Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngôi Nhà Quái Dị

Chương 16

Tác giả: Agatha Christie

Ông Già đã bảo: “Hãy để họ nói với con.”

Buổi sáng trong lúc cạo râu, tôi kiểm điểm xem mình đã tiến đến đâu.

Edith đã nói chuyện với tôi – bà tìm đến tôi vì mục đích đặc biệt. Clemency đã trao đổi với tôi (hay tôi trao đổi với bà ta?). Magda đã nói chuyện với tôi theo cái nghĩa – tôi là khán giả của một trong những chương trình phát thanh của bà. Sophia dĩ nhiên là nói chuyện với tôi rồi. Cả bà bếp Nannie cũng đã nói chuyện với tôi. Tôi có trở nên sáng suốt hơn sau khi nghe tất cả mọi người nói không? Có từ nào hay cụm từ nào quan trọng không? Hơn nữa, có chứng cứ nào về sự tự phụ bất thường mà cha tôi đã nhấn mạnh?

Tôi không thấy có gì hết.

Người duy nhất biểu lộ tuyệt đối không muốn nói chuyện với tôi về bất cứ chuyện gì hay bất cứ chủ đề nào chính là Philip. Vậy có phải là bất bình thường không? Giờ đây hẳn ông biết tôi muốn cưới con gái ông. Tuy vậy ông tiếp tục xem tôi không phải là người trong gia đình tí nào. Chừng có vẻ ông không ưa sự có mặt của tôi ở nơi này. Bà Edith đã xin lỗi giùm cho ông. Bà nói đỡ đó là ‘cung cách’ của ông. Bà cho thấy chính bà cũng phiền Philip. Tại sao?

Tôi tìm hiểu cha của Sophia. Ông có tâm trạng của người bị thất sủng. Ông đã là một đứa trẻ ganh tị và không hạnh phúc. Ông buộc phải thu mình lại. Ông tìm cách trốn lánh vào thế giới của sách vở – vào quá khứ của lịch sử. Điều đó cho thấy sự lạnh lùng có chủ ý và sự thu mình lại của ông có thể che giấu những cảm xúc sôi sục rất mạnh mẽ. Cái động cơ do ông không được thụ hưởng toàn bộ số tài sản người cha để lại không đủ khả năng thuyết phục – trong lúc này đây, tôi không nghĩ Philip Leonides giết cha vì ông không có số tiền nhiều như ông muốn. Nhưng đây có thể có nguyên nhân tâm lý sâu xa nào đó trong việc ông muốn cha mình chết. Philip đã trở về nhà cha mình để sống, và sau đó, Roger cũng về ở – và Philip buộc phải thấy ngày này qua tháng nọ Roger được cha ưu ái hơn… Có phải tâm trí đã bị hành hạ của ông chỉ có thể nhẹ nhõm đi bằng cái chết của cha ông. Giả sử cái chết đó sẽ buộc tội người anh cả của ông? Roger đang hết tiền – đang bên bờ vực phá sản. Không hay biết gì về cuộc trò chuyện cuối cùng giữa Roger và cha ông, và đề nghị cứu giúp của người cha, phải chăng Philip tin rằng động cơ đó có vẻ đủ mạnh để khiến Roger sẽ lập tức bị nghi ngờ? Có phải tâm trí bấn loạn đẩy Philip ra tay giết người?

Tôi bị dao cạo cắt phải cằm và làu bàu nguyền rủa.

Tôi đang cố gắng làm chuyện quái quỷ gì vậy? Buộc tội cha của Sophia giết người? Quả là một việc làm hay ho!

Chẳng phải đó là điều mà Sophia muốn tôi đến nơi này sao?

Ôi – đúng vậy không? Có cái gì đó, suốt bao lâu nay, đằng sau sự khẩn khoản của Sophia. Nếu có sự nghi ngờ dài lâu trong tâm trí nàng rằng cha nàng là kẻ giết người, nàng sẽ không bao giờ chịu lấy tôi – trong trường hợp nghi ngờ đó thành sự thật. Vì nàng là Sophia, với đôi mắt tinh anh và là người đởm lược, nàng muốn có sự thật, vì nỗi mơ hồ sẽ là rào cản mãi mãi và suốt đời giữa hai chúng tôi. Chẳng phải nàng đã nói đi nói lại với tôi: “Phải chứng minh cái điều đáng sợ mà em đang hình dung không là sự thật – nhưng nếu  thật, hãy chứng minh nó là thật – để em có thể biết sự xấu xa tột cùng đó và đương đầu với nó!”

