Nếu bỗng nhiên có cơ hội biến cuốn sách này thành một bộ phim thì hẳn Hệ thống 2 sẽ vào vai một diễn viên phụ, song lại cứ đinh ninh rằng mình là vai nam chính. Trong bộ phim này, điểm hạn chế của diễn viên phụ – Hệ thống 2 này là nó được vận hành bằng cơ chế nỗ lực và một trong những tính cách điển hình của nhân vật này là lười biếng, nó miễn cưỡng đầu tư thêm nỗ lực khi rơi vào những tình huống bắt buộc. Hệ quả là, những tư duy và hành động mà Hệ thống 2 tin chọn lại thường bị nhân vật nam chính thực sự (Hệ thống 1) của bộ phim chỉ đạo. Tuy vậy, có những nhiệm vụ quan trọng mà chỉ mình Hệ thống 2 có thể thực hiện được, bởi vì chúng đòi hỏi nỗ lực và hành động tự kiểm soát mà bản năng và sự bốc đồng của Hệ thống 1 không thể nào làm được.
NỖ LỰC TINH THẦN
Nếu bạn muốn thử nghiệm xem Hệ thống 2 của bạn khi hoạt động hết công suất sẽ như thế nào, thì bạn thử làm bài tập sau đây, bài tập này huy động nỗ lực nhận thức tối đa của bạn trong vòng năm giây. Nào, bạn hãy bắt đầu viết một loạt những dãy số gồm bố con số khác nhau và viết mỗi dãy số vào một tấm thẻ. Úp mặt viết các dãy số đó xuống mặt bàn. Nhiệm vụ dành cho bạn được gọi là Cộng 1. Quy luật này như sau:
Bắt đầu đánh nhịp một cách đều đặn (lý tưởng nhất là theo nhịp 1 phách/1 giây). Lật mặt có số và đọc to 4 con số lên. Đợi hai nhịp, sau đó đọc lên một dãy số gồm 4 con số mới theo thứ tự là tổng của 4 con số gốc cộng thêm 1. Nếu dãy số trên tấm thẻ là 5294, thì đáp án đúng sẽ phải là 6305. Quan trọng là bạn phải duy trì nhịp phách.
Một số ít người có thể giải quyết được bài tập này với nhiều hơn 4 con số trong nhiệm vụ Cộng 1, nhưng nếu bạn muốn đối đầu với một nhiệm vụ thách thức hơn, hãy thử với nhiệm vụ Cộng 3.
Nếu bạn muốn biết cơ thể mình làm gì trong khi đầu óc đang hoạt động căng thẳng, hãy xếp hai chồng sách lên một chiếc bàn vững, đặt một máy quay lên một chồng sách và kê cằm của bạn lên chồng còn lại, để cho máy quay tiếp tục ghi hình và bắt đầu nhìn thẳng vào ống kính máy quay trong khi bạn thực hành bài tập Cộng 1 hoặc Cộng 3. Sau đó, bạn sẽ phát hiện ra rằng đồng tử của mình có sự thay đổi khi xem lại toàn bộ đoạn ghi hình quá trình làm việc căng thẳng của bạn.
Tôi có một trải nghiệm riêng với bài tập Cộng 1. Khi còn là một sinh viên kiến tập chuyên ngành Tâm lý học tại Đại học Michigan, trong lúc tìm kiếm một đề tài nghiên cứu phù hợp, tôi đọc được một bài báo trên tờ Khoa học Hoa Kỳ (Scientific American) trong đó nhà tâm lý học Eckhard Hess mô tả đồng tử của mắt giống như cánh cửa sổ của tâm hồn. Gần đây, khi đọc lại bài báo này, tôi vẫn thấy nó vô cùng thú vị. Bài báo bắt đầu bằng việc nhà tâm lý học Hess kể chuyện vợ của ông nhận ra đồng tử của ông mở to hơn khi ông nhìn ngắm những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và dừng lại trước hai tấm ảnh đối lập về hai người phụ nữ ưa nhìn nhưng trong đó một người trông hấp dẫn hơn người còn lại. Chỉ có một sự khác biệt: Cặp đồng tử của mắt đã mở rộng hơn khi nhìn thấy tấm ảnh hấp dẫn và thu hẹp lại khi nhìn thấy bức ảnh còn lại. Trong bài báo đó, Hess còn viết về loài cây cà độc dược, một vật liệu làm giãn nở đồng tử trước đây thường được dùng làm mỹ phẩm và về những tín đồ mua sắm phải đeo cặp kính đen khi đi mua sắm nhằm che đi vẻ thèm muốn đối với những món hàng.
