Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhân Tướng Học

— 13 Bô Vị Quan Trọng

Tác giả: Hy Trương
Thể loại: Tử Vi - Phong Thủy

Trong phép xem tướng khuôn mặt, người ta chia khuôn mặt thành rất nhiều khu vực nhỏ gọi là bộ vị. Thoạt đầu, theo truyền thuyết thì từ đời Đông-Chu (cách đây khoảng 2500 năm) khuôn mặt được chia thành 13 bộ vị (h.3).

Đến đời nhà Hán thì người ta tế phân các bộ vị trên thành 120 bộ vị nhỏ hơn. Đời Đường và Tống, tổng số bộ vị trên khuôn mặt là 130. Các nhà tướng học khét tiếng như Nhất Hanh Thiền sư đời Đường, Ma Y và Trần Đoàn đời Tống đều ghi lại trong sách tướng của mình con số 130. Đời sau phần lớn đều theo số 130 của Ma Y- Đến hai đời Minh, Thanh con số đó tăng lên 140. Nhưng bất kể 120, 130 hay 140 đó chẳng qua điều là những tế phân vụn vặt, nhiều khi dư thừa vô ích. Ta chỉ cần biết 13 bộ vị chính yếu là đủ để quan sát Khí Sắc, mạng vận kiết hung. Dưới đây là 13 bộ vị trên khuôn mặt :

– Khu vực Thượng Đình:  Thiên Trung, Thiên Đình, Tứ không, Trung Chính.

– Khu vực Trung Đình:  Ấn Đường, Sơn Căn, Niên Thượng, Thọ Thượng, Chuẩn Đầu.

– Khu vực Hạ Đình:  Nhân Trung, Thủy Tinh (Miệng), Thừa Tương, Địa Các

 

 

 

Ý NGHĨA CỦA TỪNG BỘ VỊ

1. Thiên Trung:

Thiên Trung (coi phụ họa h.3) được coi là tốt đẹp nếu đầy đặn, sáng sủa. Trong trường hợp đó Thiên Trung là dấu hiệu cho biết thuở nhỏ vận tốt, cha mẹ song toàn, thân thể khỏe mạnh. Ngược lại Thiên Trung thấp, lõm, lệch lạc trông không có gì khả quan chủ về tuổi ấu thơ không được tốt đẹp, hoàn cảnh sinh sống lúc nhỏ khó khăn chật vật, không được song thân nuôi nấng đúng mức, thiếu tình thương. Nếu như Thiên Trung có Khí Sắc hắc ám, ấn tàng mường tượng như mạch máu ngầm, có gân xanh chạy dài tới Ấn Đường (ở giữa 2 đầu Lông Mày), thì đó là triệu chứng trong đời khó thoát tai ương đột ngột, sinh kế phần lớn khó thành.

2. Thiên Đình:

Là phần giữa trán tiếp liền dưới Thiên Trung (thông thường Thiên Đình và Thiên Trung chiếm 1/2 bề cao của trán. Do đó, cách quan sát và ý nghĩa tương tự như Thiên Trung về mặt mạng vận cá nhân, điều hơi khác là Thiên Trung chủ về cha. Thiên Đình chủ về mẹ. Nếu Thiên Đình Khí Sắc hắc hám một cách trường cửu thêm vào đó là hình thể khuyết hãm sẽ chủ về cảnh cơ khổ thiếu niên phần lớn do mẹ gây ra hoăc không được quý nhân tương trợ, do đàn bà cản trở.

3. Tư Không:

Về mạng vận cũng đồng nghĩa với Thiên Trung và Thiên Đình nhưng thường nặng về ý nghĩa bản thân, trong khi hai bộ vị trên liên quan đến ảnh hưởng tới cha mẹ. Trong thực tế khó mà tách biệt được vị trí đích thực của ba bộ vị. Nếu Tư Không khuyết hãm hoặc Khí Sắc xấu xuất hiện thường xuyên, chủ về bản thân hay gặp trắc trở trong công việc, không được phụ huynh hay quý nhân giúp đỡ. Ngược lại Tư Không sáng sủa, đầy đặn có Khí thế mạnh mẽ thì đó là dấu hiệu bản thân khi hành sự được người trên hỗ trợ.

