Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hùng Biện Kiểu Ted

Chương 3: Kể Câu Chuyện Của Bạn

Tác giả: Jeremey Donovan

BÍ QUYẾT 14: Rút ra những câu chuyện đáng kể lại từ kinh nghiệm cá nhân

Nếu bạn muốn làm mọi người chán ngán đến mức vò đầu bứt tai, thì cứ nhồi các sự kiện vào đầu họ suốt 18 phút diễn thuyết trên TED. Đương nhiên, các nhà tổ chức của TED sẽ chẳng bao giờ để bạn yên. Mỗi ý tưởng đáng lan tỏa đều phải được gói gọn trong một câu chuyện đáng kể lại. Mỗi phần trong bài phát biểu của bạn – mở bài, thân bài và kết bài – đều phải mang đến cơ hội kể câu chuyện đó. Bạn có thể chọn truyền đạt theo hướng kể chuyện bằng cách chia sẻ đúng một câu chuyện dài. Hoặc có thể bạn sẽ dẫn ra nhiều đoạn làm dẫn chứng cho bài nói theo hướng tiền đề.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là bạn nên kể câu chuyện gì? Câu trả lời đơn giản là những câu chuyện được rút ra từ kinh nghiệm hoặc quan sát của cá nhân bạn; chúng luôn là lựa chọn tốt nhất. Hãy hình dung bạn đang chọn chia sẻ bài học lớn nhất mình nghiệm ra được. Câu chuyện sẽ kể về việc bạn đã học được nó vào lúc nào và ra sao. Nếu đã sống đến tuổi trưởng thành, hẳn bạn đã góp nhặt được vô số câu chuyện về lòng kiên trì khi đối mặt với thất bại. Bạn đã yêu và đã mất mát. Bạn đã gây tổn thương và bị tổn thương. Những cuộc đời bình thường được chấm phá bằng các khoảnh khắc phi thường. Câu chuyện của bạn có thể truyền cảm hứng cho người khác; bạn chỉ cần học cách chia sẻ chúng với mãnh lực cảm xúc tràn đầy mà thôi.

Ở một thời điểm bất kỳ, mọi người hoặc sẽ “cạn vốn”, hoặc có quá nhiều chuyện để kể. Những người cạn vốn cảm thấy cuộc sống của họ quá đỗi bình thường và cho rằng bản thân không có những trải nghiệm sâu sắc. Nếu suy ngẫm thấu đáo hơn, bạn sẽ thấy điều này thật vô lý. Bạn, tôi và tất cả mọi người quanh chúng ta đều giác ngộ ít nhất một lần mỗi ngày trong cuộc đời tuyệt vời này. Khi dõi theo cảm xúc của bản thân trong từng khoảnh khắc, bạn sẽ nhận thấy hàng trăm câu chuyện đang nhảy múa quanh mình. Nhưng mặt khác, mức độ nhạy cảm đó lại dẫn đến tình trạng có quá nhiều chuyện để kể. Bạn sẽ biết mình lâm vào tình trạng đó khi cố gắng nhồi nhét những kiến giải cả đời vào một bài nói chuyện 18 phút trên TED. Thuốc tiên cho cả hai tình trạng trên là hãy tìm một câu chuyện có chủ đề chính mang đậm tính cá nhân. Sau đây là ba gợi ý kể chuyện có thể mang lại phương thuốc tức thì cho bạn.

Lời khuyên 1: Chỉ một bài học

Nếu bạn có thể quay ngược thời gian và tặng cho bản thân một bài học duy nhất, đó sẽ là gì? Một phương pháp an toàn nhưng có tác động mạnh mẽ chính là hãy tặng bài học này cho tính cách công việc của bạn. Có thể bạn có cả núi bài học để lựa chọn, nhưng chỉ cần chọn duy nhất một bài học mà thôi. Sau đây là một trong những bài học của tôi. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi tin rằng dấu hiệu của thành công đích thực là phải làm việc thật tốt sao cho sếp không đả động gì đến mình. Trong cả một thập kỷ, tôi đã sống trong sự ngờ nghệch như thế cho đến khi một vị quản lý tuyệt vời mở mắt cho tôi về sức mạnh của việc tìm kiếm và chấp nhận những ý kiến phản hồi liên tục. Kể từ đó, tôi ước chi có một cỗ máy thời gian để mình quay lại quá khứ và cho cái tôi non trẻ một cú đá vào mông ngay tức thì.

Một số người khi nghe tôi đề cập đến điều này cũng ao ước có được cỗ máy thời gian để gửi đến con người non trẻ của họ một lời cảnh báo mà hẳn sẽ ngăn chặn được một sự kiện thảm khốc. Vì một số lý do, tôi không khuyến khích kiểu bài học này. Mặc dù bạn có thể kết nối với khán giả bằng cách bộc lộ với họ điểm yếu của mình, nhưng bạn sẽ khiến họ lấy làm tiếc vì những gì xảy đến với bạn. Họ không thể giúp bạn, và họ cũng không thể liên hệ lời cảnh báo bạn đưa ra với cuộc sống của họ – điều vốn là mục tiêu của toàn bộ bài phát biểu này. Thế nên thay vào đó, hãy tập trung vào chân lý vĩnh cửu. Chân lý của tôi là “Hành trình chính là phần thưởng”. Mặc dù đây không phải khái niệm mới lạ gì, song phép màu sẽ đến từ hành động chia sẻ câu chuyện về điều tôi cảm nhận được khi chấp nhận chân lý, từ trải nghiệm diễn ra trong khoảnh khắc tôi nắm được ý nghĩa của chân lý đó và từ lời lý giải về cuộc sống của tôi kể từ sau sự kiện đó.

Lời khuyên 2: Khoảnh khắc quyết định

Đâu là khoảnh khắc quyết định đã thay đổi cuộc đời bạn mạnh mẽ nhất? Đó có thể là khoảnh khắc chiến thắng huy hoàng hoặc vui sướng hân hoan, song, chính nỗi mất mát, đau đớn, sợ hãi, hoặc thất bại mới đem lại những câu chuyện tác động mạnh mẽ nhất. Một lần nữa, bạn có thể chọn chiến thuật an toàn bằng những câu chuyện liên quan đến nghề nghiệp, hoặc có thể đi sâu với câu chuyện của riêng mình. Nếu bạn đang chuẩn bị một bài phát biểu hài hước, hãy chọn khoảnh khắc xấu hổ nhất làm thời khắc quyết định của mình.

Nếu bạn theo hướng u ám và nói về cá nhân, hãy nhớ rằng bạn cần mang đến sự nhẹ nhõm bằng cách trao lại cho khán giả ánh sáng và hy vọng. Trong bài nói chuyện của mình tại chương trình TEDxRainier, Leslie Morgan Steiner đã chia sẻ ý tưởng đáng lan tỏa về việc giúp đỡ những nạn nhân của nạn bạo hành gia đình thoát khỏi “những câu chuyện tình điên rồ” bằng lời kêu gọi khẩn khoản mọi người hãy lên tiếng về những dấu hiệu cảnh báo ngược đãi đầu tiên. Leslie cũng xen vào những đoạn miêu tả khủng khiếp về khoảng thời gian bị ngược đãi trong cuộc hôn nhân đầu tiên của chị – chẳng hạn như bị một khẩu súng nạp đạn chĩa vào đầu – bằng hình ảnh hạnh phúc trong cuộc sống cùng người chồng biết yêu thương ở cuộc hôn nhân thứ hai, trong đó không quên nhắc đến ba người con, một chú chó săn đen tuyền giống Labrador và chiếc xe tải nhỏ Odyssey của hãng Honda. Quan trọng hơn, chị đã kết thúc bài phát biểu bằng hình ảnh một thế giới không bạo hành gia đình, nơi mọi nhà được sống trong tổ ấm an lành và bình yên.

Để có được một câu chuyện hay, hãy đóng khung khoảnh khắc quyết định vào khoảnh khắc lựa chọn. Nhưng việc lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu luôn hiển nhiên và chẳng khó khăn gì. Nên đổi lại, hãy nói về những lựa chọn giữa hai cái tốt, thậm chí giữa hai cái xấu. Và để thêm phần hồi hộp, hãy chia sẻ bạn đã lờ đi lựa chọn đó như thế nào khi tình hình dần phức tạp hơn.

Lời khuyên 3: Khắc phục nhược điểm

Điểm yếu ban đầu nào đã dẫn lối cho bạn tìm thấy niềm đam mê của mình? Nhiều người chỉ phát huy tối đa sức mạnh bản thân khi phải lo lắng che giấu hoặc bù đắp cho một điểm yếu mà họ biết rõ từ trước. Hầu hết các diễn giả xuất chúng đều bắt đầu sự nghiệp từ nỗi sợ phát biểu trước công chúng. Không ít kẻ chinh phục vĩ đại chỉ xốc lại tinh thần sau khi nghe một nhân vật có tiếng nói chê bai rằng họ sẽ chẳng làm nên trò trống gì.

Mãi đến năm 15 tuổi, tôi mới đọc trọn cuốn sách đầu tiên khi người thầy dạy tiếng Anh nhân từ hồi lớp 10 của tôi, thầy James Coats, dẫn tôi bước vào con đường trở thành một con mọt sách và một cây bút đầy khao khát. (Nhân đây, xin gửi lời cảm ơn muộn màng tới Clifton Keith Hillegass, người sáng lập CliffsNotes, vì đã giúp tôi vượt qua những năm tháng ở trường trung học cơ sở).

Hãy vận dụng lời khuyên mà bạn đồng cảm sâu sắc nhất trong ba lời khuyên trên để tìm ra câu chuyện đáng lan tỏa của mình.

BÍ QUYẾT 15: Phát triển câu chuyện miêu tả hành trình của người hùng bằng cấu trúc ba hồi

Nếu TED xuất hiện từ thời nhà thần thoại học Joseph Campbell, chắc chắn ông sẽ là người truyền tải một trong những bài diễn thuyết đắt giá nhất mọi thời đại. Trong cuốn sách đột phá năm 1949 của mình, The Hero with a Thousand Faces (tạm dịch: Người hùng với nghìn bộ mặt), Campbell đã xây dựng ý tưởng đáng lan tỏa bằng cách kết hợp những câu chuyện thần thoại có ảnh hưởng lớn suốt hàng nghìn năm trên khắp thế giới với các nguyên lý tâm lý học hiện đại.

Ông đưa ra khái niệm “thần thoại độc nhất” (monomyth), hay phổ biến hơn với tên gọi “hành trình của người anh hùng”, một hướng kể chuyện cơ bản nhưng vượt qua giới hạn của thời gian, không gian và văn hóa.

Đáng tiếc là dù rất giá trị, nhưng cuốn sách của Campbell lại khó lĩnh hội. May mắn thay, một số chuyên gia viết kịch bản đã đưa ra những diễn giải riêng có ảnh hưởng lớn nhằm giúp độc giả bình thường tiếp cận được các khái niệm này. Những nhân vật đáng chú ý đứng trên vai người khổng lồ và sau đó hỗ trợ lẫn nhau gồm có Syd Field (Screenplay – tạm dịch: Kịch bản, 1979), Robert McKee (Story – tạm dịch: Câu chuyện, 1997), Blake Snyder (Save the Cat – tạm dịch: Giải cứu chú mèo, 2005), và Christopher Vogler (The Writer’s Journey – tạm dịch: Hành trình của người cầm bút, 2007). Trong số đó, hai tác phẩm sau cùng là hai cuốn sách dễ đọc nhất. Hãy đọc sách của Vogler trước để nắm được nền tảng, rồi đọc sang Snyder để hiểu các thủ thuật và kỹ năng tài tình giúp kết cấu phong phú thêm.

Các hướng đi của Vogler và Snyder được xây dựng nhằm tạo ra những bộ phim dài ít nhất từ 90 đến 120 phút. Nhưng một bài diễn thuyết 18 phút của TED đơn giản là không thể bao quát nhiều nội dung như vậy.

Tuy nhiên, câu chuyện nào cũng phải bao gồm một số thành tố tối thiểu. Phương pháp “kể chuyện kiểu Pixar” do Matthew Luhn, người đứng đầu bộ phận xây dựng chuyện của xưởng hoạt hình danh tiếng này, áp dụng là một khung sườn xuất sắc đảm bảo đủ số lượng thành tố tối thiểu cần thiết để xây dựng một câu chuyện hấp dẫn.

Trọng tâm của phương pháp kể chuyện kiểu Pixar là mỗi hồi trong ba hồi đều phải có khởi đầu và kết thúc rõ ràng. Hồi I thiết lập tình huống. Hồi II vượt qua khó khăn. Và Hồi III đề ra giải pháp. Bảng 3.1 sẽ so sánh các hướng kể chuyện của Vogler, Snyder và Pixar.

Bảng 3.1. Hướng kể chuyện của Christopher Vogler, Blake Snyder, và Pixar

Cách tốt nhất để hiểu được phương thức áp dụng các hướng kể chuyện trên là phân tích bài diễn thuyết từ một diễn giả TED thông thạo các phương pháp thêu dệt nên hành trình chinh phục đầy cảm hứng của một người hùng. Với sự cho phép hào phóng của Becky Blanton, chúng ta hãy cùng xem xét bài diễn thuyết của chị trong sự kiện TEDGlobal(10) 2009 mang tên The Year I Was Homeless (tạm dịch: Một năm trong cảnh không nhà) qua góc nhìn từ mô hình của Christopher Vogler. Vì Becky Blanton là một nhà báo kiêm tác giả, nên chúng ta cứ áp dụng đúng tác phẩm Hành trình của người cầm bút vào bước đường của nữ văn sĩ này! Nào, bắt đầu thôi!

BÍ QUYẾT 16: Sử dụng cụm từ “Cuộc sống bình thường” để giới thiệu nhân vật chính và thiết lập chủ đề của bạn

Cuộc sống bình thường

Tôi là một nhà văn, một nhà báo và cũng là người hiếu kỳ đến điên rồ, vì vậy trong 22 năm viết báo, tôi đã học được cách làm nhiều thứ mới mẻ.

Việc khán giả có thực sự thích người anh hùng của bạn hay không không quan trọng, quan trọng là họ phải có khả năng liên hệ tới người đó để kết nối và học hỏi từ câu chuyện. “Cuộc sống bình thường” mang đến cho người nghe cơ hội thấm nhuần những nội dung cơ bản về sở trường, cách suy nghĩ, khao khát, những mối quan hệ và thiếu sót của Becky.

Vì Becky chỉ có chưa đầy bảy phút để trình bày bài nói chuyện của mình, nên chị đã cô đọng Cuộc sống bình thường của mình trong một câu duy nhất. Mặc dù đã khẳng định rõ hai điểm mạnh trong tính cách là sự hiếu kỳ và khả năng học hỏi, nhưng chị cũng dùng thủ thuật gắn bản thân mình với nghề nghiệp để bỏ qua việc thêm thắt chi tiết. Hình mẫu một nhà báo hiện đại thường hiện lên như một người cứng cỏi và độc lập, nhưng lại sống một cuộc đời khiêm tốn, trung lưu. Blanton đã củng cố hình mẫu này với trang phục đơn giản gồm một chiếc sơ-mi xám với hàng khuy cài kín và tay áo xắn lên, một chiếc com-lê đen, quần tây và một đôi giày thoải mái.

Vậy đâu là sai lầm bi đát? Đối với phần lớn các nhân vật chính được khắc họa rõ nét, thì điểm mạnh chính yếu của họ cũng là điểm yếu tối quan trọng nhất. Như chúng ta sẽ thấy, sự hiếu kỳ đã dẫn Becky đi sâu vào tận cùng bóng tối. Bối cảnh này cũng báo hiệu một chủ đề cốt lõi xuyên suốt bài nói chuyện của chị – một câu hỏi kịch tính: “Không ngừng theo đuổi kiến thức và trải nghiệm mới có phải là ý kiến hay?”

BÍ QUYẾT 17: Sử dụng “Tiếng gọi phiêu lưu” để cắt ngang cuộc sống của người hùng và trao cho họ một mục tiêu

Tiếng gọi phiêu lưu

Cách đây ba năm, một trong những điều tôi học được là trở nên vô hình. Tôi trở thành một người làm việc không có nhà cửa. Tôi bỏ công việc biên tập báo sau khi cha tôi qua đời tháng Hai năm đó và quyết định đi du lịch. Cái chết của ông là một đòn giáng mạnh vào tôi. Khi quyết định làm thế, điều tôi muốn là cảm nhận và đối đầu với nhiều thứ.

Tiếng gọi phiêu lưu có thể là chất xúc tác từ bên trong hoặc bên ngoài làm lay chuyển thế giới của vị anh hùng. Ở góc độ thực tế, chất xúc tác đó nên là mối đe dọa trực tiếp đến một nhu cầu cơ bản của con người, và thường là mối đe dọa rõ ràng đến sự tồn tại. Đó là những tác nhân bên ngoài đe dọa đến các nhu cầu thuộc tầng dưới cùng trong tháp nhu cầu của Maslow, bao gồm nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn và nhu cầu về các mối quan hệ. Con người thường viện đến các biện pháp cực đoan nhất để sinh tồn và bảo vệ những người họ yêu thương. Những tác nhân quấy nhiễu từ bên trong vốn làm tổn thương lòng tự trọng hoặc ngăn cản quá trình tự khẳng định bản thân cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ không kém. Cả tiếng gọi bên trong lẫn bên ngoài đều làm nhấn mạnh một điểm rằng: một mặt nào đó, người anh hùng vẫn chưa hoàn thiện và có thể được thúc đẩy để hoàn thiện bằng cách vượt qua mất mát, ngăn chặn sự mất mát hoặc theo đuổi những ham muốn. Ví dụ, sự bất mãn sâu sắc đối với số phận của mình sẽ đưa đẩy nhiều người hùng đến những cuộc phiêu lưu tuyệt vời.

