Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngôi Nhà Quái Dị

Chương 15

Tác giả: Agatha Christie

“Phòng của anh đã chuẩn bị xong rồi,” Sophia nói.

Nàng đứng bên tôi nhìn ra khu vườn. Giờ trông nó xám xịt, tiêu điều với những hàng cây rụng lá hết phân nửa đang lung lay trong gió.

Sophia đồng cảm với suy nghĩ của tôi, nàng nói:

“Trông nó hoang tàn làm sao…”

Trong khi chúng tôi đang nhìn, một dáng người, rồi một dáng người nữa từ khu vườn đá đi qua hàng rào thủy tùng.

Cả hai trông xám xịt và không thật trong ánh sáng tàn dần.

Bà Brenda Leonides đi trước. Bà choàng trên người chiếc áo khoác lông sóc màu xám. Cách bước đi rón rén của bà trông giống như mèo. Bà lướt đi trong ánh chiều tà với một vẻ duyên dáng siêu nhiên.

Tôi nhìn thấy mặt bà khi bà đi ngang qua cửa sổ. Một cái cười nửa miệng trên gương mặt, môi hơi nhếch lên, một nụ cười kỳ lạ tôi đã để ý lúc gặp trên tầng của bà. Vài phút sau, Laurence Brown, trông mảnh khảnh và teo quắt, cũng lướt đi trong ánh chiều tà. Tôi chỉ có thể mô tả họ như thế. Họ không giống như hai người đang đi, mà giống hai người vừa ra ngoài đi dạo. Họ có cái vẻ gì đó lén lén lút lút và ảo ảnh như hai bóng ma.

Tôi tự hỏi có phải nhánh cây đó gãy dưới chân họ?

Tự dưng liên kết ý tưởng, tôi hỏi:

“Josephine đâu?”

“Nó và Eustace có thể còn ở phòng học.” Nàng cau mày. “Em lo lắng về Eustace, anh Charles.”

“Tại sao?”

“Nó rất thất thường và kỳ lạ. Nó đã đổi khác từ khi bị chứng bệnh bại liệt. Em không thể biết điều gì xảy ra trong đầu nó. Đôi khi nó có vẻ thù ghét tất cả mọi người.”

“Đó có thể là giai đoạn trưởng thành.”

“Vâng, em cũng nghĩ thế. Nhưng em vẫn lo, Charles.”

“Sao vậy, bà chị đáng thương?”

“Em cho là vì cha và mẹ em không hề lo lắng. Họ không giống bậc cha mẹ.”

“Không chừng vậy lại là hay nhất. Nhiều đứa trẻ đau khổ vì cha mẹ can thiệp vào đời sống của con cái hơn là vì không bị can thiệp.”

“Điều đó đúng. Anh biết không, em chưa bao giờ nghĩ vậy cho đến khi em từ nước ngoài về, nhưng họ quả là một cặp đôi kỳ lạ. Cha sống hẳn trong thế giới sử học trừu tượng, còn mẹ thì dùng thời gian quý báu soạn ra các màn kịch. Cuộc họp chẳng ra gì tối nay tất cả là do mẹ. Có cần phải thế đâu. Mẹ muốn diễn màn kịch gia đình họp kín. Anh biết không, ở đây mẹ buồn chán và tìm cách dựng lên một vở kịch.”

Trong thoáng chốc tôi hình dung ra chuyện không tưởng là bà mẹ của Sophia đầu độc cha chồng theo kiểu vô tư nhằm trải nghiệm một vở kịch giết người trong đó bà đóng vai chính.

Một ý nghĩ buồn cười! Tôi vội xóa nó đi – nhưng nó để lại trong tôi một chút khó chịu.

Sophia nói, “Mẹ phải được trông chừng suốt. Anh không bao giờ biết mẹ định làm !”

“Sophia, hãy quên gia đình của em đi,” tôi nói kiên quyết.

“Em sẽ quá vui sướng khi làm được điều đó, nhưng trong lúc này có chút khó khăn. Nhưng hồi ở Cairo em đãrất sung sướng khi quên tất cả họ.”

Tôi chợt nhớ tại sao ở Cairo, Sophia không bao giờ nói chuyện nhà và người trong gia đình nàng.

“Có phải vì vậy nên em không hề nói gì đến họ?” tôi hỏi. “Vì em muốn quên họ?”