Một trong những phát hiện của Hess đặc biệt thu hút sự chú ý của tôi, khi ông nhấn mạnh rằng đồng tử mắt của người là những nhà tiên tri cực kỳ nhạy cảm với các nỗ lực tinh thần – chúng mở rộng hơn khi con người phải làm phép tính nhân cặp số có hai chữ số và chúng mở rộng hơn khi họ phải đối mặt với những vấn đề khó hơn so với khi gặp một bài toán đơn giản. Các quan sát này của ông chỉ ra rằng phản ứng của nỗ lực tinh thần khác biệt so với những xúc cảm thường trực trong mỗi chúng ta. Nghiên cứu của Hess không liên quan nhiều đến ngành Tâm lý học nhưng tôi rút ra được một kết luận rằng, đó là dấu hiệu thực tế của nỗ lực trí não, cũng có thể là một chủ đề nghiên cứu tiềm năng. Jackson Beatty, một sinh viên tốt nghiệp làm cùng phòng thí nghiệm với tôi cũng có chung niềm say mê với chủ đề ấy và chúng tôi quyết định thực hiện thí nghiệm này cùng nhau.
Beatty và tôi đã thiết kế một phòng thí nghiệm tương tự như phòng khám mắt, trong đó những người tham gia thí nghiệm sẽ kê đầu lên một cái máy có giá đỡ ở cằm và trán rồi nhìn thẳng vào máy quay trong khi lắng nghe một đoạn thông tin được ghi âm sẵn và trả lời các câu hỏi theo nhịp phách của một chiếc máy ghi âm đặt sẵn. Cứ mỗi nhịp phách ứng với một giây là một tia chớp hồng ngoại lóe sáng và chụp ra một tấm hình. Kết thúc mỗi lượt thí nghiệm, chúng tôi hào hứng theo dõi những tấm hình được chụp, sau đó, chúng tôi chiếu những bức ảnh của đồng tử lên trên màn hình và dùng thước để đo đạc. Phương pháp này hoàn toàn thích hợp với các nhà nghiên cứu trẻ và thiếu kiên nhẫn: Chúng tôi gần như biết kết quả ngay lập tức và chúng luôn cho những kết quả hết sức rõ ràng.
