao giờ được phát chính thức vì Chris Anderson [người phụ trách của tổ chức TED] cho rằng nó ‘vô cùng khủng khiếp’.” Tại sao lại có quá ít diễn viên hài [trên TED] như vậy? Một màn hài kịch xuất sắc nhất là một màn giải trí thuần túy. Một diễn viên hài chuyên nghiệp phải khơi được từ bốn đến sáu tràng cười bất ngờ trong một phút. Để tạo được sự ngạc nhiên cứ 10 giây một như thế, họ cần phải liên tục chuyển hướng và khiến cho việc xây dựng một ý tưởng đáng lan tỏa trở thành nhiệm vụ gần như bất khả thi. Tuy nhiên, có một số ít nghệ sĩ với kỹ thuật điêu luyện vẫn tạo dựng thành công thông điệp từ sự hỗn loạn, có thể kể đến như Charlie Todd, Ze Frank, Reggie Watts và Maz Jobrani.
Ảo thuật gia: Khán giả của TED thích xem các nghệ sĩ tự mổ xẻ kỹ xảo của họ. Đối với diễn viên hài, việc mổ xẻ kỹ xảo sẽ giết chết sự hài hước. Nhưng đối với các ảo thuật gia, việc mổ xẻ này lại là một hành động vi phạm Lời thề Ảo thuật gia, vốn cấm tiệt họ tiết lộ bí mật đằng sau những màn đánh lừa người thường. Dù lời thề này tùy thuộc ở mỗi người, nhưng nó lại là nền tảng trong nguyên tắc nghề nghiệp của hầu hết các hội ảo thuật chuyên nghiệp. Chính do hạn chế này cùng với yêu cầu lan tỏa ý tưởng, ta sẽ được chứng kiến những ảo thuật gia phi truyền thống hơn trên sân khấu TED – điển hình như Arthur Benjamin (Mathemagic – tạm dịch: Toán ảo thuật), Keith Barry (Brain Magic – tạm dịch: Sự kì diệu của não bộ), và Marco Tempest (Reality Augmented, Techno-Magic – tạm dịch: Siêu thực, phép nhiệm màu từ công nghệ). Dù bản thân không phải là ảo thuật gia, nhưng tôi cho rằng những người chuyên lật tẩy các trò bịp – như James Randi – cũng thuộc nhóm này.
Tác giả: Vai trò tác giả bao gồm những nhà sáng tác thơ ca và tác phẩm hư cấu. Trong nhóm này, bạn sẽ tìm thấy Elizabeth Gilbert, Chimamanda Adichie và Isabel Allende, họ không chỉ chia sẻ về kỹ thuật sáng tác mà cả về hành trình sáng tác của mỗi người. Diễn giả tôi thích nhất trong nhóm này là Karen Walker Thompson, người đã thêu dệt nên một câu chuyện lịch sử với thông điệp khác thường về những điều chúng ta học được từ nỗi sợ hãi.
Nghệ sĩ trình diễn: Nhóm này bao gồm các vũ công, nhạc sĩ, ca sĩ cũng như các diễn viên và đạo diễn sân khấu–điện ảnh. Mặc dù nhiều buổi diễn truyền thống chỉ đơn thuần mang tính giải trí, song các bài diễn thuyết xuất sắc nhất của nhóm nghệ sĩ này là sự kết hợp giữa trình diễn với kiến giải sâu sắc. Chẳng hạn, nhạc trưởng Benjamin Zander đã cho thấy “nốt Đô làm nên nốt Si trầm buồn” như thế nào trong bản Prelude in E Minor (tạm dịch: Khúc dạo đầu cung Mi thứ) của Chopin. Tuy bạn chẳng cần biết vì sao âm nhạc lại khiến bạn xúc động đến vậy, nhưng việc khám phá ra ít nhất một lý do cũng có ý nghĩa khai sáng nào đó.
Nghệ sĩ tạo hình: Các nghệ sĩ tạo hình luôn sử dụng hầu như bất kỳ phương thức đại diện nào trong các bài diễn thuyết được yêu thích trên TED. Candy Chang thổi luồng sinh khí mới vào các không gian và kiến trúc công cộng bị bỏ hoang. Erik Johansson chia sẻ tài nhiếp ảnh siêu phàm. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận thấy sự giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật trong rất nhiều bài diễn thuyết, bao gồm cả ảo ảnh quang học của Beau Lotto.
