Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 23: Tiệc Trà Eden Hall

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Tôi đề xuất một kiến nghị về vấn đề tín nhiệm trong chính phủ vào 20/7/1961 để tách bạch địch ta bạn thù trong Quốc hội.

Ngày 18/7, hai ngày trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Sở đặc vụ báo cáo rằng Lim Chin Siong, Fong Swee Suan, Sidney Woodhull và James Puthucheary đã dùng trà với Selkirk tại Eden Hall. Điều này thật kỳ lạ. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng và rạn nứt nghiêm trọng với những phần tử quốc gia trong PAP, Lim và Fong lại giao du với kẻ thù chính của họ là người Anh. Tôi kết luận rằng họ đang thăm dò để khám phá xem, nếu các đại biểu thân cộng trong Quốc hội chiếm đa số thì họ có thể nắm quyền hay không. Keng Swee, Chin Chye, Raja và tôi xác định rằng người Anh sẽ hoan hỉ với cơ hội khoét sâu hố ngăn cách trong nội bộ chúng tôi để không còn hy vọng gì hòa giải và tập hợp các phần tử thân cộng lẫn phi cộng sản trong PAP thành một mặt trận thống nhất nữa. Điều này thuận tiện cho chúng tôi. Những phần tử thân cộng lâu nay đã là nỗi lo của chúng tôi. Nhưng chúng tôi phải cẩn thận trong việc đối phó với họ. Nếu chúng tôi tỏ ra cơ hội, vắt chanh bỏ vỏ, chúng tôi sẽ mất sự ủng hộ của khối nói tiếng Hoa. Việc hợp nhất là lý do rất tốt để chia tay nhau.

Từ lần tuyên bố đầu tiên vào ngày 4/6/1959, xác định ủng hộ dứt khoát một Malaya độc lập, dân chủ, không cộng sản và ủng hộ Singapore được độc lập thông qua hợp nhất, họ đã cam kết gắn bó với chính sách này. Bây giờ họ sắp phá bỏ thỏa ước mà dựa vào đó PAP và CUF đã đấu tranh và thắng lợi trong tuyển cử. Nếu chúng tôi không thể vượt qua khỏi một sự chia rẽ quanh một vấn đề rõ ràng như thế, thì chúng tôi chẳng bao giờ tồn tại nổi. Chúng tôi cảm thấy như thoát khỏi một gánh nặng. Chúng tôi sẽ không bao giờ phải cho họ mượn tiếng nữa. Chúng tôi sẽ thắng lợi bằng chính sức mình hoặc sẽ rút lui. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chịu được người Anh với thủ đoạn giúp phe cộng sản giành quyền lực; việc đó sẽ khiến chúng tôi có vẻ như là đồng minh của họ. Do đó chúng tôi quyết định làm người Anh bị lộ bộ mặt là đồng minh của phe thân cộng. Đó là chủ trương của tôi trong cuộc tranh luận bỏ phiếu tín nhiệm:

“Các bữa tiệc tối, tiệc rượu nhẹ và bữa trưa đã dẫn tới mối liên kết giữa hai cựu đối thủ, một bên là Con sư tử Anh quốc và một bên là các ông Lim Chin Siong, Woodhull và đồng sự. Phe thân cộng đã đi tới chỗ tin rằng PAP là bọn cản trở tồi tệ, rằng người Anh, một dân tộc khôn ngoan và giỏi chính trị, đã được chuẩn bị để tượng hình một chính quyền cánh tả mới xuất hiện ở Singapore, thậm chí còn khuynh tả hơn cả PAP; miễn rằng các căn cứ quân sự của họ không bị đụng chạm. Sự vụ đã xảy ra là người Anh đã trở thành những tay xách động của họ. Và họ đã thành công đến thế nào! Một cách lặng lẽ và ngấm ngầm, họ đã kích động những người thân cộng thực hiện mưu toan khống chế cả chính quyền và đảng PAP. Những người cách mạng trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm đã lún sâu vào việc này, vào một cuộc khủng hoảng. Lim Chin Siong, Woodhull và Fong Swee Suan đã hy vọng vào những cuộc thảo luận với Cao ủy Anh vào thứ Ba vừa qua, ngày 18, tại Eden Hall, trụ sở của các đại diện đế quốc Anh.

