Mỗi năm, tôi sống vài tháng ở Berkely và một trong số những niềm vui khi sống ở đây là quãng đường đi bộ bốn dặm mỗi ngày theo lộ trình định sẵn qua các ngọn đồi, với quang cảnh tuyệt vời của vịnh San Francisco. Tôi thường xuyên theo dõi xem mình đi mất bao nhiêu thời gian và cần tốn bao nhiêu sức lực cho hoạt động này. Tôi còn biết được vận tốc của mình là khoảng 17 phút đi bộ được một dặm, với tốc độ này thì việc đi bộ khá giống một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng. Tôi chắc chắn rằng nỗ lực thể chất mà mình phải bỏ ra cũng như lượng calo bị đốt cháy khi đi ở tốc độ ấy phải cao hơn nếu tôi ngồi thư giãn trên ghế bành nhưng tôi thực sự không cảm thấy căng thẳng, không hỗn loạn và cũng không cần phải ráng sức. Tôi còn có khả năng suy nghĩ và làm vài việc trong khi đi bộ ở vận tốc ấy nữa. Thực tế tôi còn hy vọng việc chịu khó đi bộ mỗi ngày như vậy có thể giúp mình thư thái đầu óc hơn.
Hệ thống 2 cũng có một vận tốc tự nhiên như thế. Bạn tiêu tốn năng lượng thần kinh cho một số hoạt động tư duy và nhận thức chuyện gì đang diễn ra xung quanh, ngay cả khi trí óc của bạn không có hoạt động gì cụ thể nhưng nó vẫn sẽ hơi căng thẳng một chút. Trừ khi bạn đang ở trong một tình thế cảm thấy cần phải cẩn trọng hoặc kiểm soát bản thân một cách bất thường, còn thì việc nhận thức chuyện gì đang diễn ra xung quanh hoặc trong đầu óc bạn sẽ không làm bạn tốn nhiều sức lực. Bạn có thể ra rất nhiều quyết định nhỏ khi vẫn đang lái xe, hay tiếp thu một số thông tin khi bạn đang đọc báo và trao đổi một vài câu chuyện vu vơ với bạn đời hoặc đồng nghiệp, tất cả đều tốn rất ít sức lực và bạn không hề cảm thấy căng thẳng. Những hoạt động này nhẹ nhàng giống hệt một cuộc tản bộ.
Thông thường thì vừa đi bộ vừa suy nghĩ vu vơ là chuyện bình thường và thực tế là còn khá dễ chịu nữa, nhưng nếu những hoạt động này bị đẩy lên một mức căng thẳng nào đó thì sẽ là thách thức đối với nguồn lực có hạn của Hệ thống 2. Bạn có thể kiểm chứng kết luận này bằng một thí nghiệm đơn giản. Trong lúc đang dạo chơi thoải mái với một người bạn, hãy bảo anh ta ngay lập tức tính nhẩm phép nhân 23 x 78, gần như chắc chắn người bạn này sẽ dừng lại tức thì. Kinh nghiệm của tôi cho thấy ta có thể suy nghĩ trong lúc đi dạo, nhưng không thể tham gia vào một công việc trí não đòi hỏi phải tải một lượng dữ liệu lớn trong bộ nhớ ngắn hạn. Nếu tôi phải suy nghĩ một lập luận phức tạp trong thời gian ngắn, chắc chắn tôi sẽ muốn đứng lại, hoặc tốt hơn là ngồi xuống thay vì đứng im. Tất nhiên, không phải mọi hình thức tư duy chậm đều đòi hỏi sự tập trung căng thẳng và với thí nghiệm nỗ lực tính nhẩm khi đi dạo bộ, tôi đã nghĩ ra được những thứ tuyệt vời nhất trong cuộc đời chính nhờ những cuộc đi dạo với Amos.
Tăng tốc độ lên so với tốc độ đi bộ thường nhật của mình đã làm thay đổi hoàn toàn kinh nghiệm đi bộ của tôi, bởi vì sự thay đổi tốc độ đã phá hủy khả năng suy nghĩ mạch lạc của tôi. Khi tăng tốc, sự tập trung bị giảm sút để nhường chỗ cho việc làm quen dần với tốc độ mới và chăm chú duy trì tốc độ mới này. Khả năng suy nghĩ và đưa ra một kết luận gấp rút cho một vấn đề cũng vì thế trở nên khó thực hiện. Khi tôi leo đồi ở tốc độ trung bình khoảng 14 dặm/giờ, thì tôi không thể nghĩ được đến bất cứ điều gì. Bên cạnh nỗ lực thể chất để di chuyển với tốc độ nhanh trên suốt chặng đường, tôi còn phải có nỗ lực tinh thần để cố gắng kiểm soát bản thân ngăn chặn ham muốn đi với tốc độ chậm lại. Rõ ràng là cả sự tự chủ và tư duy đều là những hoạt động đòi hỏi cùng một sự nỗ lực như nhau.