4. Trung Chính: 

Đầy đặn, Sắc hồng nhạt hoặc vàng, trông sáng sủa, chủ về thành đạt sáng sủa, vừa thông minh tài trí, vừa mạnh khỏe, ít tật bệnh hiểm nghèo. Nếu thấp, khuyết:  chủ về ngu độn, vô tài cán. Nếu chổ này bị vết hằn, sẹo tự nhiên hay nốt ruồi thì dể đưa đến bị người ghét bỏ, có tính nóng nảy, ngông cuồng

5. Ấn Đường: 

Đó là khoảng giữa hai đầu Lông Mày là nơi trung gian giữa trán và gốc Mũi. Đối với tướng học Á- Đông cổ điển, bộ vị này rất quan trọng về phương diện mạng vận. Nguyên tắc quan sát từ Ấn Đường cũng tương tự như bốn bộ vị vừa kể trên, chủ yếu là lấy sự rộng rãi, nẩy nở là tốt về hình thức, tươi tốt, hồng nhuận là tốt về thực chất. Tốt cả chất lẫn hình chủ về mưu sự dễ thành. Hẹp hoặc khuyết hãm là xấu. Đặc biệt tối kỵ là hai đầu Lông Mày không được giao tiếp nhau ở ngay trên Ấn Đường tạo thành một vệt đen gần như duy nhất chạy dài từ phía bắt phải sang Mắt trái. Kẻ có tướng Ấn Đường như thế không mong gì có dịp giàu sang, hèn hạ suốt đời nhọc nhằn. Ấn Đường có nốt ruồi ở 2 bên phải và trái chủ về tù tội.

Một đặc điểm thường thấy ở những người từ tuổi Thanh niên trở đi là Ấn Đường có vết hằng chạy từ 2 bên đầu Lông Mày lên phía trán. Sự kiện cũng được sách tướng nghiên cứu tường tận và đưa đến vài nhận xét sau đây:

a. Ngay chính giữa Ấn Đường có một vết sâu và thẳng thì gọi là “luyến trâm văn”, về mạng vận có ý nghĩa là vợ chồng xung khắc. Về mặt cá tính, đó là kẻ có ý trí mạnh, làm việc có tinh thần trách nhiệm (h. 4)

b. Ấn Đường có 3 hằn song song (h.5) chủ về phá tán gia sản, khắc vợ, sống xa quê nhà mới mong tạm đủ ăn mặc.

c. Ấn Đường có 2 đường giao nhau như hình chữ bát (/) (h.6) chủ về sự nghiệp ba đào. Nếu các bộ vị khác đều tốt đẹp thì phải đợi ngoài 40 tuổi mới mong thõa nguyện bình sinh. Về mặt cá tính, đó là tướng người ưa tư lự, tập trung tư tưởng dễ dàng và có ý trí mạnh.

 

d. Ấn Đường có loạn văn là điềm bất thường nặng nề nhất (h.7). Đó là dấu cha mẹ sớm khuất bóng, buôn tẩu tứ phương. Nếu các vết hằng loang lổ đó sâu và rõ thì lại càng xấu, chủ về tính nết buông thả, không thể kiềm chế, đến khoảng trên dưới 30 tuổi khó tránh khỏi yếu tử (nếu các bộ vị khá tốt, mục quang có thần thì chỉ bị đau ốm hay tai ương qua loa).

6. Sơn Căn:

Đó là khoảng sống Mũi nằm giữa 2 Mắt. Trong quan niệm “Thiên nhân tương trữ” của Á đông, (xem h.3). Sơn Căn được coi như nơi giao tiếp giữa trời và người, giữa Âm và dương, cho nên Sơn Căn cần phải cao, thẳng, ngay ngắn thì sự giao tiếp đó mới thành tựu mỹ mãn, đưa đến hậu quả tốt. Nếu lệch, hãm, gẫy… thì không thể khiến con người hấp thụ được Khí của trời và trăng sao. Hơn nữa Mũi là dấu hiệu quan trọng nhất của sự giàu sang, nếu Sơn Căn lệch, nhọn hoặc nhỏ thì gốc Mũi vốn đã hư sẽ khiến cả phần còn lại của Mũi bị tai hại. Nếu Sơn Căn tốt thì gần như một định lệ:  Mũi cũng tốt theo và dưa đến tài vận hanh thông.

Điều cần biết ở đây là nếu Sơn Căn có màu xám như tàn tro thì đó là dấu hiệu báo trước của tật bệnh. Nếu Khí Sắc đó lan cả xuống sống Mũi và xuống sát phần tiếp giáp với 2 đầu Mắt thì bệnh càng nặng và có thể bị chết vì bệnh.

Nốt ruồi ở ngay Sơn Căn báo hiệu cuộc đời bôn tẩu tha hương. Ngoài ra đó cũng là dấu hiệu tai họa tù ngục, nếu mọc chính giữa khu vực của Sơn Căn, mọc ở hai bên phải và trái cho biết được kẻ đó trong mình có ác tật.

7. Niên Thượng:

Đó là phần thân Mũi ở ngay dưới Sơn Căn và chiếm khoảng 1/4 chiều dài của Mũi đo từ khoảng giữa 2 Mắt tới chõm Mũi. Các bộ vị như Sơn Căn, Niên Thượng, Thọ Thượng sẽ được mô tả rõ ràng ở phần nói về Mũi nên ở đây chỉ chú trọng tới phần ý nghĩa căn cứ vào Khí Sắc và nốt ruồi của Niên Thượng mà thôi.

