Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mariana

Chương 8

Tác giả: Susanna Kearsley

Thật khó để mô tả cảm giác bị trôi ngược thời gian, trao đổi với một thực tại khác cũng chân thật, hữu hình và thân thuộc y như vậy. Có lẽ tôi không nên cho nó là “trôi”, bởi thực tế tôi đã bị tống – đột ngột và không báo trước – từ thời đại này đến thời đại khác, như thể tôi đã bước qua một cánh cổng xoay vô hình ngăn chia hiện tại và quá khứ vậy.

Khi mọi chuyện xảy ra, vào khoảnh khắc bước qua cánh cổng, tôi vẫn vui vẻ mà không hay biết có điều gì đã thay đổi. Nhận thức ấy, và toàn bộ tác động từ tầm quan trọng của nó, đến muộn hơn, khi tôi trở về là Julia Beckett.

Nhưng khi đứng trên những bậc cửa trước thềm Đàn Cừu Xám tối đó, nhìn chằm chằm người đàn ông chặn ngang khung cửa, tôi không còn là Julia. Julia, cùng toàn bộ ký ức lẫn lộn của cô, đã bị tước đoạt khỏi tôi. Những suy nghĩ của tôi đã trở thành suy nghĩ của một ai đó khác, cơ thể tôi không thuộc về chính tôi, và khi cử động, tôi sống với trải nghiệm lần đầu tiên xảy ra trong đời. Tôi là Mariana, và qua đôi mắt của Mariana, tôi đang nhìn bác mình.

Jabez Howard là một người đàn ông cao lớn, với bờ vai đầy sức mạnh và chiếc cổ to bè. Ông không cần đệm lót dưới tất để tạo cảm giác về những khối cơ bắp, và chiếc quần ống túm cùng áo khoác dạ bị kéo căng hết cỡ tại những đường may không khác gì quần áo dành cho một người có dáng hình nhỏ bé hơn nhiều. Mái tóc được cắt tỉa đủ để đội những bộ tóc giả hợp thời trang, trông lố bịch và tàn bạo dị thường trong thứ ánh sáng xa lạ ấy. Nhưng rồi, cuối cùng ông cũng mỉm cười, làm tôi như lại được nhìn thấy gương mặt mẹ mình, và những mối âu lo của tôi được thay thế bằng cảm giác ấm cúng như được về nhà.

“Ta không nghe thấy tiếng xe ngựa”, ông nói khi nheo mắt nhìn vào mảng tối sau lưng tôi.

“Một con ngựa bị trật chân và người đánh xe không dám mạo hiểm mất thêm một con nữa giữa đêm thế này. Anh ta đã cho cháu xuống quán trọ trong làng.”

“Và chị tự mình đến đây. Chị nên đợi đến lúc trời sáng.”

“Cháu rất hăm hở được đến chỗ bác.” Giọng nói lén lút, nài nỉ của gã đánh xe có bộ dạng dâm đãng cùng mùi hôi thối của bia, thuốc lá và những người khách trọ hợp lại đã chiến thắng nỗi sợ hãi phải đi bộ một mình trên con đường trống trải. Người chủ khách trọ đã tốt bụng chỉ đường và hứa sẽ giữ hộ chiếc rương của tôi cho đến khi tôi có thể quay lại lấy nó.

Bác tôi hừ một tiếng chê trách và quay đi, ra hiệu cho tôi theo mình vào trong. Phòng khách rộng bừng lên như được chiếu sáng từ hàng trăm cây nến, những đốm lửa nhảy múa trên các chân đèn và lấp lánh trên những tấm gỗ ốp tường bóng loáng. “Đóng cửa vào”, ông ra chỉ thị ngắn gọn và tôi tuân theo, chặn bóng tối lẫn cơn bão chực ập đến bên ngoài và chốt then cài bằng sắt.

“Chị đã nói chuyện với ông chủ quán Sư Tử Đỏ?” Ông hỏi.

Tôi biết ông đang hỏi điều gì.

“Cháu bảo ông ấy rằng mình là con của em gái bác, ở Southampton, và đến đây ở với bác một thời gian. Đây là những gì bác Mary khuyên cháu nói.”

Bác Jabez gật đầu thỏa mãn. “Thằng John em ta, mặc cho tất cả sai lầm của nó, đã có lựa chọn hôn nhân chính xác”, ông nói. “Bác chị là người tốt bụng và thông minh. Để tâm mà ghi nhớ lời khuyên ấy. Nơi này rất sợ bệnh dịch nên các du khách đến từ Luân Đôn không được chào đón ở đây.”