Đối với hầu hết chúng ta, theo đuổi một mạch suy nghĩ đôi lúc làm chúng ta cau mày nhăn trán, hay trăn trở về một vấn đề gì đó đều đòi hỏi sự tự kiểm soát. Mặc dù tôi chưa từng thực hiện một khảo sát có hệ thống nào, nhưng tôi cho rằng thường xuyên hoán đổi các nhiệm vụ và tăng tốc trong công việc trí óc về bản chất không hề dễ chịu chút nào và mọi người thường cố gắng tránh đối mặt với điều này khi có thể. Đó chính là lý do vì sao “sự nỗ lực tối thiểu” lại trở thành một quy luật. Ngay cả khi không bị thúc ép về mặt thời gian, duy trì một dòng suy nghĩ mạch lạc đã đòi hỏi một kỷ luật khắt khe. Chỉ khi quan sát số lần tôi kiểm tra email hay lục xem trong tủ lạnh còn những đồ gì trong khoảng một giờ đồng hồ viết lách đã cho thấy hành động đó hàm chứa nhu cầu bức thiết được thoát ra khỏi tốc độ làm việc và đi đến kết luận rằng để duy trì một hoạt động liên tục đòi hỏi sự nỗ lực tự chủ hơn nhiều so với khả năng tôi có thể tập trung làm việc.
May sao, hoạt động trí não không phải lúc nào cũng đáng ghét và đôi khi con người ta còn tận hưởng sự nỗ lực trong một khoảng thời gian dài mà không cần sử dụng đến những “chiêu bài” nghỉ ngơi. Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi đã làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai để nghiên cứu hiện tượng làm gì đó liên tục không biết mệt mỏi và đặt tên cho hiện tượng đó là flow (dòng chảy – đây là một thuật ngữ của tâm lý học) mà sau này đã trở thành một phần của ngôn ngữ học. Những người từng trải nghiệm dòng chảy được mô tả như thể “ở trong trạng thái tập trung cao độ không biết mệt mỏi khiến họ đánh mất cảm giác về thời gian, về bản thân, về cả các vấn đề cá nhân,” và những người này mô tả niềm vui sướng của mình khi ở trong tình trạng ấy là rất hấp dẫn, khiến Csikszentmihalyi gọi đó là một “trải nghiệm sung sướng nhất”. Rất nhiều hoạt động có thể tạo ra cảm giác dòng chảy này, từ vẽ tranh cho đến đua xe mô tô – và đối với một số tác giả mà tôi biết, viết một cuốn sách cũng được coi là “một trải nghiệm sung sướng”. Dòng chảy khác biệt hẳn so với hai dạng nỗ lực: Tập trung vào một nhiệm vụ hay duy trì hoạt động chú ý. Đua xe mô tô với tốc độ 150 dặm/giờ và chơi một ván cờ căng thẳng rõ ràng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tuy vậy, trong tình trạng dòng chảy, duy trì sự tập trung vào những hoạt động lý thú đó không đòi hỏi người ta phải tự kiểm soát, mà ngược lại, năng lượng được giải phóng trực tiếp từ chính nhiệm vụ đó, thông qua đôi tay.
Hệ thống 2 – Bận rộn và suy yếu
Giờ thì mệnh đề đã được xác lập rõ ràng về các dạng thức của hoạt động trí óc bao gồm cả sự tự kiểm soát và sự nỗ lực nhận thức. Vài nghiên cứu Tâm lý học đã chứng minh con người đồng thời cảm thấy bị thử thách trước một yêu cầu phải nhận thức trong khi phải cố gắng chống lại sự cám dỗ. Hãy tưởng tượng bạn được yêu cầu ghi nhớ một dãy số gồm 7 con số trong vòng một hoặc hai phút và bạn phải dành ưu tiên cao nhất cho nhiệm vụ ghi nhớ các con số ấy. Trong khi bạn đang tập trung sự chú ý vào các con số, bạn được mời lựa chọn một trong hai món tráng miệng: Một chiếc bánh sô cô la ngon “chết người” và một món sa-lát rau quả bổ dưỡng. Hiển nhiên khả năng cao là bạn sẽ lựa chọn sự cám dỗ “chết người” của món bánh sô cô la trong khi đầu óc vẫn bận rộn với việc phải ghi nhớ các con số. Khi Hệ thống 2 đang bận rộn, Hệ thống 1 sẽ tác động đến hành vi của chúng ta nhiều hơn, nhất là khi bạn là người hảo ngọt.
Những người đang bận rộn về nhận thức sẽ có xu hướng đưa ra những lựa chọn ích kỷ, sử dụng ngôn ngữ nhạy cảm nhất và đưa ra những nhận định hời hợt trong một vài tình huống thực tế. Hệ thống 2 bận rộn với nhiệm vụ ghi nhớ và lặp lại các con số, khiến nó lơ là về nhận thức nhưng tất nhiên gánh nặng nhận thức không phải là nguyên nhân duy nhất làm suy yếu khả năng tự chủ của con người. Một vài thức uống có cồn hay mất ngủ vào ban đêm cũng tạo ra hiệu ứng tương tự. Khả năng tự chủ của những người sống ban ngày bị suy yếu đi vào ban đêm và khả năng này sẽ theo chiều ngược đối với người sống về đêm thì khả năng tự chủ ấy lại suy yếu vào ban ngày. Lo lắng thái quá về việc phải hoàn thành tốt một nhiệm vụ nào đó đôi khi cũng cản trở kết quả, bởi vì bộ nhớ ngắn hạn phải liên tục tải những luồng suy nghĩ căng thẳng vô ích. Kết luận rất rõ ràng: Tự kiểm soát đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực. Nói cách khác, kiểm soát suy nghĩ và hành vi là một trong những nhiệm vụ do Hệ thống 2 đảm nhiệm.