Phải chăng bà Edith biết, hay nghi ngờ Philip là kẻ phạm tội. Ý bà là gì khi nói ‘khía cạnh tôn sùng thần tượng’?

Và ý của Clemency là gì lúc bà nhìn tôi với cái nhìn kỳ lạ khi tôi hỏi bà nghi ngờ ai và bà đã trả lời: “Laurence và Brenda là những nghi phạm hiển nhiên, đúng không?”

Cả gia đình đều muốn việc giết người do Laurence và Brenda làm, hy vọng có thể là Laurence và Brenda, nhưng thật sự không tin đó là Laurence và Brenda…

Dĩ nhiên, cả gia đình có thể sai, và rốt cuộc không chừng đúng là là Laurence và Brenda.

Hoặc, có thể là Laurence, mà không là Brenda…

Giải đáp đó có thể hay hơn cả.

Tôi vỗ vỗ cái cằm bị cắt và đi xuống nạp bữa ăn sáng với quyết tâm phải có cuộc phỏng vấn Laurence càng sớm càng tốt.

Uống đến tách cà phê thứ hai thì tôi mới chợt nhận ra Ngôi nhà Quái dị đã tác động đến tôi. Tôi cũng muốn tìm, không phải lời giải đúng, mà là lời giải phù hợp với tôinhất.

Sau khi ăn điểm tâm, tôi băng qua đại sảnh và bước lên thang lầu. Sophia đã bảo tôi phải tìm Laurence ở phòng học của Eustace và Josephine.

Tôi ngập ngừng đứng bên ngoài cửa khu vực của Brenda Tôi nên bấm chuông hay gõ cửa, hay đi thẳng vào? Tôi quyết định xem đây là nhà của ông Leonides, không phải nhà riêng của Brenda.

Tôi mở cửa và đi vào. Mọi thứ im ắng, dường như không có ai. Bên trái, cửa vào phòng khách lớn bị đóng. Bên phải, hai cánh cửa mở cho thấy một phòng ngủ liền kề một phòng tắm. Tôi biết đây là phòng tắm liền kề với phòng ngủ của ông Aristide Leonides, nơi cất eserine và insulin.

Cảnh sát giờ đã xong việc với chỗ này. Tôi đẩy cửa bước nhẹ vào trong. Tôi nhận thấy bất cứ ai trong nhà cũng có thể vào đây rồi qua phòng tắm dễ dàng (hay cả với người ngoài nếu muốn làm chuyện đó) mà không ai trông thấy.

Tôi đứng trong phòng tắm nhìn quanh. Thật sang trọng với gạch lát bóng ngời và bồn tắm rất sâu. Một bên có rất nhiều loại đồ điện gia dụng; vỉ nướng, ấm điện – một chảo nhỏ, một lò nướng đều bằng điện – mọi thứ mà người hầu hạ lão gia có thể cần. Trên tường là một tủ ly tráng men trắng. Tôi mở tủ. Bên trong chứa dụng cụ y khoa, hai kính thuốc, cốc rửa mắt, ống nhỏ mắt và vài cái chai có dán nhãn. Aspirin, bột boracic, thuốc đỏ, băng cá nhân v.v… Trên một kệ riêng chứa nhiều insulin, hai kim tiêm và một chai rượu mạnh dùng cho phẫu thuật. Trên kệ thứ ba có một chai ghi ‘Thuốc viên – uống một hay hai viên vào buổi tối theo chỉ dẫn’. Trong kệ này ắt đã chứa chai thuốc nhỏ mắt. Tất cả đều rõ ràng, sắp xếp ngăn nắp, rất dễ lấy thuốc khi cần, và cũng rất dễ lấy để giết người.

Tôi có thể làm gì tùy thích với mấy cái chai sau đó đi ra nhẹ nhàng và xuống thang lầu, không một ai biết tôi đã ở trên này. Dĩ nhiên, không có gì mới, nhưng nó làm cho tôi hiểu công việc của cảnh sát khó khăn đến thế nào.

“Hãy làm cho họ nói hươu nói vượn,” Taverner đã bảo tôi. “Khiến cho họ nháo nhào. Làm cho họ nghĩ chúng ta đang tìm ra cái gì đó. Giữ cho ta nổi đình nổi đám. Nếu chúng ta làm như vậy, sớm muộn gì kẻ giết người cũng sẽ thôi đề phòng và tìm cách chứng tỏ hắn khôn ngoan hơn – thế là – chúng ta tóm hắn.”

