Các thí nghiệm được biết tới nhiều nhất và gây tranh cãi nhiều nhất của chúng tôi đều liên quan tới một quý cô giả tưởng được gọi với cái tên Linda. Amos và tôi đã vẽ ra luận đề Linda để cung cấp chứng cứ thuyết phục về vai trò của các phương pháp suy nghiệm trong phân tích về sự tương khắc giữa chúng với tính logic. Dưới đây là những gì chúng tôi đã miêu tả về Linda:
Linda 31 tuổi, độc thân, thẳng tính, và rất thông minh. Cô học chuyên ngành Triết học. Với tư cách một sinh viên, cô quan tâm sâu sắc tới các vấn đề phân biệt đối xử và công bằng xã hội và cũng đã tham gia vào các cuộc biểu tình phi hạt nhân.
Các cử tọa mà nghe được sự miêu tả này vào những năm 1980 đã có thể ngay lập tức biết được rằng Linda hiện đang theo học trường Đại học California tại Berkeley, ngôi trường nổi tiếng ở thời điểm đó với tư tưởng cấp tiến của nó và các sinh viên có dính líu tới chính trị. Tại một trong các thí nghiệm của mình, chúng tôi đã giới thiệu những người tham gia với một danh sách gồm tám kịch bản khả thi dành cho Linda. Cũng giống như trong luận đề Tom W, một số đã xếp hạng các kịch bản qua mô thức, số khác qua xác suất. Luận đề Linda tương tự vậy nhưng phát triển thêm:
Linda là một giáo viên tại một trường tiểu học.
Linda làm việc ở một hiệu sách và tham gia các khóa học Yoga.
Linda là một nhà hoạt động trong phong trào nữ quyền.
Linda là một nhân viên xã hội trên lĩnh vực tâm thần.
Linda là một thành viên của Liên đoàn Phụ nữ bầu cử.
Linda là một kế toán ngân hàng.
Linda là một nhân viên bán bảo hiểm.
Linda là một kế toán ngân hàng và nhà hoạt động trong phong trào nữ quyền.
Luận đề chỉ ra thời đại của nó theo một vài cách. Liên đoàn Phụ nữ bầu cử đã không còn đình đám như nó vốn có, và ý niệm về một “hoạt động” nữ quyền nghe có vẻ kỳ quặc, đó là một bằng chứng cho việc thay đổi vị thế của người phụ nữ trong suốt hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, ngay cả trong kỷ nguyên của Facebook, vẫn thật dễ để đoán được sự thống nhất gần như hoàn hảo của các phân tích: Linda thực sự rất phù hợp với một nhà hoạt động nữ quyền, khá phù hợp với vai trò một người làm trong một hiệu sách và tham gia các lớp học yoga và hoàn toàn không phù hợp với một nhân viên kế toán ngân hàng hay một nhân viên bán bảo hiểm.
Giờ hãy tập trung vào các thông tin then chốt trong danh sách: Linda trông giống một nhân viên kế toán ngân hàng hơn, hay giống một nhân viên ngân hàng đang hoạt động trong phong trào nữ quyền hơn? Hầu hết đều đồng ý rằng Linda hợp với ý nghĩ về một “kế toán ngân hàng đấu tranh giành bình quyền cho nữ giới” hơn việc cô hợp với mẫu hình một kế toán ngân hàng. Kế toán ngân hàng theo khuôn mẫu không phải là một nhà hoạt động nữ quyền và việc thêm vào chi tiết này để mô tả tạo ra một câu chuyện chặt chẽ hơn.
Sự phát triển xuất hiện trong các phân tích về khả năng có thể xảy ra, bởi ở đây có một mối quan hệ theo logic giữa hai kịch bản. Hãy tư duy trong mối quan hệ với biểu đồ Venn. Chuỗi các nhân viên kế toán ngân hàng hoạt động vì phong trào nữ quyền được bao hàm toàn bộ trong chuỗi các nhân viên kế toán ngân hàng, như kiểu mỗi nhân viên kế toán ngân hàng hoạt động vì nữ quyền đều là kế toán ngân hàng. Bởi vậy mà xác suất để Linda là một nhân viên kế toán ngân hàng hoạt động vì nữ quyền phải thấp hơn xác suất của việc Linda là một nhân viên kế toán ngân hàng. Khi bạn định rõ một biến cố khả thi tới từng chi tiết, bạn chỉ có thể đặt xác suất của nó thấp hơn. Luận đề này vì thế gây nên một sự xung đột giữa khả năng trực giác của mô thức và tính logic của xác suất.