Nhà tâm lý học Roy Baumeister và các đồng nghiệp đã thực hiện một loạt những thí nghiệm gây kinh ngạc khi chứng minh một cách thuyết phục rằng tất cả các dạng thức của nỗ lực tự chủ như nhận thức, cảm xúc, hay thể chất đều chiếm ít nhất một phần trong bể năng lượng tinh thần của con người. Các thí nghiệm của họ nghiên cứu các nhiệm vụ liên tiếp chứ không nghiêng về các loại nhiệm vụ khác nhau.
Nhóm của Baumeister lặp đi lặp lại phát hiện rằng sự cố gắng nỗ lực hoặc tự chủ rất mệt mỏi, nếu bạn ép bản thân phải làm một việc gì đấy, bạn sẽ bớt háo hức hoặc khó có khả năng tự chủ hơn khi đối mặt với những thử thách kế tiếp. Hiện tượng này được đặt tên là ego depletion (Tạm dịch: Sự suy yếu của cái tôi). Trong một minh chứng điển hình, những người tham gia thí nghiệm được hướng dẫn hãy kiềm chế cảm xúc trước một bộ phim vô cùng xúc động, nhưng sau đó họ lại diễn xuất rất chán, trong một thí nghiệm đo sức chịu đựng về thể chất, thí nghiệm này để xem những người tham gia thí nghiệm giữ được một chiếc lực kế nặng trong khoảng thời gian bao lâu. Những nỗ lực cảm xúc ở giai đoạn đầu của thí nghiệm làm giảm đi khả năng chịu đựng đau đớn do bị căng cơ, vì thế cái tôi bị suy yếu trong mỗi chúng ta chẳng mấy chốc mà phải đầu hàng nhiệm vụ. Trong một thí nghiệm khác, đầu tiên mọi người bị vắt kiệt sức trong một nhiệm vụ, yêu cầu phải ăn cho bằng hết những đồ ăn có lợi cho sức khỏe như tỏi hoặc cần tây, trong khi đó, họ lại phải cưỡng lại ham muốn trước những chiếc bánh sô cô la hoặc bánh quy giàu dưỡng chất. Chẳng mấy chốc, những người này sẽ đầu hàng nhanh hơn thông thường khi phải đối mặt với một nhiệm vụ tư duy khó khăn nào đó.
Cho đến nay, đã có một danh sách dài và đa dạng những tình huống và nhiệm vụ được cho là có khả năng rút kiệt sự tự chủ của con người. Tất cả đều liên quan đến mâu thuẫn và nhu cầu đi ngược lại xu hướng tự nhiên. Bao gồm:
Bằng chứng rất thuyết phục: Các hoạt động phức tạp đòi hỏi sự tự kiểm soát thuộc về Hệ thống 2 và quá trình tự kiểm soát ấy khiến ta cảm thấy kiệt sức và không mấy dễ chịu. Không giống quá trình tư duy, cái tôi suy yếu bị mất ít nhất một phần động lực sau mỗi nhiệm vụ tự kiểm soát. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ như thế, bạn có cảm giác không muốn cố gắng trong các nhiệm vụ tiếp theo, mặc dù nếu như bắt buộc thì bạn cũng có thể thực hiện được. Trong vài thí nghiệm, con người có thể chống cự với các hiệu ứng của cái tôi suy yếu khi được khích lệ đủ mạnh để thực hiện hành động đó. Ngược lại, khi bạn phải nhớ 6 con số trong bộ nhớ ngắn hạn, cùng lúc đó lại phải thực hiện một nhiệm vụ nào đó thì dù có muốn nỗ lực hơn bạn cũng không làm được. Cái tôi suy yếu không giống như tình trạng bận rộn của tâm lý nhận thức.
Khám phá đáng kinh ngạc nhất mà nhóm của nhà tâm lý học Baumeister công bố, đó là ông cho rằng quan niệm của sức mạnh tinh thần chỉ là phép ẩn dụ không hơn không kém. Hệ thống thần kinh tiêu thụ nhiều glucose hơn hầu hết các bộ phận khác trong cơ thể và các nỗ lực của hoạt động tinh thần dường như là kẻ ngốn lượng glucose khủng khiếp. Khi bạn tập trung đưa ra một quyết định trí óc khó khăn hay tham gia vào một nhiệm vụ đòi hỏi phải kiểm soát bản thân cao độ, lượng glucose trong máu của bạn cũng sẽ tụt xuống. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra đối với một vận động viên điền kinh khi chạy ở giai đoạn nước rút, lượng glucose trong cơ bắp của vận động viên này cũng tụt xuống. Hệ quả rõ nét của quan niệm này đó là các phản ứng của cái tôi suy yếu có thể bị gián đoạn do hấp thụ lượng glucose và Baumeister cùng với các đồng nghiệp đã khẳng định giả thuyết này thông qua vài thí nghiệm.