Nhóm 3: Tác nhân thay đổi
Sau khi lướt qua mảng công nghệ và giải trí, hẳn bạn sẽ mong đợi nhóm vai trò tiếp theo của TED rơi vào mảng thiết kế. Tuy nhiên, thiết kế lại giống như một triết lý được các diễn giả ở tất cả các thể loại sử dụng và vượt ra khỏi cách phân loại cứng nhắc. Nếu các nhà công nghệ truyền thụ kiến thức còn các nghệ sĩ giải trí giúp mọi người tiêu khiển, thì chúng ta sẽ cần đến một nhóm thứ ba nắm giữ các vai trò có nhiệm vụ chính là truyền cảm hứng. Tôi gọi nhóm lớn nhất này trong ba nhóm là “các tác nhân thay đổi”. Nếu bạn không tìm thấy mình trong hai nhóm trên, thì bạn nên tiếp nhận một trong các vai trò sau đây để chia sẻ ý tưởng đáng lan tỏa của mình:
Nhà hoạt động xã hội: Hầu như mọi diễn giả của TED đều là nhà hoạt động xã hội theo cách nào đó. Vì vậy, hãy nghĩ về vai trò này như một người vận động mạnh mẽ cho sự thay đổi trong xã hội, chính trị hoặc môi trường, và thường bằng cách hướng sự chú ý đến một điều bất công trước mắt. Ba diễn giả xuất sắc trong vai trò này là Bunker Roy, Jamie Oliver và Temple Grandin.
Người có uy tín: Người có uy tín là vai trò phổ biến nhất. Đây là nhóm diễn giả chuyên chia sẻ những khoảnh khắc giác ngộ mà họ nghiệm ra trong những công việc lý thú – thậm chí đáng ghen tỵ – hàng ngày. Các bài diễn thuyết nổi tiếng nhất thuộc nhóm này bao gồm Life Lesson from an Ad Man (tạm dịch: Bài học cuộc sống của người làm quảng cáo) của Rory Sutherland, Looks Aren’t Everything. Believe Me, I’m a Model (tạm dịch: Ngoại hình không phải là tất cả. Tin tôi đi, tôi là người mẫu) của Cameron Russell và Why I Chose a Gun (tạm dịch: Tại sao tôi chọn cầm súng) của Peter van Uhm. Sutherland – giám đốc cấp cao của một công ty marketing – đã chia sẻ một ý tưởng khác thường về việc áp dụng các kỹ thuật quảng cáo bằng tâm lý nhằm phục vụ cho lợi ích của người tiêu dùng thay vì gây hại. Trong khi đó, Russell và van Uhm cũng áp dụng các phương pháp tương tự khi thách thức quan điểm thông thường về cuộc sống của một người mẫu thời trang và một sĩ quan chỉ huy trong quân đội.
Quân sư kinh doanh: Các quân sư kinh doanh là những tác giả hiện thực thành công, đồng thời cũng là những chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh. Họ tuyển lọc và phổ biến các kiến thức thâm thúy trong khối ngành khoa học xã hội để giúp người khác thành công hơn trong công việc. Tuy có những ngoại lệ như Sheryl Sandberg, nhưng đây là nhóm mà phái mạnh chiếm ưu thế vượt trội với những tên tuổi lớn như Simon Sinek, Dan Pink, và Seth Godin.
Nhà thám hiểm: Trong khi các chuyên gia uy tín tiết lộ những khoảnh khắc giác ngộ mà họ nghiệm ra trong công việc hàng ngày, thì các nhà thám hiểm lại chia sẻ những kiến giải từ kinh nghiệm cá nhân. Trong một số trường hợp, họ còn chia sẻ những câu chuyện về trải nghiệm cận kề cái chết như tai nạn máy bay (Ric Elias) hoặc bị cướp bóc tàn bạo (Ed Gavagan). Đây cũng là vai trò phù hợp cho việc mô tả một thói quen tích cực mà nhiều người mơ đến nhưng chưa thực hiện được; Try Something New for 30 Days (tạm dịch: Hãy thử thứ gì đó mới lạ trong 30 ngày) của Matt Cutts là ví dụ điển hình cho nhóm này. Một người đàn ông bình thường – Joe Smith – đã chứng minh rằng ngay cả một điều thường tình cũng có thể biến thành một ý tưởng đáng lan tỏa qua bài diễn thuyết How to Use a Paper Towel (tạm dịch: Sử dụng khăn giấy như thế nào).
