Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hùng Biện Kiểu Ted

Chương 20: Chuẩn Bị Mà Không Lo Sợ

Tác giả: Jeremey Donovan

BÍ QUYẾT 103: Tập nói ít nhất ba lần trong môi trường nhiều phản hồi

Việc kiểm soát tâm trạng lo âu khi đứng nói trước công chúng thực ra bắt đầu từ rất lâu trước ngày bạn đứng lên thuyết trình. Cụ thể, nếu diễn thuyết trên TED, bạn nên luyện tập ít nhất ba lần trong môi trường an toàn và nhiều phản hồi. Chỉ một diễn giả lão luyện cũng đủ tư cách mang lại một môi trường nhiều phản hồi, tuy vậy, có lẽ bạn muốn tụ tập một nhóm nhỏ bạn bè và cùng địa vị. Mục tiêu của bạn là diễn thuyết theo phong cách trò chuyện và tránh thuộc lòng hay đọc lại kịch bản như in. Luyện tập ba lần sẽ giúp bạn có được cảm giác quen thuộc và sự tự tin cần thiết đối với nội dung để đứng lên thuyết trình.

Trình bày trước một nhóm bạn hay đến một cuộc họp nhóm của Toastmasters sẽ hay hơn tập nói trước gương, đọc lại hay nghe lại bài trình bày của mình theo những lời khuyên sáo rỗng. Nhờ mô phỏng bối cảnh thật, bạn sẽ có thể luyện tập thực sự một khi tuân thủ theo lịch tập. Ngoài ra, áp lực phải nói trước người khác sẽ giúp ghim chặt bài diễn thuyết vào tâm trí bạn.

Trừ phi bạn có kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu, nếu không, tôi khuyên bạn nên soạn đề cương bài nói của mình thay vì chép ra nội dung rồi đọc nguyên văn. Ngay cả khi bạn có thể ghi nhớ một lượng lớn nội dung, thì các bài thuyết trình đọc thuộc lòng đều nghe như giả dối. Hơn nữa, nếu bạn lạc hướng, thì việc quay lại ý chính sẽ khó hơn rất nhiều so với khi bạn thực hành trên đề cương. Sau mỗi lần bạn tập diễn thuyết, kết quả lại khác đi và tốt hơn đôi chút.

Nỗi lo sợ của bạn có thể sẽ tăng thêm khi bạn đến nơi diễn thuyết. Nói trước công chúng là một màn trình diễn trước khán giả. Cũng như các đạo diễn sân khấu phải đảm bảo mọi thứ sẵn sàng trước khi tấm màn nhung kéo lên trong một vở kịch, những diễn giả xuất chúng cũng phải kiểm soát được môi trường quanh họ. Hãy đến sớm để có đủ thời gian hòa mình hoặc điều chỉnh công nghệ và không gian vật chất.

Nếu bạn sử dụng công nghệ, đừng để sót một ngóc ngách nào. Hãy luôn chuẩn bị một “kế hoạch B”, chẳng hạn như đề cương một trang (nên ưu tiên) hoặc một bản sao in các slide của bạn. Hãy thử qua micro. Hãy chạy qua một lượt tất cả các slide ở chế độ trình chiếu để đảm bảo máy tính chạy tốt và phần đồ họa hình ảnh đúng như mong đợi. Chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái tự mãn. Một lần nọ, tôi đã ngây thơ chèn hình ảnh một tấm biển báo ngừng vào bài thuyết trình và không hề chạy thử. Tôi đã rất choáng và phát hoảng khi tấm biển báo dừng này bắt đầu vụt lóe lên một cách rất phản cảm trong bài thuyết trình trước dàn lãnh đạo cấp cao của công ty. May thay, họ cũng có khiếu hài hước; nhưng tôi đã thấm thía rằng cẩn thận chẳng bao giờ là thừa.

Hiểu rõ hay thậm chí thay đổi môi trường xung quanh cũng quan trọng hệt như việc kiểm tra công nghệ. Bất kể bạn có thể thay đổi môi trường xung quanh hay không, bạn vẫn nên luôn dành thời gian lên kế hoạch xem mình sẽ tận dụng không gian vật chất như thế nào. Chẳng hạn, nếu được thoải mái di chuyển khi thuyết trình, bạn có thể quyết định mình nên đứng đâu và di chuyển theo lối nào. Nếu được phép thay đổi môi trường, bạn có thể chọn ngụy trang bàn ghế, đặt thêm hoặc bỏ bớt bục diễn thuyết hay đặt lại vị trí bảng trắng.