Thực nghiệm ban đầu của chúng tôi thực hiện với các đối tượng mà ở đó từng người tham gia đã được thấy một chuỗi gồm bảy kết quả được bao hàm chỉ một trong số các thông tin then chốt (“nhân viên kế toán ngân hàng” hoặc “kế toán ngân hàng hoạt động vì nữ quyền”). Một số đã xếp hạng các kết quả qua sự tương đồng, số khác xếp hạng qua khả năng có thể xảy ra. Như trong trường hợp của Tom W, các thứ hạng trung bình qua sự tương đồng và qua khả năng có thể xảy ra giống hệt nhau; “kế toán ngân hàng hoạt động vì nữ quyền” được xếp hạng cao hơn so với “kế toán ngân hàng” trong cả hai cách.
Sau đó chúng tôi đã tiến hành cuộc thử nghiệm sâu hơn, sử dụng một bản phác thảo trong nội tại chủ thể. Chúng tôi xây dựng một bản câu hỏi như bạn đã thấy, với việc “nhân viên kế toán ngân hàng” ở vị trí thứ sáu trong bảng danh sách và “kế toán ngân hàng hoạt động vì nữ quyền” là thông tin nằm ở cuối cùng. Chúng tôi đã đoán chắc rằng các chủ đề ấy sẽ có thể phù hợp với tính logic. Quả có vậy, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên về điều mà chúng tôi đã nghĩ nó không đáng để làm một thực nghiệm riêng biệt. Trợ lý của tôi đã đang tiến hành một thực nghiệm khác trong phòng thí nghiệm và cô ấy đã đề nghị các chủ thể hoàn thiện bảng câu hỏi Linda mới trong khi đang ký nhận thù lao.
Mười bảng câu hỏi đã được gom lại trong một cái khay tài liệu trên bàn trợ lý của tôi trước khi tôi tình cờ liếc qua chúng và đã phát hiện ra rằng tất cả các chủ thể đã xếp hạng “kế toán ngân hàng hoạt động vì nữ quyền” như thể có nhiều khả năng hơn “kế toán ngân hàng”. Tôi ngạc nhiên đến nỗi tôi vẫn còn nhớ được một “ký ức lóe lên” về màu xám của chiếc bàn kim loại và của nơi mà mọi người đã ở đó khi tôi đi tới tìm hiểu. Tôi nhanh chóng gọi cho Amos trong sự phấn khích cực độ để báo cho ông ấy biết thứ mà tôi đã phát hiện ra: Chúng tôi đã đẩy tính logic ra đương đầu với mô thức và mô thức đã giành chiến thắng!
Theo ngôn ngữ của cuốn sách này, chúng tôi đã thu về được một thất bại của Hệ thống 2: Những người tham gia thực nghiệm của chúng tôi đã có một cơ hội khá thuận lợi để phát hiện mối tương quan của quy tắc mang tính logic, từ đó cả hai dạng kết quả đều được bao gồm ở cùng một thứ hạng. Họ đã không tận dụng lợi thế của thời cơ ấy. Khi chúng tôi mở rộng cuộc thử nghiệm, chúng tôi phát hiện ra rằng 89% số sinh viên chưa tốt nghiệp trong mẫu của chúng tôi đã phạm phải tính logic của xác suất. Chúng tôi bị thuyết phục rằng những đối tượng điều tra phức tạp được trình bày bằng thống kê có thể thực hiện tốt hơn, bởi vậy chúng tôi đã phát cùng một bảng câu hỏi cho các nghiên cứu sinh Tiến sĩ trong khóa học Khoa học ra quyết định của Stanford Graduate School of Business (Trường kinh doanh sau đại học Stanford), tất cả trong số họ đã tham gia một vài khóa học nâng cao về xác suất, thống kê và lý thuyết ra quyết định. Một lần nữa, chúng tôi bị ngạc nhiên: 85% số những người tham gia thực nghiệm cũng đã xếp hạng “kế toán ngân hàng hoạt động vì nữ quyền” như thể có khả năng xảy ra hơn so với “kế toán ngân hàng”.
Trong những gì mà chúng tôi đã miêu tả sau đó như là những nỗ lực “ngày càng tuyệt vọng” nhằm loại trừ lỗi, chúng tôi đã giới thiệu Linda với một nhóm lớn gồm nhiều người và đã hỏi họ câu hỏi đơn giản sau:
Phương án nào khả thi hơn?
Linda là một kế toán ngân hàng.
Linda là một kế toán ngân hàng và hoạt động trong phong trào nữ quyền.