Quân sư về con người: Nếu các quân sư kinh doanh thuộc về mảng sách động viên chuyên môn, thì các quân sư về con người lại thuộc mảng sách kỹ năng (tự giúp). Và trong mảng sách kỹ năng, bạn sẽ tìm thấy những mảng nhỏ hơn nói về tình yêu, tính dục, sự hạnh phúc và tôn giáo. Những mảng sách này quy tụ những siêu sao đã được kiểm chứng qua thời gian như Tony Robbins, Malcolm Gladwell và Mary Roach. Tuy nhiên, cũng có nhiều hiện tượng mới nổi như Susan Cain, thủ lĩnh của những người hướng nội và Ron Gutman, chuyên gia hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cá nhân. Cũng giống như các quân sư kinh doanh, hầu hết các quân sư về con người cũng là các tác giả.
Doanh chủ xã hội: Có một ranh giới mỏng manh phân biệt giữa doanh chủ xã hội và nhà hoạt động xã hội, mặc dù trên thực tế có nhiều diễn giả tham gia cả hai nhóm. Điểm khác biệt chủ yếu chính là các doanh chủ xã hội chuyên áp dụng nguyên lý quản trị kinh doanh cho công cuộc thay đổi xã hội. Nhóm này bao gồm Salman Khan, người ủng hộ hệ thống giáo dục trực tuyến miễn phí, Jane McGonigal, nhà thiết kế trò chơi điện tử và Michael Pritchard, nhà sáng chế nước sạch.
Trừ những bài diễn thuyết với mục tiêu duy nhất là giải trí, thì sứ mệnh chính của hầu hết các bài diễn thuyết trên TED là kêu gọi người nghe hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn. Trong số các bài diễn thuyết thành công nhất, có nhiều bài khuyên người nghe nên thực hiện những việc nhỏ bé nhưng có thể dẫn đến lợi ích lớn lao cho cá nhân và xã hội. Vì con người thường mắc kẹt trong lối sống cố hữu của mình, nên những việc làm nhỏ bé được cho là cần phải diễn ra nhanh chóng, ít tốn kém và dễ dàng. Một trong những hình mẫu yêu thích của tôi là Joe Smith. Tại chương trình TEDxConcordiaUPortland năm 2012, ông đã mở đầu bài phát biểu của mình như sau:
Nếu chúng ta [những người Mỹ] có thể hạn chế sử dụng khăn giấy – mỗi người một chiếc/ngày – chúng ta sẽ tiết kiệm được 260 triệu tấn giấy.
Mặc dù không có cách nào tối ưu nhất để diễn đạt ý tưởng đáng lan tỏa của bạn trong lúc diễn thuyết, nhưng từ giai đoạn lên kế hoạch, chúng ta đã có thể suy nghĩ về nó theo một phương pháp tuyệt vời. Để áp dụng đúng nguyên tắc, tôi xin đề xuất phương thức: “Hành động để đạt kết quả.” Hãy xem qua các câu hỏi gợi nên ý tưởng đáng lan tỏa và cách từng diễn giả trả lời chúng, bắt đầu từ các nhà công nghệ:
Nhà phát minh: Pranav Mistry, phù thủy công nghệ của Phòng Thí nghiệm Truyền thông, Viện Công nghệ MIT đã tự hỏi: “Làm thế nào tôi thúc đẩy được tiến trình phát triển và sử dụng công nghệ nhằm tiếp cận ranh giới kỹ thuật số và khôi phục mối liên kết giữa con người với thế giới thực?” Anh đã trả lời câu hỏi này bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy thúc đẩy sự phát triển của các tiện ích kỹ thuật số cho phép mọi người tương tác bằng cử động tự nhiên, để chúng ta không đến nỗi trở thành những cỗ máy ngồi trước các cỗ máy khác.”
Nhà khoa học về sự sống: Nhà thần kinh học Jill Bolte Taylor đã tự hỏi: “Tôi có thể kết hợp kinh nghiệm cá nhân và kiến thức khoa học như thế nào để tìm cách giúp mọi người đối xử thân ái với nhau hơn?” Chị đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy chọn sống theo ý thức tập thể của bán cầu não phải (thay vì lối sống vị kỷ của bán cầu não trái) vì một thế giới hòa bình hơn.”
Nhà khoa học tự nhiên: Nhà nghiên cứu nấm Paul Stamets tự hỏi: “Làm thế nào để tôi cảnh báo mọi người về mối đe dọa không nhìn thấy được nhưng ngày càng lớn và ảnh hưởng đến sự tồn vong của mọi loài sinh vật sống?” Ông đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy bảo tồn hệ sinh thái nấm trong các khu rừng già để ngăn chặn nguy cơ sự sống trên trái đất tuyệt chủng hàng loạt.”
