Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Thần (Angel)

Chương 31

Tác giả: Barbara Taylor Bradford

Kể từ khi Collie chết vào giữa tháng giêng và khi Rosie rời Montfleurie về lại Paris, nàng chỉ biết chúi đầu vào công việc không kể đến thời gian.

Nàng làm thế vì nàng cần phải làm việc cho hết thời giờ, từ lâu nàng chỉ biết có công việc mới làm giảm sầu muộn.

Trong hoàn cảnh này, công việc đã giúp nàng quên bớt buồn rầu, nỗi buồn sầu nặng đối với người bạn thân yêu, Collie, người mà nàng đã kết bạn từ năm 1982, từ ngày hai người gặp nhau và trở thành thân thiết ngay.

Collie thường miêu tả buổi gặp nhau ban đầu của hai người là “mới gặp nhau đã yêu nhau liền”. Rosie cũng cảm thấy như thế về người phụ nữ nàng đã gặp ở Paris và trở thành người em chồng. Hai người thương nhau với tấm lòng bao dung. Đến khi cuộc hôn nhân của nàng với Guy gặp cảnh khó khăn thì Collie vẫn một lòng thương yêu nàng; không những thế, đời sống vợ chồng của Rosie không được hạnh phúc lại càng làm cho Collie thắt chặt tình bạn với nàng thắm thiết hơn nữa. Collie đứng về phía Rosie, là nguồn an ủi và là bạn suốt thời gian thử thách của nàng. Cho nên dĩ nhiên là Rosie nhớ Collie và chắc nàng sẽ nhớ mãi.

Vì thế, mấy tuần vừa qua, công việc là cứu cánh cho nàng. Ngoài ra, công việc còn làm cho Rosie vui sướng, vì nàng có thể bắt tay vào việc tạo mẫu áo quần và chuẩn bị bắt đầu cho bộ phim trong vài tuần sắp đến. Công việc chuẩn bị này làm nàng bận bịu luôn tay, nàng rất mừng vì có việc để làm.

Gavin còn lại ở New York. Nhiều trở ngại phát sinh trong lúc làm công việc của mình cuối bộ phim Người tạo ra Vua. Anh đã mời bà Aida sang New York để giúp anh và hẹn ngày bắt đầu bộ phim với phim trường Billancourt. Bà Aida và toán người đi theo bà phải tháng ba mới đến Paris, Gavin cũng tới lúc ấy mới rời New York được.

Tuy nhiên, Rosie thấy cho dù thời gian bắt đầu bộ phim có hoãn lại, thì nàng vẫn phải tranh thủ để làm việc. Công việc của nàng hết sức đồ sộ, vì lại một lần nữa, nàng phải tạo mẫu áo quần qua nhiều thời đại, phải làm tỉ mỉ rõ ràng và phức tạp hơn việc tạo mẫu áo quần hiện đại rất nhiều.

Bây giờ là một buổi sáng đầu tháng hai, trời trong sáng và nắng ráo, Rosie đứng ở giữa phòng làm việc đưa mắt nhìn một số hình phác thảo. Căn phòng rộng, đầy ánh sáng với nhiều cửa sổ rộng từ nền nhà đến trần, bầu trời rộng mở, phòng nằm phía sau ngôi nhà chính tọa lạc trên đường Đại học, tại khu bùng binh thứ bảy.

Có sáu bức phác thảo và đây là số áo quần đầu tiên nàng phải làm cho dứt điểm. Rosie dựng các bức vẽ này cách xa nhau trên kệ để xem cho rõ, dãy kệ này nàng đã làm cách đây nhiều năm nhằm mục đích này. Chiếc kệ choán hết cả bề dài của bức tường bên, và khi những bức vẽ được sắp lên kệ, nó nổi bật lên trong phòng làm việc.

Tất cả các bản phác thảo này có chiều cao một mét hai, vẽ toàn màu sắc. Ba bức là áo quần của Napoléon, sẽ do Gavin Ambrose thủ vai này, ba bức kia dành cho Josephine, nữ diễn viên đóng vai này hiện chưa biết.