Beatty và tôi tập trung vào những bài tập nhanh, ví dụ như bài tập Cộng 1, mà mình biết chắc là cái gì đang diễn ra trong đầu óc chủ thể vào bất cứ thời điểm nào. Chúng tôi ghi lại các dãy số theo tiếng nhịp phách và đưa cho đối tượng nhắc lại hoặc biến đổi chúng theo quy tắc, trong khi vẫn giữ nguyên nhịp phách. Rất nhanh chóng chúng tôi nhận thấy kích cỡ đồng tử thay đổi từ giây này qua giây khác, phản ánh những yêu cầu thay đổi của nhiệm vụ. Câu trả lời cho biểu đồ hình chữ V ngược. Nếu bạn đã từng thử bài tập Cộng 1 hoặc Cộng 3, nỗ lực xuất hiện khi bạn cố gắng bắt kịp với từng con số, rồi nó gần đạt đến đỉnh điểm khi bạn cố gắng tìm ra đáp án cho dãy số mới ngay lập tức sau hai nhịp nghỉ, và lại dần thả lỏng khi bạn “trút bỏ” những dãy số đã hoàn thành khỏi bộ nhớ ngắn hạn. Dữ liệu đồng tử tương ứng với trải nghiệm của chủ thể: Dãy số càng dài thì đương nhiên là khiến đồng tử mở rộng hơn, sự biến đổi nhiệm vụ tạo thành nỗ lực và kích cỡ đồng tử giãn hết mức tương ứng với những nỗ lực cao nhất. Cộng 1 với 4 con số khiến đồng tử giãn ra hơn so với nhiệm vụ nhắc lại 7 con số thông thường. Cộng 3, vốn khó hơn, đòi hỏi sự nỗ lực cao nhất mà tôi từng quan sát thấy. Trong 5 giây đầu tiên, đồng tử giãn nở khoảng 50% so với thông thường và nhịp tim tăng lên 7 nhịp một phút. Đó là nhiệm vụ khó khăn mà con người có thể thực hiện – họ sẽ chịu chết nếu bị yêu cầu cao hơn nữa. Khi chúng ta đưa ra cho các đối tượng số lượng con số nhiều hơn mức mà họ có thể nhớ, đồng tử của họ ngừng giãn nở hoặc thậm chí là co lại.
Chúng tôi thực hiện thí nghiệm này trong vài tháng ở một tầng hầm rộng, ở đó chúng tôi lắp đặt một hệ thống khép kín, cho phép trình chiếu hình ảnh đồng tử của chủ thể lên một màn hình ở dọc hành lang, chúng tôi cũng có thể nghe thấy tiếng nói phía trong phòng thí nghiệm. Máy đo đồng tử được trình chiếu cao khoảng 0,3 mét; quan sát đồng tử mở rộng hoặc thu hẹp khi các đối tượng đang làm thí nghiệm quả là rất thú và thu hút sự chú ý đối với khách tham quan phòng thí nghiệm. Chúng tôi tự cảm thấy vui sướng và gây ấn tượng được với khách khứa bởi khả năng có thể đoán xem khi nào thì đối tượng nghiên cứu của thí nghiệm sẽ từ bỏ một nhiệm vụ. Trong một phép tính nhẩm, thường thì đồng tử sẽ mở rộng trong vài giây và cứ giữ nguyên như vậy trong lúc đối tượng nghiên cứu của thí nghiệm thực hiện phép tính, nó lập tức thu hẹp lại khi đối tượng này tìm ra một đáp án hoặc từ bỏ nhiệm vụ được yêu cầu làm. Khi nhìn từ hành lang, đôi khi cả chủ nhân của đồng tử cũng như khách tham quan không khỏi ngạc nhiên khi nghe chúng tôi hỏi: “Tại sao bạn lại không suy nghĩ tiếp?” Câu trả lời từ bên trong phòng thí nghiệm luôn là: “Làm thế nào bạn biết được?” và câu trả lời của chúng tôi sẽ là: “Bởi chúng tôi đang nhìn vào cửa sổ tâm hồn bạn.”