Lối diễn đạt thẳng thắn vấn đề này khiến cho Linda trở nên nổi tiếng trong một số nhóm và nó tiêu tốn của chúng tôi nhiều năm tranh luận. Có khoảng 85% tới 90% các sinh viên chưa tốt nghiệp tại một số trường đại học lớn đã chọn phương án thứ hai, đối nghịch với tính logic. Đáng chú ý là, những kẻ mắc lỗi dường như không hề hối tiếc. Khi tôi hỏi một lớp sinh viên chưa tốt nghiệp của mình với chút ít giận dữ: “Các bạn có biết rằng mình vừa mới phạm phải một lỗi quy tắc logic cơ bản không?”, một số ở hàng sau đã hô lên: “Sao cơ?” và một nghiên cứu sinh – người đã phạm phải cùng một lỗi, đã tự mình giải thích bằng cách nói: “Em đã nghĩ là thầy vừa mới hỏi xin ý kiến của em.”
Nhìn chung, từ ngụy biện đã được dùng khi người ta không áp dụng một quy tắc logic mà rõ ràng là có liên quan. Amos và tôi đã đưa ra ý niệm về một liên tưởng ngụy biện, thứ người ta phạm phải khi họ đánh giá một trường liên tưởng thuộc hai biến cố (ở đây là kế toán ngân hàng và nhà hoạt động vì nữ quyền) có khả năng xảy ra hơn so với một trong các biến cố (kế toán ngân hàng) trong một sự so sánh trực tiếp.
Giống như là trong ảo giác Muller-Lyer, sự ngụy biện duy trì sức lôi cuốn ngay cả khi bạn nhận ra bản chất của nó. Nhà tự nhiên học Stephen Jay Gould đã mô tả cố gắng của cá nhân ông với luận đề Linda. Ông ấy đã biết câu trả lời chính xác, dĩ nhiên, thế nhưng, ông đã viết: “Một con người nhỏ bé trong đầu tôi cứ liên tiếp vật lộn và hét vào tai tôi – ‘nhưng cô ấy không thể chỉ là một kế toán ngân hàng; hãy đọc mô tả đi.’” Con người nhỏ bé ở đây dĩ nhiên chính là Hệ thống 1 của Gould đang nói với ông với những tiếng van lơn (thuật ngữ hai hệ thống vẫn chưa được đưa ra vào thời điểm ông viết ra những dòng này).
Câu trả lời đúng cho cách diễn giải ngắn gọn về luận đề Linda là câu trả lời chính yếu chỉ ở một trong các nghiên cứu của chúng tôi: 64% số sinh viên tốt nghiệp của một nhóm trong ngành Khoa học xã hội tại Stanford và Berkeley đã đánh giá một cách chuẩn xác “kế toán ngân hàng hoạt động vì nhân quyền” ít khả thi hơn “kế toán ngân hàng”. Trong cách diễn giải đầu tiên có tám kết quả (đã được liệt kê ở trên), chỉ có 15% số sinh viên tốt nghiệp thuộc một nhóm tương tự đã đưa ra sự lựa chọn như vậy. Khác biệt ở đây chính là sự chỉ dẫn. Diễn giải dài hơn đã tách biệt hai kết quả mấu chốt này bởi một thông tin can thiệp (nhân viên bán bảo hiểm) và các độc giả đã đánh giá từng kết quả một cách độc lập với nhau, mà không hề so sánh. Diễn giải ngắn hơn, ngược lại, đã đòi hỏi một sự so sánh rõ ràng rằng Hệ thống 2 được huy động và đã cho phép hầu hết các sinh viên thống kê phức tạp tránh được sự ngụy biện. Thật không may, chúng tôi đã không khảo sát tỉ mỉ biện dẫn của số nhỏ đáng kể (36%) thuộc nhóm thành thạo mà đã lựa chọn sai.
Các phân tích về xác suất mà những người tham gia vào nghiên cứu của chúng tôi đã đưa ra, trong cả luận đề Tom W lẫn luận đề Linda, hoàn toàn tương tự với những phân tích của mô thức (tương tự với những khuôn mẫu). Tính mô thức thuộc về một cụm các hành động đánh giá cơ bản có liên quan mật thiết mà có khả năng được khởi tạo cùng một lúc. Các kết quả tiêu biểu nhất kết hợp với miêu tả cá nhân nhằm tạo ra những câu chuyện mạch lạc nhất. Những câu chuyện mạch lạc nhất không nhất thiết phải khả thi nhất, nhưng chúng hợp ý và các quan điểm về sự mạch lạc, hợp lý và xác suất rất dễ bị nhầm lẫn bởi sự khinh suất.
