Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mariana

Chương 32

Tác giả: Susanna Kearsley

“Em không được đau lòng.”

Anh đã tỉnh và đang nhìn tôi. Tôi nâng cằm nhìn thẳng vào mắt anh.

“Em không có gì để đau lòng cả”, tôi nói, với sự điềm tĩnh không hề cảm nhận được. “Anh sẽ khỏe lại. Bác sĩ sẽ có mặt ngay bây giờ.”

“Mariana.” Đó là một lời khiển trách nhẹ nhàng, rung lên từ trong lồng ngực tàn tạ của anh. Đôi mắt anh trượt khỏi tôi và tập trung lên một góc sáng lờ mờ của nhà thờ, nơi ánh đuốc không thể chạm đến.

Đương nhiên anh đã nghe thấy cuộc nói chuyện, cũng giống như tôi – những tiếng thì thào bí ẩn của những người hầu đã đưa anh đến đây, họ đang đứng trông chừng ngoài cửa. Đó là một vết thương trí mạng, họ đã nói với tôi thế, chưa khi nào họ nhìn thấy một vết thương thế này, và họ cũng chỉ gặp vài người bị thương trong cuộc đời… tốt hơn hết nên để ngài ấy nằm đó trong yên bình… và họ lắc đầu buồn bã, gương mặt hằn lên nỗi đau buồn của những người đàn ông lớn tuổi khi phải trông thấy một chàng trai trẻ qua đời.

Tôi thấy mình không thể rời mắt khỏi gương mặt anh. Từng sắc thái biểu cảm, từng cái chớp mi, dường như đã trở nên quý giá với tôi hơn chính bản thân sự sống. Chỉ kéo dài không bao lâu trước khi hơi thở của anh trở nên cực kỳ khó khăn, nhưng tôi tưởng tượng giờ anh trông khỏe hơn rồi. Nhìn anh nằm dài và xám nhợt trên chiếc áo choàng, trên mặt sàn lát đá lạnh lẽo của một hốc tường nhỏ hẹp bên dưới tòa tháp khiến tôi sốc khủng khiếp, mái đầu gối lên bệ của một suối nước rửa tội cổ xưa, cằm ngoẹo sang một bên trên vai. Đầu tiên tôi không nhìn thấy máu – không có trên nền vải đen từ áo khoác – nhưng áo sơ mi thì cứng bết lại vì máu, mùi của nó bám dai dẳng một cách buồn nôn trong mũi tôi.

Anh đã nhận được những vết thương dũng cảm, và một chiến thắng dũng cảm. Tôi nghe nói nhà vua đã được cảnh báo kịp thời, Richard đã đối mặt và truy đuổi những tên phản tặc dưới trướng của bác tôi. Bốn người bị hạ sát, nhà vua thì an toàn lên đường đến Oxford, còn Richard… tôi không dám kết thúc suy nghĩ ấy. Vài người có thể gọi đó là một sự trao đổi công bằng, cho mạng sống của nhà vua. Nhưng tôi thì không.

Bên trên đầu chúng tôi, những vị thánh trên ô kính dửng dưng nhìn xuống qua mái vòm đá gân guốc của khung cửa sổ. Không hiểu sao nhà thờ lại mang tới cảm giác chết chóc khác biệt vào ban đêm, không phải vì cơn gió lạnh đã khiến tôi rùng mình. Richard cũng cảm thấy vậy, anh khẽ mỉm cười trong ánh lửa bập bùng.

“Khi anh còn là một đứa trẻ”, anh mơ màng nói, “sau khi mặt trời lặn, anh rất sợ nơi này. Anh nghĩ những ngôi mộ có thể sẽ mở toang bên dưới chân mình, nếu anh giẫm lên trên chúng. Thánh đường dường như đầy rẫy những bóng ma của các thầy tu và giáo sĩ đã chết từ lâu. Nếu trợn mắt lên, anh có thể thấy họ lẳng lặng đứng đó, đến thăm anh. Có lẽ họ muốn anh đi chung với họ.”

“Đừng nói ngốc thế”, tôi nói.

Giọng anh như vọng lại từ một nơi rất xa, điều đó khiến tôi hoảng sợ. “Anh chỉ nói vậy thôi”, anh cười trấn an tôi. “Anh nghĩ cũng khó để các thầy tu chào đón một kẻ ngoại đạo như anh vào nhóm của họ. Bên cạnh đó, hồn ma của anh cũng đã đủ bận rộn lắm rồi, với việc dõi theo em.”