Niên Thượng có Sắc ám đen như sương mù, chủ về người thân có bệnh.

Niên Thượng có nốt ruồi chủ về vận kiếp có số đào hoa nghiã là hoặc do đam mê Sắc dục nữ giới mà thành tai tiếng tù tội, hoặc giao du xác thịt với đàn bà mà mắc bệnh.

8. Thọ Thượng:

Phần sống Mũi tận cùng ở tiếp dưới ngay Niên Thượng. Nếu phần Thọ Thượng có xương hoặc sụn nổi cao là dấu hiệu trong đời thế nào cũng có phen thất bại nặng nề. Về nốt ruồi và Khí Sắc, cách luận giải tương tự như phần nói về Niên Thượng, ý nghĩa cũng vậy. Tuy nhiên, nếu hai bên (phải và trái) của Thọ Thượng có Sắc hồng nhạt hoặc vàng và tất cả đều tươi mịn, dễ coi thì đó là triệu chứng đủ ăn đủ mặc (với điều kiện là Mũi tốt).

9. Chuần Đầu:

Đó là phần chõm Mũi, hình dạng tròn như viên đạn của con nít thường chơi. Chuần Đầu cần phải lớn, tròn trịa và có thịt mới tốt, tối kỵ là trơ xương. Tuy nhiên nếu chỉ tốt về hình dạng mà Sắc da ở Chuần Đầu khô mốc, ám đen cũng không thể coi là tốt vì đó là dấu hiệu bệnh hoạn hoặc hao phá về tiền bạc nặng nhẹ tùy từng trường hợp.

Người ta thường nói Mũi là nơi quan sát sự giàu nghèo, nhưng thực ra sự giàu ngèo chỉ căn cứ ở phần Thọ Thượng xuống đến Chuần Đầu (nhất là Chuần Đầu mà thôi).

Ngoài ra về mặt xem tướng tài vận, nếu Chuần Đầu nhiều thịt, mập mạp nhưng lổ Mũi quá rộng, hếch lên trời, nhiều lông, hai cánh Mũi qua mỏng và ở cao hơn vị trí của Chuần Đầu thì cũng là tướng hao tài hoặc hữu danh vô thực về tiền bạc.

10. Nhân Trung:

Đó là cái rãnh sâu nằm ngay chạy từ dạ Chuần Đầu xuống tiếp giáp với Môi trên. Ở phần nói về Môi, Miệng và khu vực Hạ Đình sẽ nói tường tận về các dạng thức và ý nghĩa. Ở đây chỉ xin nói sơ qua là điều kiện tất yếu để xem là Nhân Trung tốt bao gồm:

– Sâu và rõ ràng, dài và rộng.

– Ngay ngắn chứ không lệch lạc.

– Không có nốt ruồi hay các vạch ngang tự nhiên làm đứt đoạn.

– Trên nhỏ dưới rộng.

11. Thủy Tinh: 

Là một danh xưng chỉ về Môi Miệng (trong phần nói về Ngũ Quan, Miệng được coi là xuất nạp quan và là một trong 05 đại bộ phận trọng yếu của khuôn mặt, nên sẽ được mô tả đầy đủ trong một chương riêng. Bởi vậy độc giả nên tham chiếu chương nói về Miệng để biết rõ hơn).

Ở đây điều kiện tiên quyết của Thủy Tinh hợp cách là:

– Môi Miệng phải ngay ngắn.

– Hai Môi phải dày mỏng tương xứng

– Khóe Miệng phải hướng lên

– Bề dày phải vừa phải không nên quá dày quá mỏng

12. Thừa Tương:

Là khu vực nằm giữa khoảng giữa Môi dưới và ở phía tận cùng của khuôn mặt và hơi lõm xuống (h.8), nhưng đây chỉ là hình dạng phổ thông. Ở một số người bộ phận này có thể nhô lên cao hoặc thẳng tấp. Trong những trường hợp như vậy hoặc quá hõm đều là hung tướng, chủ về hay bị Tai ương sông nước hay ẩm thực. Nếu khu vực này xám tro hoặc đen thì lại càng dễ quyết đoán.

13. Địa Các:

Đó là phần tận cùng của khuôn mặt, ta thường gọi chung là Cằm.

Cằm chủ yếu phải nẩy nở, cân xứng, không lem, không nhọn, không đưa lên cao. Địa Các quá ngắn chủ yếu về yểu thọ. Quá nhọn và dài chủ về sống lâu nhưng về già lênh đênh cô độc. Địa Các có nốt ruồi hay lằn vạch tự nhiên do da mặt xếp lại thì không được thừa hưởng di sản của tiền nhân để lại, dù rằng có cân xứng và đầy đặn.

Bình luận