Trong khi chất xúc tác trong các câu chuyện bình thường chỉ hiệu quả ở một cấp độ, thì những câu chuyện tuyệt vời lại có Tiếng gọi phiêu lưu không chỉ mang đến cho người hùng một mục tiêu mạnh mẽ từ bên ngoài, mà cả một mục tiêu cháy bỏng hơn trong nội tâm. Một lần nữa, Blanton đã không làm chúng ta thất vọng. Việc mất đi một thành viên trong gia đình đã thúc đẩy chị tìm kiếm một mối quan hệ thay thế từ bên ngoài. Ngoài ra, từ câu “tôi muốn cảm nhận và đương đầu với những điều đó”, bạn có thể nhận thấy những nội lực mạnh mẽ đang tham gia ở đây và tác động đến lòng tự tôn. Tuy chị không tiết lộ trong bài nói chuyện của mình, nhưng cha của Becky là một kẻ nghiện rượu và ưa bạo hành. Chị đã cho phép tôi chia sẻ những điều sau đây để mang đến hy vọng cho các nạn nhân sống sót qua nạn bạo hành:

Ông thường đánh đập tôi vì bất cứ lý do gì, vì một lý do nào đó, hoặc chẳng có lý do nào cả. Hồi tôi 10 tuổi, ông bước vào với chiếc thắt lưng trên tay và tôi kháng cự rằng mình chẳng làm gì cả. Ông nói, “Hừm, mày có thể đã làm gì đó mà tao không bắt tận tay được, thế nên mày vẫn phải nhận cái thắt lưng này thôi.”

Tôi không biết tại sao mình dám nói thế, nhưng lúc ấy tôi đã đề nghị ông: “Sao cha không để cho con viết ra giấy lý do tại sao cha không nên đánh con.” Ngày tôi còn bé, cha tôi có nói rằng ông phải viết một bài luận; ông bắt đầu học đại học khi đã lớn tuổi. Chẳng hiểu sao một đứa trẻ 10 tuổi như tôi lại nghĩ, “Nếu mình viết một bài, có lẽ mình sẽ thoát được đòn roi.” Ông đã cân nhắc đề nghị đó và để tôi viết. Đó là lần cuối cùng cha đánh tôi. Tôi đã viết vì cuộc sống của mình. Mỗi lần ông say xỉn và rút thắt lưng ra, tôi lại nói, “Hãy để con viết ra lý do tại sao cha không nên làm thế.” Tôi đã học cách viết những bài luận thuyết phục từ khi còn bé. Rồi mọi chuyện cứ trôi qua như thế.

Những lựa chọn rủi ro thấp và đảm bảo kết quả luôn gây cảm giác nhàm chán. Tiếng gọi phiêu lưu không nên là một lựa chọn dễ dàng. Thay vào đó, hãy đặt ra cho người hùng của bạn một lựa chọn khó khăn giữa hai điều tốt ngang nhau, hay thậm chí giữa hai điều xấu ngang nhau. Hoặc nếu cuộc phiêu lưu hứa hẹn đem lại phần thưởng lớn, thì nó nên đi kèm với khả năng thành công thấp và cái giá cực đắt nếu thất bại. Trong trường hợp của Blanton, chị có thể phải ở nhà với cơn trầm cảm ngày càng lớn. Hoặc chị có thể cố gắng vượt qua nó bằng cách đổi lấy một cuộc sống trên bờ tuyệt vọng của xã hội.

Tiếng gọi phiêu lưu thường là cơ hội tốt nhất để giới thiệu nhân vật phản diện (hoặc tiết lộ rằng một nhân vật từ cuộc sống bình thường của người hùng thực chất là đối thủ của họ). Đối thủ không nhất thiết phải hoàn toàn xấu xa; xét cho cùng, họ cũng là người hùng trong câu chuyện của riêng mình. Nhân vật phản diện tạo ra xung đột vì họ tìm kiếm một mục tiêu bên ngoài tương tự như người hùng và họ tin rằng cái chết, sự diệt vong hay thất bại của người hùng là cách duy nhất để đạt được nó.

BÍ QUYẾT 18: Gia tăng sự căng thẳng với lời “Từ chối tiếng gọi”

Chúng ta sẽ quay lại với câu chuyện của Becky trong chốc lát, vì tôi cần hướng sự chú ý của bạn vào một vài nhân tố chuyện kể mà chị không có thời gian đề cập đến trong bài phát biểu ngắn của mình. Bí quyết này sẽ trình bày nhân tố đầu tiên – Từ chối tiếng gọi. Bí quyết tiếp theo sẽ trình bày nhân tố thứ hai – Cuộc hạnh ngộ với người dẫn lối. Các nhân tố này không nhất thiết phải tuân theo một trình tự chính xác, cũng không nhất thiết phải xuất hiện đầy đủ. Tuy nhiên, nếu sắp xếp lại hoặc loại trừ một số nhân tố, bạn nên ý thức rõ những hệ quả sau đó.

Để giúp câu chuyện đáng tin cậy hơn, các nhân vật của bạn phải luôn có hành động dè dặt tối thiểu. Tối thiểu không nhất thiết hoặc không phải lúc nào cũng có nghĩa là nhỏ bé; khi phải đương đầu với những tình huống không ngờ, các cá nhân sẽ lựa chọn biện pháp cực đoan nhất. Ví dụ, bạn sẽ nhảy tới trước một chiếc xe lửa đang lao tới để đẩy con mình ra khỏi nguy hiểm.

Trong tập đầu tiên của loạt phim tài liệu Joseph Campbell and the Power of Myth with Bill Moyers (tạm dịch: Joseph Campbell và sức mạnh của thần thoại với Bill Moyers) phát trên đài PBS năm 1988, Campbell đã chỉ ra ba kiểu người hùng mà bạn có thể xây dựng. Trong câu chuyện của mình, Blanton rơi vào nhóm đầu tiên – người hùng có chủ đích. Người này sẽ bắt đầu hành trình chinh phục một mục tiêu cụ thể. Trong quá trình đạt đến mục tiêu, người hùng thường phải trải qua biến đổi tâm lý hoặc tâm linh có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với trải nghiệm về mặt thể xác. Nhóm thứ hai của Campbell gồm những người hùng bất đắc dĩ buộc phải dấn thân vào hành trình ngoài ý muốn. Ví dụ Campbell đề cập đến là một người lính bị đẩy vào cuộc chiến. Một ví dụ nhẹ nhàng hơn xuất hiện lặp đi lặp lại trong điện ảnh hiện đại là một đứa trẻ bị buộc phải tham gia vào chuyến hành trình qua nhiều nước với cha mẹ. Nhóm thứ ba của ông, người hùng tình cờ, là nhóm nằm giữa người hùng có chủ đích với người hùng bất đắc dĩ. Nhờ ý chí tự do của chính mình, người hùng này tình cờ rơi vào một hành trình đầy bất ngờ. Trong những câu chuyện cổ, họ được thể hiện qua tình tiết một nhân vật theo chân một loài thú thần kỳ vào rừng. Bộ phim The Hangover (tạm dịch: Dân chơi) là một phiên bản hài hước và hiện đại hơn của nguyên mẫu này với các nhân vật ban đầu chỉ có ý định vui chơi, nhưng nhanh chóng nhận ra mình đang trong một cuộc phiêu lưu đầy kịch tính.

Cả ba kiểu người hùng, đặc biệt là những người hùng bất đắc dĩ, có thể từ chối Tiếng gọi phiêu lưu một lần hay thậm chí nhiều lần. Trên thực tế, việc Từ chối Tiếng gọi phiêu lưu là yếu tố tạo sức ép mạnh mẽ. Khán giả sẽ thích thú khi biết những gì các anh hùng phải làm trong một thời gian dài trước khi họ chấp nhận số phận. Hơn nữa, những lời từ chối liên tiếp sẽ khiến cho Cuộc sống bình thường của người hùng ngày càng trở thành nơi không thể nương náu.

Tiếng nói riêng của người anh hùng có thể không phải là trở ngại duy nhất đối với sự dấn thân. Trong nhiều câu chuyện, các anh hùng bị níu kéo về mặt thể xác hoặc tình cảm bởi một hoặc nhiều “vệ sĩ” đứng trước ngưỡng cửa. Những cản trở về thể xác có thể khá rõ ràng, nhưng các hạn chế từ cảm xúc bên ngoài có thể xuất hiện dưới nhiều phong vị khác nhau. Những trở ngại đáng kể nhất trong số đó là khi bạn bè, chứ không phải kẻ thù, nghi ngờ hoặc gây áp lực xã hội buộc người anh hùng phải duy trì nguyên trạng.

Trước khi dấn thân vào cuộc chinh phục của mình, ngay cả những người hùng có chủ đích như Becky vẫn có thể từ chối Tiếng gọi phiêu lưu. Tuy nhiên, Becky gặp hạn chế về thời gian và đã có đủ chất kịch tính trong câu chuyện nên chị không cần kèm thêm lời Từ chối tiếng gọi, dù rất có thể trong thực tế chị đã phải xây dựng quyết tâm.

BÍ QUYẾT 19: Sắp xếp một “Cuộc hạnh ngộ với người dẫn lối” để tránh cho người hùng được xem là đặc biệt

Một trong những sai lầm lớn nhất mà diễn giả có thể phạm phải chính là kể một câu chuyện cá nhân về thành công lớn lao của mình mà không thừa nhận họ được người khác giúp đỡ trên suốt hành trình. Bằng cách thể hiện bản thân như một người có tài năng thiên bẩm, họ đã tự đặt mình lên chiếc bục cao hơn khán giả. Tuy nhiên, để mọi người có thể kết nối và có đủ cảm hứng áp dụng sự sáng suốt đó vào cuộc sống, thì diễn giả phải khiến cho khán giả cảm thấy rằng điều đặc biệt ở đây chính là tiến trình, chứ không phải bản thân diễn giả.

Một diễn giả trên TED, một nhà văn với tác phẩm ăn khách khắp thế giới đã vô tình vi phạm quy tắc này khi nhắc đến thành công bất ngờ của mình. Tuy chị chỉ ngây thơ sử dụng thành tựu này như một bối cảnh cho câu chuyện tự trào về việc đáng ra chị không bao giờ lập được kỳ công ấy, nhưng lại gây tổn hại nặng nề. Tác giả quả thực có thiện ý; chị đã thực sự ngạc nhiên với thành công của mình, và có lẽ là người ngạc nhiên nhất trên thế gian này. Nhưng vấn đề là khi chia sẻ sự sửng sốt trước thành công của chính mình, chị đã tự đặt mình lên bục cao. Sự vi phạm này rõ ràng không phải là không thể cứu vãn, vì bài diễn thuyết của chị là một trong những bài diễn thuyết được yêu thích nhất trên TED; nó đã ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người, bao gồm cả tôi. Tuy nhiên, hãy tránh tự đề cao chính mình, dù bạn chỉ mới thoáng nghĩ đến điều đó.

Phương thuốc cho vấn đề này là giới thiệu một hoặc nhiều người dẫn lối đã cung cấp nguồn lực, sự bảo trợ và kiến thức cần thiết cho người hùng. Mỗi món quà lại nâng cao thêm khả năng của người hùng để anh ta tiếp tục hành trình tìm kiếm điều chưa biết. Xin lưu ý rằng người dẫn lối không nhất thiết phải là một nhân vật duy nhất. Đó có thể là vai trò tạm thời do nhiều nhân vật đảm đương. Thậm chí, người dẫn lối có thể không phải là con người. Các vật thể sống, vật vô tri vô giác hay thậm chí vô hình cũng có thể đóng vai trò như người dẫn lối, chẳng hạn như các loài động vật, sách vở hay các bài hát.

Như bạn sẽ khám phá trong câu chuyện của Becky Blanton, không có phần thưởng đáng ghen tỵ nào ở cuối cầu vồng. Chị tự đặt mình là người ngang hàng, hoặc có thể là người chỉ dẫn, chứ không phải ai đó nổi trội hơn người nghe. Becky đã chia sẻ những thiếu sót, thất bại và cả sự tổn thương làm nên con người bình thường nơi chị. Do đó, câu chuyện của Becky không có người thầy nào dẫn dắt chị. Ngay cả nếu người dẫn lối đó có tồn tại chăng nữa, thì rốt cuộc mỗi người hùng đều phải đơn độc đối mặt với ẩn số.

BÍ QUYẾT 20: Để người hùng dấn thân vào hành trình bằng cách “bước qua ngưỡng cửa đầu tiên”

Bước qua ngưỡng cửa đầu tiên

Cả đời tôi là những chuyến cắm trại. Và tôi kết luận rằng sống trong xe tải nhỏ suốt một năm cũng chẳng khác gì cắm trại dài ngày. Thế nên, tôi gói ghém đồ đạc, lùa chú mèo cưng, chú chó săn giống Rottweiler và dụng cụ cắm trại vào chiếc xe tải Chevy đời 1975, rồi lái xe đi khi hoàng hôn buông xuống mà không nhận ra ba điều quan trọng. Thứ nhất là xã hội này luôn đánh đồng chuyện sinh sống ở một nơi chốn lâu dài, dù đó chỉ là một căn lều, như một yếu tố khẳng định giá trị của con người. Hai là tôi đã không nhận ra rằng nếu cứ để mặc, thì cảm nhận tiêu cực của người khác sẽ nhanh chóng tác động đến thực tại của ta. Ba là tôi cũng không ý thức được “không chốn dung thân” là một thái độ sống, chứ không phải lối sống.

Mặc dù hành trình của người hùng có thể mang tính tâm lý thuần túy, nhưng hầu hết chúng đều đòi hỏi sự chuyển dịch thật sự để nhân vật chính “bước qua ngưỡng cửa đầu tiên” vào một thế giới xa lạ. Trong cả hai trường hợp, người hùng đều phải hành động quyết đoán dù có làm gia tăng rủi ro, đòi hỏi sự hy sinh và khiến người hùng phải dấn thân vào cuộc phiêu lưu theo cách khiến sự kịch tính trong câu chuyện tăng lên đáng kể.

Becky ngây thơ bước vào thế giới đặc biệt trong câu chuyện của chị, nhưng không có nghĩa rằng chị hoàn toàn không chuẩn bị gì. Bằng cách chia sẻ mình là dân cắm trại lão luyện, chị đã trao cho thính giả niềm hy vọng rằng chị có thể sống sót qua cơn giông tố sắp tới.

BÍ QUYẾT 21: Trang bị cho người hùng kiến thức thu được từ “Thử thách, đồng minh và kẻ thù”

Thử thách, đồng minh và kẻ thù

Ban đầu, cuộc sống trên xe tải rất tuyệt. Tôi tắm giặt ngay tại nơi cắm trại. Tôi thường xuyên ăn tiệm, có thời gian để nghỉ ngơi và đau buồn. Nhưng sau đó cơn giận dữ và nỗi muộn phiền về cái chết của cha lại choán lấy tôi. Công việc tự do của tôi kết thúc, và tôi phải nhận một công việc toàn thời gian để trả hóa đơn. Mùa xuân êm dịu đã thực sự hóa thành mùa hè oi bức khủng khiếp. Và tôi không thể đỗ lại bất cứ nơi nào mà không khiến mọi người nhận ra tôi có một chú mèo và một chú chó. Trời thực sự rất nóng. Chú mèo trèo tới trèo lui qua cánh cửa sổ mở trên xe còn chú chó thì được tôi gửi đến dịch vụ chăm sóc ban ngày. Mọi thứ khiến tôi vã mồ hôi. Mỗi khi có thể, tôi sẽ lao vào phòng tắm cho nhân viên trong các tòa nhà và bến đỗ xe tải, hoặc tắm rửa trong nhà vệ sinh công cộng.

Nhiệt độ ban đêm trong xe hiếm khi xuống dưới 27 độ C, khiến tôi rất khó ngủ hoặc hoàn toàn không ngủ nổi. Thức ăn thì ôi thiu vì nắng nóng. Nước đá trong thùng tan chảy chỉ sau vài giờ, và tình trạng của tôi thật khổ sở. Tôi không đủ khả năng mua một căn hộ, hoặc không đủ khả năng tìm một căn hộ cho phép tôi mang theo thú cưng của mình. Và do từ chối bỏ lại chúng, nên tôi phải ở luôn trong xe. Và khi sức nóng khiến tôi kiệt quệ đến mức không lết nổi 15 mét ra nhà vệ sinh công cộng bên ngoài vào ban đêm, thì tôi đành phải dùng đến một cái xô và túi đựng rác.

Một khi người hùng quyết dấn thân vào hành trình và không quay đầu lại, người ấy sẽ học được các quy luật của thế giới đặc biệt thông qua một loạt thử thách khó khăn nhưng không đe dọa đến tính mạng. Kiến thức và sức mạnh mà người hùng tích lũy được sẽ là điều kiện cần, nhưng không đủ giúp họ sống sót qua thử thách phía trước.