Nhà khoa học xã hội: Ngài Ken Robinson đã đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể tạo nên thay đổi nhỏ nào để hệ thống giáo dục giải phóng được tiềm năng ẩn tàng trong sức sáng tạo tập thể nhưng đang bị đè nén?” Ông trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy giáo dục trẻ em một cách toàn diện, phát huy cả não phải lẫn não trái để các em có thể xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.”
Đến đây, chúng ta hãy chuyển sự chú ý sang các nghệ sĩ giải trí:
Diễn viên hài: Nhà sáng lập tổ chức Improv Everywhere, Charlie Todd, đã tự hỏi: “Làm sao mình có thể giúp những người trưởng thành tìm lại được niềm vui sướng vô tư, không cấm đoán như thời thơ ấu?” Anh đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy chấp nhận rằng cuộc chơi không có đúng và sai để chúng ta có thêm nhiều niềm vui hơn nữa.”
Nhà ảo thuật: “Toán ảo thuật gia” Arthur Benjamin tự hỏi: “Làm thế nào mình thuyết phục được mọi người rằng những bộ óc bình thường cũng có thể thực hiện những phép tính không tưởng?” Anh đã tự trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy sử dụng các phép tính nhẩm thông minh để biến các bài toán phức tạp thành dễ dàng.” Nếu nghe bài diễn thuyết của anh, có thể bạn sẽ khó nắm được điều này vì anh không bao giờ khẳng định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, anh đã minh họa điều đó khi hé lộ rằng mẹo để tính bình phương các số cực lớn là chia nhỏ chúng thành tổng của ba phép tính đơn giản hơn. Ví dụ, bình phương của 68 là bao nhiêu? Bạn có thể tính bằng cách nhân 68 với 68 – cách tính khiến đầu óc mọi người nổ tung. Hoặc bạn có thể tính tổng của [60 nhân 60] (3.600), cộng với [8 nhân 8] (64) rồi cộng với [60 nhân 8 nhân 2] (960). Dù bằng cách nào chăng nữa, câu trả lời vẫn là 4.624. Có thể phương pháp này không đơn giản lắm, nhưng ít nhất nó vẫn dễ hơn cách thứ nhất.
Tác giả: Nhà văn viễn tưởng Chimamanda Adichie tự hỏi: “Mình phải làm sao để ngăn người khác phạm những sai lầm mình từng mắc phải về thân phận của mình và cảm nhận của mình về thân phận của người khác?” Cô đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy từ bỏ các khuôn mẫu và xem chúng như những câu chuyện chưa hoàn chỉnh để chấp nhận sự đa dạng đích thực của cá nhân và cộng đồng.”
Nghệ sĩ trình diễn: Nhạc trưởng Benjamin Zander đã tự hỏi: “Làm sao để tôi khơi gợi được niềm đam mê của mọi người đối với một loại hình nghệ thuật không được xem trọng?” Ông đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy hòa mình vào nhạc cổ điển để trải nghiệm cảm xúc sâu lắng.”
Nghệ sĩ tạo hình: Nghệ sĩ thành thị Candy Chang tự hỏi: “Làm thế nào để tôi giúp mọi người thanh tẩy cảm xúc?” Cô đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy thay đổi mục đích sử dụng của các không gian công cộng bị bỏ hoang, biến chúng thành những tấm biển thông điệp khuyết danh để mọi người thể hiện ước mơ và bí mật sâu kín của họ.”
Cuối cùng, hãy xem xét các câu hỏi và câu trả lời của nhóm tác nhân thay đổi:
Nhà hoạt động xã hội: Nhà hoạt động xã hội người Ấn Độ Bunker Roy tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể động viên những người bị tước quyền công dân tự truyền lửa cho chính mình?” Ông đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy động viên những phụ nữ nông thôn bằng kiến thức để họ có thể cải thiện mức sống trong cộng đồng của mình.”
Người có uy tín: Chuyên viên quảng cáo Rory Sutherland tự hỏi: “Làm thế nào tôi thách thức được quan điểm thông thường về nghề nghiệp của mình?” Ông đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy khuyến khích mọi người theo đuổi các giá trị vô hình để tăng thêm sự giàu có chúng ta lĩnh hội được, cũng như bảo tồn các nguồn tài nguyên hữu hạn.”
Quân sư kinh doanh: Tác giả và nhà tư tưởng Simon Sinek tự hỏi: “Con đường nhanh nhất để nâng cao thành công của các cá nhân và doanh nghiệp là gì?” Anh đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy khuyến khích các nhà lãnh đạo bắt đầu đặt câu hỏi tại sao để họ truyền cảm hứng cho người khác.”
