Bà quản gia vẫn tiếp tục soạn áo quần ra từ chiếc va li cuối cùng trong số bốn chiếc của Rosie, mắt vẫn không nhìn lên, bà ta nói:
– Cô Collie trông đã đỡ hơn rồi đấy chứ, phải không?
– Cô ấy đã có thần sắc, mắt trong sáng, linh lợi rồi, bà Annie à. – Rosie đáp, vừa để những cái áo len tay dài vào hộc tủ rồi đóng lại; – Nhưng cô ấy vẫn còn gầy quá.
– Dạ đúng, đúng đấy. – Annie ngước mắt nhìn lên Rosie, bà gật đầu, mái đầu đã bạc, ánh mắt đăm chiêu, tay bà lấy cái áo dài của Rosie trong va li ra và để trên giường.
Bà Annie, cũng giống như chồng bà, Gaston, sinh ra trong làng và làm việc trong tòa lâu đài suốt đời.
Năm 15 tuổi, bà vào làm phụ bếp, rồi leo dần lên chức quản gia như bây giờ, nay đã 55 tuổi, bà đã là một thành phần trong gia đình, sau 40 năm phục vụ.
Bà biết rõ tính khí từng người, quen với cái nết của họ, không cãi lại họ, và không làm mất lòng tin nơi người nào hết. Bà giữ kín chuyện bí mật của họ cho đến ngày xuống mồ, họ đều tin tưởng như thế và họ tin đúng.
Đóng cái va li không lại, bà Annie nhìn Rosie và tự động nói:
– Từ nhỏ Collie đã gầy ốm như thế rồi. Khi cô ấy còn bé, tôi thường gọi cô là “épouvantail”, tiếng Anh gọi là gì nhỉ? Con nan nộm à?
– Không, con nộm nan. – Rosie sửa lại rồi nàng cười sung sướng. Từ khi mới gặp nhau, nàng đã đánh giá cao bà Annie, bà ta điều hành tòa lâu đài như một vị đô đốc chỉ huy một tàu chiến hoàn toàn tin tưởng vào tài chỉ huy của mình, và hoàn toàn kiểm soát được cả chiến hạm. Mà bà lại đang điều khiển một chiếc tàu đang gặp cảnh gay go. Không những bà làm việc cật lực và hết mình với ông bá tước và gia đình ông, mà bà còn làm việc hăng say, có ý thức trách nhiệm, với tinh thần của một người có tài phán xét đứng đắn cá tính và bản chất con người. Rosie xem bà ta là một người quản gia huyền diệu, và nàng thường tự hỏi nếu không có bà ta, họ sẽ không biết xoay xở ra sao.
Bà Annie thốt lên:
– Đúng rồi! Cô ấy là con “nộm nan”! Quá gầy, tay chân lỏng khỏng, thân hình lép kẹp. A, không có gì thay đổi mấy, phải không. Nhưng không sao, tạng cô ấy gầy thế. Bà bá tước, người mẹ quá cố của cô… – bỗng bà Annie dừng lại, làm dấu thánh giá, miệng lẩm bẩm: – Xin Chúa cứu vớt linh hồn bà ấy, con người tội nghiệp! – Đoạn bà ta đằng hắng giọng và nói tiếp: – Bà bá tước cũng mảnh dẻ lép kẹp như thế. Thực đúng là mẹ nào con nấy. – Bà ta lắc đầu quầy quậy như thói quen, rồi nói tiếp bằng giọng thương cảm: Ce n’est pas important, không quan trọng, gầy ốm cũng chẳng sao. Bà đã biết Collie nhiều năm rồi đấy, chắc bà nhớ cô ấy bao giờ cũng giống như lẻ củi tre.
– Vâng, cô ấy thế thật – Rosie đáp, nàng nhận thấy Annie nói đúng. Tuy nhiên, nàng vẫn thấy lo. Hồi nãy, khi mới về, nàng lên phòng làm việc của Collie để thăm, nàng đã quá xúc động. Khi cô ta ôm hôn nàng, nàng cảm thấy người cô trong lớp áo len chỉ có da bọc xuống, Rosie thấy cô ta quá nhỏ, quá mảnh mai.
Bà Annie xách cái va li không lên, đi về phía cánh cửa mở thông với phòng khách cạnh đó để chất cùng với những cái va li khác ở bên ấy. Bỗng bà quay lại nhìn Rosie và hỏi:
– Bà có cần tôi giúp gì nữa không, thưa bà De Montfleurie? – Rosie lắc đầu.
– Non, merci beaucoup không, xin cám ơn nhiều.
Bà Annie nhìn nàng, cuối thân thiện.