Sự thay thế không đáng kể về tính hợp lý đối với xác suất gây ra những hiệu ứng nguy hại đến những phân tích khi các kịch bản được sử dụng như là những công cụ dự báo. Hãy xem xét hai kịch bản sau, chúng đã được giới thiệu với các nhóm khác nhau, với một yêu cầu đánh giá xác suất của chúng:
Một trận lũ lớn ở đâu đó tại Bắc Mỹ vào năm tới, tại đó có hơn 1.000 người bị chết đuối.
Một trận động đất ở California xảy ra vào lúc nào đó trong năm tới, dẫn đến một trận lụt tại đó có hơn 1.000 người bị chết đuối.
Kịch bản động đất ở California nghe hợp lý hơn so với kịch bản Bắc Mỹ, mặc dù xác suất của nó chắc chắn nhỏ hơn. Như đã dự tính, các phân tích về xác suất đã cao hơn đối với kịch bản phong phú hơn và chi tiết hơn, ngược lại với logic. Đây là một cái bẫy dành cho các nhà dự báo và các thân chủ của họ: Việc thêm chi tiết vào các kịch bản khiến chúng có sức thuyết phục hơn, nhưng ít có khả năng trở thành hiện thực.
Để hiểu rõ giá trị vai trò của tính hợp lý, xem xét các câu hỏi sau đây:
Điều nào có thể dễ xảy ra hơn?
Mark có tóc.
Mark tóc vàng hoe.
và:
Điều nào có thể dễ xảy ra hơn?
Jane là một giáo viên.
Jane là một giáo viên và đi bộ tới trường.
Hai câu hỏi đều có cùng chung một cấu trúc logic như luận đề Linda, nhưng chúng không gây ra sự ngụy biện nào cả, bởi kết quả chi tiết hơn chỉ làm rõ hơn chứ nó không hợp lý hơn, mạch lạc hơn, hay một câu chuyện hay hơn. Sự đánh giá về tính hợp lý và mạch lạc không gợi ra và không trả lời cho câu hỏi về xác suất. Với dụ thiếu vắng của một khả năng trực giác có thể đua tranh, logic sẽ thắng thế.
CÁI ÍT HƠN LÀ CÁI GIÁ TRỊ HƠN, ĐÔI LÚC NGAY CẢ TRONG SỰ ĐÁNH GIÁ CHUNG
Christopher Hsee đến từ Đại học Chicago, đã hỏi mọi người lượng giá các bộ dụng cụ đựng đồ ăn được chào bán trong một buổi bán thanh lý tại một cửa hàng địa phương, tại đây bộ đồ ăn thông thường giao động giữa 30 đô-la và 60 đô-la. Ở đây có ba nhóm trong thực nghiệm của ông. Bảng dưới đây thể hiện thành một nhóm, Hsee gán cho là đánh giá chung, bởi nó cho phép có được một sự so sánh giữa hai bộ sản phẩm với nhau. Hai nhóm khác được trình bày chỉ một trong hai bộ, đây là đánh giá đơn. Đánh giá chung là một thử nghiệm trong nội tại chủ thể, và đánh giá đơn là giữa các chủ thể.
Bộ A: 40 chiếc
Bộ B: 24 chiếc
Đĩa đựng thức ăn
tất cả đều còn tốt
tất cả đều còn tốt
Bát đựng súp/salad
tất cả đều còn tốt
tất cả đều còn tốt
Đĩa đựng tráng miệng
tất cả đều còn tốt
tất cả đều còn tốt
Tách
2 chiếc đã sứt
Đĩa nhỏ
7 chiếc đã sứt
Thật ngạc nhiên là những chiếc đĩa trong cả hai bộ đều cùng loại, vậy cái gì đáng giá hơn? Câu hỏi này quá dễ. Bạn có thể thấy rằng Bộ A gồm tất cả những chiếc đĩa của bộ B và 7 chiếc không bị sứt thêm vào, và nó hẳn phải đáng giá hơn. Quả nhiên vậy, những người tham gia trong thực nghiệm đánh giá chung của Hsee đã sẵn lòng chi nhiều hơn một chút để lấy Bộ A thay vì Bộ B: 32 đô-la so với 30 đô-la.