Các tình nguyện viên trong một nghiên cứu được xem một đoạn phim câm ngắn, trong đó có một phụ nữ đang trả lời phỏng vấn bằng ngôn ngữ cơ thể. Trong khi họ đang xem, một loạt các từ liên tiếp được trình chiếu với tốc độ chậm. Những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu phớt lờ các từ ấy đi và phải tập trung vào nhiệm vụ chính là quan sát hành vi của người phụ nữ. Hành động tự kiểm soát bản thân này mà chúng ta đã được biết trước đó, chính là nguyên nhân gây ra cái tôi suy yếu. Tất cả những tình nguyện viên đều được uống nước chanh trước khi tham gia vào nhiệm vụ số 2. Một nửa số nước chanh được pha ngọt với đường glucose và một nửa được pha với Splenda. Sau đó tất cả các tình nguyện viên được tham gia vào một nhiệm vụ, trong đó họ cần phải vượt qua được sai lầm của trực giác để tìm ra đáp án đúng. Những sai lầm do trực giác xuất hiện thường xuyên hơn ở những cá nhân có “cái tôi suy yếu” và những người uống nước Splenda cho thấy họ dễ bị ảnh hưởng bởi “cái tôi suy yếu” đúng như các nhà khoa học đã dự đoán. Ngược lại, những người uống nước đường cho kết quả ngược lại. Dự trữ một lượng đường phù hợp trong não bộ đã ngăn sự suy yếu. Hẳn là sẽ phải đầu tư thêm thời gian và tiến hành nhiều nghiên cứu khác để khẳng định được lượng đường glucose có tác động thế nào đối với sự suy yếu cũng như đối với những phản ứng nhất thời, mà biểu hiện của nó được thể hiện qua việc giãn nở đồng tử và thay đổi nhịp tim.
Gần đây, một luận chứng về tác động của suy yếu trong xử án đã được đăng tải trên Tạp chí Proceeding of the National Academy of Sciences (Học viện Khoa học Tố tụng Quốc gia ). Trong một nghiên cứu, tám vị thẩm phán xét duyệt ân xá ở Israel đã vô tình trở thành những người tham gia vào thí nghiệm này. Công việc hàng ngày của họ là xem xét những hồ sơ xin ân xá. Các hồ sơ được gửi lên theo thứ tự ngẫu nhiên và các thẩm phán sẽ xem xét từng hồ sơ một, trung bình một hồ sơ được xem trong một thời gian ngắn khoảng sáu phút. (́Trong số hồ sơ xin ân xá, chỉ có khoảng 35% hồ sơ được chấp nhận ân xá. Thời gian chính xác cho mỗi quyết định được ghi lại và thời gian làm việc một ngày của các thẩm phán được chia ra làm 3 lần nghỉ – bữa sáng, bữa trưa và bữa giữa chiều). Các tác giả của nghiên cứu đã theo dõi tỷ lệ những hồ sơ được chấp thuận ân xá dựa vào thời gian sau các lần nghỉ. Tỷ lệ này tăng đột ngột sau mỗi bữa ăn, với khoảng 65% hồ sơ được chấp thuận. Trong vòng hai giờ hoặc hơn cho đến lần nghỉ tiếp theo, tỷ lệ chấp thuận ân xá giảm đều, cho tới 0% trước bữa ăn tiếp theo. Như bạn có thể hình dung, đây là một kết quả không mong muốn và các tác giả đã cẩn thận đưa ra rất nhiều giả thuyết loại trừ. Lượng dữ liệu nhiều nhất có thể chỉ mang đến tin xấu: Khi đói và khát, những vị thẩm phán có xu hướng ra những quyết định dễ dãi hơn, đó là mặc định từ chối các hồ sơ xin ân xá. Khả năng là cả đói khát và mệt mỏi đều đóng vai trò vào quyết định ở đây của các thẩm phán.
HỆ THỐNG 2 LƯỜI BIẾNG
Một trong những chức năng chính của Hệ thống 2 là điều khiển và kiểm soát các suy nghĩ và hành động “được gợi ý” bởi Hệ thống 1, cho phép một số suy nghĩ và hành động được thể hiện trực tiếp thông qua hành vi, ngăn chặn hoặc điều chỉnh một số hành vi khác.
Ví dụ, hãy xem câu đố đơn giản này. Đừng cố gắng giải đố, mà hãy nghe theo trực giác của bạn nhé:
Tổng giá của một chiếc gậy bóng chày và quả bóng là 1.10 đô-la
Chiếc gậy có giá cao hơn quả bóng 1 đô-la.
Đố bạn biết quả bóng có giá bao nhiêu?