“Tức là anh định sẽ ám theo em sao?”

“Phải.” Đôi mắt anh nhìn tôi thật ấm áp. “Em sẽ không thoát khỏi anh dễ dàng đâu.” Đôi mắt anh lại trượt đi, lần này qua vai tôi về phía bệ thờ. “Điều bí ẩn chính là cái chết”, anh chậm rãi nói. “Shakespeare đã gọi nó là vùng đất chưa từng khám phá, chúng ta đều sợ phải du hành đến những vùng đất mới. Nhưng chắc chắn những bãi biển xa lạ sẽ đầy rẫy các khả năng, đúng không?” Anh nhíu mày. “Anh từng gặp một người đàn ông, ở cung điện của vua Pháp, người tự nhận mình đã sống ở thời La Mã và từng dùng bữa ở bàn ăn của Caesar[1]. Anh đã nghĩ ông ta bị điên”, anh lơ đãng nhớ lại, “Nhưng trông không có vẻ giống như vậy. Nhưng nếu như đúng không phải là vậy thì sao?”.

[1] Danh hiệu của các hoàng đế La Mã.

Tôi lại rùng mình. “Chúng ta bắt buộc phải nói chuyện về cái chết thế sao?”

“Nếu như quả thật linh hồn con người sống lâu hơn cả”, anh tiếp tục, phớt lờ tôi, “và nếu những linh hồn lại được sinh ra lần nữa thì em không cần phải lo lắng hồn ma của anh sẽ ám theo em. Thay vào đó con người bằng xương bằng thịt của anh sẽ bám theo em”.

Đôi mắt tôi dịu dàng hoài nghi. “Và làm cách nào em biết đó là anh, lạy Chúa, trong một cơ thể khác?” “Rất đơn giản.” Anh ráng sức giơ bàn tay lên, xoay những ngón tay lại để cho tôi thấy chiếc nhẫn nặng nề khắc biểu tượng anh đang đeo. “Em hãy nhìn vào đây và ghi nhớ, con diều hâu trùm mũ giáp của gia tộc de Mornay. Chiếc mũ giáp có thể che mờ nó nhưng rồi nó lại có thể thấy rõ ràng hơn là nhìn bằng mắt.”

“Ý anh là em nên tin theo trái tim mình.”

“Hơn cả trái tim. Là linh hồn em.” Bàn tay anh giơ lên cao hơn và siết chặt lấy tay tôi. “Hãy cảm nhận, tình yêu của anh. Không gì có thể phá vỡ nó. Chúng ta là hai nửa của một chỉnh thể, cả anh và em. Diều hâu kết bạn cả đời, và cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chỉ có điều là mới khởi đầu thôi. Thành thật mà nói”, anh mỉm cười nói, “em có nghĩ anh sẽ để một thứ như nấm mồ chắn ngang chúng ta không?”.

“Em sẽ không mất anh.” Giọng nói của tôi run rẩy. Đôi bàn tay to lớn của anh dần buông lỏng trên tay tôi. “Hãy lấy chiếc nhẫn khỏi tay anh.”

“Richard…”

“Cầm lấy chiếc nhẫn của anh”, anh lặp lại, “và mang theo nó cùng với em”.

Giọng anh bướng bỉnh, rồi tôi vâng theo, tháo chiếc nhẫn to lớn khỏi ngón tay vươn ra của anh. Chiếc nhẫn lạnh lẽo, tay anh cũng lạnh lẽo, tôi âu yếm nắm nó trong lòng bàn tay, chớp lại sự ẩm ướt đang dâng cao trong đôi mắt.

“Hãy nhớ đến con diều hâu đó, Mariana Farr”, anh khẽ nói, “và đừng dùng đôi mắt để tìm kiếm anh, mà hãy dùng linh hồn em. Tâm hồn sẽ trông thấy những điều nội tại thật sự ở bên trong.” Một giọt nước mắt nóng bỏng tràn khỏi mắt và chảy dọc xuống má tôi, anh dùng một ngón tay giữ lấy nó. Tôi cố gắng mỉm cười với anh, nhưng không thể, miệng tôi bắt đầu run rẩy, cơn đau lóe lên thiêu đốt chóng vánh trong đôi mắt anh, anh trượt bàn tay ra sau đầu tôi và kéo tôi nằm xuống với anh.