Thưa quý vị, chúng tôi cảm thấy có cái gì đó kỳ lạ đang xảy ra và do đó chúng tôi đã cho giám sát tòa nhà của Cao ủy Anh. Lạ chưa! Những tay cách mạng và chống thực dân lừng lẫy lại đi thảo luận kín với Sư tử Anh quốc… Và người Anh cũng có thể hy vọng rằng dưới áp lực tấn công và nguy cơ bị khống chế, PAP sẽ phải chống cự lại và sau cùng phải đàn áp cộng sản, điều mà cho đến nay họ đã không thuyết phục PAP tiến hành được. Trong khi đó, với PAP, người Anh đã đề nghị rằng chúng tôi phải có biện pháp chống lại tình trạng âm mưu lật đổ đang ngày càng tăng. Thực ra, một kế hoạch đã được vạch ra mà kết thúc sẽ là một hành động dẫn đến xung đột công khai với phe cộng sản, trong đó PAP hoặc là tiếp tục nắm quyền, và như thế bị buộc phải vĩnh viễn bảo vệ chủ nghĩa đế quốc Anh, hoặc phải rút lui, trong trường hợp đó một chính phủ phi cộng sản và không chịu áp lực của người Anh sẽ phải bị loại bỏ.”

Một số dân biểu quốc hội theo Hán học đã yêu cầu tôi rút kiến nghị về vấn đề tín nhiệm. Tôi tin rằng Lim Chin Siong và Fong cần có thời gian để xem xét các hàm ý sâu xa của tất cả chuyện này. Tôi quyết định đẩy mạnh vấn đề tới nữa vì tôi đã có đủ số dân biểu quốc hội để cho phép chúng tôi hoàn thành được việc hợp nhất vào năm 1963. Tôi muốn các dân biểu quốc hội của PAP phải vững vàng và đáng tin cậy.

Chin Chye đã nói rõ lập trường của chúng tôi khi ông đọc trích đoạn từ một văn bản mà các Bộ trưởng Singapore đã viết và trình cho Hội đồng an ninh nội chính tại phiên họp đầu tiên của hội đồng vào ngày 12/8/1959. Văn bản lý giải lập trường của chúng tôi là “không cộng sản”, đồng thời chỉ rõ và tách biệt Lim Chin Siong như là lãnh tụ cộng sản chủ yếu. Văn bản nhận định Lim như một nhân vật mà người Anh biết rõ là cán bộ công khai quan trọng nhất của MCP, tuy vậy Cao ủy Anh vẫn tiếp ông ta tại Eden Hall chỉ hai ngày trước khi các dân biểu quốc hội thuộc phe ông ta sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất về vấn đề tín nhiệm chính phủ.

Cuộc thảo luận về việc bỏ phiếu tín nhiệm tiến hành từ 2 giờ 30 chiều ngày 20/7 đến tối, chỉ tạm nghỉ một tiếng để ăn tối, rồi kéo dài đến 3 giờ 40 sáng hôm sau trước khi tiến hành biểu quyết. Khắp trụ sở quốc hội nhộn nhịp hoạt động, từ phòng họp lớn cho đến phòng các tiểu ban. Khối thân cộng cố hết sức vận động càng nhiều dân biểu thuộc PAP càng tốt để họ bỏ phiếu chống lại đề xuất này. Họ đã vận động được tám người. Chúng tôi dự trù còn vài người nữa ngả theo họ: câu hỏi là tổng số đó là bao nhiêu. Chúng tôi cần ít nhất 26 phiếu để nắm quyền mà không phải liên hiệp. Mà một chính phủ liên hiệp sẽ là một tai họa. Nó có nghĩa rằng phải tiếp nhận SPA hay Liên minh UMNO và MCA, cả hai đều bị nạn tham nhũng hoành hành. Chúng tôi sẽ mất cái phẩm chất chính trị quý giá nhất của mình là tính liêm khiết.