Được rồi, cho đến giờ kẻ giết người không phản ứng theo kiểu đó.

Tôi ra khỏi phòng tắm. Vẫn không có một ai. Tôi đi dọc hành lang. Đi ngang qua phòng ăn tối bên trái, phòng ngủ và phòng tắm của Brenda bên phải. Một cô người làm đang từ đó đi ra. Cửa phòng ăn tối đóng. Bên trong phòng, vọng ra tiếng bà Edith de Haviland gọi điện thoại cho bà bán cá quen thuộc. Một dãy bậc thang xoắn đưa xuống tận tầng trệt bên dưới. Tôi đi thang lên trên. Phòng ngủ của bà Edith và phòng khách ở đây, tôi biết, còn có hai phòng tắm và phòng của Laurence Brown. Bên kia là những bậc thang ngắn dẫn xuống một phòng lớn nằm phía sau khu vực dành cho người hầu được dùng làm phòng học.

Tôi đứng lại ngoài cửa. Tôi nghe Laurence Brown lên giọng nhẹ bên trong. Tôi liền nghĩ mình đã nhiễm cái tật rình mò của Josephine. Không một chút ngại ngùng, tôi nghiêng người áp vào cửa và lắng nghe.

Đó là một bài học về lịch sử, thời gian đang nói là thờiĐốc chính ở Pháp.

Càng nghe tôi càng ngạc nhiên. Một sự ngạc nhiên đáng kể khi tôi khám phá Laurence Brown là một thầy giáo tuyệt vời.

Tôi không hiểu tại sao tôi lại ngạc nhiên đến vậy. Nhìn chung, ông Aristide Leonides luôn là người biết thu dụng nhân tài. Mặc dù bề ngoài trông giống con chuột nhút nhát, Laurence có biệt tài khơi dậy sự say mê và trí tưởng tượng của học trò. Bi kịch Thermidor, sắc lệnh chống lại phe Robespierre, bản lĩnh của Barras, sự xảo quyệt của Fouché – Trung úy pháo binh trẻ suýt chết đói Napoleon – được kể rất thật và rất sống động.[14]

Bỗng nhiên Laurence dừng lại, anh ta hỏi Eustace và Josephine mỗi đứa một câu. Anh cho chúng đặt mình vào một nhân vật, đứa này vào nhân vật này và đứa kia vào nhân vật khác. Tuy nhiên anh không thu được nhiều nhặn gì từ Josephine, giọng nói của con bé nghe như phát ra từ cái đầu lạnh tanh. Giọng của Eustace thì khác hoàn toàn với tính cách bình thường của nó. Nó chứng tỏ có đầu óc và sự thông minh, cảm thụ lịch sử nhạy bén khiến ta không nghi ngờ nó đã được di truyền từ người cha.

Sau đó tôi nghe tiếng ghế bị đẩy lui, kêu lạch cạch trên sàn nhà. Tôi lùi trở lại chỗ cầu thang và làm ra vẻ mới đến khi cửa mở.

Eustace và Josephine bước ra.

“Chào,” tôi nói.

Eustace ngạc nhiên khi trông thấy tôi.

“Anh muốn gì?” nó lễ phép hỏi.

Josephine, không thèm quan tâm đến sự hiện diện của tôi, đi lướt qua.

“Anh chỉ muốn xem phòng học,” tôi trả lời hơi yếu ớt.

“Anh có thể xem vào ngày khác được không? Đây chỉ là chỗ của lũ nhóc con. Dùng để làm nhà trẻ. Còn rất nhiều đồ chơi trong đó.”

Nó giữ cửa mở và tôi đi vào.

Laurence đứng bên bàn. Anh ta nhìn lên, hơi đỏ mặt, lẩm bẩm điều gì như để đáp trả lời chào của tôi và vội bước ra.

“Anh làm thầy sợ rồi,” Eustace nói. “Thầy rất dễ sợ hãi.”

“Em có thích thầy không, Eustace?”

“Ồ! Thầy ấy cũng được. Một kẻ ngốc, tất nhiên.”

“Nhưng không là ông thầy dở tệ?”