Vì áo quần sẽ hết sức lộng lẫy và phức tạp, khó tạo mẫu, Rosie trước tiên phải lo giải quyết áo quần của Napoléon khi ông đăng quang Hoàng đế. Cái áo dài lót may bằng lụa trắng có đường viền nặng nề thêu chỉ bằng vàng, chiếc áo dài mặc ngoài may bằng nhung đỏ, khoác lên trên áo này là chiếc áo khoác cụt tay bằng lông chồn màu trắng; vương miện đội trên đầu là vòng nguyệt quế bằng vàng. Rosie định sẽ thiết kế áo quần này cho thật chính xác, đúng các chi tiết. Như mọi khi, nàng là người rất chú trọng đến tính xác thực.

Bức vẽ phác thảo thứ hai dành cho Gavin là bộ đồng phục của Napoléon. Bộ này gồm một cái quần ống túm chật ních màu trắng, một đôi ủng màu đen, một áo vét màu đen có trang hoàng màu vàng và một chiếc mũ ba góc. Bộ thứ ba là bộ đồ dân sự, gồm quần ống túm ở đầu gối và áo vét sẽ cắt may bằng vải đỏ, mặc với vớ dài bằng lụa trắng và giày đen có khóa vàng.

Sau khi nhìn khắp các bức vẽ vài phút, nàng xem kỹ những bức phác thảo áo quần của Josephine. Giống như áo dài của Napoléon đúng vào lễ đăng quang, áo dài của Josephine dùng vào dịp lễ này của bà cũng lộng lẫy không kém. Áo may tốn rất nhiều lụa trắng, thêu chỉ bằng vàng; áo mặc kèm theo đồ nữ trang đắt tiền và đội mũ triều thêu kim cương. Nhưng hiện tại nàng chưa quan tâm đến bộ áo quần này. Nàng đang chú ý đến chiếc áo dạ hội nàng đã tạo mẫu xong đúng kiểu nguyên thủy để đưa cho các cô thợ may. Cái áo đang mặc trên giá gần một cửa sổ, Rosie đến nắn nót chỉnh lại một vài nơi. Cái áo nguyên thủy do chính tay bà Josephine tạo mẫu và rất nổi tiếng, kiểu hoàng tộc, thắt lưng cao lên trên, cổ khoét rộng thấp, hai tay áo ngắn phồng lên. Áo may bằng lụa màu bạc, mặc ra ngoài là áo váy may bằng sa màu xanh nhạt. Vải sa phủ lên phần thân trên chiếc áo lụa, rồi xòe phủ ra ngoài chiếc váy, phía trước mở rộng như áo vét. Hai ống tay áo bằng vải sa, còn vải the phủ trên váy được viền ở lai bằng lụa màu bạc.

Rosie lôi ra vài cái kim găm, găm vào miếng nệm đeo bên cánh tay nàng, rồi đưa hai tay nắn nót sửa sang lại với vẻ tự tin. Giữ cho chiếc áo ngay thẳng bên giá, nàng làm việc khoảng mười phút mới cảm thấy hài lòng.

Việc thử áo trên giá là một nghệ thuật trong việc tạo mẫu thời trang, Rosie cũng khéo tay trong việc này như vẽ mẫu. Nàng đã học nghệ thuật thử áo trên giá ở trong xưởng thợ của Trigere, người thợ may Mỹ gốc Pháp, nàng học ở đây là nhờ ảnh hưởng của bà cô nàng, cô Kathleen, người đã chết từ hai năm nay. Cô Kathleen Madigan là người mua hàng thời trang thường xuyên ở cửa hàng Berdorf Gooman, cô đa thu xếp xin cho Rosie vào làm việc nội trú suốt hai tháng nghỉ hè của Viện thời trang.

Rosie thường nói rằng nàng đã năn nỉ để học cách phủ áo lên giá, vì bà Pauline Trigère nổi tiếng làm công việc này rất giỏi. Bà Trigère đã thao tác vải vóc như nhà điêu khắc nắn đất sét, bà tạo mẫu trên giá áo chứ không dùng bút chì để vẽ lên giấy.