Chúng tôi quyết định tạm gác kỷ luật đảng và để mọi người bỏ phiếu theo ý mình. Chúng tôi cần những người tự nguyện, chứ không phải những người bị cưỡng bách, cho cuộc chiến khó khăn sắp tới. Phái thân cộng rồi cũng thôi tìm cách lôi cuốn các dân biểu người Ấn và Malay, mà tập trung vào những người biết hai ngôn ngữ và khối Hán học. Nhưng họ cần có thời gian, và nhiều người đã tiếp cận trưởng ban kỷ luật đảng là Lee Khoon Choy để đề nghị hoãn cuộc biểu quyết đến hôm sau. Chúng tôi đã từ chối. Vậy là họ giở trò trì hoãn, đọc những bài diễn văn lê thê, lặp đi lặp lại để kéo dài tiến trình làm việc.

Trong số những người được họ vận động có ba đại biểu Hán học rất khác thường đã không chịu thuận theo phái cộng sản. Người dũng cảm nhất trong đó là Chor Yeok Eng. Ông ta sống tại Bukit Timah, một vùng nông thôn mà cộng sản có thế mạnh. Ông đã bị đe dọa tính mạng nhưng vẫn kiên quyết. Tương tự như vậy là Chan Chee Seng, một tay đai đen nhu đạo cao lớn 26 tuổi, rất can đảm và đặc biệt trung thành với Pang Boon và tôi. Ngược lại, Lee Teck Him là một người đàn ông 55 tuổi, làm thư ký cho Phòng thương mại Hoa kiều, một dân nhập cư thế hệ đầu tiên ra đời ở Fujian. Vì lý do nào đó, ông ta không hăng máu vì một nước Trung Quốc mới như các học sinh trung học người Hoa khác. Có lẽ ông đã biết về những gì xảy ra cho họ hàng của ông ở đó. Dù cho đó là chuyện gì, tôi vẫn thấy rất khích lệ vì ông đứng về phía chúng tôi.

Chúng tôi không chắc kết quả biểu quyết sẽ ra sao; và nghĩ rằng hai bên sẽ hơn thua nhau sát nút. Chan Chee Seng và tôi thử đếm đầu người và chỉ nắm chắc được có 25 – còn thiếu một phiếu nữa mới đạt quá bán. Và chính lúc này Sahorah binte Ahmat xuất hiện. Sahorah là một phụ nữ to lớn 36 tuổi, một diễn giả giỏi nói bằng tiếng Malay, đơn giản và thẳng thắn. Bà ta đang bệnh và nằm tại Bệnh viện đa khoa Singapore, tại đây bà đã được bà chị của ông Đặc mệnh tới tiếp xúc, và hẳn cuộc tiếp xúc thành công, vì vài giờ trước khi biểu quyết, một số dân biểu người Malay đã tới gặp bà ta và báo cáo lại rằng bà đã theo phe đối phương. Nhưng trong cuộc họp tại phòng đại biểu trong giờ nghỉ giữa buổi thảo luận, Chen Seng nói rằng ông mới gặp Sahorah vào bữa trước và tin rằng ông có thể đưa bà tới trụ sở Quốc hội để bỏ phiếu cho chúng tôi. Tôi đã bó tay và bảo ông ta đừng phí thì giờ, nhưng Chin Chye nói xen vào là có cố gắng thử thì cũng chẳng thiệt hại gì.

Sahorah nói với Chee Seng rằng các đồng sự người Malay của bà đã lảng xa bà trong những hoạt động chính quyền, chứng tỏ họ đã coi thường bà. Nên bà đã không để họ thuyết phục, bà ủng hộ chính quyền. Nhưng bà thích Chee Seng và đồng ý sẽ tới. Chee Seng lập tức thu xếp một chiếc xe cứu thương để chở bà tới trụ sở Quốc hội và cho cáng bà vào phòng của các dân biểu. Từ đó, bà cố gắng đi khoảng 15 thước để vào phòng họp kịp lúc cho cuộc biểu quyết.

Hai mươi sáu đại biểu thuộc PAP đã biểu quyết ủng hộ đề xuất, giúp chúng tôi đạt quá bán, 26 trên tổng số 51. Nếu chúng tôi thua cuộc biểu quyết này, chính phủ sẽ phải thoái nhiệm. Rồi hoặc là phe thân cộng sẽ lập một chính phủ mới với nhiều thành viên PAP nhảy qua cộng tác với họ, hoặc sẽ có tổng tuyển cử mới mà trong đó họ tin rằng họ sẽ thắng.