Một con số xuất hiện trong đầu bạn. Con số, tất nhiên là 10: 10 xu. Điểm thú vị của câu đố đơn giản đó là nó gợi ra một đáp án hiển nhiên đầy tính trực giác hấp dẫn và… sai. Chỉ cần làm một phép tính, bạn sẽ thấy. Nếu quả bóng trị giá 10 xu, thì tổng tiền phải trả cho cả gậy và bóng phải là 1.20 đô-la (10 xu cho quả bóng và 1.10 đô-la cho chiếc gậy), chứ không phải là 1.10 đô-la. Đáp án đúng phải là 5 xu. Để chắc chắn thì có thể nói thế này, đáp án bản năng cũng có xuất hiện trong đầu óc của những người đưa ra đáp án đúng – chỉ có điều, bằng một cách nào đó, những người này đã điều khiển để chống lại tiếng gọi của trực giác.
Shane Frederick và tôi cùng nhau nghiên cứu giả thuyết về sự phỏng đoán dựa trên hai hệ thống và ông thường dùng câu đố “gậy và bóng” để nghiên cứu một câu hỏi chủ đạo: Hệ thống 2 điều khiển những gợi ý từ Hệ thống 1 như thế nào? Ông đưa ra lý lẽ là chúng ta biết một sự thật hiển nhiên về những người đưa ra đáp án quả bóng trị giá 10 xu là: Người đó đã không cố gắng kiểm chứng xem đáp án của mình đã đúng chưa, Hệ thống 2 đã chấp thuận một đáp án trực giác mà đáng ra nó phải bị loại bỏ, nếu chỉ cần bỏ ra một chút nỗ lực là có thể biết được đáp án đúng. Hơn thế nữa, chúng ta cũng biết rằng những người đưa ra câu trả lời trực giác đã bỏ qua một đầu mối quan trọng rất phổ biến, đáng lẽ họ phải đặt câu hỏi tại sao người ta lại có thể đưa ra một câu đố đơn giản với một đáp án hiển nhiên đến vậy. Thất bại trong việc kiểm chứng này rất đáng để ý bởi vì chỉ cần bỏ ra một chút xíu công sức để kiểm tra thôi, chỉ mất một hai giây tư duy (vấn đề này tương đối đơn giản), chỉ cần một chút căng cơ và hơi giãn nở đồng tử là đã có thể tránh được một sai lầm đáng xấu hổ. Những người đưa ra đáp án 10 xu dường như là những tín đồ cuồng nhiệt của “quy luật nỗ lực tối thiểu”. Những người tránh được đáp án sai dường như có đầu óc nhạy bén hơn.
Hàng ngàn sinh viên đại học đã tham gia trả lời câu đố về “gậy và bóng”, kết quả thật đáng kinh ngạc, hơn 50% sinh viên ở Đại học Harvard, MIT và Princeton đã đưa ra đáp án trực giác, tất nhiên đáp án này sai. Tỷ lệ sinh viên ở các trường đại học nằm ở top dưới các trường trên, đã đưa ra đáp án sai là 80%. Vấn đề về “gậy và bóng” là cuộc chạm trán đầu tiên của chúng tôi với nhận định mà sau này sẽ trở thành chủ đề được nhắc đến nhiều lần trong cuốn sách này: Có nhiều người tự tin thái quá, tôn vinh trực giác của mình quá mức cần thiết. Rõ ràng là họ cho rằng nỗ lực tư duy, dù ở mức độ tối thiểu không phải là điều thú vị và cố tránh đụng độ với nó càng ít càng tốt.
Giờ thì tôi sẽ chỉ cho bạn thấy một lập luận logic – hai mệnh đề và một kết luận. Hãy cố gắng xác định, càng nhanh càng tốt, nếu bạn thấy lập luận này là hợp logic. Từ hai mệnh đề này thì kết luận thế này có hợp lý không?
Hoa hồng là một loài hoa.
Vài loài hoa chóng tàn.
Cho nên có vài loại hoa hồng chóng tàn.
Đa số các sinh viên đại học được hỏi đều chấp thuận tam đoạn luận này là hợp logic mà không chút nghi ngờ. Thực tế, lập luận này không chặt, bởi vì có thể xảy ra khả năng hoa hồng không nằm trong số những loài hoa chóng tàn. Cũng giống như “cái bẫy” của “gậy và bóng”, một đáp án có vẻ hợp lý lập tức xuất hiện trong đầu bạn. Tránh được “cái bẫy” này đòi hỏi đầu óc phải làm việc căng thẳng để chống lại “tiếng nói” khe khẽ cất lên trong đầu: “Đúng rồi, đúng rồi!” khiến bạn khó có thể kiểm tra tính chuẩn xác của vấn đề và hầu hết mọi người ngại suy nghĩ thấu đáo cho một vấn đề nào đó.
Thí nghiệm này cho thấy trong cuộc sống hàng ngày, việc truy đến cùng một suy luận luôn bị cản trở. Nó đưa ra giả thuyết là khi con người ta đặt lòng tin rằng một kết luận là đúng, họ cũng sẽ có xu hướng tin tưởng vào những ý kiến bổ trợ cho kết luận đó, ngay cả khi những lập luận này không có căn cứ. Khi Hệ thống 1 tham gia vào quá trình suy luận, kết luận xuất hiện trước tiên, rồi mới đến các lập luận.