Tôi nếm được vị mặn trên môi mình và vị cay đắng của máu trên môi anh. Đây là nụ hôn chia xa, loại nụ hôn ghi dấu lời giã biệt của những kẻ yêu nhau, một nụ hôn của đau đớn, hối tiếc, và một lời hứa mù quáng không lời. Tôi định ngồi dậy khi nụ hôn kết thúc, nhưng anh ôm tôi thật chặt, bàn tay vuốt ve tóc tôi.

“Em sẽ làm ngực anh đau mất”, tôi phản đối, nhưng anh lắc đầu.

“Anh đã vượt qua đau đớn rồi”, anh nói dối, “anh luôn tưởng tượng sẽ được chết trong vòng tay người mình yêu. Vô cùng lãng mạn”. Những lời của anh dính vào nhau nhẹ bẫng, sau vài phút, cử động của tay anh trên tóc tôi chậm dần, rồi ngừng hẳn.

Ngực tôi thít lại. “Đừng bỏ lại em.” Lời cầu xin buột ra thành một tiếng thì thào thống khổ mà tôi không sao ngăn lại được. “Xin anh. Richard… xin anh hãy ở lại…”

“Đừng sợ”, anh nói, hôn lên mái tóc tôi. “Anh không thể bị phá hủy, nhớ chứ? Anh chỉ ngủ một chút thôi.”

Tôi ngẩng đầu lên nhìn anh. Ngay cả trong ánh trăng mờ mịt đến đáng thương, tôi vẫn có thể nhìn thấy sự thật mà mình kinh hãi. “Không”, tôi thều thào đau đớn. “Xin Chúa, không. Richard…”

“Để lần khác”, anh hứa, mỉm cười và khép mắt lại. Sau một lúc lâu, tôi quay mặt tựa vào vai anh và để cho nỗi đau đớn chiếm cứ trong những tiếng khóc nức nở, cảm giác không gì có thể cứu nổi cơn đau trống hoác vì khổ sở. Tôi cố gắng ôm anh đến liều lĩnh, nhưng anh sẽ không ở lại. Làn vải tấm áo choàng dày bên dưới má tôi rắn lại, trở nên lạnh hơn, cuối cùng trở thành một tảng đá bằng phẳng, cứng cáp. Tôi siết chặt tay quanh chiếc nhẫn của anh, nhưng rồi, nó cũng tan vào không khí. Đằng sau mí mắt nhắm nghiền của tôi, ánh nến trở nên mong manh và tôi cảm giác những tia nắng đầu tiên nhàn nhạt của mặt trời tỏa ấm áp trên làn da. Tôi đang ở một mình trong nhà thờ.

Tôi không biết mình đã nằm đây bao lâu, gương mặt áp trên lớp sàn đá ẩm ướt, đau lòng trước những ước nguyện của một người đàn ông đã chết hơn ba thế kỷ. Tôi chậm rãi chống cả người đứng dậy, lơ đãng lấy tay gạt những giọt nước mắt khỏi gương mặt và ngước mắt nhìn lên những vị thánh có đôi mắt buồn bã trên cửa sổ sáng rực rỡ trên đầu mình.

“Julia à.” Giọng nói đến từ bóng của chiếc cổng đằng sau tôi, khiến tôi nhảy dựng lên. “Julia”, bà Hutherson lại gọi và lặng lẽ yêu cầu, “đến lúc chúng ta đi rồi”.

Tôi bối rối quay lại.

“Tám giờ sẽ tổ chức Tiệc Thánh ở đây”, bà giải thích, “giờ đã gần bảy giờ rồi”.

Đương nhiên rồi, tôi nghĩ. Sáng Chủ nhật. Tôi không nghĩ đến việc đặt câu hỏi về sự diện diện của Alfreda Hutherson tại nhà thờ – việc bà ở đây chờ đợi dường như là vô cùng hợp lý. Tôi không cố gắng hỏi bất cứ điều gì. Vết thương xé lòng từ nỗi đau buồn đã khiến đầu óc tôi tê liệt. Đờ đẫn, tôi gật đầu với bà, lê vài bước dọc theo lối đi giữa hai hàng ghế để tiến về bệ thờ, đọc những cái tên mài mòn dưới chân. “Anh ấy ở đâu?” Tôi hỏi.