Bác sĩ Lee Siew Choh, thư ký quốc hội bên cạnh Bộ trưởng Nội vụ và những người ủng hộ ông ta đã biểu quyết chống lại đề xuất, họ tin rằng về lâu dài, phía cộng sản sẽ thắng. Khi chúng tôi củng cố vị trí của mình, và họ hứa hẹn bầu ông ta làm thủ lĩnh và giữ chức Thủ tướng, ông liền nắm ngay lấy cơ hội ấy. Ông ta là một tay nghiện cờ bạc ngay từ hồi còn học ở Đại học Y. Khá to con so với người Hoa bình thường, ông ta có thể lực tốt, giọng nói rổn rảng hơi quá tự tin và khoe khoang. Ông ta có chơi banh rugby và cờ tướng. Trên sân banh, phương pháp của ông ta là càn lướt tiến tới, không hề có chiến thuật đánh lạc hướng hay lừa đối phương và do đó ông dễ dàng bị truy cản. Keng Swee, người thường chơi cờ với ông ta, thấy rằng ông ta bạo gan đến mức liều lĩnh. Ông ta luôn luôn khởi động bằng một nước đi ngoạn mục nào đó để phá vỡ phòng thủ và hạ gục đối phương, và quên rằng một đối thủ có kinh nghiệm sẽ không bao giờ bị dẫn dụ đi vào mạo hiểm khi họ có thể tiến bước vững chãi không khoan nhượng chống lại một kẻ phiêu lưu. Lần này ông ta đã bước vào cuộc cờ lớn nhất đời mình – chức Thủ tướng hoặc không gì cả.

Hai dân biểu phe chúng tôi đã bỏ phiếu chống lại đề xuất. Họ chẳng là cộng sản một tí nào cả, nhưng vài tháng trước cuộc bầu cử bổ sung ở Anson, các cán bộ cộng sản đã theo sát họ và đã viết diễn văn và các bài báo cho họ. Khi tôi cho mời và trách cứ họ sau khi nghe những diễn văn lạ lẫm của họ trong Quốc hội, họ đã xin lỗi, nhưng sau thất bại của PAP trong cuộc bầu cử bổ sung ở Hong Lim, họ cũng như nhiều người khác đã thay đổi chính kiến, cảm thấy rằng tương lai của mình nằm trong các hiệp hội và “quần chúng”.

Mục tiêu đầu tiên của Lim Chin Siong là lôi kéo một số dân biểu về phe mình đủ để thành lập một chính phủ mới. Khi điều đó thất bại, ông ta đã thử nhiều chiến lược để ngăn chặn việc tiếp tục thương thảo với Malaysia về việc sáp nhập. Ông ta đã thành lập một đảng mới, Barisan Sosialis (Mặt trận Xã hội). Bác sĩ Lee Siew Choh, chủ tịch Mặt trận, lúc đó đã kêu gọi tuyển cử lại.

Lim Chin Siong im lặng trong một tuần sau đợt quốc hội thảo luận về đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm. Đến ngày 28/7, tờ Straits Times đăng tải một lá thư của ông ta mang đầy những dấu ấn của Woodhull và Puthucheary: “Xin cho tôi được nói rõ một lần chung quyết rằng tôi không phải là một người cộng sản, hay một đại diện cho cộng sản hoặc đại diện cho bất cứ ai…” Ông ta thậm chí đã không muốn trở lại chính trường sau khi được phóng thích, còn về việc được đề cử làm thư ký chính trị bên cạnh Bộ trưởng Tài chính, ông ta nói: “Tôi không những đã ngần ngại nhận chức vụ này, mà tôi còn đề nghị rút lui khỏi sinh hoạt chính trị nếu ông ta (Lee Kuan Yew) muốn như thế. Và ông ta đã không muốn như thế. Thay vào đó, ông ta muốn cho mọi người thấy rằng tôi đã đồng nhất với chính phủ.”