Các kết quả đã đảo ngược trong sự đánh giá đơn lẻ, tại đó Bộ B đã được định giá cao hơn Bộ A: 33 đô-la so với 23 đô-la. Chúng tôi biết được tại sao điều ấy đã xảy ra. Các bộ (bao gồm các bộ đồ ăn!) được miêu tả bởi các tiêu chuẩn và các nguyên mẫu. Bạn có thể cảm thấy ngay lập tức rằng giá trị trung bình của các chiếc đĩa thấp hơn nhiều đối với Bộ A thay vì Bộ B, bởi chẳng ai muốn trả tiền cho những chiếc đĩa đã sứt. Nếu giá trị trung bình chi phối sự đánh giá, thì không có gì là ngạc nhiên khi Bộ B được định giá cao hơn. Hsee đã gọi mô hình kết quả ấy là cái ít hơn là cái giá trị hơn. Bằng việc bỏ đi 16 món trong Bộ A (7 trong số đó không bị sứt), giá trị của bộ đồ ăn đã được nâng lên.
Phát hiện của Hsee đã được tái hiện lại bởi nhà kinh tế học thực nghiệm John List trên một thị trường thẻ bóng chày. Ông đã đấu giá bộ gồm mười tấm thẻ có giá trị cao và bộ giống hệt với ba tấm thẻ có giá trị vừa phải được thêm vào. Giống như trong thử nghiệm về bộ dụng cụ đựng đồ ăn, bộ lớn hơn đã được định giá nhiều hơn bộ nhỏ trong sự đánh giá chung, nhưng lại ít hơn trong sự đánh giá đơn lẻ. Từ nền tảng của lý thuyết kinh tế, kết quả này đang gây ra băn khoăn: Giá trị kinh tế của một bộ đồ ăn hoặc của một bộ sưu tập thẻ bóng chày là một biến số tổng hợp. Việc thêm vào một vật có giá trị rõ ràng vào một chuỗi nào đó chỉ có thể làm tăng giá trị của nó.
Luận đề Linda và bài toán bộ dụng cụ đựng đồ ăn cùng có chính xác cấu trúc như vậy. Xác suất, giống như giá trị kinh tế, là một biến số tổng hợp, như đã được minh chứng bởi ví dụ sau:
Xác suất (Linda là một kế toán) = xác suất (Linda là một kế toán hoạt động vì nữ quyền) + xác suất (Linda không phải là một kế toán hoạt động vì nữ quyền).
Đây cũng là điều mà vì sao, như trong nghiên cứu bộ đồ ăn của Hsee, các đánh giá đơn lẻ thuộc luận đề Linda sản sinh ra một mô hình cái ít hơn là cái giá trị hơn. Hệ thống 1 tính trung bình thay vì cộng thêm số lượng gia tăng của xác suất chủ quan, khi những kế toán ngân hàng không phải là nhà hoạt động nữ quyền bị bỏ khỏi nhóm. Tuy nhiên, sự tổng hợp tự nhiên của biến số đối với xác suất là ít rõ ràng hơn so với tiền tệ. Như một hệ quả, đánh giá chung lờ đi lỗi đó chỉ trong thực nghiệm của Hsee, chứ không trong thực nghiệm Linda.
Linda không phải là lỗi liên kết duy nhất còn sót lại trong đánh giá chung. Chúng tôi đã tìm thấy những sai phạm tương tự về tính logic trong nhiều phân tích khác. Những người tham gia vào một trong các thí nghiệm đó đã được đề nghị xếp hạng bốn kết quả khả thi của giải đấu Wimbledon từ có khả năng nhất xuống ít khả năng nhất. Björn Borg đã là tay vợt chiếm ưu thế của ngày hôm đó khi thí nghiệm được thực hiện. Dưới đây là các kết quả:
A. Borg sẽ thắng chung cuộc.
B. Borg sẽ thua trong séc đầu.
C. Borg sẽ thua séc đầu nhưng thắng chung cuộc.
D. Borg sẽ thắng séc đầu nhưng thua chung cuộc.
Các thông tin then chốt đó là B và C. B là biến cố bao hàm hơn và xác suất của nó hẳn phải cao hơn biến cố mà nó bao hàm. Ngược lại với tính logic, nhưng không ngược với mô thức hay sự hợp lý, 72% đã ấn định cho B một xác suất thấp hơn so với C – một trường hợp khác về biểu thức cái ít hơn là cái giá trị hơn trong sự so sánh trực tiếp. Ở đây thêm một lần nữa, kịch bản được đánh giá là khả thi hơn, hoàn toàn hợp lý hơn. Nó là sự ăn khớp chặt chẽ với tất cả những gì đã được biết về tay vợt hàng đầu thế giới.