“Ở đó.” Bà chỉ. “Bên cạnh cha cậu ấy.”

“Không có cái tên nào cả.”

“Phải.” Bà khẽ cười và tiến lên trước. “Có lời giải thích cho điều đó. Là do bệnh dịch, cháu thấy đấy. Một tháng sau cái chết của Richard thì bệnh dịch tràn đến Exbury, người thợ đẽo đá cũng nằm trong số những người chết. Phải mất hơn một năm sau người ta mới tìm thấy người thay thế, lúc ấy đứa cháu của Richard tên Arthur đã chuyển vào tòa trang viên, cậu ta không muốn dùng tiền của mình để đi khắc đá.”

“Bệnh dịch đã tràn cả đến đây sao?”

“Ồ, phải. Rất khủng khiếp. Ta tin cứ ba người thì có một người chết vì dịch bệnh. Nó gần như đã xóa sổ ngôi làng khỏi bản đồ.”

“Nhưng Mariana vẫn sống.” Tôi mỉm cười không mấy hài hước với phiến đá lạnh lẽo bên dưới chân mình.

“Phải. Đương nhiên rồi”, bà kết thúc, “Nhưng cô ấy cũng không ở đây. Cô ấy bỏ đi, cùng với Caroline, trong vài tháng”.

“Cháu hiểu.” Nhưng tôi chỉ nghe được một nửa. “Chuyện gì xảy ra với chiếc nhẫn?”

“Nhẫn nào?”

“Chiếc nhẫn bạc của Richard, khắc gia huy trên đó. Anh ấy đã trao nó cho Mariana, để cô ấy có thể tưởng niệm anh ấy.”

“Ồ, cái đó.” Bà gật đầu. “Lại đây, ta sẽ chỉ cho cháu xem.”

Tôi theo bà ra bên ngoài nhà thờ cũ kỹ, lặng im và hòa mình vào ánh mặt trời trong trẻo buổi sáng. Cuối cùng cơn mưa đã ngừng, cả thế giới như trở nên tươi mát, sạch sẽ và đượm mùi hương ngọt ngào. Tít cao trên đầu chúng tôi là một con diều hâu chao lượn, cất tiếng kêu the thé và duyên dáng sải cánh đuổi theo luồng gió mỗi lúc một dâng cao. Đến bức tường của nghĩa địa, bà Hutherson ngừng bước và chỉ xuống, “Ở đó”, bà nói. “Giờ chiếc nhẫn nằm ở đó.”

Chúng tôi đang đứng trước nấm mộ của Mariana.

“Cô ấy luôn đeo nó”, bà tiếp tục. “Trên một sợi dây chuyền quanh cổ. John Howard đã tìm thấy nó khi cô ấy qua đời và đã chôn cất cô ấy cùng với nó.”

“John…” Tôi hơi lắc đầu, cố gắng gạn lọc những suy nghĩ lộn xộn của bản thân. “Nhưng John Howard đã mất khi còn ẵm ngửa. Jabez đã giết thẳng bé. Cháu đã chứng kiến điều đó xảy ra.”

“Phải.” Bà nghiêng một ánh mắt lạ lùng về phía tôi. “Thật lạ, không phải sao? Nào, hãy đến đây. Giờ là lúc cháu cần một tách trà đậm đặc thật ngon và thứ gì đó để ăn.”

Tôi máy móc vâng lời, dù không thực sự nghĩ nhiều, lát sau tôi đã thấy mình một lần nữa ngồi gọn lỏn trên chiếc ghế trong nhà bếp trang viên, nhìn bà Hutherson qua bình trà quen thuộc. Bữa sáng bà làm cho tôi rất nhiều và ngon lành, nhưng tôi nhai thức ăn mà không hề cảm nhận được mùi vị của nó, tâm trí vẫn bướng bỉnh trôi về duy nhất một điểm.

“John Howard đã chết”, tôi lặp lại. Nhưng rồi John Howard đã sống để chôn cất Mariana, vào khoảng sáu mươi năm sau. John Howard cũng từng sở hữu chiếc bàn gấp mà tôi mua được ở phiên đấu giá bất động sản, chiếc bàn giấu trong mình chiếc vòng tay mạ vàng khắc bầy chim thiên đường mắt xanh…

“Có năm người biết đến cái chết của đứa trẻ”, bà chỉ ra, đếm họ trên đầu ngón tay. “Jabez Howard, người cùng chết đêm hôm đó. Mariana và Caroline, người đã che đậy chuyện này. Và hai người hầu nhà Richard de Mornay, vị quản gia cùng cô hầu gái, tất cả bọn họ đều giữ bí mật.”