Những kết luận tôi đã rút ra từ buổi tiệc trà này đã bị ông ta bác bỏ như một kích động chống cộng:

“Trong cơn rối trí, họ đã bắt đầu kêu gào về chủ nghĩa cộng sản và tình trạng rối loạn, hy vọng sẽ khiến một số người tin vào họ. Người cánh tả vốn thường bị coi là những kẻ chủ mưu gây rối bây giờ, như chúng tôi được nghe nói, lại bị người Anh dẫn dụ. Thật buồn cười làm sao! Những cuộc gặp gỡ giữa tôi với Huân tước Selkirk là rất hiếm hoi. Nếu việc gặp gỡ Huân tước Selkirk có thể khiến người ta trở thành kẻ chủ mưu gây rối thì ông Lee mới là kẻ gây rối lớn nhất vì ông ta giao dịch với Huân tước Selkirk nhiều hơn bất kỳ ai ở Singapore này.”

Cùng ngày đó, ông ta còn đọc một bài diễn văn dài hai tiếng trong buổi họp của một nghiệp đoàn. Cuối bài diễn văn, ông ta lại đề cập lướt qua buổi tiệc trà ấy: “Về việc Lim Chin Siong dùng trà và ăn uống với người Anh, đó là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là lập trường có vững hay không. Chúng ta không thể nói rằng khi dùng trà với họ là ta đã cùng hội cùng thuyền với họ.” Ông ta hẳn đã cảm thấy các công nhân đã e rằng người Anh đã dẫn dụ ông ta. Ông ta và những người thân cộng ủng hộ ông nay đã bị lộ mặt và cô lập mà không còn giữ được lớp vỏ phi cộng sản đáng tin cậy. Nhưng ông ta sẽ không thoát nạn với những bào chữa đó. Nếu ông ta đã ngại không muốn trở lại chính trường và nhận một chức vị trong chính phủ, thì tại sao phải gặp Selkirk?

Tôi trả lời bằng một lá thư ngày 4/8 gửi cho tờ Straits Times với tư cách tổng thư ký của PAP:

“Chúng tôi… hết sức quan tâm đến những vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra sau bầu cử. Một trong những vấn đề đó là ông ta và các bạn hữu sẽ làm gì sau khi chúng tôi giải phóng họ. Ông ta đã đề nghị rút khỏi chính trường và qua sống ở Indonesia. Thứ nhất, đó không phải một đề nghị được đưa ra một cách nghiêm túc. Thứ nhì, chúng tôi cho rằng sẽ không đúng và thỏa đáng khi đặt điều kiện là ông ta phải rút lui khỏi chính trường trước khi chúng tôi quyết định tham gia tranh cử để chiến thắng. Chúng ta phải đối mặt với thách thức cộng sản cho dù cá nhân ông Lim có hiện diện trong chính trường Singapore hay không…”

(Về buổi tiệc trà) “Ông ta vẫn chưa giải thích tại sao ông ta đi gặp Huân tước Selkirk… Trong một giải thích đăng trên báo chí tiếng Hoa ngày 29/7, ông ta nói rằng ông gặp Huân tước Selkirk vì lý do xã giao, tạo ấn tượng rằng những buổi nói chuyện của ông với ủy viên Anh chỉ thuần túy là giao tế. Mà không hề có một dịp lễ hội nào vào ngày thứ Ba 18/7 đó cả. Và cũng không có người khách nào khác ngoài ông Lim và các bạn hữu.”

Một giải thích sẽ được đưa ra sau đó, nhưng không phải từ Lim Chin Siong. Trong một lá thư gửi tờ Straits Times ấn hành chín ngày sau đó, 13/8, Woodhull trích lại đoạn đối thoại giữa Puthucheary với Keng Swee sau cuộc bầu cử bổ sung Anson. Keng Swee đã nói với Puthucheary rằng sự can thiệp của Anh là rất có thể xảy ra, rằng họ sẽ không ngồi yên và nhìn phái thân cộng hủy diệt PAP; và nếu nhóm lãnh tụ phe quốc gia bị công khai chống đối, PAP, về phần mình, sẽ ngưng hoạt động và để mặc người Anh tiêu diệt phe thân cộng.