Khi Becky làm bật lên câu chuyện của chị, những thử thách này đã tạo ra cường độ cảm xúc ngày càng tăng đan xen giữa tích cực và tiêu cực. Chị bắt đầu bằng dấu hiệu tích cực của một chuyến cắm trại thoải mái để có thời gian chữa lành vết thương lòng. Sau đó, câu chuyện thay đổi theo hướng tiêu cực khi chị phải đối mặt với những thách thức về tình cảm, tài chính và thể chất. Có một lần chị trút bỏ được áp lực khi tìm thấy chỗ trông chó và khám phá ra một cách, dù tuyệt vọng, để giữ mình sạch sẽ. Trên lộ trình cuối cùng của mình, chị lại chịu thêm sức ép tiêu cực một lần nữa với nỗi tuyệt vọng ngày càng tăng cao.

Giai đoạn này trong hầu hết các câu chuyện là thời điểm người hùng tìm thấy bạn bè và chạm trán một loạt những kẻ thù nhỏ như tay sai của nhân vật phản diện. Trong trường hợp của Becky, mặc dù không có thời gian nêu chi tiết, nhưng bạn bè của chị chính là hai chú thú cưng. Nhân vật phản diện đối với Becky là tình trạng không nhà cửa và nỗi tuyệt vọng. Những cơn trầm cảm của chị ngày một trầm trọng, nhưng chị vẫn chưa đến mức hoàn toàn hóa điên.

BÍ QUYẾT 22: Tước bỏ các lựa chọn của người hùng khi “tiến vào hang động thăm thẳm”

Tiến vào hang động thăm thẳm

Mùa đông đến, nhiệt độ giảm xuống dưới mức đóng băng và cứ giữ nguyên như thế. Tôi phải đối mặt với một loạt thử thách mới. Mỗi đêm tôi lại đỗ xe ở một nơi khác để không bị cảnh sát chú ý và hỏi tới. Và không phải lúc nào tôi cũng thành công.

Nhưng tôi cảm thấy mình không kiểm soát nổi cuộc sống này. Tôi không biết mọi chuyện bắt đầu từ khi nào và ra sao, nhưng quãng thời gian chóng vánh mà tôi, một nhà văn và nhà báo tài năng, biến thành một phụ nữ không nhà cửa, phải sống trong một chiếc xe tải đã khiến chính tôi ngộp thở. Tôi không hề thay đổi. Chỉ số IQ của tôi không giảm. Tài năng của tôi, sự cương trực của tôi, giá trị của tôi, tất cả mọi thứ về tôi vẫn giữ nguyên. Nhưng tôi đã thay đổi theo cách nào đó. Tôi ngày càng cuốn sâu hơn vào nỗi muộn phiền.

Ở đoạn trước câu chuyện của mình, Blanton đã tiếp thu những kỹ năng sống mà người cắm trại bình thường chẳng bao giờ phải học. Nhưng trong quá trình “tiến vào hang động thăm thẳm”, lựa chọn của chị đã trở nên hạn chế hơn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Bạn có thể sống khổ sở trong xe tải vào mùa hè. Song, cái giá bỏ ra sẽ cao hơn nhiều trong tiết trời giá lạnh của mùa đông. Với một địch thủ mới xuất hiện là lực lượng cảnh sát, Blanton ngày càng chìm sâu vào nỗi tuyệt vọng. Chị như bị mắc bẫy và phải đối mặt với lối thoát khả thi duy nhất: cánh cửa dẫn vào hang động – một ẩn số lớn.

BÍ QUYẾT 23: Để người hùng trải qua một “Thử thách” sống còn

Thử thách

Cuối cùng có người đã chỉ tôi đến một phòng khám dành cho người vô gia cư. Và tôi đã đến đó. Tôi đã không tắm suốt ba ngày. Tôi bốc mùi và chán nản như bất kỳ ai đang xếp hàng chờ đợi. Tôi chỉ không say rượu hay lên cơn. Và khi những người đàn ông vô gia cư, bao gồm cả một người từng là giáo sư đại học nhận ra tôi, họ nói: “Cô không phải là người vô gia cư. Tại sao cô lại ở đây?” Những người vô gia cư khác không xem tôi giống như họ, nhưng tôi thì có. Sau đó, vị giáo sư lắng nghe câu chuyện của tôi và nói: “Cô có một công việc. Cô có hy vọng. Nhưng những kẻ vô gia cư thực sự chẳng có lấy chút hy vọng nào.” Do phản ứng lại với loại thuốc chống trầm cảm mà phòng khám kê cho, tôi bỗng cảm thấy muốn tự sát. Và tôi nhớ mình đã nghĩ: “Nếu mình tự sát, chắc cũng chẳng ai biết.”

Trong mẫu dàn ý “Hành trình của người cầm bút” của Christopher Vogler, người anh hùng phải có hai lần đối diện với nỗi sợ hãi lớn nhất trong đời. Thử thách chính là cuộc chạm trán đầu tiên, vốn được ông gọi là cuộc khủng hoảng, chứ chưa phải cao trào. Những cuộc khủng hoảng thông thường có thể là kinh nghiệm cận kề cái chết đối với người hùng, cái chết của người dẫn lối, kết thúc bi thảm của một mối quan hệ mang lại niềm vui sống hoặc lâm vào cảnh trắng tay. Tình thế của Becky, tức dự định tự sát, khớp với kiểu khủng hoảng đầu tiên và kịch tính nhất.

Những Thử thách về thể chất và tinh thần sẽ thách thức người hùng. Nơi Becky nghĩ là hy vọng lớn nhất – một phòng khám dành cho người vô gia cư – thực chất lại trở thành cơn ác mộng khủng khiếp nhất của chị. Những người chị cho là đồng minh của mình, tức nhân viên y tế và những người vô gia cư khác, đã không chấp nhận chị là một trong số họ. Bước ngoặt không ngờ này, hoặc sự đánh lạc hướng kỳ vọng của người nghe đã khiến cơn khủng hoảng thêm phần khốc liệt và thay đổi sâu hơn quan điểm của chị về tình trạng vô gia cư cũng như xã hội nói chung.

BÍ QUYẾT 24: Trao “Phần thưởng” cho người hùng vì đã sống sót qua cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên

Phần thưởng

Không lâu sau đó, một người bạn cho hay cô nghe nói rằng Tim Russert, một nhà báo nổi danh cả nước, đã nói về tôi trên kênh truyền hình quốc gia. Cuốn sách mới của Tim có một bài tiểu luận mà tôi viết về cha mình khoảng một năm trước khi ông qua đời. Ông đang thực hiện một chuỗi chương trình đối thoại, và ông đang nói về bài luận của tôi. Khi tôi nhận ra Tim Russert, cựu điều phối viên của chương trình Gặp gỡ báo chí(11), nói về bài viết của mình trong khi tôi đang sống trong một chiếc xe tải nhỏ giữa bãi đỗ xe của siêu thị Wal-Mart, tôi bắt đầu phá ra cười. Bạn cũng nên làm thế.

Tôi bắt đầu cười vì đã đến thời điểm tôi phải suy ngẫm, rằng tôi là một nhà văn, hay một phụ nữ vô gia cư? Vậy nên tôi tới hiệu sách, và tìm thấy cuốn sách của Tim. Tôi đã đứng đó, đọc lại bài viết của mình. Và tôi đã khóc. Bởi vì tôi là một nhà văn. Tôi là một nhà văn.

Kiệt sức sau Thử thách của mình, người anh hùng chí ít cũng tạm thời có được một trong những phần thưởng họ đang tìm kiếm, và đó thường là mục tiêu bên ngoài của họ. Điều này cho phép họ hồi phục và trải nghiệm cảm giác thanh tẩy hoặc giải tỏa cảm xúc, thường đi cùng với nước mắt hay tiếng cười. Becky đã trải nghiệm cảm giác thanh tẩy mạnh mẽ và trọn vẹn. Cuốn sách của Russert với bài luận của chị trong đó là một phần thưởng, nó làm chị bật cười rồi lại òa khóc.

BÍ QUYẾT 25: Bắt đầu đưa người hùng bước lên “Hành trình trở về” với cuộc sống bình thường.

Hành trình trở về

Không lâu sau đó, tôi quay về Tennessee. Có lúc tôi sống trong xe tải, có lúc lại ngủ nhờ chỗ bạn bè. Và tôi lại bắt đầu viết.

Với năng lượng được tái nạp, những người hùng chủ động lựa chọn thoát khỏi vực sâu của thế giới đặc biệt và tìm đường trở về mái nhà ban đầu của họ, hoặc đến với một ngôi nhà mới. Trong những câu chuyện dài hơn, đặc biệt khi người hùng có đối thủ là con người, hành trình trở về hoặc là rút khỏi hang ổ của kẻ địch, hoặc truy đuổi đối thủ vừa đào thoát. Vì con đường đó đầy rẫy nguy hiểm, nên nó sẽ dẫn đến một thảm họa đảo ngược vận may vừa chớm nở của người hùng. Becky đã bước trên một con đường theo đúng nghĩa đen – con đường dẫn chị trở về Tennessee. Và mặc dù không có chi tiết nào kịch tính, nhưng bạn vẫn cảm giác được rằng chị vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi hiểm nguy; về cơ bản, Becky vẫn là một người vô gia cư.

BÍ QUYẾT 26: Nối tiếp đoạn cao trào với sự “Tái sinh” của người hùng

Tái sinh

Mùa hè năm sau, tôi trở lại với công việc phóng viên. Tôi đã giành được nhiều giải thưởng. Tôi được sống trong một căn hộ riêng. Tôi không còn vô gia cư nữa, và cũng không còn vô hình nữa.

Tái sinh là cách gọi mà Vogler đặt cho cuộc chạm trán cuối cùng với cái chết và chiến thắng tức thì của người anh hùng. Nó là đỉnh điểm của câu chuyện. Blanton đã lựa chọn một “Cao trào tĩnh” (theo lời Vogler). Trên thực tế, nó yên ắng đến mức người nghe cần phải luận ra lộ trình hồi phục chậm chạp của Becky. Nếu có nhiều thời gian hơn, chị đã thêm vào nhiều chi tiết khác. Thay vào đó, chị đã sử dụng từ ngữ để mô tả kết quả về sau.

Một trong những nguyên tắc của Christopher Vogler là phần thưởng phải tương xứng với sự hy sinh. Becky đã kết thúc hành trình của mình bằng một cuộc sống bình thường, một công việc với sự công nhận xứng đáng và một nơi để sinh sống. Nếu chị trở thành triệu phú và đoạt giải Nobel Văn học, thì hẳn cao trào của chị phải sâu sắc và ấn tượng hơn thế nhiều.

BÍ QUYẾT 27: Lồng ý tưởng muốn lan tỏa vào hành trình “Quay về cùng thần dược”

Quay về cùng thần dược

Có hàng nghìn người làm việc toàn thời gian và bán thời gian nhưng vẫn sống trong những chiếc xe tải nhỏ. Nhưng xã hội cứ tiếp tục bêu xấu và hình sự hóa việc sống trong phương tiện giao thông hoặc trên đường phố. Bởi thế, người vô gia cư hay những người vô gia cư có việc làm chủ yếu vẫn trong trạng thái vô hình. Nhưng nếu như gặp một trong số họ, hãy đồng cảm với họ, khuyến khích họ và mang đến cho họ hy vọng. Tinh thần của con người có thể vượt qua bất cứ điều gì, chỉ cần ta có hy vọng.

Tôi không ở đây để lên tiếng thay cho người vô gia cư. Tôi không ở đây để khuyến khích bạn đưa tiền cho người hành khất tiếp theo bạn gặp mặt. Tôi ở đây để chia sẻ với bạn từ kinh nghiệm của bản thân rằng: ta không thể đánh giá con người dựa trên nơi sinh sống, chỗ ngủ hoặc tình trạng sống của họ tại bất cứ thời điểm nào.

Ba năm trước, tôi còn đang sống trong một chiếc xe tải nhỏ ở một bãi đỗ xe của siêu thị Wal-Mart, nhưng hôm nay tôi đang phát biểu trên TED. Và tôi hy vọng mình sẽ luôn và luôn tìm được con đường. Xin cảm ơn.

Trong giai đoạn cuối cùng, người hùng sẽ trở về với những báu vật như tình yêu, sự tự do, kiến thức hay sự thịnh vượng. Họ có thể chia sẻ những món quà này với người khác để cải thiện cuộc sống của mình. Trong một bài diễn thuyết trên TED, thứ thần dược tự nhiên chính là một ý tưởng đáng lan tỏa. Thông qua lắng nghe câu chuyện của Becky, khán giả đã được gặp gỡ một người vô gia cư – điều mà hầu hết những người được hưởng phước dù khiêm tốn nhất cũng không bao giờ làm. Trong quá trình đó, họ đã học được một điều, đó là “đừng trông mặt mà bắt hình dong”.

Mỗi câu chuyện đều phải có một kết thúc có hậu hoặc không có hậu. (Vâng, phương án thứ ba là một cuộc phiêu lưu kỳ thú khác, nhưng tốt nhất ta nên dành nó cho những bộ phim có các phần kế tiếp đã được lên kế hoạch). Những câu chuyện với kết thúc có hậu luôn truyền cảm hứng với hiệu quả cao. Chúng khiến mọi người tin rằng: “Tôi có thể làm được việc đó.” Ngược lại, những câu chuyện mang tính cảnh báo lại phù hợp hơn với mục đích giáo dục. Vì niềm vui là động lực lâu dài và mạnh mẽ hơn nỗi đau, nên theo tôi, bạn hãy dành phần lớn thời gian để kể những câu chuyện mang kết thúc có hậu. Phần kết cho câu chuyện của bạn là cơ hội để truyền đi sự hiểu biết. Câu chuyện của bạn sẽ sâu sắc hơn nếu kết thúc với cảm xúc riêng.

Thời điểm sử dụng một câu chuyện bi kịch là khi bạn đang cố gắng khắc sâu những đặc tính an toàn vào tâm trí của đối tượng người nghe làm việc trong các ngành nguy hiểm như xây dựng và thực thi pháp luật. Không có lời kêu gọi “Cẩn thận” nào hiệu nghiệm hơn câu: “Hãy nghe đây, nếu không anh có thể là người kế tiếp ra đi trong một tai nạn bất cẩn mà lẽ ra có thể ngăn được đấy.” Nếu quả thực bạn định kể một câu chuyện kết thúc bằng bi kịch, hãy dành thời gian trong phần cuối để tìm kiếm các phương cách mà nhân vật trong đó đáng ra đã có thể sử dụng để tránh được số phận của họ.

Trên hết, với những câu chuyện lạc quan, bạn sẽ thành công hơn nhiều so với những câu chuyện tiêu cực, thậm chí trong một môi trường vắng bóng phi ảo tưởng; nếu được, trước hết hãy thừa nhận những điều không đúng rồi hướng đến những kết quả tích cực. Phải, khán giả khao khát những diễn giả và các câu chuyện xác thực, nhưng họ cũng mong tìm thấy niềm vui và sự say mê trong chúng.

Dấu ấn của một câu chuyện tuyệt vời đó là nó cho phép người nghe khám phá từng lớp tri thức thông qua quá trình diễn giải. Sự tinh tế này nằm ở chỗ nó không quá tập trung vào kết quả. Để giúp người nghe bóc từng lớp vỏ của củ hành, bạn phải khiến câu chuyện của mình đầy ắp những yếu tố cá nhân và cảm xúc cùng các chi tiết sống động. Câu chuyện không cần phải khách quan hay cân đối. Thực ra, những câu chuyện hấp dẫn nhất luôn được kể lại từ một góc nhìn chủ quan. Bạn cần cảm xúc soi rọi con đường mình đi, và chỉ đạt được điều đó khi bạn bày tỏ những niềm tin mạnh mẽ nhất.

BÍ QUYẾT 28: Thổi sức sống vào các nhân vật trên sân khấu bằng vẻ bề ngoài và các đoạn đối thoại

Quy tắc vàng trong kể chuyện là “Đừng kể, hãy cho họ thấy.” Nói cách khác, bạn cần làm sống lại câu chuyện bằng cách tái hiện những trải nghiệm của mình trên sân khấu, chứ không phải đơn thuần thuật lại. Những hình ảnh truyền tải nên bao gồm các nhân vật có thực được lật mở thông qua đối thoại và vẻ bề ngoài.

Những nhân vật có thực, với toàn bộ sự xấu xí và độ phức tạp của họ, là cơ sở cho mọi câu chuyện mê hoặc lòng người. Bằng cách nhận biết những đặc điểm cụ thể của nhân vật, người nghe sẽ tự hình dung ra bản thân họ và những người họ quan tâm như các nhân vật chính. Hãy mời gọi khán giả bước vào câu chuyện của bạn, sống trong nó cùng bạn bằng cách thể hiện lại các nhân vật và phản ứng của họ. Chúng bao gồm những gì nhìn thấy được – tư thế và cử chỉ – những gì nghe thấy được – âm điệu của giọng nói – và những gì được ngụ ý – tức đặc điểm tính cách và khao khát của nhân vật.

Trừ khi bạn đã có kinh nghiệm trình diễn, nếu không, bạn sẽ thấy lạ lẫm và không thoải mái trong lần đầu thực hiện điều này trên sân khấu. Chìa khóa ở đây là đừng quá cả nghĩ, hãy chỉ xoáy vào cá tính riêng biệt của từng nhân vật như thể bạn đang hướng ánh đèn sân khấu vào họ. Bạn cũng có thể tự an ủi rằng trên thực tế không có màn trình diễn kịch tính nào là “hợp lý” hay “hoàn hảo”. Bằng việc xoay chuyển đến mức độ khiến bạn thấy thoải mái nhưng không quá đà, bạn sẽ giữ được tính xác thực.