Đôi khi những quan sát ngẫu hứng từ hành lang lại có giá trị thông tin không kém gì những kết quả thu được từ thí nghiệm nghiêm chỉnh. Tôi khám phá được một chuyện rất hay khi vô tình quan sát đồng tử của một phụ nữ trong khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa hai nhiệm vụ của thí nghiệm. Cô ấy vẫn giữ nguyên vị trí kê cằm, vì vậy tôi có thể nhìn thấy hình ảnh con mắt của cô ấy khi cô ta tiếp tục trò chuyện với những người cũng đang thực hiện thí nghiệm. Tôi ngạc nhiên khi thấy đồng tử của cô vẫn nhỏ và không hề cảm nhận được sự giãn nở đồng tử khi cô trò chuyện và lắng nghe mọi người. Không giống như những thí nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện, những câu chuyện phiếm rõ ràng đòi hỏi rất ít hoặc không đòi hỏi sự nỗ lực nào – cùng lắm chỉ bằng việc nhắc lại hai hay ba con số. Đó chính là khoảnh khắc tôi chợt nhận ra rằng những nhiệm vụ mà chúng tôi đã chọn cho thí nghiệm này thực sự đòi hỏi một nỗ lực đặc biệt. Một hình ảnh vụt qua trong óc: Đời sống trí óc – ý tôi là đời sống của Hệ thống 2 – bình thường được ví như một cuộc tản bộ nhẹ nhàng, đôi khi bị ngắt quãng bởi những đoạn chạy bộ và thi thoảng bởi những vòng đua nước rút. Và các bài tập Cộng 1 hay Cộng 3 chính là những quãng đua xe nước rút, còn những cuộc trò chuyện phiếm thông thường được coi là một cuộc dạo bộ.
Chúng ta nhận thấy con người khi tham gia vào những cuộc đua xe nước rút trong trí óc, có thể trở nên mù lòa ở một vài điểm. Các tác giả của Chú Khỉ đột vô hình (The Invisible Gorilla) đã khiến chú khỉ đột trở nên “vô hình” bằng cách khiến những người quan sát bận tối tăm đầu óc đếm các cầu thủ đang chạy qua chạy lại trên sân đấu. Chúng tôi phát hiện ra một ví dụ ít kịch tính hơn về sự mù lòa trong nhiệm vụ Cộng 1. Các đối tượng được trình chiếu một loạt những chữ cái xuất hiện chóng vánh khi họ đang làm việc. Họ được yêu cầu đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, nhưng đồng thời họ cũng được yêu cầu phải báo cáo lại xem có chữ cái K nào hiện ra trong suốt thời gian họ làm nhiệm vụ hay không. Phát hiện chính là khả năng nhận ra và báo cáo về mục tiêu chữ cái thay đổi trong vòng 10 giây của bài tập. Người quan sát hầu như không bao giờ bỏ qua chữ K nào được trình chiếu ở đầu hoặc khi gần kết thúc nhiệm vụ Cộng 1, nhưng hầu hết bọn họ bỏ qua mục tiêu vào khoảng giữa của nhiệm vụ khi trí óc họ đang nỗ lực ở mức cao nhất, mặc dù con mắt của họ mở to hết mức, nhìn chằm chằm vào những bức hình. Thất bại trong việc phát hiện đối tượng chữ cái cũng vẽ ra sơ đồ hình chữ V ngược giống với độ mở của đồng tử. Sự tương đồng vẫn lặp lại: Độ mở của đồng tử phù hợp với mức độ nỗ lực của chủ thể và chúng ta có thể tiếp tục đi theo cách này để hiểu cách hoạt động của trí não.
Giống như những chiếc đồng hồ điện đặt ngoài ngôi nhà hay căn hộ của bạn, các đồng tử cũng cho phép đo các chỉ số năng lượng tinh thần bạn đang sử dụng ở thời điểm hiện tại. Hai ví dụ này rất tương thích với nhau. Điện năng bạn tiêu tốn tùy thuộc vào việc bạn sử dụng thiết bị điện nào, đèn thắp sáng hay máy nướng bánh mì. Khi bạn bật một bóng đèn hay lò nướng bánh, nó sẽ chỉ mức điện năng nó cần dùng, không hơn không kém. Tương tự, khi chúng ta quyết định làm gì, chúng ta cũng đặt ra giới hạn nỗ lực kiểm soát hành động đó. Ví dụ, người ta đưa cho bạn dãy số gồm 4 con số, chẳng hạn 9462, và nói cuộc sống của bạn phụ thuộc vào việc bạn có thể nhớ được nó trong vòng 10 giây hay không. Dù bạn có yêu cuộc sống của mình đến mức nào đi nữa, thì bạn cũng không thể sản sinh ra nỗ lực đối với nhiệm vụ này nhiều hơn nỗ lực cần thiết mà bạn phải sử dụng để đưa ra đáp án cho nhiệm vụ Cộng 3, cũng với 4 con số này được.