Tôi lắc đầu. “Nhưng tại sao? Vì sao không có ai bận tâm…” Câu trả lời đột ngột đánh vào tôi, tôi giật mình ngước mắt lên. “Ôi, Chúa ơi.”

Bà Hutherson rót đầy tách trà cho tôi. “Cháu không cảm nhận được đứa bé, trong người cháu sao?”

“Không. Ý cháu là, cháu không để ý quá nhiều đến nó.”

“Caroline biết.” Giọng của bà chắc chắn. “Bà ấy thậm chí còn giúp đỡ theo cách của mình. Bà ấy bỏ đi với Mariana, đến một vùng thôn dã, chỉ hai người bọn họ. Và đến mùa xuân thì họ quay về Exbury, trở về Đàn Cừu Xám, họ mang theo một đứa trẻ có tên John. Khó có ai còn nhớ đến đứa trẻ, hay phán đoán chính xác số tuổi của thằng bé. Nên Mariana giữ lại được đứa con của Richard, lẫn thanh danh của cô và Caroline… giữ được bé Johnnie của bà ấy.”

Tôi trừng mắt lặng câm nhìn tách trà chưa hề được đụng đến của mình. “Cháu muốn được nhìn thấy nó”, cuối cùng tôi nói. “Con của Richard.”

“Cháu có thể thấy thằng bé, nếu cháu muốn.”

“Bằng cách nào?”

“Cháu yêu quý”, đôi mắt bà hiền từ, “cháu không hề bị mắc kẹt với thời gian, dù trông thì có vẻ đúng là như vậy. Thực tế tất cả những hồi ức của cháu đều theo trật tự của thời gian – điều gì xảy ra vào tháng Chín hồi đó, thì cũng xảy ra vào tháng Chín lúc này, đúng là vậy đấy. Nhưng có lần cháu đã nhảy cách về phía trước.”

Tôi chớp mắt. “Cháu đã làm thế sao?”

“Chuồng ngựa”, bà nói. “Cháu nhớ chứ? Cháu đã từng đi vào chuồng ngựa một lần và nhìn thấy con ngựa của Richard. Đó là một ký ức nằm ngoài trật tự. Theo ta nhớ điều đó diễn ra vào tháng Năm, nhưng vào thời điểm đó năm 1665 thì Mariana thậm chí còn chưa đến Exbury.” Bà nhìn tôi để đảm bảo tôi vẫn hiểu kịp. “Cảnh tượng cháu nhớ lại đó diễn ra muộn hơn sau đó, vào năm kế tiếp.”

Tôi cố gắng nhớ lại chính xác cảnh đó. Tôi đã đi vào bên trong chuồng ngựa và nhìn thấy Navarre đứng trong ổ của nó. Đó là những gì tôi nhớ. Và rồi…

“Có ai đó huýt sáo”, tôi đột ngột nhớ ra. “Ở bên ngoài. Nghe giống như Evan Gilroy.”

“Dù sao”, bà tiếp tục, “việc nhìn thấy những cảnh tượng diễn ra tại các thời điểm khác nhau giữa cuộc sống của cháu với Mariana rất có thể xảy ra, nếu cháu muốn. Chỉ cần cố gắng, cháu sẽ nhìn thấy. Nhưng”, bà cảnh báo tôi, “cháu không còn nhiều thời gian”.

“Ý bác là sao?”

Bà nhìn thẳng vào mắt tôi. “Cháu nhớ ta từng nói chuyến đi của cháu là một vòng tuần hoàn chứ?”

“Có.” Tôi gật đầu. “Bác nói rằng cháu phải đi hết vòng tuần hoàn trước khi hiểu ra mục đích của tất cả.”

“Phải. Vòng tuần hoàn sắp đóng lại rồi. Và chỉ còn một khoảng thời gian ngắn, có lẽ là vô cùng ngắn, cháu không thể sống cuộc đời của Mariana thêm được nữa.”

Tôi trố mắt nhìn bà. “Ý bác là cháu sẽ quên hết sao?”