Việc đến nơi sớm để kiểm soát môi trường sẽ trao cho bạn sự tự tin để thể hiện trong suốt buổi diễn thuyết của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một lợi ích rất hấp dẫn nữa. Khi bạn đã làm chủ được công nghệ và không gian vật chất, việc đến sớm sẽ mang lại cơ hội vàng để xây dựng mối quan hệ tốt với khán giả trước khi phát biểu một cách trang trọng. Nhờ lắng nghe cẩn thận, bạn sẽ tạo ra được đồng minh và có thể đưa những hiểu biết sâu sắc và câu chuyện của họ vào bài diễn thuyết của mình.

Để giải tỏa năng lượng lo lắng ngay trước khi bước lên sân khấu, hãy lắc mạnh hai bàn tay và cánh tay – cứ cho rằng khán giả không nhìn thấy bạn. Tiếp theo, hãy thở thật chậm và thong thả bằng cơ hoành, kéo đầy hơi xuống bụng khi hít vào và thóp bụng lại khi thở ra; nếu bạn làm đúng, vai của bạn sẽ không lắc lư. Thêm nữa, hãy để ghi chú của bạn trong túi áo hoặc túi quần. Có thể bạn không bao giờ cần đến chúng, nhưng nỗi lo sợ vô thức của bạn sẽ lắng dịu khi có chúng ở đấy. Và hãy học theo thói quen của các diễn giả chuyên nghiệp, đó là dọn sạch túi, không để thứ gì khác ngoài ghi chú của bạn trước khi bước lên sân khấu.

Khi bạn bắt đầu diễn thuyết thật sự, hãy nhớ rằng khán giả thực lòng mong muốn bạn thành công. Dù không khuyến khích bạn học thuộc lòng toàn bộ bài diễn thuyết, nhưng tôi khuyên bạn nên nhớ kỹ phần giới thiệu. Khi bạn khởi đầu thật mạnh mẽ, sự tự tin sẽ theo sau.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng các diễn giả căng thẳng thường có khuynh hướng nói quá nhanh. Hãy nói chậm lại và ngắt nghỉ thoải mái. Những quãng ngắt nghỉ giúp khán giả có thời gian bắt kịp thông điệp của bạn và cũng cho bạn thời gian để hít thở thật chậm và thong thả. (Những quãng nghỉ cũng là một phần của phương pháp “nói bật ra và ngắt nghỉ” để chữa thói quen dùng từ lấp chỗ trống mà ta đã thảo luận trong Chương 11).

Màn hình chạy chữ, tức màn chiếu đặt đối diện với người trình bày, rất cần cho những ai có bài thuyết trình nhiều rủi ro. Nếu bạn sử dụng slide, màn hình chạy chữ sẽ cho phép bạn tiếp tục nhìn về phía trước khi sang slide tiếp theo. Điều này cũng giúp bạn giảm huyết áp và khiến bạn trông sáng sủa hơn do không cần liên tục quay lại kiểm tra màn hình.

Màn hình chạy chữ cũng quan trọng không kém khi bạn trình bày mà không dùng slide. Nhà tổ chức sự kiện nên đủ khả năng đưa tất cả những gì bạn muốn lên màn hình. Tôi khuyên bạn nên soạn đề cương với kiểu chữ lớn, cực tối giản và vừa gọn trong một trang màn hình, vì sẽ thật lạ nếu bạn cầm thiết bị chuyển slide không dây trong khi khán giả không nhìn rõ slide nào. Kỳ lạ là bạn không cần đến nó, nhưng lại phải đảm bảo nó có sẵn đó phòng khi bạn cần. Ngay cả khi có người chuyển slide hộ bạn, bạn vẫn sẽ không muốn trông cậy người khác đồng bộ chính bạn với bài thuyết trình của mình.

Chứng sợ nói trước công chúng là có thật và khá phổ biến, và việc xếp loại nó là hợp lý hay phi lý không sẽ làm nó biến mất đi. Bạn sẽ không bớt lo sợ hơn khi biết nhiều diễn giả khác cũng xem nói trước đám đông như việc “thà chết còn hơn”. Như tôi đã đề cập trong phần trước, nỗi sợ thuyết trình sẽ không bao giờ biến mất; bạn chỉ phải học cách chuyển hướng năng lượng đó vào phần truyền tải đầy đam mê thông qua luyện tập thường xuyên.

Bình luận