Để ngăn chặn phản đối tiềm tàng mà sự liên tưởng ngụy biện cũng có thể là do một sự hiểu sai về xác suất, chúng tôi đã dựng nên một luận đề đòi hỏi có những phân tích về xác suất, nhưng tại đó các biến cố đã không được miêu tả bằng lời và thuật ngữ xác suất đã không hề xuất hiện. Chúng tôi thông báo với những người tham gia về một con xúc xắc có sáu mặt đều nhau với bốn mặt màu xanh và hai mặt màu đỏ, con xắc này sẽ được lăn 20 lần. Họ đã được cho xem ba chuỗi gồm những màu xanh (X) và đỏ (Đ) và được yêu cầu lựa chọn một. (Theo giả thuyết) Họ có thể thắng 25 đô-la nếu chuỗi lựa chọn của họ xuất hiện. Dưới đây là các chuỗi:
1. ĐXĐĐĐ
2. XĐXĐĐĐ
3. XĐĐĐĐĐ
Bởi con xúc xắc có số mặt xanh nhiều gấp đôi số mặt đỏ, chuỗi đầu tiên hoàn toàn không tiêu biểu giống như việc Linda là một kế toán ngân hàng. Chuỗi thứ hai, gồm có sáu lần gieo xúc xắc, là một đợt tốt hơn so với điều chúng ta có thể trông đợi từ con xúc xắc này, bởi nó bao gồm hai mặt xanh. Tuy nhiên, chuỗi này đã được tạo ra bởi việc thêm vào một mặt xanh ở đầu chuỗi, bởi vậy nó ít khả năng xảy ra hơn chuỗi đầu tiên. Đây là một dạng không diễn đạt bằng lời tương đương với việc Linda là một kế toán ngân hàng hoạt động vì nữ quyền. Như trong thí nghiệm Linda, mô thức đã trội hơn. Hầu hết hai phần ba số người tham gia đã ưu tiên đặt cược vào chuỗi thứ hai thay vì chuỗi thứ nhất. Tuy nhiên, khi được giới thiệu với những lập luận đối với hai lựa chọn, đại đa số đã tìm ra lập luận chính xác (thiên về chuỗi thứ nhất) có sức thuyết phục hơn.
Luận đề tiếp theo là một bước đột phá, bởi sau cùng chúng tôi đã tìm ra một trạng thái mà ở đó phạm vi tác động của ngụy biện liên tưởng đã giảm thiểu rất nhiều. Hai nhóm đối tượng sau đã thấy được những biến thể hơi khác nhau của cùng một luận đề:
Một cuộc khảo sát sức khỏe đã được tiến hành trong một mẫu gồm những người đàn ông trưởng thành tại British Columbia, ở mọi lứa tuổi và ngành nghề. Hãy đưa ra dự đoán chính xác nhất của bạn về các giá trị sau:
Bao nhiêu phần trăm những người đàn ông được khảo sát đã có một hoặc nhiều hơn một lần đau tim?
Bao nhiêu phần trăm những người đàn ông được khảo sát trên 55 tuổi và đã có một hoặc hơn một lần đau tim?
Một cuộc khảo sát sức khỏe đã được tiến hành trong một mẫu gồm 100 người đàn ông trưởng thành tại British Columbia, ở mọi lứa tuổi và ngành nghề. Hãy đưa ra dự đoán chính xác nhất của bạn về các giá trị sau:
Có bao nhiêu người trong số 100 người tham gia đã có một hoặc hơn một lần đau tim?
Có bao nhiêu người trong số 100 người tham gia trên 55 tuổi và đã có một hoặc hơn một lần đau tim?
Tỷ lệ sai là 65% trong nhóm trông thấy luận đề bên trái, và chỉ 25% trong nhóm trông thấy luận đề bên phải.
Tại sao câu hỏi “Bao nhiêu người trong số 100 người tham gia …” dễ hơn rất nhiều so với “Bao nhiêu phần trăm …”? Một lý giải có vẻ phù hợp đó là việc nhắc tới 100 người tham gia thực nghiệm mang một sự mô tả về không gian tới trí não. Hãy hình dung rằng một số lượng lớn những người được chỉ dẫn để xếp hạng bản thân họ vào các nhóm trong một phòng: “Những người có tên bắt đầu bằng các chữ từ A tới L được hướng dẫn tập trung ở phía trước bên góc trái.” Sau đó họ được chỉ dẫn tiếp tục phân loại bản thân. Mối liên hệ của sự bao hàm này giờ đã trở nên rõ ràng và bạn có thể thấy được rằng các cá nhân có tên bắt đầu bằng chữ C sẽ là một tập hợp con của đám đông đứng ở phía trước góc bên trái. Trong câu hỏi khảo sát về y tế, các nạn nhân của chứng nhồi máu cơ tim đi đến một góc phòng, và một vài người trong số họ ít hơn 55 tuổi. Không phải ai cũng sẽ cùng chung một hình ảnh sống động đặc biệt như vậy, nhưng nhiều cuộc thử nghiệm sau đó đã chỉ ra rằng tần số tượng trưng, như đã được biết đến, khiến cho việc đánh giá rằng một nhóm hoàn toàn được bao hàm trong một nhóm khác trở nên dễ dàng. Giải pháp cho thách thức này chỉ ra rằng một câu hỏi được diễn đạt theo kiểu “có bao nhiêu…” khiến cho bạn nghĩ tới các cá nhân, nhưng cùng câu hỏi đó được diễn đạt theo kiểu “Bao nhiêu phần trăm…” thì không.