Nhà thám hiểm: Tuy là kỹ sư chuyên về thuật toán tìm kiếm của Google, nhưng vai trò Matt Cutts tiếp nhận để diễn thuyết trên TED lại không liên quan gì đến công việc thường ngày của anh. Anh chỉ xuất hiện như một người bình thường cố gắng cải thiện cuộc sống của mình. Anh tự hỏi: “Tôi có thể chia sẻ bí quyết nào từ hành trình cải thiện bản thân mình để truyền cảm hứng và hướng dẫn người khác cải thiện cuộc sống của chính họ?” Anh đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy tuân thủ nghiêm ngặt một thói quen mới (hoặc loại bỏ một thói quen xấu) trong 30 ngày để đạt được sự thay đổi tích cực lâu dài.”
Quân sư về con người: Tác giả sách kỹ năng Susan Cain tự hỏi: “Làm thế nào để tôi giúp mọi người chấp nhận con người thật của họ và của người khác?” Chị đã trả lời bằng một ý tưởng đáng lan tỏa: “Hãy để những người hướng nội thấy rằng họ cũng đóng góp cho thế giới này nhiều giá trị không kém những người hướng ngoại – dù luôn theo những cách khác hẳn – để người hướng nội không cảm thấy cần phải thay đổi nguồn năng lượng và sáng tạo của họ.”
Doanh chủ xã hội: Salman Khan, cựu chuyên gia phân tích quỹ đầu cơ và sau đó là nhà giáo dục trực tuyến, tự hỏi: “Làm thế nào tôi giúp được các anh em họ đang sống cách xa mình 1.500 dặm học hành tốt hơn?” Từ khởi đầu khiêm tốn đó, ông đã nảy ra một ý tưởng lớn lao đáng lan tỏa: “Hãy xây dựng một lớp học trực tuyến toàn cầu để tất cả mọi người có thể nâng cao năng lực toán học và khoa học.”
Để lựa chọn chủ đề, ta cần phải tự vấn lòng mình và bắt đầu với một cái đích cần đạt đến trong đầu. Rất có thể một trong những câu hỏi tôi vừa liệt kê phía trên sẽ gợi ra một đề tài tuyệt vời cho bài diễn thuyết của bạn. Nếu cách này không hiệu quả, bạn có thể khái quát hơn nữa bằng cách đặt ra những câu hỏi tự khám phá bản thân như sau: “Bài học lớn nhất mình từng học được là gì?”, “Đâu là niềm vui lớn nhất mình từng trải qua?”, “Còn nỗi đau lớn nhất thì sao?”, “Sứ mệnh của cuộc đời mình là gì, và mình sẽ thuyết phục người khác tham gia vào cuộc chinh phục của mình như thế nào?”
Nếu tất cả đều vô hiệu, bạn có thể tự hỏi: “Câu chuyện lôi cuốn nhất mình có thể kể là gì?” Mặc dù các câu chuyện là phần trọng tâm trong đa số các bài diễn thuyết trên TED, nhưng chúng cũng minh chứng cho quan điểm mà bạn muốn đưa ra. Vì vậy, nếu bắt đầu khám phá chủ đề bằng một câu chuyện, bạn cần tập trung đảm bảo luân lý rút ra từ đó phải rõ ràng.
Sau khi mỗi khán giả rời khán phòng hoặc lướt sang trang web tiếp theo, bạn cần phải gieo được một ý tưởng, thức tỉnh người đó về một lối tư duy mới hoặc thuyết phục được họ hành động. Điều này sẽ giúp bạn hoàn thành được mục tiêu “chỉ gieo một mầm cảm hứng duy nhất”.
Thông thường, cách tốt nhất để tiếp cận một loạt chủ đề là lựa chọn thông điệp nhất quán duy nhất mà bạn muốn truyền tải, rồi soát lại trong trí những trải nghiệm tuyệt vời giúp tăng thêm chiều sâu cảm xúc cho lập luận logic của thông điệp đó. Nếu bạn bế tắc, hãy chọn cách khác. Sẽ chẳng ai biết được. Bí quyết ở đây – và tôi không biết phải nhấn mạnh sao cho đủ – là bạn phải hiểu rõ ý tưởng trọng tâm của mình trước khi làm bất cứ điều gì khác. Một trong những sai lầm lớn nhất mà các diễn giả thường mắc phải là cố gắng gói ghém cả đời học hỏi vào một bài diễn thuyết duy nhất. Việc tập trung xuyên suốt vào một khái niệm duy nhất sẽ mang đến cho bạn cái nhìn rõ ràng để chỉnh sửa chất liệu nội dung. Nếu bạn có một khái niệm hoặc câu chuyện tuyệt vời nhưng lại không trực tiếp củng cố cho thông điệp, bạn phải lược bỏ nó dù muốn sử dụng đến nhường nào.