Cả Hệ thống 2 và hệ thống điện năng trong nhà bạn đều có giới hạn của nó, tuy nhiên chúng phản ứng khác nhau đối với nguy cơ bị hoạt động quá tải. Khi nhu cầu điện năng vượt mức tải cho phép, tất cả các thiết bị sẽ đồng loạt tắt cùng một lúc. Ngược lại, phản ứng của trí não trong trường hợp quá tải lại có tính chọn lọc và chính xác hơn: Hệ thống 2 bảo vệ những hoạt động quan trọng nhất, cho nên nó vẫn nhận được “điện năng” mà nó cần; “khả năng chịu tải” sẽ được phân phối, giây này qua giây khác cho các nhiệm vụ khác nhau. Trong phiên bản thí nghiệm khỉ đột, chúng ta đã khiến cho những người tham gia tập trung ưu tiên vào nhiệm vụ các con số. Chúng ta biết họ sẽ làm theo hướng dẫn bởi vì thời gian quan sát đối tượng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính. Nếu chữ cái đặc biệt xuất hiện vào đúng lúc đòi hỏi sự tập trung cao, chủ thể đơn giản là không nhìn thấy nó. Khi nhiệm vụ thay đổi, ít đòi hỏi sự tập trung hơn, thì khả năng phát hiện chữ cái sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Khả năng định vị sự chú ý đã được tôi luyện qua cả một tiến trình lịch sử phát triển của nhân loại. Xác định phương hướng và phản ứng nhanh với những mối nguy hại nghiêm trọng nhất hay những cơ hội tiềm năng nhất đã cải thiện cơ hội sống sót của loài người chúng ta và khả năng này chắc chắn không chỉ thuộc về loài người mà có ở muôn loài. Ngay cả đối với loài người hiện đại, Hệ thống 1 vẫn chịu trách nhiệm trong những trường hợp khẩn cấp, ấn định mức độ ưu tiên cho những hành vi bảo vệ sự an toàn của bản thân. Thử tưởng tượng bạn đang điều khiển một chiếc xe hơi, đột nhiên bạn phát hiện má phanh bị hỏng mà xe thì vừa đi vào đoạn đường trơn tràn dầu. Bạn sẽ thấy bản thân phản ứng với nguy cơ nguy hiểm trước mắt hơn cả việc bạn thực sự ý thức đầy đủ được tình hình.
Beatty và tôi chỉ làm việc chung có một năm thôi nhưng sự hợp tác mà chúng tôi có được đã tác động rất lớn tới sự nghiệp về sau của cả đôi bên. Sau này Beatty trở thành chuyên gia đầu ngành của “phép đo đồng tử nhận thức” còn tôi thì viết được một cuốn sách có tựa đề là Chú ý và Nỗ lực, phần lớn nội dung cuốn sách này dựa trên những gì chúng tôi đã thu được trong quá trình làm việc cùng nhau và cả kiến thức khi tôi theo đuổi những nghiên cứu đã làm tại Đại học Harvard vài năm tiếp sau đó. Chúng tôi học được một điều kỳ diệu về hoạt động của trí não – mà giờ tôi gọi nó là Hệ thống 2 – từ việc sử dụng phép đo đồng tử khi thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Khi bạn đã thành thục với một nhiệm vụ nào đó, nó sẽ đòi hỏi ở bạn ít năng lượng hơn để hoàn thành nhiệm vụ đó. Nghiên cứu não bộ cho thấy những thành phần trong não bộ tham gia vào các hoạt động liên quan tới một hành động thay đổi khi kỹ năng của bạn tăng lên, với ít khu vực não bộ tham dự vào việc xử lý hành động đó hơn. Hiện tượng tương tự như vậy cũng xuất hiện ở những thiên tài. Những cá nhân càng xuất chúng thì không cần nỗ lực nhiều khi xử lý cùng một số vấn đề, điều này đã được chứng minh qua độ giãn nở đồng tử cũng như hoạt động khác của não bộ. Quy luật phổ biến về việc “huy động ít sự nỗ lực” áp dụng được trong cả lĩnh vực nhận thức lẫn hoạt động thể chất. Quy luật này chứng minh nếu có nhiều cách khác nhau để cùng đạt một mục tiêu, con người thường có xu hướng sử dụng cách thức ít phải huy động nỗ lực nhất. Trong ngành Kinh tế học, nỗ lực ứng với giá thành, còn kỹ năng được tạo ra từ sự cân bằng giữa lợi nhuận và chi phí. Còn sự lười biếng đã hình thành từ bản năng sâu thẳm của loài người.
