Tôi quen Sophia Leonides lần đầu tiên tại Ai Cập lúc chiến tranh sắp kết thúc. Nàng giữ chức vụ hành chánh khá cao trong một cơ quan cấp vụ thuộc Bộ Ngoại giao ở đó. Tôi biết nàng trước tiên qua công việc, rồi nhanh chóng đánh giá cao năng lực đã đưa nàng đến vị trí ấy mặc dù nàng còn rất trẻ (lúc đó, nàng chỉ mới hai mươi hai).
Bên cạnh dáng vẻ rất ưa nhìn, nàng còn có bộ óc minh mẫn và khiếu hài hước tỉnh queo tôi vô cùng yêu thích. Chúng tôi kết bạn với nhau. Nàng là người đặc biệt dễ bắt chuyện. Chúng tôi thường xuyên ăn tối và thỉnh thoảng lại khiêu vũ cùng nhau.
Đó là tất cả những gì tôi biết. Và đến lúc được lệnh trở về Miền Đông khi chiến tranh châu Âu chấm dứt thì tôi còn biết thêm một điều nữa – tôi yêu Sophia và muốn cưới nàng.
Tôi nhận ra điều ấy khi chúng tôi ăn tối tại khách sạn Shepheard. Không phải tiếng sét ái tình mà là tình cảm mưa dầm thấm lâu. Tôi nhìn nàng với cái nhìn mới mẻ – nhưng những gì tôi trông thấy thì từ lâu đã thân quen. Tôi thích mọi thứ mình đang nhìn thấy. Mái tóc sậm màu lượn sóng buông lơi trên vầng trán, đôi mắt xanh long lanh sáng, chiếc cằm thuôn nhỏ như thách thức và sống mũi thẳng. Tôi thích chiếc áo veston màu xám nhạt may rất khéo cùng áo sơ mi trắng tinh ủi phẳng phiu. Trông nàng đậm chất Anh, và nhìn nàng sau ba năm xa nhà khiến cho tôi nhớ da diết quê hương xứ sở. Tôi nghĩ, không ai có thể là người Anh hơn nàng – và thậm chí khi đang nghĩ vậy thì tôi lại đột nhiên tự hỏi nàng quả thật có chất Anh như dáng vẻ bên ngoài không, hay đó chỉ là màn trình diễn hoàn hảo?
Tôi nhận thấy nhiều lần nói chuyện thoải mái với nhau, tranh cãi ý tưởng, những điều chúng tôi thích và không thích, về tương lai, bạn bè thân và không thân – Sophia không hề nói về gia thế của mình. Nàng biết tất cả về tôi (nàng là người chịu lắng nghe, tôi nhận thấy thế) nhưng tôi lại không biết gì về nàng cả. Tôi cho rằng lai lịch nàng cũng bình thường như bao người, có điều nàng không bao giờ kể. Và cho đến bây giờ tôi chẳng biết bất cứ điều gì.
Sophia hỏi tôi đang nghĩ gì.
Tôi thành thật đáp: “Nghĩ về em.”
“Em biết,” nàng nói, cứ như thể nàng biết thật.
“Có thể trong một vài năm nữa chúng mình sẽ không gặp nhau,” tôi nói. “Anh không biết bao giờ mới trở về Anh Quốc. Nhưng ngay khi anh về thì việc đầu tiên anh làm là đến tìm em và cầu hôn.”
Nàng nghe tôi nói mà không một lần chớp mắt. Nàng ngồi đó, hút điếu thuốc, không nhìn tôi.
Tôi nóng ruột vì nghĩ có thể nàng không hiểu ý tôi.