Ngày hôm sau, Keng Swee, trong một lá thư, đã kể lại điểm chính trong những đối thoại giữa ông ta và Puthucheary:

“…Sau cuộc bầu cử Anson, ông Puthucheary trở nên ngày càng bị kích động, ông ta yêu cầu tôi, nhân danh tinh thần thuần lý, hãy sửa đổi chính sách của chúng tôi và dung nạp Lim Chin Siong và nhóm của ông ta. Một giải pháp khác tất sẽ đưa tới hủy diệt cho PAP trong vai trò một lực lượng chính trị. Viễn tượng này khiến ông rất nản chí và chấn động…

Chính trong lúc này, tôi đã bước vào một loạt những cuộc thảo luận nghiêm túc, đôi khi còn căng thẳng và kích động, với ông Puthucheary về tương lai của đảng và của đất nước. Tôi nói rằng tôi biết Lim Chin Siong đã tung toàn lực tổ chức công đoàn của ông ta để đánh bại PAP tại Anson. Tôi nói là tôi cũng biết toàn lực các cán bộ công đoàn của Lim Chin Siong đã được triển khai để chống các ủy viên tổ chức và thành viên các ban chấp hành chi bộ của chúng tôi, và kết quả là một số lớn đảng viên đã rời bỏ hàng ngũ. Nhưng, như tôi đã chỉ rõ, tình hình này không có gì mới. Điều tương tự đã xảy ra năm 1957, khi các cán bộ công đoàn phát động cuộc tấn công vào tổ chức của PAP và gần đi tới chỗ nắm được toàn ủy ban trung ương đảng. Tôi nói rằng, vào năm 1957, hậu quả của cuộc tấn công của phe thân cộng nhắm vào chúng tôi là đã vạch được một cách công khai và rõ ràng sự khác biệt giữa các nhóm thân cộng và phi cộng sản trong đảng. Trò phiêu lưu này đã cho người Anh một cái cớ để thực hiện một đợt phản công lớn.”

Keng Swee nghĩ rằng nhóm thân cộng muốn gặp Selkirk vì họ xem đây như một ám chỉ rằng người Anh sắp tung một đợt phản công lớn nhằm vào họ. Trong một thư trả lời xuất bản ngày 21/8, Puthucheary đưa ra một lý giải khác, lặp lại những gì Woodhull đã nói: Điều mà họ tìm kiếm ở Selkirk là sự minh định một giả thiết mà PAP đã nói rõ, cụ thể là không thể có một chính quyền nào khác với các lãnh đạo hiện nay của PAP, rằng họ là nhóm duy nhất mà người Anh sẽ cho phép nắm quyền. Nhưng những hàm ý thì thực ra vẫn vậy: họ muốn một bảo đảm từ phía người Anh rằng họ có thể tiếp tục các kế hoạch của mình mà không sợ bị trừng phạt.

Nhiều năm sau, vào năm 1982, Selkirk nói với một phóng viên rằng Puthucheary đã điện thoại cho ông ta vào sáng thứ Ba 18/7 đó, để hỏi rằng ông ta (Puthucheary) cùng một hai người bạn có thể tới gặp ông không. Selkirk đã đề nghị bữa trưa ngày hôm sau. Puthucheary nói rằng vấn đề rất khẩn cấp và ông ta muốn gặp càng sớm càng tốt nếu thuận tiện. Selkirk “đã miễn cưỡng mời họ tới dùng trà” lúc 4 giờ chiều. Selkirk nói rằng điều cốt yếu mà họ hỏi ông ta là:

“‘Phải chăng hiến pháp được soạn nhằm phục vụ Lee Kuan Yew hay đó là một hiến pháp tự do?’ Tôi chỉ nói thế này: ‘Đó là một hiến pháp tự do, hãy bám chặt vào đó và không bạo loạn ông hiểu chứ?’ Toàn bộ chỉ có vậy. Rồi họ ra về, sau đó tôi nói với Lee Kuan Yew, trước cuộc thảo luận trong Quốc hội, rằng tôi đã gặp bọn họ.”