“Chắc vậy. Gia đình em, tất cả mọi người, đều thân nhau. Tất cả – đều rất thương nhau. Gia đình em không như vài gia đình khác trong đó người người ghét nhau, đào đất đổ đi. Vậy hẳn là rất tệ, nhưng tệ hơn cả là phải sống quấn lấy nhau trong yêu thương đầy mâu thuẫn.” Nàng nói thêm: “Em nghĩ đó là ý của em khi em nói cả gia đình em chung sống trong căn nhà quái dị. Em không nói quái dị theo nghĩa xấu. Ý em là cả nhà không thể trưởng thành một cách độc lập, tự mình đứng được. Cả nhà cứ cuộn vào nhau, quấn lấy nhau.”

Tôi nhìn thấy bà Edith de Haviland nghiến gót chân lên một đám cỏ trên con đường trong khi Sophia nói thêm: “Giống như đám cỏ bìm bìm…”

Bỗng nhiên bà Magda xuất hiện – vừa mở cửa vừa kêu to:

“Con yêu, sao con không mở đèn. Tối quá.”

Bà nhấn nút, ánh sáng chiếu lòa trên các vách tường và bàn ghế. Bà, tôi và Sophia kéo các màn che nặng nề màu hồng lên, và chúng tôi ở trong căn phòng thoang thoảng hương hoa. Bà Magda gieo mình lên ghế tràng kỷ, la lớn:

“Một tình cảnh không thể tin được, đúng không? Thằng Eustace cáu kỉnh đó! Nó nói với ta rằng nó nghĩ toàn bộ chuyện này tuyệt không đứng đắn chút nào. Bọn con trai thật nực cười!”

Bà thở dài.

“Roger là một kẻ được nuông chiều. Tôi yêu anh ấy khi anh vò đầu và bắt đầu làm hư hại mọi chuyện. Bà Edith có đúng là tử tế khi tặng phần thừa kế của bà cho anh ấy không? Cậu biết không, bà dì thật sự có ý đó, không giả bộ đâu. Nhưng thật là dại dột khủng khiếp – khi chuyện đó khiến Philip nghĩ mình cũng phải làm y như thế. Bà dì Edith, dĩ nhiên, có thể làm mọi việc cho gia đình! Tình thương của bà dì dành cho các cháu thật là cảm động. Một ngày nào đó ta sẽ diễn vai một bà dì tận tụy. Tò mò, ngoan cố và tận tụy.”

“Bà ấy đã rất cực khổ sau khi chị bà chết,” tôi nói, để tránh bàn luận lạc đề về những vai diễn của bà Magda. “Cháu muốn hỏi có phải bà ấy không ưa ông lão Leonides cho lắm.”

Magda cắt lời tôi.

“Không ưa ông ấy à? Ai nói cậu thế? Thật vô lý. Bà dì yêu ông ấy.”

“Mẹ!” Sophia kêu lên.

“Sophia, giờ đừng cố cãi mẹ nữa. Dĩ nhiên vào tuổi con, con nghĩ tình yêu là hai người trẻ hợp nhãn nhau gặp nhau dưới ánh trăng.”

“Bà ấy nói với cháu đấy ạ,” tôi nói, “rằng bà luôn không ưa ông lão.”

“Có thể là vậy khi bà ấy mới đến. Bà giận chị mình vì chị bà lấy ông ấy. Tôi dám nói có sự xung khắc giữa hai người – nhưng bà dì yêu ông ấy! Con gái cưng, mẹ biết mình đang nói gì mà! Dĩ nhiên, với cái chết của bà chị và tất cả mọi việc khác, ông lão không thể cưới bà dì, và ta dám nói ông không hề nghĩ đến chuyện ấy – và có lẽ bà dì cũng thế. Bà hoàn toàn hạnh phúc được làm mẹ các đứa trẻ và cùng chung lo với ông. Nhưng khi ông cưới Brenda, bà không ưa chuyện ấy – không ưa chút nào.”

“Cả cha và mẹ cũng đâu có thích gì,” Sophia nói.

“Dĩ nhiên là cha mẹ ghét! Lẽ tự nhiên! Nhưng dì Edith ghét hơn cả. Con gái yêu, mẹ đã thấy cái cách bà dì nhìnBrenda!”

“Thôi nào, mẹ.”