Chúng tôi đã làm thí nghiệm về những hiệu ứng tương đối khác nhau của nỗ lực nhờ thước đo co giãn đồng tử. Ngay từ đầu, các đối tượng tham gia thí nghiệm này đều biết, nhận thức đầy đủ và chuẩn bị tâm thế để tham gia thí nghiệm của chúng tôi – thậm chí còn liên tục ý thức và sẵn sàng hơn mức mà nghiên cứu này yêu cầu. Lúc đầu, khi phải nhớ một hoặc hai con số hay học cách liên tưởng một từ với các con số (ví dụ số 3 ứng với từ “cánh cửa”) thì não bộ sản sinh ra một số hiệu ứng vừa đủ trong bộ nhớ gây căng thẳng ở mức trên trung bình, nhưng cũng chỉ ở mức tối thiểu, đồng tử giãn nở khoảng 5% so với khi thực hiện nhiệm vụ Cộng 3. Nhiệm vụ khác đòi hỏi bạn phải ước lượng khoảng hai tấn nông sản lớn chừng nào rõ ràng sẽ khiến đồng tử của bạn phải mở rộng hơn. Nghiên cứu gần đây đã cho thấy việc kiềm chế xu hướng đọc hai từ rời rạc (như trong Hình 2 của chương trước) chỉ đòi hỏi rất ít nỗ lực. Các thí nghiệm ghi nhớ nhanh 6 hoặc 7 chữ số đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Hẳn các bạn đã từng trải nghiệm việc – khi được yêu cầu đọc to số điện thoại của bạn hay ngày sinh nhật của người bạn đời, bạn sẽ chỉ phải ngừng lại đôi chút nhưng cũng phải bỏ ra kha khá nỗ lực để làm nó, bởi vì nó đòi hỏi bạn phải lục trong trí nhớ một chuỗi những con số và trả lời theo đúng thứ tự. Yêu cầu nhân nhẩm trong đầu giữa hai số có 2 chữ số hay nhiệm vụ Cộng 3 là những nhiệm vụ gần đạt mức giới hạn mà hầu hết mọi người có thể làm được.
Vậy điều gì khiến một số hoạt động nhận thức lại đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn những hoạt động khác? Điều gì sinh ra khi chúng ta phải sử dụng sự chú ý tạm thời? Hệ thống 2 có thể làm được những gì mà Hệ thống 1 không thể làm được? Giờ chúng ta sẽ cùng thử đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này.