“Cháu rất biết ơn”, tôi nói với ông, khi nhớ đến lối cư xử của mình, “vì bác đã cho cháu một mái ấm, trong khi bác hẳn cũng rất e ngại bị lây nhiễm”.

Đôi mắt ông dịu đi. “Ta không có gì phải e ngại. Ta là người ngay thẳng. Lại đây.”

Ông dẫn tôi xuôi theo một hành lang hẹp về phía sau ngôi nhà. Tôi nhích từng bước chân theo ông, chiếc váy đi mượn nặng nề kéo lê trên đôi chân mềm nhũn. Hai ngày đi đường gian khổ đã đưa tôi đến bờ vực kiệt sức, mái tóc vàng xỉn màu vì bẩn thỉu và cáu ghét, còn đôi mắt xanh trũng sâu đỏ ngầu. Bụi đất bám khắp nơi, biến chiếc váy màu xanh lá cây của tôi thành một màu xám xấu xí và chúng còn dai dẳng bết sâu trong cổ họng tôi khiến những tràng ho liên tiếp cũng không thể rũ bỏ hết.

Chúng tôi ra khỏi ánh sáng rực rỡ của phòng khách để bước vào khoảng sáng nhạt màu hơn của căn bếp dài có hơi ấm tỏa ra từ một cái bếp lò thực thụ. Một người phụ nữ ngồi cạnh bếp lò đang cho một em bé bầu bĩnh hồng hào bú. Gần họ, một người phụ nữ trẻ hơn đang lúi húi bên bếp, thành thạo giữ vạt váy tránh xa đám lửa trong khi đảo món ăn nghi ngút khói trong nồi. Cả hai người cùng quay đầu lại khi chúng tôi đi vào bếp, đôi mắt họ quét qua bác tôi trước tiên, rồi mới hướng về chỗ tôi. Ông hất đầu về phía người phụ nữ ôm đứa trẻ.

“Bác Caroline của chị đây”, ông bảo tôi.

Bác gái có một gương mặt dễ chịu, rõ nét và trẻ trung mặc những sợi tóc bạc phá hỏng mái tóc đen mượt. Nhưng tôi thấy vẻ mặt của bác rất đáng lo ngại. Tuy không thân thiện nhưng cũng không ác tâm; chỉ là thiếu đi biểu cảm, không cá tính, đôi mắt thì đờ đẫn và trống rỗng như một con cừu. Bác lơ đễnh gật đầu lại với tôi và tiếp tục đong đưa đứa trẻ.

“Rachel, em gái của vợ ta”, bác trai tôi nói tiếp, khi người phụ nữ kia đứng thẳng dậy từ bếp lò cháy sáng. Cô ấy, ít ra cũng tràn đầy sức sống, và có độ tuổi gần tương đương tôi – có lẽ nhỏ hơn một hoặc hai năm so với tuổi hai mươi của tôi. Mái tóc màu mật ong của cô ấy gợn sóng trên đôi má hồng hào và nụ cười hoạt bát cũng rất ấm áp và hoan nghênh.

“Tôi đang hâm nóng chút bia”, cô ấy thông báo, “và có bánh mì trên bàn nếu cô đói”.

Tôi thực sự đang đói cồn cào ruột gan, vì hầu như không ăn gì từ bữa sáng muộn. Tôi biết ơn và ngồi xuống ghế đối diện bác trai trên chiếc bàn thô ráp bằng gỗ sồi, đón một vại bia thơm ngát bằng đất nung và những lát bánh mì nặng trĩu. Cô gái tên Rachel ngồi bên cạnh tôi, đôi mắt đen chân thật nhìn tôi tò mò.

“Có tin tức gì từ Luân Đôn vậy?” Cô ấy hỏi. “Có thật nhà vua sẽ chuyển đến cung điện Hampton vì sợ hãi dịch bệnh không?”

“Tôi không biết ý định của nhà vua”, tôi thành thật nói, “nhưng người dân bàn tán rất nhiều đến chuyện di chuyển”.

Dưới sự thúc giục của Rachel, tôi kể với họ về nỗi sợ hãi bóp nghẹt cả thành phố, những lời đồn thổi không ngừng cùng những lời cầu nguyện lặng câm, cả những ngôi nhà tôi thấy bị niêm phong ở Westminster, với dấu gạch chéo sơn đỏ cùng dòng chữ ‘Chúa rủ lòng thương’ viết nguệch ngoạc bên dưới bởi một bàn tay điên rồ nhưng vẫn còn hy vọng nào đó.