Có không ít trường hợp diễn giả truyền tải cực kỳ chú tâm vào kỹ xảo điêu luyện, cho đến khi họ bước vào phần kết luận. Do nghĩ rằng mình hành động vì sự thương cảm, họ thường lồng thêm một hoặc nhiều lời khuyên đáng lan tỏa. Phần kết này thường xuất hiện dưới hình thức một câu chuyện với luân lý khác hẳn ý nghĩa trọng tâm của bài diễn thuyết. Tiếc thay, sự trộn lẫn các ý tưởng như vậy chỉ làm hạn chế đáng kể toàn bộ sức ảnh hưởng của bài phát biểu.
Tất nhiên, cũng có nhiều bài diễn thuyết không bao giờ được đăng tải trên trang TED.com. Nguyên nhân thường do các diễn giả thiếu tập trung trong suốt quá trình phát biểu và không thể gieo đúng một mầm cảm hứng duy nhất.
Trong số mười bài diễn thuyết được xem nhiều nhất trên TED, có bảy bài phát biểu tập trung truyền cảm hứng để mọi người thay đổi bản thân. Những khái niệm mà họ trình bày không mới – “không có khái niệm nào mới dưới ánh mặt trời” (trích kinh Giảng Sư(7), quyển kinh 2.000 tuổi thuộc kinh Cựu Ước). Bảy bài diễn thuyết này tập trung vào các khái niệm bên trong tâm trí con người, bao gồm bệnh tâm thần, tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo, niềm hạnh phúc, động lực, thành công và sự tự tôn.
Ba bài diễn thuyết còn lại được xem nhiều nhất có phạm vi rộng hơn khi thúc đẩy sự thay đổi trong tương tác giữa các cá nhân với nhau và trong toàn xã hội. Chúng hoặc kêu gọi chúng ta hành động, hoặc thay đổi lập trường của chúng ta về các vấn đề y tế cộng đồng, giáo dục cộng đồng và tính đa dạng. Chủ nhân của những bài phát biểu này không phải những người đầu tiên khai thác các chủ đề đó, và họ cũng không phải những người cuối cùng. Họ lay động chúng ta bằng cách chia sẻ quan điểm của mình về lý do tại sao những ý tưởng này lại quan trọng đến thế, và làm thế nào ta có thể tạo nên sự khác biệt.
Khi bạn nghĩ đến việc xây dựng những kết nối cảm xúc giúp truyền cảm hứng đến khán giả, hãy nhớ rằng con người nói chung có bốn nhu cầu thiết yếu sẽ xuất hiện sau khi thỏa mãn xong những nhu cầu cơ bản về sức khỏe sinh lý và an toàn thể lý.
Đứng đầu trong bốn nhu cầu đó là cảm giác được yêu thương và thuộc về. Giữa năm 2011, Gerda Grimshaw đã nêu câu hỏi: “Điều gì khiến bạn hạnh phúc?” trong nhóm thảo luận của TED trên mạng xã hội LinkedIn. Gerda là người sáng lập nên Call Mom, một dịch vụ giới thiệu miễn phí giúp kết nối các bà mẹ đơn thân và con cái họ với những nguồn lực và hệ thống giáo dục giúp họ tự chu cấp và sống khấm khá hơn. Trong số hơn 100 phản hồi, có 92 câu trong đó người trả lời chân thành chia sẻ những nguồn lực mang lại cho họ niềm hạnh phúc. Dù phương pháp của tôi không hoàn toàn khoa học, nhưng tôi đã phân loại và chia nhóm các câu trả lời này để hiểu được bí mật đằng sau cảm giác mãn nguyện. Như bạn thấy dưới đây, tình yêu thương và cảm giác thuộc về – thể hiện qua tương tác xã hội – đã thống trị danh sách:
- Giao tiếp xã hội với gia đình, bạn bè (và cả thú cưng) (30,4%);
- Trải nghiệm thiên nhiên (12,0%);
- Làm từ thiện và tham gia hoạt động tình nguyện (10,9%);
- Hoàn thành nhiệm vụ (9,8%);
- Truyền cảm hứng cho người khác thông qua huấn luyện, giảng dạy hoặc sáng tác (7,6%);
- Tự xét mình và học hỏi (7,6%);
- Lĩnh ngộ sự “hiện hữu trong hiện tại” (6,5%);
- Có sức khỏe tốt – đặc biệt ở những người bệnh mãn tính hoặc mới mắc bệnh (5,4%);
- Khoái cảm xác thịt và luyện tập thể thao (5,4%);
- Thể hiện bản thân (2,2%);
- Tài chính ổn định (2,2%).