“Em nghe này,” tôi nói. “Có một điều anh quyết không làm, là cầu hôn em ngay bây giờ. Làm vậy không giải quyết được gì. Trước hết nếu em từ chối, anh sẽ rất đau lòng, và để khỏa lấp tự ái anh có thể cưới một phụ nữ tồi tệ nào đó. Còn nếu như em không từ chối anh thì chúng ta sẽ làm gì đây? Cưới xong là anh đi ngay? Hứa hôn rồi chờ đợi mỏi mòn? Anh không thể chịu đựng nếu em chấp nhận như thế. Em có thể gặp một người khác nhưng buộc lòng phải ‘trung thành’ với anh. Chúng ta đang sống trong một thời đại sôi động, biến đổi nhanh chóng. Chung quanh ta đầy rẫy chuyện yêu đương, cưới xin rồi đổ vỡ. Anh mong muốn thấy em về nhà, tự do và độc lập, em nhìn chung quanh em, nắm bắt thế giới đổi mới sau chiến tranh và quyết định điều mình sẽ làm. Những gì đã có giữa đôi ta sẽ là vĩnh cửu, Sophia ạ. Anh không cần bất cứ kiểu hôn nhân nào khác.”
“Em cũng thế,” Sophia nói.
“Mặt khác,” tôi nói thêm, “anh nghĩ anh được quyền cho em biết anh đang – à – cảm thấy thế nào.”
“Nhưng không phải là câu nói trữ tình thái quá đấy chứ?” Sophia thủ thỉ.
“Em yêu – em có hiểu không? Anh cố không nói là anh yêu em.”
Nàng chặn lời tôi. “Em hiểu chứ Charles. Và em thích anh ở cách làm cho mọi việc trở nên vui vẻ. Khi anh trở về, anh có thể tìm đến em – nếu anh vẫn còn muốn…”
Đến lượt tôi ngắt lời nàng. “Điều ấy thì chắc chắn rồi.”
“Không thể chắc chắn mọi việc đâu, Charles ạ. Có thể có đôi điều không lường trước làm hỏng kế hoạch của chúng ta. Trước tiên là anh không biết chi nhiều về em, đúng không?”
“Thậm chí anh còn không biết em sống ở đâu tại Anh nữa.”
“Em sống ở Swinly Dean.”
Tôi gật đầu khi nghe nói đến vùng ngoại ô nổi tiếng của London, nơi tự hào có ba sân golf dành cho giới tài phiệt thủ đô.
Nàng nói tiếp, giọng trầm ngâm: “Trong một ngôi nhà nhỏ quái dị…”
Tôi hơi ngạc nhiên vì có vẻ như nàng đang đùa, nhưng nàng lặp lại rõ ràng trích đoạn ấy. ‘Và họ đã sống cùng nhau trong ngôi nhà quái dị nho nhỏ.’ Đó là nhà em. Thật ra nhà không nhỏ, nhưng đúng là quái dị vì có nhiều đầu hồi và tường bằng đá với khung cột gỗ.”
“Nhà có đông người không? Em có anh chị em chứ?”
“Một em trai, một em gái, mẹ, cha, bác trai và bác gái, ông nội, bà dì và bà nội kế.”
“Ôi trời!” tôi kinh ngạc thốt lên.
Nàng bật cười.
“Dĩ nhiên, mọi người sống chung một nhà là không bình thường, nhưng vì giặc giã và bom đạn mà ra thế. Tuy nhiên em không biết có phải về mặt tâm linh gia đình em phải luôn sống chung – dưới sự trông nom và bảo vệ của ông nội em không,” nàng chau mày suy nghĩ. “Ông em đúng là một Con Người. Ông đã ngoài tám mươi, cao khoảng một mét sáu, và mọi người khác đều mờ nhạt khi đứng cạnh ông.”
“Ông có vẻ đặc biệt nhỉ?” tôi nói.
“Rất đặc biệt. Ông là người Hy Lạp đến từ Smyrna, tên Aristide Leonides.” Nàng nháy mắt nói thêm, “Cực kỳ giàu có.”
“Sau chiến tranh thì còn ai giàu nữa chứ?”
“Ông em vẫn giàu đấy,” Sophia quả quyết. “Các thủ đoạn trưng thu tài sản người giàu chẳng hề hấn gì với ông cả. Có khi ông móc túi lại họ ấy.”
“Em tự hỏi không biết anh có thích ông em không?” nàng nói thêm.
“Thế còn em?”
“Em quý ông hơn bất cứ ai trên đời này,” nàng đáp.