Chúng tôi đã học được gì từ những thí nghiệm về các vận hành của Hệ thống 2? Một kết luận, vốn chẳng mới mẻ gì, đó là Hệ thống 2 không phải là một sự cảnh báo gì lớn lao. Những sinh viên tốt nghiệp đại học và sau đại học đã tham gia vào các nghiên cứu của chúng tôi về sự liên tưởng ngụy biện chắc chắn “đã biết” đến tính logic của các biểu đồ Venn, nhưng họ không tin tưởng nó để ứng dụng vào ngay cả khi tất cả những thông tin có liên quan này đã được bày trước mắt họ. Sự vô lý của hình mẫu cái ít hơn là cái có giá trị hơn thể hiện rõ ràng trong thí nghiệm bộ dụng cụ đựng đồ ăn của Hsee và đã bị nhận diện một cách dễ dàng trong lối diễn đạt “Bao nhiêu”, nhưng nó không hiển thị ra bên ngoài một cách rõ ràng cho hàng ngàn người mà đã từng sa vào sự liên tưởng ngụy biện trong luận đề Linda nguyên bản và trong nhiều thứ khác giống như vậy. Trong tất thảy những trường hợp này, sự liên tưởng xem chừng là đáng tin cậy và đủ để đáp ứng cho một lời tán đồng từ Hệ thống 2.
Sự lười biếng của Hệ thống 2 là một phần của câu chuyện. Nếu lần bỏ cuộc tiếp theo của họ đã từng lệ thuộc vào cơ chế này và nếu họ đã từng được cho khoảng thời gian không cụ thể và được đề nghị tuân theo tính logic và không trả lời cho tới khi họ chắc chắn về câu trả lời của mình, tôi tin rằng hầu hết các chủ thể của chúng ta có thể tránh được sự liên tưởng ngụy biện ấy. Tuy nhiên, sự bỏ cuộc của họ đã không lệ thuộc vào một câu trả lời đúng; họ dành rất ít thời gian vào việc đó và đã chấp nhận câu trả lời như thể họ chỉ từng được “dạm ý”. Sự lười biếng của Hệ thống 2 là một hiện thực quan trọng của cuộc sống và việc mà mô thức có thể ngăn chặn việc ứng dụng một quy tắc mang tính logic cụ thể cũng là có chút thú vị.
Khía cạnh đáng lưu ý của câu chuyện Linda là mối tương phản với thí nghiệm về những chiếc đĩa ăn bị vỡ. Hai luận đề này có chung một cấu trúc, nhưng đưa ra những kết quả khác nhau. Những người thấy bộ dụng cụ đựng đồ ăn gồm những chiếc đĩa bị sứt đặt giá rất thấp; hành vi của họ phản ánh một quy tắc thuộc về trực giác. Số khác đã thấy được cả hai bộ đồ ăn cùng một lúc đã ứng dụng quy tắc logic là: Nhiều đĩa ăn hơn có thể chỉ cộng thêm giá trị. Khả năng trực giác chi phối các phân tích trong điều kiện giữa các chủ thể; các quy tắc logic trong sự đánh giá chung. Ngược lại, trong luận đề Linda, khả năng trực giác thường đánh bại tính logic ngay cả trong sự đánh giá chung, mặc dù chúng ta đã nhận biết một số trạng thái mà tại đó tính logic lấn át.
Amos và tôi tin rằng những sai phạm hiển nhiên tính logic của xác suất mà chúng tôi đã từng thu nhận được trong các luận đề rõ ràng là thú vị và đáng giá để báo cáo với các đồng sự của mình. Chúng tôi cũng tin rằng các kết quả đã nhấn mạnh thêm luận đề của chúng tôi về sức mạnh của các phương pháp phân tích suy nghiệm, và rằng chúng đã có thể thuyết phục được cả những người hoài nghi nhất. Và trong vấn đề này chúng tôi đã hoàn toàn sai. Thay vào đó, luận đề Linda đã trở thành một tình huống nghiên cứu trong phạm vi tranh luận.