Bác tôi nhún vai.

“Luân đôn là một nơi báng bổ đầy tội lỗi”, ông nói, “và bàn tay của Chúa đang tìm kiếm sự trả thù. Những ai ngay thẳng thì không cần sợ hãi”.

Tôi nghếch cằm lên, đôi mắt nhức nhối.

“Mẹ cháu không làm gì nên tội”, tôi bảo, “mà bà vẫn chết”.

Bác trai nhai nhồm nhoàm nốt miếng bánh, gương mặt vô cảm. Đôi mắt xanh xám của ông dường như đột nhiên trở nên cứng rắn và xa cách, tương trợ cho tất cả sự điềm nhiên trong giọng nói. “Nó đã làm trái lời cha mình. Trong mắt Chúa, đấy là tội lỗi.”

Tôi không cần thúc bách ông hơn. Tôi thừa biết mẹ mình đã chống lại ý muốn của ông ngoại để lựa chọn một nhân viên sao chép tài liệu nghèo giữa tất cả những săn sóc từ người muốn cầu hôn bà trong vùng. Là người trực tiếp chứng kiến tình yêu của cha mẹ tôi, tình yêu đã soi rọi tuổi thơ của tôi và giúp mẹ tôi trụ vững qua chín năm góa bụa cô đơn, tự tôi không thể gọi lựa chọn của bà là tội lỗi. Nhưng tôi nuốt lại những lý lẽ của bản thân, kịp thời nhớ ra tinh thần can đảm được cha mẹ tôi khuyến khích không được cho phép trong những gia đình khác.

Tôi hạ thấp đôi mắt và hẳn đã cúi gằm nếu bác tôi không vươn bàn tay to lớn qua chiếc bàn để siết cằm tôi và nâng nó lên trong ánh sáng của ngọn lửa.

“Chị trông không giống mẹ chị”, ông lỗ mãng nói sau một lúc nghiên cứu. “Annie là một thiếu nữ duyên dáng. Ở chị, ta cũng không thấy bóng dáng chồng Annie, lạy Chúa.”

“Mọi người bảo cháu giống bà nội.”

Ông làu bàu, mất hứng thú và thả cằm tôi ra.

“Con bé mệt lả rồi, Jabez”, bác gái đột ngột nói từ chỗ ngồi trong góc, với chất giọng cũng vô hồn như đôi mắt, “Rachel có thể chỉ cho con bé phòng của nó.”

“Ừ”, ông thừa nhận. “Chị đi ngủ đi. Chúng ta còn phải dậy sớm để đi lễ nhà thờ.”

Tôi dợm đứng dậy, nhưng ông đột ngột vươn người về trước, đôi mắt dán lên đôi mắt tôi với hứng thú mãnh liệt. “Chị có sợ Chúa không, Mariana Farr?” Ông hỏi.

“Cháu được dạy dỗ để làm thế.”

Ông không thực sự chạm vào tôi, nhưng đôi mắt khiến tôi đông cứng tại chỗ và giọng ông gần như khiến người ta hoảng sợ vì sự dữ dội của nó. “Thổi kèn của ngươi trên thiên đường”, ông êm ái trích dẫn, “dậy vang tiếng cảnh báo trên ngọn núi thần thánh của ta; khiến cư dân mặt đất run rẩy…”. Ông ngừng lại, chờ đợi và tôi nhận ra đó là một bài kiểm cha.

Tôi hoàn thành đoạn trích trong Kinh Thánh hộ ông. “cho ngày Đức Chúa tới”, tôi nói, “cho màn đêm gần kề”.

“Ngoan lắm”, bác tôi khen, lại dựa mình trên ghế với nụ cười thỏa mãn. “Rất tốt. Chúng ta sẽ hợp nhau, chị và ta.”

Đó là câu cho phép lui. Đứng dậy, tôi chúc cả ông lẫn bác gái ngủ ngon và theo cô gái tên Rachel ra khỏi phòng. Cô ấy đi cách vài bước trước mặt tôi, giơ cao một ngọn nến cháy bập bùng soi sáng cho chúng tôi bước lên cầu thang rộng trên tầng trên. Ở đây không khí lạnh hơn, và ẩm ướt, ánh lên từ cây nến đổ những bóng dài trên bức tường chỉ trát thạch cao.