Nỗ lực được sinh ra khi bạn phải duy trì liên tục trong trí nhớ vài ý tưởng, mỗi ý tưởng lại đòi hỏi những hành động khác nhau, hoặc cần phải kết hợp chúng lại theo một nguyên tắc nào đó – ví dụ như nhớ lại những vật dụng bạn cần mua sắm khi đến cửa siêu thị, chọn ăn món cá hay thịt bê khi ở trong nhà hàng, hoặc phân tích những kết quả thú vị từ một cuộc khảo sát với lượng thông tin từ các mẫu thử rất nhỏ. Chỉ có Hệ thống 2 mới có thể hoạt động tuân theo các nguyên tắc, so sánh các đối tượng trên vài tiêu chí khác nhau và đưa ra những lựa chọn hợp lý nhất giữa các phương án. Hệ thống tự động 1 không hề có các khả năng này. Hệ thống 1 chỉ đơn giản là phát hiện ra mối liên hệ (“tất cả bọn chúng đều giống nhau,” “cậu con trai cao hơn ông bố rất nhiều”) và nổi trội hơn ở khoản phân tích thông tin về một vấn đề, nhưng nó “bó tay” khi phải xử lý nhiều chủ đề khác nhau vào cùng một lúc, cũng như không phải là “chuyên gia” phân tích dữ liệu thống kê thông tin đơn thuần. Hệ thống 1 sẽ phát hiện ra một người nào đó được mô tả kiểu như “lành tính và rất gọn ghẽ, yêu thích sự ngăn nắp, gọn gàng và có niềm đam mê với các chi tiết” thì gần giống với một thủ thư thứ thiệt, nhưng nếu phải kết hợp bản năng phán đoán này với sự hiểu biết về một lượng nhỏ những người thủ thư thì chỉ có Hệ thống 2 là xử lý được – nếu Hệ thống 2 biết cái gì là phù hợp với một số người.
Khả năng sống còn của Hệ thống 2 đó là sự tiếp nhận “một lố những nhiệm vụ”: Nó có thể lập trình bộ nhớ để tuân thủ một chỉ dẫn nào đó, cho phép trí óc vượt lên những phản ứng theo thói quen. Hãy thử làm thí nghiệm sau đây: Đếm tất cả số chữ cái “p” xuất hiện trong trang này. Đây có thể là một nhiệm vụ mà bạn chưa từng được biết và hiếm khi bạn được yêu cầu làm, nhưng Hệ thống 2 vẫn có thể đảm nhiệm nhiệm vụ này. Sẽ cần sự nỗ lực để ép bản thân thực hiện nỗ lực để làm bài tập này, mặc dù bạn chắc chắn rằng bản thân sẽ dần tiến bộ trong nhiệm vụ này nếu như được luyện tập thường xuyên. Các nhà tâm lý học gọi nó là “kiểm soát điều hành” để mô tả sự tiếp nhận và kết thúc một loạt các nhiệm vụ, còn các chuyên gia Thần kinh học thì xác định được từng khu vực trong não bộ sẽ đảm trách những hoạt động nào. Một trong số những khu vực này sẽ tham gia vào hoạt động bất cứ khi nào một mâu thuẫn cần được giải quyết. Một khu vực khác nằm ở phần trước của bộ não phát triển ở người mạnh mẽ hơn so với các loài động vật khác và cũng tham gia vào quá trình xử lý thông tin, mà chúng ta liên hệ chúng với trí thông minh.
Giờ thì giả sử như cuối trang này, bạn sẽ nhận được một hướng dẫn khác: Hãy đếm tất cả dấu phẩy trong trang tiếp theo. Nhiệm vụ này khó hơn, bởi vì bạn vừa mới làm quen được khả năng tập trung sự chú ý vào tất cả các chữ “p” trong nhiệm vụ trước. Một trong những khám phá có giá trị của các nhà tâm lý học nhận thức trong mấy thập kỷ trở lại đây đó là việc chuyển đổi từ một nhiệm vụ này sang một nhiệm vụ khác đòi hỏi rất nhiều cố gắng, đặc biệt là khi bị hạn chế về mặt thời gian. Yêu cầu chuyển đổi nhanh là một trong những lý do khiến nhiệm vụ Cộng 3 và nhiệm vụ nhân nhẩm trở thành những nhiệm vụ rất khó. Để hoàn thành được nhiệm vụ Cộng 3, bạn phải nhớ vài con số cùng một lúc, liên kết mỗi con số với một phép tính riêng: Vài con số đang “xếp hàng” chờ được biến đổi, một con số thì đang trong quá trình ấy và những con số khác đã thay đổi sau phép tính Cộng 3, tất cả đều phải được lưu giữ để cho ra kết quả cuối cùng. Các bài kiểm tra hiện đại về sức làm việc của bộ nhớ yêu cầu các đối tượng liên tục biến đổi giữa hai nhiệm vụ khác nhau, lưu giữ các kết quả của một nhiệm vụ trong khi tiếp tục xử lý nhiệm vụ còn lại. Những người làm tốt mấy loại thí nghiệm này thường có xu hướng làm tốt bài kiểm tra trí tuệ thông thường. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát sự tập trung không đơn thuần là một phương pháp để kiểm tra trí tuệ; các phương pháp kiểm tra khả năng kiểm soát sự chú ý hiệu quả dự báo ai đó có khả năng trở thành nhà kiểm soát điều hành không lưu và ai có đủ điều kiện trở thành phi công cho Không quân Israel còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố hơn là chỉ dựa vào trí thông minh thông thường.