“Phải, nói thật tình, thầy rất hấp dẫn. Thầy cho chúng em thấy các sự kiện ở một góc độ khác. Em không hề biết Henry VIII làm thơ – gửi Ann Boleyn – một bài thơ tao nhã.

Chúng tôi nói chuyện một lúc lâu về các đề tài như The Ancient Mariner,[15] Chaucer[16], các hàm ý chính trị đằng sau các cuộc thập tự chinh, các khảo cứu về thời Trung cổ và theo Eustace, sự kiện đáng ngạc nhiên là Oliver Cromwell cấm tổ chức lễ Giáng sinh. Tôi nhận thấy, đằng sau cái vẻ khinh khỉnh và khá khó chịu Eustace là một người hay tìm hiểu và có đầu óc.

Rất nhanh, tôi bắt đầu hiểu duyên do sự khó tính của nó. Sự khó tính đó không chỉ là một thử thách đáng sợ, mà còn là một thất bại và sự thoái hóa ngay khi nó đang vui sống.

“Em phải học lớp mười một vào học kỳ tới – và em có ngôi nhà đầy màu sắc, thế mà em phải ở nhà và học chung con bé hư đốn như con Josephine. Nó chỉ mới mười hai tuổi.”

“Nhưng em đâu có học chung bài.”

“Dĩ nhiên là không, nó đâu làm nổi những bài toán cao cấp – hay tiếng Latinh. Nhưng anh có muốn học chung gia sư với một đứa con gái không?”

Tôi tìm cách xoa dịu tính tự cao phái mạnh bị tổn thương của thằng nhỏ bằng nhận xét rằng Josephine là một con bé rất thông minh ở tuổi của nó.

“Anh nghĩ thế sao? Em lại cho nó là một con nhóc chán chết. Nó khoái như điên việc khám phá vụ án này – nó đi khắp nơi, chõ mũi vào bất cứ đâu, viết quái gì trong cuốn sổ tay màu đen, và cho rằng nó đã biết được nhiều điều. Đúng là một con nhỏ dở hơi,” Eustace khinh khỉnh nói.

Eustace nói tiếp:

“Vả lại, con gái không thể nào làm thám tử. Em đã bảo nó thế. Em nghĩ mẹ có lý khi đưa Jo sang Thụy Sĩ càng sớm càng tốt.”

“Thế em không nhớ nó sao?”

“Nhớ một con nhóc vào tuổi ấy à?” Eustace cao ngạo nói. “Dĩ nhiên là không. Ôi trời, nhà này đã đủ chuyện rồi! Mẹ lúc nào cũng hối hả ngược xuôi London và bắt các biên kịch viết lại kịch bản cho mình, làm nhặng xị kinh khiếp về những chuyện không đâu. Cha thì đắm mình vào các quyển sách, đôi khi không nghe anh nói gì cả nếu anh nói chuyện với ông. Em không biết tại sao em lại phải chịu đựng các bậc cha mẹ kỳ lạ như thế. Còn bác Roger – luôn quá nhiệt tình khiến cho anh phải rùng mình. Bác gái Clemency thì được, bác không quấy rầy ai nhưng đôi khi em thấy bác ấy hơi gàn. Bà dì Edith không quá tệ, nhưng bà đã già. Mọi việc hơi tươi vui hơn từ khi chị Sophia về nhà – mặc dầu có lúc chị ấy quá thẳng tính. Nhưng đây là một ngôi nhà kỳ lạ, anh có nghĩ thế không? Khi có một bà nội kế trẻ gần như bằng dì hay bằng chị cả. Thật nực cười!”

Tôi hơi thông cảm với suy nghĩ của Eustace. Tôi nhớ (một cách mơ hồ) cái tính nhạy cảm thái quá của tôi hồi ở tuổi Eustace. Nỗi sợ hãi về sự xuất hiện bất bình thường hoặc sự ra đi bình thường của những người bà con thân thích.

“Còn ông nội thì sao?” tôi hỏi. “Em có thương ông nội không?”

Một biểu hiện kỳ cục lướt qua trên gương mặt Eustace. “Ông nội à,” Eustace nói, “ông hoàn toàn ‘phi-xã hội’!”

“Như thế nào?”

“Ông không nghĩ gì khác ngoài mục tiêu lợi nhuận. Laurence nói việc đó hoàn toàn sai. Ông là một người theo chủ nghĩa cá nhân vĩ đại. Tất cả mọi việc đều phải đi theo hướng đó, anh nghĩ có phải không?”

“Đúng,” tôi nói, hơi thô bạo, “ông đã đi rồi.”

“Thực sự là điều tốt,” Eustace nói. “Không phải là em nhẫn tâm, nhưng anh không thể vui sống ở cái tuổi ấy.”

“Ông không vui sao?”

“Đúng thế. Dù sao, đã đến lúc ông nên đi…”

Eustace dừng lời khi Laurence Brown trở lại phòng học Laurence bắt đầu sắp soạn sách vở, nhưng tôi cảm thấy anh ta đang nhìn tôi qua khóe mắt.

Anh ta xem đồng hồ tay rồi nói:

“Eustace, đúng mười một giờ em quay lại đây nhé. Mấy ngày gần đây chúng ta đang đã lãng phí quá nhiều thời giờ.”

“Vâng, thưa thầy.”

Eustace lững thững đi ra cửa, vừa đi vừa huýt sáo.

Laurence Brown phóng một cái nhìn xoáy vào tôi. Anh ta liếm môi vài lần. Tôi tin anh ta trở lại phòng học chỉ để nói chuyện với tôi.

Sau khi xếp lại chồng sách rồi lại giở ra một cách không chủ ý như giả bộ tìm một quyển sách đang thiếu, anh ta lên tiếng:

“Này – Họ đã làm được gì rồi?”

“Ai?”

“Cảnh sát.”

Mũi anh ta phập phồng. Con chuột đã vào bẫy, tôi nghĩ, con chuột đã vào bẫy.

“Họ không tiết lộ gì với tôi,” tôi nói.

“Ô, tôi tưởng cha anh là trợ lý ủy viên.”

“Đúng vậy, nhưng ông ấy không tiết lộ bí mật công vụ.” Tôi làm giọng quan trọng.

“Vậy là anh không biết bằng cách nào – ra sao – nếu…” Lawrence dài giọng. “Họ sẽ không bắt ai chứ?”

“Cho đến giờ tôi không biết gì cả. Như đã nói, tôi có thể sẽ không biết.”

Hãy làm cho họ nháo nhào, Thanh tra Taverner đã nói. Cho họ nói huyên thuyên. Tốt, Laurence Brown huyên thuyên rồi đây.

Anh ta bắt đầu nói nhanh và căng thẳng:

“Anh không biết thế nào là… Căng thẳng… Không biết nói sao nữa – Ý tôi là, họ cứ đến rồi đi – Đặt nhiều câu hỏi… Những câu hỏi dường như chẳng liên quan gì đến vụ việc…”

Anh ta đã thổ lộ. Tôi chờ đợi. Anh ta muốn nói – tốt – hãy để anh ta nói.

“Hôm trước anh đã ở đây khi ông chánh thanh tra đưa ra gợi ý quái đản? Về chuyện tôi và bà Leonides… Thật quái đản. Làm cho người ta cảm thấy vô phương tự vệ. Người ta bất lực không cản được suy nghĩ của người khác! Và sai sự thật một cách độc địa. Chỉ vì bà ấy nhỏ tuổi hơn ông chồng nhiều quá. Người ta có những ý nghĩ đáng sợ – đầu óc đáng sợ. Tôi cảm thấy – tôi không thể không cảm thấy tất cả là một âm mưu.”

“Âm mưu à? Hấp dẫn đấy.”

Hấp dẫn, dù không theo cách anh ta nghĩ.

“Gia đình, anh biết đấy; gia đình ông Leonides không hề có cảm tình với tôi. Họ luôn luôn xa cách. Tôi luôn cảm thấy họ khinh thường tôi.”

Hai tay Laurence bắt đầu run rẩy.

“Chỉ vì họ luôn luôn giàu có và – quyền lực. Họ nhìn tôi vẻ bề trên. Tôi là gì đối với họ? Chỉ là một gia sư. Một kẻ từ chối nhập ngũ đáng ghét. Sự chống đối của tôi đều do đạo lý. Đúng như thế!”

Tôi không nói lời nào.

“Thôi được,” anh ta bùng nổ. “Dù tôi có là thế thì – họ sợ gì? Sợ tôi làm rối rắm công việc. Sợ rằng khi tôi phải quyết định bóp cò – thì tôi lại không dám làm. Anh có thể đoan chắc người mà anh sắp giết là một tên phát xít không? Không chừng lại là một người đàng hoàng nào đó – một trai làng – không biết gì về chính trị vừa bị bắt lính để phục vụ quốc gia. Tôi cho rằng chiến tranh là sai lầm,anh có hiểu thế không? Tôi tin chiến tranh là sai lầm.”

Tôi vẫn tiếp tục giữ im lặng. Tôi tin sự im lặng kết thúc tốt hơn bất kỳ sự đồng tình hay sự tranh cãi nào. Laurence Brown đang biện luận với chính mình và làm vậy sẽ khiến anh ta tiết lộ bản thân nhiều hơn.

“Mọi người luôn cười nhạo tôi.” Giọng anh ta run rẩy. “Tôi như có sở trường làm cho mình trở nên lố bịch. Không phải tôi thiếu can đảm – nhưng lúc nào tôi cũng làm hỏng chuyện. Tôi đến một ngôi nhà đang cháy để cứu một người đàn bà mắc kẹt bên trong. Nhưng ngay tức khắc tôi bị lạc lối và khói làm tôi ngất đi, và lính cứu hỏa vất vả kinh khủng mới tìm ra tôi. Tôi nghe họ nói: “Tại sao cái gã ăn hại đần độn này không để chúng tôi làm?” Tôi có cố gắng mấy người ta cũng chống lại tôi. Kẻ giết ông Leonides đã sắp xếp sao cho tôi sẽ bị nghi ngờ. Ai đó đã giết ông ấy để hại tôi.”

“Thế còn bà Leonides?” tôi hỏi.

Laurence hơi đỏ mặt. Anh ta đỡ nhút nhát đi và trở nên đàn ông hơn.

“Bà Leonides là một thiên thần,” anh ta nói, “một thiên thần. Sự dịu dàng, tử tế của bà ấy với ông chồng lớn tuổi thật là kỳ diệu. Ai nghĩ bà ấy liên quan đến việc hạ độc thật nực cười – nực cười quá! Mà cái ông chánh thanh tra đần độn đó không thể thấy được đâu!”

Tôi nói, “Ông ấy thành kiến bởi số lượng vụ án ông chồng già bị cô vợ trẻ dịu dàng đầu độc trong hồ sơ của ông ấy.”

“Thật ngu xuẩn không chịu nổi,” Laurence Brown giận dữ nói.

Anh ta đi đến kệ sách ở góc phòng và bắt đầu lục lọi. Tôi nghĩ mình sẽ không khai thác được gì thêm ở anh ta. Thế nên tôi lẳng lặng rời khỏi phòng.

Lúc tôi đang đi dọc hành lang, một cánh cửa bên trái tôi chợt mở và Josephine suýt nữa đâm sầm vào tôi. Con bé có cái kiểu xuất hiện bất thình lình của một con quỷ trong kịch câm cổ điển.

Mặt mũi tay chân của nó lấm lem và một mạng nhện lớn còn dính ở bên tai.

“Em ở đâu ra vậy, Josephine?”

Tôi liếc nhìn qua cánh cửa hé mở. Một cặp đôi bậc thang dẫn lên không gian kiểu gác mái hình chữ nhật mà trong bóng tối trên đó người ta có thể nhìn thấy nhiều bể chứa lớn.

“Ở trong phòng bể chứa nước.”

“Tại sao lại ở trong đó?”

Josephine trả lời gọn kiểu thành thạo:

“Khám phá.”

“Khám phá cái quái gì trong các bể chứa nước?”

Trước câu hỏi đó, Josephine chỉ đáp:

“Em phải đi rửa ráy.”

“Anh muốn nói cho ra lẽ.”

Josephine lách mình vào cửa phòng tắm gần bên. Nó ngoái nhìn để nói:

“Em có thể nói đã đến lúc xảy ra một vụ giết người kế tiếp rồi, anh có thấy thế không?”

“Ý em là gì – một vụ giết người kế tiếp sao?”

“Đúng, trong nhiều quyển sách luôn có vụ giết người kế tiếp ngay sau đó. Ai đó biết điều gì sẽ bị giết người diệt khẩu.”

“Josephine, em đọc quá nhiều chuyện trinh thám rồi đó. Cuộc đời thật không giống thế đâu. Nếu có ai trong nhà này biết điều gì thì dường như còn lâu họ mới muốn nói ra.” Câu trả lời của Josephine vẳng đến tai tôi lờ mờ do tiếng vòi nước phun ra át đi.

“Đôi khi có những chuyện họ không biết rằng họ biết.”

Tôi chớp chớp mắt, cố hiểu ý câu nói đó. Rồi tôi đi xuống tầng bên dưới để cho con bé tắm rửa.

Đúng lúc tôi sắp đi qua cửa dẫn vào thang lầu, Brenda nhẹ nhàng lướt nhanh qua cửa phòng khách. Bà đến gần tôi, đặt bàn tay bà lên cánh tay tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi.

“Cậu khỏe không?”

Cùng cách hỏi tin tức như Laurence, chỉ là câu từ khác đi. Và câu từ của bà có hiệu quả hơn xa.

Tôi lắc đầu nói:

“Không có gì.”

Bà thở dài.

“Tôi sợ lắm,” bà nói. “Cậu Charles à, tôi sợ lắm…”

Sự sợ hãi của bà rất thật. Nó truyền qua người tôi trong khoảng cách gần. Tôi muốn trấn an bà, giúp đỡ bà. Một lần nữa, tôi cảm nhận cảm giác cô đơn khủng khiếp của bà trước sự thù ghét vây quanh.

Nếu bà kêu lên: “Ai là người đứng về phía tôi?”

Câu trả lời sẽ là gì? Laurence Brown ư? Và suy cho cùng, Laurence Brown là ai chứ? Không đủ sức bảo vệ giữa lúc ngặt nghèo. Một người phụ nữ yếu đuối. Tôi nhớ đến cảnh hai người vật vờ trong khu vườn đêm hôm trước.

Tôi muốn giúp đỡ bà. Tôi rất muốn giúp. Nhưng tôi không thể nói hay làm được gì. Trong sâu thẳm tâm hồn tôi, có một cảm giác rối ren tội lỗi như thể Sophia đang nhìn tôi với đôi mắt khinh bỉ. Tôi nhớ giọng nói của Sophia: “Bà ấy đã mê hoặc anh.” Và Sophia không thấy, nàng không muốn hiểu hoàn cảnh của Brenda. Đơn độc, bị nghi giết người, không một ai bên cạnh.

“Ngày mai sẽ cho lời khai chính thức,” Brenda nói.

“Điều – điều gì sẽ xảy ra?”

Với câu hỏi này, tôi có thể làm bà an tâm.

“Không có gì đâu,” tôi nói. “Bà đừng lo. Buổi lấy lời khai chính thức sẽ được dời lại để cảnh sát làm các cuộc thẩm vấn. Tuy nhiên, vậy sẽ khiến cho báo chí tha hồ đưa tin. Đến giờ, chưa báo nào nói đó không phải là một cái chết tự nhiên. Nhà Leonides có ảnh hưởng rất lớn. Nhưng với việc dời lại – trò vui sẽ bắt đầu.”

(Sao lại nói gì lạ vậy! Trò vui! Tại sao tôi lại phải dùng cái từ đó?)

“Thế họ có – có đáng sợ không?”

“Nếu tôi là bà tôi sẽ không để họ phỏng vấn. Bà biết không, Brenda, bà phải có luật sư…” Brenda co người lại, thở dốc vì hoảng sợ. “Không – không – không phải như ý bà hiểu đâu. Bà cần một ai đó trông nom quyền lợi và cố vấn cho bà trong thủ tục kiện tụng, điều gì nên nói và nên làm, điều gì không nên nói và không nên làm.” Tôi nói thêm, “Bà thấy đấy, bà rất cô độc.”

Bàn tay bà siết chặt cánh tay tôi hơn.

“Vâng,” bà nói. “Cậu đã hiểu điều đó. Charles, cậu đã giúp, cậu đã giúp đỡ…”

Tôi đi xuống cầu thang với cảm giác ấm áp, hài lòng… Sau đó tôi thấy Sophia đứng bên cửa chính. Giọng nàng lạnh lẽo và khô khan.

“Sao anh lâu vậy,” nàng nói. “Họ gọi điện thoại cho anh từ London. Cha của anh muốn gặp anh.”

“Tại trụ sở Scotland Yard?”

“Vâng.”

“Không biết họ muốn gì ở anh. Họ không có nói à?”

Sophia lắc đầu. Ánh mắt nàng lộ vẻ lo lắng. Tôi kéo nàng đến bên tôi.

“Đừng lo em yêu,” tôi nói, “anh sẽ trở lại ngay.”

Bình luận