Thay vì chỉ đơn thuần thuật lại hành động của các nhân vật, hãy cho khán giả nghe những cuộc đối thoại mang tính trao đổi, sinh động. Khi cuộc đối thoại kể chi li về những gì nhân vật suy nghĩ, hành động hay cảm nhận, nó sẽ mất đi tính thực tế. Hãy nhớ về cách mọi người trò chuyện. Những cuộc trò chuyện thực sự thường đi vào thẳng vấn đề. Nó có được tính chân thực nhờ các câu rút gọn, lấp lửng hay thậm chí những biểu lộ bất chợt như “ừm,” “kiểu như thế” hay “bạn biết đấy”. Đó là cách chuyển tải cảm xúc. Mặc dù hình thức đối thoại có thể được sử dụng (không thường xuyên) để chia sẻ thông tin, nhưng mục đích chính của nó là tiếp tục câu chuyện hoặc góp phần thể hiện những thế mạnh, thiếu sót và khao khát của nhân vật.

Cuộc đối thoại thực sự sẽ đạt hiệu quả mạnh mẽ hơn nếu nó truyền tải được những ẩn ý, tức ý nghĩa sâu sắc hơn về cảm xúc và mong muốn có thực của nhân vật. Trong nỗ lực bảo vệ cái tôi của mình khỏi sự bẽ bàng, các nhân vật thường khá mập mờ và có những phát biểu trái với điều họ thực sự mong muốn. Ngoài quanh co và dối gạt, một hình thức đối thoại đầy ẩn ý phổ biến khác là để các nhân vật thảo luận về một chủ đề đóng vai trò tượng trưng hay ẩn dụ cho một vấn đề mơ hồ không được nói ra.

Hợp lý nhất là mỗi nhân vật nên có một lối nói hay giọng điệu đặc trưng. Dựa trên các nguyên mẫu, mẫu nhân vật học vấn thấp sẽ nói chậm hơn và phát âm kém rõ ràng. Nếu diễn giả là nữ, cô ấy có thể dùng tông trầm thấp khi dẫn lời của nhân vật nam.

Nếu một nhân vật đã có tuổi, giọng nói có thể hơi cộc cằn. Giọng địa phương đôi khi cũng phù hợp. Như tôi đã cố ý mở đầu đoạn này bằng cụm từ hợp lý nhất là. Trong hầu hết các cuộc đối thoại, giọng điệu của từng nhân vật chỉ cần được điều chỉnh sao cho đủ thích ứng để khác biệt. Tất nhiên, trường hợp ngoại lệ sẽ dành cho những nhân vật được cường điệu quá mức nhằm mục đích mang lại tiếng cười khuây khỏa.

Các nhân vật của bạn cũng nên có vị trí cố định trên sân khấu. Khi bạn thể hiện một nhân vật cụ thể, hãy đứng vào vị trí được ấn định của nhân vật đó trên sân khấu. Khi bạn cần thuật lại câu chuyện, phương pháp hiệu quả sẽ là bước lên một bước về phía khán giả, rồi lùi lại một bước khi quay lại với nhân vật đó.

BÍ QUYẾT 29: Đưa khán giả vào bối cảnh câu chuyện

Có lẽ sai lầm lớn nhất mà các diễn giả thường mắc phải khi thuật lại các câu chuyện chính là tạo ra một bối cảnh quá mơ hồ. Để tạo tính thực tế và cho phép khán giả sống cùng câu chuyện, bối cảnh phải có thời gian, địa điểm và bầu không khí cụ thể.

Hoặc do lẽ tự nhiên, hoặc cũng có thể do hoàn cảnh lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích mở đầu bằng cụm từ “Ngày xửa ngày xưa…” mà người nghe phải đặt cho được câu chuyện của bạn vào một bối cảnh lịch sử. Điều này nên được thực hiện thật sớm trong bài diễn thuyết, thường ngay từ lời mở đầu. Blanton đã làm được điều đó trong câu thứ hai của mình, “Cách đây ba năm …” Những câu chuyện được kể lại khéo léo cũng cần báo hiệu rõ khoảng thời gian trôi qua. Bên cạnh việc nhắc đến các mùa tiếp nối nhau trong năm, Becky còn sử dụng những dấu hiệu gợi ý khác như các cụm từ “Cuối cùng …”“Không lâu sau đó…” Mặc dù những ngụ ý sau khá mơ hồ nhưng khán giả không bao giờ cảm thấy lạc lối trong mạch thời gian.

Blanton cũng đưa ra các mô tả tạo cảm nhận mạnh mẽ về bối cảnh của mình, bao gồm nội thất bên trong chiếc xe tải Chevy đời 1975, phòng khám sức khỏe cho người vô gia cư và một hiệu sách. Các bối cảnh có thể tác động đến mọi giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và thậm chí cả vị giác. Tuy nhiên, bạn phải làm điều đó thật tinh tế. Hãy tránh đánh vào mọi giác quan cùng một lúc vì bài diễn thuyết của bạn sẽ từ hùng hồn trở nên hoa mỹ. Mặc dù sẽ tốt hơn nếu ta biết rõ màu sắc của chiếc xe (nhân tiện, nó có màu xanh lá), nhưng chỉ cần để khán giả biết Blanton bị mắc kẹt trong một chiếc xe hơn 30 năm tuổi là đủ. Người nghe có thể hình dung được vẻ ngoài chằn chặn như chiếc hộp, rỉ sét và đầy vết lõm ngoài của nó. Tương tự, chị không cần phải mô tả mùi hoặc âm thanh khi sống cùng với một chú mèo và một chú chó to trong không gian chật hẹp – tốt nhất hãy để dành chúng cho trí tưởng tượng.

Bầu không khí – yếu tố cuối cùng của bối cảnh – là chìa khóa tạo nên tâm trạng. Các mùa trong năm, thời tiết, ánh sáng và thậm chí cả những sự vật cụ thể hàm chứa những nỗi niềm bên trong cũng giúp diễn giả xây dựng được bối cảnh mà không phải nhiều lời.

BÍ QUYẾT 30: Áp dụng khung hành trình của người hùng cho câu chuyện về những nhân vật khác

Có thể tôi đã tạo cho bạn ấn tượng rằng bạn phải kể một câu chuyện cá nhân hấp dẫn và mang tính sống còn. Tuy nhiên, trên TED có vô vàn bài diễn thuyết tuyệt vời trong đó diễn giả kể về câu chuyện của người khác. Một ví dụ hay chỉ xuất hiện khi diễn giả thổi hồn vào những câu chuyện vốn kén người nghe về các nghiên cứu học thuật hoặc công nghiệp.

Malcolm Gladwell, tác giả của hai cuốn sách The Tipping Point (Điểm bùng phát)Blink (Trong chớp mắt) đồng thời là nhà biên sử tài ba về tâm lý học đại chúng, đã làm được điều này trong bài diễn thuyết nổi tiếng mang tên Choice, Happiness and Spaghetti Sauce (tạm dịch: Lựa chọn, hạnh phúc và nước sốt mì Ý). Ý tưởng đáng lan tỏa của ông là “hãy chấp nhận sự đa dạng của con người để con người có thể hạnh phúc hơn”. Nói cách khác, mọi người không muốn nước sốt mì Ý, mà họ muốn có nhiều loại nước sốt mì Ý. Để chứng minh cho quan điểm của mình, Gladwell đã chia sẻ câu chuyện về Howard Moscowitz, một nhà khoa học thực phẩm có tư tưởng cách mạng. Bảng 3.2 là dàn ý dưới dạng tiền đề-dẫn chứng cho bài phát biểu của Gladwell.

Bảng 3.2. Dàn ý bài diễn thuyết Lựa chọn, hạnh phúc và nước sốt mì Ý của Malcolm Gladwell trên TED

Vì hai lý do, bài diễn thuyết của Malcolm Gladwell có cấu trúc rất phức tạp. Thứ nhất, ông thuật lại trọn vẹn nhiều câu chuyện phụ bên trong câu chuyện chính. Thứ hai, ông không nhất nhất đưa ra một tuyên bố cụ thể cho các tiền đề mà người nghe cần rút ra từ chuỗi tiền đề diễn dịch của ông. Để thấy được điều này, chúng ta sẽ phân tích bài diễn thuyết của ông theo khung kể chuyện kiểu Pixar nguyên bản như trong Bảng 3.1, và sử dụng kỹ thuật phân tích chuỗi tiền đề. Trong quá trình này, bạn sẽ thấy rằng hầu hết các yếu tố điển hình trong hành trình của người hùng đều xuất hiện trong bài diễn thuyết của Malcolm.

  • Hồi I. Ngày xửa ngày xưa, có một nhà khoa học thực phẩm được đào tạo từ Harvard tên là Howard Moscowitz. Ngày qua ngày, Howard rất thích đo đạc thứ này, thứ kia trong hãng tư vấn nhỏ của mình ở White Plains, New York. Cho đến một hôm, công ty PepsiCo thuê ông xác định xem nên cho bao nhiêu chất làm ngọt nhân tạo vào sản phẩm Pepsi dành cho người ăn kiêng. Khi cố gắng suy luận từ dữ liệu thu được, ông đã giác ngộ – “Họ đã đặt sai câu hỏi. Họ đang tìm kiếm một sản phẩm Pepsi hoàn hảo, trong khi lẽ ra họ nên tìm kiếm những sản phẩm Pepsi hoàn hảo.” Nhưng PepsiCo và mọi người đều nghĩ ông mất trí.

  • Hồi II. Chính vì thế, ông đã cố gắng chứng minh mình không điên bằng cách hé lộ những hiểu biết tương tự về món dưa chua, thế nhưng giới công nghiệp thực phẩm vẫn không chịu lắng nghe. Và do đó, ông đã áp dụng học thuyết về sự đa dạng hương vị của mình cho nước sốt mì. Cuối cùng, Campbell’s – nhà sản xuất nước sốt mì cho Prego – đã kiếm được hàng trăm triệu đô-la từ ý tưởng của ông.

  • Hồi III. Và kể từ đó, phát hiện của tiến sĩ Moscowitz đã được áp dụng trong nhiều ngành hàng thực phẩm như mù tạt, giấm, dầu ô-liu và các loại cà phê, mang lại nhiều lợi ích tương tự cho các công ty và người tiêu dùng. Bài học rút ra từ câu chuyện này là “bằng cách trân trọng sự đa dạng nơi con người, chúng ta sẽ tìm thấy con đường chắc chắn hơn dẫn đến hạnh phúc thật sự.”

Malcolm đã lồng ghép những câu chuyện phụ hoàn chỉnh vào câu chuyện chính bao trùm, đây là một kỹ thuật tinh vi vay mượn từ tiểu thuyết và điện ảnh. Mặc dù thường được thực hiện dưới hình thức một đoạn hồi tưởng, nhưng kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng như cách Malcolm đã làm với mạch thời gian bình thường của câu chuyện. Bạn có thể thấy nó trong ví dụ sau đây, khi câu chuyện phụ về nước sốt mì Ý được phân nhỏ theo khung kể chuyện kiểu Pixar. Xin lưu ý rằng trong phần này, Malcolm đã chuyển góc nhìn từ nhân vật chính Howard Moscowitz sang công ty Campbell’s Soup như nhân vật người hùng.

  • Hồi I. Ngày xửa ngày xưa, vào đầu thập niên 1980, công ty Campbell’s Soup đang thất thế trong cuộc chiến nước sốt mì giữa nhãn hàng Prego cực kỳ nổi trội (theo Gladwell, người đã dẫn chứng kết quả kiểm nghiệm thực phẩm nổi tiếng hồi thập niên 1970) với đối thủ Ragú. Cho đến một ngày, công ty đã thuê Howard Moscowitz khắc phục dòng sản phẩm của mình.

  • Hồi II. Chính vì thế, Howard đã lập công thức cho 45 loại nước sốt mì khác nhau. Và do đó, ông tiến hành thu thập dữ liệu về khẩu vị của “vô số người”. Cuối cùng, ông phát hiện ra rằng người Mỹ thường rơi vào ba nhóm: “Những người thích nước sốt thường, những người thích nước sốt đậm đà và những người thích nước sốt đặc biệt sánh.”

  • Hồi III. Và kể từ đó, công ty Campbell’s “đã hoàn toàn thâu tóm ngành kinh doanh nước sốt mì Ý trong nước. Và hơn 10 năm sau đó, họ đã kiếm được 600 triệu đô-la từ dòng sản phẩm nước sốt đặc biệt sánh của mình.” Bài học rút ra từ câu chuyện này là sự đa dạng sẽ mang lại lợi nhuận lẫn niềm vui sướng.

Lưu ý, cấu trúc “chuyện trong chuyện” của Gladwell sẽ còn phức tạp hơn hoặc được nâng cao hơn nữa tùy thuộc cách nghĩ của bạn, nhờ ông thường xuyên vận dụng điềm báo. Ví dụ, ông đã nhắc sơ qua khi ám chỉ Nescafé trong phần đầu câu chuyện về Pepsi dành cho người ăn kiêng trước khi bàn sâu trở lại về sự đa dạng của cà phê hai lần sau đó. Ông lặp lại kỹ thuật này lần nữa khi nhắc đến mù tạt trong câu chuyện nước sốt mì Ý, chỉ để quay lại sau với nó cùng thông tin đầy đủ trong câu chuyện về hãng mù tạt Grey Poupon.

Malcolm đã khéo léo đan cài chuỗi tiền đề diễn dịch vào bộ khung câu chuyện của mình. Chuỗi tiền đề của ông bắt đầu với tuyên bố đã được thực tế chứng minh rằng không có sản phẩm Pepsi hay món dưa chua nào hoàn hảo. Điều này gợi lên câu hỏi, “Liệu có một loại thực phẩm hoàn hảo nào hay không?” Và Malcolm đã trả lời dứt khoát là “không” vì ta luôn quan sát được hiện tượng tương tự ở nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do điều này không giải đáp triệt để câu hỏi cuối cùng, nên người nghe lại hỏi tiếp: “Nhưng sao ông biết được điều này đúng với mọi loại thực phẩm?” Logic vẫn tiếp tục và câu trả lời là do mọi người không thể diễn tả những gì họ muốn. Tuy nhiên nếu quan sát họ, bạn sẽ nhận thấy rằng mỗi người lại có một sở thích khác nhau. Do đó, không có loại thực phẩm duy nhất nào đạt được sự hoàn hảo thuần nhất. Câu hỏi cuối cùng của khán giả là: “Ừm, vậy thuyết đa dạng này có thể ứng dụng ngoài phạm vi khoa học thực phẩm không?” Một lần nữa, Malcolm Gladwell đã đáp lại với thông điệp tối thượng của ông: “Bằng cách trân trọng sự đa dạng ở con người, chúng ta sẽ tìm thấy con đường chắc chắn hơn dẫn đến hạnh phúc thật sự.”

BÍ QUYẾT 31: Kết hợp các quan sát liên quan từ kinh nghiệm cá nhân vào ý tưởng đáng lan tỏa

Cả Becky Blanton và Jill Bolte Taylor đều chia sẻ trên TED những bài diễn thuyết lồng ghép một câu chuyện cá nhân. Không có sự đan cài chuỗi tiền đề hay dẫn chứng nào ở đây; thay vào đó, mỗi diễn giả đều kết thúc với một bài học luân lý mạnh mẽ hướng tới khán giả. Tuy nhiên, nhiều diễn giả khác lại kết hợp các đoạn minh họa cá nhân độc lập với lập luận logic. Như trong Bảng 3.3, bài diễn thuyết của người mẫu thời trang Cameron Russell sẽ minh họa cho phương pháp này.

Bảng 3.3. Dàn ý bài diễn thuyết Looks Aren’t Everything. Believe Me, I’m a Model (tạm dịch: Ngoại hình không phải là tất cả. Hãy tin tôi, tôi là người mẫu) của Cameron Russell trên TED

Trong phần đầu, Cameron Russell đã đi thẳng vào thông điệp cốt lõi rằng hình ảnh, mặc dù chỉ là vẻ bề ngoài, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của chúng ta. Thông điệp của cô đi kèm với phần minh họa thay đổi một đôi giày cao gót bằng đôi giày đế bằng, và che đi chiếc váy ngắn bó sát đen bằng một chiếc váy dài đến mắt cá chân, cùng một chiếc áo len rộng rãi. Cameron thay đổi trang phục nhằm cho thấy ngoại hình, cũng như cảm nhận của con người, có thể biến đổi trong chớp mắt ra sao.

Phần thân bài diễn thuyết cũng sử dụng một phương pháp tài tình khi đưa ra năm câu hỏi phổ biến nhất mà cô thường gặp về lựa chọn nghề nghiệp khác thường của mình. Đây là một nhóm tiền đề quy nạp bao gồm năm “lý do” giải thích tại sao hình ảnh tuy chỉ là vẻ ngoài nhưng lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Mỗi câu trả lời của cô đều khiêm tốn và khác thường. Cô đã nâng tầm chúng bằng những minh họa về bản thân được hỗ trợ bằng các dẫn chứng trong nhiếp ảnh. Ngoài ra, cô còn củng cố hai phần trong lập luận của mình bằng nghiên cứu hàn lâm về sắc tộc trong nghề người mẫu, cùng số liệu thống kê của cảnh sát về tác động của chính sách “chặn-và-lục soát” các thanh niên da màu hoặc gốc Latin ở thành phố New York.