Nhưng tôi tin rằng họ không nhìn ra vấn đề. Selkirk chẳng phải một nhà chính trị non kém. Ông ta hiểu ý nghĩa của bản tạm ước. Đối với đại diện cao cấp của chính quyền Anh tại Singapore, việc đích thân tiếp kiến Lim Chin Siong và Fong trong một giai đoạn khủng hoảng trong đó tương lai của chính quyền bản xứ đang gặp nguy cơ tức là đưa ra một tín hiệu có ý nghĩa nào đó. Nhóm thân cộng hẳn sẽ lý giải điều đó như một công nhận rằng người Anh đã sẵn sàng làm việc với Lim, một cựu tù nhân, người mà theo hiến pháp 1958, đã bị cấm tham gia các cuộc bầu cử. Hơn nữa, không ai trong số bốn người tới gặp Selkirk là dân biểu trong Quốc hội lập pháp và do đó họ không có tư thế để biện minh cho bất kỳ một thảo luận nào về việc thành lập một chính phủ mới. Tôi không thể chấp nhận cách giải thích của Selkirk rằng ông ta đã gặp họ hoàn toàn vì lịch sự ngoại giao, và chỉ đưa ra một câu trả lời đúng đắn về mặt hiến pháp. Trong thâm tâm tôi vẫn hài lòng rằng ông ta đã làm như thế. Bây giờ thì chúng tôi không còn kẻ nội thù nữa.

Keng Swee và tôi tin rằng bộ óc điều khiển đằng sau trò vận động này không phải Selkirk mà là ủy viên phụ tá của ông ta, Phillip Moore. Moore là một người có năng lực, nhanh nhạy và có óc thông minh sắc sảo. Ông ta người to lớn, cao, có gương mặt thân thiện và đôi mắt ưa cười. Có một điều gì đó gắn bó và cởi mở ở ông ta. Ông thuộc giới trung lưu Anh và được học ở trường công. Ông từng là phi công lái máy bay ném bom trong Thế chiến thứ hai và bị bắn rơi trên lãnh thổ Đức vào tháng 12/1942 rồi trở thành tù binh cho đến năm 1945. Sau đó, ông đi học ở Oxford và hẳn đã tốt nghiệp loại I nếu ông không đi làm công chức trước kỳ thi tốt nghiệp. Ông ta có huy chương danh dự của môn bóng rugby và từng chơi cho đội tuyển Anh; điều này thể hiện ở vóc dáng thể thao vá tác phong nhanh nhẹn của ông ta.

Moore và các thành viên khác trong Ủy ban Anh nhận thấy rằng khó mà hiểu thấu các lãnh tụ PAP bởi vì nguyên tắc tự đặt ra và nêu lên rất công khai của chúng tôi là các Bộ trưởng phải cắt giảm đến tối thiểu việc tham gia các nhiệm vụ không chính thức (bên ngoài chính phủ). Chúng tôi đã thấy các Bộ trưởng của Marshall và Lim Yew Hock đã tham gia tiệc tùng đình đám và mất uy tín trước dân chúng thế nào vì dân chúng coi họ là bọn chỉ lo leo cao trên bậc thang xã hội. Moore tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách chơi gôn với Keng Swee và tôi sau mỗi buổi họp của Hội đồng an ninh nội chính để có dịp nói chuyện lâu hơn trên sân gôn cũng như trong lúc giải khát sau đó. Ba mươi bốn năm sau, khi đã về hưu, Moore đã nói với tôi rằng vào cuối năm nọ, ông đã cho rằng Goode đã chính xác khi viết trong báo cáo rằng tôi chẳng phải một người cộng sản giấu mặt mà là một người chống cộng giấu mặt. Báo cáo của Goode rất quan trọng trong việc xác định chính sách của Anh vì Huân tước Ian Wallace, lúc đó là thứ trưởng thường trực tại Bộ Thuộc địa tại London, thượng cấp của Moore, sau khi nói chuyện với tôi gần ba tiếng hồi năm 1961, cũng đồng ý với đánh giá của Goode.

Từ kho lưu trữ của Anh, tôi đã tìm ra tài liệu biện minh cho suy luận của chúng tôi rằng người Anh đã dự định tách nhóm thân cộng khỏi PAP, một báo cáo vào tháng 10/1961 của Phillip Moore gửi Ian Wallace, đã đặt ra vấn đề Singapore và việc hợp nhất:

“Một khi Lim Chin Siong tin rằng dân chúng Singapore sẽ ủng hộ việc hợp nhất, tôi e rằng ông ta có thể trở lại với chính sách lâu dài ban đầu của MCP – một chính quyền xã hội chủ nghĩa cho toàn Malaya. Cơ hội lật đổ Lee Kuan Yew và lập được một chính phủ do cộng sản lãnh đạo tại Singapore trong tháng 7, có vẻ như ngàn vàng đến độ Lim Chin Siong không cưỡng lại được.’’