“Lạy trời, không.” Bà vội vã cam đoan với tôi. “Những ký ức đó là một phần thiết yếu của cháu, Julia ạ, cháu sẽ không bao giờ quên chúng. Cháu chỉ không thể sống trong chúng thêm nữa, cháu hiểu ý ta chứ?”

“Không, cháu không hiểu.”

“Cháu thấy đấy, việc bị mắc kẹt trong quá khứ rất dễ xảy ra. Quá khứ vô cùng hấp dẫn, con người ta luôn nói về màn sương che phủ của thời gian, nhưng thực sự thì chính thực tại mới là thứ bấp bênh luôn bị che phủ. Quá khứ rõ ràng, ấm áp và thoải mái hơn. Đấy chính là lý do vì sao con người ta luôn bị mắc lại trong đó.”

Tôi buồn bã vật lộn để tiếp thu ý nghĩ đó.

“Thế này tốt hơn nhiều”, bà dịu dàng nói. “Thật đấy. Nếu không cháu sẽ phải tiếp tục làm sống lại đến từng mùa hè, năm này qua năm khác, trong khi ngay lúc này điều cháu nên làm là bước tiếp với cuộc sống ở đây.”

“Còn bao nhiêu thời gian”, tôi hỏi, “trước khi vòng tuần hoàn khép lại như bác nói?”.

Bà Hutherson mỉm cười. “Không lâu lắm. Khi nó đến cháu sẽ biết ngay thôi. Cháu đã ăn xong bữa sáng chưa? Rồi à? Ừm, thế thì đến lúc cháu nên về nhà đi ngủ rồi đấy. Cháu sẽ cảm thấy đỡ hơn một khi cháu ngủ, và ta cũng thế.” Bà ngăn lại một cái ngáp. “Ta cũng có một đêm bận rộn, thức cùng với cháu.”

Đương nhiên rồi, tôi nghĩ thầm, và cảm thấy hơi xấu hổ. Hẳn phải có ai đó theo cùng tôi, mở cánh cửa tòa trang viên cho tôi và trông chừng để tôi không bị nguy hiểm. Ai đó thậm chí còn bận tâm đến mức đi tra dầu vào ổ khóa sân sau, để chuẩn bị cho chuyến ghé qua của tôi, cho nên chiếc chìa khóa của tôi mới hoạt động.

Tôi xin lỗi vì đã đẩy bà vào rắc rối như vậy, nhưng bà gạt lời xin lỗi của tôi sang một bên.

“Ta thấy rất thú vị, khi nói ra sự thật”, bà thừa nhận. “Cháu chưa bao giờ nói to nó lên, nếu như muốn biết. Cháu chỉ đứng, nhìn và phản ứng. Và ở trong phòng Kỵ Sĩ cháu là hình ảnh của chính bóng ma ta đã nhìn thấy trong suốt những năm qua. Cháu đã nhìn thấy Richard trở về, có phải không, điều đã mang đến cho cháu đau đớn nhiều đến thế?”

Tôi gật đầu. “Bác biết đấy, anh ấy ngã khỏi lưng ngựa. Anh ấy ngã xuống, rồi…” Tôi cắn môi, nỗi đau lại hội tụ, bà nhoài người qua chiếc bàn để bọc bàn tay mạnh mẽ của mình lên tay tôi.

“Ta rất lấy làm tiếc, cháu yêu ạ. Ta quên rằng chỉ trong sáng nay cháu đã mất cậu ấy.”

Tôi mỉm cười, góp nhặt từng mảnh nhỏ từ sự điềm tĩnh để bao quanh mình như một tầm khiên. “Lạ là”, tôi nói với bà, “lễ chôn cất của anh ấy không được ghi lại trong những giấy tờ của nhà thờ”.

“Thực sự không hề lạ đâu.” Bà đứng dậy để dọn bàn, một cách hiệu quả như mọi khi. “Cái năm xảy ra nạn dịch là một cuộc hỗn loạn kinh khủng. Thật khó mà giữ được một bản ghi chép khi cả thế giới cứ dần sụp đồ xung quanh mình. Bên cạnh đó, việc này hóa ra lại tốt.”

“Bằng cách nào?”

“Ta nghĩ, sẽ tốt hơn nếu cháu không biết trước điều gì đã xảy đến với Mariana và Richard”, bà nhã nhặn giải thích. “Cách tốt hơn hết để xác mình mọi thứ là sống cùng với chúng, chứ không phải đọc được trong một cuốn sách. Cháu có nghĩ mình sẽ băn khoăn với việc trở về, nếu cháu biết rằng Richard sẽ chết trẻ không?”