Vì Cameron bắt đầu bài diễn thuyết bằng ý tưởng đáng lan tỏa, nên cô đã nhắc lại nó một lần nữa và liên hệ nó với tất cả khán giả vào phút cuối. Sau khi đã chứng minh rằng hình ảnh tuy có tác động mạnh nhưng chỉ là vẻ bề ngoài, cô liền hối thúc khán giả hãy học cách yêu thương bản thân:

Nếu có điều gì đáng để tiếp thu ở bài diễn thuyết này, thì tôi hy vọng đó là tất cả chúng ta đều cảm thấy thoải mái hơn khi thừa nhận rằng hình ảnh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành công và thất bại theo cảm nhận của chính chúng ta.

Trong hai chương vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu hình thức tường thuật theo hướng tiền đề và hướng kể chuyện trong các bài diễn thuyết trên TED. Giữa hai thái cực này là các lối thuyết minh cân đối thường thấy nhất khi diễn giả kể câu chuyện về một người khác.

Các phương thức kết hợp giữa lập luận logic và chuyện kể là thành tố quan trọng làm nên một bài phát biểu hiệu quả. Ngoài ra, câu nói “Hãy (hành động) để đạt (kết quả)” là cách tóm gọn rất hay thông điệp trọng tâm khi xây dựng bài diễn thuyết. Tuy nhiên, nó chưa phải là cách kết nối từ ngữ tinh tế nhất. Chương tiếp theo sẽ tập trung giải thích bạn phải làm thế nào để ý tưởng đắt giá của mình lan tỏa rộng hơn.

BÍ QUYẾT 14: Rút ra những câu chuyện đáng kể lại từ kinh nghiệm cá nhân

Nếu bạn muốn làm mọi người chán ngán đến mức vò đầu bứt tai, thì cứ nhồi các sự kiện vào đầu họ suốt 18 phút diễn thuyết trên TED. Đương nhiên, các nhà tổ chức của TED sẽ chẳng bao giờ để bạn yên. Mỗi ý tưởng đáng lan tỏa đều phải được gói gọn trong một câu chuyện đáng kể lại. Mỗi phần trong bài phát biểu của bạn – mở bài, thân bài và kết bài – đều phải mang đến cơ hội kể câu chuyện đó. Bạn có thể chọn truyền đạt theo hướng kể chuyện bằng cách chia sẻ đúng một câu chuyện dài. Hoặc có thể bạn sẽ dẫn ra nhiều đoạn làm dẫn chứng cho bài nói theo hướng tiền đề.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là bạn nên kể câu chuyện gì? Câu trả lời đơn giản là những câu chuyện được rút ra từ kinh nghiệm hoặc quan sát của cá nhân bạn; chúng luôn là lựa chọn tốt nhất. Hãy hình dung bạn đang chọn chia sẻ bài học lớn nhất mình nghiệm ra được. Câu chuyện sẽ kể về việc bạn đã học được nó vào lúc nào và ra sao. Nếu đã sống đến tuổi trưởng thành, hẳn bạn đã góp nhặt được vô số câu chuyện về lòng kiên trì khi đối mặt với thất bại. Bạn đã yêu và đã mất mát. Bạn đã gây tổn thương và bị tổn thương. Những cuộc đời bình thường được chấm phá bằng các khoảnh khắc phi thường. Câu chuyện của bạn có thể truyền cảm hứng cho người khác; bạn chỉ cần học cách chia sẻ chúng với mãnh lực cảm xúc tràn đầy mà thôi.

Ở một thời điểm bất kỳ, mọi người hoặc sẽ “cạn vốn”, hoặc có quá nhiều chuyện để kể. Những người cạn vốn cảm thấy cuộc sống của họ quá đỗi bình thường và cho rằng bản thân không có những trải nghiệm sâu sắc. Nếu suy ngẫm thấu đáo hơn, bạn sẽ thấy điều này thật vô lý. Bạn, tôi và tất cả mọi người quanh chúng ta đều giác ngộ ít nhất một lần mỗi ngày trong cuộc đời tuyệt vời này. Khi dõi theo cảm xúc của bản thân trong từng khoảnh khắc, bạn sẽ nhận thấy hàng trăm câu chuyện đang nhảy múa quanh mình. Nhưng mặt khác, mức độ nhạy cảm đó lại dẫn đến tình trạng có quá nhiều chuyện để kể. Bạn sẽ biết mình lâm vào tình trạng đó khi cố gắng nhồi nhét những kiến giải cả đời vào một bài nói chuyện 18 phút trên TED. Thuốc tiên cho cả hai tình trạng trên là hãy tìm một câu chuyện có chủ đề chính mang đậm tính cá nhân. Sau đây là ba gợi ý kể chuyện có thể mang lại phương thuốc tức thì cho bạn.

Nếu bạn có thể quay ngược thời gian và tặng cho bản thân một bài học duy nhất, đó sẽ là gì? Một phương pháp an toàn nhưng có tác động mạnh mẽ chính là hãy tặng bài học này cho tính cách công việc của bạn. Có thể bạn có cả núi bài học để lựa chọn, nhưng chỉ cần chọn duy nhất một bài học mà thôi. Sau đây là một trong những bài học của tôi. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi tin rằng dấu hiệu của thành công đích thực là phải làm việc thật tốt sao cho sếp không đả động gì đến mình. Trong cả một thập kỷ, tôi đã sống trong sự ngờ nghệch như thế cho đến khi một vị quản lý tuyệt vời mở mắt cho tôi về sức mạnh của việc tìm kiếm và chấp nhận những ý kiến phản hồi liên tục. Kể từ đó, tôi ước chi có một cỗ máy thời gian để mình quay lại quá khứ và cho cái tôi non trẻ một cú đá vào mông ngay tức thì.

Một số người khi nghe tôi đề cập đến điều này cũng ao ước có được cỗ máy thời gian để gửi đến con người non trẻ của họ một lời cảnh báo mà hẳn sẽ ngăn chặn được một sự kiện thảm khốc. Vì một số lý do, tôi không khuyến khích kiểu bài học này. Mặc dù bạn có thể kết nối với khán giả bằng cách bộc lộ với họ điểm yếu của mình, nhưng bạn sẽ khiến họ lấy làm tiếc vì những gì xảy đến với bạn. Họ không thể giúp bạn, và họ cũng không thể liên hệ lời cảnh báo bạn đưa ra với cuộc sống của họ – điều vốn là mục tiêu của toàn bộ bài phát biểu này. Thế nên thay vào đó, hãy tập trung vào chân lý vĩnh cửu. Chân lý của tôi là “Hành trình chính là phần thưởng”. Mặc dù đây không phải khái niệm mới lạ gì, song phép màu sẽ đến từ hành động chia sẻ câu chuyện về điều tôi cảm nhận được khi chấp nhận chân lý, từ trải nghiệm diễn ra trong khoảnh khắc tôi nắm được ý nghĩa của chân lý đó và từ lời lý giải về cuộc sống của tôi kể từ sau sự kiện đó.

Đâu là khoảnh khắc quyết định đã thay đổi cuộc đời bạn mạnh mẽ nhất? Đó có thể là khoảnh khắc chiến thắng huy hoàng hoặc vui sướng hân hoan, song, chính nỗi mất mát, đau đớn, sợ hãi, hoặc thất bại mới đem lại những câu chuyện tác động mạnh mẽ nhất. Một lần nữa, bạn có thể chọn chiến thuật an toàn bằng những câu chuyện liên quan đến nghề nghiệp, hoặc có thể đi sâu với câu chuyện của riêng mình. Nếu bạn đang chuẩn bị một bài phát biểu hài hước, hãy chọn khoảnh khắc xấu hổ nhất làm thời khắc quyết định của mình.

Nếu bạn theo hướng u ám và nói về cá nhân, hãy nhớ rằng bạn cần mang đến sự nhẹ nhõm bằng cách trao lại cho khán giả ánh sáng và hy vọng. Trong bài nói chuyện của mình tại chương trình TEDxRainier, Leslie Morgan Steiner đã chia sẻ ý tưởng đáng lan tỏa về việc giúp đỡ những nạn nhân của nạn bạo hành gia đình thoát khỏi “những câu chuyện tình điên rồ” bằng lời kêu gọi khẩn khoản mọi người hãy lên tiếng về những dấu hiệu cảnh báo ngược đãi đầu tiên. Leslie cũng xen vào những đoạn miêu tả khủng khiếp về khoảng thời gian bị ngược đãi trong cuộc hôn nhân đầu tiên của chị – chẳng hạn như bị một khẩu súng nạp đạn chĩa vào đầu – bằng hình ảnh hạnh phúc trong cuộc sống cùng người chồng biết yêu thương ở cuộc hôn nhân thứ hai, trong đó không quên nhắc đến ba người con, một chú chó săn đen tuyền giống Labrador và chiếc xe tải nhỏ Odyssey của hãng Honda. Quan trọng hơn, chị đã kết thúc bài phát biểu bằng hình ảnh một thế giới không bạo hành gia đình, nơi mọi nhà được sống trong tổ ấm an lành và bình yên.

Để có được một câu chuyện hay, hãy đóng khung khoảnh khắc quyết định vào khoảnh khắc lựa chọn. Nhưng việc lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu luôn hiển nhiên và chẳng khó khăn gì. Nên đổi lại, hãy nói về những lựa chọn giữa hai cái tốt, thậm chí giữa hai cái xấu. Và để thêm phần hồi hộp, hãy chia sẻ bạn đã lờ đi lựa chọn đó như thế nào khi tình hình dần phức tạp hơn.

Điểm yếu ban đầu nào đã dẫn lối cho bạn tìm thấy niềm đam mê của mình? Nhiều người chỉ phát huy tối đa sức mạnh bản thân khi phải lo lắng che giấu hoặc bù đắp cho một điểm yếu mà họ biết rõ từ trước. Hầu hết các diễn giả xuất chúng đều bắt đầu sự nghiệp từ nỗi sợ phát biểu trước công chúng. Không ít kẻ chinh phục vĩ đại chỉ xốc lại tinh thần sau khi nghe một nhân vật có tiếng nói chê bai rằng họ sẽ chẳng làm nên trò trống gì.

Mãi đến năm 15 tuổi, tôi mới đọc trọn cuốn sách đầu tiên khi người thầy dạy tiếng Anh nhân từ hồi lớp 10 của tôi, thầy James Coats, dẫn tôi bước vào con đường trở thành một con mọt sách và một cây bút đầy khao khát. (Nhân đây, xin gửi lời cảm ơn muộn màng tới Clifton Keith Hillegass, người sáng lập CliffsNotes, vì đã giúp tôi vượt qua những năm tháng ở trường trung học cơ sở).

Hãy vận dụng lời khuyên mà bạn đồng cảm sâu sắc nhất trong ba lời khuyên trên để tìm ra câu chuyện đáng lan tỏa của mình.

Nếu TED xuất hiện từ thời nhà thần thoại học Joseph Campbell, chắc chắn ông sẽ là người truyền tải một trong những bài diễn thuyết đắt giá nhất mọi thời đại. Trong cuốn sách đột phá năm 1949 của mình, The Hero with a Thousand Faces (tạm dịch: Người hùng với nghìn bộ mặt), Campbell đã xây dựng ý tưởng đáng lan tỏa bằng cách kết hợp những câu chuyện thần thoại có ảnh hưởng lớn suốt hàng nghìn năm trên khắp thế giới với các nguyên lý tâm lý học hiện đại.

Ông đưa ra khái niệm “thần thoại độc nhất” (monomyth), hay phổ biến hơn với tên gọi “hành trình của người anh hùng”, một hướng kể chuyện cơ bản nhưng vượt qua giới hạn của thời gian, không gian và văn hóa.

Đáng tiếc là dù rất giá trị, nhưng cuốn sách của Campbell lại khó lĩnh hội. May mắn thay, một số chuyên gia viết kịch bản đã đưa ra những diễn giải riêng có ảnh hưởng lớn nhằm giúp độc giả bình thường tiếp cận được các khái niệm này. Những nhân vật đáng chú ý đứng trên vai người khổng lồ và sau đó hỗ trợ lẫn nhau gồm có Syd Field (Screenplay – tạm dịch: Kịch bản, 1979), Robert McKee (Story – tạm dịch: Câu chuyện, 1997), Blake Snyder (Save the Cat – tạm dịch: Giải cứu chú mèo, 2005), và Christopher Vogler (The Writer’s Journey – tạm dịch: Hành trình của người cầm bút, 2007). Trong số đó, hai tác phẩm sau cùng là hai cuốn sách dễ đọc nhất. Hãy đọc sách của Vogler trước để nắm được nền tảng, rồi đọc sang Snyder để hiểu các thủ thuật và kỹ năng tài tình giúp kết cấu phong phú thêm.

Các hướng đi của Vogler và Snyder được xây dựng nhằm tạo ra những bộ phim dài ít nhất từ 90 đến 120 phút. Nhưng một bài diễn thuyết 18 phút của TED đơn giản là không thể bao quát nhiều nội dung như vậy.

Tuy nhiên, câu chuyện nào cũng phải bao gồm một số thành tố tối thiểu. Phương pháp “kể chuyện kiểu Pixar” do Matthew Luhn, người đứng đầu bộ phận xây dựng chuyện của xưởng hoạt hình danh tiếng này, áp dụng là một khung sườn xuất sắc đảm bảo đủ số lượng thành tố tối thiểu cần thiết để xây dựng một câu chuyện hấp dẫn.

Trọng tâm của phương pháp kể chuyện kiểu Pixar là mỗi hồi trong ba hồi đều phải có khởi đầu và kết thúc rõ ràng. Hồi I thiết lập tình huống. Hồi II vượt qua khó khăn. Và Hồi III đề ra giải pháp. Bảng 3.1 sẽ so sánh các hướng kể chuyện của Vogler, Snyder và Pixar.

Bảng 3.1. Hướng kể chuyện của Christopher Vogler, Blake Snyder, và Pixar

Cách tốt nhất để hiểu được phương thức áp dụng các hướng kể chuyện trên là phân tích bài diễn thuyết từ một diễn giả TED thông thạo các phương pháp thêu dệt nên hành trình chinh phục đầy cảm hứng của một người hùng. Với sự cho phép hào phóng của Becky Blanton, chúng ta hãy cùng xem xét bài diễn thuyết của chị trong sự kiện TEDGlobal(10) 2009 mang tên The Year I Was Homeless (tạm dịch: Một năm trong cảnh không nhà) qua góc nhìn từ mô hình của Christopher Vogler. Vì Becky Blanton là một nhà báo kiêm tác giả, nên chúng ta cứ áp dụng đúng tác phẩm Hành trình của người cầm bút vào bước đường của nữ văn sĩ này! Nào, bắt đầu thôi!

Tôi là một nhà văn, một nhà báo và cũng là người hiếu kỳ đến điên rồ, vì vậy trong 22 năm viết báo, tôi đã học được cách làm nhiều thứ mới mẻ.

Việc khán giả có thực sự thích người anh hùng của bạn hay không không quan trọng, quan trọng là họ phải có khả năng liên hệ tới người đó để kết nối và học hỏi từ câu chuyện. “Cuộc sống bình thường” mang đến cho người nghe cơ hội thấm nhuần những nội dung cơ bản về sở trường, cách suy nghĩ, khao khát, những mối quan hệ và thiếu sót của Becky.

Vì Becky chỉ có chưa đầy bảy phút để trình bày bài nói chuyện của mình, nên chị đã cô đọng Cuộc sống bình thường của mình trong một câu duy nhất. Mặc dù đã khẳng định rõ hai điểm mạnh trong tính cách là sự hiếu kỳ và khả năng học hỏi, nhưng chị cũng dùng thủ thuật gắn bản thân mình với nghề nghiệp để bỏ qua việc thêm thắt chi tiết. Hình mẫu một nhà báo hiện đại thường hiện lên như một người cứng cỏi và độc lập, nhưng lại sống một cuộc đời khiêm tốn, trung lưu. Blanton đã củng cố hình mẫu này với trang phục đơn giản gồm một chiếc sơ-mi xám với hàng khuy cài kín và tay áo xắn lên, một chiếc com-lê đen, quần tây và một đôi giày thoải mái.

Vậy đâu là sai lầm bi đát? Đối với phần lớn các nhân vật chính được khắc họa rõ nét, thì điểm mạnh chính yếu của họ cũng là điểm yếu tối quan trọng nhất. Như chúng ta sẽ thấy, sự hiếu kỳ đã dẫn Becky đi sâu vào tận cùng bóng tối. Bối cảnh này cũng báo hiệu một chủ đề cốt lõi xuyên suốt bài nói chuyện của chị – một câu hỏi kịch tính: “Không ngừng theo đuổi kiến thức và trải nghiệm mới có phải là ý kiến hay?”

Cách đây ba năm, một trong những điều tôi học được là trở nên vô hình. Tôi trở thành một người làm việc không có nhà cửa. Tôi bỏ công việc biên tập báo sau khi cha tôi qua đời tháng Hai năm đó và quyết định đi du lịch. Cái chết của ông là một đòn giáng mạnh vào tôi. Khi quyết định làm thế, điều tôi muốn là cảm nhận và đối đầu với nhiều thứ.