Rosie gặp một vài nét nhăn ở phần lưng trên eo cao, khéo léo lấy kim găm vào, rồi bước lui, nghiêng đầu ngắm nghía. Vẫn chưa được hoàn toàn, và để nhớ lại cho kỹ, nàng mở cuốn sách có hình ảnh về áo dài đặc biệt ra. Đây là cuốn sách nghệ thuật do ông Henri de Montfleurie đã mua cho nàng. Nàng thấy cuốn sách đã giúp nàng rất nhiều, vì đây là cuốn lịch sử về Napoléon được miêu tả bằng hình ảnh về hoàng đế, về Josephine, về đoàn tùy tùng, về các trận đánh và về thời đại ông sống. Nàng lật đến trang có vẽ hình chiếc áo dài lộng lẫy của bà Josephine, nàng lại nhìn chăm chú một hồi lâu, nàng luôn luôn muốn thể hiện cho đúng sự thật. Sau một hồi, nàng lại bắt đầu làm lại.

Nửa giờ sau, tiếng chuông cửa reo khiến Rosie giật mình, làm gián đoạn công việc nàng đang chăm chú làm. Nàng nhìn đồng hồ trên bàn, ngạc nhiên khi thấy kim đồng hồ chỉ một giờ. Nàng tháo cái đệm găm kim trên cổ tay ra, cởi áo khoác làm việc màu trắng, rồi bước ra tiền sảnh. Nàng biết đấy là Nell, cô bạn đang có mặt tại Paris và nàng đã mời đến ăn cơm trưa. Vừa mở cửa hai người ôm chầm lấy nhau liền, người nào cũng thốt lên là họ sung sướng được gặp nhau.

Rosie kéo bạn vào phòng rồi đóng cửa lại, nàng đứng nhích ra xa cô bạn thân lâu đời, nhìn cô và khen:

– Cậu tuyệt quá Nell. Chắc anh mình nhất trí với cậu rồi. – Nell cười gật đầu. Rồi cô đáp:

– Ừ cơ bản là nhất trí.

Rosie không có ý kiến gì thêm, nàng bận giúp Nell cởi chiếc áo khoác lông chồn màu xám và dẫn cô vào thư viện. Đây là một phòng nhỏ, thanh nhã lịch sự, trang hoàng theo kiểu Mỹ hiện đại, lửa đang cháy bập bùng trong lò sưởi, mùi hoa mi- mô- da cùng những loại hoa mùa xuân khác tỏa hương thơm ngào ngạt trong phòng.

– Lạy Chúa lòng lành! – Nell reo lên. – Vào lúc này mà cậu tìm đâu ra hoa mi- mô- da thế?

– Mình đâu tìm – Rosie đáp. – Johnny Fortune tặng đấy. Mua ở Lacharme. Ở đây có những vườn hoa tuyệt nhất của Paris, người ta trồng trong nhà kính nên có đủ hoa bốn mùa.

– Thế thì tốt quá – Nell nói vừa nhìn Rosie vừa toét miệng cười. – Mình nói với anh ta cậu thích hoa hồng đào và vi- ô- lét.

– Ồ, anh ấy cũng có gởi các thứ hoa ấy đến nữa. Mình cắm trong phòng khách.

– Anh ta chu đáo đấy chứ, phải không? – Nell vừa hỏi vừa cúi xuống ngửi vào đám hoa mi- mô- da. Thơm dễ chịu thật. – Cô đứng thẳng lên, đi đến lò sưởi, nhìn Rosie đang mở một chai rượu vang trắng, chai rượu nàng vừa lấy từ xô nước đá để trên cái bàn chân quì nhỏ. – Mình chắc anh ta đang chạy theo cậu đấy, Rosie à. Chắc anh ta tán tỉnh cậu rồi đấy.

Rosie chỉ cười vì nàng bận mở chai rượu.

– Mình cũng nghĩ như thế đấy. Nell thân yêu à. Mình đã nói cho cậu biết, cách đây mấy tuần anh ta có phôn đến cho mình ở Montfleurie, và mới tuần trước đây, anh ta cho biết sẽ đến Paris từ Luân Đôn.