“Phòng của chị ở đây”, Rachel vừa nói vừa dẫn đường đi xuôi theo một hành lang tối đen đến cánh cửa ở góc sau ngôi nhà.

Đó là một phòng ngủ tồi tàn và đơn giản, với một chiếc giường hẹp và một tủ quần áo trống. Có cảm giác Rachel đang quan sát gương mặt tôi khi tôi nhìn khắp căn phòng. “Đây là căn phòng nhỏ”, cô gái nói, “nhưng vô cùng yên tĩnh và chị sẽ thấy toàn cảnh con đường xuôi xuống dòng sông từ cửa sổ”.

Sự hăm hở rõ nét muốn tôi hài lòng của cô ấy ép tôi phải mỉm cười, cảm giác giọng nói của tôi đã bớt chán chường hơn nhiều. Có thể thấy được sự nhẹ nhõm của cô gái, cũng như tính chân thật của sự nhẹ nhõm ấy. “Tôi đã mang một cái váy ngủ của tôi đến cho chị”, cô ấy nói, ra dấu về phía hình dáng mờ trắng trên giường. “Chúng tôi không biết chị có kịp chuẩn bị hành lý không.”

“Cảm ơn cô.”

Tôi nhặt chiếc váy lên và vuốt ve nó trong khi Rachel thắp nến cạnh chiếc giường. Đây hẳn là chiếc váy ngủ đẹp nhất của cô ấy, làm từ vải gai mịn màu trắng với những chiếc cúc trang trí nhỏ xíu. Tôi ngờ rằng nó thậm chí còn chưa bao giờ được mặc.

“Không sao đâu.” Cô ấy đỏ mặt một chút vì thỏa mãn, hơi lưỡng lự nơi ngưỡng cửa với bàn tay đặt trên then cửa. “Tôi rất mừng vì chị đã đến sống ở đây”, cô ấy ngượng ngùng nói.

Trước khi tôi có thể trả lời, cô gái đã đóng cánh cửa ngăn giữa chúng tôi và tôi có thể nghe những bước chân nhẹ bẫng lùi dần trong hành lang. Tự bản thân tôi thì không thấy mừng. Tôi chỉ cảm thấy mệt mỏi, đói và tuyệt vọng. Cởi chiếc váy xanh bám đầy đất ra, tôi mặc chiếc váy ngủ đáng yêu rồi trườn mình vào dưới tấm chăn và vươn tay để dập tắt ngọn nến.

Nơi đây, trong bóng tối, với nhận thức về toàn bộ sức nặng của tình thế hiện giờ đè nặng lên người, nỗi thống khổ cứ thế dâng lên như mật đắng đặc sệt và khó nuốt trong cổ họng tôi. Tôi phát hiện bản thân đang nhớ Luân Đôn, và chiếc giường thoải mái ở nhà, cũng như đôi môi lành lạnh dịu dàng của mẹ chạm lên trán tôi. Mẹ tôi…

Ý nghĩ về bà thêm lần nữa khiến đôi mắt tôi ướt nhòe. Đây cũng từng là nhà bà, tôi nghĩ, khi bà cùng độ tuổi với tôi. Trước khi bà gặp cha tôi và theo ông đi xa. Không ngạc nhiên khi bà rất sẵn lòng bỏ đi. Đây là một ngôi nhà tăm tối và ảm đạm, không có chỗ nào phù hợp với người phụ nữ sống động hay cười trong ký ức của tôi cả. Liệu đây có phải cũng từng là phòng của bà, tôi tự hỏi, liệu bà có từng mang nước mắt vào giấc ngủ như tôi lúc này, áp gương mặt vào tấm chăn để giấu đi nỗi tuyệt vọng của mình không?

Tôi thức giấc trong im lặng và ánh sáng xám lanh lẽo của bình minh. Sự im lặng gần như khiến tôi bối rối. Vào giờ sớm thế này trong ngày, con đường dưới cửa sổ phòng tôi trong thành phố đã nhộn nhịp tiếng người – những người bán hàng rong với những chiếc xe đẩy và xe thồ, những chồng giỏ lắc lư trên cánh tay khi họ lấp đầy không khí trong lành buổi sáng với những tiếng hỗn độn từ những điệu hát ê a, trong khi các quý tộc với đôi mắt mệt mỏi cùng phu nhân mệt rũ đi cùng nhanh chóng về nhà đi ngủ sau một đêm hội hè linh đình.