Tiếng gọi phiêu lưu có thể là chất xúc tác từ bên trong hoặc bên ngoài làm lay chuyển thế giới của vị anh hùng. Ở góc độ thực tế, chất xúc tác đó nên là mối đe dọa trực tiếp đến một nhu cầu cơ bản của con người, và thường là mối đe dọa rõ ràng đến sự tồn tại. Đó là những tác nhân bên ngoài đe dọa đến các nhu cầu thuộc tầng dưới cùng trong tháp nhu cầu của Maslow, bao gồm nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn và nhu cầu về các mối quan hệ. Con người thường viện đến các biện pháp cực đoan nhất để sinh tồn và bảo vệ những người họ yêu thương. Những tác nhân quấy nhiễu từ bên trong vốn làm tổn thương lòng tự trọng hoặc ngăn cản quá trình tự khẳng định bản thân cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ không kém. Cả tiếng gọi bên trong lẫn bên ngoài đều làm nhấn mạnh một điểm rằng: một mặt nào đó, người anh hùng vẫn chưa hoàn thiện và có thể được thúc đẩy để hoàn thiện bằng cách vượt qua mất mát, ngăn chặn sự mất mát hoặc theo đuổi những ham muốn. Ví dụ, sự bất mãn sâu sắc đối với số phận của mình sẽ đưa đẩy nhiều người hùng đến những cuộc phiêu lưu tuyệt vời.

Trong khi chất xúc tác trong các câu chuyện bình thường chỉ hiệu quả ở một cấp độ, thì những câu chuyện tuyệt vời lại có Tiếng gọi phiêu lưu không chỉ mang đến cho người hùng một mục tiêu mạnh mẽ từ bên ngoài, mà cả một mục tiêu cháy bỏng hơn trong nội tâm. Một lần nữa, Blanton đã không làm chúng ta thất vọng. Việc mất đi một thành viên trong gia đình đã thúc đẩy chị tìm kiếm một mối quan hệ thay thế từ bên ngoài. Ngoài ra, từ câu “tôi muốn cảm nhận và đương đầu với những điều đó”, bạn có thể nhận thấy những nội lực mạnh mẽ đang tham gia ở đây và tác động đến lòng tự tôn. Tuy chị không tiết lộ trong bài nói chuyện của mình, nhưng cha của Becky là một kẻ nghiện rượu và ưa bạo hành. Chị đã cho phép tôi chia sẻ những điều sau đây để mang đến hy vọng cho các nạn nhân sống sót qua nạn bạo hành:

Ông thường đánh đập tôi vì bất cứ lý do gì, vì một lý do nào đó, hoặc chẳng có lý do nào cả. Hồi tôi 10 tuổi, ông bước vào với chiếc thắt lưng trên tay và tôi kháng cự rằng mình chẳng làm gì cả. Ông nói, “Hừm, mày có thể đã làm gì đó mà tao không bắt tận tay được, thế nên mày vẫn phải nhận cái thắt lưng này thôi.”

Tôi không biết tại sao mình dám nói thế, nhưng lúc ấy tôi đã đề nghị ông: “Sao cha không để cho con viết ra giấy lý do tại sao cha không nên đánh con.” Ngày tôi còn bé, cha tôi có nói rằng ông phải viết một bài luận; ông bắt đầu học đại học khi đã lớn tuổi. Chẳng hiểu sao một đứa trẻ 10 tuổi như tôi lại nghĩ, “Nếu mình viết một bài, có lẽ mình sẽ thoát được đòn roi.” Ông đã cân nhắc đề nghị đó và để tôi viết. Đó là lần cuối cùng cha đánh tôi. Tôi đã viết vì cuộc sống của mình. Mỗi lần ông say xỉn và rút thắt lưng ra, tôi lại nói, “Hãy để con viết ra lý do tại sao cha không nên làm thế.” Tôi đã học cách viết những bài luận thuyết phục từ khi còn bé. Rồi mọi chuyện cứ trôi qua như thế.

Những lựa chọn rủi ro thấp và đảm bảo kết quả luôn gây cảm giác nhàm chán. Tiếng gọi phiêu lưu không nên là một lựa chọn dễ dàng. Thay vào đó, hãy đặt ra cho người hùng của bạn một lựa chọn khó khăn giữa hai điều tốt ngang nhau, hay thậm chí giữa hai điều xấu ngang nhau. Hoặc nếu cuộc phiêu lưu hứa hẹn đem lại phần thưởng lớn, thì nó nên đi kèm với khả năng thành công thấp và cái giá cực đắt nếu thất bại. Trong trường hợp của Blanton, chị có thể phải ở nhà với cơn trầm cảm ngày càng lớn. Hoặc chị có thể cố gắng vượt qua nó bằng cách đổi lấy một cuộc sống trên bờ tuyệt vọng của xã hội.

Tiếng gọi phiêu lưu thường là cơ hội tốt nhất để giới thiệu nhân vật phản diện (hoặc tiết lộ rằng một nhân vật từ cuộc sống bình thường của người hùng thực chất là đối thủ của họ). Đối thủ không nhất thiết phải hoàn toàn xấu xa; xét cho cùng, họ cũng là người hùng trong câu chuyện của riêng mình. Nhân vật phản diện tạo ra xung đột vì họ tìm kiếm một mục tiêu bên ngoài tương tự như người hùng và họ tin rằng cái chết, sự diệt vong hay thất bại của người hùng là cách duy nhất để đạt được nó.

Chúng ta sẽ quay lại với câu chuyện của Becky trong chốc lát, vì tôi cần hướng sự chú ý của bạn vào một vài nhân tố chuyện kể mà chị không có thời gian đề cập đến trong bài phát biểu ngắn của mình. Bí quyết này sẽ trình bày nhân tố đầu tiên – Từ chối tiếng gọi. Bí quyết tiếp theo sẽ trình bày nhân tố thứ hai – Cuộc hạnh ngộ với người dẫn lối. Các nhân tố này không nhất thiết phải tuân theo một trình tự chính xác, cũng không nhất thiết phải xuất hiện đầy đủ. Tuy nhiên, nếu sắp xếp lại hoặc loại trừ một số nhân tố, bạn nên ý thức rõ những hệ quả sau đó.

Để giúp câu chuyện đáng tin cậy hơn, các nhân vật của bạn phải luôn có hành động dè dặt tối thiểu. Tối thiểu không nhất thiết hoặc không phải lúc nào cũng có nghĩa là nhỏ bé; khi phải đương đầu với những tình huống không ngờ, các cá nhân sẽ lựa chọn biện pháp cực đoan nhất. Ví dụ, bạn sẽ nhảy tới trước một chiếc xe lửa đang lao tới để đẩy con mình ra khỏi nguy hiểm.

Trong tập đầu tiên của loạt phim tài liệu Joseph Campbell and the Power of Myth with Bill Moyers (tạm dịch: Joseph Campbell và sức mạnh của thần thoại với Bill Moyers) phát trên đài PBS năm 1988, Campbell đã chỉ ra ba kiểu người hùng mà bạn có thể xây dựng. Trong câu chuyện của mình, Blanton rơi vào nhóm đầu tiên – người hùng có chủ đích. Người này sẽ bắt đầu hành trình chinh phục một mục tiêu cụ thể. Trong quá trình đạt đến mục tiêu, người hùng thường phải trải qua biến đổi tâm lý hoặc tâm linh có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với trải nghiệm về mặt thể xác. Nhóm thứ hai của Campbell gồm những người hùng bất đắc dĩ buộc phải dấn thân vào hành trình ngoài ý muốn. Ví dụ Campbell đề cập đến là một người lính bị đẩy vào cuộc chiến. Một ví dụ nhẹ nhàng hơn xuất hiện lặp đi lặp lại trong điện ảnh hiện đại là một đứa trẻ bị buộc phải tham gia vào chuyến hành trình qua nhiều nước với cha mẹ. Nhóm thứ ba của ông, người hùng tình cờ, là nhóm nằm giữa người hùng có chủ đích với người hùng bất đắc dĩ. Nhờ ý chí tự do của chính mình, người hùng này tình cờ rơi vào một hành trình đầy bất ngờ. Trong những câu chuyện cổ, họ được thể hiện qua tình tiết một nhân vật theo chân một loài thú thần kỳ vào rừng. Bộ phim The Hangover (tạm dịch: Dân chơi) là một phiên bản hài hước và hiện đại hơn của nguyên mẫu này với các nhân vật ban đầu chỉ có ý định vui chơi, nhưng nhanh chóng nhận ra mình đang trong một cuộc phiêu lưu đầy kịch tính.

Cả ba kiểu người hùng, đặc biệt là những người hùng bất đắc dĩ, có thể từ chối Tiếng gọi phiêu lưu một lần hay thậm chí nhiều lần. Trên thực tế, việc Từ chối Tiếng gọi phiêu lưu là yếu tố tạo sức ép mạnh mẽ. Khán giả sẽ thích thú khi biết những gì các anh hùng phải làm trong một thời gian dài trước khi họ chấp nhận số phận. Hơn nữa, những lời từ chối liên tiếp sẽ khiến cho Cuộc sống bình thường của người hùng ngày càng trở thành nơi không thể nương náu.

Tiếng nói riêng của người anh hùng có thể không phải là trở ngại duy nhất đối với sự dấn thân. Trong nhiều câu chuyện, các anh hùng bị níu kéo về mặt thể xác hoặc tình cảm bởi một hoặc nhiều “vệ sĩ” đứng trước ngưỡng cửa. Những cản trở về thể xác có thể khá rõ ràng, nhưng các hạn chế từ cảm xúc bên ngoài có thể xuất hiện dưới nhiều phong vị khác nhau. Những trở ngại đáng kể nhất trong số đó là khi bạn bè, chứ không phải kẻ thù, nghi ngờ hoặc gây áp lực xã hội buộc người anh hùng phải duy trì nguyên trạng.

Trước khi dấn thân vào cuộc chinh phục của mình, ngay cả những người hùng có chủ đích như Becky vẫn có thể từ chối Tiếng gọi phiêu lưu. Tuy nhiên, Becky gặp hạn chế về thời gian và đã có đủ chất kịch tính trong câu chuyện nên chị không cần kèm thêm lời Từ chối tiếng gọi, dù rất có thể trong thực tế chị đã phải xây dựng quyết tâm.

Một trong những sai lầm lớn nhất mà diễn giả có thể phạm phải chính là kể một câu chuyện cá nhân về thành công lớn lao của mình mà không thừa nhận họ được người khác giúp đỡ trên suốt hành trình. Bằng cách thể hiện bản thân như một người có tài năng thiên bẩm, họ đã tự đặt mình lên chiếc bục cao hơn khán giả. Tuy nhiên, để mọi người có thể kết nối và có đủ cảm hứng áp dụng sự sáng suốt đó vào cuộc sống, thì diễn giả phải khiến cho khán giả cảm thấy rằng điều đặc biệt ở đây chính là tiến trình, chứ không phải bản thân diễn giả.

Một diễn giả trên TED, một nhà văn với tác phẩm ăn khách khắp thế giới đã vô tình vi phạm quy tắc này khi nhắc đến thành công bất ngờ của mình. Tuy chị chỉ ngây thơ sử dụng thành tựu này như một bối cảnh cho câu chuyện tự trào về việc đáng ra chị không bao giờ lập được kỳ công ấy, nhưng lại gây tổn hại nặng nề. Tác giả quả thực có thiện ý; chị đã thực sự ngạc nhiên với thành công của mình, và có lẽ là người ngạc nhiên nhất trên thế gian này. Nhưng vấn đề là khi chia sẻ sự sửng sốt trước thành công của chính mình, chị đã tự đặt mình lên bục cao. Sự vi phạm này rõ ràng không phải là không thể cứu vãn, vì bài diễn thuyết của chị là một trong những bài diễn thuyết được yêu thích nhất trên TED; nó đã ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người, bao gồm cả tôi. Tuy nhiên, hãy tránh tự đề cao chính mình, dù bạn chỉ mới thoáng nghĩ đến điều đó.

Phương thuốc cho vấn đề này là giới thiệu một hoặc nhiều người dẫn lối đã cung cấp nguồn lực, sự bảo trợ và kiến thức cần thiết cho người hùng. Mỗi món quà lại nâng cao thêm khả năng của người hùng để anh ta tiếp tục hành trình tìm kiếm điều chưa biết. Xin lưu ý rằng người dẫn lối không nhất thiết phải là một nhân vật duy nhất. Đó có thể là vai trò tạm thời do nhiều nhân vật đảm đương. Thậm chí, người dẫn lối có thể không phải là con người. Các vật thể sống, vật vô tri vô giác hay thậm chí vô hình cũng có thể đóng vai trò như người dẫn lối, chẳng hạn như các loài động vật, sách vở hay các bài hát.

Như bạn sẽ khám phá trong câu chuyện của Becky Blanton, không có phần thưởng đáng ghen tỵ nào ở cuối cầu vồng. Chị tự đặt mình là người ngang hàng, hoặc có thể là người chỉ dẫn, chứ không phải ai đó nổi trội hơn người nghe. Becky đã chia sẻ những thiếu sót, thất bại và cả sự tổn thương làm nên con người bình thường nơi chị. Do đó, câu chuyện của Becky không có người thầy nào dẫn dắt chị. Ngay cả nếu người dẫn lối đó có tồn tại chăng nữa, thì rốt cuộc mỗi người hùng đều phải đơn độc đối mặt với ẩn số.

Cả đời tôi là những chuyến cắm trại. Và tôi kết luận rằng sống trong xe tải nhỏ suốt một năm cũng chẳng khác gì cắm trại dài ngày. Thế nên, tôi gói ghém đồ đạc, lùa chú mèo cưng, chú chó săn giống Rottweiler và dụng cụ cắm trại vào chiếc xe tải Chevy đời 1975, rồi lái xe đi khi hoàng hôn buông xuống mà không nhận ra ba điều quan trọng. Thứ nhất là xã hội này luôn đánh đồng chuyện sinh sống ở một nơi chốn lâu dài, dù đó chỉ là một căn lều, như một yếu tố khẳng định giá trị của con người. Hai là tôi đã không nhận ra rằng nếu cứ để mặc, thì cảm nhận tiêu cực của người khác sẽ nhanh chóng tác động đến thực tại của ta. Ba là tôi cũng không ý thức được “không chốn dung thân” là một thái độ sống, chứ không phải lối sống.

Mặc dù hành trình của người hùng có thể mang tính tâm lý thuần túy, nhưng hầu hết chúng đều đòi hỏi sự chuyển dịch thật sự để nhân vật chính “bước qua ngưỡng cửa đầu tiên” vào một thế giới xa lạ. Trong cả hai trường hợp, người hùng đều phải hành động quyết đoán dù có làm gia tăng rủi ro, đòi hỏi sự hy sinh và khiến người hùng phải dấn thân vào cuộc phiêu lưu theo cách khiến sự kịch tính trong câu chuyện tăng lên đáng kể.

Becky ngây thơ bước vào thế giới đặc biệt trong câu chuyện của chị, nhưng không có nghĩa rằng chị hoàn toàn không chuẩn bị gì. Bằng cách chia sẻ mình là dân cắm trại lão luyện, chị đã trao cho thính giả niềm hy vọng rằng chị có thể sống sót qua cơn giông tố sắp tới.

Ban đầu, cuộc sống trên xe tải rất tuyệt. Tôi tắm giặt ngay tại nơi cắm trại. Tôi thường xuyên ăn tiệm, có thời gian để nghỉ ngơi và đau buồn. Nhưng sau đó cơn giận dữ và nỗi muộn phiền về cái chết của cha lại choán lấy tôi. Công việc tự do của tôi kết thúc, và tôi phải nhận một công việc toàn thời gian để trả hóa đơn. Mùa xuân êm dịu đã thực sự hóa thành mùa hè oi bức khủng khiếp. Và tôi không thể đỗ lại bất cứ nơi nào mà không khiến mọi người nhận ra tôi có một chú mèo và một chú chó. Trời thực sự rất nóng. Chú mèo trèo tới trèo lui qua cánh cửa sổ mở trên xe còn chú chó thì được tôi gửi đến dịch vụ chăm sóc ban ngày. Mọi thứ khiến tôi vã mồ hôi. Mỗi khi có thể, tôi sẽ lao vào phòng tắm cho nhân viên trong các tòa nhà và bến đỗ xe tải, hoặc tắm rửa trong nhà vệ sinh công cộng.

Nhiệt độ ban đêm trong xe hiếm khi xuống dưới 27 độ C, khiến tôi rất khó ngủ hoặc hoàn toàn không ngủ nổi. Thức ăn thì ôi thiu vì nắng nóng. Nước đá trong thùng tan chảy chỉ sau vài giờ, và tình trạng của tôi thật khổ sở. Tôi không đủ khả năng mua một căn hộ, hoặc không đủ khả năng tìm một căn hộ cho phép tôi mang theo thú cưng của mình. Và do từ chối bỏ lại chúng, nên tôi phải ở luôn trong xe. Và khi sức nóng khiến tôi kiệt quệ đến mức không lết nổi 15 mét ra nhà vệ sinh công cộng bên ngoài vào ban đêm, thì tôi đành phải dùng đến một cái xô và túi đựng rác.

Một khi người hùng quyết dấn thân vào hành trình và không quay đầu lại, người ấy sẽ học được các quy luật của thế giới đặc biệt thông qua một loạt thử thách khó khăn nhưng không đe dọa đến tính mạng. Kiến thức và sức mạnh mà người hùng tích lũy được sẽ là điều kiện cần, nhưng không đủ giúp họ sống sót qua thử thách phía trước.