– Chà chà. – Nell ngồi xuống, tựa người ra lưng chiếc ghế dựa và chéo chân lại với nhau. – Rosie của tôi ơi mình không phản đối việc này. Mình nghĩ cậu phải yêu đương một chút, phải lãng mạn một chút mới tuyệt, phải không nào? Nhất là sau những năm tháng dài sống ly thân với Guy. Mà chuyện ly dị của cậu ra sao rồi?

– Đang tiến hành. Guy hoàn toàn bằng lòng. Anh ta đã ký giấy ly dị rồi.

– Cậu tốn kém hết bao nhiêu?

Rosie kinh ngạc nhìn bạn, nàng hỏi lại:

– Tại sao cậu biết mình tốn kém?

Nell lắc đầu:

– Ồ Rosie, Rosie, mình chỉ đoán thôi. Nhưng mình đoán đúng phải không? Mình biết anh chàng Guy de Montfleurie này quá quắt lắm. Hắn là một gã chẳng ra gì, chỉ biết kiếm lợi. Mình nghĩ thế nào hắn cũng moi tiền của cậu. Vậy cậu cho gã bao nhiêu?

– Mình mua cho anh ta cái vé đi Viễn Đông kèm hai ngàn đô la. Anh ta cố moi mình nhiều hơn nữa, nhưng mình từ chối. Nói thật với cậu, mình không thể nào chi ra nhiều hơn. Anh ta liền chấp nhận ngay.

– Mình không hiểu tại sao cậu lại phải tốn cho gã như thế! – Nell la lên giận dữ.

– Giá ấy rẻ mạt, cậu à. Mình muốn anh ta cút khỏi mình cho rồi, và cút khỏi ông Henri cho khuất mặt. Mình không tin anh ta, mình sợ anh ta sẽ quậy ở Montfleurie, quậy cả mọi người. Cho nên mình buộc anh ta đi Hồng Kông ngay khi ký xong giấy tờ và ít ra thì với cách này, anh ta không quấy rối ai được.

Nell gật đầu, lấy ly rượu vang trên tay Rosie. Đôi bạn cụng ly nhau và Rosie nói:

– Nell, nếu cậu không ngại, mình mời cậu ăn ở đây. Khỏi đi ra ngoài, tiện cho mình. Mình còn cả khối công việc đang làm.

– Tốt thôi. Áo quần tiến hành ra sao rồi?

– Tốt lắm. Dĩ nhiên là cậu biết công việc rất phức tạp. Nhưng mình đã đem hết công sức ra làm, và nhờ làm việc mình mới lo liệu được đám tang của Collie.

– Mình biết cậu lo hết việc này. Chị ấy còn trẻ quá Nell lắc đầu.

– Nell, mình cám ơn cậu đã gọi nói chuyện với mình nhiều lần. Mình nhờ thế mà khuây khỏa. Thật thế đấy.

– Mình biết. Collie rất quan trọng với cậu. – Rosie mỉm cười nhìn bạn, rồi bỗng nàng thay đổi đề tài.

– Kevin ra sao?

– Đẹp. Đáng yêu. Hấp dẫn. Và điên.

– Tất cả đều tuyệt, ngoại trừ từ cuối cùng.

Nell nhìn ánh lửa trong lò sưởi một hồi, mặt bỗng trở nên buồn, mắt đăm chiêu, một lát cô quay qua nhìn Rosie, cô đáp nhanh:

– Mình yêu mến Kev, cậu biết rồi đấy. Nhưng mình không chịu được công việc mắc dịch anh ấy làm. Cậu thừa biết đấy là công việc rất nguy hiểm. Mình thật hồi hộp từng giờ từng phút với anh ấy, lo sợ suốt ngày đêm. Độ rày tinh thần mình quá căng thẳng.

– Ấy là vì cậu yêu anh ấy quá rồi.

– Thế sao?

– Dĩ nhiên rồi. Theo mình thì thế đấy. Nếu cậu không yêu, chắc cậu không lo lắng, chăm sóc đến anh như thế.