Luận đề Linda đã thu hút được một lượng lớn sự chú ý, nhưng nó cũng trở thành một thanh nam châm để cho các nhà phê bình phương pháp tiếp cận của chúng tôi. Như chúng tôi đã thực sự thực hiện, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những tổ hợp gồm các chỉ dẫn và các lời gợi ý đã biến đổi phạm vi ảnh hưởng của ngụy biện; một số đã tranh cãi rằng, trong tình huống thuộc luận đề Linda, thật có lý khi các chủ thể hiểu cụm từ “xác suất” như thể nó có nghĩa là “hợp lý”. Những lập luận này đôi lúc đã được mở rộng nhằm ám chỉ rằng toàn bộ sự nghiệp của chúng tôi đã bị lầm đường lạc lối: Nếu một ảo tưởng mang tính nhận thức nổi bật đã có thể bị làm suy yếu hoặc được giải thích tường tận, những người khác có thể cũng như vậy. Cách lập luận này không chú ý tới đặc trưng khác thường của liên tưởng ngụy biện như là một trường hợp mâu thuẫn giữa khả năng trực giác và logic. Căn cứ mà chúng tôi đã từng dựng lên cho các phương pháp suy nghiệm từ thử nghiệm giữa các chủ thể (bao gồm cả các nghiên cứu về Linda) đã không bị thách thức – đơn giản nó là đã không được chỉ ra và điểm nổi bật của nó đã được giảm bớt bởi sự tập trung chuyên biệt vào liên tưởng ngụy biện. Tác động sau cùng của luận đề Linda đó là một sự gia tăng có thể trông thấy được về công việc của chúng tôi trước công chúng và một vết lõm nhỏ trong sự tín nhiệm dành cho phương pháp tiếp cận của chúng tôi trong số các học giả thuộc lĩnh vực này. Đây hoàn toàn không phải là những gì chúng tôi trông đợi.
Nếu ghé thăm một phòng xử án, bạn sẽ nhận thấy rằng các luật sư áp dụng hai dạng tranh tụng: Để làm sụp đổ một tình thế, họ nêu lên những nghi vấn về những lý lẽ sắc bén nhất nghiêng về tình thế ấy; để làm mất uy tín của một nhân chứng, họ tập trung vào tình tiết sơ hở nhất của lời khai. Sự tập trung vào sự sơ hở này cũng thường thấy trên chính trường. Tôi không tin điều ấy là thích hợp cho những tranh luận khoa học, nhưng tôi đã phải đi tới việc chấp nhận nó như là một phần của cuộc sống mà các quy phạm của cuộc tranh luận này trong các ngành khoa học xã hội không hề cấm đoán sự lập luận mang phong cách chính trị, đặc biệt khi các vấn đề lớn đang bị đe dọa và sự phổ biến của sai lệch trong xét định của con người lại là một vấn đề lớn.
Vài năm trước tôi đã có một cuộc trò chuyện thân mật với Ralph Hertwig, một người chỉ trích dai dẳng luận đề Linda, tôi đã từng cộng tác cùng ông trong nỗ lực vô vọng nhằm dàn xếp những khác biệt giữa chúng tôi. Tôi đã hỏi ông rằng tại sao ông cùng với những người khác đã lựa chọn việc tập trung chuyên biệt vào liên tưởng ngụy biện, thay vì vào những phát kiến khác mang lại sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho quan điểm của chúng tôi. Ông đã cười khi trả lời: “Nó thú vị hơn nhiều,” bổ sung rằng luận đề Linda đã thu hút quá nhiều sự chú ý đến nỗi chúng tôi chẳng còn lý do gì để phàn nàn cả.
BÀN VỀ CÁI ÍT HƠN LÀ CÁI GIÁ TRỊ HƠN
“Họ đã dựng lên một kịch bản rất phức tạp và khăng khăng gọi đó là khả năng xảy ra cao. Không phải vậy, nó chỉ là một câu chuyện có lý mà thôi.”
“Họ đã thêm một món quà rẻ tiền vào sản phẩm đắt tiền, và khiến cho toàn bộ món hàng ít hấp dẫn hơn. Cái ít hơn là cái giá trị hơn chính là đây.”
“Trong hầu hết các tình huống, một sự so sánh trực tiếp khiến người ta cẩn trọng hơn và logic hơn. Nhưng không phải luôn luôn vậy. Đôi lúc khả năng trực giác đánh bại tính logic ngay cả khi câu trả lời đúng đã hiện rõ trước mắt bạn.”