– Tôi rất sung sướng thấy bà đã về nhà, Gaston Doalinique, Marcel và Fanny cũng thế. Mọi người ở trong lâu đài đều sung sướng, và bà lại về nhà, mọi thứ chắc sẽ tốt đẹp, chắc thế.
Nàng cảm thấy phân vân trong lòng khi nghe bà quản gia nói thế, câu nói mà hồi nãy Gaston đã nói, nàng cau mày rồi hỏi:
– Có nhiều chuyện khó khăn lắm sao, bà Annie?
Dạ không, không, thưa bà. Dạ không đúng thế đâu. Ông bá tước… – Bà ta lắc đầu. – ông độ này quá nghiêm, không hề chơi với ai, và luôn có vẻ lo lắng. Còn cô Collie thì vẫn buồn phiền vì chồng, tôi tin thế. Nhưng khi bà về, thì lại khác. Gia đình sẽ vui tươi ra. Thật đấy, thưa bà. Ồ, thế đấy, đúng thế đấy, tôi tin thế.
– Bà Annie, tôi rất sung sướng khi nghe bà nói thế. Nhưng tôi muốn hỏi bà chuyện này. Khi tôi còn ở tại California cách đây hai tuần Yvonne có cho tôi biết là Collie không được khỏe. Có phải thế không?
– Dạ đúng. Nhưng tôi không tin cô ấy bệnh. Cô ấy… tôi biết nói sao nhỉ? Tôi nghĩ là cô ấy quá buồn phiền. Có lúc cô ấy quá buồn phiền. Bất thần cơn buồn ào đến, tôi biết việc này mà, nhưng cuối cùng nó cũng qua đi. Cô ấy thương yêu ông Duvalier biết bao, cho nên vẫn nhớ thương ông da diết. Vì tai nạn ấy mà ra? Quá tệ? Quá tệ! Ô, lạy Chúa? – Annie làm dấu thánh giá và chợt run lẩy bẩy cả người.
– Tôi hiểu, Rosie nói nhỏ. – Vậy thì bà cho rằng chính vì buồn phiền mà cô ấy không được khỏe trong mấy tuần qua à?
– Dạ đúng. Mà thưa bà, xin bà đừng lo lắng về cô ấy. Cô ấy sẽ khỏe thôi. Tôi biết cô ấy từ khi cô mới chào đời, cô ấy mạnh khỏe. Bây giờ tôi phải xuống dưới bếp. Tôi phải giúp Dominique chuẩn bị bữa cơm tối. Tôi sẽ cho Marcel đến lấy mấy cái va li không đi.
– Cám ơn bà Annie. Cám ơn bà đã giúp tôi soạn đồ đạc ra.
– Không có gì, thưa bà De Montfleurie. Được làm giúp bà bất cứ cái gì là tôi sung sướng rồi.
° ° °
Còn lại một mình, Rosie bận bịu thu xếp trong phòng ngủ thêm độ 10 phút nữa, sắp xếp những thứ còn lại cho gọn, rồi nàng đi qua phòng khách cạnh đấy.
Đây là một căn phòng xinh đẹp, rộng và thoáng khí, trần nhà cao, nhiều cửa sổ rộng nhìn xuống những mảnh vườn và con sông Cher ở bên kia các khu vườn. Những cửa sổ cao và rộng đưa cả bầu trời bên ngoài vào phòng, qua các khung cửa sổ, nàng có thể thấy toàn bộ cảnh đẹp ở bên ngoài.
Phòng được trang hoàng bằng màu xanh da trời và màu kem, chen lẫn màu hồng và màu vàng nhạt, có cái vẻ duyên dáng xinh đẹp của đồ vật cũ kỹ, chứng tỏ các thứ ấy đã có từ lâu đời, của giai cấp quí tộc bị nghèo đi. Nhưng đồng thời căn phòng trông thật êm ái dễ chịu, loại phòng Rosie ưa thích.
Nhiều thứ bằng lụa, bằng vải mỏng và hàng thêu dùng trong phòng đều cũ kỹ, lâu đời, nên đã mất hết màu thực của nó, bức thảm trải nhà hiệu Aubusson có từ thế kỷ XVIII và đã bị sờn nhiều nơi. Nhưng đây là một gia tài vô giá. Đồ gỗ trong phòng rất đẹp, nổi tiếng nhất là chiếc bàn của Vua Louis XVI, làm bằng gỗ thủy tùng, được sơn son thếp vàng. Cái bàn kê giữa hai cửa sổ ở cuối phòng, được xem như một vật giá trị trưng bày ở bảo tàng viện. Cái bàn đặt ra- đi- ô, mặt bằng đá cẩm thạch cũng thế, đế bàn được chạm hình các thiên thần rất tinh vi. Những chiếc trường kỷ và ghế dựa êm ái, nhiều chiếc bàn bình thường cũng được làm bằng gỗ quí và có chạm trổ, tất cả kê quanh phòng trông rất đẹp mắt.