– Chắc cậu nói đúng, Nell xác nhận.

– Tại sao hai người không kết hôn cho rồi?

Nell nhìn nàng, không trả lời. Rosie nói tiếp:

– Mình biết anh ấy đã ngỏ lời cầu hôn với cậu rồi, vì ảnh đã gọi điện thoại nói cho mình biết vào tuần trước.

– Đúng thế, anh ấy có nói. Nhưng mình… mà… mình thấy mình chưa chuẩn bị để ghép mình vào việc tề gia nội trợ. Ít ra thì chưa. Mình thích cứ để mọi việc như thế này một thời gian.

– Nell này, Kevin rất, rất yêu cậu. Mới hôm kia đây, Gavin cũng nói với mình như thế.

– Lạy Chúa! Toàn gọi nhau qua đại dương để nói chuyện! Hình như cậu với anh chàng Gavin đồng lòng hối thúc mình. Mà cậu nhớ cậu đã hứa không thúc ép mình đấy nhé. Hiện tại mình không để cho ai hối mình về chuyện Kevin được đâu. Có quá nhiều việc làm mình căng thẳng đầu óc. Rồi còn khách hàng nữa. Khách hàng đã khiến mình phải đến gặp Johnny Fortune. Mình đến đây với anh ta để thảo luận dứt điểm chi tiết chương trình biểu diễn của anh ở Paris vào mùa hè này, rồi mình về lại Luân Đôn. Mình còn có nhiều chuyện khó khăn phải giải quyết ở văn phòng tại Luân Đôn. Nhưng Johnny thì ở lại Paris. Anh ta sẽ đeo cậu như đỉa đói đấy. Báo cho cậu biết.

Rosie bật cười.

– Cậu đừng cho chuyện ảnh đeo mình là điều xấu chứ. Mới cách đây mấy phút cậu có vẻ sung sướng khi thấy ảnh quan tâm tới mình mà.

– Thì mình sung sướng chứ. Mình chỉ báo cho cậu biết là ngày mai ảnh không về Luân Đôn lại với mình, ảnh…

– Mình đã biết Johnny ở lại đây. Anh gọi điện thoại cho mình hàng ngày kể từ khi cậu và anh từ New York đến Luân Đôn. Đêm nay mình sẽ đi ăn cơm với ảnh. Chắc cậu biết rồi.

– Biết rồi. Anh có nói và cậu cũng đã nói. Nhưng mình tin chắc cậu không biết ảnh sẽ ở lại thêm vài ngày nữa, có lẽ cả tuần đấy.

– Mình biết chứ.

Nell nhìn nàng đăm đăm rồi nở miệng cười, cô ta nói:

– Đúng như lời cô Phullis mình thường nói, trông cậu có vẻ như chú mèo thộp được con bạch yến.

– Không, mình không giống thế đâu! – Rosie phản đối, nàng đỏ mặt.

– Cậu giống mà, Rosalind Mary Francis Madigan à! – Nell đáp lại rồi bỗng cô phá ra cười khi thấy vẻ mặt bối rối của Rosie. – Nhưng trông cậu giống như thế thì hay chứ sao, Rosie thân mến của tôi – rất “thỏa mãn”. Nói tóm lại thì Johnny Fortune là một đám rất xứng đáng. Thực mình có cảm giác ảnh đã gây cho cậu cảm tưởng không tốt, và như mình đã nói với cậu khi chúng ta gặp nhau ở California vào tháng 11, cậu có thể hành động tệ hơn. Ảnh thông minh, đẹp trai, khêu gợi, giàu có nổi danh, là thần tượng của hàng triệu phụ nữ, và là người tốt. Theo mình thì ảnh chắc sẽ là người chồng tuyệt vời.

– Này, Nellie, đừng vội vã như thế! Mình chưa hẹn hò với ảnh lần nào, thế mà cậu lại muốn chúng mình lấy nhau.

– Đấy là ý kiến tốt mà thôi. Và để mình còn làm phụ dâu chứ.