Áp lực thời gian cũng là một nhân tố nữa đòi hỏi sự nỗ lực. Nếu bạn đã từng thực hành nhiệm vụ Cộng 3, thì sẽ thấy sự gấp gáp tạo ra áp lực, một phần lên nhịp độ và một phần lên khả năng tải dữ liệu. Giống như nghệ sĩ tung hứng với vài trái bóng trên không, bạn không được phép làm chậm lại, tốc độ xử lý dữ liệu trong bộ nhớ quyết định nhịp độ, khiến bạn phải liên tục tiếp nhận xử lý thông tin mới và lưu giữ các thông tin cũ trước khi biến mất. Bất cứ nhiệm vụ nào đòi hỏi bạn phải xử lý cùng lúc vài ý tưởng đều có chung nhân tố gấp gáp này. Trừ khi bạn có một bộ nhớ khủng khiếp, thì may ra bạn không phải chịu áp lực phải làm việc quá căng thẳng. Những dạng thức tư duy chậm đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất lại đòi hỏi bạn phải suy nghĩ nhanh nhất.
Chắc chắn là khi tham gia nhiệm vụ Cộng 3, bạn đã tự thấy đầu óc mình phải hoạt động căng thẳng bất bình thường đến mức nào. Ngay cả khi bạn suy nghĩ để kiếm sống, một vài nhiệm vụ ghi nhớ trong thời gian bạn làm việc cũng đòi hỏi nỗ lực như nhiệm vụ Cộng 3, thậm chí kể cả yêu cầu nhớ 6 con số cho một cuộc gọi khẩn cấp. Chúng ta thường tránh không để trí óc quá tải bằng cách chia các nhiệm vụ của mình thành nhiều bước dễ dàng hơn, đưa các kết quả tức thời vào bộ nhớ dài hạn hoặc viết lên giấy hơn là chịu cảnh quá tải bộ nhớ. Chúng ta dành nhiều thời gian cho một nhiệm vụ hơn và huy động quy luật nỗ lực tối thiểu điều khiển đời sống tinh thần của mình.
CHÚ Ý VÀ NỖ LỰC LÊN TIẾNG
“Tôi sẽ không thử xử lý vấn đề này trong lúc đang lái xe. Đó là một nhiệm vụ liên quan đến giãn nở đồng tử. Nó đòi hỏi những nỗ lực trí óc”
“Quy luật nỗ lực tối thiểu” đang hiện hữu. Anh ta càng nghĩ ít càng tốt”.
“Cô ta không quên cuộc họp. Chỉ là cô ấy hoàn toàn tập trung vào một vấn đề khác khi người ta chốt thời điểm họp và chẳng nghe thấy cậu nói gì hết”.
“Cái gì đột nhiên xuất hiện trong óc tôi thì đó là bản năng của Hệ thống 1. Tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu và tìm kiếm nó trong bộ nhớ của mình”.