Trải qua bao năm tháng, ông bá tước buộc lòng phải bán bớt nhiều đồ đạc ít quan trọng hơn và giữ số quí giá còn lại hầu duy trì tòa lâu đài và phần đất đai phụ thuộc, nói trắng ra cho khách tham quan là chỉ lấy một số tiền vừa đủ chi tiêu vào các nhu cầu cần thiết thôi. Sở dĩ ông phải làm thế là vì lợi tức thu được từ vốn đầu tư, do bố ông để lại, không đủ để trang trải các nhu cầu cần thiết ở Montfleurie, ngoài ra, mặc dù chính phủ Pháp có giúp đỡ tiền bạc cho những di tích lịch sử như tòa lâu đài này, nhưng đó chỉ là một món tiền ít ỏi.
Tuy nhiên, trong ba năm vừa qua tài chánh của ông bắt đầu khá hơn, và những vật quí giá mỹ miều không còn bị mang đi bán đấu giá ở Paris hay mang bán cho những tay buôn đồ xưa ở Quai Voltaire như trước nữa, việc này làm cho ông rất vui.
Được thế là vì ông đã mở cửa tòa lâu đài cho công chúng vào tham quan và bán các thứ hàng lưu niệm, những thứ hàng rất bình dân, đó là đồ chơi trẻ con và búp bê thời trung cổ do Rosie tạo mẫu, nàng đã dùng những hình mẫu lấy từ bộ sưu tập xưa nàng tìm thấy để ở các gác xếp.
Mặc dù việc kinh doanh mới mẻ này không làm cho ông bá tước giàu lên được, nhưng tiền thu nhập lấy từ vé vào cửa, từ chỗ bán những ấn phẩm giới thiệu lâu đài, từ chỗ bán đồ chơi và các sản phẩm khác cũng đáng kể, đủ trang trải các khoản. Thực vậy, số lợi tức thu được trong mùa xuân và mùa hè vừa rồi, vừa đủ để duy trì mọi hoạt động của tòa lâu đài trong sáu tháng sắp đến. Ngoài ra, việc sản xuất của tiểu gia đình, hầu hết đều do sáng kiến của Rosie, đảm bảo cho ông bá tước không còn lún sâu vào nợ nần nữa.
Ông cứ nói mãi với nàng rằng: “Nhờ tài của con, mà độ này bố cân bằng được ngân sách chi tiêu, và cuối cùng bố có thể lánh xa được các ông chủ ngân hàng”.
Trong khi Rosie nghĩ đến chuyện tiền bạc, thì nàng chú ý thấy nhiều vết ẩm loang trên trần nhà, nằm trong một góc ngay trên cửa sổ. Hồi tháng tám, nàng không thấy có các vết này. Nàng nghĩ cần phải có tiền để tu sửa và sơn quét lại. Có lẽ tháng này không được, vì sắp đến Giáng sinh rồi, và ông Henry de Montfleurie lại có quá nhiều công việc phải làm trước mắt.
Không cần, nàng nghĩ, mình sẽ tự làm lấy sau khi ông thợ ống nước xác định căn nguyên sự rạn nứt và khi ngày lễ qua đi, mình sẽ nhờ Gaston và người em của ông ta giúp sức, mình chỉ cần hồ vữa và sơn trắng là được. Chắc chẳng khó khăn gì lắm. Rosie tự hào về tài tự trang hoàng lấy nhà cửa, nàng đã học kỹ năng của những người thợ mộc, ở phim trường, học hỏi ở những người thợ thủ công khác và các nhà thiết kế phim trường khi họ làm phim. Và nàng sẽ lo liệu hết các phí tổn làm việc này.
Nàng đưa tay lấy cái túi xách bằng vải, để lên cái ghế dài bọc nệm, mở ra lấy những chiếc kẹp đựng hồ sơ giấy tờ nghiên cứu về bộ phim đóng Napoléon của Gavin, nàng đã bắt đầu khởi công bộ phim này, đồng thời nàng lấy ra chiếc cặp màu xám do máy bay Concorde tặng khách hàng, nàng đã dộng vào đấy giấy tờ tùy thân và tất cả nhiều thứ linh tinh khác.