Nhu cầu thiết yếu cố hữu thứ hai là những mong muốn và khao khát làm lợi cho bản thân. Trong danh sách trên, khoái cảm xác thịt, tập luyện thể thao và tài chính ổn định đều thuộc nhóm này. Thật ra độ phổ biến của các mục này trong tổng dân số có thể cao hơn một chút; tuy nhiên, cộng đồng lại kỵ bình luận về những ham muốn này trên các nhóm thảo luận chính danh và hầu như “sạch bong” của LinkedIn. Tuy thế, nếu bạn nghĩ rằng các chủ đề này không xứng để diễn thuyết trên TED, thì hãy suy nghĩ lại. Mary Roach từng chia sẻ về 10 Things You Did Not Know About Orgasm (tạm dịch: 10 điều bạn chưa biết về sự cực khoái) trong bài nói chuyện của chị tại chương trình TED2009, còn Helen Fisher lại tiết lộ Why We Love + Cheat (tạm dịch: Tại sao chúng ta yêu nhưng vẫn lừa dối) trong phần trình bày của chị tại chương trình TED2006. Ngoài ra, còn vô số bài diễn thuyết về chủ đề tiền bạc, mặc dù chúng hơi thiên về truyền cảm hứng để con người vượt qua những rào cản và theo đuổi ước mơ khởi nghiệp của họ.
Thúc đẩy phát triển cá nhân là nhu cầu thiết yếu thứ ba mà bạn có thể dùng kết nối với khán giả. Ai trong chúng ta cũng muốn học hỏi và phát triển. Chúng ta hiếu kỳ về bản thân mình, nỗ lực thách thức và sau cùng vượt qua những giới hạn của mình. Chúng ta cũng hiếu kỳ không kém về thế giới xung quanh. Chẳng hạn, nếu bạn có một công thức giúp xác lập và thực hiện mục tiêu, thì bạn đã có nguyên liệu cần thiết để làm nên một bài diễn thuyết tuyệt vời trên TED. Cơ chế của kiểu chủ đề này rất thường được vận dụng; song, điều mới lạ ở đây chính là câu chuyện cho thấy bạn đã thất bại, học hỏi và vượt qua nghịch cảnh ra sao.
Không phải ngẫu nhiên mà “hy vọng và thay đổi” lại là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống giúp Barack Obama giành thắng lợi vào năm 2008. Đó là trọng tâm của mọi phong trào quần chúng, bất kể chúng thuộc lĩnh vực xã hội, chính trị hay tôn giáo. Và nó cũng là nhu cầu thiết yếu thứ tư của con người. Để thu hút người nghe, hãy giúp họ chống lại hiện trạng và thấy được triển vọng tích cực của tương lai – tuy đang ngoài tầm với, nhưng rất đáng để nỗ lực. Đến thời khắc nào đó trong đời, tất cả chúng ta đều sẽ thức tỉnh và thấy mình đứng trước vực thẳm không đáy của sự tồn tại vô nghĩa. Mọi người cần phải tạo nên sự khác biệt. Hãy trao cho họ phương tiện và ý chí để tạo tiếng vang trong vũ trụ này.
Từ quyển sách này, bạn sẽ được tiếp thu các kỹ xảo và thủ thuật sắc bén – như một lưỡi dao quân đội Thụy Sĩ – để truyền tải một bài phát biểu mạnh mẽ. Và như đối với bất kỳ công cụ sắc bén nào, xin hãy áp dụng chúng thật thận trọng. Mối nguy lớn nhất khi phát biểu trước công chúng chính là đánh mất sự chân thực do quá trau chuốt bài nói chuyện. Tuy nhiên, điều kỳ diệu sẽ xảy ra nếu bạn gói gọn phần phát biểu của mình vào chủ đề bạn say mê. Cảm giác căng thẳng sẽ lắng xuống. Bạn sẽ tự động xây dựng nên các lập luận thuyết phục. Những câu chuyện cũng dễ dàng tuôn ra. Và cách bạn truyền tải sẽ tự đến sau suy nghĩ. Simon Sinek, ngôi sao của TED, đã xác nhận điều này khi tôi hỏi anh cách truyền tải bài diễn thuyết tuyệt diệu của mình:
Khi mọi người hỏi tôi học cách diễn thuyết thế nào, tôi đã trả lời họ: “Nói thực, tôi đã gian lận đấy!” Tôi chỉ nói về những điều tôi quan tâm và hiểu rõ. Tôi không thể tạo ra niềm say mê. Các bậc phụ huynh có thể nói chuyện hàng giờ về con cái của mình. Họ kể hết chuyện này đến chuyện khác với sự hào hứng không ngớt. Tôi cũng thế. Những ý tưởng mà tôi chia sẻ cũng như con trẻ – tôi thực sự, thực sự quan tâm đến chúng và rất phấn khích khi kể về chúng cho bất cứ ai chịu lắng nghe.