Tiếp theo, bạn hãy trả lời câu hỏi này và trả lời nhanh trước khi đọc tiếp:
Một năm ở bang Michigan có bao nhiêu kẻ sát nhân?
Câu hỏi này, được thiết kế bởi Shen Frederick, một lần nữa lại thách đố Hệ thống 2. “Cái bẫy” ở đây nằm ở chỗ liệu bạn có nhớ ra được Detroit là thành phố có tỷ lệ tội phạm cao thuộc bang Michigan hay không. Các sinh viên Mỹ biết điều này và cũng sẽ xác định được chính xác là Detroit là thành phố lớn nhất ở bang Michigan. Nhưng nhận thức được thực thế này chẳng nói lên điều gì hết. Không phải tất cả những gì chúng ta biết đều xuất hiện trong trí óc của chúng ta vào đúng thời điểm khi chúng ta cần đến chúng. Số người nhớ được rằng Detroit nằm ở Michigan và là thành phố có tỷ lệ tội phạm cao nhất nhiều hơn số người không biết điều này, nhưng phần lớn những người trả lời câu hỏi này đều không nghĩ đến thành phố này khi được đặt câu hỏi về bang này. Thực vậy, tỷ lệ trung bình những người đoán về tình trạng tội phạm ở Michigan thấp hơn so với những người được hỏi về thành phố Detroit.
Có thể đổ lỗi cho cả Hệ thống 1 và Hệ thống 2 trong việc không nghĩ đến thành phố Detroit. Khi nhắc đến một bang nào đó, thì việc bạn nghĩ đến thành phố nào nằm trong bang đó phụ thuộc một phần vào chức năng tự động của bộ nhớ. Về phương diện này thì không ai giống ai. Nhắc đến bang Michigan, thường mỗi người sẽ có những ấn tượng và hình dung khác nhau về địa danh này: Thường những người sống tại bang này sẽ có cảm giác gần gũi, thân thiện, nhiều kỷ niệm, ấn tượng hơn là những người sống ở nơi khác chỉ biết sơ về nó; những người bản địa sinh sống tại địa phương, đương nhiên sẽ biết nhiều về nơi mình sinh sống hơn là những người khác kể cả những người nhanh nhẹn, thông minh, có thói quen tìm hiểu kỹ lưỡng về một số địa danh nào đó mà họ thích. Trí thông minh không chỉ liên quan đến khả năng suy luận, nó còn là khả năng tìm ra những “nguyên liệu” thích hợp trong bộ nhớ và sản sinh sự chú ý khi cần thiết. Chức năng ghi nhớ là thuộc tính của Hệ thống 1. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều có quyền làm chậm lại mỗi khi lục tìm trong bộ nhớ tất cả những hiện thực liên quan đến vấn đề, cũng như họ có thể chậm lại khi kiểm tra một câu trả lời trực giác trong ví dụ bóng và gậy. Mở rộng, thận trọng khi kiểm tra và tìm kiếm là một đặc tính của Hệ thống 2, bên cạnh đó thuộc tính này thể hiện ở mỗi cá nhân lại khác nhau.
Cả 3 vấn đề “gậy và bóng”, tam đoạn luận hoa tàn và ví dụ về tội phạm ở Michigan/Detroit đều có một điểm chung: Có vẻ như, ít nhất thì thất bại trong những bài kiểm tra nhỏ này đã chỉ ra người tham gia trả lời bài kiểm tra này thiếu động lực và không suy nghĩ kỹ lưỡng.
Bất cứ người nào đỗ vào các trường đại học danh tiếng đều có thể trả lời hai câu hỏi đầu tiên và suy nghĩ cẩn thận về Michigan là có thể nhớ ra thành phố lớn nhất của bang và các vấn đề liên quan đến tội phạm của thành phố này. Những sinh viên này có thể giải quyết những bài toán khó hơn thế này rất nhiều, nhất là khi họ không dễ dàng đưa ra một đáp án mơ hồ bất chợt xuất hiện trong đầu óc. Việc dễ dàng thỏa mãn là nguyên nhân ngăn cản họ, tư duy mới chính là vấn đề rắc rối. “Lười biếng” có thể là lời phán xét nặng nề đối với khả năng tự kiểm soát bản thân của những thanh niên này cũng như với Hệ thống 2 của họ, nhưng dường như lời phán xét này hơi thiếu công bằng cho họ. Những người tránh được “lỗi lười suy nghĩ” có thể gọi là những người “bận rộn”. Họ cảnh giác hơn hay động não hơn, không dễ hài lòng với những câu trả lời nông nổi vội vã, đồng thời hoài nghi trực giác của chính mình. Nhà tâm lý học Keith Stanovich thì gọi họ là những con người lý trí hơn.
TRÍ TUỆ, KIỂM SOÁT, LÝ TRÍ
Các nhà nghiên cứu đã áp dụng rất nhiều phương pháp để kiểm tra mối liên hệ giữa tư duy và sự tự kiểm soát. Một số người đã đặt ra câu hỏi so sánh như sau: Nếu một người được xếp hạng bởi khả năng tự kiểm soát và trực giác của mình, thì liệu người đó có thể đạt đến cùng một vị trí ở cả hai bảng xếp hạng hay không?
Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất của lịch sử ngành Tâm lý học là của Walter Mischel và các sinh viên của mình. Họ nghiên cứu dựa trên một tình huống điển hình đối với những đứa trẻ bốn tuổi. Chúng được lựa chọn, hoặc là nhận một phần thưởng nhỏ (một chiếc bánh Oreo) luôn, hoặc một phần thưởng lớn hơn (hai chiếc bánh) nếu chúng chịu khó đợi 15 phút. Cụ thể là lũ trẻ sẽ ở một mình trong một căn phòng, trước mặt là một chiếc bàn với hai vật
Một chiếc bánh và một cái chuông dùng để gọi các nhân viên làm thí nghiệm. Thí nghiệm được mô tả như sau: “Trong phòng không có đồ chơi, không có sách, tranh hay bất cứ thứ gì có khả năng làm phân tán bọn nhóc. Những người thực hiện thí nghiệm bỏ ra ngoài và chỉ quay trở lại sau 15 phút, hoặc khi đứa trẻ rung chuông, ăn bánh, đứng dậy, hoặc khi trẻ có biểu hiện mệt mỏi.”
Những đứa trẻ tham gia thí nghiệm được quan sát qua chiếc gương một chiều, đoạn phim quay lại những hành vi của chúng trong suốt thời gian chờ đợi ấy luôn khiến người xem phải bật cười. Khoảng một nửa số trẻ em tham gia thí nghiệm có khả năng đánh bại sự nôn nóng, chờ đủ 15 phút, chủ yếu là vì các em biết hướng sự chú ý của mình khỏi ham muốn có được phần thưởng. 10 đến 15 năm sau, khoảng cách giữa những đứa trẻ cưỡng lại được sự ham muốn và những đứa trẻ không có khả năng ấy là rất lớn. Những em cưỡng lại được sự ham muốn có khả năng kiểm soát nhận thức tốt hơn, đặc biệt là có khả năng định hướng sự chú ý của bản thân một cách hiệu quả. Khi trưởng thành, tỷ lệ các em này dùng ma túy cũng thấp hơn. Một sự khác biệt đáng kể trong khuynh hướng trí tuệ cũng xuất hiện: Những đứa trẻ thể hiện khả năng kiềm chế bản thân tốt hơn khi mới chỉ bốn tuổi về cơ bản sẽ đạt được những thành tích cao hơn trong các bài kiểm tra trí tuệ.
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Oregon đã khám phá ra mối liên hệ giữa kiểm soát nhận thức và trí tuệ theo nhiều cách khác nhau, trong đó bao gồm cả nỗ lực nuôi dưỡng trí tuệ bằng cách nâng cao khả năng kiểm soát sự tự chủ. Trong năm phiên học, mỗi phiên kéo dài 40 phút, họ trình chiếu cho trẻ em từ bốn đến sáu tuổi vài chương trình trò chơi điện tử được thiết kế đặc biệt, đòi hỏi sự tập trung và kiểm soát. Một trong số những bài tập, đó là các em sử dụng một chiếc cần lái để điều khiển một chú mèo hoạt hình, di chuyển chú mèo này đến khu vực bãi cỏ và tránh những bãi sình lầy. Những người hướng dẫn nhận thấy rèn luyện sự tập trung không chỉ nâng cao khả năng kiểm soát; các điểm số ghi được trong những bài thi trí tuệ cũng được nâng cao và sự tiến bộ này được duy trì trong vài tháng. Một nghiên cứu khác cũng do nhóm này thực hiện đã xác định được những gen đặc biệt tham gia vào quá trình kiểm soát này, cho thấy các kỹ năng nuôi dạy con cái cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến khả năng này, nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên hệ mật thiết giữa khả năng kiểm soát sự chú ý của trẻ và khả năng kiểm soát tâm trạng của chúng.