“Có lẽ là không”, tôi suy ngẫm về sự logic trong lý luận của bà, và chấp nhận. “Cháu có thể hói bác điều này không?”

Bà mỉm cười. “Nếu có liên quan đến Geoffrey, ta vẫn sẽ không can thiệp đâu.”

“Không liên quan đến Geoff. Thực tế, đó là về bác.”

“Ồ?”

“Có một hôm, khi chúng ta đang nói chuyện, thì bác có nói gì đó. Nói gì đó về cháu và Jabez Howard, bác hiểu tính khí ông ta thế nào.”

Bà ngập ngừng, nhưng chỉ trong một thoáng, “Ông ta từng là anh trai ta.”

Tôi nhìn bà không dứt, nhận thức dần sáng tỏ. “Thế thì điều đó sẽ khiến bác… bác hẳn từng là..

“Nên con thấy đấy”, bà nói, “đấy là lý do vì sao ta phải giúp con vượt qua chuyện này. Ta đã từng một lần bỏ lại con, khi con cần ta. Bỏ lại con phải ăn nhờ ở đậu anh trai ta, khi là một linh hồn, ta chỉ có thể dõi theo và đau đớn cùng con mỗi khi con đau đớn. Kiếp này của ta cũng chỉ vì điều đó”.

Đây đáng nhẽ nên là một cuộc sum vầy tuyệt vời. Tôi đáng nhẽ nên ôm bà, hôn bà, khóc nức nở trong lòng bà. Nhưng thay vào đó tôi chỉ ngồi trên ghế, bà thì tiếp tục lau đĩa, nhưng không hiểu sao tình yêu, nguồn an ủi và sự cảm thông vẫn dâng lên giữa hai chúng tôi, như những đợt sóng rì rào vỗ vào bãi biển lộng gió. Thời gian dành cho việc nói chuyện có lẽ nên để sau. Lúc này, biết được đã đủ lắm rồi.

Thực tế là, tôi cũng không có nhiều cảm xúc để bộc lộ vào khoảnh khắc này. Nỗi tiếc thương Richard vẫn còn là một nỗi đau sống động, các dây thần kinh của tôi vẫn kéo căng, còn đôi mắt thì đau buốt và ráo hoảnh vì những giọt nước mắt mệt mỏi vẫn nuốt vào trong.

Cuối cùng khi rời khỏi căn bếp, thay vì đi về bằng cửa sau, tôi trở lại hành lang chính và bước ra sân sau. Bầu không khí ở đây rất tĩnh lặng, chẳng có gì chuyển động. Dây thường xuân trên bức tường đã đổi sắc giữa tiết thu, không chỉ còn màu xanh đơn độc nữa mà sắc xanh đã nhuốm thêm sắc đỏ và vàng rực rỡ, quá rực rỡ đều mức gần như khiến đôi mắt tôi đau đớn. Tôi gạt đám thường xuân sang một bên và cúi mình tìm cánh cửa.

Nó đã được tra dầu như tôi nghi ngờ. Không chỉ ổ khóa, mà bàn lề cũng được tra dầu. Chìa khóa của tôi vẫn cắm trên ổ, khi tôi xoay và rút chìa khóa ra, dầu cũng chảy ra theo và bám vào những ngón tay. Tôi đẩy mở cánh cửa nhỏ và bước ra ngoài con đường, nắm chặt bàn tay chiếm hữu quanh chiếc chìa khóa.

Richard đã trao chiếc chìa khóa này cho tôi, tôi tự nhắc nhở bản thân, nên tôi sẽ không bao giờ rời xa nó. Richard…

Tôi kiên cường ngăn lại những giọt nước mắt chực tuôn trào, rồi xoay bước hướng về nhà, vừa đi vừa lảo đảo đôi chút trên những cánh đồng gồ ghề. Một gương mặt lướt qua trước mắt tôi – một gương mặt mơ hồ và đẹp trai đến đau đớn, đôi mắt nghiêm túc nhuốm sắc xanh của khu rừng. “Ai là người em nhìn thấy?” Geoff đã từng hỏi tôi như vậy. “Geoff hay Richard?”

Giờ tôi còn khó trả lời anh hơn bao giờ hết.

Bình luận