Một cô hầu mở cánh cửa căn phòng đối diện với chúng tôi. Cô ta có vẻ sợ sệt nhưng hơi khinh khỉnh khi thấy Taverner.
“Hai ông muốn gặp bà chủ?”
“Đúng thế, xin vui lòng.”
Cô ta đưa chúng tôi vào một phòng khách rộng lớn và đi ra ngoài.
Kích thước của phòng này ngang bằng với kích thước của phòng khách ở tầng trệt tầng dưới. Trang trí những vải bọc dày, màu sắc rực rỡ, rèm lụa có sọc. Trên lò sưởi là một bức chân dung khiến tôi chú ý – không phải chỉ vì do một bậc thầy họa sĩ vẽ nên mà còn là gương mặt có thần của người trong tranh.
Đó là chân dung một ông lão nhỏ bé có đôi mắt màu xám, cái nhìn soi mói. Ông đội mũ nhung đen và đầu ông rụt xuống đôi vai nhưng vẻ hoạt bát và uy lực của ông lão thể hiện rõ trên bức vẽ. Cặp mắt lấp loáng như hút hồn đôi mắt tôi.
“Đó là ông ấy,” Chánh thanh tra Taverner thản nhiên nói. “Do Augustus John vẽ. Vẽ đúng tính cách, phải không?”
Giờ tôi mới hiểu ý bà dì Edith de Haviland nói ngôi nhà dường như trống vắng khi không có ông ta. Đó là Con Người Nhỏ Bé Nguồn Gốc Kỳ Lạ đã xây Ngôi Nhà Nhỏ Bé Kỳ Lạ – và nếu thiếu vắng ông ta Ngôi Nhà Nhỏ Bé Kỳ Lạ sẽ mất ý nghĩa.
“Kia là chân dung bà vợ đầu của ông ta, do họa sĩ Sargent vẽ,” Taverner nói.
Tôi nhìn bức tranh trên tường giữa hai cửa sổ. Có cái gì hơi hoang dã giống như nhiều bức chân dung do Sargent vẽ. Chiều dài gương mặt hơi bị phóng đại, tôi nghĩ, nó khá giống mặt ngựa – chính xác không thể tranh cãi. Đó là chân dung của một Quý bà nước Anh – trong xã hội nông thôn (không phải xã hội thanh lịch). Đẹp nhưng hơi vô hồn. Bà không có vẻ giống vợ của một lão già chuyên chế cười ngạo nghễ và đầy quyền lực treo trên lò sưởi.
Cửa phòng chợt mở, trung sĩ Lamb bước vào. Anh nói:
“Tôi đã làm hết khả năng với các gia nhân, thưa sếp. Nhưng không được gì.”
Taverner thở dài.
Trung sĩ Lamb lấy ra một cuốn sổ tay và lùi về cuối phòng, ngồi xuống tại đó để không làm phiền.
Cánh cửa lại mở và bà vợ hai của ông Aristide Leonides bước vào.
Bà mặc bộ đồ đen – đen tuyền và rất đắt tiền. Áo cao đến cổ và phủ đến cổ tay. Bà bước chậm rãi và nhẹ nhàng. Màu đen chắc chắn phù hợp với bà. Mặt bà đẹp, vẻ hòa nhã, mái tóc nâu được chải công phu. Mặt đánh phấn khéo, môi dùng son đỏ, nhưng đánh không khéo. Bà đeo một chuỗi ngọc trai lớn, một chiếc nhẫn nạm viên ngọc lục bảo to tướng trên một tay, còn tay kia là chiếc nhẫn đính viên hồng ngọc cực lớn.
Có một điều khác mà tôi nhận thấy ở bà. Trông bà có vẻ hoảng sợ.
“Chào bà, bà Leonides,” Taverner nói giả lả. “Tôi xin lỗi lại làm phiền đến bà.”
Bà ta nói giọng nhạt nhẽo:
“Tôi cho rằng không thể giúp được gì thêm.”
“Bà Leonides, bà có biết nếu bà muốn có mặt luật sư, bà hoàn toàn có thể cho gọi không ạ?”
Tôi thầm nghĩ không biết bà ta có hiểu ý nghĩa của các từ này không. Rõ ràng là không. Bà chỉ đáp với cái giọng hơi khó chịu:
“Tôi không thích ông Gaitskill. Tôi không chọn ông ấy.”
“Bà có thể chọn luật sư theo ý bà, thưa bà Leonides.”
“Cần phải có họ ư? Tôi không thích luật sư. Họ làm tôi rối.”
“Điều đó hoàn toàn do bà quyết định,” Taverner nói, anh nở một nụ cười rất tự nhiên. “Giờ, chúng ta tiếp tục nhé?”
Trung sĩ Lamb liếm cây bút chì. Bà Brenda Leonides ngồi trên tràng kỷ đối diện với Taverner.
“Ngài đã khám phá ra điều gì?” bà hỏi.
Tôi nhận thấy các ngón tay của bà xoắn lại rồi buông ra dải nếp gấp bằng lụa chiffon trên áo bà một cách bồn chồn lo lắng.
“Giờ chúng tôi có thể xác định chồng bà mất vì bị đầu độc eserine.”
“Ý ngài là thuốc nhỏ mắt giết chết ông ấy?”
“Gần như chắc chắn khi bà tiêm thuốc ông ấy lần cuối. Đó là eserine chứ không phải insulin.”
“Nhưng tôi không biết điều đó. Tôi không có làm gì với nó. Thật sự tôi không làm, ngài thanh tra.”
“Vậy có ai đó cố tình thay insulin bằng thuốc nhỏ mắt.”
“Một việc làm khủng khiếp!”
“Vâng, thưa bà Leonides.”
“Ngài có nghĩ – ai đó đã làm có chủ ý? Hay do tai nạn? Có thể do một trò – một trò nghịch dại – không?”
Taverner nhẹ nhàng nói:
“Tôi không nghĩ đó là một trò nghịch, bà Leonides ạ.”
“Có thể đó là do một trong số người hầu.”
Taverner không đáp.
“Chắc vậy rồi. Tôi không thấy ai khác có thể làm điều đó.”
“Bà chắc chứ? Hãy suy nghĩ kỹ, bà Leonides. Bà có ý kiến nào nữa không? Không cãi cọ? Không hận thù? Không cảm thấy bất mãn bất cứ chuyện gì?”
Bà vẫn nhìn Taverner chằm chằm với đôi mắt to thách thức.
“Tôi không có ý kiến nào cả.”
“Buổi xế chiều hôm ấy bà đi xem chiếu bóng, bà nói thế phải không?”
“Đúng – tôi về lúc sáu giờ ba mươi – đó là giờ tiêm thuốc insulin – tôi – tôi tiêm thuốc như thường lệ và ông ấy kêu choáng váng. Tôi hoảng sợ, vội chạy đến chỗ Roger – lần trước tôi đã kể cho ngài nghe tất cả. Tôi phải kể bao nhiêu lần nữa?” Bà cao giọng một cách dữ tợn.
“Xin lỗi bà Leonides. Giờ tôi có thể nói chuyện với ông Brown được không?”
“Với Laurence à? Vì sao? Anh ta không biết tí gì về chuyện này.”
“Tôi lại muốn trao đổi với ông ấy.”
Bà ta nhìn Taverner vẻ nghi ngờ.
“Eustace đang học tiếng Latinh với anh ta trong phòng học. Ngài có muốn anh ta đến đây không?”
“Không – chúng tôi sẽ đến chỗ ông ta.”
Taverner bước nhanh ra khỏi phòng. Trung sĩ Lamb và tôi đi theo.
“Ngài đã làm cho bà ta hoảng, thưa sếp,” trung sĩ Lamb nói.
Taverner nhăn nhó. Anh đi như bay lên các bậc thang, đoạn đi dọc theo hành lang đến một căn phòng rộng nhìn ra vườn. Trong phòng có một người còn trẻ khoảng độ tuổi ba mươi có mái tóc sáng đẹp, và cậu bé tuổi độ mười sáu, đẹp trai, da sậm đang ngồi tại bàn.
Cả hai nhìn lên khi chúng tôi bước vào. Eustace, em trai của Sophia, nhìn tôi, Laurence nhìn Chánh thanh tra Taverner với cái nhìn lộ vẻ lo âu.
Tôi chưa bao giờ thấy một người có vẻ tê liệt hoàn toàn vì sợ. Anh ta đứng lên rồi lại ngồi xuống. Anh ta nói, giọng gần như rít:
“Ô – ồ – xin chào, ngài thanh tra.”
“Xin chào.” Taverner cộc lốc. “Tôi có thể trao đổi với ông?”
“Dĩ nhiên được. Rất vui lòng. Ít nhất…”
Eustace đứng lên.
“Thưa ngài thanh tra, ngài có muốn tôi đi chỗ khác không?” Giọng Eustace thích chí phảng phất kênh kiệu.
“Chúng ta – chúng ta có thể tiếp tục học sau,” vị gia sư nói.
Eustace lững thững đi ra cửa. Dáng đi cứng đờ. Ngay khi đến cửa, thấy tôi nhìn theo, cậu ta đưa ngón tay trỏ tréo trước cổ họng và nhăn răng cười. Rồi đóng cánh cửa lại.
“Nào, ông Brown,” Taverner nói. “Việc phân tích đã xác định rõ. Chính chất eserine gây ra cái chết của ông Leonides.”
“Tôi – ý ngài là – ông Leonides thật sự đã bị đầu độc ư? Tôi đã hy vọng…”
“Ông ấy bị đầu độc,” Taverner nói ngắn gọn. “Ai đó đã đổi insulin bằng thuốc nhỏ mắt eserine.”
“Tôi không thể tin… Không thể tin được.”
“Vấn đề là, ai có động cơ làm thế?”
“Không một ai. Không ai cả!” Giọng chàng trai cất cao, xúc động.
“Ông có muốn có mặt luật sư của ông không?”
“Tôi không có luật sư. Tôi không muốn có một người nào. Tôi không có gì phải giấu giếm – không có gì…”
“Và ông nên hiểu rõ rằng những gì ông nói đều được ghi chép?”
“Tôi vô tội – tôi đảm bảo với ngài, tôi vô tội.”
“Tôi không gợi ý thêm gì khác.” Taverner dừng lời. “Bà Leonides quá trẻ so với chồng, không đúng thế sao?”
“Tôi – tôi cũng cho là thế – ý tôi, vâng đúng thế.”
“Hẳn có khi bà ta cảm thấy cô đơn?”
Laurence Brown không nói nữa. Anh ta đưa lưỡi liếm đôi môi khô khốc.
“Có một người bạn sàng sàng tuổi bà ta sống ở đây hẳn rất dễ chịu đối với bà ta.”
“Không – không có – ý tôi là – tôi không biết.”
“Theo tôi, một sự gắn bó nảy nở giữa hai người là điều hoàn toàn tự nhiên.”
Chàng trai phản đối quyết liệt.
“Không có! Không có! Không hề có kiểu đó! Tôi hiểu ngài đang nghĩ gì, nhưng mà không phải thế. Bà Leonides luôn rất tử tế với tôi và tôi rất, rất kính trọng bà – ngoài ra không còn gì khác – không có gì hơn thế, tôi đảm bảo với ngài. Thật là vô lý khi ám chỉ chuyện như thế. Hết sức vô lý! Tôi không giết ai cả – tôi không đổi các chai thuốc – hay làm bất cứ chuyện gì như thế. Tôi rất nhạy cảm và dễ bị xúc động. Ý tưởng về việc giết người là một ác mộngđối với tôi – ở tòa rất hiểu điều đó – tôi theo tôn giáo cấm giết người. Tôi đã làm trong bệnh viện – đun thùng chứa nước cho nóng – một công việc rất nặng nhọc – tôi không thể làm tiếp – thế là họ cho tôi làm công việc dạy học. Tôi đến đây dạy Eustace và Josephine hết sức mình – một đứa trẻ rất thông minh nhưng khó bảo. Và mọi người ở đây hầu hết đều tử tế với tôi – ông Leonides và bà Leonides và cô de Haviland. Và bây giờ chuyện khủng khiếp này xảy ra… Và ngài nghi ngờ tôi – tôi – là kẻ giết người!”
Thanh tra Taverner nhìn Brown với cái nhìn chầm chậm, xét đoán.
“Tôi không nói thế,” anh lưu ý.
“Nhưng ngài nghĩ thế! Tôi biết ngài nghĩ thế! Tất cả mọi người nghĩ thế! Họ nhìn tôi. Tôi – tôi không thể tiếp tục nói chuyện với ông. Tôi không khỏe.”
Anh ta vội vàng ra khỏi phòng. Taverner từ từ quay sang nhìn tôi.
“Sao, anh nghĩ thế nào về anh ta?”
“Y sợ điếng người.”
“Tôi biết, nhưng y có phải là một kẻ giết người không?”
“Nếu ngài hỏi tôi,” trung sĩ Lamb nói, “y không bao giờ dám làm.”
“Y sẽ không bao giờ đạp hay bắn vào đầu ai,” Taverner đồng ý. “Nhưng trong vụ giết người đặc biệt này, người ta làm gì? Chỉ cần đổi hai cái chai… Giúp một ông lão lìa trần bằng cách tương đối không đau đớn.”
“Thực hiện cái chết êm ái,” anh trung sĩ kêu lên.
“Và sau đó, có thể, sau đám tang trọng thể, là một đám cưới với người thừa hưởng một trăm ngàn bảng mà không phải nộp thuế thừa kế, một người vốn đã có sẵn số tiền như thế, và thêm vào đó là ngọc trai, hồng ngọc, ngọc lục bảo to bằng quả trứng!”
Taverner thở dài: “Ôi, tất cả đều là giả thuyết và phỏng đoán! Tôi tìm cách để dọa y, nhưng điều đó không chứng minh được gì cả. Y vẫn cứ sợ nếu y vô tội. Mà dù sao, tôi khó tin anh ta là người thực sự đã làm chuyện đó. Khả năng nhiều hơn là người đàn bà – chỉ có điều thế quái nào mà bà ta không vứt cái chai insulin đi hay súc cho sạch chứ?” Anh quay sang viên trung sĩ: “Không có chứng cứ gì từ những người hầu?”
“Cô hầu bàn ăn nói họ rất ngọt ngào với nhau.”
“Ra sao?”
“Cái cách anh ta nhìn bà khi bà rót cà phê cho anh ta.”
“Chứng cứ chẳng ích lợi gì trước tòa! Không còn gì nữa sao?”
“Không ai thấy gì thêm.”
“Tôi cho rằng nếu có bất cứ chuyện gì để thấy thì họ đã thấy rồi. Anh biết không, tôi bắt đầu tin rằng thật sự không có gì giữa họ.” Anh nhìn tôi. “Hãy quay lại và nói chuyện với bà ta. Tôi muốn lấy cảm tưởng của anh về bà ta.”
Tôi miễn cưỡng đi, nhưng tôi cũng muốn biết.