Shane Frederick tiến hành một thí nghiệm “Phản chiếu nhận thức”, trong đó cũng đặt ra vấn đề “gậy và bóng” và hai câu hỏi khác được lựa chọn bởi chúng cũng là những thứ dễ làm nảy sinh những câu trả lời trực giác có vẻ rất đúng nhưng thực tế lại sai (câu hỏi sẽ xuất hiện ở chương 5). Ông nghiên cứu tính cách của các sinh viên đạt điểm rất thấp trong thí nghiệm này, ở những người này, chức năng giám sát của Hệ thống 2 rất yếu và nhận thấy họ có thiên hướng trả lời các câu hỏi bằng các đáp án đầu tiên xuất hiện trong đầu óc, họ cũng không sẵn lòng đầu tư thêm công sức để kiểm tra xem trực giác của mình có đúng hay không. Những người đi theo tiếng nói của trực giác không suy tính trong các câu hỏi đó cũng thường có xu hướng chấp nhận những gợi ý khác từ Hệ thống 1. Đặc biệt, họ thường bốc đồng, thiếu kiên nhẫn và thích nhận được thành quả ngay tức khắc. Ví dụ, 64% những người trả lời phương án trực giác nói họ thích nhận luôn 34.000 đô-la ngay trong tháng hơn là chờ đến tháng sau để nhận được 38.000 đô-la. Chỉ 37% những người trả lời đúng cả ba câu chọn phương án nhận được khoản tiền nhỏ hơn ngay lập tức, thay vì chờ đợi để nhận được khoản tiền lớn hơn. Khi được hỏi họ sẵn lòng chi bao nhiêu tiền để có một cuốn sách ngay trong ngày mà họ vừa đặt hàng, những người điểm thấp trong thí nghiệm “Phản chiếu nhận thức” (Cognitive reflection test) sẵn lòng trả gấp đôi so với những người điểm cao. Phát hiện của Frederick cho thấy trong vở kịch tâm lý này, các nhân vật có những “cá tính” khác nhau. Hệ thống 1 thì bốc đồng và trực giác; Hệ thống 2 thì có khả năng lý trí và rất thận trọng, nhưng ở một số người thì hệ thống này rất lười biếng. Chúng ta nhận thấy sự khác biệt liên quan giữa các cá nhân: Một số người thích Hệ thống 2 của mình hơn, một số người khác lại gần gũi với Hệ thống 1 của mình hơn. Bài thí nghiệm đơn giản này nổi lên như một nhà dự báo chuẩn xác nhất về thói quen lười tư duy ở loài người.
Keith Stanovich và người cộng sự lâu năm của mình, Richard West ban đầu cũng đã nhắc đến khái niệm Hệ thống 1 và Hệ thống 2 (sau đó họ thích gọi là các quá trình Kiểu 1 và Kiểu 2 hơn). Stanovich và đồng sự đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ về sự khác biệt giữa các cá thể khi phải đối diện với một số vấn đề mà cuốn sách này đề cập tới. Họ hỏi một câu hỏi cơ bản theo nhiều cách khác nhau: Điều gì khiến một số người dễ dàng tin tưởng vào các dự đoán sai lệch hơn những người khác? Stanovick đã rút ra kết luận trong một cuốn sách đã được xuất bản có tựa đề “Lý trí và Đầu óc phản chiếu” (Rationality and Reflective Mind), trong đó đề xuất một cách tiếp cận táo bạo và khác biệt đối với chủ đề của chương này. Ông vẽ ra một hình minh hoạ thể hiện sự khác biệt giữa hai phần của Hệ thống 2 – thực tế, sự khác biệt đó sắc bén đến mức ông gọi chúng là những “trí óc” khác biệt. Một trong những trí óc đó (mà ông gọi nó là thuật toán) sẽ đàm phán với sự tư duy chậm và yêu cầu sự tính toán. Một số người giỏi hơn những người khác trong những nhiệm vụ trí óc như thế này, họ thường là những cá nhân xuất sắc trong những bài kiểm tra trí tuệ và có khả năng chuyển nhanh từ một nhiệm vụ này sang một nhiệm vụ khác một cách hiệu quả. Tuy nhiên, Stanovich lập luận rằng trí tuệ thông minh không làm người ta miễn nhiễm với những sai lệch. Còn có một khả năng khác cũng tham gia vào quá trình này, mà ông dán nhãn cho nó là lý trí. Khái niệm của Stanovich về một người lý trí tương tự như người mà lúc trước tôi đã dán nhãn là “bận rộn”. Điểm mấu chốt trong lập luận của ông đó là sự lý trí đó phải được phân biệt với trí tuệ. Theo cách nhìn của ông, tư duy nông nổi hay “lười biếng” là một dòng chảy của trí óc phản chiếu, một sự thất bại của lý trí. Đây quả thực là một ý tưởng hấp dẫn và táo bạo. Để hỗ trợ cho nó, Stanovich và các đồng sự đã tìm ra câu hỏi bẫy “gậy và bóng” và những người khác thích hiểu nó là một dạng chỉ dẫn cho những nhầm lẫn ngớ ngẩn trong tư duy hơn là một thước đo thông thường cho trí tuệ, ví dụ các bài kiểm tra IQ. Thời gian cho chúng ta biết sự khác biệt giữa trí tuệ và lý trí sẽ dẫn dắt ta đến những khám phá mới.
Kiểm soát lên tiếng
“Cô bé không tài nào ngồi im mà thực hiện một nhiệm vụ kéo dài hàng giờ được. Cô bé lúc nào cũng động đậy.”
“Cái tôi của anh ta đã bị làm cho suy kiệt sau một ngày dài họp hành. Thế là anh ta quay trở lại những tiến trình xử lý trực giác thay vì suy nghĩ thấu đáo vấn đề.”
“Anh ta chẳng buồn kiểm tra xem những gì mình nói có giá trị gì không nữa. Chả lẽ anh ta lúc nào cũng có một Hệ thống 2 lười biếng, hay là anh ta bị mệt mỏi bất thường?”
“Đáng tiếc là cô ta có xu hướng buột miệng nói ra những suy nghĩ bột phát trong đầu. Hẳn là cô ta cũng sẽ gặp khó khăn khi trì hoãn một liên tưởng về sự hài lòng. Hệ thống 2 yếu kém.”