Nằm lẫn trong các thứ này là bức ảnh chụp cả nhóm lồng trong khung bạc, bức ảnh chụp ở New York đã lâu. Bất kỳ đi đâu, nàng cũng mang theo bức ảnh này. Nàng để bức ảnh trên cái tủ thấp xưa bên cạnh những thứ nàng vừa sắp xếp lên đó, và Nell, Kevin, Gavin, Sunny và Mikey đang nhìn nàng, mặt tươi cười.
Trông tất cả trẻ đẹp biết bao, không có một dấu hiệu nào đau khổ vì cuộc đời. Tất cả trông rất thơ ngây trong trắng.
Nhưng chúng ta mất hết vẻ thơ ngây từ lâu rồi, nàng tự bảo. Cuộc đời đã lôi cuốn chúng ta, thay đổi chúng ta, làm khổ chúng ta, làm chúng ta thất vọng, hủy diệt ảo tưởng của chúng ta, thậm chí còn hủy diệt cả hy vọng và ước mơ của chúng ta nữa. Có lẽ không còn cứu vãn được nữa rồi. Tất cả chúng ta đã đi theo những con đường sai lầm rồi.
– Những con đường chúng ta không đi, chúng sẽ dẫn ta về đâu. – nàng nói to lên trong căn phòng trống, nhắc lại lời trong một bài ca của vở Follies (Điên rồ), vở nhạc kịch tuyệt diệu của Sondheim vào đầu thập niên 70. Vở nhạc kịch do các ngôi sao nhạc kịch đóng: Alexis Smith, John McMartin, Yvonne de Carlo và Gene Nelson, và bất cứ khi nào nàng nghe tập anbum của Broadway là nàng lại say sưa mê mẩn lời ca tiếng nhạc của vở nhạc kịch này.
Rồi nàng lại nghĩ: Có lẽ chúng ta không đi lầm đường. Có thể những con đường chúng ta đang đi là đường đúng. Có lẽ cuộc sống chúng ta đang sống đây là số mệnh của chúng ta… Số phận sao thì phải sống thế.
Có lẽ nàng và Gavin, Nell và Kevin đã theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp của mình, đã thành công trong nghề nghiệp trời phú cho, chứ không sống theo được cuộc sống riêng tây của mình. Theo Nell thì ngay cả Gavin cũng không được mãn nguyện trong đời sống hơn các bạn bè trong nhóm.
Nàng thở dài, dựng thẳng khung ảnh rồi dừng lại một chốc ngắm bức hình của Collie và Claude, bức hình này chụp ở đây, trên hành lang rộng ở Montfleurie cách đây nhiều năm.
Bức hình màu và ảnh trông rất thật.
Trông Collie trong ảnh xinh đẹp biết bao, mặt rám nắng, nhưng cuộn tóc đen lất phất trước gió, miệng cười chín mọng, mắt xanh rạng rỡ, màu mắt như màu trời ở phía trên. Còn Claude thì trẻ trung, xinh trai, mắt đắm đuối trước cô vợ trẻ. Nhìn trong ảnh, Collie trông gầy làm sao; bà Annie đã nói đúng, cô ta trông giống lẻ que cả đời.
Nhưng bây giờ Rosie quá lo cho Collie, vì cô ta quá mảnh dẻ; trông cô ta như có cái gì hư hỏng trong người. Cô ta quá gầy ốm, Rosie nghĩ. Cô ta ốm kinh khủng từ ngày mình đi cách ba tháng. Nỗi lo lắng cho cô em chồng bùng lên khi nàng quay đi khỏi chiếc tủ thấp để sắp xếp các đồ đạc của nàng vào chỗ cũ.
Sau cùng, nàng dừng lại bên cái bàn giấy của Vua Louise XVI, vừa bỏ giấy tờ vào hộc bàn vừa đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ và bỗng nín thở vì sung sướng.
Bầu trời xanh rực rỡ, phủ một lớp mây mỏng, trên mặt sông lớp không khí nhàn nhạt trông như lớp nước men láng trên đồ sành sứ xưa. Ánh chiều tà huy hoàng, những khu vườn trải dài trước mắt nàng một màu láng bóng, cảnh vật như được phủ một lớp vàng mỏng. Rosie cảm thấy không gian như đang chìm đắm trong một làn ánh sáng kỳ diệu.
Đối với Rosie, không có nơi nào khác trên đất nước này giống Montfleurie, không thể nào cưỡng lại nổi sức thu hút mãnh liệt của các khu vườn xinh đẹp kia, nàng bèn chụp lấy cái áo ấm khoác ngoài nặng nề vắt trên trường kỷ, rồi vội vã đi ra ngoài. Vắt cái áo lên vai, nàng đi nhanh theo hành lang dài dẫn đến cầu thang lầu phía sau, lúc này nàng không muốn gặp bất cứ ai ở cầu thang chính phía trước nhà.