Nhiều người viết và nói về diễn thuyết thường khuyên bạn rằng: hãy tìm ra điều khán giả muốn nghe rồi điều chỉnh thông điệp của bạn cho phù hợp với nhu cầu của họ. Lời khuyên thiện chí này có mặt trái. Mặc dù biến đổi nội dung theo nhu cầu của khán giả là việc quan trọng, nhưng các thay đổi của bạn chỉ nên giới hạn ở mặt hình thức.
Ví dụ, bạn có thể đổi đoạn mô tả này với đoạn khác để khán giả có thể liên hệ trực tiếp tới chính họ. Hoặc bạn có thể thay đổi lượng thông tin bối cảnh tùy thuộc những hiểu biết sẵn có của khán giả. Tôi tin rằng sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta tìm kiếm những khán giả muốn và cần ý tưởng của chúng ta, thay vì rạp mình theo gió. May mắn thay, khán giả của TED luôn háo hức trải nghiệm bất kỳ ý tưởng đáng lan tỏa nào có thể giáo dục, giải trí và truyền cảm hứng cho họ.
Do từng tổ chức một số sự kiện cho chương trình TEDx(8) và là cố vấn cho những người tổ chức các sự kiện khác, nên tôi thường xuyên được các diễn giả chuyên nghiệp tên tuổi lẫn triển vọng hỏi xin lời khuyên để được nhận diễn thuyết. Tôi ngờ rằng hầu hết các bạn đều quan tâm cải thiện khả năng phát biểu trước công chúng hơn là thực sự đứng trên sân khấu của TED, nên tôi sẽ để dành phần tổng quan chi tiết của chủ đề này cho Phần IV của cuốn sách. Song, tôi sẽ chia sẻ với các bạn điều quan trọng nhất trong những lời khuyên tôi đã gửi đến họ.
Tôi đáp lại thắc mắc trên của họ bằng một câu hỏi: “Tại sao bạn lại muốn phát biểu?” Câu trả lời hầu như luôn là: “Vì đây là cơ hội vàng để tôi xây dựng tên tuổi của mình” hoặc “Vì tôi đã mơ được diễn thuyết trên TED ngay từ lần đầu xem đoạn phim video của tổ chức này.” Ít nhất, ta phải khen ngợi sự trung thực của họ.
Vấn đề của những câu trả lời này là chúng chỉ xoay quanh diễn giả chứ không tập trung vào khán giả. Các nhà tổ chức của TED có thể ngửi thấy điều này từ xa cả dặm, và đó chính là thứ làm mọi người phát ngấy. Câu trả lời đúng phải là: “Vì tôi rất cần chia sẻ một ý tưởng đáng lan tỏa, ngay cả khi nó chỉ chạm đến tình cảm và suy nghĩ của một khán giả duy nhất trong hội trường.” Với câu trả lời này, bạn đã thành công, bất chấp video của bạn có vấn đề về chất lượng và không bao giờ được đưa lên mạng.
Tôi sẽ để bạn suy ngẫm thêm về lời khuyên Simon Sinek dành cho tôi:
Điều quan trọng nhất là tôi luôn xuất hiện trước khán giả để cho đi. Trước khi bước lên sân khấu, tôi luôn tự nhủ lòng: “Hôm nay, mình đến đây để chia sẻ ý tưởng của mình.” Mỗi khi phát biểu, tôi không tỏ ra mình muốn điều gì đó từ bất cứ ai – như thêm mối quan hệ làm ăn, được tán dương, bán thêm sách, có thêm người theo dõi trên Twitter hay thêm số lượt thích trên Facebook. Tôi luôn xuất hiện để chia sẻ những điều tôi biết. Nếu mọi người thích chúng, họ sẽ vỗ tay; đó là cách tốt nhất để tôi đánh giá được những gì tôi cho đi có quan trọng với họ hay không.
Khi đã xác định xong ý tưởng đáng lan tỏa, bạn cần hệ thống lại nó sao cho khán giả dễ tiếp nhận. Chương tiếp theo sẽ hướng dẫn bạn cách tổ chức một bài diễn thuyết chạm đến được tâm trí lẫn tình cảm của khán giả.