Khi Becky làm bật lên câu chuyện của chị, những thử thách này đã tạo ra cường độ cảm xúc ngày càng tăng đan xen giữa tích cực và tiêu cực. Chị bắt đầu bằng dấu hiệu tích cực của một chuyến cắm trại thoải mái để có thời gian chữa lành vết thương lòng. Sau đó, câu chuyện thay đổi theo hướng tiêu cực khi chị phải đối mặt với những thách thức về tình cảm, tài chính và thể chất. Có một lần chị trút bỏ được áp lực khi tìm thấy chỗ trông chó và khám phá ra một cách, dù tuyệt vọng, để giữ mình sạch sẽ. Trên lộ trình cuối cùng của mình, chị lại chịu thêm sức ép tiêu cực một lần nữa với nỗi tuyệt vọng ngày càng tăng cao.

Giai đoạn này trong hầu hết các câu chuyện là thời điểm người hùng tìm thấy bạn bè và chạm trán một loạt những kẻ thù nhỏ như tay sai của nhân vật phản diện. Trong trường hợp của Becky, mặc dù không có thời gian nêu chi tiết, nhưng bạn bè của chị chính là hai chú thú cưng. Nhân vật phản diện đối với Becky là tình trạng không nhà cửa và nỗi tuyệt vọng. Những cơn trầm cảm của chị ngày một trầm trọng, nhưng chị vẫn chưa đến mức hoàn toàn hóa điên.

Mùa đông đến, nhiệt độ giảm xuống dưới mức đóng băng và cứ giữ nguyên như thế. Tôi phải đối mặt với một loạt thử thách mới. Mỗi đêm tôi lại đỗ xe ở một nơi khác để không bị cảnh sát chú ý và hỏi tới. Và không phải lúc nào tôi cũng thành công.

Nhưng tôi cảm thấy mình không kiểm soát nổi cuộc sống này. Tôi không biết mọi chuyện bắt đầu từ khi nào và ra sao, nhưng quãng thời gian chóng vánh mà tôi, một nhà văn và nhà báo tài năng, biến thành một phụ nữ không nhà cửa, phải sống trong một chiếc xe tải đã khiến chính tôi ngộp thở. Tôi không hề thay đổi. Chỉ số IQ của tôi không giảm. Tài năng của tôi, sự cương trực của tôi, giá trị của tôi, tất cả mọi thứ về tôi vẫn giữ nguyên. Nhưng tôi đã thay đổi theo cách nào đó. Tôi ngày càng cuốn sâu hơn vào nỗi muộn phiền.

Ở đoạn trước câu chuyện của mình, Blanton đã tiếp thu những kỹ năng sống mà người cắm trại bình thường chẳng bao giờ phải học. Nhưng trong quá trình “tiến vào hang động thăm thẳm”, lựa chọn của chị đã trở nên hạn chế hơn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Bạn có thể sống khổ sở trong xe tải vào mùa hè. Song, cái giá bỏ ra sẽ cao hơn nhiều trong tiết trời giá lạnh của mùa đông. Với một địch thủ mới xuất hiện là lực lượng cảnh sát, Blanton ngày càng chìm sâu vào nỗi tuyệt vọng. Chị như bị mắc bẫy và phải đối mặt với lối thoát khả thi duy nhất: cánh cửa dẫn vào hang động – một ẩn số lớn.

Cuối cùng có người đã chỉ tôi đến một phòng khám dành cho người vô gia cư. Và tôi đã đến đó. Tôi đã không tắm suốt ba ngày. Tôi bốc mùi và chán nản như bất kỳ ai đang xếp hàng chờ đợi. Tôi chỉ không say rượu hay lên cơn. Và khi những người đàn ông vô gia cư, bao gồm cả một người từng là giáo sư đại học nhận ra tôi, họ nói: “Cô không phải là người vô gia cư. Tại sao cô lại ở đây?” Những người vô gia cư khác không xem tôi giống như họ, nhưng tôi thì có. Sau đó, vị giáo sư lắng nghe câu chuyện của tôi và nói: “Cô có một công việc. Cô có hy vọng. Nhưng những kẻ vô gia cư thực sự chẳng có lấy chút hy vọng nào.” Do phản ứng lại với loại thuốc chống trầm cảm mà phòng khám kê cho, tôi bỗng cảm thấy muốn tự sát. Và tôi nhớ mình đã nghĩ: “Nếu mình tự sát, chắc cũng chẳng ai biết.”

Trong mẫu dàn ý “Hành trình của người cầm bút” của Christopher Vogler, người anh hùng phải có hai lần đối diện với nỗi sợ hãi lớn nhất trong đời. Thử thách chính là cuộc chạm trán đầu tiên, vốn được ông gọi là cuộc khủng hoảng, chứ chưa phải cao trào. Những cuộc khủng hoảng thông thường có thể là kinh nghiệm cận kề cái chết đối với người hùng, cái chết của người dẫn lối, kết thúc bi thảm của một mối quan hệ mang lại niềm vui sống hoặc lâm vào cảnh trắng tay. Tình thế của Becky, tức dự định tự sát, khớp với kiểu khủng hoảng đầu tiên và kịch tính nhất.

Những Thử thách về thể chất và tinh thần sẽ thách thức người hùng. Nơi Becky nghĩ là hy vọng lớn nhất – một phòng khám dành cho người vô gia cư – thực chất lại trở thành cơn ác mộng khủng khiếp nhất của chị. Những người chị cho là đồng minh của mình, tức nhân viên y tế và những người vô gia cư khác, đã không chấp nhận chị là một trong số họ. Bước ngoặt không ngờ này, hoặc sự đánh lạc hướng kỳ vọng của người nghe đã khiến cơn khủng hoảng thêm phần khốc liệt và thay đổi sâu hơn quan điểm của chị về tình trạng vô gia cư cũng như xã hội nói chung.

Không lâu sau đó, một người bạn cho hay cô nghe nói rằng Tim Russert, một nhà báo nổi danh cả nước, đã nói về tôi trên kênh truyền hình quốc gia. Cuốn sách mới của Tim có một bài tiểu luận mà tôi viết về cha mình khoảng một năm trước khi ông qua đời. Ông đang thực hiện một chuỗi chương trình đối thoại, và ông đang nói về bài luận của tôi. Khi tôi nhận ra Tim Russert, cựu điều phối viên của chương trình Gặp gỡ báo chí(11), nói về bài viết của mình trong khi tôi đang sống trong một chiếc xe tải nhỏ giữa bãi đỗ xe của siêu thị Wal-Mart, tôi bắt đầu phá ra cười. Bạn cũng nên làm thế.

Tôi bắt đầu cười vì đã đến thời điểm tôi phải suy ngẫm, rằng tôi là một nhà văn, hay một phụ nữ vô gia cư? Vậy nên tôi tới hiệu sách, và tìm thấy cuốn sách của Tim. Tôi đã đứng đó, đọc lại bài viết của mình. Và tôi đã khóc. Bởi vì tôi là một nhà văn. Tôi là một nhà văn.

Kiệt sức sau Thử thách của mình, người anh hùng chí ít cũng tạm thời có được một trong những phần thưởng họ đang tìm kiếm, và đó thường là mục tiêu bên ngoài của họ. Điều này cho phép họ hồi phục và trải nghiệm cảm giác thanh tẩy hoặc giải tỏa cảm xúc, thường đi cùng với nước mắt hay tiếng cười. Becky đã trải nghiệm cảm giác thanh tẩy mạnh mẽ và trọn vẹn. Cuốn sách của Russert với bài luận của chị trong đó là một phần thưởng, nó làm chị bật cười rồi lại òa khóc.

Hành trình trở về

Không lâu sau đó, tôi quay về Tennessee. Có lúc tôi sống trong xe tải, có lúc lại ngủ nhờ chỗ bạn bè. Và tôi lại bắt đầu viết.

Với năng lượng được tái nạp, những người hùng chủ động lựa chọn thoát khỏi vực sâu của thế giới đặc biệt và tìm đường trở về mái nhà ban đầu của họ, hoặc đến với một ngôi nhà mới. Trong những câu chuyện dài hơn, đặc biệt khi người hùng có đối thủ là con người, hành trình trở về hoặc là rút khỏi hang ổ của kẻ địch, hoặc truy đuổi đối thủ vừa đào thoát. Vì con đường đó đầy rẫy nguy hiểm, nên nó sẽ dẫn đến một thảm họa đảo ngược vận may vừa chớm nở của người hùng. Becky đã bước trên một con đường theo đúng nghĩa đen – con đường dẫn chị trở về Tennessee. Và mặc dù không có chi tiết nào kịch tính, nhưng bạn vẫn cảm giác được rằng chị vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi hiểm nguy; về cơ bản, Becky vẫn là một người vô gia cư.

Mùa hè năm sau, tôi trở lại với công việc phóng viên. Tôi đã giành được nhiều giải thưởng. Tôi được sống trong một căn hộ riêng. Tôi không còn vô gia cư nữa, và cũng không còn vô hình nữa.

Tái sinh là cách gọi mà Vogler đặt cho cuộc chạm trán cuối cùng với cái chết và chiến thắng tức thì của người anh hùng. Nó là đỉnh điểm của câu chuyện. Blanton đã lựa chọn một “Cao trào tĩnh” (theo lời Vogler). Trên thực tế, nó yên ắng đến mức người nghe cần phải luận ra lộ trình hồi phục chậm chạp của Becky. Nếu có nhiều thời gian hơn, chị đã thêm vào nhiều chi tiết khác. Thay vào đó, chị đã sử dụng từ ngữ để mô tả kết quả về sau.

Một trong những nguyên tắc của Christopher Vogler là phần thưởng phải tương xứng với sự hy sinh. Becky đã kết thúc hành trình của mình bằng một cuộc sống bình thường, một công việc với sự công nhận xứng đáng và một nơi để sinh sống. Nếu chị trở thành triệu phú và đoạt giải Nobel Văn học, thì hẳn cao trào của chị phải sâu sắc và ấn tượng hơn thế nhiều.

Có hàng nghìn người làm việc toàn thời gian và bán thời gian nhưng vẫn sống trong những chiếc xe tải nhỏ. Nhưng xã hội cứ tiếp tục bêu xấu và hình sự hóa việc sống trong phương tiện giao thông hoặc trên đường phố. Bởi thế, người vô gia cư hay những người vô gia cư có việc làm chủ yếu vẫn trong trạng thái vô hình. Nhưng nếu như gặp một trong số họ, hãy đồng cảm với họ, khuyến khích họ và mang đến cho họ hy vọng. Tinh thần của con người có thể vượt qua bất cứ điều gì, chỉ cần ta có hy vọng.

Tôi không ở đây để lên tiếng thay cho người vô gia cư. Tôi không ở đây để khuyến khích bạn đưa tiền cho người hành khất tiếp theo bạn gặp mặt. Tôi ở đây để chia sẻ với bạn từ kinh nghiệm của bản thân rằng: ta không thể đánh giá con người dựa trên nơi sinh sống, chỗ ngủ hoặc tình trạng sống của họ tại bất cứ thời điểm nào.

Ba năm trước, tôi còn đang sống trong một chiếc xe tải nhỏ ở một bãi đỗ xe của siêu thị Wal-Mart, nhưng hôm nay tôi đang phát biểu trên TED. Và tôi hy vọng mình sẽ luôn và luôn tìm được con đường. Xin cảm ơn.

Trong giai đoạn cuối cùng, người hùng sẽ trở về với những báu vật như tình yêu, sự tự do, kiến thức hay sự thịnh vượng. Họ có thể chia sẻ những món quà này với người khác để cải thiện cuộc sống của mình. Trong một bài diễn thuyết trên TED, thứ thần dược tự nhiên chính là một ý tưởng đáng lan tỏa. Thông qua lắng nghe câu chuyện của Becky, khán giả đã được gặp gỡ một người vô gia cư – điều mà hầu hết những người được hưởng phước dù khiêm tốn nhất cũng không bao giờ làm. Trong quá trình đó, họ đã học được một điều, đó là “đừng trông mặt mà bắt hình dong”.

Mỗi câu chuyện đều phải có một kết thúc có hậu hoặc không có hậu. (Vâng, phương án thứ ba là một cuộc phiêu lưu kỳ thú khác, nhưng tốt nhất ta nên dành nó cho những bộ phim có các phần kế tiếp đã được lên kế hoạch). Những câu chuyện với kết thúc có hậu luôn truyền cảm hứng với hiệu quả cao. Chúng khiến mọi người tin rằng: “Tôi có thể làm được việc đó.” Ngược lại, những câu chuyện mang tính cảnh báo lại phù hợp hơn với mục đích giáo dục. Vì niềm vui là động lực lâu dài và mạnh mẽ hơn nỗi đau, nên theo tôi, bạn hãy dành phần lớn thời gian để kể những câu chuyện mang kết thúc có hậu. Phần kết cho câu chuyện của bạn là cơ hội để truyền đi sự hiểu biết. Câu chuyện của bạn sẽ sâu sắc hơn nếu kết thúc với cảm xúc riêng.

Thời điểm sử dụng một câu chuyện bi kịch là khi bạn đang cố gắng khắc sâu những đặc tính an toàn vào tâm trí của đối tượng người nghe làm việc trong các ngành nguy hiểm như xây dựng và thực thi pháp luật. Không có lời kêu gọi “Cẩn thận” nào hiệu nghiệm hơn câu: “Hãy nghe đây, nếu không anh có thể là người kế tiếp ra đi trong một tai nạn bất cẩn mà lẽ ra có thể ngăn được đấy.” Nếu quả thực bạn định kể một câu chuyện kết thúc bằng bi kịch, hãy dành thời gian trong phần cuối để tìm kiếm các phương cách mà nhân vật trong đó đáng ra đã có thể sử dụng để tránh được số phận của họ.

Trên hết, với những câu chuyện lạc quan, bạn sẽ thành công hơn nhiều so với những câu chuyện tiêu cực, thậm chí trong một môi trường vắng bóng phi ảo tưởng; nếu được, trước hết hãy thừa nhận những điều không đúng rồi hướng đến những kết quả tích cực. Phải, khán giả khao khát những diễn giả và các câu chuyện xác thực, nhưng họ cũng mong tìm thấy niềm vui và sự say mê trong chúng.

Dấu ấn của một câu chuyện tuyệt vời đó là nó cho phép người nghe khám phá từng lớp tri thức thông qua quá trình diễn giải. Sự tinh tế này nằm ở chỗ nó không quá tập trung vào kết quả. Để giúp người nghe bóc từng lớp vỏ của củ hành, bạn phải khiến câu chuyện của mình đầy ắp những yếu tố cá nhân và cảm xúc cùng các chi tiết sống động. Câu chuyện không cần phải khách quan hay cân đối. Thực ra, những câu chuyện hấp dẫn nhất luôn được kể lại từ một góc nhìn chủ quan. Bạn cần cảm xúc soi rọi con đường mình đi, và chỉ đạt được điều đó khi bạn bày tỏ những niềm tin mạnh mẽ nhất.

Quy tắc vàng trong kể chuyện là “Đừng kể, hãy cho họ thấy.” Nói cách khác, bạn cần làm sống lại câu chuyện bằng cách tái hiện những trải nghiệm của mình trên sân khấu, chứ không phải đơn thuần thuật lại. Những hình ảnh truyền tải nên bao gồm các nhân vật có thực được lật mở thông qua đối thoại và vẻ bề ngoài.

Những nhân vật có thực, với toàn bộ sự xấu xí và độ phức tạp của họ, là cơ sở cho mọi câu chuyện mê hoặc lòng người. Bằng cách nhận biết những đặc điểm cụ thể của nhân vật, người nghe sẽ tự hình dung ra bản thân họ và những người họ quan tâm như các nhân vật chính. Hãy mời gọi khán giả bước vào câu chuyện của bạn, sống trong nó cùng bạn bằng cách thể hiện lại các nhân vật và phản ứng của họ. Chúng bao gồm những gì nhìn thấy được – tư thế và cử chỉ – những gì nghe thấy được – âm điệu của giọng nói – và những gì được ngụ ý – tức đặc điểm tính cách và khao khát của nhân vật.

Trừ khi bạn đã có kinh nghiệm trình diễn, nếu không, bạn sẽ thấy lạ lẫm và không thoải mái trong lần đầu thực hiện điều này trên sân khấu. Chìa khóa ở đây là đừng quá cả nghĩ, hãy chỉ xoáy vào cá tính riêng biệt của từng nhân vật như thể bạn đang hướng ánh đèn sân khấu vào họ. Bạn cũng có thể tự an ủi rằng trên thực tế không có màn trình diễn kịch tính nào là “hợp lý” hay “hoàn hảo”. Bằng việc xoay chuyển đến mức độ khiến bạn thấy thoải mái nhưng không quá đà, bạn sẽ giữ được tính xác thực.

Thay vì chỉ đơn thuần thuật lại hành động của các nhân vật, hãy cho khán giả nghe những cuộc đối thoại mang tính trao đổi, sinh động. Khi cuộc đối thoại kể chi li về những gì nhân vật suy nghĩ, hành động hay cảm nhận, nó sẽ mất đi tính thực tế. Hãy nhớ về cách mọi người trò chuyện. Những cuộc trò chuyện thực sự thường đi vào thẳng vấn đề. Nó có được tính chân thực nhờ các câu rút gọn, lấp lửng hay thậm chí những biểu lộ bất chợt như “ừm,” “kiểu như thế” hay “bạn biết đấy”. Đó là cách chuyển tải cảm xúc. Mặc dù hình thức đối thoại có thể được sử dụng (không thường xuyên) để chia sẻ thông tin, nhưng mục đích chính của nó là tiếp tục câu chuyện hoặc góp phần thể hiện những thế mạnh, thiếu sót và khao khát của nhân vật.