– Và ý kiến này đã dẫn mình trở lại với anh mình. Cậu sẽ tính sao với Kevin? Này, nói thật cho mình biết đi, đừng có ngốc nghếch nói là cậu chưa muốn làm việc “nội trợ” trong nhà.

Nell cắn môi, sau một hồi ngẫm nghĩ, cô nhìn Rosie và nói nhỏ:

– Nếu cậu cần biết sự thực, thì mình… sẽ cho cậu biết.

– Rồi, nói đi.

– Mình nói đây. Kevin hiện đang làm công việc rất đặc biệt. Mình chắc anh ấy đã nói cho cậu biết rồi, phải không?

Rosie gật đầu:

– Rồi. Đội trinh sát tội phạm nhắm vào bọn Ma- phi- a. Nhắm vào một gia đình quan trọng, Kevin ở trong đội đó.

– Đúng thế, Kevin cho rằng công tác này không chóng thì chày sẽ chấm dứt. Anh ấy nói mới ngày hôm kia, ngay trước khi mình rời New York. Anh ấy nghĩ là trong vòng một hay hai tháng nữa là xong việc – anh ấy nói với mình như thế đấy. Mình được anh hứa sẽ đi nghỉ hè với mình. Và khi chúng mình đi nghỉ, mình sẽ đề nghị với anh một việc.

Thấy Nell không nói thêm cho rõ, Rosie giục:

– Đề nghị cái gì?

– Mình sẽ đề nghị một việc mà chắc ảnh không thể từ chối được, chắc chắn thế. – Nell cười. – Mình sẽ đề nghị mình bán công ty, còn ảnh thì thôi không làm cảnh sát chìm nữa, và bọn mình sẽ cùng nhau buôn bán làm ăn.

– Cậu sẽ bán công ty à? – Rosie kinh ngạc hỏi.

– Ừ – Nell đáp, giọng cương quyết.

Rosie im lặng, nàng biết có thể anh nàng không chấp nhận đề nghị, có thể anh không chịu rời đội trinh sát tội phạm. Im lặng một chốc, nàng nói:

– Ồ, Nell, mình không biết. – Nàng lắc đầu ra vẻ lo lắng. – Mình không tin Kevin sẽ chấp nhận một cách dễ dàng, thật mình không tin. Anh là cảnh sát chìm thế hệ thứ tư. Anh ấy yêu sở cảnh sát New York.

– Mình hy vọng anh ấy yêu mình hơn sở cảnh sát. Mà nếu mình hy sinh vì anh, bằng cách bỏ Công ty Hiệp hội Jeffrey, thì chắc anh phải biết điều hy sinh cho mình một việc chứ.

– Nhưng Nell này, cậu nghĩ lại đi, cậu được thừa kế tài sản của mẹ cậu. Chắc Kevin không cho việc bán công ty của cậu là một hy sinh lớn, vì cậu khỏi cần làm việc kiếm sống nếu cậu không muốn làm.

– Ồ Rosie này! Mình yêu công việc mình làm, và chính mình đã xây dựng sự nghiệp. Xây dựng từ số không. Như vậy là cả một hy sinh khủng khiếp đối với mình đấy chứ!

– Mình biết thế

– Kevin cũng thế.

– Anh ấy rất tự hào, Rosie nhấn mạnh.

Nell đứng dậy, đi quanh phòng thư viện một lúc, và cuối cùng cô thốt lên:

– Mình không làm gì nữa, Rosie à! Mình nghĩ đây là một kế hoạch tốt, cậu lại không tin tưởng. Ôi quỷ thật, tại sao mình lại đi yêu một cảnh sát chìm nhỉ.

– Anh ấy không phải là một cảnh sát chìm như bất cứ cảnh sát chìm nào đâu. Anh ấy là Kevin Madigan.

– Mình biết, vấn đề khó khăn là ở đấy. Anh ấy quá tuyệt vời, quá tuyệt vời thành hoang tưởng.

– Này cậu, cậu cứ tin tưởng đi, Rosie nói nhỏ.

– Tin tưởng cái gì?

– Một ngày nào đó anh ấy sẽ về hưu.

– Mình sợ không đợi nổi lâu đến thế.

Bình luận