Tôi nhìn chằm chằm lên trần nhà, vật lộn với nỗi nhức nhối nhớ nhà vừa trỗi dậy và tự hỏi điều gì đã đánh thức mình, khi một tiếng gõ vang lên khung cửa và không đợi trả lời, Rachel đã lướt vào trong phòng. Cô ấy ăn mặc chỉnh tề trong chiếc váy trơn màu cà phê, mái tóc chải đơn giản, không một chút rối, gương mặt đã được rửa cẩn thận sáng bừng và toát lên vẻ điềm tĩnh. Cô ấy bê một chậu nước cùng một mảnh vải xù xì.

“Tôi nghĩ chị có thể muốn tắm rửa trước buổi lễ”, cô ấy vui vẻ chào tôi, rồi đặt chậu nước lạnh bên cạnh giường. “Chị ngủ có ngon không?”

“Rất ngon, cảm ơn cô”, tôi nói dối.

Tiếng huýt sáo phấn khởi xé rách không gian im lặng bên ngoài, giống tiếng huýt sáo của cha tôi đến mức khiến tôi lao ra khỏi giường và chạy đến cửa sổ trước khi tâm trí hoàn toàn nhận thức được những hành động của bản thân. Khung cửa sổ nhìn ra ngoài khu vườn phía sau và chuồng ngựa, với tầm nhìn hướng về phía con sông uốn quanh giữa khu rừng và những cánh đồng, và đồi cỏ xanh mướt phía xa.

Một người đàn ông đang leo lên ngọn đồi từ con đường, vác chiếc rương nặng đựng quần áo của tôi lên vai dễ dàng như thể nó là một bao tải đựng lông vậy. Anh ta bước đi với những sải chân dài nhịp nhàng. Trong khi chiếc mũ rộng vành của anh ta che khuất gương mặt, tôi có thể thoáng nhìn đường viền quai hàm vuông vức và nhẵn nhụi, cùng mái tóc nâu quăn dài tự nhiên.

“Rachel”, tôi nói, ra dấu cho cô gái đến bên cửa sổ, “người đàn ông bên dưới là ai vậy? Người đang nói chuyện với bác tôi kìa”.

Rachel ngoan ngoãn lại gần nhìn, rồi lại quay đi, đôi má ửng đỏ lạ kỳ. “Đấy là Evan Gilroy”, cô ấy nói với tôi. “Anh ấy sống ở trang viên trong làng.”

“Anh ta mang rương của tôi từ quán trọ đến.”

Bác tôi, người vừa ra khỏi bếp để gặp người đàn ông, trông không có vẻ vừa lòng vì thiện ý của anh ta. Bằng cách đứng nhón chân và ép mình thật sát vào lớp kính, tôi có thể thấy rõ cả hai người đàn ông khi họ đứng bên dưới phòng tôi. Gương mặt bác tôi tăm tối và khó chịu, dù không thể nghe thấy những gì ông nói, nhưng tôi biết chất giọng của ông vẫn cụt lủn và khó nghe. Người đàn ông đáp lại gì đó, tôi thấy nụ cười xoẹt qua môi anh ta khi anh ta lẳng cái rương xuống đất rồi quay bước đi cùng tiết tấu vui nhộn, thong thả như trước về hướng ngôi làng.

Trừng mắt nhìn theo anh ta một lúc lâu, sau khi lầm bầm mấy câu thì bác tôi nhẹ nhàng vác cái rương lên vai, thêm lần nữa khiến tôi ấn tượng với kích cỡ to lớn và sức mạnh của ông. Tôi nghe cửa nhà bếp đóng sập lại bên dưới và ngước mắt lên, định tránh khỏi cửa sổ, nhưng ngay lập tức sự chú ý bị một cái bóng dưới cây sồi to bên rìa cánh đồng tóm gọn. Cái bóng dần thay đổi và trở thành một người đàn ông, một người đàn ông tóc đen cưỡi con ngựa xám, đang táo bạo nhìn chằm chằm lên cửa sổ phòng ngủ của tôi.

Khi tôi đứng nhìn theo, phong cảnh mờ ảo chuyển dịch, trở nên nhòe nhoẹt, mọi màu sắc chồng lên nhau như màu nước trên bảng vẽ của một nghệ sĩ, rồi toàn bộ bức tranh bắt đầu rung động và tôi phát hiện bản thân đang liều lĩnh bấu chặt lấy gờ cửa sổ khi cả thế giới trở nên tối đen.

Bình luận