Cái “cơ hội như ngàn vàng” mà Moore đề cập ấy là vụ bỏ phiếu tín nhiệm xảy ra vào tháng 7. Việc Selkirk khẳng định: “Đó là một hiến pháp tự do, hãy bám chặt vào đó và không bạo loạn, ông hiểu chứ?” cũng chính là chủ trương của người Anh đối với Tunku, Thủ tướng Malaysia. Cũng trong lá thư đề ngày 18/10 đó, Moore báo cáo rằng: “Chúng tôi đã phải giải thích cho chính phủ liên bang rằng, miễn là Barisan Sosialis hành động một cách hợp hiến, thì sẽ không có chuyện bảo vệ Lee Kuan Yew bằng cách đơn giản là tống giam các lãnh tụ Barisan Sosialis hoặc tạm đình chỉ hiến pháp Singapore”. Nói cách khác, người Anh chọn lập trường rằng, miễn là Barisan Sosialis hoạt động hợp hiến, họ sẽ được tự do giành lấy chính quyền theo kiểu hiến pháp cho phép.

Lim Chin Siong và các đồng chí đã xem lời mời dùng trà của Cao ủy Anh và những điều ông ta nói với họ như một dấu hiệu rằng người Anh sẵn sàng làm việc với họ, rằng họ sẽ không bị phong tỏa vì người ta không muốn họ giành được chính quyền. Selkirk đã nói rõ lập trường chính xác theo hiến pháp, còn họ thì suy diễn ra những hậu ý và quyết định tiến hành việc giành lấy chính quyền, thoát ly khỏi PAP và mưu việc gạt PAP ra khỏi chính quyền.

Quan điểm hợp pháp tưởng chừng đơn giản mà Selkirk nêu ra đã đạt được ba mục tiêu. Thứ nhất, chính phủ PAP phải có biện pháp ngăn chặn Lim Chin Siong và các đồng chí hoặc sẽ phải đối diện nguy cơ bị họ lật đổ. Thứ nhì, quan điểm đó đem lại cho Lim và các đồng chí một khả năng giành chính quyền. Thứ ba, nó cho Tunku thấy những hậu quả cho Malaysia sẽ rất nghiêm trọng nếu ông ta không cho Singapore gia nhập liên bang. Một khi Tunku công bố kế hoạch của ông ta dành cho Singapore và các lãnh thổ thuộc Borneo và tôi không chịu thuận theo lời kêu gọi của Lim Chin Siong về việc giải tán Hội đồng an ninh nội chính và thực thi những quyền tự do dân chủ hơn, ông Đặc mệnh đã quyết định tiêu diệt PAP và tôi, bởi vì việc hợp nhất phải được ngăn chặn lại bằng bất cứ giá nào. Điều này, nhiều năm sau đó, mới được tiết lộ bởi Koo Young, thuộc viên của Lim trong tổ chức CUF, và cũng được chính Lim Chin Siong xác nhận vào năm 1984 khi ông ta nói với Bộ an ninh nội chính rằng ông ta đã gặp ông Đặc mệnh ba lần trong khoảng cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, và tại một trong những lần gặp gỡ ấy, phái tả đã được lệnh tách khỏi PAP. Rõ ràng ông Đặc mệnh đã nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải e sợ trước sức mạnh của phái tả, mà điều đó đúng là thế. Ông ta nghĩ rằng chúng tôi là loại dân trung lưu, mềm yếu, có Anh học, ưa hưởng thụ kiểu tiểu tư sản, mê rượu bia, thích chơi gôn, làm việc và ngủ trong những phòng có máy lạnh và đi những chiếc xe hơi được điều hòa không khí. Ông ta đã không thấy rằng những người tiểu tư sản theo Anh học cũng có đủ chất thép để đương cự được với áp lực mà ông đè xuống chúng tôi.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky