Chúng tôi lại trở về cơn ác mộng.
Tôi đã nghĩ như thế khi tôi và Taverner lái xe rời khỏi London. Có sự tái lặp như chuyến đi ban đầu.
Taverner thỉnh thoảng lên tiếng nguyền rủa.
Còn tôi, từng lúc một, cứ lặp đi lặp lại một cách ngớ ngẩn vô ích: “Vậy thì không phải là Brenda và Laurence. Không phải Brenda và Laurence.”
Tôi đã thật sự nghĩ như thế sao? Tôi đã rất vui mừng khi nghĩ như thế. Vui mừng để sổng kẻ khác, độc ác hơn…
Hai người họ đã phải lòng nhau. Họ đã viết cho nhau những bức thư tình lãng mạn. Họ đã cho phép họ có hy vọng người chồng già của Brenda sớm chết yên bình và hạnh phúc – nhưng tôi tự hỏi họ có thật sự mong muốn ông lão chết hay không. Tôi có cảm giác rằng những thất vọng và khao khát của cuộc tình bất hạnh phù hợp với họ hơn cuộc sống hôn nhân bình thường. Tôi không nghĩ Brenda thật sự yêu say đắm. Bà ta quá xanh xao, quá lãnh đạm. Bà ta thèm khát sự lãng mạng đó. Và tôi nghĩ Laurence cũng là dạng người vui sướng với thất bại và những ước mơ hạnh phúc mơ hồ trong tương lai hơn là thỏa mãn xác thịt.
Họ tự đưa mình vào bẫy, họ khiếp sợ nhưng không có đủ khôn ngoan để tìm đường thoát ra. Laurence, với sự dại dột khó tin, đã không tiêu hủy các bức thư của Brenda. Còn Brenda đã hủy các bức thư của y nên người ta không tìm thấy. Và không phải Laurence là người đặt cái chốt bằng cẩm thạch lên trên thành cánh cửa căn nhà bỏ hoang. Đó là một người khác còn ẩn sau chiếc mặt nạ.
Chúng tôi dừng xe trước cửa. Taverner đi ra và tôi theo sau anh. Có một người đàn ông ăn mặc đơn giản bên trong đại sảnh mà tôi không biết. Ông ta chào Taverner và Taverner kéo ông ta qua một bên.
Một đống hành lý làm cho tôi chú ý. Chúng đã được dán nhãn và sẵn sàng để đưa đi. Khi tôi đang nhìn đống hành lý, bà Clemency đi xuống thang lầu và băng qua cánh cửa mở ở cuối đại sảnh. Bà mặc váy dài đỏ bên ngoài khoác áo len cùng màu. Bà đội mũ dạ đỏ.
“Charles, cậu đến đúng lúc để chúng tôi giã từ,” bà nói.
“Bà đi à?”
“Chúng tôi đi London tối nay. Máy bay của chúng tôi bay vào sáng sớm ngày mai.”
Bà ta bình tĩnh và mỉm cười, nhưng tôi thấy đôi mắt bà cảnh giác.
“Nhưng chắc chắn bà không thể đi ngay bây giờ.”
“Tại sao không?” Giọng bà cứng rắn.
“Vì với cái chết…”
“Cái chết của Nannie không liên can gì đến chúng tôi.”
“Có thể không. Nhưng cũng giống như…”
“Tại sao cậu nói ‘có thể không’? Việc đó không liên can gì đến chúng tôi. Tôi và Roger ở trên lầu, sắp xếp cho xong hành lý. Chúng tôi không có xuống đó bất cứ lúc nào khi tách ca cao để trên bàn trong đại sảnh.”
“Bà có thể chứng minh không?”
“Tôi có thể làm chứng cho Roger. Và Roger có thể làm chứng cho tôi.”
“Không ai nữa à… Nên nhớ, hai người là vợ chồng.”
Bà nổi giận.
“Charles, hết chịu nổi cậu rồi! Roger và tôi đi ra nước ngoài – để sống cuộc sống của chúng tôi. Vậy hà cớ gì chúng tôi đầu độc một bà già ngu ngơ dễ thương không làm gì hại chúng tôi?”
“Có thể bà không có ý đầu độc bà ta.”
“Chúng tôi cũng chẳng có gì phải đầu độc một đứa trẻ.”
“Điều đó tùy thuộc vào đứa trẻ, phải vậy không?”
“Cậu muốn nói gì?”
“Josephine hoàn toàn không phải là một đứa bé bình thường. Nó biết khá nhiều về mọi người. Nó…”
Tôi ngừng nói. Josephine đã xuất hiện từ chỗ cửa dẫn vào phòng khách. Nó đang ăn quả táo quen thuộc và bên trên quả táo, đôi mắt nó lấp lánh một niềm vui lém lỉnh.
“Nannie bị đầu độc,” nó nói. “Giống y như ông nội. Sôi động khủng khiếp, phải không?”
“Em không thấy sợ gì cả à?” Tôi nghiêm nghị hỏi nó. “Em không ưa bà ta à?”
“Không đặc biệt lắm. Bà ta luôn la rầy em hết việc này đến việc khác. Bà ta phiền lắm.”
“Josephine, cháu có ưa thích ai không?” bà Clemency hỏi.
Josephine xoay đôi mắt lém lỉnh nhìn bà Clemency.
“Cháu thương bà dì Edith,” nó đáp. “Cháu thương bà dì Edith lắm. Cháu có thể thương anh Eustace, dù anh ấy luôn đối xử tệ bạc với cháu và không quan tâm đến việc tìm ra sự thật ai là thủ phạm.”
“Josephine, em đừng cố tìm ra sự thật là tốt hơn cả,” tôi nói. “Không an toàn chút nào.”
“Em không tìm ra sự thật gì nữa,” Josephine nói. “Em biết mà.”
Có một lúc yên lặng. Đôi mắt của Josephine nhìn dán vào Clemency, trang nghiêm và không chớp. Một tiếng như tiếng thở dài vọng đến tai tôi. Tôi quay ngoắt nhìn quanh. Bà Edith de Haviland đứng giữa chừng thang lầu – nhưng tôi không nghĩ bà là người đã thở dài. Tiếng động đó đến từ phía sau cánh cửa mà Josephine vừa mới đi qua.
Tôi bước vội đến cánh cửa ấy và bất ngờ kéo mạnh. Không có ai cả.
Tuy nhiên tôi rất bối rối. Có ai đó vừa đứng sau cánh cửa và đã nghe những lời Josephine nói. Tôi quay trở lại và nắm cánh tay Josephine. Nó đang ăn táo và thản nhiên nhìn Clemency. Đằng sau cái sự thản nhiên đó, tôi cho rằng có một sự khoái trá hiểm ác.
“Đi nào, Josephine,” tôi nói. “Chúng ta cần phải nói chuyện một chút.”
Tôi nghĩ Josephine sẽ phản đối, nhưng tôi sẽ không đời nào để yên cho nó. Tôi kéo mạnh con nhỏ về phần nhà dành cho nó. Có một căn phòng nhỏ không dùng tới, ở đây chúng tôi chắc không bị quấy rầy. Tôi đưa nó vào phòng, đóng chặt cửa, và bảo nó ngồi lên một chiếc ghế. Tôi lấy một chiếc ghế khác và kéo lại ngồi đối diện với nó. “Josephine,” tôi nói, “giờ chúng ta sẽ phải thẳng thắn. Chính xác em đã biết những gì?”
“Cả đống chuyện.”
“Anh không nghi ngờ điều đó. Cái đầu của em nhồi nhét quá thừa thãi thông tin liên quan hay không liên quan. Nhưng em có hiểu rõ ý anh không?”
“Dĩ nhiên em hiểu. Em đâu có ngu.”
Tôi không biết tôi hay cảnh sát bị chê bai, nhưng tôi không quan tâm và tôi tiếp tục:
“Em biết ai bỏ thuốc độc vào tách ca cao của em?”
Josephine gật đầu.
“Em biết ai đầu độc ông em?”
Josephine lại gật đầu
“Và ai đập lên đầu em?”
Josephine lại gật đầu.
“Như vậy em biết hết . Em phải nói cho anh nghe tất cả những việc đó – ngay bây giờ.”
“Không đâu.”
“Em phải nói. Bất cứ thông tin nhỏ nhoi nào em có được hay tìm thấy được đều phải báo cho cảnh sát.”
“Em không báo gì cho cảnh sát cả. Họ ngốc lắm. Họ cho rằng Brenda làm chuyện đó – hoặc Laurence. Em không ngu như thế đâu. Em biết rõ họ không làm điều đó. Em biết ngay từ đầu ai đã làm, sau đó em làm một loại trắc nghiệm – và giờ em biết em đúng.” Nó kết thúc với vẻ đắc thắng.
Tôi cầu trời cho tôi sự bình tĩnh và bắt đầu lại.
“Nghe này, Josephine, anh dám nói em là người rất khôn ngoan…” Nó nhìn tôi vẻ hài lòng. “Nhưng sự khôn ngoan của em không có lợi cho em đâu nếu em không còn sống để thụ hưởng các sự kiện. Bộ em không thấy sao hả, con bé điên rồ này, em mà dại dột giữ bí mật của em càng lâu, em càng nguy hiểm đến nơi?”
Josephine gật đầu đồng ý. “Dĩ nhiên em biết.”
“Giờ em có hai lối thoát rất nhỏ hẹp. Một là số phận của chính em. Hai là số phận của một ai khác. Em không thấy nếu em tiếp tục bỏ mặc gia đình và không chịu nói ra ai là kẻ giết người thì người ta sẽ mất công truy tìm lâu hơn nữa – và có thể em sẽ bị giết hay là một người khác sẽ bị?”
“Trong một số quyển sách, người ta bị giết lần lượt,” Josephine cao giọng giảng giải. “Anh xác định được thủ phạm bởi vì y hay ả là người duy nhất còn sống.”
“Đó chỉ là chuyện trinh thám. Còn đây là Ba Đầu Hồi, Swinly Dean, em là con nhỏ ngốc nghếch đọc quá nhiều nên ngộ chữ. Anh sẽ buộc em phải nói ra những gì em biết. Nếu không anh sẽ tra hỏi em cho đến chừng nào em chịu há miệng.”
“Em có thể kể cho anh nghe những điều không đúng sự thật.”
“Em có thể, nhưng em không làm thế. Thế em đang chờ đợi điều gì?”
“Anh không hiểu gì cả,” Josephine nói. “Có thể em không bao giờ nói. Anh xem, em có thể – thương yêu một người.” Nó ngừng lại như để lời nói thấm sâu. “Và nếu em nói ra,” nó tiếp tục, “em sẽ nói một cách đàng hoàng. Em sẽ mời mọi người ngồi xung quanh, sau đó em nói ra tất cả – với các bằng chứng, sau đó em sẽ nói, hết sức đột ngột: ‘Người đó chính là anh…’”
Bất thần nó đưa ngón tay trỏ ra đúng lúc bà Edith de Haviland bước vào phòng.
“Josephine, quăng hột táo vào giỏ đựng rác đi,” bà Edith nói. “Cháu đã có khăn tay chưa? Các ngón tay của cháu nhớp quá. Bà sẽ đưa cháu ra xe.” Đôi mắt bà nhìn tôi đầy ý nghĩa khi bà nói: “Cháu sẽ an toàn hơn khi không ở đây trong vòng một vài tiếng.” Thấy Josephine có vẻ phản đối, bà Edith nói thêm: “Chúng ta sẽ đi Longbridge và ăn kem xôđa lạnh.”
Mắt Josephine sáng lên, nó nói: “Hai phần.”
“Có thể,” bà Edith nói. “Giờ ta đi, nhớ lấy mũ, áo khoác và chiếc khăn choàng cổ màu xanh đậm. Hôm nay trời lạnh. Charles, cậu nên đi với nó cho đến khi nó lấy xong đồ là tốt hơn. Đừng rời xa nó. Tôi cần viết mấy cái thư.”
Bà ngồi vào bàn. Tôi hộ tống Josephine ra khỏi phòng. Cho dù không có lời cảnh báo của bà Edith, tôi vẫn theo sát Josephine như đỉa đeo.
Tôi tự nhủ sự hiểm nguy của con bé là rất gần kề.
Lúc tôi kết thúc việc canh chừng Josephine tại phòng vệ sinh thì Sophia đi vào phòng. Nàng ngạc nhiên thấy tôi ở đây.
“Charles, sao anh lại trở thành bảo mẫu vậy? Em không biết anh ở đây.”
“Em đi Longbridge với bà dì Edith,” Josephine nói, giọng quan trọng. “Em sẽ được ăn nhiều kem.”
“Rừ, vào một ngày lạnh như thế này á?”
“Kem xôđa lạnh lúc nào cũng ngon,” Josephine nói. “Khi bị lạnh bên trong, sẽ cảm thấy nóng bên ngoài.”
Sophia chau mày. Nàng có vẻ lo lắng, và tôi đau lòng thấy vẻ xanh xao và đôi mắt quầng thâm của nàng.
Chúng tôi trở lại căn phòng ban sáng. Bà Edith vừa dán xong hai phong bì. Bà nhanh nhẩu đứng dậy.
“Chúng ta đi nào,” bà nói. “Ta đã bảo Evans đưa chiếc xe Ford tới.”
Bà bước ra khỏi đại sảnh. Chúng tôi đi theo bà.
Tôi lại chú ý nhìn những chiếc vali và các nhãn dán màu xanh. Không hiểu sao, trong tôi xuất hiện một nỗi lo sợ mơ hồ.
“Quả là một ngày đẹp trời,” bà Edith nói, bà mang găng tay vào, và nhìn lên bầu trời. Chiếc Ford 10 đang chờ trước cửa. “Lạnh – nhưng dễ chịu. Đúng là một ngày mùa thu nước Anh. Những cành cây rụng lá vươn lên bầu trời trông đẹp làm sao – và vài chiếc lá vàng còn treo lơ lửng…”
Bà im lặng một lúc, sau đó quay sang Sophia và hôn nàng.
“Tạm biệt, cháu yêu,” bà nói. “Chắc chắn có những chuyện phải đương đầu và chịu đựng. Cháu đừng lo lắng quá.”
Sau đó bà nói, “Đi nào, Josephine,” và bước vào trong xe. Josephine lên ngồi cạnh bà.
Cả hai vẫy tay chào khi xe chuyển bánh.
“Anh nghĩ bà có lý, nên đưa Josephine ra khỏi chỗ này một lúc thì tốt hơn. Nhưng Sophia nè, chúng ta phải làm sao cho con bé nói ra những gì nó biết.”
“Có thể nó không biết gì hết. Nó chỉ khoe khoang. Josephine thích làm ra vẻ quan trọng, anh biết mà.”
“Còn hơn vậy nữa. Họ đã biết được là chất gì trong tách ca cao chưa?”
“Họ cho rằng đó là digitalin. Bà dì dùng digitalin để trị bệnh tim. Bà có một lọ đựng đầy các viên thuốc nhỏ để trong phòng. Giờ cái lọ đó không còn gì.”
“Lẽ bà phải giữ những thứ như thế trong tủ khóa lại chứ.”
“Bà có làm thế. Nhưng em cho rằng ai đó đã không khó khăn gì tìm thấy chỗ bà cất giấu chìa khóa.”
“Ai đó? Ai?” Tôi lại nhìn đống hành lý. Tôi chợt nói to: “Họ không thể đi. Họ không được phép đi.”
Sophia có vẻ ngạc nhiên.
“Bác Roger và Ckemency à? Charles, anh không nghĩ…”
“Vậy, em nghĩ thế nào?”
Sophia dang hai tay ra tỏ vẻ bất lực.
“Charles, em không biết,” nàng nói nhỏ. “Em chỉ biết em lại bị – lại bị ác mộng…”
“Anh biết. Đó là những lời anh tự nói khi cùng Taverner xuống đây.”
“Quả đúng là ác mộng. Đi giữa những người mình quen biết, nhìn vào mặt họ – bỗng nhiên mặt họ thay đổi – trở thành người xa lạ – một người xa lạ ác độc…” Nàng la lên: “Charles, mình ra ngoài đi – ra ngoài đi. Bên ngoài an toàn hơn… Em sợ ở lại trong ngôi nhà này quá…”