Cuộc đối thoại thực sự sẽ đạt hiệu quả mạnh mẽ hơn nếu nó truyền tải được những ẩn ý, tức ý nghĩa sâu sắc hơn về cảm xúc và mong muốn có thực của nhân vật. Trong nỗ lực bảo vệ cái tôi của mình khỏi sự bẽ bàng, các nhân vật thường khá mập mờ và có những phát biểu trái với điều họ thực sự mong muốn. Ngoài quanh co và dối gạt, một hình thức đối thoại đầy ẩn ý phổ biến khác là để các nhân vật thảo luận về một chủ đề đóng vai trò tượng trưng hay ẩn dụ cho một vấn đề mơ hồ không được nói ra.

Hợp lý nhất là mỗi nhân vật nên có một lối nói hay giọng điệu đặc trưng. Dựa trên các nguyên mẫu, mẫu nhân vật học vấn thấp sẽ nói chậm hơn và phát âm kém rõ ràng. Nếu diễn giả là nữ, cô ấy có thể dùng tông trầm thấp khi dẫn lời của nhân vật nam.

Nếu một nhân vật đã có tuổi, giọng nói có thể hơi cộc cằn. Giọng địa phương đôi khi cũng phù hợp. Như tôi đã cố ý mở đầu đoạn này bằng cụm từ hợp lý nhất là. Trong hầu hết các cuộc đối thoại, giọng điệu của từng nhân vật chỉ cần được điều chỉnh sao cho đủ thích ứng để khác biệt. Tất nhiên, trường hợp ngoại lệ sẽ dành cho những nhân vật được cường điệu quá mức nhằm mục đích mang lại tiếng cười khuây khỏa.

Các nhân vật của bạn cũng nên có vị trí cố định trên sân khấu. Khi bạn thể hiện một nhân vật cụ thể, hãy đứng vào vị trí được ấn định của nhân vật đó trên sân khấu. Khi bạn cần thuật lại câu chuyện, phương pháp hiệu quả sẽ là bước lên một bước về phía khán giả, rồi lùi lại một bước khi quay lại với nhân vật đó.

Có lẽ sai lầm lớn nhất mà các diễn giả thường mắc phải khi thuật lại các câu chuyện chính là tạo ra một bối cảnh quá mơ hồ. Để tạo tính thực tế và cho phép khán giả sống cùng câu chuyện, bối cảnh phải có thời gian, địa điểm và bầu không khí cụ thể.

Hoặc do lẽ tự nhiên, hoặc cũng có thể do hoàn cảnh lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích mở đầu bằng cụm từ “Ngày xửa ngày xưa…” mà người nghe phải đặt cho được câu chuyện của bạn vào một bối cảnh lịch sử. Điều này nên được thực hiện thật sớm trong bài diễn thuyết, thường ngay từ lời mở đầu. Blanton đã làm được điều đó trong câu thứ hai của mình, “Cách đây ba năm …” Những câu chuyện được kể lại khéo léo cũng cần báo hiệu rõ khoảng thời gian trôi qua. Bên cạnh việc nhắc đến các mùa tiếp nối nhau trong năm, Becky còn sử dụng những dấu hiệu gợi ý khác như các cụm từ “Cuối cùng …”“Không lâu sau đó…” Mặc dù những ngụ ý sau khá mơ hồ nhưng khán giả không bao giờ cảm thấy lạc lối trong mạch thời gian.

Blanton cũng đưa ra các mô tả tạo cảm nhận mạnh mẽ về bối cảnh của mình, bao gồm nội thất bên trong chiếc xe tải Chevy đời 1975, phòng khám sức khỏe cho người vô gia cư và một hiệu sách. Các bối cảnh có thể tác động đến mọi giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và thậm chí cả vị giác. Tuy nhiên, bạn phải làm điều đó thật tinh tế. Hãy tránh đánh vào mọi giác quan cùng một lúc vì bài diễn thuyết của bạn sẽ từ hùng hồn trở nên hoa mỹ. Mặc dù sẽ tốt hơn nếu ta biết rõ màu sắc của chiếc xe (nhân tiện, nó có màu xanh lá), nhưng chỉ cần để khán giả biết Blanton bị mắc kẹt trong một chiếc xe hơn 30 năm tuổi là đủ. Người nghe có thể hình dung được vẻ ngoài chằn chặn như chiếc hộp, rỉ sét và đầy vết lõm ngoài của nó. Tương tự, chị không cần phải mô tả mùi hoặc âm thanh khi sống cùng với một chú mèo và một chú chó to trong không gian chật hẹp – tốt nhất hãy để dành chúng cho trí tưởng tượng.

Bầu không khí – yếu tố cuối cùng của bối cảnh – là chìa khóa tạo nên tâm trạng. Các mùa trong năm, thời tiết, ánh sáng và thậm chí cả những sự vật cụ thể hàm chứa những nỗi niềm bên trong cũng giúp diễn giả xây dựng được bối cảnh mà không phải nhiều lời.

Có thể tôi đã tạo cho bạn ấn tượng rằng bạn phải kể một câu chuyện cá nhân hấp dẫn và mang tính sống còn. Tuy nhiên, trên TED có vô vàn bài diễn thuyết tuyệt vời trong đó diễn giả kể về câu chuyện của người khác. Một ví dụ hay chỉ xuất hiện khi diễn giả thổi hồn vào những câu chuyện vốn kén người nghe về các nghiên cứu học thuật hoặc công nghiệp.

Malcolm Gladwell, tác giả của hai cuốn sách The Tipping Point (Điểm bùng phát)Blink (Trong chớp mắt) đồng thời là nhà biên sử tài ba về tâm lý học đại chúng, đã làm được điều này trong bài diễn thuyết nổi tiếng mang tên Choice, Happiness and Spaghetti Sauce (tạm dịch: Lựa chọn, hạnh phúc và nước sốt mì Ý). Ý tưởng đáng lan tỏa của ông là “hãy chấp nhận sự đa dạng của con người để con người có thể hạnh phúc hơn”. Nói cách khác, mọi người không muốn nước sốt mì Ý, mà họ muốn có nhiều loại nước sốt mì Ý. Để chứng minh cho quan điểm của mình, Gladwell đã chia sẻ câu chuyện về Howard Moscowitz, một nhà khoa học thực phẩm có tư tưởng cách mạng. Bảng 3.2 là dàn ý dưới dạng tiền đề-dẫn chứng cho bài phát biểu của Gladwell.

Bảng 3.2. Dàn ý bài diễn thuyết Lựa chọn, hạnh phúc và nước sốt mì Ý của Malcolm Gladwell trên TED

Vì hai lý do, bài diễn thuyết của Malcolm Gladwell có cấu trúc rất phức tạp. Thứ nhất, ông thuật lại trọn vẹn nhiều câu chuyện phụ bên trong câu chuyện chính. Thứ hai, ông không nhất nhất đưa ra một tuyên bố cụ thể cho các tiền đề mà người nghe cần rút ra từ chuỗi tiền đề diễn dịch của ông. Để thấy được điều này, chúng ta sẽ phân tích bài diễn thuyết của ông theo khung kể chuyện kiểu Pixar nguyên bản như trong Bảng 3.1, và sử dụng kỹ thuật phân tích chuỗi tiền đề. Trong quá trình này, bạn sẽ thấy rằng hầu hết các yếu tố điển hình trong hành trình của người hùng đều xuất hiện trong bài diễn thuyết của Malcolm.

Hồi I. Ngày xửa ngày xưa, có một nhà khoa học thực phẩm được đào tạo từ Harvard tên là Howard Moscowitz. Ngày qua ngày, Howard rất thích đo đạc thứ này, thứ kia trong hãng tư vấn nhỏ của mình ở White Plains, New York. Cho đến một hôm, công ty PepsiCo thuê ông xác định xem nên cho bao nhiêu chất làm ngọt nhân tạo vào sản phẩm Pepsi dành cho người ăn kiêng. Khi cố gắng suy luận từ dữ liệu thu được, ông đã giác ngộ – “Họ đã đặt sai câu hỏi. Họ đang tìm kiếm một sản phẩm Pepsi hoàn hảo, trong khi lẽ ra họ nên tìm kiếm những sản phẩm Pepsi hoàn hảo.” Nhưng PepsiCo và mọi người đều nghĩ ông mất trí.

Hồi II. Chính vì thế, ông đã cố gắng chứng minh mình không điên bằng cách hé lộ những hiểu biết tương tự về món dưa chua, thế nhưng giới công nghiệp thực phẩm vẫn không chịu lắng nghe. Và do đó, ông đã áp dụng học thuyết về sự đa dạng hương vị của mình cho nước sốt mì. Cuối cùng, Campbell’s – nhà sản xuất nước sốt mì cho Prego – đã kiếm được hàng trăm triệu đô-la từ ý tưởng của ông.

Hồi III. Và kể từ đó, phát hiện của tiến sĩ Moscowitz đã được áp dụng trong nhiều ngành hàng thực phẩm như mù tạt, giấm, dầu ô-liu và các loại cà phê, mang lại nhiều lợi ích tương tự cho các công ty và người tiêu dùng. Bài học rút ra từ câu chuyện này là “bằng cách trân trọng sự đa dạng nơi con người, chúng ta sẽ tìm thấy con đường chắc chắn hơn dẫn đến hạnh phúc thật sự.”

Malcolm đã lồng ghép những câu chuyện phụ hoàn chỉnh vào câu chuyện chính bao trùm, đây là một kỹ thuật tinh vi vay mượn từ tiểu thuyết và điện ảnh. Mặc dù thường được thực hiện dưới hình thức một đoạn hồi tưởng, nhưng kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng như cách Malcolm đã làm với mạch thời gian bình thường của câu chuyện. Bạn có thể thấy nó trong ví dụ sau đây, khi câu chuyện phụ về nước sốt mì Ý được phân nhỏ theo khung kể chuyện kiểu Pixar. Xin lưu ý rằng trong phần này, Malcolm đã chuyển góc nhìn từ nhân vật chính Howard Moscowitz sang công ty Campbell’s Soup như nhân vật người hùng.

Hồi I. Ngày xửa ngày xưa, vào đầu thập niên 1980, công ty Campbell’s Soup đang thất thế trong cuộc chiến nước sốt mì giữa nhãn hàng Prego cực kỳ nổi trội (theo Gladwell, người đã dẫn chứng kết quả kiểm nghiệm thực phẩm nổi tiếng hồi thập niên 1970) với đối thủ Ragú. Cho đến một ngày, công ty đã thuê Howard Moscowitz khắc phục dòng sản phẩm của mình.

Hồi II. Chính vì thế, Howard đã lập công thức cho 45 loại nước sốt mì khác nhau. Và do đó, ông tiến hành thu thập dữ liệu về khẩu vị của “vô số người”. Cuối cùng, ông phát hiện ra rằng người Mỹ thường rơi vào ba nhóm: “Những người thích nước sốt thường, những người thích nước sốt đậm đà và những người thích nước sốt đặc biệt sánh.”

Hồi III. Và kể từ đó, công ty Campbell’s “đã hoàn toàn thâu tóm ngành kinh doanh nước sốt mì Ý trong nước. Và hơn 10 năm sau đó, họ đã kiếm được 600 triệu đô-la từ dòng sản phẩm nước sốt đặc biệt sánh của mình.” Bài học rút ra từ câu chuyện này là sự đa dạng sẽ mang lại lợi nhuận lẫn niềm vui sướng.

Lưu ý, cấu trúc “chuyện trong chuyện” của Gladwell sẽ còn phức tạp hơn hoặc được nâng cao hơn nữa tùy thuộc cách nghĩ của bạn, nhờ ông thường xuyên vận dụng điềm báo. Ví dụ, ông đã nhắc sơ qua khi ám chỉ Nescafé trong phần đầu câu chuyện về Pepsi dành cho người ăn kiêng trước khi bàn sâu trở lại về sự đa dạng của cà phê hai lần sau đó. Ông lặp lại kỹ thuật này lần nữa khi nhắc đến mù tạt trong câu chuyện nước sốt mì Ý, chỉ để quay lại sau với nó cùng thông tin đầy đủ trong câu chuyện về hãng mù tạt Grey Poupon.

Malcolm đã khéo léo đan cài chuỗi tiền đề diễn dịch vào bộ khung câu chuyện của mình. Chuỗi tiền đề của ông bắt đầu với tuyên bố đã được thực tế chứng minh rằng không có sản phẩm Pepsi hay món dưa chua nào hoàn hảo. Điều này gợi lên câu hỏi, “Liệu có một loại thực phẩm hoàn hảo nào hay không?” Và Malcolm đã trả lời dứt khoát là “không” vì ta luôn quan sát được hiện tượng tương tự ở nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do điều này không giải đáp triệt để câu hỏi cuối cùng, nên người nghe lại hỏi tiếp: “Nhưng sao ông biết được điều này đúng với mọi loại thực phẩm?” Logic vẫn tiếp tục và câu trả lời là do mọi người không thể diễn tả những gì họ muốn. Tuy nhiên nếu quan sát họ, bạn sẽ nhận thấy rằng mỗi người lại có một sở thích khác nhau. Do đó, không có loại thực phẩm duy nhất nào đạt được sự hoàn hảo thuần nhất. Câu hỏi cuối cùng của khán giả là: “Ừm, vậy thuyết đa dạng này có thể ứng dụng ngoài phạm vi khoa học thực phẩm không?” Một lần nữa, Malcolm Gladwell đã đáp lại với thông điệp tối thượng của ông: “Bằng cách trân trọng sự đa dạng ở con người, chúng ta sẽ tìm thấy con đường chắc chắn hơn dẫn đến hạnh phúc thật sự.”

Cả Becky Blanton và Jill Bolte Taylor đều chia sẻ trên TED những bài diễn thuyết lồng ghép một câu chuyện cá nhân. Không có sự đan cài chuỗi tiền đề hay dẫn chứng nào ở đây; thay vào đó, mỗi diễn giả đều kết thúc với một bài học luân lý mạnh mẽ hướng tới khán giả. Tuy nhiên, nhiều diễn giả khác lại kết hợp các đoạn minh họa cá nhân độc lập với lập luận logic. Như trong Bảng 3.3, bài diễn thuyết của người mẫu thời trang Cameron Russell sẽ minh họa cho phương pháp này.

Bảng 3.3. Dàn ý bài diễn thuyết Looks Aren’t Everything. Believe Me, I’m a Model (tạm dịch: Ngoại hình không phải là tất cả. Hãy tin tôi, tôi là người mẫu) của Cameron Russell trên TED

Trong phần đầu, Cameron Russell đã đi thẳng vào thông điệp cốt lõi rằng hình ảnh, mặc dù chỉ là vẻ bề ngoài, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của chúng ta. Thông điệp của cô đi kèm với phần minh họa thay đổi một đôi giày cao gót bằng đôi giày đế bằng, và che đi chiếc váy ngắn bó sát đen bằng một chiếc váy dài đến mắt cá chân, cùng một chiếc áo len rộng rãi. Cameron thay đổi trang phục nhằm cho thấy ngoại hình, cũng như cảm nhận của con người, có thể biến đổi trong chớp mắt ra sao.

Phần thân bài diễn thuyết cũng sử dụng một phương pháp tài tình khi đưa ra năm câu hỏi phổ biến nhất mà cô thường gặp về lựa chọn nghề nghiệp khác thường của mình. Đây là một nhóm tiền đề quy nạp bao gồm năm “lý do” giải thích tại sao hình ảnh tuy chỉ là vẻ ngoài nhưng lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Mỗi câu trả lời của cô đều khiêm tốn và khác thường. Cô đã nâng tầm chúng bằng những minh họa về bản thân được hỗ trợ bằng các dẫn chứng trong nhiếp ảnh. Ngoài ra, cô còn củng cố hai phần trong lập luận của mình bằng nghiên cứu hàn lâm về sắc tộc trong nghề người mẫu, cùng số liệu thống kê của cảnh sát về tác động của chính sách “chặn-và-lục soát” các thanh niên da màu hoặc gốc Latin ở thành phố New York.

Vì Cameron bắt đầu bài diễn thuyết bằng ý tưởng đáng lan tỏa, nên cô đã nhắc lại nó một lần nữa và liên hệ nó với tất cả khán giả vào phút cuối. Sau khi đã chứng minh rằng hình ảnh tuy có tác động mạnh nhưng chỉ là vẻ bề ngoài, cô liền hối thúc khán giả hãy học cách yêu thương bản thân:

Nếu có điều gì đáng để tiếp thu ở bài diễn thuyết này, thì tôi hy vọng đó là tất cả chúng ta đều cảm thấy thoải mái hơn khi thừa nhận rằng hình ảnh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành công và thất bại theo cảm nhận của chính chúng ta.

Trong hai chương vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu hình thức tường thuật theo hướng tiền đề và hướng kể chuyện trong các bài diễn thuyết trên TED. Giữa hai thái cực này là các lối thuyết minh cân đối thường thấy nhất khi diễn giả kể câu chuyện về một người khác.

Các phương thức kết hợp giữa lập luận logic và chuyện kể là thành tố quan trọng làm nên một bài phát biểu hiệu quả. Ngoài ra, câu nói “Hãy (hành động) để đạt (kết quả)” là cách tóm gọn rất hay thông điệp trọng tâm khi xây dựng bài diễn thuyết. Tuy nhiên, nó chưa phải là cách kết nối từ ngữ tinh tế nhất. Chương tiếp theo sẽ tập trung giải thích bạn phải làm thế nào để ý tưởng đắt giá của mình lan tỏa rộng hơn.

Bình luận
× sticky