Magda ném một cái nhìn vừa thương yêu vừa có vẻ tội lỗi về phía con gái, một cái nhìn của một đứa trẻ vừa hư hỏng vừa tinh nghịch.

Bà ta nói tiếp, bất kể tính thiếu liên tục của câu chuyện. “Mẹ định đưa Josephine đến trường học.”

“Josephine? Đến trường à?”

“Đến Thụy Sĩ. Mẹ sẽ đi xem xét chuyện ấy vào ngày mai. Mẹ thật sự nghĩ chúng ta nên đưa nó đi liền. Để nó dính líu tới câu chuyện khủng khiếp ở đây thì dở quá. Nó sẽ trở nên bệnh hoạn vì chuyện giết người. Điều nó cần là những đứa trẻ cùng trang lứa. Đó là cuộc sống ở trường học. Mẹ luôn luôn nghĩ thế.”

“Ông nội không muốn nó đi học ở trường đâu,” Sophia chậm rãi nói. “Ông phản đối dữ lắm.”

“Nga hoàng già thân thương của chúng ta thích tất cả chúng ta nằm trong tầm nhìn của ông ấy. Rất nhiều lão già thường ích kỷ kiểu đó. Một đứa trẻ phải được sống cùng những đứa trẻ khác. Thụy Sĩ là nơi rất tốt cho sức khỏe – tất cả các trò chơi thể thao mùa đông, không khí trong lành, thức ăn ngon hơn ở đây nhiều!”

“Sẽ khó khăn trong việc sắp xếp đi Thụy Sĩ lúc này với cả mớ quy định về tiền tệ, đúng không ạ?” tôi hỏi.

“Không đâu, Charles. Có mẹo đi học – hoặc là cậu trao đổi với một đứa trẻ Thụy Sĩ – có rất nhiều cách. Rudolph Alstir đang ở Lausanne, mai tôi sẽ đánh điện bảo ông ta sắp xếp mọi việc. Chúng tôi có thể đưa nó đi vào cuối tuần này!”

Magda đấm vào một cái gối, mỉm cười với chúng tôi, rồi đi ra cửa. Bà đứng ở đấy một lúc, nhìn lại chúng tôi với một phong cách hoàn toàn tươi vui.

“Chỉ có tụi trẻ mới vậy,” bà nói. Khi bà nói thế, giọng bà êm dịu. “Cứ phải đến sớm mới chịu. À này, con gái – hãy chăm sóc các cây hoa – hoa long đởm xanh, hoa thủy tiên…”

“Vào tháng 10 sao?” Sophia hỏi, nhưng Magda đã đi rồi.

Sophia thở hắt ra một hơi dài bực tức.

“Thật ra,” nàng nói. “Mẹ đang rất cố gắng. Mẹ chợt nảy ra những ý nghĩ này và gửi hàng ngàn bức điện tín, mọi việc phải được thu xếp một cách gấp rút. Tại sao Josephine phải được đưa đi Thụy Sĩ một cách đột ngột như vậy chứ?”

“Có thể có gì đó liên quan đến trường học. Anh nghĩ bọn trẻ con cùng lứa tuổi là điều tốt cho Josephine.”

“Ông nội không nghĩ thế,” Sophia ngoan cố cãi.

Tôi cảm thấy hơi bực.

“Sophia thân yêu, có thật sự em nghĩ một lão gia hơn tám mươi lại là phán quan tốt nhất về việc chăm sóc một đứa trẻ?”

“Ông nội là phán quan tốt nhất cho mọi người trong gia đình này.”

“Tốt hơn cả bà dì Edith?”

“Không, có thể không. Bà cũng thích con bé tới trường hơn. Em công nhận Josephine là trường hợp khó – nó có tật rình mò khủng khiếp. Nhưng em nghĩ chỉ vì nó thích đóng vai thám tử.”

Đây có phải chỉ vì lo cho sự yên vui của Josephine khiến bà Magda quyết định đột ngột không? Tôi tự hỏi. Josephine đã nắm được nhiều thông tin xác thực đáng kể về tất cả những chuyện xảy ra trước khi có vụ giết người, và chắc chắn không liên quan đến nó. Cuộc sống lành mạnh ở trường có thể là một thế giới tốt đẹp cho con bé. Nhưng tôi lại thắc mắc quyết định đột ngột và khẩn cấp của bà Magda – Thụy Sĩ thật quá xa xôi.

Bình luận
× sticky